sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tửu quốc - Chương 05 phần 3

Một Thước bật cười ha hả, đoạn lão bảo: Cái cậu ngốc nghếch này, cậu tin có chuyện ấy à? Tớ phịa đấy. Trên đời làm gì có “tửu nga”? Chuyện này tớ nghe kể hồi làm công ở quán rượu. Những anh mở quán rất muốn lúc nào cũng đủ rượu bán, có mà nằm mơ! Tớ làm chân chạy việc ở quán rượu mấy năm, sau vì lùn quá không làm nổi việc nặng, ông chủ sợ tớ ăn thùng bất chi thình, lại sợ mắt tớ đen rầm nên đuổi việc. Tớ phiêu bạt kì hồ, có lúc phải đi ăn xin, có lúc làm công không, đổi lấy miếng chín.

- Ông đã từng dưới đáy của cái khổ, nên bây giờ mới hơn người!

- Cứt cứt cứt!… - Sau khi tuôn ra một lô “cứt”, lão nói không khách khí - Giọng lưỡi các cậu lòe bịp dân chúng thì được, bịp tớ thì không xong. Trên đời này, những người cực khổ phải kể hàng triệu, nhưng giỏi giang hơn người thì hồ dễ mấy ai, có thể đếm trên đầu ngón tay. Ăn thua là ở cái số! Cân lạng của xương mà rơi vào cái số ăn mày thì suốt đời bị gậy. Thôi, không nói nữa, nói với cậu những chuyện này chẳng khác đàn gẩy tai trâu, cậu học vấn nghèo nàn, không hiểu nổi. Ngoài đôi chút kiến thức về chưng cất rượu, cậu không hiểu gì hết. Thầy trò nhà cậu là một bọn tạp nham dốt đặc cán mai. Tớ nhờ các cậu viết truyện kí, vì tớ rất nể cái mớ kiến thức bậy bạ trong bụng các cậu. Này cậu, hãy rửa tai mà nghe tớ kể chuyện này nhá.

Lão kể: ngày xưa có một cậu bé bụng đầy chữ, xem hai cha con nghệ nhân biểu diễn xiếc ở đầu phố. Trong hai nghệ nhân thì một là cô gái đẹp lạ lùng, tuổi trên dưới hai mươi, người thứ hai là một ông già vừa câm vừa điếc, hình như đó là cha của cô gái. Tất cả các tiết mục đều do cô gái biểu diễn, ông già chỉ ngồi im như thóc trông coi hành lí dụng cụ… Kì thực nói coi cũng vô nghĩa, ông già đúng là người thừa. Nhưng không có ông già thì gánh xiếc không còn là gánh xiếc, vậy nên không thể thiếu ông, ông là cái nền để nổi lên cô con gái xinh đẹp của ông.

Trước tiên, cô biểu diễn những trò trứng nở gà con, chim câu biến mất hoặc đồ đạc tự di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Người xem đông dần, quây thành vòng tròn đông nghịt. Cô gái phấn chấn, nói: “Thưa quý vị khán giả, kẻ mọn này xin biểu diễn trồng cây đào. Trước hết, mời mọi người cùng đọc ngữ lục: “Văn học nghệ thuật chúng ta phục vụ công nông binh.” - Cô nhặt dưới đất một hột đào, vùi xuống chỗ đất mịn, nhổ một bãi nước bọt rồi hô: “Mọc!”

Quả nhiên một mầm đào chui lên khỏi mặt đất, nhìn thấy lớn dần thành cây đào. Tiếp đó, cây đào ra hoa, kết trái. Trái chín, vỏ màu trắng ngà, núm quả màu hồng. Cô gái hái đào mời mọi người, nhưng không ai dám ăn, duy chỉ có cậu thiếu niên kia là cầm ăn ngấu nghiến. Hỏi mùi vị ra sao, cậu nói ngon cực! Cô gái lại mời mọi người, nhưng vẫn không ai dám ăn. Cô gái thở dài phẩy tay một cái, cây đào cùng với những quả đào biến mất, chỉ còn đống đất mịn.

Diễn xong, cô gái và ông già thu xếp hành trang chuẩn bị đi nơi khác. Cậu thiếu niên nhìn cô lưu luyến. Cô mỉm cười cảm thông, răng trắng môi hồng như hớp hồn cậu bé. Cô nói: “Người anh em, chỉ có người anh em dám ăn đào của tôi, đủ thấy mối nhân duyên giữa ta với nhau không hời hợt. Thế này nhé, tôi để lại cái địa chỉ, khi nào nhớ đến tôi thì người anh em cứ theo đó mà tìm.”

Cô gái lấy ra chiếc bút bi và một mẩu giấy viết ít chữ rối đưa cho cậu. Cậu bé như bắt được vàng, cất kĩ mẩu giấy. Ông già và cô gái lên đường, cậu thiếu niên thần hồn mê mẩn đi theo không rõ được mấy dặm thì cô gái dừng lại nói: “Người anh em về đi, chúng mình nhất định sẽ gặp lại.” Cậu bé ứa hai hàng nước mắt, cô gái rút chiếc khăn lụa đỏ lau nước mắt cho cậu. Bỗng cô bảo: “Người anh em, bố mẹ đến tìm kia kìa!”

Cậu thiếu niên quay lại nhìn, quả thấy bố mẹ đang tất tưởi chạy tới, tay nào miệng ấy hình như đang vẫy gọi chứ không nghe thấy tiếng. Quay lại thì cô gái và ông già đã biến mất. Cậu phủ phục dưới đất, khóc rống lên, khóc hồi lâu rồi ngồi ngây ra như người mất hồn, ngồi chán lại nằm lăn ra đất nhìn trời xanh và những đám mây lười nhác.

Sau khi trở về nhà, cậu bé mắc bệnh tương tư, không ăn, không nói năng chuyện trò, mỗi bữa chỉ uống một cốc nước, dần dà gầy rộc đi, chỉ còn da bọc xương, mắt mở mà không nhìn thấy gì, hễ nhắm mắt lại là cảm thấy cô gái đứng ngay bên cạnh, miệng thơm mùi xạ, con mắt đưa tình. Cậu kêu ầm lên: “Chị ơi, tôi nhớ chị chết mất!” Nhào tới để ôm lấy, mở mắt chẳng có ai. Cậu bé thế là hỏng, bố mẹ vội nhắn ông cậu đến tìm cách giúp đỡ. Ông cậu cũng là một bậc túc nho, con mắt tinh đời, bụng đầy mưu lược, có tầm nhìn xa, xử lí quyết đoán. Trông thấy thằng cháu, ông đã đoán ra căn bệnh. Ông thở dài, nói: “Anh chị ạ, bệnh thằng cháu không thuốc nào chữa khỏi, cứ tình hình này, mất người là cái chắc! Chẳng thà một liều ba bảy cũng liều, cho nó đi, gặp được biết đâu thành mối lương duyên không gặp thì nó khỏi vơ với trong lòng.” Bố mẹ cậu bé chảy nước mắt, đành chấp thuận lời khuyên của ông cậu, vì cũng chẳng còn cách nào khác.

Ba người đến trước giường cậu bé. Ông cậu nói: “Cháu ơi, cậu đã nói với bố mẹ cho cháu đi gặp người con gái ấy!”

Cậu bé ngồi ngay dậy, dập đầu lạy ông cậu, có lẽ do quá xúc động, mặt cậu thoáng ửng hồng.

Bố mẹ cậu nói: “Con là gan cóc tía, bố mẹ đánh giá thấp về con. Giờ thì bố mẹ chấp thuận đề nghị của cậu con, cho phép con đi gặp con nữ yêu đó. Cho lão bộc Vương Báu đi cùng, gặp được thì quá tốt, không gặp được thì phải về ngay, đừng để bố mẹ lo lắng. Ở nhà, bố mẹ kiếm cho con một cô thật xinh con nhà giàu có, trên đời này, cóc hai chân khó tìm, còn đàn bà hai chân thì đâu cũng sẵn, con không nên vì một cô gái mà chết uổng.

Ông bố căn cứ vào kinh nghiệm bản thân, khai sáng cho con trai: “Con ơi, con đã bị con yêu tinh ấy làm cho lú lẫn. Thực ra, biết người biết mặt biết lòng làm sao, tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh, con à!”

Cậu bé tất nhiên như ăn phải bùa mê cháo lú, chữ “tình” thật đáng nể, bố mẹ làm sao lay chuyển? Đành vậy, cho lừa ăn no, chuẩn bị đầy đủ nửa tháng lương thực, dặn đi dặn lại người lão bộc Vương Báu, rồi thì khóc khóc mếu mếu, lôi lôi kéo kéo, tiễn con trai ra tận đầu thôn, lên đường.

Cậu cả ngất ngưởng trên mình lừa phơi phới như đằng vân giá vũ, nghĩ mình chẳng bao lâu sẽ gặp lại cô gái thì sung sướng đến nỗi hoa chân múa tay, ai trông thấy cũng bảo thằng rồ.

Đi được bao nhiêu ngày cũng không rõ, lương thực đem theo đã ăn sạch, tiền nong cũng không còn một xu, mà động Hoa Hạnh, núi Tây Phong thì không ai biết ở đâu. Người lão bộc khuyên trở về nhưng cậu không nghe, quyết ý đi về phía tây. Người lão bộc bỏ trốn về quê ông ta, con lừa cũng chết, cậu bé một mình đi tiếp, đường cùng đêm tới, cậu ngồi khóc trên phiến đá, trong lòng không nguôi nỗi nhớ cô gái. Bỗng ầm một tiếng, đất nứt cậu rơi xuống phía dưới, mở mắt ra đã thấy mình nằm gọn trong lòng cô ta. Cậu sung sướng ngất luôn…

- Cậu bé đó chính là tớ. - Dư Một Thước vừa cười vừa nói, - tớ ở lại gánh xiếc tập nuốt kiếm, đi trên dây, phun lửa… cuộc sống của những nghệ nhân khá sung túc, lạ lùng và lãng mạn. Nếu viết truyện cho tớ thì chỗ này phải tô thật đậm đấy nhé.

Thưa thầy, Dư Một Thước quả là một quái kiệt về sức tưởng tượng phong phú, câu chuyện lão vừa kể, trò thấy hình như đã nghe ở “Liêu trai” thì phải. Cách đây không lâu đọc “Chuyện lạ ở Tửu quốc” thấy đoạn văn sau, chép lại để thầy tham khảo:

Năm đầu Dân Quốc, một nữ nghệ nhân xiếc đến thôn Hương Rượu, dung mạo tuyệt trần, như Hằng Nga cung Quảng. Thôn dân tụ tập để xem, trong đó có thiếu niên họ Dư, tên Một Thước, tên tục là Cún. Vợ chồng họ Dư thuộc loại giàu có trong thôn mãi năm bốn mươi tuổi mới sinh hạ được cậu, nên coi như hòn ngọc trên tay. Lúc này, cậu mới mười ba tuổi, thông minh đĩnh ngộ, đẹp như ngọc. Thấy cô gái mỉm cười với mình, cậu thấy trong lòng lâng lâng. Nữ nghệ nhân lúc đầu diễn trò kêu gió gọi mưa, tiếp đến, trò nhả khói phun mây, người xem vỗ tay tán thưởng. Cuối cùng, giơ chiếc lọ to bằng ngón tay, nói: “Trong lọ này là động phủ của thần tiên, ai dám cùng tôi vào chơi trong đó?” Mọi người đưa mắt nhìn nhau, nghĩ rằng thân thể to lớn làm sao chui được vào trong lọ, huống hồ hai người dắt tay nhau? Đây chẳng qua là những lời bịp bợm, mê hoặc lòng người! Một Thước mê sắc đẹp cô ta, đứng ra nói: “Ta bằng lòng cùng cô vào trong lọ.” Mọi người cười cậu là ngốc. Cô gái nói: “Nhìn chàng cốt cách thanh nhã, trên người có mùi hương lạ khác hẳn lũ phàm phu tục tử, được cùng chàng dạo chơi trong lọ, quả thật duyên may!” Cô gái chụm ngón tay thành búp hoa lan, làn khói mỏng tỏa ra từ các kẽ ngón tay, nhìn như sương sa bóng nguyệt, ảo ảnh lung linh. Cô gái nắm tay Một Thước, ngón tay mềm như bông, da mát như lụa, ẻo lả như không xương. Cô gái cúi xuống nói thầm vào tai cậu: “Chàng đi cùng em!” Tiếng oanh thỏ thẻ, phấn hương thơm lừng. Cô ném cái lọ lên trời, chỉ thấy muôn đóa mây hồng, khí lành tỏa khắp, miệng lọ lớn dần, nháy mắt cao hàng trượng, y hệt cung trăng. Một Thước và cô gái dắt tay nhau bước vào. Hoa trải đầy đường, liễu xanh rủ bóng, chim thú quý hiếm nô giỡn vui đùa. Một Thước như mê như say, lòng xuân dào dạt, nắm tay kéo cô vào lòng định hành lạc. Cô gái cười khúc khích, nói: “Chàng không sợ thôn dân cười sao?” Theo tay chỉ, thấy mọi người đang nghển đầu nhìn vào. Một Thước sợ, xỉu ngay lập tức, nhưng vẫn tiếc rẻ, nói chẳng nên lời. Cô gái nói: “Thiếp rất cảm kích trước tình cảm của chàng. Nếu chàng không chê thiếp xuất thân hèn mọn, mặt mũi xấu xí, thì xin ngày này sang năm sẽ gặp nhau ở động Hoa Hạnh núi Tây Phong, khi ấy thiếp trải chiếu đợi chàng.” Dư Một thước sóng tình dào dạt, nhưng không còn biết nói sao. Cô gái giơ tay, trời lại trong xanh, nắng vàng rực rỡ, chiếc lọ bé tí lại ở trong lòng bàn tay. Một Thước vẫn ngửi thấy mùi hương lạ trên quần áo cậu.

Lúc đầu, mọi người trông thấy thân thể cậu nhỏ lại, cô gái cũng nhỏ theo, hai người như hai con muỗi chui vào trong lọ. Cái lọ bay lên không trung, xoay tròn như một vật báu. Ai cũng hãi.

Cô gái cắm hạt bầu bé xuống đất mềm, nhổ bãi nước bọt thơm, hô: “Mọc!” Tức thì hạt nảy mầm, lá nọ chồng lá kia, chớp mắt cao mấy trượng. Dây bầu tự vươn lên cao lởn vởn như khói. Cô gái khoác hành lí trên vai bước lên cao chừng một trượng, mỉm cười bảo Một thước: “Lang quân đừng lỡ hẹn.” Nói xong, cất mình bay lên nhẹ nhàng như chiếc lá, chớp mắt không trông thấy nữa. Dây bầu khô lại thành đất bụi. Rất lâu sau, mọi người im lặng tản đi.

Dư trở về, tương tư người con gái mặt hoa da phấn đến nỗi bỏ ăn bỏ ngủ, đêm ngày nằm dài trên giường nói năng lảm nhảm như ma đuổi bóng đè. Cha mẹ cậu sợ quá, chạy vạy thuốc thang, nhưng bệnh nặng tựa núi Thái, thuốc nhẹ như phù vân, Dư chỉ còn da bọc xương, thoi thóp chờ chết. Cha mẹ cậu nhìn nhau rơi lệ, vô kế khả thi. Chợt nghe có tiếng nhạc ngựa nhong nhong ngoài cổng, rồi có tiếng hô: “Ông cậu đến!” Lời hô vừa dứt, một người đàn ông vạm vỡ, sải bước tiến vào, vòng tay chào: “Chị và anh rể đừng lo!” Mẹ trông thấy ông ta mũi cao miệng rộng, râu vàng mắt xanh chẳng giống người mình thì sợ, không dám nói gì. Người đàn ông đến bên giường, nói: “Cháu mắc bệnh tương tư rất nặng, thuốc men sao có thể chữa khỏi? Hai bác lẫn quá, suýt mất mạng thằng cháu!” Dư Một Thước bệnh đã lâu, mắt nhắm nghiền, hơi thở đứt đoạn, như người đã chết, lay gọi cũng chẳng biết gì nữa. Ông cậu cúi xuống quan sát kĩ, thở dài than rằng: “Cơ thể đang béo tốt mà nay tiều tụy đến nông nỗi này, cháu ta không hay rồi!” Bèn lấy ba viên thuốc bỏ vào miệng cậu. Lát sau, mặt mũi Dư trở lại hồng hào, thở nặng nhọc. Ông cậu vỗ tay ba lần, kêu to: “Hỡi kẻ tình si, cái hẹn năm ngoái sắp tới, mà cháu thì mong đợi ngày này đã lâu, vậy cháu có đi không?” Dư mở to mắt nhanh nhẹn vùng dậy, tay vỗ trán, nói: “Nếu không có cậu giúp, thì cháu hỏng mất việc lớn.” Nói xong, đi theo ông cậu liền, mặc kệ quần áo bẩn thỉu, tóc tai không chải. Bố mẹ cậu kêu gào khóc lóc, cậu không bận tâm.

Ông cậu ghìm cương ngựa bên đường, đợi Dư đi tới, vươn tay nhấc cậu như nhấc con gà lên mình ngựa, ra rồi, con ngựa hí vang cất vó phóng như bay. Dư ngồi trên mình ngựa, mắt nhắm, hai tay túm chặt bờm, bên tai gió vù vù thổi. Chợt nghe ông cậu nói: “Cháu ta hãy mở mắt ra!” Dư mở mắt, thấy mình đã ở sa mạc Gôbi hoang vắng, đất đá ngổn ngang. Ông cậu vỗ ngựa phóng đi như một làn khói, phút chốc không thấy đâu nữa.

Dư Một Thước ngồi khóc, chợt nghe bên tai ầm ầm như sấm, chớp giật chói lòa, cậu sợ quá ngất đi. Chợt một bàn tay mềm mại sờ nắn khuôn mặt cậu, làn hương xộc vào mũi, mở mắt nhìn thấy cô gái, mừng chảy nước mắt. Người con gái nói: “Thiếp đợi chàng đã lâu (mất một đoạn năm trăm chữ) nắm tay nhau đi dạo trong vườn đầy hoa thơm cỏ lạ. Có một cây cổ thụ lá to bằng quạt bồ đoàn, quả rất nhiều ở kẽ lá, hình dáng như đứa trẻ. Trong bữa ăn trưa có món trẻ con chiên vàng, trông như thật, Dư sợ quá không dám đụng đũa. Người con gái nói: “Lang quân là đấng nam nhi, sao dát quá vậy?” Rồi cô chọc mạnh vào cái chim thằng nhỏ, cơ thể nó lập tức rã ra từng mảng. Cô thò đũa gắp cánh tay thằng nhỏ nhai rau ráu. Dư sợ chết khiếp. Cô gái cười nhạt: “Món này là trẻ con mà không phải trẻ con, nó là trái cây mang hình người, thiếp không thích chút nào thái độ e dè của chàng.” Dư đành gắp cái tai đưa lên miệng, thì ra ngon không thể tả. Sau đó cậu ăn như rồng cuốn, cô che miệng cười, bảo: “Chưa biết mùi thì hiền như cừu, biết mùi rồi thì dữ như sói!” Dư mải ăn không trả lời, mồm mép nhờn mỡ, trông thật tức cười. Cô lại rót cho Dư một chén rượu màu xanh, hương thơm sực nức, không loại rượu nào thơm bằng. Cô nói rượu này do lũ vượn trên núi ủ hàng trăm loại quả mà thành, ngoài đời không dễ kiếm…

Thưa thầy Mạc Ngôn, trò nghĩ thầy đọc bấy nhiêu đã đủ, trò chép ra bây nhiêu cũng đã đủ. Xin thầy lưu ý một điều: bất kể đoạn ghi chép trên đây văn chẳng ra văn, nhưng đề cập tới hai chuyện: ăn thịt trẻ con, uống rượu Bú Dù. Đúng là hai chuyện quan trọng ở Tửu quốc, hoặc có thể nói, là hai chìa khóa để giải mã hai câu hỏi ở Tửu quốc. Không biết ai là tác giả cuốn “Những chuyện lạ ở Tửu quốc”, chưa từng nghe nói có chuyện này. Mấy năm gần đây nó được lưu hành trong dân qua bản chép tay, nghe nói Ban Tuyên truyền Thị ủy đã ra lệnh thu hồi. Do vậy, trò đoán tác giả cuốn sách này là người đương thời, sống sờ sờ ra đấy, ở ngay Tửu quốc này. Nhân vật chính trong truyện cũng có tên là Dư Một Thước! Do đó, trò nghĩ rằng, tác giả cuốn sách chính là lão.

Dư tiên sinh, ông làm tôi bấn tinh lên. Ông lúc thì là người làm công trong tiệm rượu, lúc hóa thành cậu thiếu niên vảy cá ẩn hiện như thần, khi thì là anh hề trong gánh xiếc, giờ đây lại là ông chủ bệ vệ của quán rượu, thật giả lẫn lộn, biến hóa khôn lường, tôi viết về ông thế nào bây giờ?

Lão cười vang như sấm. Không ai ngờ từ lồng ngực của anh lùn như ức con gà, lại phát ra tiếng cười giòn giã như thế! Lão gõ liên tục lên các nút bấm điện thoại khiến bộ não điện tử trong máy chóng mặt. Lão tung chiếc ca sứ Cảnh Đức Trấn lên trần, nước trà và bã vấy bẩn thảm len sang trọng trên nền nhà. Lão lôi từ trong ngăn kéo một tệp ảnh, xòe ra như một đàn bướm màu. Cậu nhận ra những cô này chứ? Lão vênh váo hỏi tôi. Tôi cầm lấy tệp ảnh, giả vờ ngượng nghịu lướt từng tấm một, toàn là người đẹp, trông mặt quen quen, hình như đã gặp ở đâu. Lão nói: “Mặt sau có tên. Mặt sau có tên đơn vị công tác, tuổi, họ tên, thời gian quan hệ. Tất cả đều là người Tửu quốc.” Lời tuyên bố hùng hồn của lão đã thực hiện gần như viên mãn…

Thế nào, tiến sĩ rượu? Một quái thai, một thằng lùn mà làm được chuyện tày đình này thì: có nên tạc vào bia đá không nhỉ? Gọi thằng cha họ Mạc đến mau kẻo muộn, có lẽ tớ tự sát mất thôi!

Tớ, Dư Một Thước, tuổi tác không rõ, cao bảy mươi lăm centimét. Lúc nhỏ nghèo khổ, lưu lạc giang hồ, từ tuổi trung niên trở đi giàu có. Chủ tịch Hiệp hội hộ cá thể Thị, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Tổng giám đốc quán rượu Một Thước. Đã ngủ với tám mươi chín người đẹp thành phố Rượu, trạng thái tinh thần hơn hẳn người thường, có khả năng của một siêu nhân. Có một cuộc đời cực kì lạ lùng. Truyện kí về tớ phải là kì thư số một của thế giới. Cậu bảo anh chàng Mạc Ngôn có quyết thì quyết mau lên, viết hay không dứt khoát “bủm” cho một tiếng!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx