sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ván Cờ Người - Phần IV - Chương 3 - Phần 2

3

Nhà máy bột giấy của thành phố Tứ Phương bị Tổng cục bảo vệ môi trường nhà nước liệt vào danh sách phải đóng cửa vì ô nhiễm, Để giữ nhà máy, các vị lãnh đạo nhà máy chạy đôn chạy đáo giải quyết những vấn đề sau khi đóng cửa, chủ yếu là thu xếp chuyện công nhân mất việc, vấn đề hết sức đau đầu, cần một khoản tiền lớn.

Cùng với việc mở rộng thành phố, khu vực ngoại thành nơi có nhà máy bột giấy nay đã nằm trong bản đồ nội đô, khu đất hơn hai trăm mẫu đã bị công ty kinh doanh bất động sản nhắm nhe. Ông Vũ ra sức chống lại, ông chủ trương nước sông luộc cá sông, dùng tiền bán đất để mua đứt thâm niên của công nhân và lấy tiền chi trả trợ cấp cho người thất nghiệp.

Nghe tin phá nhà máy bán đất, mấy trăm công nhân nhà máy bột giấy kéo nhau đi khiếu kiện tập thể, vây kín cổng cơ quan chính quyền thành phố. Không ít công nhân ở nhà chờ việc từ nhiều ngày nay đã mua xích lô kiếm khách trên đường phố. Họ chịu đựng nắng mưa vô cùng cực khổ, cảm thấy nếu phá nhà máy bán đất đúng là đập vỡ nồi cơm của họ. Mấy chục người liên hiệp lại xếp hàng xích lô rồng rắn lặng lẽ diễu quanh các phố nhằm bày tỏ sự bất bình.

Giám đốc nhà máy bột giấy và Bí thư Đảng ủy được mời lên phòng tiếp dân. Chính quyền thành phố yêu cầu họ làm công tác tư tưởng cho công nhân, yêu cầu họ tìm được người dẫn đầu có tổ chức để thuyết phục công nhân. Giám đốc nhà máy cử cán bộ từ cấp phó phòng đến cổng trụ sở chính quyền để làm công tác tư tưởng cho công nhân. Tiểu Mãn là người duy nhất từ chối mình là cán bộ cấp trung gian, anh có lý do: “Lẽ ra tôi cũng đi kiện, bây giờ không đi nữa”. Tiểu Mãn và Vân Tài đã đăng kí kết hôn, họ định tổ chức lễ cưới nho nhỏ, mời lãnh dạo nhà máy và bạn bè thân cận uống chén rượu nhạt, sẽ là đôi vợ chồng thất nghiệp trong lúc nhà máy bị đóng cửa, cuộc sống có vấn đề, nên họ từ bỏ ý định đó.

Vân Tài không tham gia khiếu kiện tập thể, chị cho rằng đi như vậy cũng chẳng ích gì, liệu có ai dựa vào khiếu kiện ồn ào để giải quyết vấn đề? Hơn nữa chị đang được hoãn thi hành án, không thể đi. Chị bàn với Tiểu Mãn, sau này sẽ tìm việc gì làm. Tiểu Mãn rất buồn, nói công nhân các dây chuyền sản xuất đều rời thiết bị, rồi bỏ công việc cũ của mình liệu có thể làm được việc gì? Xưởng may đóng cửa, chính quyền không bị sức ép lớn, công nhân thất nghiệp có kĩ năng, đến xưởng may khác cũng làm việc đó, ít nhất đến các cửa hàng thời trang giúp việc. Công nhân nhà máy bột giấy thì không thể, các nhà máy bột giấy khác không bị đóng cửa chuyển đổi sản xuất cũng thu hẹp qui mô, không có cách nào giải quyết công ăn việc làm cho họ. Họ mất việc trắng tay, làm gì cũng dở, tất cả đều trái ngành trái nghề.

Tiểu Mãn suy nghĩ tích cực, anh và Vân Tài không cùng lúc mất việc, chỉ cần nhà máy còn một viên gạch, một viên ngói, một cái đinh ốc, phòng bảo vệ vẫn còn việc, chưa thể về nhà. Vân Tài không đồng ý cách nghĩ của Tiểu Mãn, cảm thấy con đường tiếp theo của anh không có ý nghĩa, kiểu gì thì nhà máy cũng đóng cửa, tốt nhất là chuồn sớm tìm việc khác cho xong chuyện. Chị nói, sau cải cách mở cửa người giàu sớm nhất đều là những người không có công việc cố định. Những người có cuộc sống hàng ngày bị dồn xuống đáy cũng có cái tốt, họ bất chấp tất cả quyết tâm đến cùng, rồi sẽ thành công.

Tìm việc làm trở thành bệnh tim của Vân Tài, vì thế mà chị mất ăn mất ngủ. Lúc ăn lúc ngủ, sáng sớm tỉnh dậy chị đều nói:

“Tốt nhất chúng ta mở một quán cơm”.

“Nghe nói tìm vài người, dùng một vài dụng cụ đơn giản là có thể trở thành một công ty vệ sinh…”

“Mở một hiệu sách giáo khoa, kiếm vài đồng của học sinh”.

“Hay là mở một nhà hàng vui chơi giải trí?”

Tiểu Mãn rất lý trí, làm gì cũng phải có vốn, cứ như tình trạng của mình nhất định phải đập nồi bán sắt vụn, nợ nần khắp nơi, không thể để lỗ vốn, nhất thiết phải vững chắc. Vân Tài nghĩ ra không biết bao nhiêu công việc, nhưng anh đứng ở góc độ khác để suy nghĩ, nghĩ từ góc độ xấu nhất. Anh biết sức ép của Vân Tài rất lớn, chị cảm thấy cuộc sống bây giờ giống như trước đây khi Hồ Bằng đưa cho chị một tháng lương đem nướng cả vào mạt chược, sợ hãi không biết sẽ sống bằng cách nào.

Vân Tài nghĩ phải mở một xưởng may nhỏ nhưng Tiểu Mãn vẫn không bằng lòng.

Lần này thì Vân Tài kiên trì suy nghĩ của mình, việc có thể làm là mở một xưởng may nhỏ. Mở xưởng may được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Nhà lợp mái tôn trong Trung tâm thời trang đối với công nhân thất nghiệp thuê, một có thể dùng hai. Tiền trợ cấp thất nghiệp cộng với tiền tiết kiệm của Tiểu Mãn có thể mua hơn một chục máy khâu vẫn thừa, nhiều lắm chỉ cần vay thêm hai ba chục nghìn để ứng tiền thuê xưởng và hai tháng lương của công nhân, hễ máy chạy là có thể thu được tiền về. Chị đưa ra mấy ví dụ của những người mở xưởng may nhỏ. Tiểu Mãn biết chị nói đều là sự thật, nhưng anh nghĩ không đơn giản như thế.

Một sự việc xảy ra sau đấy khiến Tiểu Mãn thêm quyết tâm, anh bỏ không làm trưởng phòng bảo vệ nữa, tính đến chủ trương của Vân Tài. Công nhân nhà máy bột giấy sau khi khiếu kiện, một số người tập trung mâu thuẫn vào ông Vũ, Phó thị trưởng nguyên là Giám đốc nhà máy. Phương án nước sông luộc cá sông của ông về lý thuyết không sai, nhưng vấn đê là rất nhiều cá, sông lại cạn. Tiền bán đất của nhà máy giấy không đủ để mua thâm niên của công nhân, từ lâu nhà máy nợ lớn hơn cả vốn, rất nhiều cơ quan kiện ra tòa đòi bồi thường. Một số thiết bị đáng tiền đã bị tòa án niêm phong, không dán niêm phong là để che mắt công nhân.

Lúc ông Vũ thôi chức Giám đốc nhà máy lên làm Giám đốc Sở Công nghiệp nhẹ đã nói, suốt ba năm kinh doanh ông làm cho thực lực nhà máy trở nên hùng hậu, có tám chục triệu vốn lưu động, hơn năm chục triệu thu nợ, mười triệu hàng còn trong kho, dù nhà máy không sản xuất cũng đủ cho công nhân ăn trong mười năm. Nhưng ông đi chưa đầy hai năm thì xảy ra tình trạng nợ lương công nhân, nhà máy bột giấy thâm hụt một khoản lớn.

Để hóa giải mâu thuẫn, ông Vũ đề nghị ông Đỗ, Giám đốc Sở công nghiệp nhẹ về nhà máy giấy tổ chức họp cán bộ trung gian. Ông cũng đề nghị cán bộ, công nhân nhà máy thông cảm với chính sách bảo vệ môi trường của nhà nước. Nói rõ tính quan trọng của việc duy trì sản xuất lâu dài, mong mọi người có những suy nghĩ của người làm chủ “hy sinh gia đình nhỏ vì quốc gia lớn”. Để giải quyết tư tưởng không ổn định của công nhân thời gian gần đây, cấp trên chuẩn bị làm một đợt công tác tư tưởng. Từ phân tích chính trị tìm ra cách giải quyết đến hướng dẫn công nhân học tập, khơi gợi tình cảm những người cầm đầu gây sự, tốt nhất dùng lý lẽ thuyết phục, bằng không đã có pháp luật.

Ông Vũ nhấp một hụm nước, hắng giọng: “Tình hình ở nhà máy bột giấy tôi hiểu rất rõ, có một số công nhân tố chất kém, trước đây tôi đã nói, họ có hai cái nhiều: đi làm ngủ nhiều, hết giờ chơi mạt chược nhiều. Những công nhân ấy bây giờ chỉ sợ thiên hạ không đại loạn, có người tung tin đồn nhảm, có người dựng chuyện nói xấu, lại có người ác độc đả kích các đồng chí lãnh đạo, phòng bảo vệ phải phát huy tính tích cực, đồng chí Mãn trưởng phòng bảo vệ có đây không?”.

Ông Vũ đưa mắt tìm kiếm trong số những người dự họp, ở dưới có người nói: “Anh Mãn đi nhà vệ sinh rồi”. Cả hội trường cười ồ, Tiểu Mãn vội bước vào, nói anh đứng hút thuốc ở hành lang.

Sau cuộc họp, Tiểu Mãn được gọi lên phòng họp nhỏ, ông Vũ tìm anh để nói chuyện.

Ông bảo anh điều tra xem trong nhà máy ai bịa chuyện về ông, chuyện có liên quan đến phòng bảo vệ. Họ bịa hồi ông còn làm ở nhà máy bột giấy, có một nhân viên bảo vệ thấy ông đưa gái vào phòng làm việc, anh ta đến gõ cửa kêu khó khăn, đòi trợ cấp. Hôm sau anh này được nhận hai trăm đồng tiền trợ cấp. Ông Vũ rất phẫn nộ về chuyện không căn cứ này, chỉ thị cho Tiểu Mãn phải tìm ra người dựng chuyện kia, phải xử lý thật nghiêm khắc.

Tiểu Mãn nói, việc này khó lắm, không làm nổi. Ông Vũ nghe, rất không bằng lòng, hỏi Tiểu Mãn tại sao?

Tiểu Mãn nói: “Vấn đề không phải là ai nói, mà có hay không có sự việc ấy? Bảo tôi điều tra, không điều tra ra thì sao, càng tìm càng không thấy thì sao? Tốt nhất không điều tra, thêm một việc không bằng bớt đi một việc”.

Ông Vũ ngớ ra, ông không ngờ thái độ của Tiểu Mãn lại như thế. Ông tìm Tiểu Mãn là tin ở anh ta, Tiểu Mãn là do ông đề bạt. Lúc ông về nhà máy thì anh đã làm phó trưởng phòng bảo vệ sáu năm rồi.

Điều ông Vũ càng không ngờ là, không đơn thuần ở thái độ của Tiểu Mãn, anh rất không bằng lòng việc ông Vũ làm. Là trưởng phòng bảo vệ, anh biết nhiều chuyện trong nhà máy, nhà máy đến nước này anh đau lòng vô cùng, nhưng tỏ ra bất lực, chỉ có thể tỏ thái độ đối với những việc nào đó.

Không đầy một tuần lễ sau, ông Triệu tìm Tiểu Mãn, điều anh về phụ trách bể ô-xi hóa nước đen, bảo đấy là một việc vô cùng quan trọng.

Tiểu Mãn lặng lẽ một lúc lâu, anh yêu cầu thôi việc, về nhà. Ông Triệu hỏi anh tại sao, thấy anh không nói gì, ông nghĩ anh này đang có vấn đề tư tưởng, hỏi anh: “Anh về nhà làm gì? Tốt nhất vẫn nên đứng vững trên cương vị công tác cuối cùng, cán bộ trong nhà máy rất quí anh”.

Tiểu Mãn nói: “Tôi dẫn đầu thôi việc là thông cảm với khó khăn của nhà máy, tốt nhất nên về tìm việc khác còn hơn ngày nào cũng đeo bám ở đây. Tôi sẽ cùng với mấy người thất nghiệp khác ra mở xưởng sản xuất”.

Thái độ của Tiểu Mãn rất chân tình, ông Triệu nhận ra điều đó.

4

Xuyên Thanh cảm thấy lòng mình có hai việc vướng mắc, cần giải quyết.

Việc thứ nhất nhờ ông Vũ giúp đỡ để được nhận thầu bãi đỗ xe, Cát Hồng có việc làm thì cuộc sống hàng ngày của anh mới yên ổn.

Xuyên Thanh tranh thủ thời gian đến thăm Trung tâm thời trang, một phần khu vực cửa hàng các chủ đã nhận chìa khóa bắt đầu mở cửa tiến hành trang trí. Anh xem qua mấy nhà, có một cô chủ trẻ đẹp nhận ra anh, gọi anh là thầy, anh băn khoăn, mình chưa bao giờ dạy học, làm gì có học sinh? Cô này tên là Hạ Tiểu Huệ, hồi còn làm ở nhà máy phụ trách công tác thông tin, là cộng tác viên đặc biệt của thành phố, toà soạn báo tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên, cô nghe Xuyên Thanh giảng bài. Huệ bảo nhiều người quen mua cửa hàng ở đây, có người tự làm, có người thuê. Cô hỏi Xuyên Thanh có mua một gian không, Xuyên Thanh bảo anh không kịp mua. Cô tiếc cho anh, bảo cửa hàng trong Trung tâm thời trang này chỉ có lên giá. Vậy là anh càng sốt ruột hơn vì chuyện thầu bãi đỗ xe, nhưng chỉ sốt ruột không thể làm gì.

Chuyện khác là vị trí của bản thân, anh tìm Hồ Bằng nhờ Hà Thụy nói với ông Lư, Bí thư thành ủy, làm việc ở Ban Nghiên cứu lịch sử là một cách chôn vùi anh.

Hồ Bằng nói, thư thư rồi sẽ tìm Hà Thụy, đâu có chuyện điều động cán bộ chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Xuyên Thanh bấm đốt ngón tay, anh về Ban Nghiên cứu lịch sử chưa đầy nửa năm, vì chuyện đó mà anh thỉnh thoảng mời Hồ Bằng đến nhà ăn cơm, chơi bài, thêm một bước nữa là đùa vui. Anh cũng thay đổi các mối quan hệ, muốn kiếm một chút chức quyền và lợi lộc trong ngành văn hóa.

Ấn tượng của Cát Hồng đối với Hồ Bằng ngày càng tốt, em trai của chị bị kiện ra tòa vì một vụ việc tranh chấp dân sự, Hồ Bằng đứng ra làm người đại diện để giúp chị giải quyết.

Vụ án không phức tạp, hàng xóm của em trai Cát Hồng không tốt. hai nhà thường cãi nhau vặt, nguyên nhân thì nhiều lắm. Vụ việc lần này vì vợ của bên nguyên cáo phát hiện bị cáo (em trai Cát Hồng) đổ nước tiểu lên tường nhà họ, giận lắm cũng chỉ chửi vài câu, bị cáo cũng tức giận chửi lại. Sự việc nâng cấp lên thành đàn ông hai nhà đánh nhau, trong lúc đánh nhau bên nguyên cáo bị ngã, bị thương vào bệnh viện tốn khá nhiều tiền. Bên bị cáo sẵn sàng gánh chịu mọi khoản chi phí điều trị, hộ lý, bồi dưỡng, bồi thường tiền nghỉ việc và tổn thất về mặt tinh thần.

Hồ Bằng biện hộ cho bị cáo. Anh nói, bắt đầu của sự việc là bên nguyên cáo đặt điều, lúc tìm bằng chứng anh đã hỏi vợ nguyên cáo, chị ta không trông thấy bị cáo đổ nước tiểu lên tường nhà mình, mà cũng không ghé mũi vào ngửi, chủ quan cho rằng bị cáo đổ nước tiểu, không có căn cứ thực tế. Nếu như một chậu nước tiểu đổ lên tường, trên tường sẽ có vết nước, sau đấy xảy ra chuyện cãi nhau và đánh nhau thì trách ai?

Còn việc nguyên cáo ngã dẫn đến tổn thương, Hồ Bằng cho rằng vì cả hai cùng hợp sức cho nên dẫn đến tình trạng ấy. Anh nhấn mạnh hợp sức: “Bên nguyên cáo cố sức quật ngã thân chủ của tôi, bản thân anh dùng sức quá mạnh, rất có thể bị mất đà ngã xuống. Lúc xử lý ở đồn cảnh sát, cảnh sát cũng không thể nhận định nguyên cáo bị ngã là trách nhiệm của thân chủ tôi”.

Về việc bồi thường, Hồ Bằng nói, thân chủ của anh cũng bị tổn thương, cũng mất viện phí. Anh điều tra tình hình điều trị của nguyên cáo, nguyên cáo bệnh nhẹ nhưng điều trị nặng, bị thương ở ngoài nhưng điều trị ở trong, cái gọi là bị thương là một thứ thêm thắt, thân chủ của anh không nên bồi thường một khoản nào.

Cuối cùng vụ án được hòa giải, hai bên nguyên cáo và bị cáo phải tự chi trả viện phí. Về em trai Cát Hồng, bên bị cáo, kết quả không mất mười nghìn chuẩn bị làm tiền bồi thường.

Lúc Xuyên Thanh không có mặt, Cát Hồng hỏi nhỏ Hồ Bằng, liệu có được thầu bãi đỗ xe trong Trung tâm thời trang không?

Hồ Bằng chỉ nói, còn xem chuyện gì ở đằng sau, có thì mới có thể thắng thầu. Cát Hồng không giấu giếm, nói rõ quan hệ đặc biệt giữa ông Vũ và Xuyên Thanh. Hồ Bằng suy nghĩ một lúc rồi nói, chỉ dựa một chỗ ấy không xong, cũng chưa đủ.

Cát Hồng hỏi còn cần gì nữa, Hồ Bằng nói: “Trông giữ xe phải có sức, phải ứng một khoản, phải nộp thuế, phải đối phó với đủ hạng người trong xã hội. Anh Thanh không làm được việc này, không biết khả năng của chị đến đâu?”.

Cát Hồng không sợ, chị nói toạc ra: “Tôi là công nhân thất nghiệp, bãi đỗ xe là bát cơm của tôi, không ai dám đụng, nhiều lắm là liều một phen”. Hồ Bằng không ngờ Cát Hồng lại táo tợn đến vậy, khen: “Chị được, chắc chắn được”.

Được Hồ Bằng cổ vũ, Cát Hồng như lửa đốt giục Xuyên Thanh đi gặp ông Vũ xin thầu bãi đỗ xe. Xuyên Thanh định biếu ông Vũ bức tranh tổ truyền, không biết ông có biết tranh gì hay không. Anh bỏ thời gian đi Bắc Kinh một chuyến, nhờ một họa sĩ nổi tiếng, nhờ họa sĩ Tôn mà lần trước anh nói dối Cát Hồng cùng ông ấy ăn cơm, giám định giúp.

Họa sĩ Tôn nói, để bảo đảm hơn, nên đem đến nhờ Viện bảo tàng cố cung giám định.

Xuyên Thanh mất ít tiền để bức tranh có giá trị, sau khi giám định được biết tranh này có từ thời cuối Minh, đầu Thanh, tranh của một họa sĩ nổi tiếng thời đó, hiện tại có giá chừng một trăm hai chục nghìn.

Thấy giá bức tranh đắt như vậy, Xuyên Thanh không nỡ biếu ông Vũ, định giữ lại truyền cho đời sau. Cát Hồng bảo phải cho, đầu tư coi như vốn đánh bạc, đặt cái lớn thì được lớn. Xuyên Thanh không dám sai lời Cát Hồng, anh đem bức tranh và chứng chỉ giám định cho ông Vũ. Anh chỉ giữ lại một bản sao chụp chứng chỉ giám định.

Ông Vũ nhận bức tranh, cười khà khà, nói: “Tớ biếu cậu bộ quân bài phỉ thúy, cậu biếu tớ bức tranh cổ, là đáp lại tình cảm của tớ hay là để tính nợ với nhau?”.

Xuyên Thanh mặt hơi nóng, nói: “Cái này không thể ăn như cơm, chỉ chơi thôi. Mọi thứ đều không tầm thường, chỉ là quà cáp đi lại”.

Ông Vũ lại cười, bảo Xuyên Thanh từ nay về sau đừng làm thế.

Buổi tối cuối tuần, Xuyên Thanh khó có thể tránh nổi Cát Hồng, anh cùng chị đi xem bãi đỗ xe đang xây dựng. Qui mô bãi đỗ xe rất lớn, kèm theo đó là nhà nghỉ và hàng ăn. Cát Hồng rất phấn khởi, bảo nếu thầu sẽ thầu mười năm hoặc hai mươi năm. Chị đi xem công trình, suy nghĩ rất lâu.

Trên đường về Xuyên Thanh nói với Cát Hồng: “Có được một nơi như thế chúng mình tha hồ trổ tài, anh còn làm lãnh đạo làm gì nữa? Hai ta cùng lập doanh nghiệp tư nhân”.

Cát Hồng đang cưỡi xe đạp, nghe nói vậy chị dừng xe, bực tức nói: “Tại sao anh nghĩ kém như vậy? Chúng ta phải một nhà hai chế độ, anh ở trong nhà nước, em ngoài nhà nước, không tốt hơn hay sao?”

Xuyên Thanh thở dài: “Ở nhà em không còn xem anh là lãnh đạo”. Cát Hồng cười: “Vậy anh lên Ban Tổ chức để phản ánh”. Xuyên Thanh cười lạnh lùng, có một câu nói anh giấu trong bụng đã lâu: “Cô tưởng mình là Đảng viên đấy à?”.

Câu ấy nói ra hai vợ chồng lại cãi nhau, bây giờ anh không dám cãi nhau với vợ, càng ngày càng không dám.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx