sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ dữ dội (Tập 2) - Phần VIII - Chương 07 - 08 - 09 (Hết)

7.

- Mạ ơi! Mạ! Mạ! Con đây mạ! - Từ ngoài cửa lớn, Mừng chạy ào vào, kêu to thất thanh.

Tiếng gọi mạ của người chiến sĩ thiếu niên không may gặp phải chuyện oan khuất, có một âm sắc xé lòng, đến nỗi ba mươi năm sau, bác sĩ Lê Khắc Thiền còn nói: "Mỗi lần tôi bất chợt nhớ lại tiếng gọi mạ của em, người tôi cứ nổi hết gai ốc!".

Từ lúc Nghi xách súng chạy ra khỏi lán, chị tổ trưởng dân công mắt cứ mở trân trân nhìn ra phía cửa lán, người chị gần như bất động. Cả gương mặt chị, từ ánh mắt, từ làn da ngả dần sang màu sáp trong, từ vầng trán xâm xấp mồ hôi, cặp môi héo hắt, ngầm ngập nỗi chờ khắc khoải đến kinh khiếp.

Và như kiệt sức vì đợi chờ, chị bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê. Có lẽ lúc này thần chết đang níu kéo chị, và chị tuyệt vọng, bất lực, cố sức trụ lại. Bàn tay chị bíu chặt thành cáng, như người sắp chết đuối bíu chặt mảnh ván thuyền.

Mừng ngồi thụp xuống bên cáng, ôm chùm lấy đầu mẹ, lay lay gọi chuyển động cả gian lán.

- Mạ! Mạ! Mạ tỉnh lại đi! Con đây mà mạ!

Mặt em cúi gần chạm mặt mạ, vừa gọi vừa khóc như mưa như gió. Nước mắt em nóng hổi, lã chã rơi xuống mặt mạ. Có lẽ tiếng lay gọi và những giọt nước mắt nóng bỏng của con trai đã giúp người mẹ vùng ra khỏi cánh tay siết chặt, níu kéo của thần chết. Chị vụt mở bừng mắt, nhìn con trân trân. Chưa bao giờ chị nhìn mặt con sát gần đến như thế. Hình như chị vẫn chưa dứt khỏi cơn mê sảng, có thể chị tưởng là nhìn thấy con trong mơ. Và trí nhớ chị như vụt hồi phục. Cặp mắt chị sống động hẳn lên. Chị đưa hai tay ôm mặt con, kéo sát gần hơn nữa, rồi đẩy ra xa một chút để nhìn cho được rõ. Miệng chị nửa như cười, nửa như mếu. Chị nói, giọng tỉnh táo khác thường:

- Con đó à Mừng? Rứa là mạ đã được chộ mặt con…

- Ui chao, đời mạ răng mà rủi ro đau đớn đến nước ni, con ơi! Mạ nghe nói con đi theo thằng Năm-ngựa làm Việt gian… Con dại dột quá con ơi… Nhưng cũng do lỗi tại mạ hết… Con hư tại mạ… Chừ mạ sắp nhắm mắt, xuôi tay, mạ phải nói rõ đầu đuôi đời mạ, đời con, cho con biết. Thằng Năm-ngựa không phải cha con mô. Quê mạ con mình tận ngoài Quảng Trị tê. Cha con rủi chết từ lúc mạ có mang con được ba tháng. Cha, mạ thương nhau hung… lỡ ăn nằm với nhau mà chưa kịp cưới xin. Cha con bệnh nặng, nghèo quá không có tiền thuốc thang nên phải chết. Mạ đành mang tiếng gái chửa hoang. Xấu hổ ê chề, mạ bỏ trốn khỏi làng, lần mò vô thấu Huế, tìm đường sinh sống, chờ ngày sanh con. Mạ tứ cố vô thân, khờ dại quá, không biết làm chi ngoài việc hàng xéo, hàng xay. Mạ đi ăn mày ăn xin thì mạ không quen. Nhiều lúc mạ đã định nhảy xuống sông trầm mình cho xong một đời, nhưng nghĩ đến giọt máu cha con để lại trong bụng mạ, nên mạ phải gẳng gỏi sống mà đợi ngày… Rồi đến bước cùng quẫn quá, mạ đành phải bán thân nuôi miệng, làm gái đĩ trên sông… Bởi rứa mà có lần con chạy chơi mô vể, con kêu: "Con đĩ! Con đĩ !". Mạ thất sắc hết hồn: Mạ sinh con, đem gửi con cho mệ Lạp dưới làng Phò, thuê mệ trông nom nuôi nấng con. Tháng tháng được đồng mô mạ gom góp đưa hết cho mệ trả tiền công nuôi dưỡng con… Mệ Lạp mà con tưởng là mệ ngoại con đó. Năm con hơn một tuổi, chập chững tập đi, thì mạ gặp thằng Năm-ngựa là đứa du côn chuyên nghề đâm thuê chém mướn. Hắn lăn lóc say mê chút nhan sắc thừa của mạ, xin bỏ tiền chuộc ra khỏi tay mụ trùm, cưới mạ làm vợ. Mạ giao hẹn với hắn: Nếu anh chịu nhận thằng con tui là con đẻ của anh, thì tui xin theo không anh, chẳng cần cưới hỏi làm chi. Để con tui được có cha. Tôi xin suốt đời hầu hạ anh như đứa ở, anh muốn hành hạ chi tui cũng xin chịu… Mạ sợ con lớn lên, biết mình không có cha, con tủi hổ với bạn bè. Hắn lấy mạ, rồi đánh đập hành hạ mạ, như răng thì con biết rồi… Hắn là đứa giết người không gớm tay, là đồ bạc ác bất nhơn. Róc xương róc tuỷ mạ. Hắn đòi chi mà mạ không kịp cho thì hắn doạ: "Tao sẽ nói cho thằng con mi biết tao không phải là cha hắn, mà mi là đồ con đĩ. Con mi hắn sẽ khinh mi như con chó!".

Kể đến đó, môi chị bỗng run rẩy, láp bắp cái gì đó không thành tiếng, và nước mắt bật trào chảy như xối. Chị cầm lên một. mớ tóc chùi nước mắt, rồí níu mặt con sát gần mặt mình, kể tiếp:

"… Rồi hắn bỏ đi lấy vợ khác, mà vẫn không thôi quay về hành hạ mạ, róc xương róc tuỷ mạ. Mạ phải mang nợ hắn suốt đời con ơi. Hắn cướp cả đôi bông tai vàng một chỉ mà mạ để dành để dụm, để sau ni cưới vợ cho con… Rồi mặt trận Huế bùng nổ, con trốn nhà đi Vệ Quốc Đoàn. Mạ cứ tưởng con chết sông chết hói, mạ đã định ra sông trầm mình mà chết theo con. Mạ sống là vì con. Mạ phải chịu trăm cay nghìn đắng, nhục nhã ê chề, lút mày lút mặt cũng vì con. Con mà chết rồi thì mạ còn biết sống làm chi. Rồi mạ hay tin con đi Vệ Quốc Đoàn, mạ mừng biết mấy. Con theo chánh phủ, theo kháng chiến, đời con rứa là được nên người. Mạ trông ngày trông đêm cho mau đến ngày nước nhà độc lập, cho mạ con mình được gặp nhau. Rồi bể mặt trận… Vệ Quốc Đoàn ta chạy tứ tán, mạ không biết con còn sống hay chết, con còn theo Vệ Quốc Đoàn hay thất lạc đi mô… Mạ gánh gánh bún trên vai, bán mua đắp đổi qua ngày, đi. hết làng này qua làng khác từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, cốt để dò la tin tức con. Mạ đến làng mô, họ cũng nói: "Chị muốn tìm Vệ Quốc Đoàn thì phải lên côi xanh(1) mà tìm". Rứa là mạ xin đi tiếp tế các chiến khu - Tỉnh Thừa Thiên mình có bao nhiêu chiến khu mạ đều có đến hết. Nhưng mạ chẳng thấy tăm dạng con mô. Mạ đang ở dưới Thệ Chí thì nghe tin chiến khu Hoà Mỹ giặc nhẩy dù, bao vây chiến khu, Vệ Quốc Đoàn ta cạn lương sắp chết đói. Mạ liền đôn đáo chạy tới xin các anh du kích, cho mạ đi tiếp tế gạo, muối. Bom rơi đạn nổ mạ cũng liều… chỉ có chiến khu Hoà Mỹ là mạ chưa tới, chưa chừng con mình hắn đang theo Vệ Quốc Đoàn, đánh giặc trên đó… Mạ nghĩ rứa mà mạ bị Tây bắn nát chân, thủng bụng; mạ cũng gắng gùi gạo bò lết cho thấu chiến khu, con ơi". Rứa mà chừ mạ được gặp con thì té ra con đi làm Việt gian, bị Chánh phủ giam tù. Ôi chao, đau lòng mạ quá con ơi! Biết nông nỗi ni thì mạ đừng gặp con còn hơn!…

Giọng chị vụt nghẹn tắc. Một nỗi đau đớn khủng khiếp chẹn ngang cổ chị. Cả người chị bỗng rung lên lẩy bẩy như con cá nằm trên thớt bị một lát sống dao giữa đỉnh đầu. Mấy vết thương ở bụng chị máu lại ộc ra rịn thấm qua tấm chăn đắp. Chị co giật liên tiếp rồi tay chân duỗi thẳng, đầu ngật sang một bên, bất động.

Bác sĩ Thiền và mấy chị y tá, hộ lý xúm lại quanh chị, định tiêm thuốc cấp cứu. Bác sĩ Thiền vạch mi mắt chị, nhìn rồi lắc đầu:

- Muộn mất rồi!…

Chị đã trút hơi thở cuối cùng.

Mừng hai tay ôm chặt lấy đầu mạ, mắt nhìn trân trân không chớp. Cả người em như chết lặng, nét mặt ngơ ngác, hoảng loạn. Rồi em như vụt hiểu ra: Nỗi khủng khiếp nhất đời em đã điểm!

Miệng há to, đôi mắt sưng vù vì khóc, cặp môi run bần bật, em bỗng thét to đến bất ngờ:

- Mạ! Mạ. Không phải! Không phải! Con không phải Việt gian! Con là Vệ Quốc Đoàn ! Mạ ơi!

Tiếng kêu thét của Mừng có một âm hưởng xé ruột, làm mọi người rởn hết gai ốc.

Em sà vào ngực mạ, ôm đầu mạ nâng khỏi cái gối bao tải. Em vừa lay lay đầu mạ vừa ngó mặt mạ với ánh mắt đau đớn đến điên dại. Em vừa khóc vừa kêu la tuyệt vọng, lặp đi lặp lại một câu:

- Con không phải Việt gian! Con là Vệ Quốc Đoàn !

Những người đứng chung quanh đều nước mắt ngắn dài.

Nỗi đau đớn đến điên dại và tiếng kêu la tuyệt vọng của Mừng, làm cho mọi người trong khoảnh khắc vụt có ý nghĩ: "Hay là nó bị nghi oan thật? Có lẽ nào sự giả trá lại biểu hiện được một nỗi đau đớn kinh khiếp đến như vậy?. Nhưng mọi người không kịp nghĩ thêm gì nữa, vì đạn đại bác giặc đã bắn chuyển làn. Đạn mỗi lúc rơi một dồn dập xuống khu vực quanh bệnh viện. Tiếng gầm rít của phi cơ phóng pháo giặc, xé ngang cắt dọc bầu trời chiến khu. Không thể nấn ná thêm được nữa, phải rút ngay khỏi khu vực bệnh viện như chỉ thị của trung đoàn trưởng.

Các anh chị y tá, hộ lý, bác sĩ Thiền, cả em Nghi cùng xúm lại đào huyệt để mai táng mẹ của Mừng. Huyệt đào dưới gốc cây vả rừng lưng dốc núi, kề bên ngôi lán cuối cùng. Chính cây vả rừng này em Quỳnh vẫn thường ra hái lá để viết vở nhạc kịch kể chuyện Mừng đi tìm thuốc cho mạ.

Xác chị tổ trưởng đân công anh hùng được bọc trong chiếc chăn đơn cũ kỹ loang lổ chính máu chị. Mừng như đã hoá điên, cứ ôm chặt lấy xác mẹ, không cho mang đi chôn. Mọi người phải gỡ em ra, ôm chặt lấy em, mới đưa được xác chị.

Xác chị vừa được đặt xuống đáy huyệt, Mừng đã vùng vẫy thoát ra khỏi tay người ôm giữ. Anh y tá phải kêu lên: "Nó khỏe cách chi trời ơi!".

Mừng nhào xuống đáy huyệt, ôm chặt xác mạ, nức nở kêu gào:

- Con không phải Việt gian! Con là Vệ Quốc Đoàn mạ ơi!

Mọi người phải khó nhọc mới kéo được em lên để lấp đất.

Nghi vừa quệt nước mắt, vừa nói với Mừng:

- Chừ mi phải về, không các anh chờ.

Nghi khoác súng vào vai, cầm tay Mừng lôi kéo mếu máo, van vỉ:

- Đi! Đi! Mi đi cho tau nhờ với! Tau đã xin cho mi đi gặp mạ, chừ mi phải biết thương tau…

Mừng như người mất hồn, lảo đảo bước theo bạn.

Đại bác nổ rất gần, em cũng chẳng buồn cúi núp.

Mỗi lần nghe tiếng đạn rít xèo xèo, Nghi phải chụp tay Mừng, kéo nằm rạp xuống tránh đạn.

Nghi nổi xung, gắt um:

- Mi phải núp chứ, lỡ trúng đạn thì làm răng?

Mừng khóc hu hu:

- Chừ tui núp mà làm chi! Cho hắn bắn chết quách tui đi cho rồi!

Máy bay giặc bắt đầu bắn và dội bom xuống cánh rừng hai em đang băng qua. Khắp bốn phía núi ùn ùn dựng lên các cột khói còn cao hơn cả ngọn cây rừng cao nhất. Núi lay, cây đổ, đất đá từng tảng lớn quăng ngược lên trời. Mửng vẫn cứ bước đi lừng lững như không hề nghe thấy gì. Em nói như trong cơn mê sảng:

- Con mang phải tiếng xấu Vìệt gian. Chừ mạ cùng chẳng tin con… Mạ ghét con… Mạ nói thà mạ đừng gặp con còn hơn… Con làm răng nói cho mạ biết được chừ…

Đi đến chỗ ngã ba, một quả bom đen chũi lao xuống ngay sườn núi trước mặt. Nghi hoảng hồn, nhào xuống một cái hố đại bác cạnh lối đi. Núi rung lên, lở ào. Một thân cây bằng người ôm bị mảnh bom phạt đứt đổ nằm ngang trên miệng hố.

Em không núp nhanh chắc đã bị thân cây đè chết. Em chưa kịp ngẩng đầu lên, một loạt đạn đại bác đã nổ rầm rầm xung quanh.

Dứt đợt nổ, Nghi nhảy lên miệng hố thì Mừng đã biến mất.

Chú thích:

(1) Trên núi

8.

Trong lúc Nghi còn nằm dưới hố đạn tránh bom Mừng như vụt bừng tỉnh cơn mê sảng, cắm đầu chạy lộn lại phía Xê-ca Bảy, theo con đường vòng qua đài quan sát cây Quao. Em chạy như trong cơn mê, không chú ý đến tiếng bom đạn gào rú quanh mình. Con đường lúc này bị bom đạn cày nát, ngổn ngang những cây đổ, những đất đá sụt từ đỉnh núi xuống chắn ngang lối đi. Em vọt qua, chui qua, trèo qua, không một chút ngập ngừng, ngạc nhiên, tưởng như em đã từng qua lại trên con đường như thế cả trăm lần rồi.

Nhưng khi chạy đến chân đài quan sát cây Quao, em phải đứng sững lại. Quang cảnh bày ra trước mắt em kinh hoàng, dữ dội đến nỗi em phải đứng chết lặng, miệng há hốc như con cá bị lôi lên khỏi mặt nước. Quanh gốc cây chân đài quan sát, đất đá rễ cây, bị cày nát, xé tướt, lá tươi rụng rào rào như mưa. Nằm quanh gốc cây là năm xác người. Ba xác các bạn Châu, Hiền, Hoà-đen, và hai anh lớn. Các anh, các bạn nằm lẫn lộn với lá tươi rụng, cành cây gãy, rễ cây bị xé nát.

Tất cả áo quần của năm người đều ướt sũng máu. Châu-sém bị trúng đạn đum đum, bụng mở phanh. Hiền bị đạn vào ngực. Hoà-đen bị mảnh bom phạt cụt một chân. Bạn nào cũng nằm chết trong tư thế co quắp, đầu và thân hình bị dập nát vì ngã nhào từ trên ngọn cây chót vót xuống đất. Em nhìn trật sang cái thang tre, thấy đội trưởng nằm dựa đầu vào nấc thang cuối cùng, và chỉ còn một cánh tay. Hình như anh vừa đặt chân trèo lên thang thì bị trúng đạn.

Tít trên cao, chỗ đặt đài quan sát, chuông điện thoại đổ dồn leng keng không ngớt.

Mừng chạy xô lại, áp tai vào ngực đội trưởng thấy tim anh vẫn còn thoi thóp đập. Em túm tóc mai anh giật giật, lay gọi anh. Anh hồi tỉnh, mở bừng mắt nhìn em đăm đăm.

- Mừng đó à, răng em lại ở đây?

- Mẹ em chết rồi. - Mừng nức nở cố nén không khóc. - Mẹ em cũng nghi em là Việt gian. Chừ em phải đến chỗ mẹ em… Em phải nói răng cho mẹ em đừng nghi em nữa…

Tiếng chuông điện thoại từ trên ngọn cây vẫn leng keng dội xuống từng hồi, hối thúc, cấp bách… Cặp mắt đội trưởng vụt sáng lên mừng rỡ. Anh nói như reo:

- Đã nối được đường dây rồi! Mừng. - Đội trưởng gọi và giọng anh trở lại giọng người chỉ huy lúc ra lệnh chiến đấu. - Em trèo mau lên ngọn cây cầm ống nghe báo cáo với Trung đoàn trưởng: Cách đây hai mươi phút đài quan sát bị địch phát hiện. Chúng tập trung hoả lực tiêu diệt đài quan sát. Đường dây bị đứt. Anh chạy đi nối lại được đường dây, về đến chân thang thì bị trúng đạn đại bác… Em chú ý quan sát, lúc thấy toán địch đi sau cùng, qua khỏi bãi trống thì báo ngay cho trung đoàn trưởng biết. Em nhớ rõ chưa?

Đội trưởng chưa kịp nghe Mừng trả lời thì đã ngất đi, mê man… Mừng vùng đứng ngay dậy. Tất cả vẻ ủ rũ, đau đớn, tuyệt vọng trên toàn bộ con người em, thoắt biến mất. Em lúc này đã trở lại tư thế quyết liệt của người chiến sĩ quyết tử lúc nghe vang lên tiếng kèn xung phong trận.

Tiếng máy bay gầm rú trên ngọn cây. Đạn đại bác và các loại súng cầu vồng nổ chát chúa quanh chân đài quan sát.

Súng bắn thẳng bẻ, xé các cành cây trên đỉnh đài, tuốt lá tươi ném tới tấp xuống đầu cổ em, xuống xác các đồng đội đang nằm ngổn ngang quanh em. Mảnh đạn, đạn cháy, đạn đum đum, mảnh bom, bay rít quanh em như ong vỡ tổ. Và nổi bật lên tất cả là tiếng chuông điện thoại từ trên đỉnh đài quan sát đổ hồi leng keng không ngớt.

Tất cả những cái đó, cùng một lúc đã làm cho khí phách chiến sĩ lúc xung trận trong em bừng sống dậy, với tất cả sức mạnh tinh thần của nó: Nó chiếm lĩnh toàn bộ con người em, từ mỗi thớ thịt, mỗi nhịp tim đập.

Em thoăn thoắt trèo ngược các bậc thang tre cao ngất nghểu, cố chiếm lấy đỉnh đài quan sát trước khi bị địch bắn hạ. Khi chỉ còn cách chỗ cành cây đặt máy điện thoại mấy nấc thang cuối cùng, em bỗng lạng người, suýt ngã lộn nhào xuống đất. Một bên hông em buốt nhói ghê gớm. Em cúi nhìn thấy vạt áo bên hông trái đầm đìa máu. Nhưng em gắng hết sức để không ngã. Trèo nốt những nấc thang cuối cùng lên đến chạc ba cây, và chụp lấy cái ống nghe điện thoại.

9.

Trong hầm chỉ huy, trung đoàn trưởng đã gần như tuyệt vọng. Ông nghe điện thoại áp sát tai, ông đã gọi suốt hai mươi phút liền vẫn không nghe tiếng đài quan sát cây Quao trả lời, chỉ có tiếng nổ lục bục liên hồi vang dội trong ống nghe.

Tiếng đạn nổ. Ông chắc bọn địch đã đánh vào đài quan sát và các chiến sĩ trinh sát phụ trách đài đã bị giết. Hai cán bộ tham mưu ngồi cùng hầm với ông, đã được ông cử đến tăng viện cho đài quan sát mười lăm phút trước đây. Nhưng ông không hy vọng lắm họ có thể đến nơi. Ông biết con đường đến đài quan sát đang bị bọn địch tập trung đánh phá dữ dội.

Trong hầm lúc này chỉ còn một mình ông. ở hầm bên cạnh, anh chiến sĩ công binh phụ trách nổ mìn, vài phút lại hỏi vọng sang:

- Đã sắp chưa anh?

Ông càng thêm cháy ruột cháy gan. Mất liên lạc với đài quan sát, trận địa mìn sẽ như người khổng lồ mù mắt, nó có thể dồn tất cả sức mạnh khủng khiếp của nó đánh vào chỗ trống không.

Vừa lúc đó, trong ống ghe bỗng vang lên giọng trẻ con:

- A lô! A lô Trung đoàn trưởng, trung đoàn trưởng!

Ông mừng đến nghẹn thở:

- Làm sao hai mươi phút qua im bặt thế?

- Dạ, đài quan sát bị đánh. Cả tổ quan sát hy sinh rớt hết xuống chân đài.

- Đội trưởng đâu?

- Dạ, đội trưởng cũng hy sinh rồi, nằm dưới chân thang.

- Thế em là ai?

- Dạ em là thằng Mừng…

- Mừng?… Có phải chú Mừng…

- Dạ, em bị cả chiến khu nghi là Việt gian… Em bị bắt giam ở Xê-ca Năm… Bất thình lình em chạy qua đây. Đội trưởng giao nhiệm vụ cho em.

- Hiện lúc này em có làm sao không?

- Dạ, tụi địch đang bắn vô đàỉ quan sát dữ lắm. Em bị thương ở hông, ở chân. Nhưng em vẫn quan sát được.

- Bọn địch đã vào đến bãi trống chưa?

- Dạ, tụi đi đầu mới bắt đầu vô. Đi trước có toán người rất đông không mang súng, chỉ mang vác các hòm đạn…

- Dạ toán tiếp theo toàn Tây đen, Tây trắng, đi hàng bốn.

- Dạ toán đi giữa đang đi thì đứng lại, chỉ chỏ cái chi đó…

- Tụi hắn không đi mà nằm lại hai bên đường chĩa súng vô núi bắn rầm rầm.

- Dạ, toán cuối cùng rất đông… - Giọng báo cáo bỗng tắt lại có đến nửa phút. - Dạ, tụi hắn đã vô hết bãi trống…

Trung đoàn trưởng đứng dậy trong hầm chỉ huy hô to:

- Nổ mìn.

Một tiếng nổ làm rung cả ngọn núi ông đang ngồi và tiếp liền đó là hàng trăm tiếng nổ tiếp theo như sấm sét, trùm lấp cả tiếng máy bay, tiếng đại bác giặc. Trung đoàn trưởng thét lên trong ống nghe:

- A lô! A lô! Em Mừng! Em Mừng!

Không có tiếng trả lời.

Ông gọi lại:

- Mừng! Mừng! Em còn trên đó không?

Tiếng người chiến sĩ thiếu niên trinh sát bỗng đột ngột vang lên bên tai ông, yếu ớt nhưng rành rọt lắm:

- Dạ em đây. Tụi Tây chết nhiều lắm. Em bị thương nặng.

- Mừng! Mừng!

- Anh ơi, anh đứng nghi em là Việt gian nữa anh hí!

Lời cầu xin khẩn thiết cuối cùng của người chiến sĩ thiếu niên vừa tròn mười ba tuổi đời, yếu ớt và nhỏ gần như một hơi thở, nhưng trong khoảnh khắc ấy đã trùm lấp cả tiếng bom đạn giặc, và cả tỉếng sấm rền của trận địa mìn đã làm tanh bành hơn hai đại đội giặc.

* * *

Cuộc tấn công tổng lực của giặc vào chiến khu Hoà Mỹ đả hoàn toàn bị bẻ gẫy. Nỗi kinh khiếp trận địa lôi chiến làm bọn giặc ngay đêm hôm đó dạt sang bên kia bờ sông Ô Lâu.

Cũng đêm hôm đó, toàn bộ chiến khu đã rút khỏi vùng rừng núi Hoà Mỹ, dời thẳng về Dương Hoà một vùng đất đai núi non nằm dọc bên tả ngạn thượng nguồn sông Hương. Và làng Dương Hoà trở thành chiến khu Dương Hoà, chiến khu đầu não của tỉnh Thừa Thiên.

Trước giờ lên đường về chiến khu mới, những đơn vị rút lui cuối cùng đã làm lễ mai táng cho các chiến sĩ trinh sát phụ trách đài quan sát cây Quao. Họ đào huyệt chôn các em, các anh, gần chân đài quan sát.

Riêng em Mừng, trung đoàn trưởng cho đưa thi hài em chôn bên cạnh mẹ em dưới bóng cây vả rừng cổ thụ. Cây vả rừng mà Quỳnh-sơn-ca thường hái những ngọn lá ngả màu vàng chanh làm giấy chép nhạc, viết vở nhạc kịch mộng tưởng của đời mình, kể chuyện bạn Mừng đã trèo tuốt tất cả những đỉnh cây cao của thành phố quê hương để tìm thuốc về chữa bệnh cho mẹ.

Ngọn núi có cây vả rừng cổ thụ từ trước đến nay không có tên. Trong bản đồ tham mưu được ghi là đỉnh Chín Sáu. Sau đêm hôm đó, ngọn núi đã được có tên:

Núi-Mẹ-Con-Em-Mừng.

Hết

Khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968

Hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986.

PHÙNG QUÁN

Nguồn: Nhà xuất bản Văn Học - 2003

Chịu trách nhiệm bản thảo: Nguyễn Cừ

Thực hiện bởinhóm Biên tập viên :Đỗ Doanh – lady_cat_kute – nangmualachuyencuatroi(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)​


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx