sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Câu chuyện về con đường

1. Không phải đợi đến lúc ngồi trước bộ hồ sơ thi đại học em mới nghĩ về con đường em đi. Con đường có ý nghĩa sớm hơn em tưởng. Ngay từ khi em còn nằm cuộn tròn trong bụng mẹ, em đã quẫy đạp để khao khát ra đường. Đạo là đường, âm đạo là con đường đầu tiên đưa em ra với ánh sáng, cho em được chính thức làm người. Con đường là chứng nhân đợi chờ em lớn lên. Không chỉ âm đạo chờ em chín tháng mười ngày, con đường trước ngõ cũng âm thầm mà tha thiết đứng chờ em thả những bước chân chập chững rời “góc sân và khoảng trời” nhà em. Rồi đường ngõ làng tiếp tục chờ em. Đường cái quan chờ em. Giao lộ chờ em, những hải trình dài dằng dặc chờ em, những đường băng quốc tế mênh mông xứ người chờ em. Con đường là vạch xuất phát em rời tay mẹ bước đi và con đường là thước đo chân em dài đi vào tương lai.

2. Con đường mở ra văn minh nhân loại, là biểu tượng của sự trưởng thành cho một quốc gia. Đường bộ, đường thủy, đường ngầm trong lòng đất, đường trên cao, đường cao tốc, đường siêu tốc… Từ đi bằng bốn chân, đến đi bằng hai chân, từ đi bằng chân, tay (chèo thuyền) đến đi bằng đầu óc, bằng trí tuệ (ô tô, máy bay, tàu vũ trụ…), con người sẽ còn khám phá ra biết bao con đường mới, không một trở lực nào có thể ngăn cản được. Con đường trí tuệ bắt nguồn từ những ngôi trường nơi em đang ngồi học. Những kinh tuyến, vĩ tuyến mới, những nẻo đường ngang dọc mới đang chờ em đó.

3. Dân tộc mình đã từng có những kỷ niệm buồn về những con đường. Đâu chỉ là đường chui xuống đấy như con giun con dế của Chữ Đồng Tử, đâu chỉ là đường lên trời cô đơn của Từ Thức. Khi thực dân Pháp mang máy bay sang biểu diễn thị uy bằng đường trên trời thì người Việt minh đang đeo mo nang thay dép, mắm môi mắm lợi chạy qua truông cát nóng bỏng để vào kinh đô. Chính sách bế quan tỏa cảnh đã thắt chặt những con đường để rồi hàng trăm năm chẳng có nỗi một con tàu Việt đi vào hải trình quốc tế, ở một quốc gia có nữa đường biên giới là biển. Thế mới biết đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

4. Đường và chân là đôi bạn thân. Đó là lời bài hát em hát từ thời mẫu giáo. Đường không có chân sẽ không còn là con đường, là sự hoang vu, cỏ dại lấp đầy sau tháng năm. Người không có đường sẽ chẳng đi về đâu cả. Con người và con đường. Đôi bạn này có chung một từ “con”. Sao không là cái đường mà là con đường? Bởi chúng đều sống động và có linh hồn, chúng đều là những chuyển động có hướng. Đàn thú hoang khong cần đường, bầy nhặng xanh không cần đường, chúng chuyển dộng vô định, vô hướng. Ai cũng có kỷ niệm về “người bạn thân”, có nỗi nhớ về những con đường, về những “lối cũ ta về dường như nhỏ lại” khi ta đã rời xa…

5. 20 tuổi, chàng sinh viên Lỗ Tấn du học ở Nhật. Ông theo học ngành Y. Tình cờ ông được xem một đoạn phim thời sự, trong đó có cảnh một người Trung Quốc bị người Nhật hành hình, trong lúc những người Trung Quốc khỏe mạnh khác đứng xem, vẻ mặc đần độn, không phản ứng gì. Ông lập tức bỏ học nghề Y năm thứ 2 và chuyển sang viết văn. Bởi ông nhận thấy học chữa bệnh không quan trọng, bởi dân mà con ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khỏe mạnh cũng chỉ là nô lệ mà thôi. Từ đó ông muốn dùng ngòi bút để chữa bệnh tật trong tính cách dân tộc. Chính chàng trai kiệt xuất này là tác giả của câu nói nổi tiếng để khích lệ những người mở đường: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường thôi”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx