sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Kinh đô ngàn năm, sứ giả Á Âu và đôi cánh chim câu

Khi con chim bồ câu trở lại thuyền Nô-ê và ngậm theo cành ô-liu, ấy là khi sứ giả của thanh bình xuất hiện. Vì nước đã rút, cơn đại hồng thuỷ đã qua, mặt đất đã lộ diện để chim có thể nhặt trên đó cành ô-liu phiêu dạt. Từ đó, con chim câu ngậm cành ô-liu là hiện thân của sự bình yên, khát vọng hoà bình.Xứ sở Việt Nam đã từ lâu không còn tiếng súng. Chiến trường đã chuyển thị trường. Tuy không địch hoạ nhưng vẫn còn thiên tai. Còn đó lũ quét tang thương ở Lào Cai, sạt lở sông Sài Gòn, ngập lụt châu thổ Mê-kông, hạn hán miền Bắc, bão lũ miền Trung…Mới tuần qua đây thôi, hàng chục ngàn bạn học sinh Đồng Tháp, Cần Thơ phải nghỉ học vì thiên tai hoành hành. Trong lẽ đó, ý nghĩa nguyên thuỷ cánh chim câu và cành ô-liu đối với người Việt Nam vẫn tiếp tục là khát vọng: Khát vọng yên ổn, hoà thuận, an cư.26 dải lụa, 26 quốc gia á âu kết thành cánh chim câu, tạo nên biểu tượng của ASEM5. Một cái ngoéo tay hồn nhiên thơ trẻ để kết nối Đông Tây của thời hội nhập, để cam kết quan hệ đối tác kinh tế á âu trong một tinh thần đối thoại văn hoá, văn minh. Hà Nội, đất kinh đô một nghìn năm văn hiến đã tổ chức những ngày ASEM5 tưng bừng và náo nhiệt. Hà Nội, thủ đô của 50 mùa hoa cũng vừa đi qua những ngày kỷ niệm giải phóng. Lễ diễu hành của hơn 15 ngàn người, ký tên trên lá cờ hoà bình, thả chim bồ câu và giương cao khẩu hiệu "Quyết tâm phấn đấu vì một nền hoà bình phi bạo lực trên Trái Đất".Đông và Tây, trong tiến trình lịch sử đã trải qua những bài học máu lửa, những kinh nghiệm đau thương. Có lúc Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây tưởng chừng như không bao giờ gặp gỡ. Có lúc gió Tây áp bức gió Đông, có lúc "gió Đông thổi bạt gió Tây!" Lịch sử cũng là một quá trình tiến hóa đến cứu cánh văn minh, thân thiện, phồn vinh."Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng…" 50 năm trước nhạc sĩ Văn Cao đã tưng bừng hát nhịp quân hành trong ngày giải phóng Thủ Đô. Hơn 20 năm sau, trong ngày giải phóng Sài Gòn, ông lại hát trong nhịp Valse sâu lắng "Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người…" Muốn yêu người phải biết thương người, muốn thương người phải biết quê người. Đó là triết lý nhân văn trong ca từ của người nhạc sĩ thiên tài, và phải chăng đó cũng chính là giá trị nhân bản nằm ngay trong triết lý sâu sắc của đổi mới, mở cửa và hội nhập.Những ngày này, trên đường phố Hà Nội đang dập dìu ngựa xe của các nguyên thủ trên thế giới. Sứ giả cao cấp của 38 quốc gia và Uỷ ban Châu Âu đang sống giữa lòng Hà Nội. Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người…


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx