sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ trong chiến tranh - Chương 11

KHE SUỐI NHỎ CÓ NHIỀU BÍ ẨN...

Ngớt mùa mưa lũ, bà con nông dân ở thôn Hữu Lâm lại mang tơi đội nón ra đồng sản xuất vụ đông xuân. Các chân ruộng cạn, ruộng sâu ở Đồng Eo, Đồng Dầu, Gò Dưa, Hố Đỉa... đều

được cày cuốc, phát dọn bờ vùng bờ thửa sạch sẽ. Hết chỗ chăn thả trâu bò tự do thoải mái, bọn trẻ xóm Chùa buộc phải “tan đàn xẻ nghé” mỗi đứa một nơi để dễ bề chăn dắt con vật nuôi của gia đình mình. Mạn bắc đồi Mù U nằm án ngữ phía trước nhà tôi, cách ngăn bởi một cánh đồng bậc thang nhỏ hẹp, có Hố Qườn hoang hóa. Bên này là vườn bà Dơn rộng mênh mông không còn ai cai quản. Bên kia là dải rừng cây rậm rạp, kéo dài một vệt từ rẫy tranh bà Khôi đến vườn nhà ông Chín Thinh. Xuyên qua rừng cây rậm rạp ấy chừng hơn trăm mét, lại là cánh đồng Cây Thị rộng bao la...

Phát hiện ra nơi c đó do tình cờ đi bẫy chim, hái ổi ở vườn bà Dơn, tôi với thằng Mày lập tức chiếm cứ khu vực này để chăn thả con trâu Bầy và mấy con bò cóc.

Mọc đầy cỏ mật non tơ, cỏ ống xanh nõn, cỏ lác lim xanh mượt, “lãnh địa” mà tôi với thằng Mày vừa khám phá đã đem lại cho hai đứa tôi bao niềm vui mới. Hằng ngày, lùa trâu bò tới nơi, chọn địa điểm thích hợp cột chúng lại bằng sợi dây thừng dài, hai đứa tôi bắt đầu công việc chưa bao giờ thấy chán! Đó là tự tìm kiếm cái ăn cho “vui mồm vui miệng” lúc ở ngoài đồng vắng tanh vắng ngắt, rét lạnh như cắt thịt cắt da! Sau khi cắm câu khắp các ao nhỏ do hố bom hố pháo tạo nên, hai đứa tôi lại sục sạo vào dải rừng cây rậm rạp để kiểm tra những chiếc bẫy chim đã gài hôm trước. Được cái, thằng Mày là tay “sát điểu”, “sát ngư” khét tiếng. Hôm nào cũng có “chiến lợi phẩm” để cùng nhau hí húi lửa củi ở gộp đá bàn bên con suối nhỏ. Không vớ được thứ này, cũng bợ được thứ kia... Lắm bữa, vừa được mấy con cá lóc cắn câu, lại vừa được mấy chú chàng nghịch sập bẫy. Tôi đảm nhận công việc vặt lông những con chim mập mềm, béo múp míp. Còn thằng Mày cắt bẹ chuối bó mấy con cá lóc to bằng cổ cẳng, rồi nhồi đất sét trét bên ngoài để nướng. Mùa đông. Mưa phùn rây hạt. Gió tạt tứ bề. Ngồi trong túp lều che lá đùng đình cạnh gộp đá bàn bên con suối nhỏ, hai đứa tôi vừa cời bếp lửa than sưởi ấm, vừa nhấm nháp từng khúc cá nướng trắng mềm, từng miếng thịt chim béo ngậy chấm muối ớt xanh, thơm ngon tuyệt vời!

Những hôm trời nắng ráo, cái lạnh hanh hao cũng không đến mức cắt da cắt thịt, tôi với thằng Mày lại lội bì bõm dưới con suối nhỏ, thò tay sục sạo vào những hốc đất, kẽ hang, mò bắt cua đá. Chúng lớn gấp đôi, gấp ba cua đồng. Toàn thân đen bóng. Và cũng chắc thịt hơn. Chịu khó dầm nước một chặp, hai đứa tôi bắt được cả giỏ đầy. Lựa những con lớn, có cặp càng to khỏe để lại buộc dây chỉ làm xe tăng chơi. Còn bao nhiêu, hai đứa tôi lấy que tre đâm ngang thân nướng xơi tất ! Thấy tôi với thằng Mày hay giã muối ớt xanh gói lận trong người khi đi chăn thả trâu bò, lại có những con cua đá to đùng đem về làm xe tăng chơi, thằng Cu Đen bí mật bám theo. Và hắn phát hiện ra mọi chuyện. “Đi đón trâu, đón bò sướng như ri, hèn chi giành phần của người ta để ra đồng! Bây giờ đừng hòng lừa gạt được ai nữa nhá !”. Hắn cằn nhằn và tuyên bố như vậy. Kể từ hôm ấy, công việc tìm kiếm cái ăn cho “vui mồm vui miệng” của hai đứa tôi có thêm thằng Cu Đen. Hắn to con lớn xác hơn tôi, nhưng chậm chạp và rất sợ... ma ! Bắt cua đá, hắn không dám thò tay vào hang hốc vì ngại loài giáp xác bò ngang kẹp càng, cứ chỉ chỏ la lối om sòm. Vô dải rừng cây rậm rạp bẫy chim, hắn lại rùng mình kinh hãi lũ sên vắt ngo ngoe dưới đám lá mục. Đứng ngoài bìa rừng một mình, hắn lại sợ... ma, cứ kêu réo hoài. Có thêm hắn, chẳng những công việc của tôi với thằng Mày không thuận lợi hơn, mà còn bị cản trở, gây khó khăn!

Dẫu vậy, tôi với thằng Mày vẫn cắn răng chịu đựng. Cấm đoán, không cho hắn lẽo đẽo đi theo, hắn sẽ mách lẻo mọi chuyện với anh Ba tôi thì tôi chỉ có nước... no đòn!

Một bữa, con trâu Bầy tuột thẹo [47] do thằng Cu Đen cột không chắc, trèo lên bậc lở, chén sạch đám khoai lang cạnh vườn nhà ông Chín Thinh. Bọn trẻ ở khu dồn dốc ông Lô hò nhau ném đất đá rượt đuổi con trâu Bầy tháo lui. Được đà, bọn chúng ví theo. Và bọn chúng thấy “lãnh địa” mà tôi với thằng Mày chiếm cứ “ngon lành” quá nên dùng vũ lực tranh giành. Đánh nhau mấy bận u đầu sứt trán. Phe bọn chúng đông như kiến cỏ. Còn phe tôi chỉ có... ba mống! Thằng Cu Đen to khỏe, gan lỳ và có “thâm niên trong chuyện đánh nhau” nhưng vẫn không sao địch nổi đối phương có lực lượng áp đảo. Tôi với thằng Mày, chân tay lèo khoèo, không giúp được gì cho hắn! Chẳng còn cách nào khác hơn là... tự giác nhường “lãnh địa” lại cho bọn trẻ ở khu dồn dốc ông Lô! Đó là thời điểm cuối năm 1974. Bị “mất đất” về tay kẻ khác, tôi với thằng Mày chăn thả trâu bò mỗi đứa một nơi. Hắn mang bao lát đi cắt cỏ dạo ở các bờ ruộng đem về cho mấy con bò cóc. Còn tôi dắt con trâu Bầy cho ăn ở hố bà Hạnh, rồi xuôi dần xuống cánh đồng trước nhà ông Thủ Sáu, rồi quành lên khe suối nhỏ có con đường dẫn qua Phái Bắc. Khe suối này nằm giữa hai triền núi. Một bên là đồi Động Cao. Một bên là đồi Gò Mè. Cả hai đều bị bọn lính nghĩa quân biến thành đồn bót của chúng. Dọc đôi bờ suối lau lách ken dày. cỏ mật, cỏ ống, cỏ lác lim cũng lên xanh tốt bời bời. Với tôi, đó là nơi lý tưởng để chăn thả con trâu Bầy. Nhưng với thằng Mày, đấy lại là chốn làm cho hắn hồn xiêu phách lạc...

Thần sắc nhợt nhạt, thằng Mày lắp bắp bảo với tôi: “Chỗ đó, tao không lạ! Và từ lâu tao đã biết rất kỹ! Cạnh con suối nhỏ có cái đầm sâu mọc đầy hoa súng trắng. Cái đầm ấy là cái... đầm ma đấy! Tao sợ lắm...”.

Hắn còn nói thêm, cứ vài ba năm lại có người chết đuối vì bị nước suối dâng cao trong mùa mưa lũ, cuốn trôi xác tấp vào cái đầm ma ấy. Người lớn cũng chờn chợn, không dám đi qua Phái Bắc bằng con đường gập ghềnh đá núi dọc theo bên này con suối nhỏ vào lúc trưa tròn bóng, hoặc khi trời sập tối. Bởi có không ít kẻ đã bị “ma da” hãm hại. Nghe thấy bước chân người đi qua, “ma da” giả vờ khóc than ời ời nơi bụi rậm. Họ ngỡ là trẻ con gặp nạn, vội vàng tìm đến. Tiếng nỉ non ai oán lại dịch chuyển ra gần đầm ma. Và khi không dụ dỗ được người định hãm hại, “ma da” liền hóa thành người đàn bà điên đứng trần truồng ở chiếc lá súng nổi bập bềnh trên mặt nước, nhe hàm răng cuốc chĩa và thè cái lưỡi đỏ lòm dài như chiếc đòn gánh ra hù dọa! Đã có nhiều người ở Phái Tây, Phái Nam, Phái Bắc gặp “ma da”, sợ quá hóa cuồng dại, phải nhờ thầy chùa tụng kinh gõ mõ cả tuần liền mới khỏi. Thằng Mày còn bảo với tôi: “Tao biết chỗ đó, ngoài cua đá, còn có cá bống, ốc quan, tôm đất, tôm càng xanh... Nhưng tao sợ lắm, không thể lùa bò đến chăn thả ở đó được!”. Nghe thằng Mày nói, tôi cảm thấy hoang mang. Nhưng đâu có nơi nào khác để mà chăn thả con trâu Bầy? Rủ thằng Cu Đen cùng đi cho vui thì hắn cứ lắc đầu ququậy, một hai “em chã”!

Tôi không sợ ma. Và tôi chọn khe suối nhỏ ở gần nhà ông Thủ Sáu để chăn thả con trâu Bầy. Không có thằng Mày, tôi cũng chẳng thích thú với cái trò một mình tìm kiếm cái ăn cho “vui mồm vui miệng”. Những hôm trời nắng ráo, tôi lội ngược con suối nhỏ để nhìn ngắm rong rêu bám đầy những phiến đá nhỏ to và lắng nghe chim chóc hót ríu ran cả một góc rừng. Chỗ con suối có dòng chảy quay ngang, đâm thẳng vào bờ đá dốc ngược, dây leo chăng chịt um tùm phủ kín, có phiến đá khá bằng phẳng, nhẵn thín, không có rêu bám đầy như những phiến đá khác. Lấy làm lạ, tôi dòm kỹ chung quanh. Và tôi phát hiện ra một lối mòn vừa đủ cho người lớn trườn bò giữa những bụi lau lách, dẫn lên đồi Gò Mè. Tò mò, tôi rúc theo lối mòn một đoạn, coi thử. Có rất nhiều dấu giày dép hằn in trên mặt đất ẩm ướt. Tôi quan sát kỹ. Đấy không phải là dấu giày vải bố đen của bọn lính nghĩa quân. Đấy cũng không phải là dấu giày da cao cổ của bọn cảnh sát dã chiến mặc quần áo rằn ri màu hoa cà. Đích thị đây là dấu dép su đế đúc và dấu dép su cắt bằng lốp ô tô. Bọn thám báo, bọn biệt kích rừng xanh thường hay mang loại dép này. Nhưng thôn Hữu Lâm là vùng kiểm soát của ngụy quân ngụy quyền Tiên Phước, chúng mai phục, chui rúc ở xó xỉnh này làm chi? Hay là...? Tôi lặng lẽ theo dõi để tìm cho ra cái điều bí ấn bên khe suối nhỏ ở gần nhà ông Thủ Sáu. Và sau một thời gian tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi “hay là...?” của mình.

Anh Ba tôi mần thinh khi nghe tôi thuật lại đầu đuôi mọi chuyện. Rồi anh nghiêm mặt căn dặn tôi: “Em hãy coi như không nghe, không biết, không thấy gì hết, rõ chưa? Và từ nay, em đừng chăn thả con trâu Bầy chỗ ấy nữa. Thằng Mày và mấy đứa ở xóm Chùa có hỏi vì sao thì em nói chỗ ấy có “ma da” hiện hình ở cái đầm sâu kêu khóc ời ời nên không dám tới...”. Tôi răm rắp làm theo lời anh dặn, chỉ quanh quẩn chăn thả con trâu Bầy ở cánh đồng bặc thang nhỏ hẹp trước ngõ nhà. Bởi cái điều bí ẩn mà tôi tình cờ biết được là vô cùng quan trọng đối với phía đằng mình. Đặc công vào “lót ổ” ở khe suối nhỏ gần nhà ông Thủ Sáu là để chuẩn bị “nhổ” một loạt các đót giặc ở mạn đông nam quận Tiên Phước. “Lão hộ pháp” và đám tay chân chẳng hề hay biết! Hằng ngày, bọn chúng hoạnh họe, làm khó dễ với những gia đình có người thân tham gia kháng chiến ở khu dồn Phước Lộc, ở xóm Chùa và các làng mạc chung quanh ngã ba bà Xù để lên mặt ta đây... Bọn chúng hoàn toàn không thể ngờ rằng, sấm sét sắp sửa giáng xuống đầu bọn chúng. Tôi cứ cười thầm trong bụng vì thấy “lão hộ pháp” và “gã mắt chó” dẫn đám tay chân lăng xăng sục sạo tìm kiếm Cộng sản, trong khi đó Cộng sản lại ung dung “lót ổ” ngay tại triền đồi Gò Mè, bên khe suối nhỏ...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx