sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ván Cờ Người - Phần V - Chương 2 - Phần 2

4

Hữu Ngư nói, Xuyên Thanh bị bệnh tâm thần, đầu óc Cát Hồng cũng hỏng, đóng cửa phòng chơi bài đang sôi nổi, khiến mọi người mất đi một nơi giải trí.

Hồ Bằng khuyên Cát Hồng, Cát Hồng nói chị không thể làm hại mọi người, kiên quyết không mở lại phòng chơi bài, dù có ảnh hưởng đến sinh kế, dù có lỗ vốn chị cũng không mở lại. Hồ Bằng nói, người chơi mạt chược giỏi không chơi ở bãi đỗ xe, sẽ đi nơi khác, không ảnh hưởng gì đến họ. Cát Hồng rất cố chấp, bảo làm người phải giữ vững lập trường. Cát Hồng hỏi Hồ Bằng có thể giúp được không, chị vừa tuyển hai nhân viên từ xưởng may ra, chủ cũ nợ họ hai nghìn đồng tiền lương. Hồ Bằng bảo có thể giúp họ đến tòa án xin lệnh chi trả, hoặc trực tiếp khởi kiện, có điều phải trả cho anh chi phí đại diện. Hai cô gái nghe nói kiện ra tòa và phải nộp án phí, trả tiền cho người đại diện, liền nói không cần phải đòi tiền nữa. Cát Hồng thở dài, việc như vậy có rất nhiều ở các xưởng may, chỉ vì hai nghìn đồng mà kiện tụng ra tòa, cho dù có được kiện thì cũng không có điều kiện thi hành án, chỉ đục nước béo cò.

Các xưởng may nhỏ chây ỳ tiền lương công nhân là chuyện cơm bữa. Tiểu Mãn cũng nợ lương công nhân, hầu hết các xưởng may nhỏ đều nợ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, có xưởng là chuyện bất đắc dĩ, nhưng cũng phải loại trừ những ông chủ cố tình nợ lương công nhân.

Tiểu Mãn nợ lương công nhân từ tháng Tám đến nay, hai lô hàng anh nhận gia công cho Hữu Ngư đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào. Từ sau ngày lập xưởng, anh đã vay khá nhiều của bạn bè, người thân, tuy nói hoàn trả đầy đủ nhưng tình người thì vẫn chưa trả. Anh không thể hỏi vay thêm nữa. Tiểu Mãn nợ lương công nhân nên cũng sợ gặp công nhân, ít xuống phân xưởng hơn trước, cảm thấy xấu hổ vô cùng.

Tiểu Mãn tìm Hữu Ngư đòi tiền gia công. Hữu Ngư nói lô hàng anh gia công có vấn đề về chất lượng, công ty ngoại thương ủy thác gia công khấu trừ vào tiền công, anh đang phải chi tiền để nhờ người giúp giải quyết sự việc. Hữu Ngư chửi thề cho Tiểu Mãn nghe, nếu anh đã nhận được tiền gia công thì như con chó, anh cũng nghèo kiết xác, phải hút thuốc lá Hồng Mai bốn đồng một bao. Tất nhiên Tiểu Mãn không tin lời ma mãnh ấy của Hữu Ngư, anh cũng ít công nhân, mà xưa nay không thiếu việc, tiền mua đơn hàng còn hơn cả tiền anh nhận gia công.

Tiểu Mãn hỏi Hữu Ngư, bên thuê anh gia công là ai. Hữu Ngư nói xa lắm, một công ty ngoại thương ở tận Thượng Hải, tưởng nói như vậy Tiểu Mãn sẽ hết cách. Không ngờ Tố Trân làm việc cho Tiểu Mãn lại là người quen của công ty ấy, khi chị làm kiểm tra chất lượng cho xưởng may Tứ Phương vẫn thường xuyên quan hệ với công ty ấy. Chỉ cần một cú điện thoại là có thể biết, lô hàng ấy không có vấn đề gì về chất lượng, tiền gia công cũng đã thanh toán hết.

Hữu Ngư ngoáy mũi chống cằm, đành phải trả phần lớn tiền gia công. Tiểu Mãn cũng nhận ra bộ mặt thật của Hữu Ngư, quyết tâm làm nốt việc còn lại sẽ không nhận thêm đơn hàng của anh ta nữa, không chịu để anh ta bóc lột

Đơn hàng Tiểu Mãn đang làm dở cũng là của công ty ngoại thương ở Thượng Hải, năm nghìn cái quần xuất khẩu.

Một ngày trước khi giao hàng Vân Tài phát hiện thiếu hai trăm cái quần. Tiểu Mãn nhìn hiện trường, thiếu hẳn hai kiện, chắc chắn có người lấy. Anh định báo công an ngay, Tố Trân ngăn lại, chị bảo anh không vội, có thể đã mất hàng, nhưng lần đầu gặp chuyện mất nhiều như thế, chắc hẳn ai đó gây rắc rối. Rất có thể điều tra tìm ra hàng, nhưng sẽ lỡ thời hạn giao hàng. Việc cấp tốc trước mắt là phải bổ sung đủ hàng, vì đối với hàng xuất khẩu thời gian giao hàng rất quan trọng, chậm giao hàng sẽ gây nên tổn thất khó lường, phải bồi thường vi phạm hợp đồng.

Nhưng bổ sung hàng không phải là chuyện dễ, không còn thời gian, không còn nguyên liệu. Nguyên liệu và phụ liệu của loại quần này do phía nước ngoài cung cấp, trên thị trường không có bán. Tố Trân gọi điện cho công ty ngoại thương ở Thượng Hải biết chuyện, đề nghị thông cảm và giúp đỡ. Công ty ngoại thương gặp chuyện này cũng đau đầu, cho thêm ba ngày, giúp chuẩn bị nguyên liệu, nhưng phải mua bằng tiền mặt.

Tố Trân lấy hai chục nghìn tiền của nhà lên Thượng Hải ngay trong đêm để mua nguyên liệu, Tiểu Mãn ở nhà tìm hàng bị mất trộm.

Anh thông báo với Hữu Ngư chuyện mất hàng. Hữu Ngư vừa nghe giật mình sợ hãi, bảo mất nhiều hàng như vậy là một lỗi lớn, tổn thất không sao đền nổi. Anh ta hỏi, do quản lý không cẩn thận nên đã đắc tội với ai đó hoặc vì nợ lương công nhân? Hữu Ngư nói, trong ngành may công nhân ăn cắp áo quần là chuyện thường tình, anh ta phân tích cho Tiểu Mãn thấy, có thể hàng được đem bán ở đâu rồi.

Tiểu Mãn thăm dò Hữu Ngư, bảo sẽ báo công an. Hữu Ngư không phản đối, anh nói kẻ ăn cắp sẽ hủy hàng, để hàng chìm sâu đáy biển. Tiểu Mãn nói anh sẽ cho người đi tìm, mất bao nhiêu tiền cũng phải thu hồi được số hàng đã mất.

Hữu Ngư nhắc nhở Tiểu Mãn, làm gì cũng phải theo qui luật, đừng cắt đứt con đường về sau. Tiểu Mãn nghe rồi cười, không nói với anh ta đã nhờ người lên công ty ngoại thương mua nguyên liệu để may bù mà làm ra vẻ bó tay, chuẩn bị bồi thường bằng tiền mặt.

Tiểu Mãn xuất thân là trưởng phòng bảo vệ nên có kinh nghiệm điều tra, anh quan sát kĩ hiện trường, phán đoán kẻ ăn cắp hàng của anh phải có tay trong, ít nhất có bốn người. Hai kiện hàng ném qua tường rào phía sau xưởng, hàng ra ngoài rồi phải dùng xe chuyển đến một nơi nào đó. Anh suy đoán, như vậy thời gian gây án diễn ra sau nửa đêm. Đêm khuya vắng vẻ nhất định không thể dùng xe có động cơ, dùng những loại như xích lô chở hàng cũng không thể chuyên chở dễ dàng ra khỏi Trung tâm thời trang, ban đêm trong Trung tâm thời trang có bảo vệ đi tuần.

Những nơi quanh đây là chỗ nào? Tiểu Mãn đến mấy xưởng may gần đấy để xem xét, cuối cùng mọi nghi ngờ đổ dồn vào Hữu Ngư. Xưởng may của Hữu Ngư gần với xưởng may của anh, hai ngày trước khi sự việc xảy ra, người ta thấy Triệu Kim Thần đồ đệ của Hữu Ngư đến quẩn quanh ở công ty.

Chỉ suy đoán và nghi ngờ cũng không đủ, phải có bằng chứng. Tiểu Mãn đến bãi đỗ xe của Cát Hồng xem sau hôm mất trộm có ai thuê xe tải nhỏ hay không. Kết quả phỏng đoán khiến Tiểu Mãn kinh ngạc, Kim Thần thuê xe chở từ xưởng của Hữu Ngư ra ba kiện hàng về nhà quê anh ta. Anh bị mất hai kiện, trong ba kiện này có của anh không? Tiểu Mãn vẫn không dám chắc.

Tiểu Mãn gọi người lái xe vào công ty, bảo anh ta nhìn những kiện hàng để ở phân xưởng. Người lái xe bảo có hai kiện giống như thế này, còn một kiện khác không giống. Tiểu Mãn đã rõ, có thể Kim Thần chơi trò mắt cá lẫn với ngọc trai. Anh ghi lời khai của lái xe, người lái xe được thưởng hai trăm đồng công và tiền bảo mật.

Đúng ngày giao hàng, Hữu Ngư gọi rất nhiều cuộc điện thoại hỏi xem hàng đã xong chưa. Tiểu Mãn đã tính toán, Tố Trân đưa nguyên liệu từ Thượng Hải về anh tổ chức cho công nhân làm cả đêm, theo tiến độ vẫn kịp với thời gian công ty ở Thượng Hải cho phép. Tiểu Mãn làm ra vẻ nhận lỗi với Hữu Ngư, trông thật đáng thương.

Sáng sớm hôm sau Hữu Ngư gọi điện đến, bảo đã tìm thấy hàng.

Hữu Ngư dẫn Tiểu Mãn đi xem hai kiện hàng, bảo kẻ ăn cặp gọi điện nặc danh đến đòi chuộc hai chục nghìn. “Tôi là ai mà phải chịu hắn? Tôi bảo với hắn đã trình báo công an rồi, chuẩn bị cho hắn vào tù. Đặt máy xuống chừng mười lăm phút sau, bảo vệ ở cửa báo cho biết, có kẻ ném xuống hai kiện hàng rồi bỏ chạy”. Hữu Ngư nhìn Tiểu Mãn rồi nói tiếp: “Thật may, coi như tìm lại được hàng đã mất. Nhưng mà, thời gian giao hàng bị trễ, bên anh có quan hệ với công ty ở Thượng Hải, có thể nói với họ một tiếng, làm tôi mất tín nhiệm, tổn thất của tôi lớn quá…”

Trong sự hợp tác giữa Tiểu Mãn và Hữu Ngư, anh nghe Hữu Ngư nói nhiều đến “tổn thất quá lớn”…Hữu Ngư lấy làm lạ vì Tiểu Mãn không tỏ ra phấn khởi, càng không có một lời cảm ơn đối với anh ta.

Tiểu Mãn nói, hàng đã tìm thấy và cũng không có chuyện quá hạn, vì đã mua nguyên liệu của công ty ở Thượng Hải, đồng thời cũng được gia hạn. Hữu Ngư ngớ ra, nhưng phản ứng rất nhanh: “Vậy thì tốt, vậy thì tốt! Vẹn cả đôi đường!”

Tiểu Mãn nói: “Nhưng tôi thì không vẹn cả đôi đường, tổn thất của tôi quá lớn. Hàng đã được đền bù, tôi chẳng có gì phải phiền lòng, hai kiện hàng này tôi phải đem đến trình báo với công an”.

Hữu Ngư ấp úng: “Có cần phải thế không?”. Tiểu Mãn nói cần phải thế, vì anh biết ai đã ăn cắp.

Hữu Ngư hỏi ai, Tiểu Mãn chỉ vào Kim Thần đang đứng sau lưng anh ta. Hữu Ngư nói: “Làm gì có chuyện, là bạn bè với nhau, cậu Thần rất tốt với anh, anh đổ oan cho ai chứ đừng đổ oan cho cậu ấy”.

Tiểu Mãn nói rõ sự việc, Hữu Ngư không tin, bảo Tiểu Mãn mượn cớ đổ oan, không có căn cứ. Nhưng Kim Thần làm ra vẻ mạnh dạn chỉ thẳng Tiểu Mãn, nói đổ tội cho người khác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tiểu Mãn nói với Kim Thần: “Anh đừng quên tôi vốn là trưởng phòng bảo vệ, tôi nói vậy là có đủ nhân chứng vật chứng. Trong phân xưởng của tôi có gắn ca-mê-ra, tôi có thể giao cho công an băng ghi hình”.

Vừa nghe, Hữu Ngư bỗng thất sắc, mặt Kim Thần lúc đỏ lúc tái.

Tiểu Mãn vỗ vai Kim Thần: “Anh quá đáng lắm, lấy hàng của tôi coi như không có chuyện gì, nhưng còn lấy thêm của ông chủ anh một kiện, anh thuê xe chở về nhà ba kiện, đúng không?”

Hữu Ngư đập bàn, hỏi Kim Thần: “Đúng vậy không?”.

Kim Thần không nói gì, Hữu Ngư nói: “Vậy là đúng rồi chứ?”. Anh ta xông đến cho Kim Thần một cái tát. Kim Thần ôm mặt, không nói gì. Hữu Ngư tức giận, chỉ vào mặt Kim Thần, chửi toáng lên. Hữu Ngư chửi đã mệt mới cho Kim Thần đi, còn đe không tha tội, đòi lột da anh ta.

Tiểu Mãn như đang xem trò, ngồi cười. Kim Thần đi rồi anh nói anh phải về. Hữu Ngư lôi anh lại, bàn bạc cách xử lý chuyện này. Tiểu Mãn nói không có vấn đề gì, ai ốm người ấy uống thuốc.

Hữu Ngư làm mình như người tốt, nói anh không thể để Kim Thần như thế, thật không ngờ. Anh cho rằng Kim Thần làm như vậy vì ghen tị với công ty của Tiểu Mãn đang lên. Anh nói, Kim Thần vốn thật thà, nếu biết anh ta hư đốn đâu có thể để Tiểu Mãn có cớ? Anh ta mong Tiểu Mãn rộng lòng tha thứ cho Kim Thần. Tiểu Mãn chưa thể đồng ý một cách nhẹ nhàng.

Về đến công ty, Tiểu Mãn chưa kịp kể lại chuyện cho Vân Tài nghe, chị đã nói ngay, đơn hàng này lỗ to, sẽ làm như các nhà may khác bảo bên ủy thác đem tiền đến lấy hàng.

Cái gọi là đem tiền đến lấy hàng là cách làm của những xưởng may nhỏ bị thua lỗ, giữ hàng, đòi bên gia công đáp ứng yêu cầu lợi ích, làm như vậy cũng hơi quá đáng. Các công ty ngoại thương bị ép vì thời gian giao hàng, buộc phải chấp nhận. Những chuyện như vậy có rất nhiều trong ngành may gia công, họ cũng khó khăn, có được đơn hàng bị nhiều tầng sức ép, những là chất lượng sản phẩm không đạt, không đủ vốn… Phải chăng những xưởng may ấy bị dồn ép không còn lối thoát, không nghĩ đến chữ tín, thậm chí lừa dối không nghĩ đến danh dự, kết quả của vòng tuần hoàn ác tính càng nặng càng không còn việc làm, đồng thời phá đổ hình ảnh của Trung tâm thời trang.

Tất nhiên Tiểu Mãn không làm như thế, anh nói với Vân Tài chuyện gặp Hữu Ngư vừa rồi, nói không thắng nhưng cũng đừng nên làm như thế.

Buổi tối, Hữu Ngư mời Tiểu Mãn ăn cơm, bàn nhau giải quyết chuyện Kim Thần. Tiểu Mãn học cách nói của Hữu Ngư: “Tổn thất của tôi lớn lắm…”

Cuối cùng Hữu Ngư đồng ý bồi thường tổn thất cho Tiểu Mãn, thanh toán tiền gia công, trả luôn cả năm chục nghìn tiền bảo lãnh ban đầu cho anh.

Hữu Ngư nói mình chịu tội hộ người khác, giận dỗi nghiến răng nghiến lợi: “Những tổn thất này, tiền này là của tôi không thiếu một đồng, phải để thằng Thần nhận, sẽ trừ vào lương của hắn ta”.

Tiểu Mãn trong họa có phúc, sự việc được giải quyết không nói làm gì, hành động đền bù hàng khiến công ty ngoại thương ở Thượng Hải cảm thấy cái xưởng may nhỏ này giữ được chữ tín, làm việc vững chắc, có Tố Trân nắm khâu kiểm tra, chất lượng không có vấn đề gì, họ trực tiếp làm ăn với Công ty Bạn Bè của Tiểu Mãn.

Tiểu Mãn vẫn đau đầu.

Trước đây kiếm gạo cho vào nồi, bây giờ có gạo rồi nhưng nồi không đủ dùng. Mở rộng sản xuất, không đủ vốn là một vấn đề lớn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx