sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 4 - Chương 1

Sách Vân-lộc mạn sao chép: Sách Lễ-ký có nói: Đốt củi ở Thái-đàn[196] để tế Trời.

Sách Chu-lễ có nói: Tế trời thì thui con vật hy-sinh.

Đấy đều là ý-nghĩa cầu thần.

Đời sau không đốt củi mà đốt hương, bởi vì Tây-phương (Ấn-độ) sản-xuất hương.

Nhà Phật động đến việc gì đều đốt hương là để được trong sạch yên lặng. Cho nên khi làm phép thì đốt hương đọc bùa chú.

Các đạo-sĩ cũng đốt hương để giải trừ khí ô-uế.

Nhà Phật và đạo-gia (đốt hương) không giống với nhà nho chúng ta (đốt củi).

Nay người ta cúng tế Khổng Phu-tử, cúng tế thần Xã-Tắc[197], sau khi làm lễ rước thần và trước khi làm lễ dâng lụa đều phải ba lần đốt hương.

Lễ gia không có đốt hương. Nơi đô-thành có người đốt hương.

Sách Minh-chí chép: Minh Thái-tổ xuống mệnh-lệnh khiến mỗi tháng vào ngày mùng một và ngày rằm, từ quan Tế-tửu trở xuống phải làm lễ thích thái[198] ở bộ Lễ, từ chức Huyện [1b] trưởng trở xuống phải đến chỗ học-sở làm lễ hành hương[199].

Theo Tống-Liêm[200], một nhà nho đời Minh có nói: “Đời xưa cầu thần, khi đã dâng bày lễ vật thì đốt cỏ tiêu hợp với mỡ dê” .

Nay người ta xông hương thay cho việc ấy để được giản tiện” .

Khâu-Tuấn nói: “Cúng tế là ngụ lòng thành của mình, chớ không chuyên ở vật. Lễ phải tùy-nghi mà chỉ có thể từ nghĩa lý khởi xướng lên.

Lấy vật ngày nay mà cúng tế thần thánh đời trước thì hằn là bất tất phải câu nệ.

Hai thuyết không giống nhau.

Tôi trộm nghĩ thuyết sau là đúng.

Nhưng Chu-Tử có nói: “Yết cáo Tiên-thánh (Khổng-Tử) mà đốt hương thì không phải theo lễ đời xưa. Cầm hương không được cúi đầu, chỉ thẳng lên mà cầm hương rồi đưa cái đầu hốt ra mà xuống làm lễ vái” .

Ngày nay hành hương cũng nên giữa theo phép ấy.

Đời xưa việc cúng tế ở tông-miếu có đốt cỏ tiêu hợp với vật có mùi thơm.

KinhThi có câu: Thủ tiêu tế chi (Lấy cỏ tiêu mà cúng tế với mỡ).

Sách Lễ-ký nói: Rót [2a] rượu uất-sưởng xuống đất mà cúng tế. Chớ chưa có đốt hương, tức như sách Tây kinh tạp ký có câu: Bị hạ hương lò (Đậy cái lò hương lại).

Lưu-Hướng làm bài minh Bác-sơn lô có nói dùng để đốt hương chớ chưa có dùng để cúng tế.

Khi Hồn-da (rợ Hung-nô) đầu hàng, Hán Vũ-đế lấy được tượng thần bằng vàng của Hồn-da đem đặt ở cung Cam-tuyền, lúc cúng tế không dùng trâu bò làm vật hy-sinh mà chỉ đốt hương lễ bái mà thôi.

Việc đốt hương mà cúng tế thấy bắt đầu từ đấy.

Nhưng truyện nước Ngô có chép: Trương Tân làm Thứ-sử Giao Châu đốt hương đọc sách tà tục được truyền lại.

Vu-Cát dựng tinh-xá (nhà tinh khiết để tu dưỡng) và đốt hương.

Những việc đó đều là tư-gia người ta đã làm, chớ khắp trong nước người ta chưa có đốt hương thờ thần-thánh.

Trình-Đại-Xương nói: “Vua Vũ-đế nhà Lương tế Trời bắt đầu dùng hương trầm, tế Đất dùng hương Thượng-hòa, bởi vì đất gần người ta, phải thêm vào các thứ hương khác, tức là hợp các thứ hương mà làm hương Thượng-hòa” .

Trương-Tử nói: “cúng tế mà dùng hương và trà là không phải theo lệ đời xưa. Đốt hương là ý đốt củi ngày xưa. Dâng trà là ý [2b] dùng cho người sống mà thờ phụng” .

Sách Thông-thư chép: Tro gỗ ở dưới bếp không thể dùng đốt hương để thờ phụng thần thánh. Hương nhũ-đàn không thể dùng xông hương để thờ cúng đức Thượng-Chân (vị tiên của Đạo-giáo).

Sách Thảo-mộc trạng chép: Giáng-hương có thể dùng xông hương cầu thần giáng xuống.

Sách Thế-thuyết chú lời nghị của Tôn-Thịnh rằng: Đầu đời nhà Tần, Hướng-Hùng làm chứ Lãnh-hiệu Ôn-huyên thuộc đất Hà-nội có đưa nộp bò làm vật hy-sinh cúng tế mà không đầy đủ. Số bò nầy được trình lên quận và được dẫn theo lên phía bắt đưa sang đất Lạc.

Gặp lúc tiết trời quá nóng bức, số bò của quận đưa đi phần nhiều bị chết vì khát.

Pháp đài rất quan-trọng. Quan Thái-thú bèn vời Hướng-Hùng đến mà đánh trị tội.

Đó là người xưa dùng bò cúng tế đều lấy ở các quận huyện đưa nộp.

Xét chế-độ nhà Đường nhà Tống, những lễ đại tế hoặc giao cho quan Thái-úy, hoặc giao cho quan Tả Bộc-xạ, quan Hữu Bộc-xạ, có quan Giám-thị xem xét. Việc cúng tế rất là cung kính.

[3a] Theo sách Chu-lễ, ngày cúng tế thì phải rưới nước rồi quét dọn sạch-sẽ, đào xới lật mặt đất ở trên xuống dưới, cho lớp đất ở dưới lên trên, dân trong làng phải đốt đuốc ở đầu ruộng để soi đường.

Đời sau làm đại lễ cúng tế thì có quan lật trở mặt đất ở đường sá, đặt đèn lồng và đốt đèn sáp theo dọc đường, cũng là noi theo ý của đời xưa.

Theo sách Chu-lễ, hễ trong nước bị nắng hạn to thì rước đồng bóng múa hát cầu mưa.

Theo chế-độ nhà Tiêu-Lương[201], sau tháng 4 mà nắng hạn thì cầu mưa và làm 7 việc:

1) Xem xét những án xử oan uổng và những quan-lại không làm tròn chức-vụ.

2) Chẩn cấp những người góa vợ, góa chồng, mồ-côi và không con-cái.

3) Bớt việc làm xâu và hoãn việc đòi thuế-má.

4) Tiến-cử bậc hiền-lương.

5) Đuổi quan-lại tham-lam bất-chính.

6) Làm cho nam nữ sum họp, thương xót con gái và con trai lỡ thời chưa có chồng chưa có vợ.

7) Bớt bữa ăn ngon của vua và bỏ ca-nhạc của vua.

Rồi sau đó mới cầu xin với thần Xã-Tắc.

Nếu đã cúng tế nhiều lần mà không có hiệu-quả mới làm lễ cầu mưa lớn-lao.

Phép nầy cũng hay vì đó là ý vua tự trách mình trước hết rồi sau mới cầu xin với các thánh thần.

Nhà Tùy nhà Đường đều làm như thế. Nhà Minh không có làm lễ ở đàn cầu mưa.

Thiên Kinh-tịch chí trong sách Tùy-thư có chép: Đạo-gia (nhà đạo-sĩ) có phép làm tiêu tai-nạn, độ gian-nguy, dựa theo thuật-số âm-dương và ngũ-hành, suy tính tuổi thọ vận-mệnh của người ta, viết ra như nghi-thức làm tờ biểu-chương, lại sắm đủ lễ-vật, đốt hương và đọc lên rằng:“Tấu thượng Thiên tào, thỉnh vị trừ ách” (Tâu lên quan chức nhà Trời, xin trừ tai ách cho).

Gọi đó là lễ Thượng-chương (dâng tấu lên quan chức nhà Trời)

Nửa đêm ở dưới muôn vì tinh tú trần thiết lễ vật rượu thịt bánh trái cũng tế tất cả Thiên-hoàng Thái ất Ngũ tinh (Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh và Thổ tinh) và liệt tú, làm bức thư như nghi thức dâng tấu chương lên vua.

Gọi đó là Tiếu (Đạo-sĩ lập đàn cầu đảo cùng Thượng-đế và thần-tiên).

Lại lấy gỗ làm cái ấn khắc mặt trời mặt trăng và tinh-tú lên trên, cho hấp lấy hơi khí, rồi cảm lấy nhận vào chỗ có tật bịnh

Như vậy cũng có nhiều người khỏi bịnh.

Đời sau giữ trai giới cho thân thể và tinh thần được tinh-khiết để lập đàn cầu xin giải trừ tai-ách cùng Thượng-đế thần tiên bắt đầu từ đấy.

Theo sách Lễ ký, Thiên-tử cúng tế trời đất, buổi sáng cúng tế mặt trời, buổi tối cúng tế mặt trăng, cúng tế các vì tinh-tú.

Chư-hầu cúng tế thần Xã (Thổ-thần) thần Tắc (Thần Ngũ Cốc).

Kẻ-sĩ cúng tế tổ tiên của mình.

Ngày nay tất cả thường dân đều tiếm-dụng (kẻ dưới lấn địa-vị của người trên) đến những lễ tế của Thiên-tử, vượt [4a] bổn-phận mình, phạm lễ quá lắm thì làm sao mà được phúc?

Kinh Thư chép: Làm lễ cứu Nhật thực, Nhạc-quan[202] thì đánh trống, quan Sắc-phu thì chạy nhanh, thứ dân thì chạy.

Sách Bạch hổ thông chép: Người xưa cứu Nguyệt-thực thì các vị phu nhân[203] gõ vào mặt kính, phó-nhân gõ trượng (?), vợ của thường dân chải đầu (?).

Thơ Linh-đài thuộc phần Đại-nhã trong kinh Thi có câu: Kinh thủy Linh đài[204] (Đo đất bắt đầu làm Linh đài), vì đó là nơi xem mây mà nghiệm xét điềm lành hay điềm dữ

Sách Ngũ kinh thông nghĩa chép: Thể chế làm Linh đài là đắp đất chồng chất nhiều lớp cao 9 nhận[205], ở trên thì bằng, không có nhà. Chín nhận cao là số dương cùng cực. Bằng ở trên và không có nhà là để xem khí mây cho được rõ ràng.

Theo chế-độ nhà Đường, ngày quan Tiết-độ-sứ đến dưới bệ từ biệt vua để đi trấn nhậm, vua có ban cho hai cây cờ mao[206] hai cây tinh-tiết[207].

Lúc quan tiết độ sứ vào đến chỗ trấn nhậm ở châu quận thì cho dựng cây tinh tiết và trương sáu lá cờ đạo[208] theo xe.

Lúc quan Tiết-độ-sứ vào đến chỗ trấn nhậm ở châu quận thì dựng ngôi tiết lâu[209].

Triều nhà Tống, lúc quan Tiết-độ-sứ xuất-hành thì ban cho 6 lá cờ đạo, cờ tinh, cây tiết tinh, cờ môn kỳ, để ở nhà công hay nhà riêng [4b], ở hai nơi ấy đều phải làm nhà riêng gọi là tiết đường, sau ngày mùng một và ngày rằm phải cúng tế, bởi hễ có vật nào thì có thần ấy.

Triều nhà Minh, ở một bên đàn đắp lên để cúng tế núi sông có dựng đền thờ cờ tinh cờ đạo, mùa xuân mùa thu có sai vệ quan giữ cờ cúng tế.

Triều-đình nhà Minh lại sai các quân vệ trong nước đều phải lập đền thờ, lấy ngày Sương-giáng các bề-tôi hàng tướng đến cúng tế.

Những linh thần được cúng tế ở kinh-đô là Kỳ đầu đại tướng, lục đạo đại thần, Ngũ phương kỳ thần, những thần coi về chiến thuyền, chiêng, trống, còi, súng, pháo, đao, cung nỏ, phi sang, phi thạch và các vị thần về trận tiền trận hậu.

Những linh thần được cúng tế ở những vệ ngoài thuộc quân ngũ xướng thì gọi chung là thần Quân nha, thần Lục-đạo.

Tế Đại trá[210] thì ba đời (Hạ, Thương, Chu) đều có, nhà Hạ gọi là Tế Gia bình, nhà Ân gọi là tế Thanh tự, nhà Chu gọi là tế Trá. Nhà Tần [5a] bắt đầu gọi là tế Lạp.

Các đời từ nhà Hán nhà Đường trở về sau đều có tế Lạp, cuối năm cúng tế tất cả các vị thần để báo thành công.

Chế độ nhà Minh thì bỏ bớt lễ tế nầy.

Đời xưa có lễ tế Khu-na[211] thấy ở sách Chu-quan[212], ở thiên Nguyệt-lịnh trong sách Lễ ký và sách Luận-ngữ.

Xét theo sách Hán-chí, một ngày trước tế lạp là tế Đại na, chọn lựa các con em ở Trung hoàng môn[213] lấy 120 làm chấn-tử[214] để đuổi quỷ ôn dịch.

Lễ tế Đại-na sau nhà Đường hãy còn.

Chế-độ nhà Minh không có lễ tế nầy,

Kinh Lễ chép: Thiên-tử chư-hầu và quan đại-phu đều thờ thần Thái-lệ[215], thần Công-lệ[216], thần Tộc lệ[217].

Sách Tả-thị chép: Quỷ thần cỏ chỗ quay về thì không làm điều hung dữ -nữa.

Ấy là từ Tam-đại (Hạ, Thương, Chu) trở về sau đều có tế Lệ.

Theo chế độ nhà Minh ở kinh-đô, phủ, châu, huyện khắp trong nước đều có lập đàn thờ thần Lệ mỗi năm cúng tế ba lần:

1) Mùa xuân cúng tế vào tiết Thanh-minh.

2) Mùa thu cúng tế vào ngày rằm tháng 7.

3) Mùa đông cúng tế vào ngày mùng 1 tháng 10.

Ở trong kinh-đô thì sai quan Kinh-doãn, ở ngoài châu quận thì sai quan Thú-lịnh làm chủ lễ cúng tế này.

Triều trước dâng sớ điệp lên thần Thành-hoàng, đến (5b) ngày lễ, cúng tế làm chủ yếu, vua Thái-tổ làm bài văn-tế và ban-hành khắp mọi nơi làm định-thức, kể tình-trạng quỷ thần không được cúng tế thật oan thảm. Mọi lễ cúng tế rất là chu-tất.

Sách Uyên giám loại hàm chép: Thờ thần Thành-hoàng[218] từ đời Tam-quốc trở về sau, nhân có việc mới cúng tế. Đền thờ thì thấy Lý-Đức-Dụ nói lập ở Thành-đô.

Từ đời nhà Tống trở về sau khắp trong nước đều thờ phụng thần Thành-hoàng.

Năm đầu niên-hiệu Hồng-vũ[219] (1368, đời vua Thái-tổ nhà Minh) ra lịnh cho quận huyện mỗi nơi đều phải lập đàn thờ thần núi sông, thể-chế thờ thần núi sông giống như thờ thần Xã-Tắc.

Sách Bạch thát tủy chép: Triệu-Tùng-Thiện làm chức Doãn ở phủ ứng-thiên, hằng ngày có vời Kiều-sinh đến nhà dạy con em là Hy-Thương. Kiều-sinh dạy Hy-Thương mỗi buổi sáng lễ Khổng-Tử sai thợ đúc những vật dụng dùng trong lễ thích-thái (lễ dâng rau tảo rau phiền cúng tế Tiên-sư) y theo nghi-chế ở trường công để thường thường cung phụng hành lễ.

Quan Thượng-thư Hoàng-Tử-Điền hay được việc đó [6a] muốn khiển-trách. Nhưng Triệu-Tùng-Thiện biết kịp sai phá hết các vật-dụng và đuổi Kiều-sinh đi.

Đó là chứng-nghiệm để nhận thấy rằng chế độ nhà Tống không cho thường dân tiếm việt địa-vị thờ phụng Khổng-Tử.

Vua Thế-tông nhà Minh (1522-1566) tự nhiệm lấy quyền chế-tác lễ nhạc: trong niên hiệu Gia Tĩnh thứ 11 (1532) bắt đầu đổi hiệu-phong Văn-tuyên vương[220] của Khổng-tử ra Chí-thánh Tiên-sư Khổng-phu-tử, đổi tên điện Đại-thành ra ra miếu Tiên-sư, đổi tượng nặn bằng đất ra tượng chạm bằng gỗ, đổi những hiệu-phong của các danh hiền thần thờ chung với Khổng-Tử gọi là Tiên hiền Tiên nho họ gì tên gì. Đó là theo lời bàn-nghị của Ngô-Trừng đời nhà Nguyên.

Nay triều nhà Thanh cũng noi theo đó.

Trong Văn-miếu ở Trung-quốc, Tứ Phối[221] được thờ trên hai cái khám.

Khám bên tả thờ: Phục-thánh Nhan-Tử và Thuật-thánh Tử-Tư Tử.

Khám bên hữu thờ: Tông-thánh Tăng-Tử và Á thánh Mạnh Tử.

Mười hai vị hiền được thờ trên sáu cái khám:

Sáu vị tiên hiền thờ ở bên tả: 1) Mẫn-Tử, [6b] 2) Nhiễm-Tử, 3) Đoan-Mộc-Tử, 4) Trọng-Tử, 5) Bốc-Tử, 6) Hữu-Tử.

Sáu vị tiên hiền thờ ở bên hữu: 1) Nhiễm-Tử 2) Tề-Tử, 3)Nhiễm-Tử, 4) Ngôn-Tử, 5) Chuyên-Tôn-Tử, 6) Chu-Tử[222] (Nhiễm-Ung, Nhiễm-Bá-Ngưu, Nhiễm-Cầu).

Vua Thế tông nhà Minh xuống chiếu cho thiên hạ lập đền Khải Thánh từ[223] ở bên tả miếu học để truy tôn người đã sinh ra đức Thánh Khổng Phu-tử.

Còn những hiền phụ, cha của các vị hiền-triết từ Nhan-Tử, Tăng-Tử trở xuống đều được theo thờ-tự thờ chung ở đấy.

Như thế thật đại nghĩa đã đắp gốc khơi nguồn soi đức báo công.

Nay trong mùa xuân năm đầu niên hiệu Ung Chính (1723) đời vua Thế-tông triều nhà Thanh, phụng chi truy phong các tổ-tiên năm đời trước của Khổng-Tử:

1) Mộc-kim phụ công làm Triệu-thánh vương.

2) Cao tổ (ông sơ) là Kỳ công làm Dụ-thánh vương.

3) Tằng tồ (ông cố) là Phòng Thúc công làm Thiệu -thánh vương.

4) Tổ phụ (ông nội) là Bá Hạ công làm Xương-thánh vương.

5) Phụ (cha) là Thức Lương công làm Khải-thánh vương.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx