sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Qua Sông Kim Sa

Con đường sống còn duy nhất của hồng quân là phải vượt qua sông Dương Tử để tiến lên miền bắc. Tưởng Giới Thạch cũng biết được ý đồ định vượt sông Dương Tử của hồng quân nên bố trí quốc quân dọc sông Dương Tử rất nghiêm mật, không cho hồng quân thực hiện được cuộc đào tẩu. Trong hoàn cảnh của một con chim mắc lưới, Mao đã đặt kế hoạch vượt qua sông Dương Tử một cách vô cùng thận trọng bằng cách đánh lừa Tưởng Giới Thạch. Trước hết hồng quân từ Quí Châu tiến về Vân Nam bằng ba nhóm tách biệt, một phần là để tránh tướng Sử Du, một viên tướng cừ khôi và đáng sợ nhất của Quốc dân đảng. Sử Du đang hờm quân chờ đợi hồng quân tại phía tây Quí Châu.

Sứ quân của Vân Nam là tướng Long Vân, người nhỏ thó nhưng rất quỷ quyệt, đã làm giầu bằng độc quyền thuốc phiện. Tướng Long Vân cũng không trung thành với Tưởng lắm, và lúc nào cũng để tâm đề phòng Tưởng, không kém gì phải đề phòng cộng sản. Long Vân tuy đứng về phe Tưởng nhưng lúc nào cũng sợ Tưởng ra tay hại mình. Mỗi khi Tưởng muốn họp bàn với Long Vân và muốn Long Vân về Nam Kinh thì trước khi Long Vân đi Nam Kinh thì bà Tống Mỹ Linh, vợ của Tưởng, phải tới Vân Nam trước làm con tin. Khi nào Long Vân đi họp trở về bình an thì Tống Mỹ Linh mới được trở về Nam Kinh.

Khi hồng quân đã vào đến địa phận Quí Châu, Mao thành công lừa được Tưởng Giới Thạch bằng những cuộc chuyển quân loạn xạ, từ bắc xuống nam, rồi từ đông sang tây, hoặc ngược lại. Ngay các tướng của hồng quân cũng phải bối rối, không hiểu được ý định của Mao. Tướng Long Vân trong thành Côn Minh cũng rất hoảng sợ trước áp lực của hồng quân đổ dồn vào Vân Nam, vì Long Vân đã gửi đoàn quân thiện chiến nhất của Vân Nam đi giải vây Quế Dương, và trong tay Long Vân bấy giờ chỉ còn một số địa phương quân, chưa quen đánh những trận lớn. Mao đã thành công lừa được quốc quân bỏ xa sông Dương Tử để Mao bất thình lình quay trở lại con sông này. Thoạt đầu Tưởng cho rằng sự chuyển quân hỗn loạn của hồng quân là một dấu hiệu địch quân đang nao núng, và chẳng mấy chốc sẽ thảm bại.

Khi quân Vân Nam bị Mao lừa đi giải vây cho Quế Dương thì lập tức hồng quân quay ngược về hướng tây của tỉnh Vân Nam một cách dễ dàng bình yên như chỗ không người, vì Vân Nam không còn quân phòng thủ nữa. Ba lộ quân cộng sản tiến như bay về sông Dương Tử tại một khúc được gọi là sông Kim Sa, nhưng thực ra sông Dương Tử và sông Kim Sa là một.

Thoạt đầu hồng quân tiến về Long Khai. Nhưng thuyền bè tại đây đã bị đốt hết theo lệnh của Tưởng. Các phi công của Nam Kinh báo cáo đội tiền phương hồng quân đang xây một cây cầu tre qua sông. Ðược tin đó, Tưởng hết sức phấn khởi vì phải mất nhiều tuần lễ mới dựng xong được cây cầu, và Tưởng có đủ thời giờ chuyển quân tới bao vây và tiêu diệt hồng quân tại đó. Nhưng vào một buổi tối, tiểu đoàn hồng quân đang có nhiệm vụ thiết lập cây cầu, được lệnh di chuyển tới một địa điểm khác. Chỉ trong một ngày và một đêm, hồng quân đã làm một cuộc tiến quân dài 85 dậm và tới được Chu Bình Trấn. Mặc giả làm quân Quốc dân đảng, tiểu đoàn hồng quân tiến vào thị trấn lúc chập tối mà không gây một nghi ngờ nào, và lặng lẽ tước khí giới của toán quốc quân phòng thủ.

Các phi cơ quốc quân bay trên khu vực ngày đêm để tìm ra mọi hoạt động của hồng quân, trong khi bên dưới hồng quân đang chạy đua với thời gian. Hồng quân tiến thẳng về sông Kim Sa từ ba đường khác nhau: Ðệ nhất quân đoàn được lệnh chiếm bến phà Long Châu, đệ tam quân đoàn chiếm bến phà Hồng Nhân, trung đoàn cán bộ chiếm bến phà Cao Bình, trong lúc đệ ngũ quân đoàn đoạn hậu để đề phòng quốc quân đuổi theo. Ðường tiến quân của hồng quân về sông Kim Sa rất khó khăn và vất vả, vì cho tới ngày nay cũng chưa có một đường lộ nào chạy từ Vân Nam ra sông Kim Sa; chỉ có những đường mòn nhỏ hẹp. Trên đường đi qua xứ thuốc phiện, hồng quân tịch thu được rất nhiều thuốc phiện và vàng bạc của nhà giầu. Cuối cùng hồng quân phải bỏ thuốc phiện lại, hoặc phân phát cho nông dân ở dọc đường, và chỉ cố vác theo tiền đúc bằng bạc. Nhờ tiền này, hồng quân đã có thể "mua đường" khi đi qua khu vực của người Lô Lô.

Ngày 3-5, Lâm Bưu và đệ nhất quân đoàn chạy như ma đuổi về hướng bắc, và tới bến phà Long Châu ngày hôm sau. Quân đoàn của Lâm Bưu chạy nhanh quá đến nỗi khá nhiều quân yếu đuối chạy không kịp, bị thụt lại sau, rồi bị quốc quân bắt được và bắn chết. Nhưng tình thế có vẻ bất lợi cho Lâm Bưu tại Long Châu. Không có một chiếc thuyền bên này sông, và dòng sông rất rộng và nước chảy xiết. Lâm Bưu ra lệnh làm một chiếc mảng bằng tre, nhưng nước sông chảy mạnh quá, cuốn phăng chiếc mảng đi. Nhưng dù chiếc mảng hoạt động được thì việc chuyển quân qua sông cũng rất nguy hiểm, vì dòng sông quá rộng và hồng quân trên chiếc mảng sẽ dễ làm mồi cho phi cơ của quốc quân. Trong lúc đang lúng túng bên bờ sông thì ngày 6-5, Lâm Bưu nhận được lệnh của Mao phải quay xuống bến phà Cao Bình, và phải có mặt đúng ngày 7-5. Nếu Lâm Bưu đến nơi sau ngày 7-5, thì Mao sẽ không bảo đảm quân của Lâm Bưu có thể qua sông an toàn được.

Từ hàng ngàn năm, bến phà Cao Bình là nơi qua sông nổi tiếng của những đoàn khách thương đi Vân Nam, mang theo muối, bạc, da thú và lúa gạo từ Tứ Xuyên, và những khách thương từ Vân Nam đến, chở theo thuốc phiện, vàng và những hàng hóa đặc biệt của Vân Nam. Trung đoàn cán bộ gặp may mắn và mau lẹ làm chủ được bến phà Cao Bình. Chính bến phà này đã giúp toàn thể hồng quân qua được sông Dương Tử trong suốt chín ngày sau đó. Khi tới gần bờ sông Kim Sa, toán hồng quân tiền phương nhận được một sự bất lợi đầu tiên: quốc quân đã rút hết thuyền và phà về bên kia sông rồi. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có một số cảnh sát mặc thường phục, dùng thuyền trở lại bên này sông để quấy nhiễu làm tiền những người có máu mặt. Chính nhờ những cảnh sát tham nhũng ấy, hồng quân có được phương tiện qua sông. Thực ra quốc quân tại vùng Cao Bình cũng không ngờ hồng quân có thể tới bến phà được, vì nghĩ rằng Cao Bứnh chỉ là bến phà phụ, không quan trọng bằng những bến phà khác. Khi toán cảnh sát mặc thường phục tới sách nhiễu quần chúng và nghe ngóng tin tức, thì bị một đại đội hồng quân kiềm chế ngay. Toán hồng quân liền dùng chính thuyền của cảnh sát qua bên kia sông, và không bị quân trú phòng bên kia sông nghi ngờ. Hồng quân mau lẹ giải giới được toán quân trú phòng đang mải chơi mà chược hoặc hút thuốc phiện. Hồng quân thanh toán được tất cả toán quân trú phòng tại thị trấn ấy.

Trung đoàn cán bộ làm chủ được bến phà Cao Bình ở cả hai bên bờ, và chiếm được bảy chiếc phà. Lực lượng nòng cốt của trung đoàn tản ra làm một phòng tuyến rộng 30 dậm, chiếm được một ngọn núi, vượt qua một thung lũng ở bờ phía bắc, và đánh đuổi toán quốc quân đến tăng cường từ Tứ Xuyên. Ngay khi trung đoàn cán bộ thanh toán xong đội quốc quân trú phòng tại Cao Bình thì hồng quân bắt đầu qua sông. Hồng quân tìm được 26 người sinh sống bằng nghề chở thuyền, và chính những người này đã đắc lực giúp hồng quân qua sông mau lẹ. Mỗi người được trả lương một quan tiền, hoặc được trả bằng thuốc phiện, nếu họ muốn. Dòng sông hẹp nên mỗi chuyến qua sông chỉ mất chừng mấy phút, và mỗi chiếc phà chở được khoảng từ 20 tới 60 người.

Bờ sông dốc đứng ngay tại chỗ bến phà, và bờ bên kia là một giải đất hẹp. Cách bờ sông khoảng vài chục thước là một tảng đá lớn cao ba thước. Chính trên tảng đá này, Lưu Bá Thừa và Diệp Kiếm Anh đứng suốt 9 ngày để theo dõi và điều khiển công cuộc vượt sông. Ðôi khi phi cơ quốc quân cũng bay qua, nhưng dòng sông chỗ này quá hẹp không thể oanh tạc được. Lừa ngựa sợ không dám đứng trên thuyền, nên được kéo bơi theo thuyền. Trong suốt 9 ngày đêm, thuyền qua lại không lúc nào ngừng. Ban đêm hồng quân đốt lửa sáng rực một góc trời, để việc qua sông được tiếp tục. Ðây là một chuyến vượt sông dễ dàng và thành công nhất. Trong suốt chín ngày hồng quân không thiệt một nhân mạng. Ðàn bà và các thương binh được chuyển sang sông bằng những thuyền riêng.

Mao, Chu Ân Lai, và các cấp lãnh đạo qua sông vào lúc sáng sớm ngày 1-5. Vừa qua sông, Mao lập tức bắt tay vào công việc trong một hang đá bên bờ sông, để theo rõi tình hình của hồng quân. Chu Ân Lai và các lãnh tụ khác cũng làm việc trong những hang đá gần bên. Thời tiết lúc đó tại Vân Nam cực kỳ nóng nực. Sự nóng bức đã gây rất nhiều khó khăn cho trung đoàn cán bộ trong việc chiếm giữ và bảo vệ bến phà. Họ phải trèo lên những đường núi hóc hiểm trong lúc mồ hôi đổ ra như tắm.

Ðệ tam quân đoàn của Bành Ðức Hoài gặp khó khăn tại bến phà Hồng Nhân về phía nam bến phà Cao Bình. Bành Ðức Hoài cho bắc một cầu nổi qua sông, và trung đoàn 13 được lệnh qua sông đầu tiên. Nhưng dòng nước chảy mạnh quá, cuốn trôi cả cây cầu đi. Chu Ân Lai ra lệnh cho họ tới bến phà Long Châu của Lâm Bưu, nhưng quyết định này phải hủy bỏ ngay khi Chu Ân Lai được tin Lâm Bưu cũng gặp khó khăn tại bến phà Long Châu. Cuối cùng hai quân đoàn của Lâm Bưu và Bành Ðức Hoài phải quay về bến phà Cao Bình. Ðệ tam quân đoàn qua sông ngày 7-5, và đệ nhất quân đoàn ngày 8-5. Ðệ ngũ quân đoàn gồm khoảng năm ngàn quân phải đương cự với một sư đoàn quốc quân khoảng mười ngàn người do tướng Ngô Quý Vệ chỉ huy. Trận đánh xảy ra tại phía nam bến phà Cao Bình, và kéo dài một tuần lễ. Cuối cùng đệ ngũ quân đoàn cũng qua được sông Kim Sa ngày 8 và 9 tháng 5. Ðệ cửu quân đoàn giữ nhiệm vụ bảo vệ mặt sau của hồng quân. Ngày 6-5 đệ cửu quân đoàn cũng qua sông tại một địa điểm cách xa bến phà Cao Bình trên ba mươi dặm về phía bắc.

Trong thời gian chín ngày khi hồng quân đang mải vượt sông Kim Sa thì khoảng sáu trung đoàn cảm tử quốc quân của sư đoàn 13 đuổi tới gần bến phà Cao Bình. Nhưng đạo quân này bị đẩy lui vì một cuộc tấn công bất ngờ của đệ ngũ quân đoàn. Quốc quân phải rút lui dọc theo sông Kim Sa. Tưởng Giới Thạch nhận thấy sự thay đổi trong chiến thuật của hồng quân và triệu tập một buổi họp tại Quế Dương để nghiên cứu cách đối phó. Bây giờ Tưởng chủ trương một cuộc truy kích trường kỳ và tấn công có kế hoạch. Sư đoàn 13 quốc quân tách quá xa các lực lượng quốc quân khác, và hoang mang trước những biến chuyển của chiến trường, nên không dám liều lĩnh tấn công hoặc tìm sáng kiến mới. Sư đoàn 13 đành phải đóng quân tại chỗ để chờ thời cơ.

Mao ở lại bến phà Cao Bình cho đến lúc đệ nhất quân đoàn hoàn tất việc qua sông ngày 8-5, thì Mao di chuyển cùng với bộ phận chỉ huy theo một đường mòn trong núi để tới Ðông An. Lưu Bá Thừa vẫn tiếp tục đứng trên trên tảng đá bên bờ sông, cho tới khi người lính cuối cùng qua sông. Lúc đó súng máy của hồng quân bắt đầu sẵn sàng để chống lại đại quân của Tưởng đang tiến tới. Tất cả thuyền được kéo qua bên này sông để phá hủy không cho quốc quân xử dụng. Các người chèo thuyền được thưởng mỗi người 30 quan tiền. Nhưng khi hồng quân đi rồi thì tất cả những người chèo thuyền cho hồng quân bị quốc quân bắt và xử tử hết. Cuối cùng Lưu Bá Thừa từ giã tảng đá bên bờ sông, nhẩy lên ngựa và phóng theo con đường mòn trên núi, đuổi theo Mao và lộ quân chỉ huy.

Sau khi qua sông Kim Sa, hồng quân đã ở phía bắc sông Dương Tử. Cuộc vượt sông Kim Sa là một chiến thắng quan trọng của hồng quân. Nhưng chiến thắng này không phải hoàn toàn chỉ là công lao của Mao và các lãnh tụ cộng sản. Từ lúc xâm nhập địa phận tỉnh Vân Nam, hồng quân cảm thấy được sự hậu thuẫn của quần chúng, và của cả viên chức địa phương. Các đơn vị địa phương của quốc quân không chiến đấu đúng mức, có thể vì họ không thù ghét cộng sản như các khu vực khác, hoặc có thể vì họ hèn nhát, tham sống sợ chết. Sứ quân Long Vân của Vân Nam dường như đang đi giây giữa Tưởng và cộng sản. Long Vân không trợ giúp hồng quân, nhưng cũng muốn bảo toàn lực lượng quân sự của Vân Nam bằng cách tránh đụng độ với cộng quân. Long Vân học được một bài học từ sứ quân Quí Châu.

Sứ quân Vương Gia Liệt của Quí Châu tung quân đánh lớn với hồng quân, và quân của Vương Gia Liệt chịu nhiều tổn thất nặng nề. Họ Vương mất uy tín với dân chúng Quí Châu và Tưởng Giới Thạch. Thay vì trả công cho sự hy sinh của Vương Gia Liệt, Tưởng cho Vương Gia Liệt lựa chọn một trong hai chức vụ: tỉnh trưởng Quí Châu hoặc tư lệnh quân đội Quí Châu. Trước kia Vương Gia Liệt vừa là tỉnh trưởng vừa là tư lệnh Quí Châu. Cuối cùng Vương Gia Liệt đành phải nhận chức tư lệnh quân đội. Tuy vậy Tưởng vẫn chưa tha. Tưởng xúi giục các sĩ quan dưới quyền Vương Gia Liệt đòi tăng lương. Cuộc xung đột giữa Vương Gia Liệt và các sĩ quan dưới quyền trầm trọng đến nỗi Tưởng phải đứng ra can thiệp. Tưởng cách chức Vương Gia Liệt và thuyên chuyển viên cựu sứ quân Quí Châu về làm việc tại một trường quân sự. Tưởng bổ nhiệm một người của mình vào chức vụ tư lệnh Quí Châu thay thế Vương Gia Liệt. Long Vân không muốn trở thành một Vương Gia Liệt thứ hai.

Lòng tham lam ích kỷ của Tưởng có thể là một yếu tố chính đưa đến thất bại không tiêu diệt được hồng quân, trong lúc hồng quân đang tả tơi chạy qua hết khu vực của sứ quân này đến khu vực của sứ quân khác, mà không một sứ quân nào thực tâm muốn diệt cộng sản, vì họ cũng sợ Tưởng như cộng sản vậy. Nếu các sứ quân của Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam và đông đảo các sứ quân khác tin tưởng vào Tưởng Giới Thạch, và thực tâm ngăn chặn tiêu diệt cộng sản thì hồng quân không thể nào đi hết được cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Ngay tại bến phà Cao Bứnh, hồng quân qua sông suốt chín ngày mà không thấy quân của Long Vân xuất hiện. Có thể giữa Long Vân và hồng quân đã có một sự thỏa hiệp trước chăng? Sau này Long Vân từ bỏ Tưởng Giới Thạch và gia nhập hàng ngũ cộng sản.

Ngày 10-5, khi quốc quân đuổi kịp tới bờ sông Kim Sa thì toàn thể hồng quân đã qua sông an toàn. Hồng quân cũng cẩn thận phá hủy mọi phương tiện chuyển vận qua sông. Quốc quân đành quay về và tìm đường khác ngăn chặn hồng quân. Tuy qua được sông, nhưng sự nguy hiểm của hồng quân chưa hết. Con đường bắc tiến của hồng quân sẽ dẫn họ đi qua một vùng rất nguy hiểm của giống người Lô Lô, một bộ lạc bán khai sống tại một khu vực rất hiểm trở, và rất thù ghét giống người Hán tộc.

Sau khi qua sông, hồng quân đánh chiếm được thị trấn Hoài Lý, và tại đây Mao Trạch Ðông phải tổ chức một đại hội trong một tiệm lò rèn bên ngoài thành phố. Ðã có những sự chống đối Mao trong chiến dịch tại Vân Nam, đặc biệt là Lâm Bưu. Tại Hoài Lý, Lâm Bưu gửi cho Mao một lá thư yêu cầu Mao giao phó trọng trách chỉ huy hồng quân của mình cho Bành Ðức Hoài. Ðây là một hình thức từ chức để phản đối Mao. Lâm Bưu than phiền Mao đã bắt hồng quân phải di chuyển quá nhiều không cần thiết. Lâm Bưu tuyên bố: "Chiến thuật này làm cho hồng quân kiệt lực. Cung cách chỉ huy của Mao sẽ không thể chiến thắng." Lâm Bưu đề nghị bổ nhiệm Bành Ðức Hoài làm tư lệnh chiến trường, và giới hạn quyền của Mao vào các vấn đề chính trị và kế hoạch, cùng với các nhân viên khác trong Bộ chính trị như Chu Ân Lai và Vương Gia Tường. Lần đầu tiên, sau Tuân Nghĩa, Mao phải đương đầu với một thách đố mới.

Bành Ðức Hoài lúc đó 37 tuổi, là tư lệnh gan dạ của đệ tam quân đoàn, một viên tướng có dáng người và vẻ mặt rất oai phong, một thân thể lực lưỡng nhờ một tuổi trẻ lao động cực khổ. Bành có một biệt danh là "Ông tướng miệng rộng", vì khi Bành cười, miệng Bành mở rộng từ tai bên này tới tai bên kia. Bành là con một nông dân nghèo khổ tại Hồ Nam. Bà nội của Bành Ðức Hoài phải đi ăn xin để nuôi các cháu. Chính Bành cũng từng đi ăn xin và làm nghề chăn trâu. Năm 1916 Bành đi lính cho một sứ quân. Về sau Bành được vào học trường quân sự Hồ Nam, và năm 1928 thì Bành gia nhập hồng quân. Thời kỳ hiển hách nhất của Bành là nắm quyền tổng tư lệnh hồng quân tại Cao Ly chống lại quân đội Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ. Sau chiến tranh Cao Ly, Bành Ðức Hoài được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng. Bành là người ăn nói bộc trực. Sau này khi chống lại Mao trong chiến dịch Ðại Nhảy Vọt, Bành bị cách chức, bị bắt, và sau này bị Hồng vệ binh tra tấn, nhưng Bành vẫn một mực quát mắng những kẻ tra tấn mình. Sau đó Bành Ðức Hoài bị bỏ mặc chết về bịnh ung thư.

Lâm Bưu thì khác hẳn Bành Ðức Hoài, cả về hình dáng và tâm trí. Lâm Bưu trẻ hơn Bành Ðức Hoài mười tuổi, người mảnh khảnh nhỏ con, mặt trái soan và có vẻ đẹp trai. Bành Ðức Hoài thường nói chuyện với binh sĩ thuộc hạ, trong khi Lâm Bưu xa lánh binh sĩ thuộc hạ, có thể vì tính tình bẽn lẽn nhút nhát. Lâm Bưu từng chiến thắng những trận danh tiếng, tử tế với thuộc hạ, nhưng ít nói. Lâm Bưu thường thích ở một mình và tránh xa đám đông. Sau này khi tới Diên An, các lãnh tụ cộng sản thường tổ chức những buổi khiêu vũ vào tối thứ bẩy. Các lãnh tụ như Mao, Chu Ðức, Bành Ðức Hoài và Chu Ân Lai rất ham khiêu vũ với những người đẹp đến từ Thượng Hải, nhưng Lâm Bưu thường tránh sàn nhảy, mặc dầu được nhiều người đẹp Thượng Hải mời khiêu vũ. Lâm Bưu cuối cùng kết hôn với Diệp Quần, một trong số những mỹ nhân đến từ Thượng Hải.

Lâm Bưu vốn là một "con cưng" của Mao, cũng như trước kia Tưởng Giới Thạch rất quý mến Lâm Bưu khi Lâm Bưu còn là thuộc hạ của Tưởng, trước khi Lâm Bưu đi theo cộng sản tại Thượng Hải năm 1927. Thân phụ Lâm Bưu là chủ một công xưởng kỹ nghệ tại Hồ Bắc. Năm 1932, lúc mới có 24 tuổi, Lâm Bưu đã trở thành tư lệnh đệ nhất quân đoàn. Bây giờ tại Hoài Lý, Lâm Bưu cũng mới chỉ có 27 tuổi, thế mà đã nổi tiếng can trường và có tài lừa địch quân vào cạm bẫy do mình đặt ra. Lâm Bưu là một viên tướng không bao giờ ra quân mà chưa nắm chắc phần thắng. Sự tương phản giữa hai tướng tư lệnh hồng quân thực là rõ rệt, nhưng họ bổ túc cho nhau trong suốt cuộc Trường Chinh. Lâm Bưu có biệt tài đánh bất ngờ, tấn công vào mạn sườn địch quân hoặc đánh những trận nghi binh. Bành Ðức Hoài sở trường trong những trận đánh trực diện, cận chiến, tàn sát.

Vào lúc hồng quân dừng lại tại Hoài Lý thì hồng quân quả thực mệt nhoài. Ðệ nhất quân đoàn của Lâm Bưu từ ba sư đoàn bây giờ chỉ còn lại hai sư đoàn. Ðệ tam quân đoàn của Bành Ðức Hoài chỉ còn lại bốn trung đoàn. Ðệ ngũ và đệ cửu quân đoàn thì không còn dùng danh từ sư đoàn nữa. Mao phải tổ chức hồng quân một lần nữa, đưa tất cả những nhân viên chính trị ra cầm súng tại các đơn vị quân sự. Trong số những người bị thuyên chuyển từ chính trị sang quân sự trong đợt này có Ðặng Tiểu Bình. Tuy nhiên hồng quân đã chạy thoát các cạm bẫy hiểm độc của Tưởng. Bây giờ họ sẽ đi về hướng nào để tránh những cái bẫy tương tự?

Một số lãnh tụ bắt đầu nghi ngờ sự lãnh đạo của Mao, và kết án Mao đã bỏ chạy trước địch quân, và đã tạo ra một sự phá sản quân sự cho hồng quân. Người ta bắt đầu nói tới một tam đầu chế mới, gồm các tướng Bành Ðức Hoài, Lâm Bưu và Lưu Bá Thừa. Nhưng một lần nữa, Mao lại chứng tỏ tài năng khuyến dụ của mình. Mao dễ dàng đương đầu với các thách đố mới, và mỉa mai đề nghị của Lâm Bưu. Mao chỉ trích sự than phiền của một số lãnh tụ là thiếu tinh thần tiến bộ. Chính Bành Ðức Hoài đã phải làm một bản tự kiểm thảo, và do đó sự chống đối Mao xẹp xuống.

Câu hỏi thứ hai được nêu ra tại đại hội là hồng quân sẽ làm gì sau Hoài Lý. Mao đã đề nghị hồng quân tiến qua khu vực của người Lô Lô để đến sông Ðại Ðộ, mặc dù biết rằng Tưởng sẽ đặt một cạm bẫy tại đó. Hồng quân cũng có thể tránh cầu Ðại Ðộ bằng cách chạy về vùng núi non của Tây Tạng. Nhưng mọi người hy vọng sau sông Ðại Ðộ thì hồng quân có thể gia nhập với quân đội của Trương Quốc Ðào. Toàn thể đại hội đồng ý quyết định của Mao tiến về sông Ðại Ðộ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx