Thơ rằng:
Đua chen danh lợi chuyện bồng bềnh
Dẹp loạn đưa dân đến trị binh
Gươm tuốt lưỡi xanh trừ xiểm nịnh
Bút ngời chữ đỏ cứu sinh linh
Đeo xiềng vốn nghĩ oai không sợ
Cởi mũ vì xem chức đáng khinh
Cười ngất vận thời nhiều ngáng trở
Trượng phu chung thủy vững như đinh.
Đời làm quan dù nhỏ dù lớn, nếu có chí hướng thì đều có thể làm nên sự nghiệp, đi đến đâu cũng để lại ơn đức, làm việc gì cũng vì quốc gia, không sợ bọn cường quyền, không ngại kẻ phú quý. Dù một lời nói một việc làm, cũng là để phúc đức lại cho con cháu.
***
Lại nói chuyện Tần Thúc Bảo rời khỏi Tế Châu, tìm đến bản doanh của Khai hà đô hộ Ma Thúc Mưu, thì biết Thúc Mưu đang ở vùng Thư Dương, nên vội vàng đến Thư Dương nạp văn thư. Đi được vài ngày, bỗng trên đường gặp được một người, đội khăn lụa trắng, dáng như một võ quan. Người này dừng ngựa bên đường, nhường cho Thúc Bảo đi qua. Thúc Bảo trông lại, có vẻ quen quen, giống như người bạn thuở nhỏ là Địch Khứ Tà. Cả hai nhận ra nhau, chào hỏi xong xuôi. Khứ Tà hỏi Thúc Bảo đi đâu. Thúc Bảo đáp:
- Được sai đi giám đốc việc đào sông.
Thúc Bảo hỏi lại Khứ Tà, Khứ Tà đáp:
- Tiểu đệ cũng làm dưới trướng quan Khai hà đô hộ họ Ma. Rồi đem chuyện đào sông ở Ung Khâu, tìm vào huyệt đá, thấy Hoàng Phủ Quân đánh chuột, rồi khuyên bảo ra sao, cả chuyện gặp ông già thần tiên ở Tung Dương, Thiếu Thất Sơn như thế nào kể cho Thúc Bảo nghe. Thúc Bảo nói:
- Bây giờ đại huynh đi đâu?
Khứ Tà đáp:
- Tiểu đệ đã thấy rõ sự đời nhiều, nên chán ngán thác bệnh từ quan, về tìm nơi nào đó ẩn thân. Không ngờ đến lượt hiền huynh lại vướng vào bàn tay họ Ma này. Y là một kẻ tâm địa tham ác khó mà phụng sự cho được, xin hiền huynh lưu ý.
Hai người chia tay.
Thúc Bảo vốn là người chính trực, không tin chuyện quỷ thần, cho nên cũng không tin chuyện Khứ Tà kể. Mới tới Thư Dương mấy ngày đầu, hoặc qua thôn lớn, thôn nhỏ, hoặc vào vài lều tranh bên đường, thường thường Thúc Bảo vẫn nghe đây đó tiếng khóc văng vẳng, Thúc Bảo nghĩ ngợi: "Có lẽ vùng này gần nơi đào sông, dân đều bị bắt đi phu dịch, ruộng đồng, vườn tược bỏ hoang phế. Trong nhà chẳng còn manh áo lành, chẳng còn được ống gạo, cho nên khóc than thế này chăng? Nhưng đến khi nghe rõ hơn thì lại là khóc con gái bé, con trai nhỏ. Thúc Bảo lại nghĩ: "Có lẽ là trời gieo bệnh đậu mùa, cho nên trẻ con chết nhiều nên ở đâu cũng nghe khóc chăng?". Nhưng lẫn trong tiếng khóc, lại nghe cả lời rủa nguyền sau:
- Cha đời thằng giặc cướp Bát Vương, sao nỡ cướp mất con vàng con bạc của ta đi đâu?
Cũng có kẻ còn than vãn:
- Con nhỏ của ta ơi. Nay con bị giặc cướp bắt cóc con đi, không biết còn ngày nào trở về nữa không?
Thôi thì hàng trăm hàng nghìn lời khóc lóc, kể lể đại loại như thế. Thúc Bảo đắn đo: "Lạ nhỉ, nếu thế này thì cũng phải khóc con trẻ chết bệnh?". Lại ngầm nghĩ: "Hoặc giả năm mất mùa đói kém, có chuyện lường gạt trẻ con gì chăng? Nhưng tại sao lại nhiều đến như thế được? Nhất định phải có nguyên do gì chứ? “.
Chính là:
Xóm xóm vang rên khóc
Nơi nơi tiếng thở than
Dế giun kêu đứt nối
Hành khách lệ tuôn tràn.
Đến Ngưu Gia trang, quân lính thì đi trước cũng có, đi sau cũng có, Thúc Bảo cùng với hai mươi gia đinh dừng lại đây để nấu ăn. Trong lúc cơm còn chưa chín. Thúc Bảo vốn trong lòng đang có nhiều nghĩ ngợi, mới vào trong thôn xem xét, thấy trước cửa nhà, có một đám trai tráng khoảng ba bốn người, lại thêm một ông già, tay chống gậy, tay kia che vành tai để nghe chuyện cho rõ, Thúc Bảo cũng lại gần nghe ngóng. Một người nói:
- Ngày hôm qua con nhỏ nhà họ Trương cũng bị bắt mất rồi!
Một người tiếp:
- Ngày hôm kia thì thằng cháu của ông già họ Vương cũng đã bị mang đi rồi. Bố nó đã bị bắt đi đào sông, nhà ấy rồi sống sao bây giờ?
Lại một người nữa:
- Chẳng mấy nhà còn trẻ con nữa. Vợ chồng nhà họ Triệu, sinh được mỗi một thằng bé, còn quý hơn vàng, đêm qua cũng mất rồi!
Ông già gật đầu than vãn:
- Thật chẳng khác gì loài chó sói. Nghe đâu ở làng Thượng, cũng mất đến hai ba chục đứa nhỏ rồi.
Thúc Bảo bèn hỏi ông già:
- Lão trượng, xin cho hỏi ở thôn ta, đã bị bọn giám công cùng bọn lính tráng lừa mất bao nhiêu trẻ con cả thảy rồi?
Ông già đáp:
- Nào phải chuyện lừa, lừa thì may vẫn còn sống, cướp trộm để giết kia. Mà cũng chẳng dính dáng gì đến lính tráng đâu, đây chỉ là bọn trộm cướp thôi thưa ngài!
Thúc Bảo hỏi:
- Xem ra năm nay, mùa màng cũng không đến nỗi, sao lại có chuyện ăn thịt người?
Ông già đáp:
- Ngài có điều chưa rõ, trong số các quan trông coi việc đào sông, có một vị tổng quản rất thích ăn thịt trẻ con. Mổ bụng xong, ướp ngũ vị quay lên. Vì vậy mới sinh ra một bọn trộm cướp, chuyên lừa bắt trẻ con, rồi quay sẵn đem dâng để đổi lấy mấy lạng bạc thôi. Bọn này cũng không phải chỉ một đứa, mà trẻ bị bắt cũng không phải chỉ riêng thôn này đâu!
Chính là:
Cũng vì tài lợi dỗ dành
Lòng tham nên nỗi người thành hổ lang.
Thúc Bảo nói:
- Đã là bậc quan nhân, sao lại có chuyện như vậy, chỉ sợ lại chuyện hoang đường chăng?
Ông già đáp:
- Ai nói dối ngài làm gì? Ngài không thấy khắp nơi đều vang tiếng khóc than đó sao? Giờ đi khắp thôn, có nằm mơ cũng chẳng tìm ra một chỗ yên ổn. Nhà nào có con gái, con trai nhỏ, cũng phải lo giữ gìn, không dám cho ra đường. Đêm đến thì chong đèn suốt đêm để trông coi. Hoặc đóng một cái cũi thật chắc chắn, khóa kỹ lại. Ngài không tin, xin cứ đi một vòng mà xem!
Thúc Bảo vào một nhà, quả thấy một cũi gỗ, bên cạnh là chiếu chăn của người lớn để nằm canh giữ, Thúc Bảo hỏi:
- Sao lại phải đóng cửa nhốt trẻ lại như thế này?
Người này đáp.
- Ngày xưa thì nghìn ngày làm giặc cướp rồi! Nay đến lượt nghìn ngày giữ giặc cướp vậy, thưa quý quan!
Thúc Bảo bắt đầu tin thực, quay lại điếm canh ăn cơm, rồi sai phái gia đinh:
- Hôm nay mệt lắm rồi. Hãy nghĩ lại đây. Sáng mai hãy đi tiếp!
Rồi vào trong điếm, trải chăn chiếu đánh một giấc. Tỉnh dậy, nghĩ cách làm sao tóm được bọn cướp này trừ hại cho thôn dân. Trời vừa tối thôn xóm chẳng có trống mõ điểm canh gì cả, nhìn ánh trăng nhợt nhạt, lạnh lẽo, có lẽ đã hết canh một. Thúc Bảo lặng lẽ ra khỏi điếm canh, ngoài đường không một bóng người, đi đến dãy lều chợ ở phía đông, cũng chẳng gặp một ai. Thúc Bảo đang định quay trở về, bỗng nghe từ một nhà ngay cạnh đường, tiếng la hét inh ỏi, thì ra chỉ là hai vợ chồng nằm mơ không thấy con đâu, la hét cuống cuồng, làm cho đứa bé cũng hoảng hồn khóc thét.
Thúc Bảo lại đi về phía tây, nhìn từ đường xa, thấy như có hai bóng người, dáng đi lẫn lút. Thúc Bảo vội lẻn ngay vào trong điếm canh, nấp sau cửa cẩn thận nhìn theo. Một lát sau, quả có hai người, Thúc Bảo đợi cho chúng đi qua, mới lén theo sau nghe ngóng xem hai người này làm gì. Cả hai cái bóng lần lượt nghe ngóng khắp cửa nhà này, tới cửa nhà khác. Rồi mới khẽ mở một cánh cửa của nhà cuối ngõ, một bóng vào trước, một bóng vào sau. Thúc Bảo đứng chờ, thấy một bóng quay ra chạy ngay trước mặt. Thúc Bảo thét lớn:
- Chạy đi đâu!
Rồi thoi một quả thật mạnh vào sống lưng. Bất ngờ không kịp đối phó gì, tên này ngã lăn quay, vứt cả đứa bé ra cạnh đường khóc lanh lảnh. Thúc Bảo bỏ mặc, chạy vào nhà bọn này vừa vào, thì cũng vừa gặp tên trộm thứ hai chạy ra, vì nghe tiếng Thúc Bảo la thét bên ngoài, nên đứng sau cửa nhìn ra thấy Thúc Bảo vào, đang định vùng chạy. Thúc Bảo trông thấy, xấn lại, đá cho một cú trời giáng, tên này ngã lăn quay ra ngay trước cửa như một con chó.
Lúc này xung quanh nghe ồn ào mới kéo ra đông, vợ chồng nhà nọ cũng mới tỉnh dậy, thấy con không còn trên giường, gào thét chạy ra. Thúc Bảo đã lôi tên trộm ngã ngoài cửa ra phía điếm canh. Ngoài điếm, bọn gia đinh, nghe tiếng quát của Thúc Bảo, cùng tiếng huyên náo bên ngoài, đều đã trở dậy, cũng vừa may tóm được ngay tên thứ nhất đang định bỏ chạy. Tiếng la, tiếng khóc, tiếng đánh dập ầm ĩ một hồi. Thúc Bảo thấy mọi người xúm lại đánh hai tên trộm, bèn lên tiếng can:
- Xin các vị đừng quá tay. Hãy trói chúng lại, hỏi rõ những trẻ ăn trộm lâu nay để đâu hết. Bè đảng còn những đứa nào. Bọn này là người ở đâu, tên họ là gì. Phải bắt cho kỳ hết lũ hùm sói hại dân này. Nếu đánh chết chúng, thì còn lấy đâu ra kẻ khai báo nữa?
Rồi sai gia đinh lấy dây thừng, trói cả hai đứa lại, bắt đầu hỏi tra. Một tên khai Trương Yến Tử, một thằng Đào Kinh Nhi, đều là người ở thôn Thượng Mã, huyện Ninh Lăng. Chúng còn khai tên cầm đầu là Đào Liễu Nhi, chuyên đi bắt trẻ nhỏ, mổ bụng, quay lên, rồi đem đến hiến Ma Đô hộ. Thúc Bảo hỏi xong, trời cũng gần sáng, trong thôn, ngoài thôn nghe tin bắt được bọn trộm trẻ con, kéo đến xem đông nghịt. Bọn đàn ông, Thúc Bảo còn ngăn được, nhưng không tài nào ngăn nổi bọn đàn bà lăn xả vào hai tên trộm cấu xé, chửi bới, có bà còn vác cả thanh củi nện tới tấp. Thúc Bảo thấy phải giải ngay bọn này lên quan, nếu không bọn người này đánh chết, sẽ liên lụy đến mình. Thúc Bảo phải lên tiếng:
- Thưa các vị. Ma Tổng quản đường đường một vị đại thần, quyết không thể dính dáng vào chuyện xấu xa này được. Tổng quản hiện đang ở Thư Dương, tiểu nhân cũng đến đó, chi bằng giải hai tên này tới, trình với Ma Tổng quản. Nếu bọn này vu oan cho tổng quản, thì tổng quản không đời nào tha chúng. Nếu đúng có chuyện này, thì tổng quản cũng phải lo sợ mà thôi không dám làm ác nữa chăng?
Mọi người nói:
- Tướng quân nói có lý lắm. Chỉ sợ trên đường tướng quân lại tha chúng mất, chúng sẽ quay lại làm khổ dân hơn mà thôi!
Thúc Bảo nói:
- Nếu tiểu nhân thả, thì cầm bằng tiểu nhân không bắt còn hơn! ông già nói chuyện hôm qua, nhận ra Thúc Bảo:
- Thì ra là vị quan nhân hôm qua. Đúng là ngài đã vì dân mà trừ hại. Ta cũng nên kiếm lễ tạ ơn ngài chứ?
Thúc Bảo không nhận, giải hai tên cướp, vội vàng lên đường cùng với toán gia đinh của mình.
Đến Thư Dương, thì Thúc Mưu cùng Lệnh Hồ Đạt cũng mới tới chưa lâu, đang ngồi trong bản doanh.
Thúc Bảo tập trung đủ số lính tráng, cùng công văn đến nạp. Thúc Mưu thấy tướng mạo Thúc Bảo rất mừng, liền cho Thúc Bảo giữ chức Đốc lý hà công phó sứ, theo dõi công việc ở ngay Thư Dương. Thúc Bảo tạ ơn, nhưng trong lòng lại thầm nghĩ: "Khứ Tà từng nói người này tham lam, thật quả đúng vậy, chỉ cần trông qua cũng rõ. Chẳng cần phải dưới trướng lâu ngày mới nhận ra. Nay ta cứ đem chuyện hai tên cướp này thưa, chỉ sợ rồi y cho rằng ta định bêu xấu y, hoặc lại sẽ thả hai thằng cướp ra, cho chúng tiếp tục làm bậy. Nhưng cũng đành vậy, chẳng nhẽ để hàng loạt trẻ con bị ngậm oan". Thúc Bảo tới bên án thưa:
- Tế Châu lãnh binh hiệu úy Tần Quỳnh, có việc này xin thưa cùng hai vị đại nhân.
Thúc Mưu nào đã biết chuyện gì, nên vẫn rất hòa hợp nhã nhặn hỏi han, Thúc Bảo bèn thưa:
- Hạ quan đi qua Ngưu Gia trang, bắt được hai tên cướp, chúng khai đại nhân cần trẻ con, nên công nhiên cướp bắt. Một tên là Trương Yến Tử, một tên là Đào Kinh Nhi, hạ quan bắt theo đây, đang giữ ngoài cửa, xin đại nhân phân xử.
Thúc Mưu nghe xong làm ra vẻ thản nhiên:
- Ai bắt được?
Thúc Bảo thưa:
- Dạ, chính hạ quan!
Thúc Mưu phán:
- Bắt trộm cướp là bổn phận của các đô đầu địa phương. Chẳng có can hệ gì tới bản doanh. Người là một hiệu úy cai quản lính tráng, cũng chẳng phải lo đến chuyện này làm gì?
Lệnh Hồ Đạt nói:
- Nhưng nếu vu oan cho quan lớn, thì cũng nên hỏi cho ra nhẽ chăng?
Thúc Mưu đáp:
- Chỉ riêng việc đào sông mà mình coi sóc cũng chẳng nổi nữa là, hỏi đến những chuyện ấy làm gì!
Lệnh Hồ Đạt vẫn tiếp:
- Hãy giải về cho pháp ty tra vấn xem sao?
Thúc Mưu gạt đi:
- Đem về pháp ty thêm lôi thôi mất sức, tốn tiền, chi bằng ở đây ta tha quách.
Rồi không cho giải đi đâu cả, ra lệnh tha ngay, Thúc Bảo đang hăm hở, thấy thế, như bị ném vào nước lạnh vậy.
Chính là:
Mở giam tha thú dữ
Giăng lưới uổng công phu.
Phía bên ngoài, bọn lính tráng dưới quyền Thúc Bảo từ hôm phải giải hai tên cướp, nghĩ thế nào cũng được khen thưởng ít nhiều, không ngờ phải tự tay cởi trói thả chúng ra, tất cả đều không bằng lòng như Thúc Bảo vậy.
***
Lại nói chuyện Thúc Mưu, nguyên lúc đầu phụng thánh chỉ, đào sông qua Thư Dương, là vì có ý của các quan ở Tư Thiên giám, cho là thành này có vương khí, phải đào sông qua để trấn cho hết. Không ngờ, khi đào tòa cổ mộ của Tư Mã Tống Hoa Nguyên ngay gần thành, sau đó bắt đầu đào vào thành, thì khắp trăm họ từ lớn tới nhỏ, đều đến cầu xin Đốc lý hà cồn Trần Bá Cung, nhờ Trần tìm cách để nói với Thúc Mưu, giữ nguyên thành, mà tìm đường khác để đào sông. Không ngờ Thúc Mưu nổi giận đùng đùng, vịn vào thánh chỉ, suýt chém đầu Trần Bá Cung, mà vẫn giữ ý đào sông qua thành như cũ. Được tin này cả thành nhốn nháo, ngoài thành thì mồ mả, trong thành thì nhà cửa, người sống, người chết. Tổng cộng có tới một vạn tám trăm nghìn hộ lớn, góp nhau lại được tới ba nghìn lạng vàng, định đem đến nói với Thúc Mưu, nhưng chưa có người nào dẫn đường. Gặp lúc Đào Kinh Nhu vừa được cởi trói, nhởn nhơ rao lên rằng:
- Ta là người rất tin cậy của Ma tổng quản. Cần nói gì với tổng quản, cứ đến ta là xong ngay. Các ngươi cứ xem việc vừa rồi thì đủ rõ. Số phận mối kiến của các ngươi, là nằm trong tay chúng tao này.
Ai nấy đều tin y là bậc thân tín của họ Ma nên cử mấy người đến tìm gặp Kinh Nhi, to nhỏ thương lượng với y về việc đào sông qua thành. Ba hoa một hồi. Kinh Nhi nói tiếp:
- Ta còn có một người bạn rất thân, là quan hầu cận của Ma tổng quản, để ta dẫn các ngươi tới gặp viên quan hầu cận này, thì mọi việc sẽ đâu vào đấy ngay tức khắc.
Thế là y đứng làm môi giới cho mọi người tới gặp Hoàng Kim Quật, quan hầu cận của tổng quản họ Ma. Mọi người hứa tạ lễ một nghìn lạng vàng.
Kim Quật bằng lòng, và giục:
- Đem ngay số vàng ấy đến đây, thì sáng ngày mai sẽ có tin lành.
Dân chúng cử người mang vàng đến giao cho Kim Quật. Kim Quật từ lâu đã biết rõ tính Thúc Mưu, thấy vàng thì bất kể việc gì cũng làm nên thừa dịp Thúc Mưu đang ngủ phòng trong, Kim Quật đem số vàng này cùng với số ba nghìn lạng vàng được hối lộ từ trước bày khắp ra án thư, trông sáng rực cả phòng, đợi Thúc Mưu ngủ dậy, trông thấy sẽ tìm cách nói, rồi ngồi chờ ngay đấy. Gần đến giờ thân (1), Thúc Mưu bò khỏi giường, chuệnh choạng bước ra, nửa mê nửa tỉnh quát:
1 Giờ thân khoảng 15 giờ đến 17 giờ.
- Ngươi sao lại dám lừa dối ta? Dám cướp vàng của ta? Lại còn xô ta ngã nữa?
Rồi lấy tay dụi mãi, cho đến khi nhìn rõ vàng bày la liệt trên án thư, mới cả cười, ngạc nhiên:
- Ta đã nói là Tống Nhượng Công không lừa ta mà lại. Không mất đi đâu cả mà!
Kim Quật liền cười hỏi:
- Tống Nhượng Công nào mà lại biếu đại nhân vàng?
Thúc Mưu đáp:
- Đó chính là người mặc áo bào màu tím. Nhượng Công xin ta giữ yên thành Thư Dương. Ta không nghe. Lại dẫn thêm một người khác nữa vào, người này hình dung dữ, mắt to, bụng lớn, râu tốt, cũng mặc áo bào tím, gọi là Đại tư mã Tống Hoa Nguyên. Cả hai lấy thế mạnh, sai người trói ta lại, lấy nước đồng nóng chảy đổ vào miệng ta, hòng làm ta sợ mà phải nghe theo. Ta vẫn không chịu. Hai người này đành phải đấu dịu, hứa tặng ta ba nghìn lạng vàng, mong ta cứu cho. Bởi ta chưa thấy vàng đâu, sợ bị lừa, cứ phải như thế, liền bị họ đẩy mạnh một cái, ngã sóng soài. Không ngờ vàng đã bày cả ra đây rồi. Hãy chờ ta cân lại cẩn thận, không dễ bị chúng nó lừa lắm!
Kim Quật cười thưa:
- Đại nhân nằm mơ rồi. Số vàng này là trăm họ trong thành Thư Dương, đưa cho hạ quan, nhờ nói với đại nhân tha chết cho cả thành, chứ nào có Tống Nhượng Công nào đâu?
Thúc Mưu đáp:
- Sao lại có thể thế được, rõ ràng ta cùng Nhượng Công với Hoa Nguyên thương lượng, đâu có phải chuyện mộng mị cho được?
Kim Quật thưa:
- Đại nhân cứ nghĩ ra mà xem. Nếu như đại nhân đi gặp Nhượng Công hoặc Nhượng Công tìm gặp đại nhân, thì nay Nhượng Công đâu rồi, gặp nhau ở đâu?
Thúc Mưu nghĩ ngợi hồi lâu:
- Nếu không phải mộng, thì rõ ràng thấy nói thượng đế cho ba ngàn lạng vàng, lấy ở trong dân gian ấy. Số vàng ấy không phải của ta sao?
Kim Quật thưa:
- Nói lấy ở trong dân gian, thì đúng là số vàng này rồi, xin đại nhân cứ nhận cho. Thực là của trăm họ trong thành góp lại, để mong đại nhân đừng bắt họ phải dỡ nhà to nhà bé, nhà lầu nhà cỏ đi nơi khác. Quả là không phải chuyện mơ, chuyện mộng vậy!
Thúc Mưu cười:
- Ta chỉ cần có vàng là được rồi. Thượng đế cho cũng tốt, dân gian cho cũng tốt. Chỉ cần giữ yên thành Thư Dương này cho họ là được rồi!
Rồi vơ tất cả số vàng trên án thư, thu xếp mọi chuyện để sáng ngày mai còn tìm cách thay đổi hướng đào sông.
Ngày hôm sau lên công đường. Thúc Mưu gọi ngay Đốc lý hà công Trần Bá Cung đến, nhưng Bá Cung đang ở chỗ dân phu, chỉ có Đốc lý hà công phó sứ Thúc Bảo đang ở công đường vội tới nghe lệnh.
Thúc Mưu hỏi:
- Sông đào còn cách xa thành bao nhiêu nữa?
Thúc Bảo thưa:
- Còn gần mười dặm nữa. Huyện quan hiện đã ra lệnh cho trăm họ trong thành phải di chuyển ngay nhà cửa, nếu không lính tráng, dân phu sẽ phá đổ nhà cửa tường thành để đào tiếp.
Thúc Mưu phán:
- Ta thấy hôm qua Trần Bá Cung nói nên đào tránh thành là có lý lắm. Đây là một thành rất kiên cố, ngàn hộ, vạn hộ đang sống yên vui, sao nỡ nhẫn tâm đuổi họ đi. Chi bằng tìm đường khác mà đào, đừng làm kinh động dân chúng trong thành nữa. Nhà ngươi hãy ra tính toán xem sao?
Thúc Bảo thưa:
- Hôm qua đại nhân đã chỉ vẽ cách thức, quy định rõ ràng, ban bố thánh chỉ, đào sông qua thành, làm đứt vương khí. Nay sợ khó thay đổi cho được.
Thúc Mưu quát:
- Vâng lệnh thánh chỉ, đào qua vùng Thư Dương là có thể cắt đoạn vương khí, cần gì phải qua thành. Ngươi không nên cố chấp. Cứ theo lệnh ta mà làm, mau ra xem thế nào, về báo lại ta rõ.
Thúc Bảo đành vâng lệnh, ra ngoài thành xem xét tính toán chi tiết. Đi khắp các thôn xóm, dân chúng chạy theo, kêu xin đừng đào qua lăng mộ tổ tiên hoặc vườn ruộng hoặc nhà cửa, phòng ốc, kẻ xin đưa năm lạng, người dâng chục lạng, thậm chí có người xin lễ hai ba mươi lạng. Thúc Bảo đều nhất nhất từ chối, rồi ước định sơ lược đường đào sông mới, trở về thưa lại với Thúc Mưu. Vừa gặp lúc khai hà phó sứ Lệnh Hồ Đạt, nghe tin thay đổi đường đào sông, vội đến hỏi nguyên do. Cả hai tranh cãi mãi không ngã ngũ phải trái. Thúc Bảo vào bản doanh quỳ thưa:
- Hạ qua được sai đi tính toán đường đào sông mới. Nếu đào vòng để tránh việc qua thành, thì đường sông sẽ dài thêm hơn hai mươi dặm nữa.
Thúc Mưu đang lúc giận dữ, nghe Thúc Bảo nói thế liền lớn tiếng quát:
- Ta chỉ cần ngươi tìm đường đào mới là được rồi, hai mươi hay ba mươi dặm cũng chẳng sao?
Thúc Bảo thưa:
- Đường đào dài thì số dân công phải nhiều hơn, tiền công, lương thực đều phải hơn nhiều, hạn kỳ cũng dài hơn, vì vậy hạ quan phải trình minh bạch để đại nhân rõ.
Thúc Mưu lại càng tức:
- Nhân công cũng không phải nhân công của nhà ngươi, tiền lương cũng không phải tiền lương của nhà ngươi. Nhà ngươi chỉ được cái to miệng, đứng đấy nói láo phải không?
Những lời này không những chỉ chửi Thúc Bảo, mà còn định chửi cả Lệnh Hồ Đạt nữa, vì vậy Lệnh Hồ Đạt lên tiếng khuyên răn:
- Người ta cũng là kẻ nói thẳng, không biết ý tứ vòng vèo, dù lớn dù nhỏ cũng là quan của triều đình, thì cũng nên bàn bạc cho ra lẽ mà làm. Huống nữa việc đào sông đào thành này vốn đã có thánh chỉ của chúa thượng rồi!
Thúc Mưu vẫn giữ ý:
- Ngài đừng vịn vào thánh chỉ, giữ lại cái thành này, Tống Nhượng Công còn có cả thiên chỉ kia. Hôm vừa rồi, ta nằm mơ, bị gọi đến để xử tội, bị Tống Hoa Nguyên rót cả nước đồng nóng vào miệng để định giết ta, sao không thấy hai thầy trò ngươi đâu cả?
Lệnh Hồ Đạt cười lớn:
- Ở đâu ra cái chuyện ma quỷ này thế đại nhân?
Thúc Mưu lại nói với Thúc Bảo:
- Ngươi cũng đường đường là một võ quan của triều đình, lấy của dân chúng ngoài thành không biết bao nhiêu tiền bạc, vẫn còn ra vẻ giảng giải đạo lý. Ta không dùng ngươi nữa, xem ngươi làm nên trò trống gì nào?
Lệnh Hồ Đạt cãi không lại Thúc Mưu, tức giận quay ra, về chỗ ngụ của mình, viết lời biểu tâu về triều đình. Thúc Bảo cũng nối gót theo ra. Thúc Mưu liền viết bản bố cáo:
"Đốc lý hà công phó sứ Tần Quỳnh, sinh sự nhiễu dân, cản trở việc công. Rộng xử cách chức, đuổi về quê”.
Thúc Bảo xem thấy, liền nghĩ: "Địch Khứ Tà từng nói khó mà phụng sự con người này, nay quả nhiên như thế". Rồi lập tức thu nhập hành lý về quê. Đây cũng chính là trời có ý cứu Thúc Bảo vậy. Vì lúc này công việc rất khẩn trương để kịp thời hạn, dân phu thì chết quá nửa, đến khi vua Tùy đi chơi phía nam, có đoạn thuyền rồng mắc cạn, lấy sào chống thuyền có mũ bịt sắt để đo, thì thấy chỉ có một trượng hai thước, dò ra, có tới hơn một trăm hai mươi chỗ như thế. Thế là dân phu đào hai bên bờ sông, cho đến lính phiêu kỵ làm đốc công đều bị chôn sống. Dân chúng đều cho rằng: sống thì làm phu đào sông, chết thì làm ma vét sông. Từ Ma Thúc Mưu trở xuống, đều bị tội chém ngang lưng, nếu Thúc Bảo vẫn còn làm Đốc lý phó sứ, thì cũng chẳng thể nào thoát tội.
Chính là :
Mất ngựa không buồn lắm
Được ngựa chẳng mừng nhiều
Trời già yêu kẻ anh hùng
Đắng cay cũng trải, long đong cũng từng.
Thúc Bảo nhân Thúc Mưu đuổi về, đang lúc thu nhập hành lý, thì thấy Lệnh Hồ Đạt sai quan hầu cận đến, thu nạp dưới trướng. Thúc Bảo cười, thầm nghĩ "Ta đi chuyến này, chẳng qua cũng là nể Lý Huyền Thúy, tìm mọi cách để ta tránh khỏi phủ đường của Lưu Thứ sử. Chứ với cái chức Đốc lý hà công phó sứ này, liệu sẽ làm nên sự nghiệp được gì. Lại thêm rặt một phường vô lại, chuyên bán mạng cho dân phu để kiếm ăn, hoặc bớt xén tiền lương, hoặc chửi mắng đánh đập, hoặc hạch sách lễ lạt, nịnh hót tâng công để được ban ơn nhiều ít, quả là không phải ý nguyện của ta, vậy thì ta ở đây làm gì nữa?". Bèn nói với viên quan hầu cận:
- Tiểu nhân ở nhà còn mẹ già đã bát tuần, gặp việc quan, bất đắc dĩ mà phải đi. Nay may được trở về, lòng như muốn mọc thêm cánh, thực không thể nào ở lại dưới trướng Lệnh Hồ đại nhân cho được.
Thế rồi từ giã lên đường, vừa đi vừa nghĩ: "Lâu nay Lai Tổng quản đối xử với ta rất chu tất, cũng chẳng phải vì có Lai Tổng quản, hoặc Lý Huyền Thúy giới thiệu. Nay ta trở về, nếu đến chỗ Lai Tổng quản, thì thế nào cũng được thu nạp. Nhưng ta danh giá mà ra đi, nay như thế này mà quay về, thì chẳng khác gì: "Thử khứ hảo bằng tam thốn thiệt, Tái lai bất trực bán văn tiên". Lúc đi khoe khoang đẹp tốt bằng ba tấc lưỡi. Lúc trở về không đáng nửa đồng tiền sứt.
Xem ra công dịch, phu phen vẫn còn nhiều, trăm họ oán giận, chẳng bao lâu thiên hạ sẽ đại loạn. Lúc ấy binh định thời cuộc sợ không thoát khỏi tay bọn ta, chuyện tước lộc, công danh chỉ là chuyện sớm muộn thôi, cần gì phải vội vàng. Huống nhà lại còn mẹ già, đang lúc cần phải xum vầy, vui vẻ, việc gì phải khổ sở bám lấy chút công danh nhỏ mọn này?". Lại nghĩ thêm "Nếu cứ về ở trong thành Tế Châu như xưa, nhất định Lai Tổng quản lại tìm đến đòi ra, rồi lại thêm Lưu Thứ sử tới gây phiền hà. Chi bằng tìm quách một chốn núi rừng nào đấy mà mai danh ẩn tích". Vì vậy, Thúc Bảo liền tìm mấy gian nhà ở ngoài thành Tế Châu, rồi chuyển cả gia quyến ra, cùng sống trong cảnh:
Trước suối ngăn, sau rừng tốt um
Vườn dâu biêng biếc, thoải sườn non
Sáng ra, lưng dậu hoa đua thắm
Chiều tốt, chái nhà chim hót ran
Khe cửa khói luồn màu ửng ửng
Ngọn tùng sóng vỗ tiếng rì rầm.
Anh hùng vững chí qua giông tố
Vẫy bút nhân đề "Lương phủ ngâm.(1)
1 Lương phủ ngâm: tên một bài thơ tỏ chí thanh cao của Khổng Minh, khi còn ở ẩn ở núi Nga Long (Tam Quốc diễn nghĩa).
Nhà trên gồm ba gian lợp cỏ, phía sau còn có thêm mấy gian nhà tranh, hai bên là rừng trúc âm u, lặng lẽ, có thêm mấy gian thư phòng ở bên phải, xung quanh vây bằng một dãy tường thấp, trồng thêm mấy dãy dâu, mấy ruộng lúa mạch, là vườn trồng táo. Trước đó Thúc Bảo đã bàn với Ninh Thị, kẻ nông nổi không hợp với người đời, mẹ già, vợ con rời về ngoài thành. Phàn Kiến Uy cùng Giả Nhuận Phủ còn khuyên Thúc Bảo nên tìm đến Lai Tổng quản, Thúc Bảo khẽ cười đáp:
- Rồi cũng đến thế mà thôi? Được nhàn thân lúc nào là hay lúc ấy việc gì bôn ba khó nhọc, lại nhục tấm thân!
Về sau Lai Tổng quản cũng có cho người tìm đến, Thúc Bảo khước từ, lấy cớ mẹ già, mình lại mang bệnh, không thể cáng đáng được công vụ, Lai Tổng quản cũng không muốn nài ép. Bạn bè thỉnh thoảng cũng có người tìm đến, cùng nhau tiệc rượu đàm đạo nhưng từ chối không ra khỏi cửa, lấy cớ mẹ già. Ngày ngày Thúc Bảo vào non ra suối, trồng trúc, trưa đến đánh vài ván cờ, tất cả chuyện anh hùng tráng chí đều chôn chặt vào trong lòng. Khiến bọn Phàn Kiến Uy, Giả Nhuận Phủ cũng phải phàn nàn với nhau:
- Đáng tiếc một bậc anh hùng như vậy, chỉ vì gặp vài lần hoạn nạn, mà đến nỗi chí khí tiêu ma, gửi đời cho cây cỏ, núi non cho được!
Chẳng biết Thúc Bảo đã thấy rõ sự đời chưa, chí đã kiên định chưa, đã hiểu ra rằng mai sau không thể không có mặt mình, cũng không thể nào gác hẳn tấm thân anh hùng đầy nhuệ khí của mình mãi mãi vào chốn lâm tuyền cho được? Lẽ như vậy chăng?
Chính là:
Bên hồ chiều tối ngại buông cần
Ngọn gió đùa lay mảnh áo đơn
Nam tử dọc ngang chưa phỉ chí
Bên mình đành mặc tiếng cười khan.
@by txiuqw4