sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lý Thuyết

Vừa mới dắt xe vào bãi gởi xe của câu lạc bộ võ thuật Aikido tôi đã bị nhờ vả: - Anh ơi! Anh dắt dùm em chiếc xe và gạt chống dùm luôn, nặng quá hà! Tôi gật đầu làm theo đề nghị . - Dạ cảm ơn anh nhiều nhe! Tôi ngẩng đầu lên nhìn người mình vừa ra ơn . A! Cô bé đai trắng mới vô học vài ngày đây mà . - Chết cha! Cô bé thè lưỡi - Thầy chứ hổng phải anh . Miệng thì nói "chết cha" nhưng con mắt thì lém lỉnh dễ sợ . Tôi cũng không phải dễ bị ăn hiếp : - Không sao! Anh hay thầy gì mà không được, dù sao tôi vẫn chưa dạy em . Mà nếu có dạy võ thì gọi anh cũng không sao . Vì "một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy" nhưng tôi đâu có dạy chữ, tôi dạy võ . - Dạ! Không gọi bằng thầy - Cô bé gật đầu đồng ý - Nhưng con không dám gọi bằng anh đâu, phạm thượng lắm . "Một thế võ cũng sư phụ, một phần tư đường quyền cũng sư phụ, chuẩn bị dạy cũng sư phụ" . Dạ bái kiến sư phụ ạ! - Sư phụ ? - Dạ! Chẳng hay sư phụ có đồng ý ? Sư phụ! Cũng oai lắm chứ (mặc dù nghe có vẻ giống dân ghiền phim kiếm hiệp Hồng Kông quá) . - OK! Thấy tôi gật đầu đầy hào hứng, cô bé và đám bạn bật cười . Tôi tỉnh bơ bắt đầu lên mặt sư phụ : - Vài hôm nữa sau khi mấy em học các cách lộn và các động tác khởi động xong với thầy Tùng, sẽ tới phiên tôi dậy đó . Báo cho biết trước, tôi không có hiền đâu . - Dạ đệ tử xin hân hạnh và sung sướng chờ đến ngày được thụ giáo sư phụ ạ! Cô bé quậy thật . Nhìn cái mặt non choẹt, hiền khô như con búp bê Nhật Bản, ai ngờ ... Tôi vẫn chưa biết tên của đệ tử tương lai này nữa, bữa tới cô bé sẽ thêu bảng tên lên áo . Tôi chuẩn bị sẵn phương pháp đặc biệt để huấn luyện cho lứa đai trắng mới vô . Giỡn mặt là tôi cho hít đất đã đời . Cô bé búp bê ấy, hãy coi chừng! - Tất cả các đòn trong môn võ Aikido của chúng ta khi vận dụng đều phải nhẹ nhàng uyển chuyển . Chủ yếu là "hù" đối phương thôi, chúng ta không chủ trương mạnh bạo với kẻ thù . - Thầy! - Một võ sinh thắc mắc - Võ này chỉ có thể tự vệ được chứ đâu có thể tấn công đối phương trước phải không thầy ? Nếu vậy thì lỗ lắm . - Tại sao lại muốn đánh trước, muốn gây sự hay sao ? Tôi tìm cách lý giải cho cô võ sinh mới nhập môn: - Học võ để tự vệ chớ không phải ờ ... ờ .... chớ không phải ... - Chớ không phải học võ để phá hủy cuộc sống . Búp bê Nhật Bản buột miệng nói leo, giúp tôi giải thích cho bạn . Đám đai trắng ồ lên trước câu nói triết lý của Nhu . Nghĩ cũng ngộ thiệt, tánh tình thì cương không chịu được vậy mà tên "Nhu" . Tôi cũng cười nhưng nghiêm mặt liền để "người ta" đừng tưởng mình hay lắm . - Các em có thấy dòng chữ "Võ đạo ta tình thương hòa hợp" không ? Giữa bạn bè đồng môn với nhau khi tập đòn không được mạnh bạo - Tôi tiếp tục bài học đạo đức - Phải chiều chuộng yêu mến nhau . Bạn ngã ta nâng, ta ngã bạn nâng . Đối xử với nhau phải đẹp lòng cả đôi bên . - Thầy ơi cho em có ý kiến - Nhu lễ phép xin nhưng tôi chưa kịp gật đầu cho phép thì cô bé đã tròn miệng nói - Thầy bảo đối xử với nhau phải đẹp lòng đôi bên vậy mà nãy giờ thầy bắt tụi em quỳ mỏi gối quá chừng, hổng thấy tình thương hòa hợp gì hết . Nhìn đôi má bầu bĩnh phụng phịu tôi không nhịn được cười, các bạn Nhu cũng cười . - Nhu đi học võ mà nhõng nhẽo quá - Chung, võ sinh nam duy nhất trong đám đai trắng ghẹo cô bạn đồng môn - Làm thầy khó xử kìa ! Thời gian trôi qua lẹ thật, mới ngày nào tôi giảng giải bài học nhập môn trước những võ sinh đai trắng vậy mà tuần sau tất cả đã thi chuẩn bị lên đai xanh rồi . Hai tháng làm sư phụ cho Nhu thật vui . Cô bé có cá tính rất "ngộ", lúc thì mạnh dạn gan lì đỡ đòn rất chì, lúc lại õng ẹo, nhõng nhẽo than mệt đòi nghỉ sớm . Sân Aikido có rất nhiều nam sinh chiều chuộng Nhu . Với giọng nói nhỏ nhẹ lúc nhờ vả, mỗi lần gởi xe Nhu đều có người dắt dùm, lên cầu thang cũng được xách túi hộ . Chung luôn rót nước mời cô bạn đồng môn dễ thương sau mỗi buổi tập . Nhu thu hút cảm tình của bọn nam sinh ở đây không khó khăn gì . Cô nàng chia đều các câu nói, những nụ cười, Nhu khéo léo đến nỗi không ai phật lòng cả . Nhiều lúc tôi cũng muốn nổi quạu khi Nhu bỏ tập và lôi kéo các bạn theo mình . Nhưng cô bé khôn lắm, thấy tôi gần nổi giận là giả lả ngay . Và không biết bao nhiêu là lý do để xin lỗi . Tôi lỡ dạy "Tình thương hòa hợp" nên không thể không tha thứ . Vả lại tuổi tác thầy trò chúng tôi có đáng là bao để lên mặt hình sự . Nhu chỉ gọi tôi là "sư phụ" vào lúc nào cô bé muốn nhõng nhẽo . Còn bình thường như các bạn, cô bé gọi tôi là "thầy" . Cũng một từ "thầy" nhưng được phát ra từ miệng cô bé Búp Bê này lại nghe ngộ nghĩnh hơn, dễ thương hơn, đặc biệt hơn những từ "thầy" của các võ sinh khác . Cô bé biết lúc nào kéo dài giọng "tha...ầy", lúc nào dứt khoát "thầy"! Nhu thích tôi làm "ukê" (người bị đánh) cho cô bé tập đòn . Kéo tôi té xuống xong phải bẻ tay nhưng Nhu thường làm biếng bỏ qua bước kết thúc này . Có lần tôi không chịu . - Đánh gì mà hổng thấy đau gì hết trơn! - Ủa! Thầy muốn đau hả ? Tôi gật đầu, Nhu bậm môi hăm dọa: - Thầy sẽ được toại nguyện, bẻ cho thầy lọi tay luôn . Nhưng một võ sinh đai đen lâu năm như tôi cổ tay dẻo lắm, bẻ không đúng phương pháp lơ mơ đâu dễ làm tôi đau . Nhu lại không thường xuyên tập khóa tay nên dù cố gắng mím môi trợn mắt cô bé cũng không làm tôi đau mảy may, huống hồ gì hăm bẻ lọi tay người ta . Nằm dưới thảm tập ngước nhìn Nhu khổ sở cố làm tôi phải đau, tôi không nhịn được cười . Điều này càng làm cô bé tức tối vì cho rằng tôi khiêu khích . Đột nhiên Nhu bỏ tay tôi ra, ngồi phịch tại chỗ giận dỗi: - Sao vậy ? - Tôi chọc quê Nhu - Thua rồi hả ? Ai biểu làm biếng tập! - Tại thầy - Nhu đổ thừa - Thầy giấu nghề không dạy em hết, nên thầy có bí quyết gì đó mặc dù em cố hết sức cũng không làm thầy đau được . - Tôi chưa phạt cái tội làm biếng mà còn "lật họng" hả ? Đứng lên tập tiếp mau lên! Tôi đưa tay cho cô bé nắm và giúp Nhu đứng dậy . - Bây giờ làm ukê cho tôi đánh chớ, kỳ này coi kỹ cách tôi bẻ tay nhe . - Thôi thầy, thầy mà bẻ thì đau lắm . - Thôi sao được - Tôi cương quyết - Khôn quá, đánh người ta nãy giờ mà hổng cho người ta đánh lại hả ? Cô bé bật cười, tôi cũng không thể nghiêm nét mặt . - Hôm nay là bữa cuối tôi sẽ cho ôn lại tất cả các đòn đai trắng đã học để chuẩn bị cho kỳ thi lên đai vào đầu tháng này . Các võ sinh nhao nhao: - Sợ rớt quá thầy! - Phải lộn ba vòng liên tiếp sợ chóng mặt quá thầy . - Sợ không đậu được loại A thầy la . Bỗng Nhu nói to át tất cả: - Không được sợ . Sống trong sợ hãi là sống nửa cuộc đời . - Tốt lắm - Tôi cười - Vậy em nào đậu loại C tôi sẽ phạt hít đất năm mươi cái . Loại B: ba mươi cái . - Có phạt phải có thưởng chớ thầy - Nhu bắt bẻ - Đậu loại A sẽ được thầy dẫN đi ăn kem . Còn loại B thì phải trả tiền cho thầy ăn . Và em chắc là sẽ không có ai bị loại C. Dạ ... dạ ... Nhu lắp bắp: - Em có việc bận, em về . - Vậy thì bữa khác mình đi cũng được! - Dạ khỏi ! Nhu quay lưng chạy mất . Chung và tôi nhìn nhau ngơ ngác . Các cô bạn của Nhu cười giải thích: - Nó vậy đó, chỉ giỏi lanh chanh cái miệng . Thôi để tụi em bao nó ăn kem . Tụi em bị loại B mà . Cuối cùng thì tôi cũng hiểu, ôi con gái! Với cô búp bê Nhật Bản này thì không thể làm gì, nói gì xa hơn . Với Nhu giữa lý thuyết và thực hành luôn có một khoảng cách nhất định . Tôi mỉm cười nhớ lại câu nói của các bạn em " Nó chỉ giỏi lanh chanh cái miệng".


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx