sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tửu quốc - Chương 04 phần 5

Trong khi mọi người còn đang lưỡng lự, ông bạn cố tri Dư Một Thước thong thả bước vào. Tôi vội vàng đứng dậy giới thiệu:

- Đây là Dư Một Thước tiên sinh tên tuổi lừng lẫy, giám đốc nhà hàng Một Thước, ủy viên thường vụ Chính hiệp, ủy viên thường vụ Liên hiệp hội Nhà văn và Nhà kinh doanh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, đề cử Chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà tài trợ bữa tiệc hôm nay của chúng ta.

Hắn nở nụ cười tươi rói, đi một vòng bắt tay đồng thời gửi mỗi người một tấm danh thiếp thơm phức, in dày đặc chữ Trung Quốc và chữ nước ngoài. Tôi nhận thấy ai cũng có cảm tình với hắn.

Hắn liếc món “Long phụng trình tường”, nói:

- Có cả món này cơ à? Các vị coi như đã ăn thịt lừa trong đời!

Quanh bàn rộ lên tiếng cảm ơn. Anh em ơi, chị em ơi, các bạn ơi, tôi trông thấy nét cười nịnh trên mặt mọi người.

- Đừng cảm ơn tôi, hãy cảm ơn cậu ta! - Hắn chỉ vào tôi, nói - Món “Long phụng trình tường” không phải lúc nào cũng được ăn. Món này hiếm. Năm ngoái có mấy vị nhân sĩ nổi tiếng trực tiếp đề nghị mà không thành, bởi họ chưa phải cấp bậc được ăn thứ này. Vì vậy tôi mới nói, các vị đúng là gặp may!

Hắn mời mỗi người ba chén rượu “Ngọc trai đen” (Loại rượu nổi tiếng của thành phố Rượu, giúp tiêu hoá). “Ngọc trai đen” tính cách bạo liệt, nó như cỗ máy nghiền thịt, uống vào bụng sôi ùng ục.

- Bụng có làm sao xin đừng sợ! Đây là Tiến sĩ rượu - Dư Một Thước chỉ vào tôi, nói - Ăn luôn đi, để nguội không ngon! - Hắn cầm đũa gắp “Long” bỏ vào bát của vị nữ sĩ rất thích thú về chuyện bộ máy sinh dục của con lừa, vị này cũng không làm khách, ăn ngấu nghiến. Mọi người nhất tề động đũa, ăn như rồng cuốn, chỉ một loáng, “Long phụng trình tường” đã bị tiêu diệt.

Hắn cười rất hóm:

- Đêm nay khó mà ngủ yên!

Các vị có hiểu hắn nói thế có nghĩa là gì không?

Thưa các bạn, các nữ sĩ, các tiên sinh, chuyện đến đây, về cơ bản coi như kết thúc. Nhưng vì tình hữu nghị giữa tôi với các vị rất sâu sắc, nên tôi muốn nói thêm đôi lời.

Hôm ấy, sau khi tan tiệc, bọn tôi ngất ngưởng rời quán rượu Một Thước, thì đã canh ba, trời đầy sao, đất đẫm sương lạnh, phố Lừa loang loáng ánh sáng xanh, mấy con mèo say đánh ghen trên mái nhà, mái ngói kêu loảng xoảng. Hơi nước lạnh như sương thúc ép những cây bên đường rụng lá hàng loạt. Trong đám bạn có người ngà ngà say, hát những bài ca cách mạng, bài này một câu bài kia một câu, râu ông nọ cắm cằm bà kia, giọng nam lời bắc, không hay hơn tiếng mèo gào là bao. Những chuyện buồn cười khác không thể kể hết... Đang vui đùa thì có tiếng vó từ đầu đông vọng tới. Lát sau, một con lừa đen vó tròn như cái chung, mắt sáng như ánh đèn, lao tới như một mũi tên. Tôi giật mình, mọi người hình như cũng giật mình, vì rằng người đang hát bỗng im bặt, người đang nôn ọe cũng im theo, mọi người trố mắt nhìn con lừa tơ màu đen. Nó chạy từ đầu đông sang đầu tây, lại từ đầu tây sang đầu đông, ba lượt, rồi lặng lẽ dừng lại ở giữa phố Lừa, mình bóng nhẫy, không hề thở mạnh, y như một pho tượng. Bọn tôi đờ đẫn tay chân, đứng như trời trồng, đợi hiện thực chứng minh truyền thuyết. Quả nhiên có tiếng ngói xào xạc, một bóng đen bay xuống giữa lưng con lừa. Khẳng định đó là một thiếu niên, lưng đeo bọc quần áo, mình trần lấp lánh một lớp như vảy cá, miệng ngậm con dao lá liễu.

5

Kính gửi thầy Mạc Ngôn!

Chào thầy,

Trò không biết làm thế nào để biểu thị tâm tình của trò trong lúc này. Thầy kính mến, rất kính mến, thư của thầy như một bình rượu ngon, như một tiếng sấm xuân, như một mồi a phiến, như một cô gái đẹp… đem lại cho trò sức sống của mùa xuân, sức khỏe cho cơ thể, sảng khoái cho tinh thần! Trò không phải loại ngụy quân tử. Trò biết và dám công khai tuyên bố tài hoa của trò hơn người nhưng xưa nay không ai biết, chẳng khác ẩn mình trong khuê phòng như Dương Ngọc Hoàn, kéo xe đường làng như thiên lí mã! Cuối cùng thì, giờ đây Lý Long Cơ và Bá Nhạc tay trong tay xuất hiện rồi. Tài hoa của trò đã được thầy và Châu Báu tiên sinh - được phong là một trong chín mươi nhà biên tập nổi tiếng, thừa nhận. Trò quả thật sung sướng quá!

Lấy gì ăn mừng bây giờ? Đành lại Đỗ Khang thôi. Trò lôi trong tủ ra một chai Đỗ Khang chính hiệu, dùng răng mở nút, ngửa cổ òng ọc tu một hơi, lòng lâng lâng, tình phơi phới, bút vung như múa, cảm hứng như thủy triều, trăm hoa đua nở, viết thư cho thầy kính mến.

Thưa thầy, thầy bận trăm công nghìn việc mà còn bớt thời gian đọc tác phẩm kém cỏi “Phố Lừa” của trò, khiến trò cảm kích vô cùng, mũi dãi chan hòa cùng nước mắt. Bây giờ trò xin lần lượt trả lời từng vấn đề thầy nêu trong thư:

1) Thằng tiểu yêu mà trò viết trong truyện “Trẻ thịt” là người thật việc thật. Một số quan chức ở đây đã tha hóa cùng cực, dám làm cái điều mà thế giới không dám: ăn thịt bé trai! Mẹ vợ trò (Nguyên Phó giáo sư học viện Nấu nướng, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu đặc sản) nói cho trò biết chuyện này. Bà bảo ở vùng ven thành phố Rượu có những thôn chuyên sản xuất trẻ con để mổ thịt, dân làng coi chuyện đó rất bình thường, họ bán trẻ thịt như bán lợn con, không hề đau xót. Trò nghĩ, mẹ vợ trò không bịp trò, thầy bảo, bà ấy không vì danh không vì lợi thì bịp để làm gì? Vì vậy bà ấy không bịp trò. Trò biết chuyện này rất nghiêm trọng, viết ra có thể gặp rắc rối. Nhưng thầy từng dạy trò rằng, nhà văn là phải đối mặt với cuộc đời, quyết xả thân lôi Hoàng đế xuống ngựa, nên liều mạng mà viết. Tất nhiên trò cũng biết tác phẩm văn học “bắt nguồn từ cuộc sống, cao hơn cuộc sống”, phải xây dựng “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”, do vậy, trò thêm mắm thêm muối thêm mì chính, khiến thằng tiểu yêu càng nổi bật. Vảy Cá là võ hiệp trẻ tuổi ẩn hiện như thần ở thành phố Rượu, chuyên diệt ác trừ gian, lấy của kẻ giàu chia cho người nghèo, toàn những việc tốt. Những tên vô lại ở phố Lừa đều được hưởng ân huệ nên tôn Vảy Cá là thần, rất kính nể. Cho đến nay trò chưa có duyên được gặp Vảy Cá, chưa gặp nên không thể nói là không có, phố Lừa rất nhiều người trông thấy Vảy Cá, thành phố Rượu đều biết Vảy Cá, ban đêm Vảy Cá làm gì ở đâu, hôm sau cả thành phố đều biết. Nhắc đến Vảy Cá các cán bộ nghiến răng nghiến lợi, nhưng người dân thì vui mừng hớn hở, Cục Công an chân cẳng mỏi dừ! Thưa thầy, sự tồn tại của Vảy Cá là sự phát triển tất yếu của xã hội, những hành động nghĩa hiệp của Vảy Cá có tác dụng xoa dịu nhân tâm, xả bớt căm phẫn, thúc đẩy đoàn kết trị an. Sự tồn tại của Vảy Cá bổ sung cho tình trạng thiếu kiện toàn của luật pháp. Thầy nghĩ, cán bộ thành phố Rượu sa đọa đến mức ấy mà nhân dân không giương cờ chống lại là vì sao? Là vì có hiệp sĩ Vảy Cá. Mọi người đang chờ đợi Vảy Cá trừng phạt những tên tham quan ô lại. Bị Vảy Cá trừng phạt cũng coi như bị chính nghĩa trừng phạt, coi như bị nhân dân trừng phạt! Thiếu niên võ hiệp Vảy Cá thực tế là hóa thân của chính nghĩa, là kẻ chấp hành ý chí của nhân dân, trở thành cái van xả áp của trật tự xã hội. Thành phố Rượu nếu không có Vảy Cá thì bạo loạn là cái chắc. Hiệp sĩ Vảy Cá không ngăn chặn được hành vi hủ hóa của cán bộ, nhưng lại ngăn được lửa giận của quần chúng. Kì thực Vảy Cá đã giúp đỡ rất nhiều cho chính quyền thành phố Rượu, vậy mà một số quan chức lẩm cẩm lại sai công an bắt cậu ta!

Thiếu niên Vảy Cá và thằng tiểu yêu áo đỏ phải chăng là một người? Thầy tha lỗi cho sự ngạo ngược của trò. Trò cảm thấy thầy rất ấu trĩ khi đặt vấn đề này ra. Chúng là một hay hai thì có quan hệ gì với thầy? Là một thì thế nào? Không phải là một thì thế nào? Nguyên tắc cơ bản của tác phẩm văn học là bịa, bày đặt, huống hồ trò không bịa hoàn toàn, không bày đặt hoàn toàn! Nói thực với thầy, hiệp sĩ Vảy Cá và tiểu yêu áo đỏ vừa có tính đồng nhất vừa có tính đấu tranh, đôi khi có thể một tách làm hai, đôi khi lại nhập hai làm một. Một trong hai, hai trong một, tách lâu tất hợp, hợp lâu tất tách, đạo trời còn như thế, huống hồ đạo người!

Trong thư thầy còn nói trò viết Vảy Cá tài nghệ ghê gớm quá, do vậy mất đi tính chân thực. Phê bình như vậy trò khó tiếp thu. Trong thời buổi khoa học kĩ thuật phát triển vũ bão như bây giờ, người ta có thể trồng đậu trên cung trăng thì bay mái vượt tường có thấm gì? Hai mươi năm trước, ở thôn trò chiếu phim múa ba lê “Bạch mao nữ”. Bạch mao nữ đi trên ngón chân, thấy vậy bọn trò không phục, chẳng lẽ bọn trò không đi bằng ngón chân được sao? Thế là tập. Một ngày chưa được thì hai ngày, hai ngày chưa được thì ba ngày, ba ngày chưa được thì bốn ngày năm ngày, được chưa? Sáu ngày bảy ngày ổn không? Sau tám ngày, ngoại trừ thằng Cún con họ Lý là quá vụng không tập nổi, còn lại đều biết đi trên ngón chân. Từ đó, các bà mẹ đệm thêm vào mũi giày cho các con. Bọn trò ngây ngô mà còn làm được như thế, huống hồ thiếu niên Vảy Cá kì tài bẩm sinh, lại thêm mối thù canh cánh bên lòng, sao không luyện thành tài năng siêu việt?

Thầy nói cả buổi về những cái hay và bất cập ở tiểu thuyết võ hiệp, trò chưa xem một bộ nào và cũng không hề biết Kim Dung, Cổ Long là người như thế nào. Trò theo đuổi loại văn học nghiêm túc của Gorky và Lỗ Tấn, tuân thủ nghiêm khắc “kết hợp chủ nghĩa hiện thực cách mạng với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng”, xưa nay chưa dám vượt ngưỡng nửa bước, chuyện hi sinh nguyên tắc để làm vui lòng độc giả, trò thà chết chứ không làm. Có điều, nhà văn nghiêm túc như thầy mà còn bị tiểu thuyết võ hiệp mê hoặc, thì trò nhất định phải kiếm mấy bộ về xem, biết đâu vớ bở cũng nên. Tên tuổi của tiểu thư bọ dừa ăn tạp, hình như trò nghe thấy trong nhà xí công cộng, nghe nói bà ấy thích viết những tình tiết đại loại như cây thịt đỏ như máu từ dưới đất mọc lên, ý thức về tính dục cực kì mạnh mẽ. Trò chưa đọc một truyện nào của bà ta, vài hôm nữa rỗi rãi, trò kiếm mấy cuốn về đọc trong lúc đi đại tiện. Misurin từng mở nhà chứa trong vườn cây của Chúa, chẳng lẽ bà chị đàng điếm đội vòng nguyệt quế nhà văn không mở được nhà chứa trong vườn tiểu thuyết của bà?

2) Thầy lo món ăn nổi tiếng “Long phụng trình tường” ở phố Lừa sẽ dụ bọn ruồi nhặng đến, trò dám mạnh dạn nói rằng, thầy lo như thế là lo bò trắng răng! Ngay cả những nhà phê bình lớn, các nhạc sĩ có tên tuổi từ Bắc Kinh về đây đều vội gắp bỏ miệng nuốt tém, bẩn đâu mà bẩn? Chúng ta theo đuổi cái đẹp, chỉ theo đuổi cái đẹp mà không sáng tạo cái đẹp thì không phải cái đẹp chân chính. Dùng cái đẹp để sáng tạo cái đẹp không phải đẹp chân chính. Cái đẹp chân chính là biến xấu thành đẹp. Chỗ này có hai tầng ý nghĩa, thầy hãy tà tà nghe trò nói. a) Một cái ấy của con đực đặt bên cái ấy của con cái đệ lên mâm, đen thui đen thủi, vài sợi loăn xoăn, trông mà phát ngượng, đương nhiên là không đẹp, cũng không ai dám đụng đũa. Nhưng đầu bếp thượng thặng của quán Một Thước đem hai cái của đó xối ba lần bằng nước sạch, tráng ba lần trong tiết chưa đông, luộc ba lần bằng nước phèn, rồi tách bỏ gân, nhổ sạch lông, đảo qua trong dầu, hầm lâu trong nồi, hấp trong nồi cao áp, rồi gia công tỉ mẩn, tạo hình các kiểu hoa văn, phối hợp các loại tá liệu, điểm xuyết một bông hoa rực rỡ ở chính giữa. Vậy là, cái của con đực biến thành ô long (rồng đen), của con cái biến thành hắc phụng (chim phượng đen), một rồng một phượng miệng hôn đuôi xoắn, quần nhau giữa muôn tía nghìn hồng, mùi thơm điếc mũi, sống động như thật, nhìn thì sướng mà ăn thì ngon, thế chẳng phải biến xấu thành tốt đó sao? b) Dương vật lừa, âm hộ lừa, tên gọi thô tục quá, và dễ khiến những người ý chí bạc nhược suy nghĩ vẩn vơ. Bọn trò đổi tên cho cái thứ nhất là “long”, cho cái thứ hai là “phụng”. Long và phụng là tôtem trang trọng của dân tộc Trung Hoa chúng ta, cao cả nhất, đẹp đẽ nhất nhất nhất, hàm nghĩa không đủ bút mực đê ghi. Thầy coi, chẳng phải biến cái xấu thành cái tốt đó sao?

Thầy ơi, trò chợt ngộ ra rằng, quá trình chế biến món ăn nổi tiếng ở phố Lừa sao mà giống quá trình sáng tác văn học nghệ thuật của chúng ta, đều bắt nguồn từ cuộc sống mà cao hơn cuộc sống, đều là cải tạo thiên nhiên đem lại hạnh phúc cho nhân loại! Đều biến lưu manh thành cao thượng, biến nhục dục thành nghệ thuật, biến lương thực thành cồn, biến đau thương thành sức mạnh!

Thưa thầy, dù thầy có dùng lời lẽ như thế nào để đe nẹt, thì trò vẫn kiên quyết không dẹp món ăn khoái khẩu này!

3) Trò cho rằng “Hoan lạc” và “Châu chấu đỏ” của thầy là hai bộ tiểu thuyết nặng kí. Những người chửi thầy là do họ ăn quá nhiều nhau thai và trẻ con, hỏa vượng khiến đầu óc mụ đi, thầy bất tất phải quan tâm những lời của họ. Vị lãnh đạo Hội nhà văn thành phố Rượu của trò không ngày nào không ăn nhau thai, ngày nào ông cũng xơi một cái nhau trộn trứng gà, do vậy văn của ông đặc “tình người”.

Thưa thầy, Dư Một Thước thâm hiểm khôn lường, trò rất ngán hắn. Hắn đề nghị trò viết truyện kí về hắn, và trả thù lao cho trò rất hậu, khiến trò mâu thuẫn quá. Thầy bảo nên viết, trò cũng đành ăn quả liều, gồng mình lên mà viết vậy. Có điều, trò rất mong được thầy hợp tác. Thầy tên tuổi lừng lẫy mà viết truyện kí cho Dư Một Thước thì đảm bảo là hắn sướng như điên, chổng mông lên mà gào! Thầy không biết, chứ Dư Một Thước đã chổng mông thì đáng yêu vô cùng! Y như một con cún tắm khan trong tuyết! Thằng cha lưng giắt tiền vạn, cực kì hào phóng, nghìn vàng chỉ một cái phẩy tay, quyết không ki bo với thầy. Ngoài ra, thầy cũng nên về thành phố Rượu tham quan một chuyến để mở rộng tầm mắt, trò nghĩ rằng điều này sẽ có lợi cho công việc sáng tác của thầy, cũng như ăn thịt trẻ con rất có lợi cho sức khỏe, nếu thầy không về thành phố Rượu thì bất luận về phương diện nào cũng là một tổn thất to lớn. Chỉ riêng thưởng thức món “Long phụng trình tường” cũng đáng để thầy về thành phố Rượu một phen!

4) Phần mở đầu “Phố Lừa”, thầy đã cho là “lải nhải những lời thừa”. “Lời thừa” đã chết ai? Hiện nay ta xuất bản không biết bao nhiêu “lời thừa”, vậy thì việc gì phải “phăng teo” toàn bộ “lải nhải những lời thừa” của trò? Vậy nên trò không muốn và không thể tiếp thu lời đề nghị của thầy.

5) Vị thân sinh ra hai cô lùn vốn là một lãnh đạo cao cấp, thầy căn cứ vào đâu mà bảo trò hạ thấp địa vị của ông ấy? Với lại, giả dụ đưa ông ta về làm Trưởng thôn của một thôn nhỏ, ông ta có làm nổi không? Ông ta không mạng đổi mạng với trò thì chớ kể! Từ một góc độ khác mà xét, văn học nghệ thuật là hư cấu, ai vận vào mình thì cứ đến mà nhận, chẳng can hệ gì đến trò, chẳng lẽ ông ta tức vỡ tim thì bắt trò đền mạng chắc? Đền thì đền, “Kẻ sĩ không sợ chết, hà tất lấy cái chết ra đoạt”, “Chém đầu chẳng qua như gió bay mất mũ”, “Hai mươi năm sau lại một chàng trai ra đời!”

Thưa thầy, thầy hỏi giùm thầy Báu và thầy Bảo xem có thích rượu không? Ngoài ra, lễ hội Rượu Bú Dù lần thứ nhất sẽ khai mạc vào tháng Mười ở thành phố Rượu, không chỉ là lễ hội đầu tiên của thành phố Rượu, mà còn là đầu tiên của Trung Quốc. Tại lễ hội này, các anh hùng trong thiên hạ uống thỏa thuê rượu ngon trong thiên hạ. Xin mời thầy Mạc Ngôn ăn như rồng cuốn sơn hào hải vị của trần gian! Hoan nghênh thầy đến cùng quý quyến, ông nhạc của trò: Giáo sư Viên Song Ngư là Phó chủ nhiệm ủy ban trù bị lễ hội, rất thuận tiện, cần gì cũng cấp đủ.

Kính chúc thầy mạnh khỏe!

Trò: Lý Một Gáo viết trong cơn say.

6

Một thước anh hào

- Tiến sĩ rượu, cậu ngồi xuống, ta tâm sự với nhau một chút.

Lão ngồi thu lu trên chiếc ghế da có thể xoay ba trăm sáu mươi độ, bảo tôi bằng một giọng thán tình, dẻo quẹo. Nét mặt và giọng nói của lão biến ảo không chừng, như mây trên trời. Lão như một con yêu tinh, như một đại hiệp gian ngoan thuộc phái bàng môn tả đạo miêu tả trong truyện chưởng. Tôi nhìn lão mà phát sợ, vội ngồi xuống ghế xô pha sang trọng trước mặt lão. Lão giễu tôi hỏi, cậu với anh chàng Mạc Ngôn thối thây kết nghĩa anh em từ khi nào thế? Tôi như con chim yến mẹ đang ấp trứng, lải nhải thanh minh: “Ông ấy là thầy tôi, tôi là bạn văn chương của ông, chưa gặp nhau lần nào, tiếc quá!” Lão cười đều, nói thằng cha họ Mạc đó thật ra không phải hắn họ Mạc, mà họ Quản, tự khoe là cháu đời thứ bảy mươi tám Quản Trọng, thực ra chẳng có cơ sở nào hết, thấy người sang bắt quàng làm họ. Bây giờ hắn thành nhà văn nhà việc gì đây, tự cho mình là ghê gớm, khoác lác một tấc đến trời, thực ra tớ biết tỏng về hắn, biết từ chân tơ kẽ tóc. Tôi ngạc nhiên hỏi, làm sao ông biết? Lão nói, muốn thiên hạ không biết về mình thì đừng có làm gì cả. Thằng cha đó ngay từ nhỏ đã không phải người tốt. Hồi lên sáu, hắn đã châm lửa đốt kho của Đội sản xuất. Lên chín đã mê tít cô giáo Mạnh, suốt ngày trồng cây si ở nhà người ta, thực đáng ghét! Mười một tuổi hái trộm cà chua, bị người ta nện cho một trận nên thân. Mười ba tuổi nhổ trộm củ cải, phải đứng xin lỗi trước tượng Mao Chủ tịch, trước mặt hơn hai trăm dân công. Thằng cha trí nhớ tốt, đọc thuộc lòng như cháo chảy khiến mọi người cười rũ, về nhà bị bố nện cho một trận sưng cả mông đít. “Không cho phép vu khống thầy giáo tôn kính của tôi,” tôi lớn tiếng phản đối. Vu khống? Thì chính hắn đã viết như thế trong truyện của hắn! Lão cười đều, nói, để một thằng cha như vậy viết truyện kí cho mình tưởng không gì hợp hơn! Chỉ có cái loại thiên tài về gian manh đó mới viết được cái loại anh hùng về gian manh như tớ! Cậu viết thư giục hắn sơm sớm về tửu quốc, tớ không đối xử tệ với hắn đâu mà sợ! Lão vỗ vai tôi, nói, vì dùng sức, nên ghế của lão xoay tròn, tôi vừa trông thấy mặt đã trông thấy gáy lão, mặt - gáy, mặt - gáy, mặt - gáy, mặt gian trá, gáy tròn xoay như gáo dừa, bên trong chất đầy trí tuệ. Lão cao dần lên trong khi ghế xoay.

Tôi nói, thưa tiên sinh Một Thước, tôi đã viết thư cho thầy Mạc Ngôn nhưng chưa nhận được thư trả lời, chỉ sợ thầy tôi không bằng lòng viết truyện cho ông.

Lão cười nhạt, nói: “Yên tâm đi! Hắn ta sẽ đồng ý. Thằng cha một là thích phụ nữ, hai là thích nhậu nhẹt, ba là thiếu tiền tiêu, bốn là thích nhặt nhạnh những chuyện quái dị của bọn yêu ma quỷ quái để đưa vào tác phẩm của hán. Hắn thể nào cũng đến. Chỉ sợ trên đời không có người thứ hai hiểu hắn như tớ!”

Lão lại xuống thấp dần khi ghế xoay, giọng khắc bạc: “Tiến sĩ rượu, cậu mà cũng là tiến sĩ cơ đấy! Cậu biết gì về rượu? Rượu là một loại dịch thể. Cứt! Rượu là máu của Giê su. Cứt! Rượu là tinh thần bất khuất. Cứt! Rượu là mẹ của những giấc mơ, giấc mơ là con gái của rượu! Chỗ này còn dính dáng một tí: rượu là chất bôi trơn bộ máy nhà nước, không rượu, bộ máy nhà nước không thể vận hành. Hiểu chưa nào? Nhìn bộ mặt dài như bơm của cậu, tớ biết cậu đếch hiểu gì sất! Có phải cậu định cùng Mạc Ngôn viết truyện kí cho tớ? Tớ ủng hộ các cậu. Thực ra, những cao thủ trong nghề viết truyện kí không cần phải đi đâu hết, chín mươi phần trăm những điều phỏng vấn được đều là phịa, các người phải loại bỏ cái giả để lọc lấy cái thật, qua những lời giả dối mà nhìn thấu chân lí.

Nói cho cậu biết, cũng nhờ cậu báo cho Mạc Ngôn biết, là tớ năm nay đã tám mươi lăm, tuổi cao rồi phải không? Khi tớ phiêu bạt giang hồ thì hai cậu còn chưa đẻ, chưa biết đang ở cái xó xỉnh nào trên trái đất này, có thể đang là một cây ngô, một bẹ cải thìa, một cọng dưa cải muối, một mầm dưa chuột… Cậu bảo, Mạc Ngôn đang viết “Tửu quốc”? Đúng là không tưởng, không còn biết trời cao đất dày! Hắn đã uống bao nhiêu rượu mà dám viết “Tửu quốc”? Tớ uống rượu còn nhiều hơn lượng nước hắn đã uống! Cậu có biết mỗi khi trăng tròn, cái người cưỡi lừa đen phóng như bay trên phố Lừa là ai không? Chính là tớ, tớ đấy! Đừng hỏi tớ từ đâu tới, quê hương tớ là nơi có ánh nắng rực rỡ. Thế nào, cậu không tin phải không? Cậu nghi ngờ khả năng bay mái vượt tường của tớ? Được, sẽ cho cậu biết đôi chút tài nghệ, để cậu mở mắt ra!”

Thầy Mạc Ngôn kính mến, sau đây là sự kiện khiến ai trông thấy cũng phải tá hỏa tam tinh: Thằng lùn mà tướng mạo dễ sợ ấy đột nhiên mắt rực sáng như hai đạo kiếm quang. Trò trông thấy lão thu mình lại trên ghế, và thế là một bóng đen nhẹ nhàng bay lên, chiếc ghế da xoay tít đến chạm ốc hãm thì dừng lại. Các bạn, nhân vật cnính của thiên truyện này đã dán người trên trần nhà. Tay chân và cả thân mình hình như mọc đầy ống hút, lão như một con thạch sùng khổng lồ, kinh khủng, bò đi bò lại trên trần. Lão cất giọng ồm ồm, hỏi: “Thấy chưa? Thế này chưa ăn nhằm gì, sư phụ của tớ còn bám trên trần một ngày một đêm mà không rơi, cứ như một chiếc lá khổng lồ vậy.”

Giờ đây lão ngồi lại trong ghế xoay, đắc ý hỏi:

- Thế nào? Tin chưa?

Kĩ thuật ép người trên trần khiến tôi gai người, toát mồ hôi lạnh. Tôi như nằm mơ, không ngờ người anh hùng thiếu niên cưỡi lừa lại chính là tên lùn này.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx