Bây giờ hồng quân phải đương đầu với một thử thách mới: đó là con sông Ðại Ðộ, một con sông nổi tiếng hiểm ác. Ðây là chướng ngại lớn nhất trong suốt cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Sông Ðại Ðộ khởi nguồn từ một cao nguyên băng giá và đổ xuống phía nam rồi gia nhập vào sông Dương Tử. Dòng sông chảy xiết nên không thể dùng làm một thủy lộ được. Ngay việc dùng phà chở người và hàng hóa băng ngang qua sông cũng rất nguy hiểm. Nước sông đập vào ghềnh đá, gầm réo như sấm và tung lên từng đám mây những giọt nước nhỏ như sương mù sau khi đập vào bờ đá. Các điểm qua sông chính là một cây cầu làm bằng xích sắt hoặc giây thừng lớn và bến phà An Sơn Trang.
Trong lịch sử Trung Hoa đã từng có nhiều đoàn quân bị chặn lại, và bị đánh tan tành bên bờ con sông hiểm ác này. Trận đánh gần nhất trong lịch sử là toán quân cuối cùng của loạn Thái Bình Thiên Quốc cũng sa vào hiểm địa này rồi bị quân nhà Thanh bao vây và tiêu diệt trọn mà không có đường chạy trốn. Tại bến sông An Sơn Trang, nước sông réo lớn đến nỗi người ta nói rằng đó là hồn ma của hàng chục ngàn loạn quân Thái Bình than khóc đòi trả thù, vào những lúc canh khuya. Khi đám tàn quân Thái Bình bị vây hãm tại bờ sông Ðại Ðộ mà không có cách gì qua sông được, họ nhất định không chịu đầu hàng. Họ quyết định thà chết đói sau khi ăn hết thịt ngựa, hoặc chết chìm dưới dòng sông hơn là đầu hàng quân nhà Thanh. Loạn quân Thái Bình cũng làm những chiếc mảng thật lớn, chở được khoảng năm ngàn quân, nhưng khi những chiếc mảng này ra đến giữa lòng sông thì bị súng đại bác của quân Thanh bắn tan tành, khiến xác loạn quân làm nghẽn cả dòng sông. Viên chủ tướng của loạn quân Thái Bình đầu hàng mà vẫn bị triều đình nhà Thanh xử tử bằng cái chết xé xác phân thây. Chu Ðức nói với các thuộc hạ rằng nếu hồng quân đầu hàng Tưởng Giới Thạch, thì cũng sẽ chịu chung một số phận như những loạn quân Thái Bình đầu hàng nhà Thanh.
Tưởng Giới Thạch cũng thuộc lịch sử và cũng biết dòng sông Ðại Ðộ có thể là tử địa cho hồng quân. Tưởng ra lệnh cho các sứ quân đồng minh tại Tứ Xuyên là Lưu Hoàng và Lưu Vệ Hồi, và các tướng Quốc dân đảng phải truy nã với hy vọng diệt hết được hồng quân, như trước kia quân nhà Thanh đã tiêu diệt được loạn quân Thái Bình tại bờ sông Ðại Ðộ. Tuy nhiên hồng quân không bao giờ mắc phải cái lỗi lầm sinh tử của loạn quân Thái Bình. Khi loạn quân Thái Bình tới bờ sông Ðại Ðộ, viên chủ tướng đã dừng lại ba ngày bên bờ sông để ăn mừng sinh nhật của đứa con trai mới lên bốn tuổi. Chính việc dừng lại để ăn mừng sinh nhật đã giúp quân nhà Thanh có đủ thời giờ tập trung và bao vây loạn quân Thái Bình. Trái lại, các lãnh tụ hồng quân đều cố gắng vượt con sông càng sớm càng tốt.
Hồng quân có thể dùng ba địa điểm chính để vượt qua sông. Ðịa điểm thứ nhất là cây cầu treo bắc qua sông được gọi là cầu Ðại Ðộ. Ðây chính là con đường lịch sử để đi tới Tây Tạng, Ấn Ðộ và Âu châu, nhưng cũng là con đường khó khăn nhất. Cây cầu được thiết lập từ đời vua Khang Hy năm 1701, do thái thú Lục Ðịnh đứng ra trông coi, vì thế chiếc cầu này cũng còn được gọi là Lục Ðịnh Kiều. Cây cầu làm rất là đơn sơ, chỉ có 13 sợi xích lớn bắc treo ngang dòng sông. Hai bên cũng có bốn sợi xích dùng làm thành cầu để cho người ta có chỗ vịn tay. Thành cầu này rất cần thiết, vì cầu rất tròng trành, nếu không có chỗ vịn, người qua cầu có thể bị hất xuống sông rất dễ dàng. Thân cầu có 9 sợi xích treo song song với nhau, bên trên đặt những tấm ván. Ði lại trên cây cầu Ðại Ðộ rất nguy hiểm, vì không những cầu rất cao mà còn đung đưa như một chiếc võng lớn trên một dòng sông nước chảy cuồn cuộn. Lúc mới làm xong cầu, Lục Ðịnh thu tiền qua cầu. Khi Lục Ðịnh chết rồi thì không ai thu tiền qua cầu nữa, và những người bạo gan, can đảm cứ tự do qua cầu.
Ðịa điểm thứ hai là An Sơn Trang, cách cầu Ðại Ðộ khoảng trên 100 dậm. An Sơn Trang chính là nơi đám loạn quân Thái Bình cuối cùng sa vào tử địa. Tại đây có một bến phà. Ðịa điểm thứ ba là một con đường nhỏ chạy qua Phú Lâm mà hồng quân đang đi tới. Con đường này dẫn tới Vân Nam và Tân Cương.
Bộ tư lệnh hồng quân thi hành một kế nghi binh để đánh lừa quốc quân, trong lúc đại bộ phận của hồng quân tiến tới bến phà An Sơn Trang. Một cánh hồng quân được lệnh tiến tới tấn công Phú Lâm để cầm chân quốc quân tại đây. Lúc đó quốc quân đã bố trí ba trung đoàn tại cầu Ðại Ðộ, một trung đoàn tại bến phà An Sơn Trang, và hai trung đoàn nữa đóng cách bến phà khoảng 10 dậm. Hồng quân quyết định phải dùng bến phà An Sơn Trang để qua sông. Ðây là một thị trấn nhỏ, có chừng trên một trăm gia đình, và do hai đại đội quốc quân phòng vệ. Cả khu vực An Sơn Trang chỉ có một chiếc phà. Hồng quân bắt buộc phải quét sạch trung đoàn quốc quân bên kia sông để chiếm được chiếc phà duy nhất đó.
Vào khoảng gần nửa đêm, toán hồng quân đầu tiên tới một triền sông Ðại Ðộ, cách An Sơn Trang vài dậm. Toán hồng quân mệt mỏi này quyết định nằm nghỉ lại bên bờ sông để đợi lệnh. Trên bờ sông có một vài căn nhà, và bên dưới là một dòng sông gầm réo như tiếng ma kêu quỷ khóc giữa đêm khuya. Trong lúc toán hồng quân mệt mỏi chúi xuống ngủ thì viên chỉ huy nhận được lệnh phải tấn công quốc quân thật bất ngờ, tại An Sơn Trang ngay đêm đó, và chiếm lấy chiếc phà để qua sông. Viên chỉ huy bỗng kinh ngạc trông thấy một chiếc phà của quốc quân đang qua bên này sông. Chiếc phà ấy đã bất tuân lệnh của Tưởng Giới Thạch cấm không cho một chiếc phà nào được qua bên này sông. Thực ra lúc đó bên kia sông chỉ có một trung đoàn của sứ quân Lưu Vệ Hồi. Các toán quân tăng cường khác của quốc quân vẫn chưa tới kịp, nhưng phía quốc quân tin rằng chỉ một trung đoàn của sứ quân Lưu Vệ Hồi cũng đủ cầm chân hồng quân rồi.
Viên trung đoàn trưởng quốc quân là người địa phương nên biết rất rõ đường lối trong vùng. Hắn tin rằng phải một thời gian nữa hồng quân mới có thể tới được bờ sông Ðại Ðộ, vì thế hắn chưa vội cẩn mật đề phòng. Vợ viên trung đoàn trưởng vốn là người An Sơn Trang, vì thế viên trung đoàn trưởng vẫn dùng phà trở lại bên này sông để thăm viếng gia đình vợ và để ăn nhậu. Chính nhờ cơ may này, hồng quân đã bắt sống được viên trung đoàn trưởng và chiếm được chiếc phà. Viên chỉ huy hồng quân chia quân của mình làm ba cánh, một tiểu đoàn tiến chiếm An Sơn Trang, một tiểu đoàn dùng chiếc phà mới bắt được, qua sông tấn công một địa điểm khoảng vài dậm phía lưu vực sông để đánh lạc hướng địch quân, còn một tiểu đoàn ở lại giữ vững vị trí bên này sông.
Toán quân phòng vệ An Sơn Trang không bao giờ ngờ hồng quân có thể đến sớm như vậy. Phần đông còn mải mê chơi mà chược, và khi bất thần thấy hồng quân tấn công thì chỉ còn một cách bỏ chạy tán loạn. Hồng quân chiếm được An Sơn Trang một cách thật dễ dàng. Tiểu đoàn hồng quân dùng phà qua sông gặp khó khăn. Dòng sông thật là hung dữ mà hồng quân thì không biết điều khiển chiếc phà, trong khi đó quốc quân bên kia sông đang chiếm những vị trí thuận lợi để pháo kích hồng quân đang qua sông. Hồng quân đặt một dàn súng máy tại bờ sông, nấp sau những khối đá an toàn. Nhưng vấn đề khó khăn nhất vẫn là làm sao qua được bờ bên kia. Hồng quân không thể bơi qua sông được, vì nước sông chảy cuồn cuộn như thác lũ.
Về sau hồng quân tìm được một số người chèo thuyền, và lựa một số cảm tử quân cho qua sông trong chuyến đầu tiên, với hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ. Ðây là một chuyến đi cảm tử vì quân trú phòng Quốc dân đảng đông đảo hơn, và nằm chờ sẵn trong những vị trí phòng thủ an toàn. Chiếc phà tròng trành nghiêng ngửa và bị hỏa lực của quốc quân bắn xối xả. Nhưng nhờ sự can đảm và hỏa lực yểm trợ quyết liệt của hồng quân, toán cảm tử quân cũng sang được bờ bên kia. Toán hồng quân cảm tử lên được bờ, dùng lựu đạn liệng vào ổ phòng thủ của quốc quân, khiến quốc quân phải rút lui tới những ngọn đồi gần đó. Toán hồng quân cảm tử đã làm chủ được bến phà làm đầu cầu cho hồng quân tiếp tục sang sông.
Hồng quân đuổi theo quốc quân đang rút lui và bắt được thêm hai chiếc phà nữa. Ðến trưa ngày hôm sau thì cả trung đoàn hồng quân đã sang được sông. Trong ba ngày, từ 26 đến 28 tháng 5, ba chiếc phà tại An Sơn Trang đã chở được một sư đoàn hồng quân qua sông. Tuy dòng sông Ðại Ðộ không rộng, nhưng vì nước chảy cuộn xoáy và có nhiều đá ngầm, nên phải mất 4 tiếng đồng hồ cho một chiếc phà đi từ bờ sông phía nam sang bờ sông phía bắc. Với một tốc độ như thế thì phải mất một thời gian khá lâu mới chở hết được hồng quân qua sông. Hồng quân rất e sợ phi cơ quốc quân có thể khám phá ra mục tiêu, và tạo ra những tổn thất khủng khiếp cho hồng quân, trong lúc hồng quân mỗi lúc một tập trung đông đảo hơn bên bờ sông tại An Sơn Trang.
Mao mở một cuộc họp khẩn cấp tại An Sơn Trang với Chu Ðức, Chu Ân Lai, Bành Ðức Hoài và Lâm Bưu. Tất cả quyết định phải tiến về cầu Ðại Ðộ, nguồn hy vọng cuối cùng của hồng quân để thoát về miền bắc Trung Hoa. Nếu hồng quân thất bại tại cầu Ðại Ðộ thì họ đành phải quay trở về đường cũ, qua khu vực người Lô Lô và Vân Nam. Hồng quân muốn tránh số phận đã xảy ra cho loạn quân Thái Bình. Sự thất bại tại cầu Ðại Ðộ có nghĩa là sự thảm bại của cuộc Vạn Lý Trường Chinh và cộng đảng Trung Hoa.
Sáng ngày 23-5, một trung đoàn hồng quân đầu tiên từ An Sơn Trang tiến về phía cầu Ðại Ðộ, một khoảng cách chừng 100 dậm, với nhiệm vụ chiếm cho bằng được cây cầu. Trung đoàn được lệnh trong vòng ba ngày phải tới cầu Ðại Ðộ. Con đường đi thật vô cùng khó khăn, phải đi qua những đường núi gập ghềnh nhỏ hẹp, hết đi lên lại đi xuống những bờ đá cheo leo. Bên trái họ là mép núi, dựng đứng cao vòi vọi, vươn lên tới những đám mây mù mịt, sườn núi quanh năm tuyết phủ. Bên phải họ là con sông chảy như thác, xủi bọt trắng xóa. Toán quân được lệnh tiến quân hỏa tốc chỉ xảy chân một bước là rơi xuống mất tích dưới dòng nước cuồng nộ ngày đêm. Khi đi được khoảng mười dậm thì con sông hẹp lại và bờ đá của hai bên dòng sông rất gần nhau, và quốc quân đóng bên kia sông trong những khe núi an toàn, bắt đầu khai hỏa tấn công hồng quân.
Cuối cùng hồng quân không thể tiến lên được nữa, và bắt buộc phải quay trở lại, tìm một con đường khác an toàn hơn sau rặng núi. Con đường mới tuy mất nhiều thời giờ hơn, nhưng không còn bị quốc quân tấn công ngang sườn nữa. Tuy vậy hồng quân vẫn phải đương đầu với các toán quốc quân phục kích tại một khe núi. Rồi lại có những con sông nhỏ và rất sâu chắn ngang đường tiến quân, và những cây cầu nhỏ bắc ngang qua những con sông này đã bị quốc quân phá hủy rồi. Hồng quân phải chặt cây làm cầu. Tại một khe núi hẹp, một tiểu đoàn quốc quân trấn giữ chờ sẵn từ những mỏm núi bên trên. Hồng quân phải dừng lại, phái một đơn vị đi vòng quanh núi để tấn công phía sau của quốc quân, trong lúc một tiểu đoàn hồng quân khác giả đò tấn công phía trước mặt quốc quân. Quốc quân tập trung hết hỏa lực vào khe núi trước mặt, và không phòng thủ mặt sau.
Chừng một giờ sau, hậu quân của quốc quân chợt rối loạn. Rồi hồng quân ở cả hai mặt tiền và hậu xung phong tàn sát khiến quốc quân phải bỏ chạy. Ngày 24-5, khi còn cách cầu Ðại Ðộ 60 dậm nữa thì trung đoàn nhận được lệnh của Lâm Bưu, buộc trung đoàn phải tiến thật nhanh và phải chiếm được cây cầu ngày 25-5. Lúc đó lực lượng chính của quốc quân cũng đang tiến về cầu Ðại Ðộ, và nếu hồng quân không chiếm ngay được cây cầu thì cơ may không bao giờ tới nữa. Trung đoàn hồng quân đành phải cố gắng thi hành mệnh lệnh, không dám dừng lại để ăn uống, mà phải vừa đi vừa nhai gạo sống cho đỡ đói. Nhiều người buồn ngủ và sợ có thể bị té xuống sông trong lúc di chuyển, nên hồng quân đã phải dùng thừng quấn ngang bụng, nối liền cả một tiểu đội vào với nhau, để khi một người lao đao sắp té thì người khác kịp níu lại.
Một chướng ngại nữa trước khi tới cầu Ðại Ðộ là núi Mãnh Hổ, tại đó quốc quân đã phòng thủ cẩn mật. Cũng may cho hồng quân lúc đó là mùa sương mù. Chính sương mù dầy đặc đã giúp hồng quân tiến sát được tới các vị trí phòng thủ của quốc quân mà không bị khám phá. Hồng quân thảy lựu đạn vào các vị trí phòng tuyến đầu, khiến quốc quân hoảng hốt bỏ chạy. Tuy vậy hồng quân vẫn còn cách cầu Ðại Ðộ trên 20 dậm nữa. Hồng quân phải trèo lên ngọn núi Mãnh Hổ, và đúng lúc đó thì trời đổ một trận mưa thật lớn như trút nước xuống, khiến cuộc tiến quân càng thêm chật vật trên những con đường cheo leo và bùn trơn như mỡ. Khi qua được bên kia núi Mãnh Hổ, hồng quân trông thấy quốc quân bên kia sông cũng đang vội vã tiến tới phòng thủ cầu Ðại Ðộ. Hồng quân bắt buộc phải tới cây cầu đúng 6 giờ sáng ngày hôm sau. Chợt quốc quân bên kia sông đốt đuốc sáng rực lên, chứng tỏ quốc quân nhất quyết đi suốt đêm để tới cây cầu. Hồng quân cũng tìm những cây xậy để làm đuốc, và bỏ lại tất cả lừa ngựa, hành lý và vũ khí nặng, và chỉ đem theo vũ khí cá nhân cho nhẹ để tiến mau lẹ hơn. Hồng quân đang chạy đua với quốc quân bên kia sông để cố tới cây cầu trước đối phương. Dòng sông Ðại Ðộ bỗng đỏ thẫm vì ánh lửa rọi xuống từ hai bên bờ. Nhưng quốc quân bên kia sông lại tưởng hồng quân là một đơn vị quốc quân khác cũng đang tiến tới bảo vệ cầu Ðại Ðộ.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 25, trung đoàn hồng quân tới được cầu Ðại Ðộ đúng như dự định, và chiếm được đầu cầu bên này. Khi trông thấy cầu Ðại Ðộ thì tất cả hồng quân đều giật mình trước sự nguy hiểm của cây cầu. Quốc quân đã lột đi những tấm ván lót cầu về phía hồng quân rồi, và cây cầu chỉ còn lại 9 sợi xích, mỗi sợi lớn bằng miệng một cái tô lớn, đang đung đưa song song với nhau. Thật xa bên dưới, tiếng nước chảy cuồn cuộn và réo đến điếc tai. Không ai có thể lội qua khúc sông này được, và cây cầu là phương tiện duy nhất để qua bên kia sông. Bên kia sông là thị trấn Lục Ðịnh, có hai trung đoàn quốc quân canh phòng, và đã xây cất một chiến lũy kiên cố dọc theo triền núi. Quốc quân tin tưởng đến nỗi reo hò thách thức hồng quân tiến qua cầu.
Hồng quân bắt buộc phải chiếm cây cầu ngay, và tuyển lựa được 33 người gan dạ nhất cho vào toán cảm tử vượt cầu. Toán cảm tử tiền phong đều còn rất trẻ, dưới tuổi hai mươi. Tất cả đeo súng Mauser, dao găm và lựu đạn quanh thắt lưng. Khi toán cảm tử phóng chạy ra cầu thì hồng quân dùng súng máy bắn yểm trợ rất dữ dội, giúp cho toán cảm tử tới được cây cầu, nhưng hoả lực đáp lễ của quốc quân cũng rất ác liệt. Khi tới sát cây cầu, toán cảm tử tiền phong không dám bước lên những sợi giây xích sắt, vì như thế dễ trở thành mục tiêu cho xạ thủ quốc quân. Tất cả đều dùng tay đánh đu vào những giây xích sắt, và từ từ nhích tiến sang phía bên kia cầu. Sức nặng của 33 hồng quân cảm tử làm cho cây cầu lúc lắc rất mạnh, như một chiếc võng lớn. Nhờ sự lúc lắc ấy, toán cảm tử hồng quân trở thành một mục tiêu di động, khiến quốc quân khó bắn trúng được.
Nhưng dần dần quốc quân cũng bắn trúng được mục tiêu của họ, nhất là khi quốc quân dùng súng máy quạt hàng loạt dọc theo những sợi giây xích sắt. Nhiều hồng quân đã bị bắn trúng và rơi xuống dòng sông chết tan xác. Trong số 33 hồng quân cảm tử đầu tiên chỉ có ba người sống thoát, đu được sang tới đầu cầu bên kia. Nhưng bây giờ bên phía hồng quân không cần phải tuyển lựa người tình nguyện nữa. Ngay khi một người bị bắn rơi xuống sông thì hàng chục người khác lao ra, thay thế cho người đã bị bắn hạ. Thật là một cuộc chạy đua bằng tay với tử thần! Quang cảnh một trận đánh hy hữu này đã gây xúc động nhiều cho hồng quân, và họ bỗng cảm thấy họ trở thành những người bất tử, và họ phải chiến thắng mọi trở lực trước mặt. Khi hàng ngàn hồng quân cứ tiếp tục dùng tay chuyển qua cây cầu xích sắt, bất kể bao nhiêu người đã bị bắn hạ rơi xuống sông, thì phía quốc quân trở nên kinh hoàng, một nỗi kinh hoàng khi tin chắc rằng sẽ bị tràn ngập và bại trận.
Quốc quân nhận thấy hồng quân sắp sửa tiến tới đầu cầu còn ván gỗ, nên bằng một quyết định tuyệt vọng, quốc quân dùng dầu hôi đổ lên cây cầu và châm lửa đốt lửa phá cầu. Một số hồng quân nhanh nhẹn nhất đã tới được chỗ cầu còn ván, liều mạng chạy băng qua khoảng lửa cháy, và liệng lựu đạn vào đám quốc quân đông đảo đang đứng bên kia đầu cầu. Càng lúc càng có thêm hồng quân vượt qua được khoảng lửa cháy, và một trận cận chiến xảy ra, nhưng càng lúc hồng quân càng chiếm ưu thế khi số hồng quân qua được cầu đông thêm.
Bên này cầu, Mao ra lệnh chặt thật nhiều cây, cưa thành từng khúc và kéo lên cầu thay thế những ván cầu đã bị quốc quân tháo gỡ đi. Sau đó hồng quân ùa tiến qua cầu như thác lũ. Hai trung đoàn quốc quân thấy thế nguy liền bỏ chạy. Hồng quân lập tức củng cố lại các đơn vị và chờ đợi cánh quân của Lâm Bưu tới. Lâm Bưu dẫn một quân đoàn vượt qua sông Ðại Ðộ tại An Sơn Trang, và được lệnh tiến lên phía cầu Ðại Ðộ để gặp Mao. Ngay đêm đó hồng quân kinh ngạc khi thấy nhiều binh sĩ quốc quân quay trở lại, và tình nguyện gia nhập hồng quân. Họ phải đi theo hồng quân không phải vì họ thích cộng sản, mà vì họ kinh sợ cơn giận dữ của Tưởng Giới Thạch, khi họ thất bại không giữ được cây cầu chiến lược này. Mao vui lòng chấp nhận sự đầu hàng của binh sĩ quốc quân. Mao thấy không cần phải đuổi theo đám tàn quân Quốc dân đảng nữa, vì đã có Tưởng Giới Thạch trừng phạt họ.
Ngày hôm sau Lâm Bưu và quân đoàn của Lâm Bưu tới nơi, sau khi đánh bại được các ổ phục kích của quốc quân. Ngay sau khi người lính hồng quân cuối cùng qua cầu Ðại Ðộ, hồng quân lập tức tháo gỡ những khúc cây và những ván đóng trên cầu liệng xuống sông, với mục đích không cho quân của Tưởng Giới Thạch dùng được cây cầu ngay. Mao và các cấp lãnh đạo hồng quân họp bàn để quyết định nên tiếp tục cuộc Vạn Lý Trường Chinh theo con đường nào. Bây giờ không còn lực lượng của Tưởng Giới Thạch ngăn cản giữa lực lượng của Mao và chiến khu của Hạ Long và Trương Quốc Ðào nữa. Hai phe cộng quân chỉ còn cách nhau khoảng 100 dậm nữa. Nhưng giữa họ là rặng núi Ðại Tuyết Sơn cao vòi vọi và quanh năm phủ tuyết. Hồng quân phần lớn là người miền nam nên không quen với việc trèo núi, và cũng không quen với tuyết lạnh.
Bây giờ hồng quân có ba lựa chọn: Thứ nhất là đi về phía tây rặng núi Ðại Tuyết Sơn để tiến về Tây Tạng, đi qua những vùng có dân cư và những người Tây Tạng đầy thù nghịch. Hồng quân cũng có thể đi vòng phía đông rặng Ðại Tuyết Sơn, nhưng chắc chắn sẽ gặp phải đại quân của Tưởng Giới Thạch, một điều vô cùng nguy hiểm cho đám tàn quân cộng sản đã vô cùng mỏi mệt. Sự lựa chọn thứ ba và hợp lý nhất của hồng quân là phải trèo qua ngọn núi Ðại Tuyết Sơn cao hơn 16 ngàn bộ. Trong hồng quân có một số người thuộc bộ lạc Lô Lô đã từng đi qua núi Ðại Tuyết Sơn. Với sự hướng dẫn của người Lô Lô, Mao và hồng quân bắt đầu tiến vào rặng núi Ðại Tuyết Sơn và phải đụng độ với bộ lạc Phàn, một giống dân rất hiếu chiến, đã hùng cứ tại rặng núi này từ lâu đời.
@by txiuqw4