sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ðại Hội Tuân Nghĩa

Khi hồng quân chiếm được Tuân Nghĩa vào đầu tháng giêng năm 1935, việc đầu tiên của hồng quân là củng cố các vị trí quân sự. Các quân đoàn đệ nhất và đệ tam bảo vệ khu vực quanh Tuân Nghĩa, với nỗ lực sửa soạn thiết lập một khu vực sô viết mới. Sau đó các lãnh tụ đảng và quân đội có thể ngồi lại để thẩm định hoàn cảnh và chính sách của họ, mà không sợ áp lực của quốc quân. Chu Ðức đã có dịp nói chuyện trước một cuộc biểu tình lớn ngày 15-1. Hồng quân dừng lại trong thành phố mười hai ngày để nghỉ ngơi, bồi dưỡng và tuyển mộ thêm quân.

Bộ Chính Trị của Ủy ban Trung ương đã bắt buộc phải triệu tập một cuộc đại hội mở rộng, và trong đại hội này, quyền lãnh đạo đảng và quân đội của Bác Cổ bị chống đối một cách quyết liệt. Nhóm của Bác Cổ cảm thấy sự chống đối bất lợi nên bác bỏ ý kiến triệu tập đại hội, với lý do không đủ nhân viên Bộ Chính Trị, và không cần thiết. Nhưng phe Bác Cổ bị thiểu số nên đại hội vẫn tiến hành, và trở thành một cuộc họp quan trọng nhất trong lịch sử cộng đảng Trung Hoa. Chính đại hội Tuân Nghĩa đã thay đổi hẳn chính sách của đảng, và sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo có lợi cho tương lai chính trị của Mao Trạch Ðông. Sau đại hội Tuân Nghĩa, Mao Trạch Ðông đã trở thành một nhân vật uy thế nhất, và đã dẫn cộng đảng đến thành công mười lăm năm sau.

Quyết nghị của đại hội Tuân Nghĩa được chấp thuận ngày 8-1-1935 là một tài liệu quan trọng nhất trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Toàn bộ quyết định này được in trong tập Tác Phẩm Chọn Lọc của Mao Trạch Ðông trong khu vực kháng chiến năm 1948, dưới quyền chỉ huy của một số cấp lãnh đạo trung thành với Mao như Bành Ðức Hoài, Lưu Bá Thừa và Ðặng Tiểu Bình. Tuy nhiên ấn bản này không được lưu hành rộng rãi lắm, và được biết rất ít tại nước ngoài. Tài liệu này cũng không được in lại trong những ấn bản Tác Phẩm Chọn Lọc khác của Mao.

Năm 1957, tài liệu về các quyết nghị Tuân Nghĩa lại xuất hiện trong cuốn Lịch Sử Của Cuộc Cách Mạng Trung Hoa, một cuốn sách do Ðại học Nhân dân Bắc Kinh xuất bản, nhưng không được một học giả ngoại quốc nào để ý đến. Phải mãi đến năm 1969, sự bí mật của Quyết Nghị tại Tuân Nghĩa mới được sáng tỏ. Năm đó trên tờ China Quarterly xuất bản tại Luân Ðôn, một học giả Trung Hoa đã trình bày toàn bộ bản Quyết Nghị này, và giúp người ta hiểu rõ được đại hội Tuân Nghĩa mấy chục năm về trước.

Quyết Nghị được chấp thuận tại đại hội Tuân Nghĩa của Bộ Chính Trị ngày 8-1-1935 có tựa đề là "Tóm Lược Chiến Dịch Bao Vây Trừng Phạt Của Ðịch Quân Lần Thứ Năm". Tài liệu được mở đầu bằng nhận xét: "Sau khi nghe bài tường trình của đồng chí XX về cuộc bao vây lần thứ năm và bản báo cáo bổ túc của đồng chí XXX, toàn thể hội nghị của Bộ Chính Trị cho rằng bản tường trình của đồng chí XX không đúng sự thực."

Vị học giả Trung hoa giải thích "đồng chí XX" chính là Bác Cổ, người lãnh đạo tối cao của đảng lúc đại hội khai mạc, và với tư cách Chủ tịch Ủy ban Quân sự thì đương nhiên là người được nói đầu tiên trước đại hội. Còn "đồng chí XXX" thì vị học giả đoán là Vương Gia Tường, phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự, nhưng người ta cho rằng "đồng chí XXX" chính là Chu Ân Lai.

Mười bốn quyết nghị của Mao Trạch Ðông được Bộ Chính Trị chấp thuận toàn bộ, đã được in lại đầy đủ trên tờ China Quarterly. Các quyết nghị này có mục đích lên án chính sách của Bác Cổ và Lý Ðức được Bộ Chính Trị thi hành lúc đó. Bác Cổ bị kết án về những tội như đã đưa cộng sản đến thất bại trước chiến dịch bao vây lần thứ năm của Quốc dân đảng, đã đánh giá quá thấp tinh thần của hồng quân, và đánh giá quá cao sức mạnh của địch quân. Dưới đây là phần tóm tắt các quyết nghị của Mao Trạch Ðông.

"Vào giai đoạn này của cuộc nội chiến Trung hoa, khi mà chúng ta chưa có được sự hỗ trợ bằng những cuộc nổi dậy của giai cấp vô sản thành thị và cuộc nổi loạn của các đơn vị quốc quân, khi mà những khu vực sô viết của chúng ta chỉ là một phần hết sức nhỏ bé của Trung hoa, khi mà chúng ta chưa có phi cơ, pháo binh và các vũ khí tối tân khác, khi mà chúng ta vẫn chiến đấu sâu trong nội địa, và khi mà địch quân vẫn tấn công chúng ta, thì chiến lược của chúng ta là phải đánh những trận quyết định để phòng thủ. Chúng ta không nên giao chiến với địch quân trong những trận đánh quyết định mà chúng ta không tin chắc sẽ chiến thắng, bởi vì chúng ta chưa khám phá ra và cũng chưa tạo ra được nhược điểm của địch quân. Chúng ta chỉ nên xử dụng các lực lượng thứ yếu của chúng ta, chẳng hạn như các đơn vị du kích, quần chúng vũ trang, các tiểu đoàn và trung đoàn độc lập, và một phần của lực lượng chính quy của hồng quân, để gây hoang mang hoặc nhử mồi địch quân.

"Chúng ta phải ngăn chặn địch quân với một chiến thuật lưu động, trong lúc lực lượng chính của ta phải rút lui tới một khoảng cách thích ứng, hoặc chuyển lực lượng ấy đánh vào sườn hoặc hậu quân của địch. Lực lượng chính quy phải bí mật tập trung và chờ đợi cơ hội thuận lợi để tấn công địch. Khi chiến đấu tại nội địa, sự rút lui và ẩn nấp của hồng quân có thể làm địch quân mệt mỏi hoặc cảm thấy tự kiêu và thờ ơ, và từ đó dụ địch quân mắc phải những lỗi lầm và lộ ra nhược điểm.

"Chúng ta phải chờ đợi đến khi địch quân tiến tới một vị trí thích hợp trước khi bao vây và tiêu diệt địch, có nghĩa là ta phải dụ cho địch quân tiến sâu vào khu vực của chúng ta. Ðể chiến thắng, chúng ta không quản ngại bỏ một phần khu vực sô viết của chúng ta, và ngay cả rút lui tạm thời lực lượng chính yếu ra khỏi khu vực sô viết."

Khẩu hiệu nổi tiếng của Bác Cổ "Không để mất một tấc đất của khu vực sô viết" đã là một khẩu hiệu chính trị đúng. Nhưng nếu đem khẩu hiệu đó áp dụng một cách máy móc vào các chiến dịch hành quân thì là "một lỗi lầm hoàn toàn". Chính sách của Bác Cổ "phòng vệ thuần túy" có nghĩa là đặt lực lượng hồng quân chống lại sự tấn công của quốc quân từ mọi phía, có nghĩa là hồng quân sẽ không đủ mạnh để kháng cự tại bất cứ địa điểm nào, và giúp địch quân tiêu diệt hồng quân từng đơn vị một. Mao nêu ra những trận đánh thất bại tại Hán Khẩu, Thiên Ninh và Vạn Phong như những thí dụ điển hình của lỗi lầm này. Một lỗi lầm khác là không áp dụng chiến pháp lưu động, một sở trường đặc biệt của hồng quân.

Quyết nghị 9 của Mao kêu gọi: "Cần phải nhận thức rằng cuộc nội chiến tại Trung Hoa không phải là một cuộc chiến ngắn hạn, mà là một cuộc chiến trường kỳ". Khi gặp thời cơ tốt đẹp, như trong bốn đợt bao vây đầu tiên và ngay cả đợt bao vây lần thứ năm cho tới trận đánh Quảng Xương, hồng quân cần phải nắm thế công. Nhưng khi trận chiến bắt đầu bất lợi, như trong giai đoạn cuối của đợt bao vây lần thứ năm, thì "chúng ta phải tạm thời rút lui để bảo toàn sức mạnh của chúng ta."

Sự huấn luyện và bồi dưỡng của hồng quân cũng bị sao nhãng, và sự tổn thất nhân sự phải giữ ở mức tối thiểu. "Chúng ta phải biết rằng chỉ khi nào chúng ta bảo toàn được nhân sự của chúng ta thì chúng ta mới giữ được các căn cứ sô viết. Các căn cứ sô viết không thể tồn tại mà không có một lực lượng hồng quân mạnh. Với một hồng quân mạnh, các khu vực sô viết tạm thời có thể mất đi nhưng cuối cùng sẽ chiếm lại được. Hơn nữa, chúng ta chỉ có thể xây dựng được các căn cứ sô viết mới bằng sức mạnh của hồng quân."

Một trong những lời buộc tội không được chính xác trong Quyết Nghị Tuân Nghĩa là sự công kích quyền lãnh đạo của Bác Cổ, và phản ứng vụng về trong vụ Lộ quân 19 của tướng Thái Ðình Khải nổi loạn tại Phúc Kiến chống lại Tưởng Giới Thạch. Mao vẫn coi việc khai thác các sư đoàn quốc quân là quan trọng nhất trong cuộc bao vây lần thứ năm. Bác Cổ và các cộng sự bị lên án đã thất bại không khai thác được cuộc đình chiến với các lực lượng phản loạn tại Phúc Kiến. Một cơ hội bằng vàng đã để lỡ mất. Tuy nhiên sự buộc tội này có vẻ quá đáng. Người ta cho rằng chưa chắc Mao đã giải quyết tốt đẹp hơn, nếu xét về yêu sách chính trị của chính phủ Phúc Kiến muốn lập một mặt trận thống nhất giữa Quốc dân đảng và cộng sản để chống lại Nhật Bản. Chính lúc đó Mao đã bầy tỏ ý kiến dè dặt về việc hợp tác với quân phản loạn Phúc Kiến.

Theo quyết nghị 11 thì một khi cuộc bao vây lần thứ năm của quốc quân bắt đầu tỏ ra thành công thì hồng quân đáng lẽ phải tính đến vấn đề rút lui ngay, ngay từ tháng năm, chứ không phải là đợi đến tháng tám. Sự chậm trễ này đã dẫn tới hoang mang và những tổn thất không cần thiết, khi cuối cùng bắt buộc phải di tản. Lý Ðức đã đặc biệt bị chỉ trích như sau: "Theo ý đồng chí Lý Ðức, sự phá vỡ vòng vây quả thực là một cuộc chạy trốn kinh hoàng, một cuộc hành quân dọn từng nhà, chứ không phải là một cuộc hành quân chiến đấu quả cảm." Không có một cuộc thuyết trình đầy đủ cho đảng viên và sĩ quan khiến cho tinh thần binh sĩ lung lay. Rồi Mao lý luận: "Nếu đã có những quyết định quân sự sáng suốt hơn thì đã cứu vãn được khu vực sô viết trung ương, và có thể chiến thắng được cuộc bao vây lần thứ năm của quốc quân, thành lập được một căn cứ tại Hồ Nam và sức mạnh của hồng quân đã được bảo tồn." Người ta nhận thấy những lời buộc tội của Mao Trạch Ðông là quá đáng, nhưng Bác Cổ và Lý Ðức không được các tư lệnh hồng quân hỗ trợ, vì chính họ là những cấp chỉ huy quân sự đã bị quốc quân đánh cho thảm bại, nên thấy cần phải đổ hết lỗi lầm cho Lý Ðức và Bác Cổ để chạy tội của mình.

Hai thí dụ điển hình về những quyết định quân sự thiếu linh động được kể ra trong Quyết Nghị 11 là: khi hồng quân tới được biên giới Hồ Nam - Quí Châu thì được lệnh một cách máy móc phải tiến quân tới các khu vực dưới quyền kiểm soát của Hạ Long và Trương Quốc Ðào; và khi tới sông Ngô Giang thì hồng quân được lệnh phải tiêu diệt những toán quân nhỏ của quân đội tỉnh Quí Châu và các toán cướp, thay vì phản công lại toán quân của Tưởng Giới Thạch đang đuổi theo tại biên giới Quí Châu và Tứ Xuyên.

Tất cả những lỗi lầm này được gọi là "cơ hội chủ nghĩa", và Lý Ðức bị buộc tội có khuynh hướng độc tài. Lý Ðức bị kết án đã độc quyền tất cả công việc của Ủy ban Quân sự, và do đó quyền lãnh đạo tập thể đã trở thành trò hề. Các quan điểm khác nhau của các ủy viên khác trong Bộ Chính Trị đã bị bác bỏ và áp chế. Toàn thể các lãnh tụ đảng đã dùng phần lớn sinh lực vào việc tuyển mộ và tiếp tế, và để mặc cho bộ ba Lý Ðức, Bác Cổ và Chu Ân Lai toàn quyền về chính sách và chiến thuật.

Bác Cổ là người lãnh đủ sự tấn công tàn sát của Mao Trạch Ðông. Ðối với Mao thì Bác Cổ là kẻ tử thù cần phải loại bỏ để Mao lên thay chức vụ của Bác Cổ. Bác Cổ bị nêu đích danh đã bỏ qua không sửa chữa những lỗi lầm của Chu Ân Lai trong việc điều khiển chiến tranh, đã thất bại không chấp nhận lỗi lầm của mình, và đã từ chối không chấp nhận sự phê bình của đại đa số trong đạI hội. Chu Ân Lai khôn ngoan trở cờ đi theo nhóm thân Mao, nhưng Bác Cổ từ chối không nhượng bộ. Trong suốt cuộc tranh chấp trong cộng đảng Trung hoa sau đó, Chu Ân Lai là người luôn luôn ngả theo phái mạnh để bảo vệ được chỗ đứng của mình.

Theo ý Mao thì bước kế tiếp là sửa chữa những lỗi lầm này, và thiết lập một căn cứ sô viết mới tại vùng đất mênh mông của Vân Nam, Quí Châu và Tứ Xuyên, để đền bù lại những khu vực sô viết đã mất. Ðại hội chấp nhận rằng sự mất khu vực sô viết trung ương chỉ là một bước thụt lùi trong toàn bộ công cuộc cách mạng. Ðoạn cuối của Quyết Nghị Tuân Nghĩa tóm lược tất cả sự chán nản chua chát của hồng quân lúc đó, cũng như sự can đảm của Mao đã một mình đứng ra cứu vãn tình thế: "Ðại hội mở rộng của Bộ Chính Trị đã nêu ra những lỗi lầm về sự lãnh đạo quân sự của đảng trong quá khứ chỉ là một phần lỗi lầm của một nhóm trong đảng, và cũng không đủ tạo ra sự bi quan và tuyệt vọng. Ðảng đã can đảm trình bày những lỗi lầm của mình. Ðảng đã tự giáo dục qua những lỗi lầm ấy và học hỏi cách hướng dẫn cuộc chiến tranh cách mạng hữu hiệu hơn đến chiến thắng. Sau sự trình bày những thất bại, đảng thay vì yếu đi thì thực ra đã trở nên mạnh hơn."

Mao Trạch Ðông Nắm Quyền Lãnh Ðạo

Mao Trạch Ðông ở trong tình trạng thất sủng từ trước khi bắt đầu rời bỏ Giang Tây, nhưng dần dần đã khuyến dụ được phần lớn các cộng sự bỏ phiếu cho mình trong đại hội Tuân Nghĩa, là một sự kiện đặc biệt của cuộc Vạn Lý Trường Chinh, và cũng là thành công lớn nhất trong cuộc đời chính trị của Mao. Người ta không có hồ sơ hoặc những cuốn hồi ký của những người tham dự đại hội Tuân Nghĩa để soi sáng cho sự thay đổi lòng trung thành của họ, và ngày nay người ta phải đi tìm hiểu biến cố đó như thể là một sự việc thuộc thời tiền sử. Hầu hết các diễn giả đều trình bày quan điểm của mình mà không có bản viết trước, và cũng không có thư ký ghi chép những diễn biến của đại hội.

Dĩ nhiên lúc đó Bộ Chính Trị không có mặt đầy đủ tại Tuân Nghĩa. Vương Minh, người thủ lãnh của Bộ Chính Trị thì ở Mạc tư khoa. Lưu Thiếu Kỳ thì đang hoạt động kháng chiến trong khu vực Quốc dân đảng. Vào lúc cuộc Trường Chinh bắt đầu thì Lưu Thiếu Kỳ bắt đầu lẻn vào Thượng Hải và giả danh là Châu Khang Minh, đóng vai một giáo sư sử học từ Vân Nam. Còn một số nhân viên Bộ Chính Trị nữa đang hoạt động tại các nơi khác. Tại đại hội Tuân Nghĩa lúc đó chỉ có tám ủy viên trong Bộ Chính Trị, và gồm có: Trương Văn Thiên (tức Lạc Phủ), Chu Ân Lai, Chu Ðức, Lương Bộ Tài, Mao Trạch Ðông, Bác Cổ, Vương Gia Tường và Ngô Lương Bình.

Phần lớn tám ủy viên này đều coi mình thuộc nhóm Quốc tế thân Nga, trung thành với Vương Minh, như Trương Văn Thiên, Lương Bộ Tài, Bác Cổ, Vương Gia Tường và Ngô Lương Bình. Hơn nữa Chu Ân Lai và Chu Ðức cũng ủng hộ nhóm Quốc Tế. Do đó Mao Trạch Ðông là tiếng nói phản đối duy nhất trong Bộ Chính Trị. Tuy nhiên đại hội Tuân Nghĩa không phải chỉ có tám ủy viên Bộ Chính Trị mà thôi. Mao đòi hỏi các tư lệnh hồng quân được tham dự, do đó số người tham dự lên tới từ 34 tới 40 người. Dầu sao lúc đó người cộng sản Trung Hoa nhận thấy họ sẽ phải trải qua một cuộc chiến tranh trường kỳ, nên vai trò của các cấp chỉ huy quân sự được đề cao, và vấn đề quân sự sẽ là ưu tư lớn nhất của Bộ Chính Trị. Chính vì thế Bộ Chính Trị cần nghe những người biết rõ tình hình quân sự và tinh thần của binh sĩ.

Những nhân vật quân sự hàng đầu trong cuộc đại hội gồm có Lưu Bá Thừa, Lâm Bưu, Bành Ðức Hoài, Dương Thượng Côn, Diệp Kiếm Anh và Lý Ðức. Những người khác cũng được tham dự có thể là Ðặng Tiểu Bình (chủ bút tờ Sao Ðỏ), Ðặng Phát (chỉ huy ngành an ninh), Ðặng Thái Viên, chính ủy của đệ tam quân đoàn, Trần Vân, Hồ Kế Chuân (chính ủy đệ tứ quân đoàn) Lỗ Mai, Lý Phú Xuân, Vương Thiếu Bảo và Ðổng Tất Vũ. Lương Bộ Tài không có mặt trong đại hội vì được cử đi công tác trong vùng Quốc dân đảng.

Như vậy Mao đã thắng bước đầu tại đại hội bằng cách thành công đòi hỏi cho các tướng tham dự đại hội. Mao không thể đạt được đa số nếu không có sự hậu thuẫn của các phát ngôn viên quân sự như Bành Ðức Hoài và Lâm Bưu. (Sau này cả Bành Ðức Hoài và Lâm Bưu đều chết vì tay Mao). Năm 1965-66, Mao lại xử dụng sự hậu thuẫn của quân đội một lần nữa để đánh bại những phe chống đối trong đảng. Tuy nhiên năm 1935, việc cho các tướng tham dự đại hội là chính đáng, vì lúc đó vấn đề chính của đảng là vấn đề quân sự: làm thế nào chạy thoát được lực lượng hùng mạnh của Tưởng Giới Thạch.

Chiến thắng của Mao tại Tuân Nghĩa là một chiến thắng quân sự hơn là chính trị, và quyền lãnh đạo đảng của Mao đã được củng cố chặt chẽ trong dịp này. Mao quả thực đã được sự ủng hộ của giới quân sự hơn là của giới chính trị trong đảng. Nhưng theo một nguồn tin của đảng cộng sản Nhật Bản thì Mao chỉ đạt được quyền lãnh đạo quân sự tại đại hội Tuân Nghĩa mà thôi. Vị học giả Trung hoa đã nêu ra những nghi vấn sau đây:

1. Tại đại hội Tuân Nghĩa, Mao không được bầu vào chức chủ tịch của Ủy Ban Trung Ương, bởi vì chức vụ đó mãi đến năm 1945 mới được đặt ra. Có lẽ lúc đó Mao chỉ được bầu vào chức chủ tịch Bộ Chính Trị.

2. Sự thách đố Mao Trạch Ðông của Trương Quốc Ðào trong đại hội của Bộ Chính Trị tại Lương Hà Khẩu có nghĩa là Mao không có quyền áp chế Trương. Trương Quốc Ðào xác nhận rằng tại Tuân Nghĩa, Mao chỉ được bầu làm chủ tịch chính phủ chứ không phải là lãnh tụ đảng. Sau đại hội Tuân Nghĩa, Trương Quốc Ðào trở thành đối thủ quan trọng nhất của Mao trong cộng đảng Trung Hoa.

3. Thắng lợi của Mao tại Tuân Nghĩa là kết quả hấp tấp của hai ngày cố gắng hàn gắn sự bất đồng trong Bộ Chính Trị, trước sự săn đuổi nguy hiểm của Quốc dân đảng. Lúc đó những người tham dự đại hội chỉ quan tâm đến vấn đề khó khăn quân sự. Các người tham dự đại hội có thể nghĩ rằng bộ máy đảng sẽ xác nhận một sự lãnh đạo mới khi những cuộc khủng hoảng quân sự đã được giải quyết. Nhưng sau đó, tại Diên An, Mao tung ra hết nỗ lực củng cố lợi điểm tạm thời của đại hội Tuân Nghĩa thành vĩnh viễn. Theo đài phát thanh Mạc tư khoa năm 1968 thì tại đại hội Tuân Nghĩa, Mao Trạch Ðông chỉ trở thành một ủy viên trong bộ máy lãnh đạo trung ương, chứ không đạt được một địa vị tối cao trong đảng. Mãi sau này Mao mới thành công đạt được địa vị lãnh tụ tối cao.

Làm thế nào Mao đã đạt được sự hỗ trợ của phe quân sự tại Tuân Nghĩa? Trong giai đoạn đầu của cuộc Trường Chinh có hai phe quân sự: một phe thuộc nhóm quốc tế huấn luyện tại Nga sô, và một phe được huấn luyện tại trường Hoàng Phố. Tuy nhiên khi phải bỏ Giang Tây và chịu những tổn thất lớn lao trên đường chạy trốn thì cả hai phe đều mất tinh thần, và uy thế bị suy giảm.

Thoạt đầu phe Quốc tế có hai lợi điểm: họ được tổ chức cộng sản quốc tế hậu thuẫn và hiểu biết nhiều về lý thuyết Mác xít. Tuy nhiên trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, khi mà các bạn bè quốc tế bất lực không thể trợ giúp được, và khi họ mắc phải những lỗi lầm quân sự thì Mao có thể đạp đổ được uy tín của họ, và chế nhạo nhóm Quốc tế chỉ là những người đi sao chép lại, theo đuổi sự hướng dẫn sai lầm của ngoại quốc mà không tìm kiếm được con đường riêng cho Trung Hoa. Nhưng thất bại nặng nề nhất của nhóm Quốc tế là họ không hề có một kinh nghiệm quân sự nào cả. Chính Bác Cổ chưa bao giờ tham gia một trận đánh trước khi tới lãnh đạo chiến khu Giang Tây. Họ cũng còn trẻ quá, dưới ba mươi tuổi, trong khi Mao đã trên bốn mươi. Khi hồng quân phải rút lui về các vùng quê hẻo lánh thì nhóm Quốc tế chỉ quen biết đời sống thành thị bỗng trở nên lạc lõng vô dụng. Sự đoàn kết trong nhóm Quốc tế cũng lỏng lẻo, và Mao đã lôi cuốn được một số đứng về phe mình, như Lạc Phủ và Vương Gia Tường.

Phe hồng quân gốc trường quân sự Hoàng Phố thường trung thành với Chu Ân Lai, vì Chu trước kia là giám đốc chính trị của trường. Diệp Kiếm Anh là một trong số những người thần phục Chu Ân Lai. Nhưng một sản phẩm nổi tiếng nhất của Hoàng Phố là Lâm Bưu thì liên kết với Mao Trạch Ðông. Ðúng ra nhóm Hoàng Phố không có sự đoàn kết bằng nhóm Quốc tế. Sự trung thành của nhóm cựu khóa sinh Hoàng Phố với Chu Ân Lai có thể bị soi mòn vì Chu Ðức là lãnh tụ quân sự, chứ không phải là Chu Ân Lai. Ngay cả thái độ của Chu Ân Lai tại đại hội Tuân Nghĩa cũng mập mờ, và đó là đặc tính của Chu Ân Lai mỗi khi gặp nguy hiểm.

Nhóm đàn em của Mao thì không nổi tiếng bằng các đàn em của Bác Cổ và Chu Ân Lai. Những đàn em của Mao gồm có Mao Trạch Dân, Lý Phú Xuân, Thái Xướng, Hứa Tế Ly là những nhân vật không quan trọng của chi bộ Hồ Nam. Mao cũng được sự ủng hộ của Ðặng Tiểu Bình và Lâm Bưu. Chu Ðức từng cộng tác chặt chẽ với Mao hơn bất cứ ai trong hồng quân, nhưng trong nhiều buổi họp quan trọng, Chu Ðức thường bỏ phiếu chống lại Mao.

Nhiều đảng viên và sĩ quan cao cấp khác đứng ngoài mọi cuộc tranh chấp phe nhóm và không đứng hẳn vào phe Bác Cổ, Chu Ân Lai hoặc Mao. Ðó là những sĩ quan đứng tuổi, không học trường Hoàng Phố và bất mãn trước quyền lãnh đạo quân sự của Lý Ðức, như Chu Ðức, Bành Ðức Hoài, Lưu Bá Thừa. Ngay trong cuộc tranh chấp tại Tuân Nghĩa, Bành Ðức Hoài và Lưu Bá Thừa giữ thái độ trung lập. Nhóm này không quan tâm nhiều đến ý thức hệ do Bác Cổ hoặc Mao giảng dậy. Họ chỉ là những quân nhân thuần túy, quan tâm tới những bất công xã hội hơn là các lý thuyết cộng sản. Nhóm lãnh tụ này có vẻ ủng hộ Mao tại đại hội Tuân Nghĩa, vì Mao hứa hẹn một đường lối quân sự thực tế hơn trong những tháng thử thách sắp tới, chứ không phải họ tán đồng quan điểm chính trị của Mao, hoặc thất vọng vì quan điểm chính trị của Chu Ân Lai và Bác Cổ.

Chẳng hạn Lưu Bá Thừa, cũng còn được gọi là Lưu Tử Nhãn (chết một mắt) hoặc Ðộc Nhãn Long, là tướng cộng sản đầu tiên được huấn luyện quân sự chu đáo trong ba năm tại Viện Quân Sự Hồng quân Nga tại Mạc tư khoa. Lưu Bá Thừa đã giúp Chu Ðức trong cuộc nổi dậy tại Nam Xương, và được Chu Ân Lai nâng đỡ trong thời kỳ sau đó, nhưng Lưu Bá Thừa cũng cảm thấy một mối ràng buộc với nhóm lãnh tụ thân Nga của Bác Cổ. Là một chiến thuật gia dũng cảm trong bộ tham mưu của Chu Ðức, địa vị của Lưu Bá Thừa cũng ngang hàng với Lâm Bưu và Bành Ðức Hoài. Tuy nhiên lúc nào Lưu Bá Thừa cũng giữ thái độ trung lập trong các cuộc tranh luận chính trị.

Sự cân bằng của phe cộng sản trong giai đoạn đầu của cuộc Trường Chinh có vẻ rất tế nhị, và chỉ cần một vài lãnh tụ cao cấp đổi ý cũng đủ nghiêng cán cân về phía Mao. Tuy nhiên quyền lực mới của Mao sau đại hội Tuân Nghĩa cũng không vững chắc như nhiều người tưởng. Lúc đó Mao chỉ được coi như được giao phó trọng trách hướng dẫn hồng quân và đảng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh mà thôi. Mao đã lợi dụng cơ hội hoàn cảnh quân sự khó khăn của hồng quân để lôi kéo được ngay cả những đối thủ hợp tác với mình, và dần dần thành công lôi cuốn họ đứng hẳn về phe mình.

Sự thay đổi lãnh đạo xảy ra tại Tuân Nghĩa có ba khía cạnh chính: Thứ nhất, Mao đại diện cho sự vươn lên của phe cộng sản trong nước sau mười bốn năm dưới quyền điều khiển của phe được huấn luyện tại Nga sô. Mao tượng trưng cho những người cộng sản Trung Hoa chưa từng được xuất ngoại, hoặc những người tương đối không thay đổi sau những chuyến xuất ngoại, những người coi chủ nghĩa cộng sản chỉ là một giải pháp cấp kỳ cho những vấn đề Trung Hoa. Chiến thắng của Mao tại Tuân Nghĩa là chiến thắng của giới sô viết nông thôn chống lại các đảng viên thành thị, của một người sống suốt đời với nông dân và các giai cấp thấp trong xã hội. Mao đã khôn ngoan không tấn công Chu Ân Lai và do đó tách được Chu Ân Lai ra khỏi Lý Ðức. Người ta tin rằng đã có sự ngầm thỏa hiệp giữa Mao và Chu Ân Lai tại Tuân Nghĩa.

Thứ hai, Mao chiến thắng là nhờ sự trung thành của một nhóm tư lệnh hồng quân, và thông cảm được hoàn cảnh khó khăn của họ. Những người đào ngũ từ lúc rời bỏ Giang Tây là những thành phần tân tuyển của Chu Ân Lai, chứ không phải là thành phần nòng cốt của quân đội đã theo Mao và Chu Ðức từ Tỉnh Cương Sơn.

Cuối cùng, Mao quả thực là một kiểu mẫu lãnh đạo cần thiết cho phe cộng sản vào năm 1935, một cung cách lãnh đạo có thể lôi cuốn được cả tâm và trí quần chúng. Mao từng tỏ khả năng là người có thể lãnh đạo khi mà hoàn cảnh có vẻ tuyệt vọng, vì Mao biết bí quyết kêu gọi được bản năng sâu kín nhất của quần chúng và khích động được ý chí của họ để chiến đấu, chịu gian khổ và đương đầu với nghịch cảnh. Mao là một nhà cách mạng có khả năng chiến đấu và đã dẫn đảng cộng sản đến chiến thắng, nhưng Mao không phải là một nhà cai trị giỏi. Nước Trung hoa thời bình dưới quyền lãnh đạo của Mao đã đi từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác, và thụt lùi trong khi thế giới chung quanh tiến những bước vượt bực.

Mao đã thành công lôi cuốn được sự yêu mến và trung thành của quân đội và nông dân. Tại chiến khu Diên An sau cuộc Trường Chinh, sự thần tượng Mao của quân đội và quần chúng đã lên tới cực điểm. Vì ăn ớt thường xuyên, nên Mao có bệnh táo bón kinh niên, và thường chỉ đi cầu một tuần một lần. Mỗi khi Mao đi cầu được thì binh sĩ vui mừng như một tin thắng trận, và truyền nhau mẩu tin: "Chủ tịch đã đại tiện được rồi!" Mao có khả năng trình bầy những vấn đề phức tạp một cách rất dễ hiểu cho giới nông dân ít giáo dục. Khi nói chuyện với quần chúng, Mao dùng những từ ngữ rất bình dân mà mọi người có thể hiểu. Ñt khi Mao nói lâu mà không dùng những thành ngữ bình dân quen thuộc đối với quần chúng. Chính vì thế quần chúng cảm thấy rất gần gũi Mao. Kỹ thuật chinh phục đối phương của Mao là không bao giờ tấn công đối thủ ào ạt. Mao thường tấn công chỗ này chỗ kia, bẻ gẫy lý luận của đối phương từng điểm một, cho tới lúc đối thủ hoàn toàn bị bao vây và tan rã trước phát súng ân huệ cuối cùng. Tuy thế Mao có tâm hồn bình dị của người nông dân. Có lần được nghe kể về một cuốn phim của vua hề Charlot, Mao đã cười đến chảy cả nước mắt.

Theo một nguồn tin thì trong đại hội Tuân Nghĩa, Mao là người đầu tiên trình bày những lỗi lầm về chính trị và quân sự của Bộ Chính Trị trong những tháng trước đó. Chu Ðức nói kế tiếp, chỉ trích cả Bộ Chính Trị và Lý Ðức. Rồi Bác Cổ đứng lên bênh vực quan điểm của mình, lược trình hoạt động của phe cộng sản từ năm 1931, và nhấn mạnh đảng cộng sản đã thất bại không hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng một mặt trận thống nhất chống đế quốc. Bác Cổ ám chỉ sự thiển cận của Mao trong phong trào nông dân. Theo Bác Cổ thì chính sách hiện tại của Bộ Chính Trị là đúng, nhưng đã có những sai lầm khi thi hành. Do đó thất bại là do người thừa hành chứ không phải lỗi của Bộ Chính Trị.

Chu Ân Lai là diễn giả thứ tư, xác nhận những lỗi lầm của Bộ Chính Trị và chính mình. Sự nhận lỗi của Chu Ân Lai được cử tọa hoan nghênh. Cuối cùng Chu Ân Lai xin từ chức khỏi Ủy ban Quân sự, và đề nghị Mao Trạch Ðông lãnh đạo hồng quân. Bác Cổ và phe Quốc tế đành phải chấp nhận đề nghị của Chu Ân Lai. Kết quả là Mao được bầu làm chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng, và Ủy ban này được tổ chức lại. Tham mưu trưởng Diệp Kiếm Anh, người thuộc phe Chu Ân Lai, bị Lưu Bá Thừa thay thế. Ðặng Phát, chỉ huy ngành an ninh, bị loại ra khỏi Ủy ban. Quyền hạn hành quân của Lý Ðức bị bãi bỏ và thuộc quyền của Ủy ban Quân sự. Chu Ðức vẫn tiếp tục giữ chức tư lệnh tối cao, và Vương Gia Tường vẫn giữ chức chính ủy. Chu Ân Lai chỉ còn là một thành viên của Ủy ban.

Bộ Chính Trị cũng được sắp xếp lại. Mao trở thành chủ tịch (chức vụ này trước đó không có) và Lạc Phủ (bí danh của Trương Văn Thiên) thay thế Bác Cổ trong chức Tổng thư ký. Lạc Phủ là một trong số 28 đảng viên thân Nga, nay trung thành với Mao, mặc dầu năm 1932 Lạc Phủ là người đề nghị trục xuất Mao ra khỏi đảng. Nhưng tại đại hội Tuân Nghĩa, Lạc Phủ đã đóng một vai trò hữu ích cho Mao.

Thực ra phe thân Nga nghĩ rằng sẽ có cơ hội quật khởi trở lại với sự hậu thuẫn của Nga, một khi vượt qua được những khó khăn quân sự hiện tại. Bác Cổ là người tính tình rất bướng bỉnh, và cũng vì là thủ lãnh của nhóm thân Nga nên Bác Cổ bắt buộc phải ra đi. Còn những người khác thì nghĩ rằng nên tạm nhượng bộ chiến thắng của Mao tại Tuân Nghĩa để chờ cơ hội. Ít nhất họ cũng để cho Mao và Chu Ðức cơ hội thử thách quyền lãnh đạo, và có lẽ họ cũng hy vọng rằng Mao sẽ thất bại.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx