Thơ rằng:
Người đời muôn nỗi khổ
Ta khổ vì dèm pha
Hiểm nghi rồi đố kỵ
Nhỏ nhen dáng lời tà
Nói cười sinh kiếm sắc
Oán cừu che mặt hoa
Bậc trung lương nuốt tủi
Kiếp nào sạch xót xa
Lời nịnh như mật rót
Cỏ lác hóa gấm là
Ngôi cao như tượng gỗ
Xúm xít kẻ vào ra
Lòng trong sáng thánh thiện
Lời người thành quỷ ma
Chuyện quốc gia cũng thế
Khác gì chuyện mày ta!
Đời thường nói: gỗ có mọt, sâu mới sinh, trong lòng có sự nghiêng ngả, thì kẻ khác mới thừa dịp làm cho mười phần hoảng loạn. Nhà Tùy từ khi Độc Cô hoàng hậu sinh lòng ghét Thái tử Dũng, đến nỗi Tấn Vương dòm ngó, tìm mọi cách để được hoàng hậu tin yêu, biết hoàng hậu không cho vua Tùy đi lại với phi tần, Tấn Vương cũng tạm thời gác bỏ hết thói hiếu sắc hàng ngày. Biết hoàng hậu ưa tiết kiệm, giản dị, Tấn Vương cũng cố ý làm cho mọi người thấy cách ăn mặc không diêm dúa, sặc sỡ của mình, sai cất bỏ tất cả những quần áo màn trướng xa hoa, lộng lẫy. Chẳng bao lâu, khiến lòng yêu mến Thái tử Dũng của hoàng hậu chuyển dần sang Tấn Vương. Bọn hoạn quan cung nữ thấy ngay sự thay đổi đó của hoàng hậu, nên nóng lạnh theo mùa, chìa môi uốn lưỡi, bới lông tìm vết, nói xấu Thái tử Dũng, không thèm đưa tin mách nước cho Thái tử. Ngược lại với Tấn Vương lại càng khăng khít, nếu Tấn Vương có chuyện không hay, chúng đều che đậy cho có việc tốt, chúng thêm lên gấp mười gấp trăm, kể lể hết chỗ này lúc khác. Tấn Vương cùng Tiêu Phi lại rất thân mật, rộng rãi với bọn thân tín của hoàng hậu, ngay cả đối với bọn tay chân bình thường đều được Tấn Vương ban thưởng rất hào phóng, vì vậy không kẻ nào trước mặt hoàng hậu lại không ca ngợi Tấn Vương.
Bây giờ Tấn Vương tính công việc liệu có thể thành đến bảy tám phần rồi, lại thêm lúc đánh chiếm nhà Trần, Tấn Vương có kết giao với tổng quản An Châu Vũ Văn Thuật, vốn túc trí đa mưu, xung quanh thường gọi Vũ là Tiểu Trần Bình (1), đang ở Dương Châu, được Tấn Vương xin về cho làm thứ sử Thọ Châu để tiện đi lại bàn bạc, tính chuyện giành ngôi Thái tử, Vũ thưa với Tấn Vương:
- Đại vương giờ đã được hoàng hậu yêu vì, chẳng còn lo không có người đỡ đầu, nhưng hạ quan xem ra, còn phải lo ba điều này: Thứ nhất tuy hoàng hậu ghét Thái tử, yêu đại vương, nhưng ghét chưa sâu yêu chưa đậm, giờ vào triều đại vương phải làm kế khổ nhục, cho hoàng hậu thương đại vương khiến hoàng hậu thêm kiên quyết. Đại vương lại còn một việc nữa là phải có được một đại thần tin cẩn ở bên ngoài, lời nói của ông ta được chúa thượng tin, ngày ngày đưa những lời dèm pha, dâng những lời khêu gợi, thế là trong ngoài cùng hiệp đồng thì không thể nào sai sót gì nữa. Để làm được việc đổi vị thay ngôi, còn phải làm một tội ác lớn nữa: đó là mua chuộc được những người thân tín của Thái tử, sẵn sàng dâng cả đầu Thái tử cho đại vương, không có chuyện thì làm thành chuyện, chuyện nhỏ thì sẵn sàng xé ra to, làm cho cả thiên hạ thấy, Thái tử dẫu có cãi cũng không lại. Thế thì chẳng sợ đại vương không được ngôi Thái tử nữa. Ba điều hạ quan trình bày này, hạ quan có thể làm được, nhưng vàng bạc châu báu phải tính đến hàng vạn, hạ quan có chi hết của nhà cũng không dám tiếc mà chỉ sợ vẫn không đủ cho.
1 Trần Bình: mưu thần nổi tiếng của Lưu Bang. Lưu Bang chết, có công lớn trong việc chống gian thần, yên ngôi nhà Hán.
Tấn Vương đáp:
- Điều này ta sẽ tự lo đủ. Chỉ cần túc hạ vì ta mà toan tính mọi chuyện xong xuôi, ngày sau phú quý ta cùng hưởng.
Năm ấy, lại đúng dịp Tấn Vương về triều cận, cả hai cùng kéo nhau đi, chia nhau lo liệu hành động.
Xảo kế những mong che mặt nhật
Thâm mưu toan tính hạ làm đông.
Về phía Tấn Vương, vào triều gặp vua Tùy, hoàng hậu, cho đến tể tướng, cả hàng liêu thuộc phía dưới đều có quà cáp, biếu xén, bọn hoạn quan, cung nữ trong cung cũng đều được ban thưởng. Chỉ có Lý Uyên tuy là bề tôi cũ, nhưng không có đi lại riêng, nên không chịu nhận lễ vật của Tấn Vương sai người đưa tới. Phía Vũ Văn Thuật, sau khi đi chào thăm các vị đại thần, hỏi han bạn bè quen thuộc, còn tìm gặp Đại lý tự thiếu khanh Dương Ước. Dương Ước vốn là em của Việt Quốc công Dương Tố, Tố hiện đang làm Thượng thư tả bộc xạ, uy quyền hơn cả vua, địa vị cao, danh tiếng lớn. Từ ngày dẹp được nhà Trần, những cung nữ phi tần nổi tiếng đến một nửa chui vào hậu phòng Tố. Tố lại vốn ham mê chuyện thanh sắc, không thích gặp gỡ, trò chuyện, người quen thuộc cũ, có điều gì cầu xin đều qua Dương Ước. Dinh thự họ Dương người tới đông như chợ. Vũ Văn Thuật vốn là quan ngoài kinh thành mới về, chờ đợi rất lâu mới được vào, dâng hơn một trăm lạng vàng ra mắt, uống hết một ấm trà rồi mới xin cáo lui.
Giữa Vũ Văn Thuật với Dương ước bình thường vốn là chỗ quen thuộc vong hình cũ, vì vậy Ước tìm đến đáp lễ, Vũ đã chờ sẵn ở nơi ngụ mời vào phòng khách ngồi. Ước nhìn bốn xung quanh tường thấy bày la liệt những đỉnh, những chuông, cùng những đồ tế tự khác của thời nhà Thương, nhà Chu, thêm nữa là những đồ chơi, của quý màu sắc rực rỡ chói mắt. Ước không giấu được vẻ ngạc nhiên thèm muốn, Vũ lên tiếng:
- Tất cả đều là của Tấn Vương ban cho, huynh ông biết thưởng thức am hiểu nhiều, xin chỉ giáo thêm cho.
Ước đáp:
- Tiểu đệ chỉ có những bảo vật của thời nay, loại này rất ít, thường được thấy ở bên dinh thự gia huynh mà thôi. Của đại huynh ở đây so ra còn hơn nhiều.
Thấy bên cạnh có bày cả bàn cờ làm bằng ngọc trắng, Ước mời:
- Lâu lắm không cùng đại huynh giao thủ. Ở Dương Châu, đại huynh thường so tài cao thấp với những ai?
Vũ đáp:
- Thường đệ chỉ vui với mấy tiểu thiếp đi cùng.
Ước nói:
- Hoặc là mới mua ở Dương Châu chăng? Tiểu đệ nghe nói con gái Dương Châu nhiều tài nghệ lắm!
Vũ đáp:
- Bàn cờ sẵn đây, đệ xin hầu huynh ông mấy ván đã. Hãy khoan nói chuyện Dương Châu vội.
Vũ lấy mấy cái đỉnh nhà Thương ngay trên bàn làm giải thưởng, lại cố ý thua luôn liên tiếp mấy ván, những đồ cổ quý giá kia vì thế về tay Ước phần lớn. Tiệc rượu bày ra, trên bàn đều là những thứ đựng từ đời tam đại, chen giữa những mâm vàng, chén ngọc lấp lánh, Ước nói:
- Những thứ trên bàn tiệc này, nhất định phải từ Dương Châu mang về. Ở trên phía bắc này không có những loại tinh xảo như thế này được.
Vũ đáp:
- Huynh ông nếu thích dùng, xin sẽ sai người mang lại.
Nói rồi sai chọn ra một bàn đầy, bỏ vào hòm, cùng những thứ lúc trước, bảo thủ hạ mang tới dinh Dương Ước. Ước hai ba lần từ chối:
- Cái này thì quả là không dám nhận. Thấy của liền nổi ý tham, đâu dám hưởng lộc mà chẳng có công lao gì cả.
Vũ đáp:
- Huynh ông, đệ lâu nay làm tổng quản, cái chức quan võ này, lương bổng không đủ sắm quà để biếu xén quan trên. Đến khi chuyển sang làm thứ sử Thọ Châu, thì cũng chỉ đủ để uống nước lã, làm sao mà có gì để biếu huynh ông được? Những cái này là Tấn Vương có việc cần đến huynh ông, ủy cho đệ chuyển đến mà thôi.
Ước từ chối:
- Nếu là của đại huynh ban cho thì đã không dám nhận rồi, nay lại là của Tấn Vương thì tiểu đệ lại càng không dám nhận.
Vũ lấp lửng:
- Đây mới chỉ là những thứ lặt vặt đã lấy gì làm lạ, đệ còn đem đến cho anh em huynh ông sự phú quý rất lớn, rất lâu dài nữa kia.
Ước hỏi:
- Như tiểu đệ đây, chưa thể nói đến phú quý, nhưng còn gia huynh, thì cũng đã phú quý cực điểm rồi còn gì, cần gì phải phái người phải mang phú quý đến nữa?
Vũ đáp:
- Sự phú quý của lệnh huynh*, chỉ có thể nói là đương lúc thịnh, chứ không thể nói lâu dài được. Huynh ông cũng biết lòng ham muốn không cùng của Đông cung chứ? Huynh ông có biết Đông cung ghét lệnh huynh tận xương không? Mai kia Đông cung đắc chí, thì chỉ có bọn thân thuộc Vân Định Hùng, bọn trong cung như Dương Lệnh Tắc là vững vàng, liệu có đến lệnh huynh không? Nay thì họ cúi đầu thờ anh em huynh ông, ngày sau ai biết chính họ lại phản anh em huynh ông, cưỡi lên đầu lên cổ anh em huynh ông? Nay may mắn Thái tử thất đức, Tấn Vương vừa được trong cung yêu vì, chúa thượng cũng đã có ý thay đổi ngôi kế vị, anh em huynh ông lẽ nên ủng hộ, mà lập ít nhiều công tích trong việc này. Tấn Vương sẽ khắc cốt ghi xương những hành động đó, chính là tính lấy sự phú quý lâu dài, đổi lấy cái thế trứng để đầu đẳng mà lập cái thế vững vàng của Thái Sơn. Huynh ông định chọn đường nào?
* Lệnh huynh: gọi tôn trọng, nịnh anh của người mình đang nói chuyện.
Ước gật đầu đáp:
- Đại huynh nói có lý lắm, nhưng chuyện phế lập là chuyện lớn, đâu dám dễ dàng nghe theo, xin cho thư thả để về cùng bàn bạc cẩn thận với gia huynh.
Cả hai uống say sưa suốt ngày, mãi tới đêm mới chia tay.
Hôm sau, Vũ Văn Thuật nghe tin ở Đông cung có Cơ Uy, được Thái tử rất tin yêu, vốn đi lại rất thân với bạn của Vũ là Đoàn Đạt. Vũ bèn sai đem vàng lụa, lấy danh nghĩa Đoàn Đạt hối lộ Cơ Uy, để Cơ Uy báo cho biết tất cả những động tĩnh ở trong Đông cung. Lại to nhỏ với Đoàn Đạt: "Có việc gì cứ, như thế... như thế... mà hành sự!". Lại hứa sau này giàu sang cùng hưởng, Đoàn Đạt nghe theo, hứa với Vũ sẽ gắng sức, chu đáo.
Đến kỳ Tấn Vương phải trở về đất phong của mình ở Dương Châu, theo đúng mưu sách của Vũ Văn Thuật, Tấn Vương vào chào hoàng hậu, khóc lóc thảm thiết đến lăn cả ra đất mà thưa:
- Con vốn ngu dại, không biết kiêng kỵ điều gì, nay chịu ơn thương yêu sâu nặng của hoàng hậu, xin sẽ được ngày ngày cho người về thăm hỏi sức khỏe của hoàng hậu. Nhưng chỉ sợ Đông cung lại vu cho có ý mưu đồ đại sự, mà càng thêm giận dữ, tìm cách giết hại. Lại thêm những lời dèm pha, ngày càng được chúa thượng tin theo, lòng con lo sợ vô cùng. Không biết rồi có được hầu hạ mãi hoàng hậu không!
Nói xong lại cất tiếng khóc nức nở. Hoàng hậu bèn an ủi:
- Hãy đợi đến khi nào không thể nhẫn nại được nữa, ta sẽ cưới con gái nhà Nguyên Thị cho con. Nếu con đối xử với A Văn như vợ chồng thực sự, chỉ thương yêu mình A Văn, ta sẽ như lần áo giáp dày che đỡ cho con. Mai kia ta tròn trăm tuổi, con như miếng thịt trong miệng nó*, thì con cứ lạy họ Nguyên nhà A Văn mà xưng thần, sẽ không ai đụng được đến con.
Tấn Vương nghe những lời này, lại dập đầu khóc rống lên, hoàng hậu lại vỗ về một hồi, khuyên cứ an tâm ra đi, không có mật chiếu thì dừng bao giờ về kinh, đừng bao giờ khiêu khích Đông cung.
* chỉ Thái tử Dũng.
Đợi vài tháng, hoàng hậu sẽ có cách đối phó hiệu nghiệm. Tấn Vương nuốt nước mắt từ giã. Vũ Văn Thuật nghe kể lại xong, liền nói:
- Thế là cả ba việc đều xong xuôi.
Thoạt tiên giao ngựa ngoài thành
Lân la bên cửa nép mình trộm xem
Đến giờ lông cánh dày chen
Cất bay, bay tận thanh thiên chín tầng.
Một phế một hưng, vốn có số trời. Dương Ước được Tấn Vương hối lộ, nên phải vì Tấn Vương mà thương lượng với Dương Tố. Mỗi lần anh em gặp nhau, Ước đều ra vẻ thiểu não, đến nỗi Tố phải hỏi:
- Chú có chuyện gì buồn bực trong lòng?
Ước thưa:
- Hôm trước em đi xe ngựa qua cửa Đông cung. Đông cung tản vệ Tô Hiếu Từ định giữ lại hạch tội* mới trình qua Thái tử, Thái tử gàn: "Thôi chờ giết quách lão giặc già một thể?" "Lão giặc già" không phải anh thì còn ai vào đây. Em nghe vừa bực vừa lo. Già bạc trắng đầu như anh rồi, liệu có qua được bước này nữa.
* Qua cửa Đông cung phải xuống ngựa, xe đi bộ
Tố đáp:
- Thái tử liệu làm gì được ta?
Ước giảng giải:
- Cái này thì chẳng có gì khó. Chúa công đến lúc bỏ chúng ta về trời. Thái tử lên ngôi, bấy giờ cả họ nhà ta lo còn kịp không?
Tố hỏi:
- Cứ như ý chú, thì giờ nên thế nào. Hoặc là từ quan về để tránh mặt Đông cung, hay là thay lòng đổi dạ về thờ phụng Đông cung?
Ước đáp:
- Trốn về thì quả là thất thế. Thuận theo Đông cung chưa chắc đã cởi bỏ được oán thù. Chỉ có cách phế bỏ Thái tử, lập một người khác, chẳng còn thù oán phải lo, mà còn có công lớn!
Tố vỗ tay nói:
- Ta không ngờ chú lại tính được cả những nước ấy, thế mà ta không nghĩ tới.
Ước đáp:
- Việc này cần phải nhanh, nếu kéo dài, Thái tử đối phó kịp, thì tai họa không biết đến lúc nào.
Tố nói:
- Ta biết việc này có hoàng hậu đứng chủ ở bên trong rồi!
Dương Tố vốn biết vua Tùy rất sợ hoàng hậu, hay nghe lời đàn bà, cho nên nhân lúc tiệc yến chuyện trò, Tố thường ca ngợi nét hiếu thuận của Tấn Vương, với hoàng hậu, đàn bà hay dễ lộ rõ ý khen chê hơn, Tố lại theo đó mà phụ họa. Hoàng hậu biết rõ Tố là người đang được tín nhiệm trong triều, nên cũng muốn lôi kéo Tố đồng tình với công việc của mình, bèn ngầm đem vàng bạc thưởng cho. Ban đầu Tố chỉ mong hoàng hậu nhận Tố vào cánh của mình, nay lại thấy cần mình giúp trợ, thì biết ngay việc có thể thành, nên càng thêm lời đơm đặt, trước mặt vua Tùy lại lôi kéo thêm bọn hoạn quan, cung nữ cứ nhân lúc thuận tiện mà buông lời dèm pha, tán thưởng.
Đúng là góp từng nắm đất thì thành núi, ba người hợp lại thành sức hổ. Tháng mười, năm thứ hai mươi đời Khai Hoàng, vua Tùy ngự ở điện Vũ Đức, tuyên chiếu phế Thái tử Dũng làm dân thường, con trưởng của Dũng là Dũng Vương Dương Nghiêm dâng lời xin cho cho được sung vào đội túc vệ, vua Tùy có ý thương xót, nhưng bị Dương Tố gạt đi. Có Ngũ Nguyên công Nguyên Mân thẳng thắn can gián, rồi Dương Hiếu Chính chức Văn lâm lang dâng thư can ngăn, nhưng vua Tùy chỉ nghe theo Dương Tố, mà gia hình, trách phạt những kẻ can ngăn. Dương Tố càng thầm kiêu ngạo vì đã xây được cho mình sự phú quý lâu dài. Tháng mười một, cũng năm ấy, bọn Dương Tố xui vua Tùy lập Tấn Vương làm Thái tử, cho Vũ Văn Thuật làm Hữu vệ tán Đông cung. Tấn Vương tiếp thánh thỉ, liền làm biểu tạ ơn, chọn ngày tốt cùng Tiêu Phi về triều kiến, vào ở ngay trong cấm uyển, hầu hạ vua và hoàng hậu, mười phần hiếu kính, vua Tùy thấy thế, trong lòng cũng rất hân hoan.
***
Lại nói, hoàng hậu Độc Cô, trời đã phú cho tính ghen ngay từ ngày còn thiếu nữ. Trong cung tuy không kể hết cung tần tài nữ, như cả vườn hoa, như cả núi gấm, vua Tùy chỉ được phép ngắm nhìn mà không được yêu thương đi lại với một người nào. Hôm ấy Độc Cô chẳng may nhiễm bệnh nhẹ, ở lì trong cung nghỉ ngơi. Vua Tùy nhân buổi không bị ai quấy phiền, với mấy nội thị đi hầu, lẻn thăm các cung, các viện, đến lầu Chi Thước, loanh quanh một hồi, lại trèo lên điện Lâm Phương đứng khá lâu. Thấy nào là tài nhân, thế phụ, tiệp dư, phi tần, thành hàng thành lũ kéo nhau qua lại, tuy gấm phủ đầy người, lụa khoác kín thân, ngọc ánh vàng soi, nhưng sắc đẹp thì quả chẳng thể vua ban. Hoa đào vốn ghét sắc đỏ, hoa lý ghen sắc trắng, nên vua Tùy ngắm nhìn mãi mà vẫn chẳng thấy một người nào vừa ý. Theo gót nội thị, vua Tùy đến cung Nhân Thọ, âu cũng là do duyên trời bày đặt khéo. Một cung nữ, tuổi còn ít, đang cuốn rèm châu, trông thấy vua sợ hãi buông rèm xuống, khuôn mặt thấp thoáng sau mành liễu rủ, đứng tần ngần, ngắm nhìn xuống, đưa vào bình phong gấm. Vua Tùy nhìn kỹ, chỉ thấy người đẹp mặt hoa, nét nguyệt, trăm xinh ngàn đẹp, quả là:
Gió đón xuân về hoa nở rộ
Ngạo nghễ ngọc lành lộ vẻ xinh
Hồ thu mặt sóng lung linh
Dáng như Thần Nữ, giật mình Đông Quân
Mắt ai sao hiện quên ngày rạng
Thùy liễu vương sương sáng lạt mờ
Đan thanh nét vẻ còn chờ
Đổi ngôi hoàng hậu, chẳng ngờ, vẫn thua!
Vua Tùy hỏi: .
- Người tiến cung khi nào. Sao không thấy bao giờ ra hầu hạ.
Cung nữ nghe vua Tùy hỏi vội quỳ thưa:
- Tiện thiếp là cháu của Uất Trì Quýnh, tự nguyện xin vào cung, ơn hoàng hậu xếp cho ở đây, không dám tự tiện ra vào, nên chưa bao giờ có dịp được hầu bệ hạ.
Vua Tùy cười:
- Người hãy đứng lên. Hôm nay hoàng hậu không có ở đây, tự tiện ra vào cung cũng chẳng sợ gì.
Đang chuyện trò thì nội thị mời về cung để ngự bữa chiều. Vua Tùy đáp:
- Ăn ở đây cũng được!
Không lâu, yến bày ra, vua Tùy gọi Uất Trì Thị cùng đứng hầu ăn uống. Uất Trì Thị tửu lượng vốn kém, vì vua Tùy mười phần xứng ý nên phải cố uống mấy chén. Đêm hôm ấy, vua Tùy ngủ lại cung Nhân Thọ.
Sáng hôm sau, vua Tùy đậy sớm coi triều, vô cùng hoan hỉ:
- Đêm nay trẫm mới được biết cái vui thú của việc làm thiên tử. Nhưng chỉ sợ hoàng hậu mà biết được thì xử trí ra sao đây?
**
Lại nói Độc Cô tuy ốm, nhưng có bao giờ lại quên những việc ấy, không lúc nào không sai bọn tay chân tâm phúc theo dõi, nên đã có kẻ tâu hết mọi chuyện. Độc Cô nghe xong, máu ghen trào tận cổ, lập tức trở dậy, chẳng thấy ốm đau nữa, đem theo khoảng mười cung nhân, vẻ mặt đều dữ tợn kéo đến cung Nhân Thọ. Lúc này Uất Trì Thị cũng vừa mới rửa mặt chải đầu xong, đang vén tay áo xem những vết phong hoàng* đã sạch chưa, bỗng thấy Độc Cô cùng bọn cung nhân rầm rập như ong ập vào, Uất Trì Thị mặt xám như bùn, tay chân hoảng loạn như con hươu mới sinh, vội quỳ xuống đất.
*Theo "Từ Hải", thời Tùy Đường, trong cung thường dùng sáp ong trộn với phấn của bướm, gọi là "Điệp phần phong hoàng" làm mỹ phẩm bôi ngoài da.
Độc Cô về tới cung, cũng chẳng thèm giấu giếm gì, cho gọi ngay mấy mụ già chuyên làm những việc bắt bớ tra khảo trong cung đến, bọn này chẳng kể gì lưng ong, vóc liễu, mắt phượng mặt khác nào một đám mây đen xà xuống, dằn Uất Trì Thị ra, lôi ngược lôi xuôi, áo gấm, giải lụa tả tơi. Độc Cô vừa chỉ tay xỉa xói, vừa đay nghiến:
- Con tiện tỳ yêu quái kia! Mày có những gì tốt đẹp, mỹ miều, mà dám dùng bùa ma thuốc quỷ để mê hoặc nhà vua, làm loạn cả phép tắc trong cung của ta!
Uất Trì Thị run rẩy thưa:
- Kẻ hầu hạ này vốn bậc thấp hèn, đâu dám không biết đến pháp độ của hoàng hậu, mà dám mong tới sự đoái hoài của chúa thượng. Chỉ vì số đáng chết, chiều tối hôm qua bỗng chúa thượng giáng lâm, lưu lại ngự buổi chiều, sau khi say, mới ở lại trong cung.
Tiện tỳ này đã nhiều lần từ tạ, nhưng chúa thượng nhất định không nghe, tiện tỳ không biết làm thế nào, chỉ đành vâng theo. Chuyện này hoàn toàn là ở chủ ý của chúa thượng, tiện tỳ không dám can dự gì xin hoàng hậu thương mà tha cho tội chết.
Độc Cô đay nghiến:
- Mày là giống yêu ma. Đêm qua sướng như thế, mày đã ra vẻ ái ố mỹ miều, để lừa gạt rủ rê được cả nhà vua, không biết đến liêm sỉ. Nay lại còn khéo đặt bày lời nọ lẽ kia, để hòng phủi cho sạch phải không?
Rồi hét bọn tay chân:
- Đánh mạnh vào cho ta!
Uất Trì Thị cúi lạy
- Xin hoàng hậu tha mạng!
Độc Cô rủa:
- Chúa thượng yêu thương mày đến thế. Mày đi mà xin chúa thượng tha mạng. Sao đêm hôm qua không đem mạng mà tha, nay phải xin ta. Loại yêu ma như mày, ta chỉ mới sơ hở một lúc, mà mày đã lừa cướp vào tay. Hôm nay nhất định ta đánh cho kỳ chết, cũng còn ân hận là quá muộn, còn chưa hả cơn tức giận trong người ta. Sao lại có thể để sống cái gốc của việc phản loạn, để rồi “nuôi ong tay áo” mãi cho được. Chúng bay mau kết quả tính mạng nó cho ta.
Thật đáng thương cho Uất Trì Thị, mảnh mai, xinh đẹp là thế, sao chịu nổi gió dập mưa vùi, chả cần đến kiếm dài, dao sắc thì cũng đã hương tan, ngọc nát. Thật đúng là:
Duyên may những tưởng tháng năm dài
Sáng nở nào hay chiều đã phai
Một đêm ân ái, thôi rồi hết
Theo nước hoa trôi tận dạ dài.
***
Lại nói, vua Tùy tan buổi triều, trong lòng vẫn mang đầy hoan lạc, tưởng lại cuộc vui tối qua, mới quay về cung Nhân Thọ để cùng ân ái với Uất Trì Thị. Vào tới cung, Vua Tùy thấy Độc Cô hoàng hậu sát khí đằng đằng đứng lên, còn Uất Trì Thị thì đã hoa tàn trăng lặn, nằm sóng sượt trên mặt đất, máu me đầm đìa, quần áo tả tơi, người đầy thương tích mới biết chuyện. Vua Tùy hoảng hồn vừa giận dữ, nhưng không nói được một lời, đi nhanh ra ngoài. Vừa may gặp một tiểu hoàng môn* dắt ngựa đi qua, vua Tùy liền lên ngựa, theo lối Vĩnh Cảng ra khỏi triều nội mà lòng chán chường phẫn nộ, những muốn vứt quách cả thiên hạ, tìm vào hang sâu, rừng rậm cho xong.
May gặp Cao Quýnh cũng vừa tan chầu về, Quýnh cố sống cố chết khuyên giải, hỏi rõ nguyên do. Vua Tùy đành quay ngựa trở về đại diện, cho gọi quần thần, đem chuyện Độc Cô đánh chết Uất Trì Thị kể lại, đòi thảo chiếu phế bỏ mụ già. Cao Quýnh tâu.
*Tiểu hoàng môn: Chức quan trong cung vua, thường là hoạn quan, lo việc xe ngựa cho vua.
- Chuyện này thì bệ hạ lầm rồi. Bệ hạ lan tâm khổ tứ vào hang hổ, xuống vực rồng, tốn kém không biết bao quân tướng, khí cụ, mới nhất thống được thiên hạ. Lúc này chính là lúc nghĩ đến việc trị nước, truyền lại cho con cháu, sao lại chỉ vì một người đàn bà mà vứt bỏ cả chín châu?
Vua Tùy vẫn chưa nguôi uất giận, Cao Quýnh phải khuyên giải bao lần, mới rời điện về cung. Độc Cô thì phần đang ốm, phần tức giận, phần lo nghĩ, kinh sợ đủ điều, nên bệnh ngày càng nặng, cứ nhắm mắt lại là thấy Uất Trì Thị hiện ra chửi mắng, khóc than đòi mạng, nên biến sang chứng kinh giản, ngày một trầm trọng, mấy tháng sau thì qua đời, tránh được chiếu phế truất ngôi hoàng hậu, lại vẫn được làm tang ma theo như lễ thường. Đời sau có người làm thơ tả tâm địa của Độc Cô như sau:
Con mẹ cũng ra chuyện bán mua
Yêu ghét thay lòng, đổi quách vua
Đừng cãi chết rồi, yêu ghét hết
Nhìn xem trăm họ nắng rồi mưa.
Từ ngày Độc Cô chết, nội cung vắng lặng. Vua Tùy ban truyền chỉ cho tuyển chọn trong cung tần, phi tử, tài nhân những kẻ đẹp nhất để hầu hạ. Chỉ ban ra, cung nữ ai cũng hy vọng dịp may được hưởng ân của thánh thượng, nhưng ba nghìn xuân sắc, mà chỉ riêng may một hai người. Tuyển khắp sáu cung chỉ được hai người: một là Trần Thị, hai là Sái Thị. Trần Thị vốn là con Trần Tuyên Đế, sinh ra tính tình đã rất ôn hòa, nhã nhặn, phong tư yểu điệu, thật là nhạn sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường. Sái Thị vốn quê ở Đan Dương, cũng chẳng kém vẻ kiều mị phong lưu. Vua Tùy được hai nàng, có lần nói.
- Ta già rồi. Lòng chẳng thích gì nữa, nay được hai khanh, cũng đủ vui cảnh trời chiều.
Vua Tùy phong Trần Thị làm Tuyên Hoa phu nhân, Sái Thị là Dung Hoa phu nhân. Cả hai đều dày ơn mưa móc, nhưng Tuyên Hoa phu nhân được chiều chuộng hơn nhiều. Từ đó vua Tùy ngày nào cũng vui chơi yến tiệc, so với những ngày sánh cùng Độc Cô thì thoải mái, sung sướng hơn nhiều.
Nhưng vua Tùy là một vị hoàng đế mở đầu cơ nghiệp nhà Tùy, vẫn còn giữ được ít nhiều đạo lý, tuy có hoan lạc yến ẩm trong cung, nhưng vẫn chú tâm đến công việc triều đình, những tờ chương tấu của trăm quan đều xem kỳ hết, mãi tới tận khuya mới đi nằm. Một đêm, đang ngồi dưới đèn, đọc các tấu chương, thấy người mệt mỏi, mới nằm dựa vào ghế, nội thị không dám kinh động, lặng lẽ túc trực bên bình phong.
Vua Tùy trong lúc mơ màng nửa tỉnh nửa mê, thấy một mình đứng trên kinh thành, bốn phía bao la, nhìn rõ là núi sông gấm vóc trải phía dưới, lòng vô cùng khoan khoái. Bỗng thấy trên thành hiện ra ba cây gỗ lớn, cành chi chít những quả, đang ngắm nhìn, lại nghe bên tai tiếng nước reo, cúi nhìn xuống thì kinh thành nước ngập mênh mông, sóng trào cuồn cuộn, cao ngang mặt thành. Vua Tùy vô cùng sợ hãi, vội bỏ chạy, quay đầu nhìn lại, nước dâng ngập trời. Vua Tùy vô cùng hoang mang thét một tiếng lớn, liền tỉnh mộng. Tả hữu vội vàng dâng trà thang. Vua Tùy uống liền mấy chén mới trấn tĩnh, nhớ lại rất rõ ràng từng chi tiết của giấc mộng, cho là điềm không lành.
Nên từ đó, vua Tùy lệnh cho coi sóc việc đê điều rất cẩn thận, khai sông, mở cống luôn được coi trọng, những mong trông nom như thế sẽ không thể nào xảy thủy tai nữa. Lại nghĩ kẻ gây nên thủy tai cho kinh thành có lẽ tên tuổi có ít nhiều dính với sự nước nôi, lụt lội, cần phải xem xét, theo dõi tỉ mỉ rồi trừ diệt kỳ hết, để không thể nào xảy ra chuyện giành ngôi, mất nước.
Cảnh mộng ích gì có với không
Xem ra cũng vốn chuyện cùng thông
Thiên hạ mênh mông đều họa nước
Rồi ra đại nghiệp chảy về đông.
Vua Tùy vốn tính hay nghi hoặc, tin chuyện tướng số, điềm triệu, giờ thêm giấc mộng này, lòng càng lo nghĩ gấp bội.
Cuối cùng mộng triệu thực hư ra sao, xin xem hồi sau phân giải.
@by txiuqw4