sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Xây Dựng Sô Viết Giang Tây

Sau khi rời căn cứ Tỉnh Cương Sơn, quân đội Chu-Mao đụng phải một sư đoàn quốc quân trong một trận đánh ác liệt vào tháng 1-1929. Trong trận này hồng quân đã tiêu diệt hoàn toàn cả sư đoàn quốc quân, nhưng lực lượng hồng quân cũng bị thiệt hại nặng nề. Phân nửa lực lượng hồng quân bị loại ra khỏi vòng chiến. Sau chiến thắng khá đắt giá đó, Mao dẫn hồng quân tiến về vùng Ðông Cổ - Hưng Quốc, thuộc vùng trung nam tỉnh Giang Tây. Ðây là căn cứ của Lý Văn Linh và Ðoàn Lương Tất. Lý Văn Linh và Ðoàn Lương Tất cũng tham dự cuộc nổi dậy Nam Xương. Nhưng khi cuộc nổi dậy thất bại, hai người không đi theo Chu Ân Lai xuống tấn công Quảng Ðông; họ dẫn lực lượng riêng quay trở lại Giang Tây, và thành lập một căn cứ du kích tại đây. Một năm trước Lý Văn Linh và Ðoàn Lương Tất cũng tới giúp Mao Trạch Ðông, và bây giờ họ mời Mao Trạch Ðông vào khu vực do họ đã thành lập được. Lý Văn Linh và Ðoàn Lương Tất ngây thơ tin rằng Mao cũng là người cộng sản, cùng theo đuổi một mục đích như mình, thì Mao sẽ không hãm hại mình mà còn giúp căn cứ hùng mạnh thêm. Nhưng kết quả không như thế. Lý Văn Linh và Ðoàn Lương Tất đã phải trả một giá rất đắt cho sự nhầm lẫn của họ.

Sau một thời gian ngắn cho binh sĩ nghỉ ngơi và bổ xung lực lượng, Mao và Chu Ðức tiến về miền đông, tới vùng biên giới Giang Tây - Phúc Kiến, và thành công chiếm được thị trấn Trường Ðịnh.

Trong lúc Mao và Chu Ðức tấn công và chiếm đất tại Phúc Kiến thì Bành Ðức Hoài phải bỏ chạy khỏi Tỉnh Cương Sơn, trước áp lực quá mạnh của hai sứ quân họ Ðường và họ Lý. Bành Ðức Hoài là một danh tướng của Trung cộng, chỉ đứng sau Chu Ðức trong tổng số mười vị thống chế của Trung cộng. Họ Bành sinh năm 1898 tại huyện Tương Ðàm, tỉnh Hồ Nam, cùng quê với Mao. Thuở nhỏ nhà nghèo, Bành phải làm nghề chăn trâu. Lớn lên Bành đi lính cho chính phủ, và tỏ ra có tài năng đặc biệt về quân sự. Sau này Bành đi theo phe cộng, và tạo được nhiều chiến công hiển hách. Bành là người nóng tính, và tự nhận là Trương Phi của thời đại. Cái "ngai vàng" của Mao một phần do công hãn mã của Bành Ðức Hoài, nhưng Mao đã trả ơn Bành Ðức Hoài bằng một cái chết nhục nhã. Trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Bành Ðức Hoài hoàn toàn ủng hộ Mao Trạch Ðông, trong khi nhiều tướng lãnh khác, như Chu Ðức, ngả theo Trương Quốc Ðào.

Trong thời kỳ chống Nhật, Bành Ðức Hoài là tư lệnh phó của Bát lộ quân. Kỳ đại hội đảng lần thứ 7, năm 1945, Bành trở thành Ủy viên Trung ương Ðảng cộng sản Trung Hoa. Từ sau năm 1946, Bành là tư lệnh quân Giải phóng nhân dân vùng Tây Bắc. Sau khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung hoa được thành lập, Bành được cử làm phó chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng nhân dân, kiêm chủ tịch Ủy ban Quân Chính Tây Bắc. Trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, Bành là tổng tư lệnh Chí nguyện quân Trung hoa tại Triều Tiên. Năm 1954, Bành lên tới tột đỉnh danh vọng khi được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị đảng cộng sản Trung hoa, kiêm nhiệm chức phó thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng.

Bành Ðức Hoài bị Mao tước đoạt tất cả quyền hành vào năm 1959. Năm đó trong đại hội đảng tại Lư Sơn, Bành Ðức Hoài chân thành phê phán đường lối Ðại Nhảy Vọt và Công Xã Nhân Dân của Mao Trạch Ðông. Mặc dù Bành thận trọng lời nói, khen ngợi Mao rất nhiều và chỉ nhắc tới một vài sai lầm chính yếu, nhưng Mao cũng nổi giận, và ép buộc đại hội đảng phải thông qua một nghị quyết buộc tội Bành chống lại đảng. Bành bị cách chức bộ trưởng quốc phòng. Khi cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao phát động năm 1966 xảy ra, Bành bị đưa từ Thành Ðô, Tứ Xuyên về Bắc Kinh cho Hồng vệ binh đấu tố. Bành tên thật là Bành Ðắc Hoa. Chính cái tên ấy đã trở thành đầu đề đấu tố của Hồng vệ binh. Các Hồng vệ binh cho rằng Bành có tham vọng làm chủ cả Trung hoa lục địa với cái tên Ðắc Hoa (có nghĩa là được cả Trung hoa). Bành bị đánh dã man nhiều lần, gẫy cả sương sườn. Sau đó Bành bị bỏ mặc chết vào tháng 10-1971. Năm 1978 Ban Chấp hành Trung Ương đảng cộng sản Trung hoa đã phục hồi danh dự cho Bành Ðức Hoài.

Năm 1929, trong lúc rời bỏ Tỉnh Cương Sơn đi tìm kiếm Mao và Chu Ðức, Bành Ðức Hoài đánh chiếm thị trấn Thụy Kim thuộc Giang Tây. Thụy Kim sau đó trở thành thủ đô của nước cộng hòa sô viết Trung hoa đầu tiên. Khi nghe tin Bành Ðức Hoài chiếm được Thụy Kim, Mao và Chu Ðức quay trở lại nhập với Bành Ðức Hoài. Khi trở về Thụy Kim, Mao nhận được một bản tin quan trọng từ Trung ương Ðảng ở Thượng Hải, cho biết cộng đảng Trung hoa mới bầu một ban lãnh đạo mới tại Mạc tư khoa vào mùa hè năm 1928.

Ðảng cộng sản Trung hoa đã mở đại hội đảng lần thứ 6 tại Mạc tư khoa. Trong đại hội này, Mao Trạch Ðông được bầu vắng mặt vào ban Chấp hành Trung ương, nhưng Mao vẫn chưa được chọn vào Bộ Chính trị, cơ quan đầu não của cộng đảng. Lúc đó Bộ Chính trị gồm có Cù Thu Bạch, Chu Ân Lai, Trương Quốc Ðào, Lý Lập Tam, Thái Hòa Sâm, Hạng Anh, và Hướng Trung Phát. Việc khó khăn lúc đó là giải quyết vấn đề ai sẽ giữ chức Tổng thư ký. Cù Thu Bạch và Chu Ân Lai đã phạm phải những lỗi lầm. Trương Quốc Ðào bị chỉ trích theo cơ hội chủ nghĩa. Cuối cùng Hướng Trung Phát, một công nhân gốc vô sản được chọn. Tuy nhiên Hướng Trung Phát không phải là một người có khả năng lãnh đạo, vì thế chỉ ít lâu sau, Bộ Chính trị bị Lý Lập Tam chi phối kiểm soát.

Lý Lập Tam và những đảng viên cộng sản từ Mạc tư khoa trở về Trung hoa để đương đầu với một hoàn cảnh bất lợi, sau khi bị Quốc dân đảng đàn áp mạnh mẽ. Con số đảng viên bị tiêu diệt rất nhiều, và số còn lại phải phân tán trốn tránh. Nhiều tổ chức cộng sản tại thành phố phải ngưng hoạt động. Sức mạnh duy nhất của đảng cộng sản lúc đó là những căn cứ tại nông thôn và những đội quân du kích. Quốc tế Cộng sản tại Mạc tư khoa cũng nhận thấy điều ấy, và đã ra nghị quyết phải phát triển cuộc cách mạng Trung hoa bằng cách củng cố Ðảng, nghĩa là phải cấp bách tăng gia số đảng viên, tăng cường sự tiếp xúc giữa Trung ương Ðảng và các tổ chức địa phương. Ðại hội đảng lần thứ 6 đã khẳng định rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của Ðảng là phát triển quân đội cách mạng chính quy, gồm có công nhân và nông dân. Các đảng viên theo xu hướng Nga sô như Lý Lập Tam, thì đặt chủ yếu vào công nhân thành thị, hơn là nông dân. Trong khi đó, Mao Trạch Ðông thì nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của nông dân, vì tại Trung hoa, giai cấp nông dân đông đảo hơn gấp bội giai cấp công nhân thành thị. Do đó đã có sự bất đồng chính kiến giữa Mao và Lý Lập Tam.

Mao và Lý Lập Tam đã từng quen biết nhau từ những ngày còn học tại Trường Sa, nhưng hai người chưa bao giờ thực sự là bạn của nhau. Sau thời gian học chung tại Trường Sa, hai người đi theo hai con đường khác nhau. Lý Lập Tam sang Pháp du học, trong khi Mao ở lại Trung hoa. Lý Lập Tam chuyên tổ chức công nhân thành phố, và được Mạc tư khoa chú ý rồi nổi lên địa vị lãnh đạo. Lý Lập Tam không tin tưởng ở nông dân. Họ Lý cho rằng nông dân có những ảo tưởng tiểu tư sản; người nông dân thích chủ nghĩa cộng sản chỉ vì họ muốn làm chủ ruộng đất, và đòi lấy đất của địa chủ chia đồng đều cho họ. Trái lại Mao Trạch Ðông để hết tâm trí vào việc tổ chức nông dân, và coi nông dân là nòng cốt cho cuộc cách mạng Trung hoa. Ðó là sự khác biệt giữa Mao và Lý Lập Tam, và sự khác biệt này nhất định đưa tới sự xung đột giữa Mao và Lý Lập Tam.

Cuộc xung đột giữa Lý Lập Tam và Mao bắt đầu ngay khi họ Lý trở về Trung hoa, với nhiệm vụ khôi phục lại đảng cộng sản. Trước đó, hồi năm 1928, Mao đã gửi một báo cáo cho ban Chấp hành Trung ương, than phiền Trung ương đã ra lệnh cho Mao phải phát triển chiến tranh du kích trong một phạm vi quá rộng lớn, có thể vì Trung ương đã đánh giá quá cao sức mạnh của lực lượng Chu-Mao. Mao nêu lên sự khác biệt giữa hồng quân và du kích. Theo Mao thì sức mạnh của hồng quân là tập trung trong khi du kích thì phải phân tán. Kinh nghiệm cho Mao biết việc phân tán lực lượng thường đưa tới thất bại, trong khi tập trung lực lượng để tấn công một kẻ địch ít hơn thì thường dễ chiến thắng. Trong bản báo cáo này, Mao hoàn toàn bất đồng với quan điểm của ban Chấp hành Trung ương.

Nhưng Lý Lập Tam không chấp nhận các luận cứ của Mao. Trái lại Lý Lập Tam gửi một thư cho Mao, nhấn mạnh hơn nữa về các chỉ thị cũ của ban Chấp hành Trung ương. Lý Lập Tam ra lệnh cho Mao và Chu Ðức phải phân chia quân đội thành những đơn vị nhỏ, và phân tán về khắp nông thôn. Lý Lập Tam cũng ra lệnh cho cả Mao và Chu Ðức phải rút lui ra khỏi quân đội. Dĩ nhiên Mao không bao giờ chấp nhận chỉ thị của Lý Lập Tam. Trước hết Mao không muốn rời bỏ quân đội để trở về thành thị, như thế Mao sẽ mất sức mạnh hậu thuẫn của mình. Mao cũng không đồng ý đặt cuộc cách mạng tại nông thôn vào vai trò phụ thuộc cho cuộc cách mạng ở thành thị. Mao giải thích rằng việc phân tán quân đội thành những đơn vị nhỏ sẽ làm cho sự lãnh đạo yếu đi, và những đơn vị nhỏ như thế sẽ bị tiêu diệt một cách dễ dàng. Không những thế, việc phân tán lực lượng như vậy sẽ không thể bảo vệ được một căn cứ nào cả.

Mao còn chỉ trích Lý Lập Tam đã không hiểu biết gì về nông dân. Mao viết: "Sự lãnh đạo của giai cấp vô sản là chìa khóa duy nhất để đi đến thắng lợi, nhưng đồng thời những tiền đề chủ yếu giúp cuộc đấu tranh ở thành thị và làm cho ngọn sóng cách mạng dâng lên mau chóng lại chính là sự phát triển của cuộc đấu tranh ở nông thôn, việc thành lập những chính quyền đỏ trong những khu vực nhỏ và việc xây dựng và phát triển hồng quân. Do đó, từ bỏ cuộc đấu tranh tại thành thị là một điều sai lầm, nhưng sợ sự phát triển sức mạnh của nông dân vì ngại rằng sức mạnh của nông dân sẽ vượt sức mạnh của công nhân, và làm hại công cuộc cách mạng thì cũng là một sai lầm. Trong một cuộc cách mạng ở một quốc gia bán thuộc địa như Trung hoa, cuộc đấu tranh của nông dân sẽ luôn luôn thất bại nếu không có sự lãnh đạo của công nhân, nhưng cách mạng không bao giờ bị thiệt hại nếu cuộc đấu tranh của nông dân vượt hơn lực lượng của công nhân."

Sự việc Mao Trạch Ðông bác bỏ mệnh lệnh của Trung ương Ðảng vào tháng 4-1929 đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn Mao đạt được nhiều thành quả trong việc xây đựng và mở rộng căn cứ sô viết Giang Tây. Mao không chịu đến Trung ương Ðảng để tránh rơi vào vòng kiểm soát của Lý Lập Tam, vì Mao biết Lý Lập Tam là người sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt những phần tử đối lập trong đảng. Mao cũng cố gắng không cho Lý Lập Tam vươn tới được khu vực kiểm soát của mình, vì Mao sợ bàn tay phá hoại của Lý Lập Tam. Không ai hiểu và sợ Lý Lập Tam bằng Mao vì chính Mao cũng là một con người đáng sợ như Lý Lập Tam. Mao là một người say mê quyền lực, và dùng mọi cách để giữ vững quyền lực của mình. Chính vì thế Mao đối xử tàn ác với những người cộng sản không phải là thủ hạ của Mao. Cùng một lúc, Mao cố gắng bành trướng quyền lực của mình, và dùng các phương pháp khủng bố và thủ tiêu những người cộng sản không đi theo mình.

Ngay những người từng giúp Mao mà về sau không theo Mao cũng bị Mao thủ tiêu. Ðó là trường hợp của chính Lý Văn Linh và Ðoàn Lương Tất đã ngây thơ cho Mao vào căn cứ của họ. Mao đã tổ chức lại đoàn quân du kích của Lý Văn Linh và Ðoàn Lương Tất, đặt quân du kích thành Quân đoàn thứ 3, trực thuộc quyền chỉ huy của Bành Ðức Hoài. Mao vào ẩn náu trong căn cứ của Lý Văn Linh và Ðoàn Lương Tất, rồi tìm cách tước đoạt quyền chỉ huy độc lập của họ. Mao đã biến Lý Văn Linh và Ðoàn Lương Tất thành những kẻ tử thù. Nhưng Mao không quan tâm đến phản ứng của người khác, miễn là Mao có lợi là đủ rồi. Chu Ðức không hoàn toàn đồng ý với cung cách chiếm quyền của Mao, và đổ hết trách nhiệm cho Mao trong những cuộc thanh trừng đẫm máu trong nội bộ đảng cộng sản tại Giang Tây.

Năm 1929, Mao trở lại Phúc Kiến vài lần, với nỗ lực bắt căn cứ sô viết rộng lớn tại Trường Ðịnh phải sáp nhập với căn cứ Giang Tây. Mao tập trung quân du kích tại Phúc Kiến thành Quân đoàn thứ 12, và do thủ hạ thân tín của Mao chỉ huy. Mao đã làm việc ngày đêm để chiếm trọn vẹn căn cứ do những người cộng sản khác đã xây dựng được. Chính tại đây Mao đã nhiễm phải thói quen làm việc ban đêm. Kết quả là Mao bị bệnh nặng, nhưng may được bác sĩ Nelson Fu của một bệnh viện Thiên chúa giáo chữa khỏi.

Cuối năm 1929 Mao triệu tập một cuộc hội nghị đại biểu Ðảng của Quân đoàn 4. Trong hội nghị, Mao đã chính thức tấn công lập trường của Lý Lập Tam và những người ủng hộ họ Lý. Mao cũng đưa ra những quan điểm riêng về chiến lược cách mạng, và xác định ưu thế tuyệt đối về quyền lãnh đạo chính trị của Mao so với quyền chỉ huy quân sự của Chu Ðức. Thoạt đầu khi Mao và Chu Ðức kết hợp với nhau trong lúc Mao đang ở vào tình trạng thất thế thì hai người bình đẳng với nhau, mặc dù quân của Chu Ðức mạnh hơn quân của Mao. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Mao bao giờ cũng chờ cơ hội để tìm cách vượt lên trên người khác. Thực ra ngay từ những ngày đầu mới hợp tác, Mao và Chu Ðức thường hoạt động tách rời nhau, vì không người nào chịu dưới quyền người nào. Khi có những va chạm về vấn đề chỉ huy, Chu Ðức chỉ muốn coi đó là vấn đề quân sự để không bị Mao khống chế, trong khi Mao thì lại lên án Chu Ðức đã không chịu xét các vấn đề quân sự với nội dung chính trị rộng rãi hơn.

Mao từng chỉ trích thái độ thuần túy quân sự của các cấp chỉ huy hồng quân. Mao viết: "Quan điểm thuần túy quân sự phát triển rất cao ở một số đồng chí trong hồng quân. Những đồng chí này coi những công việc quân sự và chính trị đối lập nhau, và không chịu nhận rằng những hoạt động quân sự chỉ là một phương tiện để hoàn thành những nhiệm vụ chính trị. Họ nghĩ rằng nhiệm vụ của hồng quân, giống như nhiệm vụ của quân Quốc dân đảng, chỉ là chiến đấu. Họ không hiểu rằng nhiệm vụ của hồng quân Trung hoa chỉ là một tổ chức vũ trang để thực hiện những nhiệm vụ chính trị của cách mạng. Hồng quân chiến đấu không phải chỉ là để chiến đấu, mà là thực hiện tuyên truyền trong quần chúng, tổ chức quần chúng, vũ trang quần chúng, và giúp quần chúng thiết lập chính quyền cách mạng. Không có những mục tiêu này, việc chiến đấu sẽ mất ý nghĩa của nó và hồng quân không còn lý do tồn tại."

Khi chống Lý Lập Tam, Mao khẳng định rằng người cộng sản không thể đẩy mạnh cao trào cách mạng bằng những hoạt động du kích. Trái lại, người cộng sản phải xây dựng các căn cứ, xây dựng một hệ thống chính quyền, đưa cuộc cách mạng ruộng đất đi vào chiều sâu, mở rộng lực lượng vũ trang bằng một quá trình xây dựng các đội hồng vệ binh tại các đô thị, những đội hồng vệ binh ở nông thôn và tất cả đều có mục đích cuối cùng là xây dựng hồng quân chính quy từ những hồng vệ binh này. Chỉ có làm như vậy mới có thể tạo dựng được một Hồng quân làm vũ khí chủ yếu cho cuộc cách mạng trong tương lai.

Mao chấp nhận một sự thực là người cộng sản Trung hoa không thể tiến hành một cuộc nội chiến thông thường để thắng Quốc dân đảng được. Cuộc chiến của người cộng sản chỉ tiến hành thành công nếu kiểm soát được một lãnh thổ được quy định rõ ràng và một dân số lớn. Mao tỏ ra hiểu rõ sự khác nhau chính yếu giữa nội chiến thông thường và nội chiến cách mạng. Một cuộc nội chiến thông thường sẽ có sự phân công giữa quân đội ngoài chiến trường làm nhiệm vụ chiến đấu, và giai cấp lãnh đạo chính trị tại Trung ương sẽ chỉ đạo đường lối chiến lược và làm công tác tuyên truyền dân chúng thuộc cả hai phía. Nhưng một cuộc nội chiến cách mạng sẽ coi khối óc và trái tim là những mục tiêu quan trọng hơn là đất đai lãnh thổ, bởi vì phe cách mạng chiến đấu nhằm mục đích tạo khả năng liên hệ được với quần chúng, gây ảnh hưởng và tổ chức nhân dân. Nội chiến cách mạng phải xử dụng và phối hợp tất cả những phương tiện có khả năng thuyết phục quần chúng.

Ðó là sự khác biệt về lãnh đạo cuộc cách mạng giữa Mao và Lý Lập Tam. Tháng 1-1930, Lý Lập Tam tổ chức đại hội các đại biểu từ các khu vực sô viết, và mời Mao Trạch Ðông tới dự. Nhưng Mao không bao giờ dám tới dự, vì sợ Lý Lập Tam có thể dùng thủ đoạn bắt Mao ra khỏi căn cứ quyền lực của Mao. Lý Lập Tam đành phải tiến hành đại hội mà không có Mao. Trong đại hội này, Lý Lập Tam công bố kế hoạch đánh chiếm các tỉnh thuộc miền Hoa Trung. Lý Lập Tam cho rằng thời gian đã chín mùi để mở một cuộc khởi nghĩa tổng tấn công Quốc dân đảng. Theo kế hoạch của Lý Lập Tam thì bên trong các thành phố lớn, công nhân sẽ nổi dậy và hồng quân sẽ hỗ trợ từ bên ngoài, trong khi quân đội Quốc dân đảng được khích lệ và mua chuộc để phản loạn và giết những cấp chỉ huy Quốc dân đảng.

Bộ Chính Trị đã chấp thuận kế hoạch tổng khởi nghĩa của Lý Lập Tam, và quy định việc thành lập các quân đoàn hồng quân. Các quân đoàn này sẽ đặt dưới quyền chỉ huy tối cao của Chu Ðức với Mao Trạch Ðông làm chính ủy. Tất cả vũ khí đều tập trung vào hồng quân, như vậy các lực lượng du kích vũ trang sẽ hòa nhập vào hồng quân. Quân đoàn 1 sẽ do Chu Ðức trực tiếp chỉ huy với Mao là chính ủy, sẽ chiếm Nam Xương rồi tiến về Vũ Hán qua Cửu Giang. Quân đội của Hạ Long sẽ là quân doàn 2, và quân đội của Từ Hướng Tiền được gọi là quân đoàn 4. Hai quân đoàn 2 và quân đoàn 4 cũng có nhiệm vụ tiến về Vũ Hán. Bành Ðức Hoài chỉ huy quân đoàn 3 với nhiệm vụ chiếm Trường Sa và sau đó Bành Ðức Hoài cũng phải dẫn quân về tổng tấn công Vũ Hán. Các cuộc tấn công này sẽ được phối hợp với những cuộc nổi dậy của công nhân thành thị và nông dân tại nông thôn. Lý Lập Tam hy vọng rằng quân đội Quốc dân đảng sẽ bị tê liệt vì các cuộc phản loạn của chính quân sĩ Quốc dân đảng.

Mao Trạch Ðông và Chu Ðức bắt buộc phải tham gia kế hoạch tổng tấn công của Lý Lập Tam, vì Mao và Chu Ðức được cử giữ chức vụ cao nhất trong lực lượng hỗn hợp mới được thành lập, nhất là khi các tư lệnh các quân đoàn khác đều chấp nhận thi hành kế hoạch. Tuy nhiên kế hoạch tổng tấn công của Lý Lập Tam đã thất bại ngay từ lúc khởi sự.

Ngày 28-7, Bành Ðức Hoài thành công chiếm được Trường Sa và thành lập một chính phủ sô viết với Lý Lập Tam là chủ tịch vắng mặt. Nhưng sau 10 ngày chiếm giữ thành phố, quân đoàn 3 của Bành Ðức Hoài đã bắt buộc phải rút lui trước áp lực mạnh mẽ của Quốc dân đảng. Quân đoàn 1 của Mao và Chu Ðức tấn công Nam Xương ngày 1-8. Cũng chính ngày này ba năm trước cuộc nổi dậy chiếm Nam Xương của Chu Ân Lai đã bị thảm bại. Lần này Mao và Chu Ðức cũng không may mắn hơn. Quân đoàn 1 chỉ duy trì cuộc tấn công được 24 giờ rồi cũng phải rút lui.

Các quân đoàn 2 và 4 của Hạ Long và Từ Hướng Tiền thất bại không tiến vào được thành phố Vũ Hán. Mặc dầu đã có những cuộc biểu dương lực lượng nhỏ của công nhân trong một số thành phố, nhưng công nhân không tạo được một cuộc nổi dậy nào đủ mạnh, và cũng không có một sự phản loạn nào của quân sĩ Quốc dân đảng chống lại cấp chỉ huy. Lý Lập Tam thấy kế hoạch thất bại, và địa vị chính trị của mình có thể bị lâm nguy, nên vội làm một cố gắng cứu vãn cuối cùng bằng cách trở lại tấn công Trường Sa lần thứ hai. Lần này Mao và Chu Ðức phối hợp với Bành Ðức Hoài thực hiện cuộc tấn công kéo dài từ ngày 1-9 đến ngày 13- 9. Cuộc tấn công không đem lại kết quả như ý muốn. Mao Trạch Ðông thuyết phục Chu Ðức và Bành Ðức Hoài bỏ cuộc, và cùng quay trở về căn cứ Giang Tây. Trung ương Ðảng đành phải bãi bỏ cuộc tấn công vào Vũ Hán và chấm dứt cố gắng của Lý Lập Tam, nhằm tiến hành một cuộc nổi dậy trên toàn lãnh thổ Trung hoa. Chính trong dịp tổng tấn công thất bại này mà vợ của Mao là Dương Khai Tuệ và em gái của Mao là Mao Trạch Oanh bị quốc quân xử tử.

Sau thất bại này, Lý Lập Tam bị khai trừ ra khỏi những địa vị trong Ban chấp hành Trung ương Ðảng vào tháng 11. Cuối tháng 12-1930, Lý Lập Tam đã phải trình diện tại Mạc tư khoa để trả lời về những sai lầm vừa qua của Lý tại Trung hoa. Sau đó Lý Lập Tam sống một đời lưu vong tại Nga sô kéo dài 15 năm. Sau sự thất bại của Lý Lập Tam, quyền lãnh đạo cộng đảng Trung hoa rơi vào tay "Nhóm 28 Bôn-sê-vích", gồm 28 thanh niên Trung hoa được đào tạo tại Nga sô. Ba người nổi tiếng nhất trong nhóm thân Nga là Trần Thiệu Vũ, bí danh là Vương Minh. Hai người kia là Tần Bang Hiến, bí danh Bác Cổ, và Trương Văn Thiên, bí danh Lạc Phủ, một người đã từng học tại đại học Berkerly, California. Lạc Phủ lúc đó trên 30, trong khi Vương Minh và Bác Cổ chỉ mới ngoài 20. Tuy vậy Hướng Trung Phát vẫn giữ chức tổng thư ký, cho tới lúc bị Quốc dân đảng giết chết.

Khi Lý Lập Tam bị mất chức, Mao Trạch Ðông bắt đầu ra tay trừng phạt những người ủng hộ Lý Lập Tam trong bộ máy Ðảng thuộc tỉnh Giang Tây. Mao nghĩ rằng những người theo Lý Lập Tam sẽ không còn được Trung ương che chở nữa. Những người bị Mao bắt giữ là những ủy viên chủ chốt của ban chấp hành đặc khu tây nam Giang Tây. Từ lâu, ban chấp hành đặc khu tây nam Giang Tây là một cái gai đâm vào sườn Mao, vì họ chống lại cả đường lối và cá nhân Mao. Họ đã công khai chống lại Mao về vấn đề chiến lược quân sự và chính sách ruộng đất của Mao. Tổng bí thư của ủy ban hành động Giang Tây này chính là Ðoàn Lương Tất và Lý Văn Linh, hai người đã mở cửa căn cứ của họ cho Mao vào, và cưu mang Mao trong những ngày thất thế. Dần dần Mao đã tước đoạt quyền kiểm soát những đội du kích mà chính Ðoàn Lương Tất và Lý Văn Linh đã xây dựng nên.

Tổng hành dinh của Ðoàn Lương Tất và Lý Văn Linh đặt tại thị trấn Phù Tiên vào lúc Mao Trạch Ðông ra lệnh bắt những ủy viên chủ chốt của Ủy ban hành động tỉnh Giang Tây. Vì vậy cuộc tàn sát đồng đội của Mao Trạch Ðông sau này được gọi là Sự Kiện Phù Tiên. Trước hết Mao ra lệnh bắt giam chính ủy của quân đoàn 20, vì sợ quân đoàn 20 sẽ bảo vệ Ðoàn Lương Tất và Lý Văn Linh. Phần đông các sĩ quan thuộc quân đoàn 20 là người cùng quê quán với Ðoàn Lương Tất và Lý Văn Linh. Một tiểu đoàn của quân đoàn 20 đã dẫn quân từ Ðông Cổ tới Phù Tiên giải thoát cho viên chính ủy. Tất cả những người này rút lui về một khu vực bên ngoài quyền kiểm soát của Mao, và họ tuyên bố tiếp tục trung thành với Chu Ðức và Bành Ðức Hoài. Họ hy vọng Chu Ðức và Bành Ðức Hoài ủng hộ họ chống lại Mao. Tuy nhiên trong một bức thư ngỏ công bố ngày 17-12, Chu Ðức và Bành Ðức Hoài tuyên bố tiếp tục ủng hộ Mao. Phe chống đối Mao tại Giang Tây tiếp tục được hai tháng trước khi bị tiêu diệt hoàn toàn.

Ðể biện bạch cho việc bắt giữ những người lãnh đạo đảng tại Giang Tây, Mao buộc tội họ theo chủ nghĩa thủ tiêu và là tay sai của Quốc dân đảng. Mao tiết lộ hơn 4,400 binh sĩ hồng quân đã bị bắt trong vụ này, và nhiều người đã cung khai và nhận tội. Mao đã ra lệnh thủ tiêu những đảng viên cộng sản chống lại Mao. Người được Mao giao phó nhiệm vụ thủ tiêu là Trần Nghị. Trần Nghị không được Mao tin dùng, và bị Mao cách chức chính ủy trong quân đội của Chu Ðức. Mao tỏ ra là một người quỷ quyệt khi giao phó cho Trần Nghị nhiệm vụ thủ tiêu những người cộng sản không đồng chính kiến với Mao. Sau khi thi hành nhiệm vụ, Trần Nghị sẽ trở thành một người đứng trong hàng ngũ Mao, vì tay đã dính máu cho mục đích của Mao. Mỗi khi cần người thi hành một việc làm ô uế đen tối, Mao thường sai một người không hoàn toàn theo mình, để sau khi thi hành xong nhiệm vụ, người đó sẽ phải trung thành với Mao, vì tay đã nhúng chàm, không thể đi theo nhóm khác.

Trong suốt năm 1931, Mao vẫn tiếp tục tiến hành cuộc thanh trừng, thủ tiêu những địch thủ thực sự hoặc tưởng tượng trong đảng. Những người bị tình nghi chống đối Mao bị bắt, bị tra tấn dã man cho đến lúc phải thú nhận tội theo ý Mao, hoặc tố cáo thêm những người khác. Cuộc thanh trừng của Mao đã giết hại rất nhiều đảng viên, cấp chỉ huy và cán bộ cộng sản vô tội. Trong khi Mao mải mê tìm giết những kẻ thù tưởng tượng trong đảng, thì Chu Ðức đảm trách công việc chỉ huy quân đội chống lại các cuộc tấn công của Tưởng Giới Thạch.

Năm 1930 Tưởng thành công đánh bại cuộc liên minh của các sứ quân chống lại Tưởng. Năm đó, Phùng Ngọc Tường, Diêm Tích Sơn, Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hy, Trương Phát Khuê cùng với sự cổ võ của Uông Tinh Vệ, đã kết hợp với nhau thành một liên minh nhằm giành lại quyền lãnh đạo Trung hoa ra khỏi tay Tưởng Giới Thạch. Nhưng Tưởng đã thành công đánh bại liên minh này. Bây giờ Tưởng hoàn toàn rảnh tay đối phó với kẻ thù chính yếu của Tưởng là phe cộng sản. Sau những cuộc tấn công non của Lý Lập Tam vào một số thành phố, Tưởng cảnh giác trước mối đe dọa càng ngày càng lớn của phe cộng sản. Ðây là thời gian Tưởng tung hết sức mạnh vào chiến dịch diệt trừ "Quân Cướp Ðỏ" tại khu vực Giang Tây.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx