sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 21

Thơ rằng:

Vườn ngô tràn cỏ rậm

Lầu Việt ngập cáo cầy

Thuyền lan không đậu bến Cô Tô

Chức nữ lỡ dịp cầu ô thước

Cát vàng đục

Dâu bãi tàn

Hây hây một phấn má đào

Hỏi rằng bóng dáng ra vào nơi nao?

Vần trăng ngơ ngác nhạt màu

Vô tình chiếu cảnh chim âu nước bèo

Tan tan hợp hợp bởi đâu?

Theo điệu "Vu sơn nhất đoạn vân"

Sao sa, chớp giật, vốn là những thứ ngắn ngủi trên đời, nhưng còn ngắn hơn nữa là má đào, là tóc xanh. Trong vòng bảy mươi năm đời người, da hồng tóc xanh, liệu được mấy năm, dẫu là Phan Phi của Đông Hôn Hầu, mỗi bước lại nở một bông sen vàng (1), hoặc người đẹp như cây ngọc ở hậu đình của Trần Hậu Chủ, tính xem được bao ngày. Nếu đem so với thế lực nghiêng trời của bọn gian thần một thuở hung ác sáng ra hết đời, chỉ trong khoảnh khắc còn gì nữa đâu? Thì phải chăng cũng chẳng khác gì má hồng tóc xanh vậy thôi. Cũng một đường như nhau cả, sớm nở chiều phai.

1 Phan Phi: theo "Nam sử” thời Tề, Đông Hôn Hầu có người vợ yêu là Phan Phi rất đẹp. Đông Hôn Hầu sai người làm hoa sen bằng vàng, giát xuống nền nhà. Mỗi lần nhìn Phan bước trên hoa, Đông Hôn Hầu khen: "Một bước lại nở một bông sen vàng”.

***

Lại nói Tùy Dượng Đế từ khi lên ngôi báu, hễ cứ thoái triều, lại về ngay Tuyên Hoa cung, mặc sức hưởng lạc tìm vui, cứ thế kéo dài hàng tháng trời. Ban đầu Tiêu hậu ở Đông cung, vốn lâu nay sắt cầm hòa hợp, chẳng mấy khi cách mặt ân ái mặn nồng, nay được lập làm hoàng hậu, thì lại bị ghẻ lạnh. Tiêu Hậu lúc đầu cũng nghĩ Dượng Đế đang có tang thượng hoàng, nên giữ lễ ở riêng một chỗ, sau điều ra tiếng vào, biết rõ chuyện Dượng Đế ngày đêm mặc sức dâm đãng ở Tuyên Hoa cung, thì nổi giận đùng đùng:

- Vừa mới lên ngôi hoàng đế, mà đã dâm loạn như thế, mai này còn đến mức như thế nào mới vừa lòng, toại ý?

Hôm ấy vừa dịp Dượng Đế thoái triều vào cung, Tiêu Hậu túm lấy mà xỉ vả:

- Đẹp mặt hoàng đế chưa, mới lên ngôi được mấy ngày, mà đã vội phụ ngay hoàng hậu này, gian dâm với thiếp của vua cha, nếu làm hoàng đế vài năm nữa, vợ thiên hạ đều bị bệ hạ cưỡng ép tất cả mất thôi?

Dượng Đế đáp:

- Thì cũng là cái hứng nhất thời, hoàng hậu làm gì mà giận dữ ồn ào đến thế.

- Nhất thời với chẳng nhất thời, thiếp cũng chẳng cần bệ hạ. Thiếp chỉ tới bắt nó nhốt vào lãnh cung, không cho gặp nhau nữa, thế là xong. Nếu vẫn còn quyến luyến không rời nhau ra được, thiếp sẽ ban một đạo ý chỉ (1), nói rõ những chuyện xấu xa cho cả trăm quan họ rõ, để xem bệ hạ sẽ ra người như thế nào?

1 Ý chỉ: Lệnh của hoàng hậu. Ý nghĩa là tốt đẹp, đức hạnh dùng để chỉ về hoàng hậu.

Dượng Đế vội vàng khuyên lơn:

- Hoàng hậu không nên nóng nảy, vội vàng quá như vậy. Hãy khoan khoan để ta còn lo liệu nữa chứ!

Tiêu Hậu đáp:

- Còn lo liệu như thế nào nữa. Nếu bỏ nó không được, thiếp sẽ sai cung nhân kéo đến làm nhục nó một hồi, xem nó còn biết xấu hổ nữa không nào?

Dượng Đế vốn vẫn sợ Tiêu Hậu, nay thấy Tiêu Hậu định làm to chuyện như vậy, trong lòng rất hoang mang, đành phải đứng dậy van nài:

- Hoàng hậu nói nhỏ thôi. Chờ trẫm nói cho Tuyên Hoa rõ, rồi tự Tuyên Hoa tìm đường khu xử, trẫm sẽ quay lại đây, chịu tội với hoàng hậu.

Tiêu Hậu đáp:

- Nói với nó thế nào thì mặc bệ hạ. Có quay lại đây nữa không cũng tùy bệ hạ. Còn thiếp có cách đối phó của thiếp.

Những lời qua tiếng lại này giữa Dượng Đế cùng Tiêu Hậu, lập tức có người báo cho Tuyên Hoa phu nhân. Phu nhân nghe ra, khóc lóc thảm thiết, thì thấy cung nữ báo Dượng Đế tới. Tuyên Hoa chỉ đành nuốt nước mắt, cúi đầu ra nghênh tiếp. Dượng Đế lại gần nhìn kỹ, thấy mặt ủ mày chau, ngấn nước mắt vẫn còn, mới nói:

- Vừa rồi trẫm cùng hoàng hậu nói chuyện, có lẽ phu nhân cũng đoán được ít nhiều. Nhưng trẫm đã có chủ ý, hãy cứ thử xem hoàng hậu định làm gì đã. Trầm nghĩ hoàng hậu cũng không nhẫn tâm hành hạ phu nhân đâu.

Tuyên Hoa thưa:

- Thiếp vốn xuất thân ty tiện, năm xưa đã từng đắc tội với tiên đế nay lại làm khổ bệ hạ. Dẫu có chết cũng đã đủ tội rồi. Nay chỉ xin bệ hạ theo đúng ý chỉ của hoàng hậu, đem thiếp nhốt vào lãnh cung, cho đến lúc bạc tóc trong ngạch cửa, chỉ có thế mới là kế lâu dài được.

Dượng Đế than thở:

- Tình nặng nghĩa dày là trọng, còn sinh tử là chuyện khó bàn. Trẫm cùng phu nhân, cuộc vui tuy chưa dài, nhưng ân tình cũng sâu tựa biển. Nay trẫm với phu nhân dẫu chỉ được sống với nhau như vợ chồng dân thường, trẫm cũng cam lòng, chứ làm sao trẫm có thể nhẫn tâm cắt ái đoạn ân, lòng nào mà bỏ phu nhân cho được!

Tuyên Hoa níu lấy Dượng Đế khóc lóc rất bi thương, rồi lại van lơn:

- Thiếp không phải tính ương ngạnh. Nhưng nếu quá ham muốn chuyện này, sẽ làm hỏng cả tiếng tăm của bệ hạ. Thiếp nhớ tới chuyện cung nữ Uất Trì của tiên đế ngày nào, chỉ sợ lại dẫm phải vết của người xưa. Lại thêm chuyện giận dữ của hoàng hậu sáng nay, thiếp sợ lại sẽ không còn đất chôn, bệ hạ hãy tính kế trước cho thiếp nếu cứ ngồi chờ, sợ hối không kịp vậy!

Nghe Tuyên Hoa nói đến đây, Dượng Đế lại than thở:

- Nghe những lời của khanh, khanh oán hận tình của trẫm quá mỏng manh, nhưng nhìn cho thật rộng lượng, mới thấy lòng trẫm thật đớn đau, chua xót.

Rồi sai một bọn thái giám, ra cung Tiên Đô ở bên ngoài quét dọn sạch sẽ, đưa Tuyên Hoa phu nhân ra đó, các thứ chi dùng, ty giám cứ theo lệ cũ mà cấp đầy đủ. Hai người vốn đang sắt son gắn bó, một sớm phải xa nhau, nói rồi lại nói, nhìn rồi lại nhìn. Dượng Đế không nỡ chia tay, nhưng Tuyên Hoa cố từ tạ nhiều lần, Dượng Đế mới cho ra khỏi cung nội để đến Tiên Đô cung.

Chính là:

Tử biệt thường ấm ức

Sinh ly những nghẹn ngào

Thân em gió dạt sóng dào

Luống đem nhan sắc gán vào hợp tan.

Tùy Dượng Đế từ khi Tuyên Hoa ra đi, ngày đêm như tỉnh như mê, thở ngắn thở dài, chợp mất là mộng thấy Tuyên Hoa bên cạnh. Tiêu Hậu thấy tình trạng Dượng Đế đến thế, nghĩ rằng có ngăn cấm càng thêm nguy hại, bèn lựa lời thưa với Dượng Đế:

- Thiếp cũng vì muốn giữ tình phu phụ, nên mới khuyên bệ hạ bỏ Tuyên Hoa, không ngờ bệ hạ quyến luyến đến như thế, thế thì sợ thiếp lại ra người ghen tuông ác nghiệt, chia rẽ Sâm Thương. Chính ý thiếp là muốn gắn bó hơn mà việc làm lại hóa ra càng xa cách. Chi bằng bệ hạ truyền chỉ, triệu Tuyên Hoa về cung, sớm tối bỏ lòng khát khao của bệ hạ, thiếp cũng lại được thấy mặt rồng hớn hở vậy. Như vậy có phải cả hai cùng vui vẻ hay sao?

Dượng Đế cười đáp:

- Nếu quả như thế, hoàng hậu còn hiền đức hơn cả người xưa. Chỉ sợ hoàng hậu nói đùa cho vui vậy thôi!

Tiêu Hậu khẳng định:

- Thiếp làm sao lại dám đùa bệ hạ!

Dượng Đế cả mừng, thế này thì cần phải chờ đợi gì nữa, sai ngay nội giám, phi ngựa triệu Tuyên Hoa về cung.

***

Lại nói Tuyên Hoa từ ngày ra khỏi cung cấm, lòng chẳng còn mong có ngày sẽ được vua yêu, cho nên cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện tô mặt vẽ mày, suốt ngày sống trong an nhàn tự tại. Hôm ấy bỗng thấy nội giám đem thánh chỉ truyền triệu vào cung. Tuyên Hoa bèn nói với sứ giả:

- Thiếp ơn thánh thượng được cho ra ngoài này, cũng như hoa rơi nước chảy, sao lại có chuyện trở về này được. Ngài hãy vì thiếp mà từ tạ với thánh thượng.

Nội giám thưa:

- Chúa thượng trong cung, đã có chỉ tuyên triệu phu nhân, một giờ một khắc cũng không thể chậm, kẻ hầu này làm sao dám tay không mà trở về phục chỉ cho được!

Tuyên Hoa nghĩ ngợi hồi lâu, rồi lên tiếng:

- Thiếp có cách cư xử rất tốt rồi!

Rồi lấy một tờ hoa tiên, viết một bài từ, đọc đi đọc lại, gấp thành hình một bông hoa xinh xắn, rồi giao cho nội giám:

- Hãy vì thiếp mà cầm cái này về tạ chúa thượng!

Nội giám không dám ép nài, chỉ còn cách cầm bài từ về trình lên Dượng Đế. Dượng Đế vội vàng mở ra xem, thì là một bài "Trường tương tư" như sau:

Hồng đã thưa

Biếc đã thưa

Đa tạ gió xuân nắng tình đưa

Hoa tàn khó như xưa

Đắc sủng ngờ

Thất sủng ngờ

Trông mặt hội vui mấy thuở giờ

Mãi xót xa đợi chờ.

Dượng Đế xem xong cười nói:

- Phu nhân lại sợ ta bỏ phu nhân. Nhưng nay hoàng hậu đã có lời như thế, ai còn nỡ bày chuyện chia ly nữa mà lo lắng mãi.

Rồi cũng sai tả hữu lấy văn phòng tứ bảo, theo bài từ của Tuyên

Hoa mà họa lại nguyên văn như sau:

Mưa không thưa

Móc không thưa

Xin hóa gió xuân sớm chiều đưa

Hoa cỏ tốt như xưa

Ân chẳng ngờ

Ái chẳng ngờ

Ngày đêm hội ngộ chẳng đợi chờ

Sống chung đến bao giờ.

Dượng Đế viết xong, cũng gấp thành một bông hoa, giao cho nội giám đem đi. Tuyên Hoa đọc bài từ này, thấy tình của Dượng Đế vẫn còn nồng nàn, không tiện từ chối nữa, lại vẽ lại mày ngài, tô lại má phấn, trèo lên hương xa vào cung. Dượng Đế khác nào như sống lại, cùng Tuyên Hoa tìm đến Tiêu Hậu, Tiêu Hậu trông thấy, trong lòng tất cũng không thoải mái, nhưng vì hiểu rõ tính tình Dượng Đế, nên làm ra vẻ bao dung, vui vẻ cả cười, sai sắp yến tiệc để chúc mừng hội ngộ. Chính là:

Gió xuân năm mới đẹp vô ngần

Ấm áp lâu dài, sạch bụi trần

Ngõ cũ chàng Tiêu nay gặp lại (1)

Thiên Thai Lưu Nguyễn mãi tương thân (2)

1 Toàn Đường thi thoại: Thôi Giao có người thiếp yêu bị bắt bán cho tướng

Liêu. Thôi làm thơ: “Cửa tướng đã vào thì sâu tựa biển, từ đấy chàng Tiêu chỉ là khách qua đường “. về sau, tướng liêu biết chuyện, cho hai người đoàn tụ.

2 Thần tiên ký: Lưu và Nguyễn vào núi Thiên Thai hái thuốc, lạc đường kết duyên với hai nàng tiên sổng rất hạnh phúc.

Từ đấy Dượng Đế cùng Tuyên Hoa sớm chiều hoan lạc, so với trước đây ngày càng đậm đà. Chưa đầy nửa năm, ai hay trăng tròn khuyết bất thường, hoa đẹp dễ tàn, hồng nhan bạc phận, Tuyên Hoa bị bệnh mà mất. Dượng Đế đau đớn, lệnh cho Hiếu ty làm lễ tang rất trọng thể rồi suốt ngày ủ rũ, tỉnh tỉnh mê mê, mi sầu mắt lệ, Tiêu Hậu khuyên giải:

- Người chết chẳng sống lại được. Bi thương thế cũng chẳng ích gì. Sao bệ hạ không tuyển lấy một người đẹp khác trong hậu cung, để lấp nỗi nhớ thương, quên bao sầu não đi.

Dượng Đế đáp:

- Hậu cung toàn những phấn thừa hương thải, làm sao mà tuyển được?

Tiêu Hậu cãi:

- Ngày trước Tuyên Hoa cũng tuyển từ hậu cung mà ra. Nếu chẳng được thì xem là một trò tiêu khiển cho vui cũng chẳng sao.

Dượng Đế nghe theo lời Tiêu Hậu, truyền chỉ các cung viện lớn nhỏ, tần phu, phái nữ đều phải đến cung hoàng hậu để dự tuyển lựa. Lúc này các cung nga tha hồ chải lại tóc mây, thêm lớp phấn dồi, kéo nhau đến cung hoàng hậu, Dượng Đế cùng Tiêu Hậu, ngồi giữa chính điện, lần lượt gọi các cung nữ lại gần trước mặt, vừa cùng uống rượu, vừa cùng tuyển chọn, đúng là “quan ư hải giả, nan vi thủy!”(1). Tuy là hoa xếp thành đội, liễu bày thành hàng, tuyển đi tuyển lại, chẳng

1 Cổ thi, câu thứ hai là “Trứ khước Vu Sơn bất thị vân” nghĩa là: “Từng xem bể cả khôn làm nước; chỉ ở Vu Sơn mới thật mây” .

thấy đâu quốc sắc thiên hương, hoa nhường nguyệt thẹn. Dượng Đế lại ủ rũ mặt mày, than vãn:

- Tuyển cả bầy thế này mà toàn mệt mỏi vô ích. Làm sao mà có được dung mạo, thiên tư quốc sắc như Tuyên Hoa phu nhân cho được!

Bèn ra lệnh ngừng tuyển, cung nữ ồn ào một lúc rồi ai đi về cung ấy.

Tiêu Hậu bàn:

- Xin bệ hạ đừng phiền lòng, hãy uống vài chén, chờ thiếp tự vào các cung tìm xem, xin vì bệ hạ tìm kỳ được người đẹp vừa ý về mới thôi.

Dượng Đế hỏi:

- Ở đây tuyển thế này còn chẳng ra, hoàng hậu còn làm khổ mình làm gì?

Tiêu Hậu thưa:

- Sao bệ hạ chẳng hay nghe rằng: từ xưa đàn bà có sắc đẹp khác thường, tất cũng thường cao giá tự trọng, sẵn sàng yên tâm chết già trong cửa, chẳng bao giờ chịu rẻ rúng theo người khác, xếp thành hàng thành đội để dự tuyển lựa bao giờ. Giờ thiếp xin cẩn thận tìm khắp các cung, quyết không bỏ sót, nếu tìm không ra, thiếp xin chịu để bệ hạ phạt ba chén rượu lớn?

Nói xong lập tức lên xe loan đi ra. Dượng Đế cùng mấy gã thái giám ngồi uống rượu, hết chén này sang chén khác chờ Tiêu Hậu.

Thực ra Tiêu Hậu đâu có chịu đi tìm người đẹp ở các cung, mà đi thẳng về cung Trường Lạc, cởi áo ngự ra, tô lại mặt, vẽ lại mày, tết lại kiểu tóc khác, giả dạng cung nữ, trên đầu cài mấy cành hoa long phượng, ba hàng ngọc minh châu rũ thắp thoáng xuống mặt, chọn một bộ y phục cung nữ thật đẹp, xong xuôi đâu đó, sai nội thị đến báo trước cho Dượng Đế. Lúc này nhà vua đã nửa say nửa tỉnh, mà vẫn chưa thấy Tiêu Hậu quay lại, đang định sai người mời về, thì thấy một nội thị đến tâu:

- Hoàng hậu đã tuyển được một cung nhân, sai kẻ hầu này dẫn đến trước để bệ hạ xem qua, hoàng hậu lại sang cung khác để tìm thêm.

Dượng Đế cười phán:

- Hoàng hậu thật vất vả vì ta quá. Chỉ sợ chẳng được việc gì cả!

Lúc này Tiêu Hậu cải trang đã đi đến cửa cung, liền xuống xe loan đi vào, làm ra dáng yểu điệu thướt tha bước lại thềm vàng, cách thềm điện khoảng một tầm tên bắn. Dượng Đế đưa mắt nhìn xuống, thì quả thấy một cung nữ đưa một người đẹp tới, bộ diệu thanh cao dáng hình đài các, y phục trang điểm rực rỡ thanh tân, ngập ngừng muốn bước tới, lại muốn bước lui, cúi lạy trước thềm vàng. Dượng Đế không ngăn được mừng rỡ vội nói lớn:

- Quả nhiên hậu cung còn có được người đẹp như thế này, hãy mau đứng dậy!

Giục giã mấy lần, Tiêu Hậu vẫn còn vờ cúi như cũ. Dượng Đế lúc này háo hức thấy mặt người đẹp, chẳng còn nghĩ gì đến địa vị hoàng đế chí tôn, xuống khỏi ngai vàng, đưa tay kéo dậy, Tiêu Hậu bây giờ mới đứng dậy, nhưng vẫn cúi đầu che mặt. Dượng Đế ghé nhìn chăm chú, rồi cười ha hả:

- Thì ra hoàng hậu. Thật là nghĩ khôn làm khéo. Trẫm lại cứ ngờ rằng để sót mất người đẹp, khổ nổi phải lưu lạc đến giờ.

Dượng Đế kéo tay Tiêu Hậu, cùng lên ngồi trên ngai vàng, rồi phán:

- Ba chén rượu lớn, khanh không chối được đâu!

Tiêu Hậu thưa:

- Thiếp tìm khắp hậu cung, quả chẳng có ai vừa ý. Nhưng vì chót đã hứa, sợ bệ hạ bắt tội, cho nên phải tạm làm xấu, để đẹp lòng bệ hạ, mua một tiếng cười. Cho nên ba chén rượu lớn ấy, xin bệ hạ tha cho!

Dượng Đế đáp:

- Xử như vậy không xong. Trẫm không phạt hoàng hậu đâu, trẫm chỉ phạt người đẹp mới tuyển thôi!

Tiêu Hậu thưa:

- Nếu đúng là người đẹp, sợ bệ hạ lại không nỡ lòng nào mà phạt nữa?

Vừa nói vừa nâng chén rượu mà tiếp:

- Thiếp nghĩ rằng trong cung không có. Nhưng khắp thiên hạ thì nhất định phải có. Bệ hạ nay là chúa của thiên hạ rồi, sao không sai người đi các nơi khác mà tìm kiếm. Lại không có người đẹp gấp mười lần Tuyên Hoa hay sao. Việc gì cứ ngồi không mà phiền não?

Dượng Đế đáp:

- Hoàng hậu nói tuy rất hay, nhưng chỉ sợ đình thần sẽ nhiều người lên tiếng ngăn cản.

Tiêu Hậu đáp:

- Trong đám đình thần, kẻ dám nói dám can rất ít. Người đáng sợ nhất là lão thần Dương Tố mà thôi. Nay nhân có mấy chậu lan đang nở nhiều, ngày mai bệ hạ hãy triệu Dương Tố vào ngự uyển, cho thưởng yến xuân lan, tìm chuyện gợi ý, xem ý tứ Dương Tố ra sao, mà quyết định vậy thôi.

Dượng Đế phán:

- Hoàng hậu nói đúng lắm?

Bàn bạc xong xuôi, một đêm qua đi. Sáng hôm sau, Dương Tố ra ngự uyển, thấy mấy chục chậu lan, chậu cao chậu thấp, đều rộ những hoa.

Chính là:

Thoang thoảng hương tràn lối vắng

Lơ thơ liễu rủ ánh hồ trong.

Dượng Đế vội sai hai nội thị, ra triệu Dương Tố vào ngự uyển.

***

Lại nói Dương Tố từ khi giúp công lập Dượng Đế, cậy mình công lớn, tất cả quyền hành trong triều đều thâu tóm trong tay mình. Sáng hôm ấy, Dương đang cùng đám con hát say sưa ca múa, thấy có thánh chỉ truyền triệu, lập tức lên kiệu vào ngự uyển, qua hồ Thái Dịch, Dượng Đế trông thấy, mời vào điện, miễn lễ, ban cho ngồi. Dương cũng chẳng cần khiêm nhường, chỉ bái một cái, rồi ngồi xuống.

Dượng Đế phán:

- Đã lâu trẫm không thấy khanh, cũng thấy mình sinh bỉ lậu. Hoa lan nở nhiều, liễu xuân khoe tơ bên hồ, hương thơm phủ khắp người, cá lượn mặt hồ, nên mời khanh vào cùng thưởng ngoạn, cùng câu cá mua vui.

Dương thưa:

- Thần nghe rằng: thả chim muông thì lụn bại, nuôi thú dữ thì tiêu vong. Ngày xưa Lỗ Ai Công đứng xem cá ở tiền đường mà sách “Xuân Thu" của Khổng Phu tử chê cười. Vua Thuấn nghe đàn khúc “Nam phong" mà vạn đời sau còn ca ngợi. Bệ hạ mới lên ngôi báu đang chính lúc tràn trề sức lực, xin hãy lấy phép xưa của Nghiêu Thuấn, đừng bắt chước những điều lầm lỗi của Lỗ Ai Công.

Dượng Đế đáp:

- Trẫm nghe ông già ở Bàn Khê, chỉ câu cá mà nên nghiệp nhà Chu tám trăm năm, công nghiệp của khanh liệu có khác gì không?

Dương mặt mày hớn hở thưa:

- Bệ hạ lấy điều đó để ví với hạ thần, hạ thần cũng xin lấy điều đó để đền đáp bệ hạ.

Vua tôi cùng vui vẻ. Dượng Đế liền sai mấy nội thị, chuyển yến tiệc lại gần hồ để xem cá. Cá lớn cá bé lúc nổi lúc chìm, lúc ẩn lúc hiện, sóng nước dập dờn.

Dượng Đế phán:

- Trẫm cùng khanh câu, ai câu được cá trước thì thắng, kẻ thua phạt một chén rượu có được không?

Dương thưa:

- Thánh ý thật hay vô cùng!

Chẳng bao lâu, Dượng Đế giật lên, được một con cá vàng nhỏ khoảng ba thốn. Dượng Đế mừng lắm, nói với Dương:

- Trẫm câu được một con rồi. Khanh nhớ phải uống một chén rượu phạt nhé!

Dương đang chăm chú câu, nói sợ cá nghe không dám cắn câu, nên không trả lời nhà vua, đầu chỉ gật gật ra hiệu, đến khi nâng cần lên vẫn chẳng thấy cá đâu, lại đặt cần xuống chỗ cũ. Một lúc sau, lại thấy Dượng Đế giật lên một con cá vàng nhỏ nữa, Dượng Đế lại giao hẹn:

- Trẫm câu dược con thứ hai rồi. Thế là khanh nợ hai chén nhé!

Dương lại nâng cần lên lần nữa, vẫn chẳng thấy gì. Bọn cung nhân thấy thế, bịt miệng mà cười. Dương mặt đã thấy sắc giận, giọng có vẻ tức tối:

- Loài chim sẻ thì biết sao được chí chim hồng. Xin cứ chờ lão thần trổ tài câu rùa bể, câu kỳ được cá chép vàng. Để rồi bệ hạ uống một chén rượu vạn năm có được không?

Dượng Đế thấy Dương nói những lời đầy vẻ huênh hoang, không còn giữ được lễ vua tôi chút nào, trong lòng không vui, vứt cần câu xuống, sai rửa tay, đứng dậy trở về hậu cung, lửa giận bày rõ ra mặt.

Tiêu Hậu đón vào, hỏi han:

- Bệ hạ cùng Dương Tố đang câu cá, sao lại có vẻ tức giận bỏ về đây?

Dượng Đế đáp:

- Không thể nào chịu được tên giặc già này nữa rồi, vừa kiêu ngạo, vừa vô lễ, mười phần càn rỡ. Trẫm chỉ muốn gọi mấy nội thị giết quách y, mới bỏ lòng căm tức này được.

Tiêu Hậu vội vàng khuyên can:

- Chuyện không thể thế được. Dương Tố là lão thần của tiên triều, lại vừa có công lớn với bệ hạ. Hôm nay triệu vào ban yến mà lại giết, các quan tất không phục. Huống chi Dương Tố vốn là dũng tướng, ở đây chỉ có mấy tên nội thị, mấy đứa cung nhân, làm thế nào mà trấn áp nổi Dương Tố được. Chẳng may việc không xong, cọp xổ khỏi chuồng, quyền binh trong tay, giở thói ngang ngược, xã tắc rồi sẽ ra sao. Bệ hạ muốn trừ Dương Tố, cũng phải tính toán cẩn thận, làm ngay ngày hôm nay đâu có xong.

Dượng Đế nghe xong gật gù:

- Hoàng hậu nói có lý lắm!

Rồi thay áo, lại quay lại hồ Thái Dịch như cũ. Dương vẫn đang ngồi dưới bóng hàng liễu, dáng mặt quắc thước, đẹp lão, râu tóc bạc trắng một màu, gió nhẹ khẽ thổi, vài sợi rung nhè nhẹ, ra dáng tiên phong đạo cốt. Dượng Đế thấy thế, trong lòng lại càng ganh ghét, nhưng vẫn gượng vui vẻ hỏi:

- Từ nãy tới giờ, khanh đã câu được con nào chưa?

Dương thưa:

- Cá hóa rồng, đâu phải lúc nào cũng có được?

Nói chưa dứt lời, nâng cần câu lên. Một con cá chép màu vàng, dễ chừng đến một thước hai ba phân gì đó. Dương vứt cần câu xuống, cười nói:

- "Hữu chí sự cánh thành", có chí ắt làm nên. Bệ hạ thấy tài năng lão thần chưa nào?

Dượng Đế cùng cười đáp:

- Có bề tôi như thế này! Trẫm chẳng còn điều gì phải lo lắng nữa!

Lại sai bày tiệc rượu, quân thần cùng uống. Bỗng thấy nội thị quỳ thưa:

- Tâu bệ hạ! Ngoài cửa cung có người đánh cá ở sông Lạc Thủy, đánh được một con cá chép lớn, có vẩy màu đỏ, dáng rất lạ, không dám bán riêng, nguyện đem dâng bệ hạ.

Dượng Đế lệnh cho mang vào. Một lúc sau ba bốn nội thị, khiêng vào một cái chậu lớn, đặt ngay trước bàn tiệc rượu. Dượng Đế cùng Dương Tố đứng dậy xem xét cẩn thận, thì thấy con cá dài đến năm thước, những chiếc vẩy vàng, vẩy đỏ lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, Dượng Đế thấy vậy thích lắm, sai đem thả vào hồ. Dương Tố can:

- Cá này trông có vẻ có thần khí, sợ không phải là vật nuôi ở trong hồ. Chi bằng giết quách, có thể miễn được các họa sấm chớp mai sau chăng.

Dượng Đế cười đáp:

- Nếu quả là cá này có phận hóa rồng, dẫu có giết cũng chẳng làm sao mà trừ được tai họa.

Bèn quay ra hỏi tả hữu:

- Cá này có tên riêng không?

Tả hữu thưa:

- Không có !

Dượng Đế sai lấy bút sen, viết lên đầu cá hai chữ "Giải sinh" (1) để đánh dấu, rồi cho thả xuống hồ, và hậu thưởng cho người đánh cá đã đem cá dâng. Tả hữu tiến rượu: quân thần lại làm một chầu nữa, cung nhân hát xong lại múa, múa xong lại hát, lại sai tấu cả loại nhạc khí nhẹ nhàng vừa nghe. Dượng Đế đang định khơi chuyện để dò ý Dương Tố, thì đã thấy tả hữu đem ba con cá chép vàng vừa câu được làm thành gỏi rất tinh tế, lại có cả nước thang hợp với loại gỏi cá này dâng lên bàn tiệc. Dượng Đế thấy thế liền gọi một nội thị lại gần, sai rót một chén rượu lớn, đưa cho Dương Tố:

1 “Giải sinh": cũng như kiểu làm lễ "phóng sinh" ngày xưa nghĩa đen là "thả cho sống".

- Vừa rồi câu cá ta có hẹn rồi. Trẫm may câu được trước. Xin khanh hãy cạn chén rượu này. Thế mới không phụ vị thơm ngon của mấy con cá này vậy!

Dương Tố nhận chén rượu uống cạn. Rồi cũng gọi nội thị rót tiếp một chén rượu lớn, nâng mời Dượng Đế:

- Lão thần này câu được sau, nhưng lại được cá chép vàng lớn, bệ hạ cũng nên uống hết chén này, để mừng công hạ thần.

Dượng Đế cũng uống một hơi cạn, rồi nói:

- Trẫm câu được những hai con. Khanh phải uống thêm một chén nữa mới phải.

Lại sai nội thị rót một chén lớn nữa dâng lên.

Dương Tố đã say đến bảy tám phần, lè nhè phân giải với mọi người:

- Bệ hạ tuy câu được hai con, nhưng không bằng một con lớn của lão thần. Bệ hạ nếu lấy chuyện nhiều ít để ban rượu cho hạ thần, thì hạ thần cũng xin đem chuyện to nhỏ để kính bệ hạ. Hạ thần quả không thể vâng lệnh bệ hạ cho được.

Tả hữu nâng rượu đưa mời Dương Tố, nhưng Dương Tố quyết chối từ, tả hữu không ngờ, lỡ tay làm đổ cả chén rượu xuống bàn, lại làm ướt một đám lớn áo mãng bào của Dương (1), chảy xuống cả bên dưới. Dương đột nhiên nổi giận, lớn tiếng quát tả hữu:

1 Áo bào của vua thêu rồng gọi là long bào. Áo của đại thần thêu rắn lớn gọi là mảng bào.

- Thật là một lũ vô dụng. Đến như thế này, thì làm sao mà ngồi trước mặt chúa thượng, dám khinh rẻ bậc đại thần. Không còn coi pháp độ của triều đình vào đâu nữa.

Rồi ra lệnh:

- Hãy đè chúng ra, đánh cho một trận.

Dượng Đế thấy nội thị làm đổ cả rượu, đã định quát nạt, nhưng Dương Tố lớn tiếng thế, cũng chỉ biết yên lặng ngồi xem không biết ngăn trở như thế nào cho phải. Nội thị không thấy Dượng Đế nói gì, đành phải lôi tên nội thị rót rượu ra, đè xuống, đánh đủ mười hai roi.

Lúc này Dương Tố mới quay lại, thưa với Dượng Đế:

- Cái bọn hoạn quan, cung nữ này thật là đáng ghét. Từ xưa đến nay vốn được các bậc đế vương nuông chiều, nên thường hay làm hư hỏng, đổ vỡ mọi chuyện. Bữa nay chẳng phải lão thần này thô lỗ, mà chính là phải dạy chúng một bài học, để sau này chúng cẩn thận, tử tế hơn, không dám càn rỡ như vậy nữa!

Dượng Đế lúc này vẫn cố nhịn sự tức tối khó chịu trong lòng, một phần cũng vì chuyện tuyển người đẹp trong thiên hạ vẫn chưa thăm dò được ý Dương Tố nên vẫn làm ra bộ vui vẻ mà rằng:

- Khanh vì trẫm mà cai trị thiên hạ bên ngoài. Nay lại vì trẫm mà làm sạch sẽ nơi cung cấm. Đúng là bậc đại thần nhiều công trạng. Xin hãy uống thêm một chén để đền công khó nhọc.

Dương Tố uống luôn mấy chén nữa, lúc này thì đã say cả mười phần, bèn đứng dậy tạ ơn. Dượng Đế sai hai thái giám đưa Dương Tố ra khỏi cung.

Xuống điện, ra đến cửa ngự uyển, bỗng thấy một trận gió lạnh thổi, tràn khắp mặt, sởn da gà, lạnh tận xương, Dương Tố nhìn ra, thì thấy Tuyên Hoa phu nhân tiến lại gần, nhìn thẳng vào mặt Dương Tố mà mắng rằng:

- Dương bộc xạ! Thuở Tấn Vương mưu đoạt ngôi Đông cung, có người mà chưa có ta, có ta cũng bởi do người!

Dương Tố lúc này cũng quên hẳn việc Tuyên Hoa phu nhân đã chết bèn đáp:

- Những chuyện này đã qua rồi. Nay phu nhân còn giở ra làm gì nữa?

Tuyên Hoa đáp:

- Nay chúa thượng sai ta đến đây, là để đòi nhà ngươi xử rõ ràng một án giết người.

Dương Tố hỏi:

- Lão thần vừa được ban yến, không thấy chúa thượng nói gì cả!

Nói chưa hết lời thì, thấy Tùy Văn Đế, đội mũ cửu long, mình mặc long bào, tay cầm phủ việt bằng vàng, ngồi trên xe tiêu dao (1), cản ngay đường trước mặt Dương Tố mà quát:

1 phủ việt: búa nhỏ bằng vàng, để ra hiệu lệnh. Tiêu dao: lang thang vô định, không có gì ràng buộc, xe tiêu dao là xe tưởng tượng của bậc thần tiên, ma quái, đi được ở mọi nơi, mọi lúc.

- Ngươi là kẻ giặc già giết vua, lại còn lớn tiếng gì nữa?

Rồi cầm phủ việt nhằm giữa trán Dương Tố mà giáng xuống. Dương Tố tránh không kịp, ngã lăn quay ra đất, miệng, hai lỗ mũi máu tuôn ra, thái giám thấy thế, vội chạy trình Dượng Đế. Dượng Đế cả mừng, lệnh cho quân cấm vệ, khiêng Dương Tố ra khỏi cung. Về đến Dương phủ dần dần tỉnh lại, trối trăng với con là Dương Huyền Cảm:

- Con ta? Chuyện đoạt ngôi lộ cả rồi. Mau mau chuẩn bị tang ma đi thôi.

Chưa tới nửa đêm hôm đó, thì đã ô hô! Thương thay! Thượng hưởng!

Chính là:

Luật thiên nhiên đắp đổi

Có sớm thì có tối

Đứa gian hùng khó toàn

Chóng chầy ắt đền tội

Mày sống đầy nham hiểm

Mày chết không yên ủi.

Dượng Đế nghe tin Dương Tố chết, vui mừng mà nói rằng:

- Thằng giặc già đã chết, Trẫm chẳng còn phải sợ thằng nào nữa.

Bèn gọi ngay bọn thái giám Hứa Đình Phụ gồm mười người, phán rằng:

- Mười người các ngươi hãy chia nhau đi khắp thiên hạ, phải tuyển được gái thật đẹp, không kể nơi nào, mỗi người tuyển cho ta từ mười lăm đến hai mươi mỹ nữ (1), nhưng phải thật kiều diễm, đưa dần về kinh. Người nào tuyển tốt sẽ có thưởng, kẻ nào tuyển không xong sẽ bị phạt tội. Không được chây lười, sinh chuyện!

1 Tác giả có chỗ nhầm, hồi thứ hai mươi bảy, lại nói bọn Hứa Đình Phụ tuyển được hơn một ngàn cung nữ.

Hứa Đình Phụ vâng lệnh lui ra. Kinh thành là nơi làm trước tiên, bọn này trương ngay một bảng lớn, tìm kẻ mối mang đưa tin, đưa người, cả kinh thành lại một phen náo động.

Một tối, Dượng Đế cùng bàn bạc với Tiêu Hậu:

- Trẫm suy ra từ xưa các bậc vua chúa đều có ly cung biệt quán, dùng làm nơi mua vui hưởng lạc. Nay trẫm đang lúc thịnh thời như thế này, mà không kịp hưởng những chuyện đó, cũng khiến thiên hạ cười rằng ngu dại. Trẫm thấy đất Lạc Dương vốn là nơi trung tâm của chín châu, sao lại không đem làm Đông kinh, dựng ở đó một cung Hiền Nhãn để triệu tập khắp bốn phương, cũng là nơi đi về hành lạc.

Liền cho gọi hai viên nịnh thần Vũ Văn Khải cùng Phong Đức Di, ngay trước ngự điện, được giao cho cai quản công việc này. Vũ Văn Khải quỳ tâu:

- Trình bệ hạ chí tôn, từ xưa các bậc đế vương đều có minh đường, để vua các nước nhỏ vào triều kiến. Vua Thuấn có Nhị Thất, Văn Vương có Linh Đài Linh Chiêu đều là những công trình xây dựng to lớn, lừng lẫy một thời nổi tiếng nhân đức trong thiên hạ. Nay bệ hạ xây cung Nhân Thọ, để làm rõ đức sáng của bậc thánh nhân, thì chính là học theo được vua Nghiêu vua Thuấn, dựng nên những sự tích tốt đẹp khắp cổ kim vậy. Chúng thần không dám không gắng sức.

Phong Đức Di cũng quỳ gối thưa:

- Tâu thánh thượng! Đấng thiên tử dựng cung điện, không rộng không cao không đủ tráng lệ, không tráng lệ không đủ chỗ để tuyên dương đức lớn, tất phải bắt đầu từ phía nam giáp với Truy Giản, phía bắc gối lên bến Lạc Tân, chọn khắp gỗ quý, đá hiếm trong thiên hạ, cùng các loại kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú mà bày mà nuôi ở bên trong cho thật đủ loại, đáng cho vạn quốc đến chiêm ngưỡng.

Dượng Đế cả mừng phán:

- Hai khanh hãy hết lòng hoàn tất việc này cho thật tốt. Trẫm sẽ trọng thưởng.

Liền truyền sắc chỉ cho Vũ Văn Khải cùng Phong Đức Di tạo dựng cung Nhân Thọ ở Lạc Dương. Từ Trường Giang về phía nam, Ngũ Lĩnh kéo về phía bắc, mọi thứ vật liệu, theo lệnh mà đóng góp đầy đủ không được thiếu sót. Còn thợ và tiền của thì trừ Giang Đô cùng Đông Đô, phải phục dịch cho việc xây dựng tại chỗ, thì miễn cho việc đóng góp này, còn cứ mỗi thành, phủ huyện, châu quận đều phải góp ba nghìn lạng bạc, mau chóng gửi tới Lạc Dương đóng góp sức mình. Hai người vâng chỉ ra đi Lạc Dương, chia nhau công việc. Thật lại một lần nữa nhũng nhiễu trăm họ, tai ương cho muôn dân.

Muốn biết công việc về sau ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx