sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 82

Từ rằng:

Thằng con nuôi giả ngây thực khéo

Mắt mẹ nuôi thấy khéo thấy khôn

Dở trò đùa nghịch làm con

Bố nuôi liền cũng lon ton góp phần

Nào thương nào giận nào hờn

Sớm lìa cung cấm, chiều hôm gọi vào

Tóc mây cắt ngọt lưỡi dao

Đắm say mê muội lại yêu gấp mười

Theo điệu "Lương thiện hiểu giác"

Người ta sinh ra ở đời ai mà thoát khỏi "thất tình", "lục dục" (1). Trong số đó, thì sự hiếu sắc là điều khó mà dẹp hơn cả, sắc đẹp ngay trước mặt mà không động tâm, thì chẳng phải là bậc thánh nhân thì cũng phải là kẻ anh hùng, hoặc ngược lại là đứa ngu si, đần độn vậy thôi. Cho nên, ngay từ xưa, cổ nhân cũng chẳng dám cấm (2). Nhưng trong chuyện hiếu sắc, cũng phải có lẽ vậy, phóng túng việc tình dục mà không để ý đến danh nghĩa, thì tất hại đến thể thống, trên dưới đều buông tuồng, thì tiếng xấu truyền ngàn đời. Vậy thì làm thế nào cho vừa phải?

1 Thất tình: bảy loại tình cảm của con người: Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Cung oán ngâm khúc: "Mối thất tình quyết dứt cho xong”. Lục dục: Tiếng nhà phật, sáu điều ham muốn, do "dục căn" mà ra: Mắt muốn nhìn đẹp, tai muốn nghe hay, mũi muốn ngửi thơm, lưỡi muốn nếm ngon, thân xác muốn sướng, ý nghĩ muốn vui. (Hán Việt tân từ điển).

2 Luận ngữ, thiên "Vệ Linh Công": "Đức Khổng Tử nói: Cũng đành thôi! Ta chưa thấy người nào ham đức như ham sắc đẹp!".

***

Hãy nói chuyện Tần Quốc Mô, Tần Quốc Trinh, cả hai anh em sau khi cùng được đậu trạng nguyên một khoa, đều được riêng bổ Hàn lâm thừa chỉ. Quốc Mô vốn cương trực, chỉ việc không chịu nghe theo thánh chỉ, nhận ngôi trạng nguyên của em, cũng đủ thấy chí khí, nhân phẩm con người này ra sao. Quốc Mô thấy Dương Quý Phi cậy vua sủng ái, làm nhiều việc càn bậy, họ Dương nắm mọi quyền hành, An Lộc Sơn coi thường phép nước, ra vào cung khuyết bừa bãi, lũ tiểu nhân cậy thế chủ để thỏa mãn lòng tà, liền cùng với anh em bàn bạc, đứng chung tên, viết một tờ sớ dâng lên, xin triều đình lựa chọn lại các quan thái giám, sửa đổi lại việc hoành hành của tệ sủng ái cung phi, chỉ rõ nguồn gốc An Lộc Sơn là một thằng có sức khỏe, không đáng được giữ phủ việt, mà nên đuổi ra biên giới chuộc tội, không thể nào cho tự do ra vào cung cấm, bàn bạc công chuyện triều đình.

Lời lẽ trong bản sớ rất thống thiết, thẳng thắn, mới đọc qua, Huyền Tông không vừa lòng, lũ tiểu nhân xung quanh lại khéo buông lời dèm pha: Nào là anh em họ Tần chỉ chuyên bới móc, vượt quá chức việc, phải gia tội nặng. Huyền Tông giáng chỉ cho trăm quan bàn bạc. May có Hạ Chí Chương cùng Ngô Quân ra sức cứu đỡ, Huyền Tông mới phán rằng:

- Quốc Mô cùng Quốc Trinh vượt quá chức vụ để dâng lời càn bậy, lẽ đáng trị tội, nhưng nghĩ tới dòng dõi huân thần, lại mới được đặt ở địa vị, nên miễn cho việc tra hỏi, hãy tạm cho nghỉ việc. Từ nay về sau mà còn dâng lời càn rỡ, sẽ trị tội nặng.

Lời vua phán ra, trăm quan liếc mắt nhìn nhau. Lúc này gian thần Lý Lâm Phủ đang nắm quyền Tể tướng, muốn thừa cơ lấn vua chuyên quyền, liền nói với các gián quan:

- Ngày nay chúa thượng anh minh, phận làm tôi chỉ có nghe theo, cần gì phải nhiều lời. Các ngài không thấy lũ ngựa đứng lễ chầu sao, ngày ngày ăn ba đấu thóc, chỉ cần hý ầm ĩ, là lập tức bị đuổi ra ngay.

Từ đó các gián quan ngậm miệng, không can một lời. Huyền Tông vì vậy yên chí rằng thiên hạ thái bình vô sự, lại thường tự duyệt các kho tàng, thấy tiền của chất đầy, nên nảy ý xa hoa, hoang phí, coi vàng lụa như đất bùn, ban thưởng bừa bãi, công việc trong triều tất cả phó mặc cho lũ Lý Lâm Phủ. Lâm Phủ gian xảo khác thường, trong lòng tuy rất ghét Dương Quốc Trung, nhưng bên ngoài thì làm ra vẻ hòa hảo, lại còn sợ Thái tử thông minh, thường ngầm bàn với Quốc Trung tìm cách chèn lấn, tìm lời lẽ lắt léo để xúi bẩy, khêu gợi lòng ham muốn không đáy của Lộc Sơn, vừa là để thu phục, vừa là để cho Lộc Sơn kính phục không dám qua mặt mình, rồi mà kết thành bè đảng, đón ý nhà vua, làm cho địa vị ngày càng chắc chắn.

Huyền Tông ở trong cung sâu, tối ngày say mê chuyện thanh sắc, ngay đến việc Dương Quý Phi tư thông với Lộc Sơn cũng chẳng hề biết.

Chính là:

Lộc Sơn bụng phệ béo tròn

Quý Phi má phấn tươi son

Vì đâu sinh ra dâm loạn

Đạo người phép nước không còn?

Bởi thế Lộc Sơn cậy thế ngang ngược chẳng sợ ai. Huyền Tông còn lệnh cho Lộc Sơn với anh em Dương Quốc Trung kết làm thân thuộc cùng nhau đi lại thường xuyên ban thưởng rất nhiều phú quý giàu có không lường. Lại ban ơn cho Hàn Quốc, Tần Quốc, Quắc Quốc, ba phu nhân mỗi tháng một vạn tiền, để dùng vào việc phấn sáp. Trong số ba vị phu nhân thì Quắc Quấc phu nhân yêu kiều hơn cả, chẳng cần tô son điểm phấn cũng thật mười phần tươi xinh. Đương thời Đỗ Công Bộ (1). Cũng có thơ rằng:

Phu nhân Quắc Quốc, chúa nuông chiều

Sáng sớm cung môn cưỡi ngựa vào

Sợ nỗi phấn son hoen sắc đẹp

Chầu vua, mày liễu chẳng tô nhiều.

1 Đỗ Công Bộ: tức Đỗ Phủ (712 - 770), người huyện Củng, Hà Nam, thi không đỗ. An Lộc Sơn chiếm Trường An, theo vua lên Linh Vũ, được làm gián quan. Bất mãn bỏ quan, mang gia đình chạy loạn khắp nơi. Có "Đỗ Lang tập" gồm khoảng 1400 bài thơ. Một trong những nhà thơ nổi tiếng thời Đường. (Thơ Đường I).

Hôm ấy, gặp sinh nhật An Lộc Sơn, Huyền Tông cùng Dương Quý Phi đều có quà ban. Anh em, chị em nhà họ Dương đều bày tiệc rượu chúc mừng, rộn rịp suốt hai ngày. Lộc Sơn vào cung tạ ơn, Huyền Tông đang ngự ở Nghi Xuân viện, Lộc Sơn chào bái xong, đang định đi gặp quốc mẫu Dương Quý Phi, Huyền Tông phán:

- Quý Phi vừa mới dự yến ở đây, nay đã về cung, con hãy cứ tự vào mà gặp cũng được!

Lộc Sơn vâng mệnh, vào ngay cung Quý Phi. Quý Phi vừa dự yến trở về, đang giữa lúc mơ màng nửa say nửa tỉnh, thấy Lộc Sơn tới tạ ơn, liền luôn miệng mẹ mẹ con con, bỡn cột mà rằng:

- Ta nuôi được đứa con như vậy, ba ngày sau khi sinh, xưa nay đều có lệ tắm, nay vừa mới khớp ba ngày sau sinh nhật, ta phải đúng lệ tắm cho con mới được!

Rồi nhân cơn say chưa tỉnh, gọi ngay nội thị lẫn cung nga đến, cởi quần áo của Lộc Sơn ra, lấy gấm bọc kín lại, làm giống như kiểu tả lót của trẻ con vậy, lại kết một cái kiệu bằng lụa, đặt Lộc Sơn vào trong, rồi cho cung nga đẩy đi khắp trong nội cung, huyên náo cười đùa không ngớt.

Huyền Tông đang nằm nghỉ xem sách ở Nghi Xuân viện, liền hỏi tả hữu:

- Hậu cung có việc gì mà ồn ào thế?

Bọn bầy tôi thưa:

- Chính là Quý Phi đang chơi trò tắm con!

Huyền Tông cả cười, liền ngồi lên một xe nhỏ, vào cung Quý Phi xem, cũng là để cho vui vẻ, lại ban cho Quý Phi mười nghìn quan tiền tắm con.

Chính là:

Đánh cờ, đếm thẻ(1)

Tắm con, ban tiền

Phép nhà hoàng đế

Sau trước nối liền.

1 Đếm thẻ: Chỉ các trò chơi xúc xắc, trạng nguyên, tính số điểm trên thẻ. sau khi đã hết ván, xem ai thua cuộc, xem hài Đông lâu phú”.

***

Chuyện là hai mối, Quý Phi ngày càng được sủng ái, thì ngược lại Mai Phi Giang Thái Tần ngày càng bị quên lãng trong cung Thượng Dương. Một hôm có sứ Hải Nam về kinh. Mai Phi mới hỏi cung nhân:

- Có phải sứ giả về để dâng hoa mai không?

Cung nhân trả lời là sứ giả về dâng quả cho Dương quý Phi nương nương. Nguyên là Mai Phi rất thích mai, lúc còn được sủng ái, tứ phương tranh nhau tìm hoa mai lạ để tiến, nay thất sủng, chẳng còn ai nghĩ tới chuyện dâng mai.

Dương Quý Phi là người đất Thục, rất thích ăn vải, vải vùng Hải Nam còn ngon hơn cả vải tây Thục. Muốn cho lúc dâng lên, vải vẫn còn được ngon, phải đặt các trạm dịch, không kể gì xa xôi hàng mấy nghìn dặm, ngựa thay nhau mà phi như bay. Vì thế mà Đỗ Mục đã viết:

Ngựa bay, bụi cuốn. Phi cười

Ai hay vải tiến từ nơi xa về. (1)

1 Nguyên văn: “Nhất kỵ hồng trần, phi tữ tiếu, vô nhân chi thị lộ chi lai” (Quá hoa Thanh cung). Tương Như dịch:”Bụi hồng,ngựa ruổi, Phi cười nụ; Vải tiến mang về, ai biết đâu” (Thơ Đường).

Mai Phi nghe nói không còn việc dâng hoa mai nữa, mà quả vải nghìn dặm đưa về, không ngăn nỗi lòng thương cảm, liền gọi Cao Lực Sĩ đến hỏi:

- Khanh ngày ngày hầu hạ thánh thượng, có biết thánh thượng còn lúc nào nhỡ tới ba chữ Giang Thái Tần này nữa chăng?

Lực Sĩ đáp:

- Không phải phụ hoàng không nhớ tới nương nương, mà chỉ sợ Quý Phi nương nương ngăn trở thôi.

Mai Phi nói:

- Ta cũng biết con tiện tỳ phì nộn ganh ghét ta, còn phụ hoàng chưa nỡ dứt tình. Ta từng nghe Trần hoàng hậu đời Hán bị vua lạnh nhạt đem một nghìn vàng thuê Tư Mã Tương Như làm bài "Trường môn phú", dâng lên Hán Vũ Đế, Trần Hoàng hậu lại được ơn sủng như xưa. Ngày nay nào phải không có người tài như Tương Như, để vì ta làm phú, nói rõ nguồn cơn với chúa thượng, thì ta cũng chẳng tiếc gì nghìn vàng. Khanh hãy tìm hộ ta xem sao?

Lực Sĩ sợ thế lớn của Dương Quý Phi, nên nói thác rằng hiện nay chẳng có người nào có tài làm phú. Mai Phi than:

- Đấy chính là chỗ mà nay không theo kịp xưa chăng?

Lực Sĩ thưa:

- Nương nương đại tài hơn hẳn Trần hoàng hậu, sao lại không tự làm phú mà dâng lên chúa thượng

Mai Phi cười gật đầu, Lực Sĩ lui ra, cung nhân trình bút nghiên lại Mai Phi bèn tự làm bài "Đông Lâu Phú" (1), có những đoạn sau:

1 phú lầu phía Đông: tức Thượng Dương cung, lãnh cung, nơi ở của cung phi bị ruồng bỏ, ở phía đông.

Bụi phủ gương tàn

Phấn khô hộp triện

Tóc cánh ve nhác gỡ lược ngà

Giường gỗ quế nếp nhăn áo xuyến

Bàng hoàng thức ngủ Huệ cung

Ngơ ngác vào ra Lan điện

Quả mai rơi rụng đã hết hề, không hay

Cung cấm lạnh lùng xiết bao hề, có biết

Thêm nỗi:

Lòng hoa bứt rứt

Mặt liễu âu sầu

Chim non ríu rít

Gió ấm rì rào

Trên gác chiều vàng hề, nghe tiếng phượng giật mình ngoảnh lại,

Cách non mây trắng hề, nhìn gương nga chột dạ quay vào

Suối lành nhắc đến tin xưa, cái thẻ biết nâng niu là thế

Cổng kín then cài buổi trước, con chim xanh hò hẹn ra sao?

Nhớ những khi:

Hồ rộng dạt dào

Sóng biếc lao xao

Sáo đàn yến tiệc

Hầu chúa tiêu dao

Cánh loan múa khúc Đông tường hề, dồn nhịp phách

Thuyền rong lướt dòng Tây Tử hề, vỗ mái chèo

Tình vua quyến luyến

Ý thiếp dặt dìu

Non thề biển hẹn hề mong dằng dặc

Trời thẳm đất dày hề ước dài lâu

Ai ngờ:

Thói ghét má hồng

Máu ghen lạ lùng

Cướp ta mất ân ái

Đẩy ta vào lãnh cung

Vui thôi rồi xa tít

Mộng cũ ơi hỡi mịt mùng

Não nùng chừ, trong khuya hoa sớm

Độc địa bấy! Gió thốc mưa lồng

Muốn bắt chước Tương Như mà dâng phú

Tìm đâu ra danh sĩ cho uổng công

Ngâm dứt nối thơ sầu hề, ấm ức

Vắng xa gần chuông sớm hề bính boong

Thở với than nát lòng cửa Bắc

Lui hay tới nặng gót lầu Đông.

Làm xong, đưa dâng lên, Huyền Tông đọc, trầm ngâm than thở mãi không thôi, tình xưa khơi dậy, bất giác thương cảm. Dương Quý Phi nghe tin nổi giận, mặt hầm hầm tới thưa:

- Con yêu hoa mai Giang Thái Tần quả là loài tiện tỳ, mới đó mà dám dâng lời oán trách, lẽ nên giết chết không tha!

Huyền Tông yên lặng không. đáp. Quý Phi vẫn không chịu yên lời, Huyền Tông đành phán rằng:

- Mai Phi chẳng có việc gì, làm bài phú này cũng chẳng có một lời khinh khi ngạo mạn, mà phải tội giết. Như ý trẫm hãy cứ để đó, không bàn luận gì cả là hơn.

Quý Phi thưa:

- Bệ hạ không quên được tình quyến luyến với con tiện tỳ này. Sao không làm một cuộc gặp gỡ ở gác tây Thúy Hoa cung như dạo trước?

Huyền Tông thấy nhắc đến chuyện cũ, vừa thẹn vừa tức, những vốn yêu chiều đã quen, nên cũng cố nhẫn nại. Quý Phi thấy Huyền Tông không chịu theo lời, trong lòng ấm ức, từ lúc ấy trở đi, đứng hầu bên Huyền Tông nhưng mặt mày sa sầm, khác hẳn ngày thường, không nói không thưa gì nữa.

Một hôm, Huyền Tông ban yến cho các vương ở nội diện, các vương xin được thấy mặt Quý Phi. Huyền Tông bằng lòng truyền lệnh triệu, mãi tới lần thứ hai, mới thấy tới, chào lễ với các vương xong, ngồi riêng một bàn. Tiệc rượu giữa chừng, Ninh Vương cùng với Niêm Nô hòa sáo ngọc, mãi tới khi bãi yến, các vương từ tạ ra về. Huyền Tông đứng dậy thay áo, Quý Phi ngồi một mình, thấy sáo ngọc Ninh Vương vừa thổi còn để trên giường ngự, liền giơ tay ngọc với xem, rồi cứ theo nốt cũ mà thổi. Điều này nhà thơ Trương Hổ đã có thơ rằng:

Thâm cung tĩnh viện nào ai biết

Đem sáo Ninh Vương dạo mấy bài.

Huyền Tông trông thấy thế, bèn cười, đùa:

- Khanh cũng có sáo ngọc, sao không lấy mà thổi, cái sáo làm bằng ngọc tím này là của Ninh Vương vừa mới thổi, nước miếng hãy còn, sao khanh lại lấy thổi là sao?

Quý Phi coi như không, từ từ đặt sáo ngọc xuống, trả lời:

- Ninh Vương thổi đã lâu rồi, thiếp mới thổi, cũng chẳng hề gì. Còn có người hai chân bị dầm nhừ, đến nỗi hài cũng văng cả ra ngoài, mà bệ hạ còn chẳng hỏi, sao lại chỉ trách mình thiếp thôi?

Huyền Tông cũng nhận thấy Quý Phi ghen tuông với Mai Phi, lại thêm mấy ngày nay lúc nào cũng ra vẻ ngạo mạn, trong lòng vốn đã không bình thường. Hôm nay, sau tiệc rượu, cùng Quý Phi đùa vài câu, Quý Phi đã không nhận ra lỗi lầm vừa rồi, lại buông thêm những lời khinh khi, kéo về chuyện Mai Phi cũ, nên đột nhiên nổi giận, biến sắc mặt mà quát:

- Con hầu này sao dám vô lễ đến thế!

Liền đứng dậy vào cung, mặt khác liền truyền chỉ rằng:

- Sai ngay Cao Lực Sĩ đem xe nhẹ đưa Dương Phi về nhà họ Dương, không cho vào hầu hạ nữa.

Chính là:

Ghen tư đáp lòng

Kiêu ngạo ra mặt

Ăn nói ngỗ ngược

Tai biến ập ngay.

Vốn Dương Quý Phi thường ngày được sủng ái thành quen thói, không ngờ hôm nay uy trời đột nhiên giận dữ, đang định sẽ chờ dịp vào tạ lỗi cầu xin, nhưng sợ cơn thịnh nộ còn tiếp không biết đến thế nào mà lường. Nay lại không cho gặp mặt, nên nào dám tới, chỉ đành nua nước mắt, lên xe ra khỏi cung, rồi cậy riêng Lực sĩ coi sóc một vài việc trong cung. Về tới dinh thự Dương Quốc Trung, kể lể nguồn cơn. Anh em, chị em họ Dương nghe việc này, đều kinh ngạc bàng hoàng, nhìn nhau nước mắt chứa chan, chẳng biết đối phó ra sao.

An Lộc Sơn cũng có mặt định dạng lời cứu đỡ, nhưng sợ hiềm nghi, nên không dám coi thường, vào cung cũng không dám, tránh không đi lại nhà họ Dương nhiều lần để gặp gỡ Quý Phi, chỉ ngầm sai người thăm hỏi tin tức mà thôi.

Chính là:

Gái hỗn hào trái ý

Khiến tiểu nhân thất thế

Họa phúc khó mà lường

Ân sủng đâu phải dễ.

Huyền Tông nhân lúc giận dữ, đuổi Quý Phi khỏi cung, vào nội điện, thấy trong ngoài tịch mịch, đưa mắt tìm không người vừa ý.

Những muốn gọi Mai Phi hầu hạ, nhưng không ngờ Mai Phi từ lúc nghe tin Dương Quý Phi tâu xin giết mình, trong lòng buồn bực, thương cảm, đến nỗi nhiễm bệnh mấy hôm nay, lại gặp đúng lúc nằm liệt giường, không tài nào dậy nổi. Huyền Tông buồn bã không chịu được hết đứng lại ngồi, bọn cung nga cho đến thái giám đều bị trách phạt, đánh đòn. Cao Lực Sĩ thấy vậy, biết ý Huyền Tông, liền lựa lời nói với Dương Quốc Trung:

- Nếu muốn Quý Phi lại được vào cung, tìm một viên quan đại thần nào đó xin tâu là tốt hơn cả.

Lúc này có quan pháp Tào Cát Ôn, cùng với điền trung thị ngự sử La Hy Thích đều dùng hình luật rất khắc nghiệt, người người đều sợ gọi họ là "thép già" và "kìm la sát". Cả hai đều là phường ác quan tham lại, Cát Ôn lại thêm xảo trá, được Tể tướng Lý Lâm Phủ rất ưa, vì vậy cũng được dự vào hàng thân tín của Huyền Tông. Dương Quốc Trung liền nhờ bọn này cứu cho, hứa sẽ đền đáp thật nhiều vàng ngọc.

Cát Ôn giả bộ lên điện tâu trình công việc, bình thản tâu rằng:

- Quý Phi họ Dương; dẫu có sao cũng là hạng đàn bà kiến thức hẹp hòi, làm thánh thượng không vui, nhưng cũng đã chịu ơn thánh thượng rất lớn. Nay tội quả đáng chết, nhưng nên cho chết ngay trong cung. Bệ hạ tiếc gì một miếng đất bằng chiếc chiếu ở trong này, để đến nỗi Quý Phi phải chịu nhục ở bên ngoài.

Huyền Tông nghe tâu, gật đầu ưng thuận, rồi trở về hậu điện ngay: Tả hữu dâng ngự thiện, liền lệnh cho nội thị Địch Tháo Quang, đem theo thức ăn ngự thiện trước mặt, cùng các đồ vàng ngọc, tới nhà họ Dương, ban cho Quý Phi. Quý Phi tạ ơn trước mặt sứ giả, rồi khóc mà thưa:

- Tội thiếp đáng chết vạn lần, may đội ơn trời biển của thánh thượng mà nay được rộng tha, thoát khỏi tội chết. Nhưng cũng bởi lâu nay ơn sâu được dội, bỗng chốc gặp chuyện này, còn mặt mũi nào mà sống ở trên đời? Lẽ nên chết quách, nhưng vì chưa được tạ ơn, tất cả mọi thứ, từ y phục trên người, không gì không phải của ơn thánh đế duy chỉ có da thịt, mái tóc này là của mẹ cha sinh ra, nay xin trộm cắt, gọi là để báo ơn muôn một!

Rồi cầm dao, cắt ngay một lọn tóc, đưa cho Địch Tháo Quang mà tiếp rằng:

- Hãy vì ta mà dâng lên chúa thượng. Ta từ nay dẫu có chết cũng không để chúa thượng phải khổ công nhớ tiếc nữa!

Địch Tháo Quang vâng mệnh, về ngay phục chỉ, thuật kỹ từng lời từng cử chỉ của Quý Phi, rồi đưa món tóc dâng lên. Huyền Tông vô cùng thương xót, liền truyền lệnh cho Cao Lực Sĩ, đang đêm lấy xe hương triệu Quý Phi về cung.

Quý Phi điểm trang vào nội điện, phủ phục nhận tội, không nói một lời, chỉ có nức nở mãi không thôi. Huyền Tông không ngăn nổi cảm động, đưa tay nâng dậy, gọi ngay cung nga, chải đầu thay quần áo, dùng lời thân ái an ủi, lệnh cho tả hữu bày yến tiệc. Quý Phi rót một chén rượu quỳ xuống dâng lên:

- Không ngờ đêm nay lại còn được thấy thiên nhan!

Huyền Tông chỉ ghế bên cạnh cho ngồi, đêm ấy không ngủ, ân ái còn hơn xưa.

Ngày hôm sau, anh em, chị em Dương Quốc Trung, An Lộc Sơn đều vào cung chúc mừng, Thái Hoa công chúa cùng các vương tôn cùng kéo vào dâng lời vui vẻ, Huyền Tông ban yến, ai nấy đều hoan hỉ.

Dương Quý Phi đắc tội bị đuổi, nếu như Huyền Tông căn cứ vào đó mà cắt hẳn chuyện sủng ái này, cấm không cho trở lại cung nữa thì bọn tiểu nhân hết a dua, cung cấm trở nên thanh sạch, làm gì mà lại có chuyện hoan lạc về sau này. Cũng chỉ bởi lòng đã mờ tối, nhất thời không thoát ra được, để đến nỗi kẻ cận thần bên trong giao thông được với bọn quyền gian bên ngoài, trong ứng ngoài hợp, giữa lúc lòng như "ngó sen tuy gãy nhưng dây tơ chưa dứt hẳn", đuổi mà còn triệu ngay về, để rồi gây họa lớn về sau. Lại vì cả hai vốn nghiệt duyên kiếp trước chưa xong (1), mà cũng bởi khí vận của đất nước nữa vậy

1 Xem hồi thứ sáu mươi tám, tập 3, Đường Huyền Tông là hậu thân của Chu Quý Nhi, Dương Quý Phi là hậu thân của Tùy Dượng Đế. do Thập điện Diêm Vương sắp đặt để thực hiện lời nguyền ước của họ!

Chính là:

Tóc xanh cắt tạ ơn vua

Mê hoặc từ nay gấp mấy xưa

Cuối mắt đầu mày duyên dáng thế

Thành nghiêng nước đổ đã gần chưa?

Sau khi Dương Quý Phi quay lại cung, Huyền Tông yêu quý còn gấp mười lần. Anh em, họ hàng nhà họ Dương, tác uy tác phúc, lại hơn nhiều, chẳng cần phải kể.

Không biết chuyện sẽ tới đâu, xin xem hồi sau sẽ rõ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx