“Tùy Đường diễn nghĩa" là một trong những bộ sách ưu tú của loại tiểu thuyết lịch sử diễn nghĩa nổi tiếng của văn học cổ điển Trung Quốc. Tác giả là Chử Nhân Hoạch, sống vào đầu đời Thanh. Nhân Hoạch tự Gia Hiên, người Trường Châu, nay là TÔ Châu. Ông đã dựa vào "Tùy Đường chí chuyện của La Quán Trung, tác giả ‘Tam Quốc diễn nghĩa”, và bộ "Tùy Dượng Đế Diễn Sử”, không rõ tác giả mà viết nên. Ngoài ra, Nhân Hoạch cũng tiếp thu những tinh hoa của các sách sử, các truyện truyền kỳ thời Đường, Tống, những thành công của văn học giảng xướng, và nhất là những truyền thuyết dân gian về các anh hùng, hào kiệt cuối thời Tùy, đầu đời Đường.
“Tùy Đường diễn nghĩa”, phản ánh xã hội Trung Quốc thời Tùy và Đường, có đề cập ít nhiều đến triều Trần trước đó, và nhà Đường thì cũng chỉ miêu tả đến loạn An Lộc Sơn mà thôi, khoảng cuối thế kỷ thứ sáu đến giữa thế kỷ thứ tám, sau công nguyên. Tác phẩm gồm ba bộ phận lớn: việc tụ nghĩa và tan rã của các anh hùng trên đồi Ngũ Cương, cuộc tình giữa Tùy Dượng Đế và Chu Quý Nhi; duyên nợ giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Qua ba tuyến lớn đó, tác giả phơi bày sự thối nát của giai cấp phong kiến thống trị, ca ngợi tinh thần dũng cảm, lòng nghĩa khí của các anh hùng và đời sống của họ còn gắn chặt với quần chúng lành mạnh.
Về mặt nghệ thuật, "Tùy Đường diễn nghĩa" cũng có những thành công rõ rệt. Tính cách của các anh hùng được miêu tả rất sắc nét, điển hình: Tần Thúc Bảo cầm giản, bán ngựa, Đơn Hùng Tín ngang nhiên ra pháp trường chịu chém, Hoa Mộc Lan đóng giả trai tòng quân thay cha... là những trích đoạn nổi tiếng thường được sân khấu và cả điện ảnh hiện đại phương đông khai thác. Sự sa đọa, bẩn thỉu, vô luân... của giai cấp thống trị, cũng được tác phẩm miêu tả khá đặc sắc, không thua kém gì các tiểu thuyết chuyên khai thác chủ đề này như "Hồng Lâu Mộng”, “Chuyện Làng Nho” . Triều Trần, triều Tùy đang thời đổ nát đã đành, mà ngay cả triều Đường của thời kỳ xây dựng cũng chẳng hơn gì về mặt hoang dâm, xa xỉ không thể tưởng tượng nổi.
Tuy vậy, cũng phải thấy những hạn chế của bộ sách: Tác giả đem chuyện yêu đương giữa Tùy Dượng Đế với Chu Quý Nhi, giữa Đường Minh Hoàng với Dương Quý Phi, xây dựng thành chuyện “Lưỡng Thế Nhân Duyên”, mang tính chất mê tín lạc hậu của thuyết luân hồi quả báo. Rải rác đây đó, nhất là những phần đầu của mỗi hồi là những đoạn “trữ tình ngoài cốt truyện" mang nhiều dấu vết,của tư tưởng phong kiến bảo thủ. Điều này, người đọc cũng cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ (*).
Đối với bạn đọc Việt Nam, bộ sách từ lâu đã được lưu truyền bằng nguyên bản chữ Hán và đã được dịch ra tiếng Việt từng tập mỏng, chưa trọn vẹn, cách đây hơn năm mươi năm. Vì vậy những nhân vật hào kiệt như Tần Thúc Bảo, Trình Giảo Kim, Đơn Hùng Tín, Uất Trì Cung... những truyện vẽ Đường Minh Hoàng say đắm Dương Quý Phi, về chuyện Võ Tắc Thiên, nữ hoàng nổi tiếng của lịch sử phong kiến thế giới, và cả những giai thoại văn học về Lý Thái Bạch làm "Thanh Bình điệu”, bắt Cao Lực sĩ cởi giày, tễ tướng Dương Quốc Trung mài mực, được người đọc Việt Nam quen thuộc đều phần lớn là công lao của "Tùy Đường diễn nghĩa". Vì vậy, đọc bộ sách này, ngoài sự hấp dẫn vì sự phong phú, ly kỳ của cốt truyện, người đọc còn hiểu thêm một cách cụ thể lịch sử và văn học Trung Quốc.
Sách gồm một trăm hồi, Nhà xuất bản chúng tôi sẽ in thành 2 tập trọn bộ. Lần đầu tiên xuất bản một bộ sách dịch lớn, nên những sai sót về phần dịch thuật, biên tập, trình bày... là điều không thể tránh khỏi. Rất mong sự đóng góp kịp thời của bạn đọc xa gần, để lần tái bản sau có thể tốt hơn.
Nhà Xuất Bản Thuận Hóa
*Tài liệu để viết phần này:
a. Lời nói đầu của "Cổ điển văn học xuất bản xã" ở "Tùy Đường diễn nghĩa" tập 1
b.Phần viết về "Tùy Đường diễn nghĩa” của "Lịch sử văn học Trung Quốc" tập ba. Sở nghiên cứu văn học, thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, bản dịch của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1964.
@by txiuqw4