sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thay Lời Tựa

Cuộc chiến giữa Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch và lực lượng cộng sản Trung hoa bắt đầu từ năm 1928. Phe cộng sản lúc đầu do Trương Quốc Ðào và Mao Trạch Ðông lãnh đạo. Trương Quốc Ðào và Mao Trạch Ðông là những sáng lập viên cộng đảng Trung Hoa tại Thượng Hải năm 1921. Ðảng cộng sản đưa ra những mục tiêu rất hấp dẫn đối với nông dân nghèo, chẳng hạn như tịch thu ruộng đất của địa chủ đem chia cho nông dân, và bãi bỏ mọi bất công xã hội. Chính vì thế đảng cộng sản đã thu hút được một số đông đảo nông dân, tình nguyện chiến đấu cho mục đích cao cả giải phóng cho nước Trung Hoa nhiều tệ đoan thối nát, khỏi những áp bức của ngoại bang, và giải phóng cho chính bản thân của họ đang bị đàn áp bóc lột.

Ý thức được vai trò và quyền lợi của mình, người cộng sản Trung Hoa trở thành những binh sĩ có tinh thần cao. Trong khi đó, người lính Quốc dân đảng Trung Hoa nổi tiếng tham lam tàn ác, đến nỗi người Trung Hoa thường nói: "Sắt tốt thì không dùng làm đinh, và người tốt thì không thể là lính." Một số lớn quân đội của các sứ quân dưới quyền của Tưởng Giới Thạch vừa thiếu kỷ luật vừa nghiện hút bạc nhược, không có tinh thần chiến đấu, chỉ mong hưởng thụ cầu an. Nhiều đạo quân trong quân đội Quốc dân đảng được gọi là những đạo quân "hai súng", có nghĩa là họ đeo một khẩu súng thiệt, và một khẩu súng thứ hai là tẩu hút thuốc phiện. Các binh sĩ này mang theo bàn đèn thuốc phiện trong ba lô, và mỗi ngày phải ngả bàn đèn ít nhất là hai cữ. Tại Bắc Việt năm 1945, khi "quân đội chiến thắng" của Trung Hoa do tướng Lư Hán chỉ huy, sang tước khí giới của quân Nhật bại trận, chúng ta cũng đã có dịp kinh ngạc khi được chứng kiến một "quân đội chiến thắng" mà lại có thể ô hợp, thiếu tác phong đến như thế.

Vào đầu năm 1930, Tưởng Giới Thạch bắt đầu lo ngại trước sự bành trướng mau lẹ và mạnh mẽ của hồng quân, nên tung hết sức mạnh vào việc tiêu diệt cộng sản. Nhưng quân đội Quốc dân đảng cứ tiếp tục bại trận. Chiến thuật của hồng quân Trung hoa theo đúng khẩu hiệu:

Khi địch tiến, ta lui.

Khi địch dừng lại và đóng trại, ta quấy rối.

Khi địch không muốn giao chiến, ta tấn công.

Khi địch rút lui, ta truy kích.

Nhờ chiến thuật này, hồng quân thắng được hai đợt bao vây tiêu điệt đầu tiên của Quốc dân đảng. Năm 1931, Tưởng tập trung một lực lượng hùng hậu trên 300 ngàn binh sĩ, với ý định tràn ngập căn cứ sô viết Giang Tây chỉ có 30 ngàn hồng quân. Nhưng may mắn cho hồng quân, chính lúc đó quân Nhật tiến chiếm Mãn Châu, khiến Tưởng Giới Thạch phải tạm hoãn chiến dịch bao vây lần thứ ba, để lo đối phó với quân xâm lăng Nhật Bản. Nhờ vậy, hồng quân có đủ thời giờ dưỡng sức và bồi dưỡng, đủ sức đánh bại được đợt bao vây lần thứ tư vào mùa đông năm 1933.

Hitler rất quan ngại đến sự bành trướng của cộng sản thế giới, nên cử tướng Hans von Seeckt sang Trung Hoa giúp Tưởng Giới Thạch tiêu diệt cộng sản. Hans von Seeckt áp dụng một chiến thuật bao vây tiêu diệt bằng cách thiết lập hàng loạt pháo đài và xa lộ bao vây khu vực cộng sản. Vòng vây này cứ từ từ xiết chặt lại, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế quân nhu thực phẩm từ bên ngoài. Chiến lược bao vây như vậy rất là tốn kém, nhưng gây thiệt hại lớn lao cho phe cộng sản và dân chúng sống trong vùng cộng sản kiểm soát. Người ta ước tính ít nhất trên một triệu người Trung Hoa trong khu sô viết Giang Tây đã bị tiêu diệt, hoặc bằng bom đạn hoặc vì thiếu thuốc men và lương thực.

Nga sô thấy thế nguy của cộng sản Trung hoa nên phái một danh tướng cộng sản, cũng người Ðức, tướng Otto Braun, sang giúp phe cộng. Otto Braun lấy tên Trung hoa là Lý Ðức. Phe cộng sản thành công tránh né được bốn đợt bao vây tấn công của Quốc dân đảng, và Mao chủ trương bỏ thành thị lấy thôn quê làm điểm tựa cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Cuối tháng 10 năm 1933, Tưởng động viên toàn lực, tung ra cuộc tổng tấn công lần thứ năm. Cuộc bao vây tấn công này kéo dài trong nhiều tháng và kết quả đã gây khốn quẫn cho phe cộng sản, đặc biệt là thiếu muối ăn. Chính quyền Nam Kinh tin tưởng nỗ lực tiêu diệt trọn vẹn cộng sản sắp thành công, vì địch quân bị bao vây và không đường trốn thoát. Trong đợt bao vây tấn công lần thứ năm, 50 ngàn quân cộng sản tử trận, cả khu vực bị tàn phá, dân chúng hoặc bị xử tử hoặc bị bắt buộc phải di cư đi nơi khác.

Cuối cùng Lý Ðức đành phải thay đổi chiến lược, bỏ chiến thuật du kích, tung 180 ngàn quân đánh chiếm và giữ thành phố, và đương đầu với quân Quốc dân đảng bằng trận địa chiến, nhưng bị quân cơ giới của Tưởng đánh bại. Cuối cùng phe cộng sản chỉ còn lại 90 ngàn quân. Sau 7 năm chiến đấu tại sô viết Giang Tây, các lãnh tụ cộng sản chỉ còn hai lựa chọn: hoặc đầu hàng Quốc dân đảng hoặc phải rút lui lẩn tránh đại quân của Tưởng. Bằng một quyết định táo bạo, các lãnh tụ cộng sản quyết định dẫn đám tàn quân trốn lên vùng hoang giá của miền bắc Trung Hoa, để tránh bị tiêu diệt và chờ cơ hội phục thù.

Ngày 16-10-1934, các lãnh tụ cộng sản và đám tàn quân bắt đầu cuộc rút lui lịch sử mà ngày nay người ta gọi là cuộc Vạn Lý Trường Chinh, hay là cuộc Trường Hành, một cuộc chạy trốn dài 6 ngàn dậm, bắt đầu từ Giang Tây và Phúc Kiến, tiến về phía tây tới Tây Tạng rồi đi ngược lên phía bắc, tới tận Diên An của tỉnh Thiểm Tây ở miền bắc hẻo lánh của Trung Hoa. Trong lịch sử Trung Hoa cũng đã có một cuộc rút lui tương tự của Lưu Bang vào đất Ba Thục, đốt đường sạn đạo để tránh bị Hạng Võ tiêu diệt, và chờ ngày phục hận.

Tuy nhiên cuộc Vạn Lý Trường Chinh của người cộng sản Trung Hoa gian nan gấp bội lần cuộc rút lui của Lưu Bang vào đất Ba Thục. Không những con đường của họ dài hơn nhiều, mà trên đường chạy trốn, những người cộng sản bại trận luôn luôn bị đại quân của Tưởng Giới Thạch đuổi theo truy kích. Không những thế, họ còn phải đương đầu với những khó khăn kinh hồn của thiên nhiên, núi cao sông rộng, đói khát, bệnh tật và tuyết lạnh. Khi khởi đầu cuộc rút lui, hồng quân có 90 ngàn người, nhưng một năm sau khi tới Diên An thì chỉ còn 7 ngàn người sống sót.

Sự nguy hiểm của hồng quân trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh thật khủng khiếp. Chu Ân Lai phải xác nhận: "Ðối với chúng tôi, giờ phút đen tối nhất của lịch sử là cuộc Vạn Lý Trường Chinh, nhất là khi chúng tôi phải băng qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang gần Tây Tạng. Hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó thật tuyệt vọng. Không những chúng tôi không có gì để ăn, mà chúng tôi không có cả nước uống. Vậy mà chúng tôi vẫn thoát hiểm và chiến thắng." Mao Trạch Ðông cũng kể lại: "Mỗi giấc ngủ của tôi phải trả giá bằng sự hy sinh của một đồng chí."

Người cộng sản hãnh diện nhắc nhở đến cuộc Vạn Lý Trường Chinh như là một thiên anh hùng ca độc nhất trong lịch sử nhân loại. Họ vượt qua được mọi trở ngại vô cùng to lớn, để rồi chiến thắng làm chủ lục địa Trung Hoa. Người ta không thể phủ nhận rằng đây là một cuộc "trường chinh" vĩ đại, nhưng huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Các lãnh tụ cộng sản không hề cho binh sĩ biết sự thực của cuộc rút lui. Cán binh cộng sản chỉ tưởng cuộc rút lui là một chiến dịch tấn công mới, chứ không hề hay biết họ sẽ phải dấn thân vào một cuộc ra đi đầy nguy hiểm, mười người không sống sót được một. Trên đường rút lui, khi tới những nơi có thể dừng lại được, các lãnh tụ cộng sản tịch thu lương thực tài sản của nhà giầu, gọi là để chia cho người nghèo, nhưng phần lớn là để cho quân cộng sản dùng. Rồi cộng sản tổ chức chế độ cộng sản, chia ruộng cho nông dân và đấu tố địa chủ và giai cấp cai trị. Khi quân cộng sản bị áp lực của quân Quốc dân đảng phải rút đi thì các nông dân vừa mới được hưởng "phú quý" vài ngày lâm vào thế kẹt. Nếu họ ở lại thì họ sẽ bị địa chủ và quân Quốc dân đảng trừng phạt. Những nông dân này chỉ còn một con đường duy nhất là phải đi theo hồng quân. Các lãnh tụ cộng sản cần rất nhiều quân lót đường để họ đi tới đích. Như vậy số quân rút lui bị thiệt mạng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh không phải chỉ có gần 90 ngàn người lúc ban đầu ra đi từ Giang Tây, mà còn có thêm hàng trăm ngàn dân bị đặt vào thế kẹt mà phải đi theo hồng quân ở dọc đường.

Trên đường trốn chạy, trong lúc binh sĩ phải trèo núi vượt sông đầy gian lao nguy hiểm, thì các lãnh tụ cao cấp được nằm trên cáng gần như suốt lộ trình, hoặc người khoẻ thì được cưỡi ngựa. Khi leo núi không dùng được cáng thì các lãnh tụ được binh sĩ khoẻ mạnh cõng trên lưng. Chuyến đi tuy gian nan vất vả và nguy hiểm, nhưng đối với các lãnh tụ cao cấp thì tương đối nhàn nhã bình yên. Binh sĩ không ai được đem theo vợ con, nhưng các lãnh tụ hoặc cấp chỉ huy quân sự cao cấp đều đem theo vợ. Lãnh tụ nào không có vợ thì dọc đường cũng tìm được người bầu bạn giải khuây. Khi các bà vợ của các lãnh tụ mang thai và chửa đẻ thì binh sĩ phải quây lều vải ngay trên đường đi để các "bà lớn" có chỗ lâm bồn. Ðó là tình "huynh đệ chi binh" và chủ trương "đồng lao cộng khổ" kiểu Trung cộng. Chính vợ Mao Trạch Ðông đã sinh đẻ hai lần trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Sau khi vợ đẻ xong, Mao gửi con cho các nông dân tại địa phương nuôi dùm, dự định sau này sẽ trở lại tìm kiếm. Nhưng về sau các nông dân nghèo bị chiến tranh xua đuổi lạc lõng khắp nơi, hoặc chết đói chết đạn nên hai đứa con của Mao mất tích luôn.

Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày tất cả những điều chưa được nói đến trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, và cuộc đời thầm kín của các lãnh tụ cộng sản Trung Hoa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx