sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Viết Dưới Ánh Đèn Dầu - Phần 5

BÙI THANH PHƯƠNG - TRẦN HẬU TUẤN

Hà Nội tháng chín năm 2000

Nhân kỷ niệm tám mươi năm ngày sinh của Họa sĩ Bùi Xuân Phái (1.9.1920-1.9.2000)

Sưu tầm và biên soạn.

Nghệ thuật cũng như các họa sĩ đích thực, Bùi Xuân Phái luôn cảm thấy rõ tính chất "nghiệp" hơn là tính chất "nghề" của nghệ thuật. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn ông phải làm nhiều việc khác ngoài vẽ để sinh nhai như dạy học, minh họa báo, vẽ thiết kế cho các đoàn kịch... song bất cứ ở đâu, lúc nào, ông cũng ưu tiên cho hội họa với những quan điểm thực tế hơn là một ý tưởng viển vông. Ông mong không nên để Nghệ sĩ nghèo khổ quá lâu, mong có sơn dầu tốt, tấm toan lành để vẽ và có xưởng vẽ bề bộn. Khi những thứ tưởng chừng bình thường đó cũng không dễ có, thì ông tự nhủ và nhắc các Họa sĩ tối thiểu cần có một cây bút chì, một tờ giấy bất kỳ và luôn vẽ bằng dầu. Bùi Xuân Phái phê phán lối đào tạo máy móc của trường Mỹ thuật khiến nhiều người tốt nghiệp lâu năm vẫn không thoát khỏi trường quy. Trong sáng tạo nghệ thuật ông luôn dành thời gian cho sự quan sát tự nhiên, ghi chép cẩn thận và đầy đủ, nắm bắt thực tế rồi vượt qua nó, khái quát và trừu tượng hóa nó, để nâng một hình ảnh thị giác lên đến mức ý tưởng.

Nghệ thuật là gì? Là điều Bùi Xuân Phái trăn trở. Hàng trăm điều ông viết dường như không dòng nào không liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nghệ thuật. Bằng cách này hay cách khác ông phát hiện những giá trị giả của nghệ thuật, những hội họa "moderne" xu thời, sự quá tay của vài họa sĩ tỏ ra lão luyện, dùng nhiều xảo thuật trong nghệ thuật. Ông liên tục quan sát tự nhiên, so sánh nó với cách thể hiện, thường xuyên xem tranh tìm chỗ thái quá bất cập của đồng nghiệp để tự rút kinh nghiệm cho mình.

Các bài viết về Bùi Xuân Phái

Tên tuổi của họa sĩ Bùi Xuân Phái không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được người hâm mộ hội họa nhiều nước khâm phục. Singapore là một trong những nước Đông Nam Á rất ngưỡng mộ tài năng hội họa của Bùi Xuân Phái. Năm 2002, Benny Lim, hai mươi hai tuổi (ảnh), diễn viên kiêm đạo diễn Singapore - một người đam mê hội họa và tranh Bùi Xuân Phái, đã có ý định đưa cuộc đời nghệ thuật của Bùi Xuân Phái lên sân khấu.

Lim đã tìm gặp anh Bùi Thanh Phương, con trai cố họa sĩ, xin phép được dựng một vở kịch độc thoại về cha anh. Lim nói: “Ông Phương cảm thấy bất ngờ nhưng hoàn toàn ủng hộ ý định của tôi.”

Nhân dịp này, báo The Straits Times đã giới thiệu vắn tắt thân thế và sự nghiệp của Bùi Xuân Phái: Được đào tạo tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Đương từ thế kỷ trước, họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) đã sáng tác những bức tranh kết hợp trường phái châu Âu với truyền thống hội họa phương Đông. Ông được coi là một trong những nghệ sĩ hội họa nổi tiếng nhất VN... Những năm chín mươi các nhà sưu tập quốc tế mới phát hiện những kiệt tác của ông và giá tranh Bùi Xuân Phái tăng vọt, có bức tới trên 9.000 USD.

Vở kịch độc thoại do chính Benny Lim đóng vai Bùi Xuân Phái, có bốn diễn viên phụ thể hiện các trích đoạn chèo, môn nghệ thuật truyền thống mà sinh thời Bùi Xuân Phái rất say mê và từng vẽ nhiều tranh giới thiệu. Rất tiếc là trong vở kịch không kết hợp giới thiệu được tranh Bùi Xuân Phái vì không giải quyết được thủ tục xin phép bản quyền. Thay vào đó, trước khi xem kịch diễn tại sân khấu Viện Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, khán giả được xem triển lãm những trang nhật ký của Bùi Xuân Phái được gia đình ông lưu giữ trong suốt ba mươi năm. Được trình diễn trong tuần lễ chuẩn bị đón xuân Quý Mùi vừa qua, vở kịch giới thiệu tư duy sáng tạo của Bùi Xuân Phái trong ba thời kỳ lịch sử của Việt Nam: Thời kỳ thuộc Pháp, hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ và những năm sau chiến tranh.

Benny Lim là một họa sĩ nghiệp dư, đã vẽ nhiều tranh màu nước về nhà cửa phố sá, chịu ảnh hưởng của tranh “phố Phái”.

Phố PHÁI và Mùa Xuân Vĩnh Cửu

Trong ký ức của họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai duy nhất còn lại của ông, thì danh họa Bùi Xuân Phái "có một tuổi thơ kéo dài cả đời". Không chỉ các con ông, mà rất nhiều người được sống gần Bùi Xuân Phái, đã bị ảnh hưởng ông tới mức họ nhìn bằng cái nhìn của Bùi Xuân Phái, căng đo cái đẹp bằng thước đo của ông, họ trông ông để sống, ứng xử và giữ mình. Giữ trong lành cho tâm hồn, giữ tự trọng cho nghệ thuật mình đeo đuổi, và giữ để giữa những thống khổ không nguội tắt đi ngọn lửa đam mê.

Họa sĩ có một người vợ rất đỗi tảo tần, hiền hậu. Bà mang cái tên bình dị: Nguyễn Thị Sính. Gương mặt bà tỏa nét đôn hậu, mộc mạc khiến người ta ấm lòng, cái nét khoẻ khoắn sống động, hiện lên chung thủy trong hàng trăm bức tranh của Bùi Xuân Phái. Bà Phái là người ông vẽ nhiều nhất, ông vẽ bà từ khi còn là một thiếu nữ, theo thời gian đến khi người bạn đời của ông đã là một bà lão - số chân dung ông vẽ bà còn nhiều hơn số ảnh bà chụp. Ngay cả trong những bức ký họa của họa sĩ, mọi gương mặt phụ nữ đều thấp thoáng mang hình ảnh bà - như một ám ảnh trong tâm hồn về người đàn bà của đời ông, để mỗi khi đưa bút, gương mặt thương yêu và hiền hậu ấy lại hiện về.

Ông Phái lãng đãng, ông rất yêu con nhưng không biết tắm cho con, không biết cho con ăn, không biết gì về chuyện tiền nong hay việc nhà. Cuộc sống bấp bênh, Bùi Xuân Phái là họa sĩ tự do, thu nhập từ tranh minh họa và tranh vui không đủ mua họa phẩm. Toàn bộ gánh nặng kinh tế dồn lên vai người vợ tảo tần. Mấy chục năm làm bạn, bà chẳng dám nghĩ rồi ông sẽ nổi tiếng, bà cũng không hiểu tranh của ông. Với bà, tận tụy với chồng là một bổn phận. Cứ lặng lẽ - bà thu xếp cuộc sống cho ông, chu đáo tới từng ly cà phê sáng, từng chén rượu nhỏ lúc nào cũng có sẵn trong nhà. Năm đứa con lít nhít trứng gà trứng vịt, suốt ngày quấy nhiễu khóc lóc, nhà cửa cực kỳ bừa bộn, sơn màu vẩy lung tung... ông Phái chỉ biết vẽ và xem báo, bà Sính "hầu" chồng cũng quen và chẳng thấy khó chịu: "Từ hồi lấy nhau, chưa bao giờ ông Phái biết thổi nồi cơm. Có lần đi sơ tán, tôi vo gạo sẵn, đánh dấu vào thành nồi, dặn ông: “Ông châm bếp dầu, đổ nước theo chừng này, chờ nước sôi, dùng đũa ghế, cơm cạn, hãm nhỏ lửa.” Ông rất nhiệt tình làm theo tất cả, nhưng chỉ quên... cho nước vào, nồi cơm thành gạo cháy khét lẹt, từ đó tôi cũng chẳng dám nhờ!"

Nhà chật, trẻ con trong nhà đùa nhau ngã oành oạch vào tranh vẽ dở và bê bết màu. Ông thường thức trắng đêm để làm, chờ các con ngủ hết ông mới căng toan dưới đất và ngồi vẽ. "Xưởng vẽ" của ông là góc nhà chỉ rộng hai mét vuông, sau này khi cậu con trai Bùi Thanh Phương cũng vẽ cùng thì cái "xưởng" ấy phải chia đôi, mỗi người chỉ đủ ngồi, xoay lưng là chạm nhau. Điều ấy lý giải vì sao Bùi Xuân Phái có tới hàng ngàn bức tranh mi ni, bởi ông không có chỗ để đặt vừa một bức toan rộng. Không ngày nào họa sĩ không vẽ, bởi vẽ là giải bày, là độc thoại với nỗi đơn độc, tình yêu, những bình yên hay bấn loạn trong tâm hồn mình. Với ông, vẽ là sống. Sau này gia đình có giữ được khoảng năm trăm tranh sơn dầu và bột màu của Bùi Xuân Phái, số tranh của ông đang lưu lại trên thế giới còn hơn thế rất nhiều.

Từ 1978, Bùi Thanh Phương bắt đầu "can thiệp" vào sự nghiệp của bố. Anh căng toan, soạn màu như một người phụ tá bên cạnh ông và quản lý tranh của ông (bởi nếu không ông sẵn sàng cho hết). Ông Phái tính tình hào hiệp rộng rãi, nhiều lần tỏ ra khó chịu khi con giữ tranh mình kỹ quá, ông nói: "Bán được tranh là niềm vui, thì sao tặng tranh không là niềm vui?" Lũ trẻ lít nhít bạn con đến nhà, thích tranh gì là ông tặng. Sau này những người ấy, khi gặp khó khăn, hoặc khi lấy vợ - những bức tranh của ông Phái đã đổi cho họ một đám cưới, một căn bếp, hoặc trợ giúp vật chất để họ qua cơn hoạn nạn... Có lẽ đấy cũng là Phúc của Phái để lại cho mọi người.

Không qua trường lớp mỹ thuật, Bùi Thanh Phương tự học bố từ cách căng toan cho đến bồi giấy, pha màu, học về bố cục, hòa sắc và lớn nhất là sự chân thành và nghiên cẩn với tình yêu của chính mình. Ông không bình luận về công việc của con, khi không hài lòng thì ông im lặng. Chính vì thế, khi thấy bố không nói gì trước một bức tranh mình vừa vẽ xong, Phương rất hoảng. Phương vẫn nhớ là, khi anh mười sáu tuổi có vẽ một bức bột màu mà bố rất thích. Họa phẩm khi ấy quý hơn vàng, ông Phái có một bức toan rộng và ít sơn dành dụm mãi, vậy mà ông yêu cầu con trai chuyển tranh từ giấy sang sơn dầu. Phương thì không nỡ lấy toan của bố, nhưng đối với anh đó là một kỷ niệm đặc biệt, bởi tác phẩm ấy - anh đã được họa sĩ Bùi Xuân Phái công nhận. Với Bùi Thanh Phương, bố anh là một thần tượng: "Bố tôi quá lớn lao, tôi đi mãi, ngẩng mặt lên vẫn thấy mình đang ở dưới bóng trùm của ông. Bốn lăm tuổi, tôi vẫn bị so sánh và phải mang gánh nặng là con trai của Bùi Xuân Phái, điều ấy đôi khi cũng thật mệt mỏi..."

Mùa đông năm 1964, ngôi nhà 87 Thuốc Bắc làm thêm căn gác xép. Căn gác gỗ lấy chiều cao của nhà thơ Quang Dũng làm chuẩn (nhà thơ "Tây Tiến" là người cao nhất trong số bạn bè của ông Phái). Đây trở thành xưởng họa của ông. Từ tám mét vuông gác xép ấy, không biết bao nhiêu bức họa danh tiếng đã ra đời. Có nơi chốn riêng, ông bám lì để vẽ, ngay cả lúc còi báo động rú ầm ngột ngạt thành phố, Bùi Xuân Phái vẫn vẽ dưới ánh đèn dầu về một Hà Nội cổ kính, khi Hà Nội của ông đang mang đầy thương tích chiến tranh.

Bùi Xuân Phái là họa sĩ phát hiện ra vẻ đẹp của phố cổ. Với ông, vẽ phố được làm như một sinh hoạt bình thường, dường như không có ngày nào ông không có nhu cầu vẽ về nó. Ông vẽ phố như đang trò chuyện với người bạn tri kỷ, câu chuyện không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc. Ông bắt được vẻ đẹp của phố cổ khi ngồi uống cà phê, khi đi bộ một mình trên đường, khi ngồi trầm ngâm bên chén rượu trắng, và cả khi đếm lại những ký ức nhọc nhằn của cuộc đời mình. Ông vẽ phố trên giấy báo, gỗ, bao thuốc, vỏ hộp diêm, vải bao tải, trên những tấm toan căng nuột nà... Phố Hàng Bè, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Nguyễn Hữu Huân, ngõ Gia Ngư, ngõ Gạch... đã đi vào hàng trăm bức họa của Bùi Xuân Phái, mỗi bức cảm động như chân dung thân phận một con người, mỗi bức phố dường như một lần thay lời nói về tình yêu của ông dành cho Hà Nội.

Phố cổ qua lăng kính tâm hồn ông buồn và đạm bạc. Phố của Bùi Xuân Phái luôn lặng lẽ. Dù là phố về đêm hay ban ngày, phố có người, có quán hay đôi khi chỉ là những nét run rẩy thì vẫn im lìm như không người. Một ông đồ già che ô, một phụ nữ dáng tất tả đi qua khung cửa nhìn xiên, dăm người trong quán trà quạnh vắng bên vỉa hè... đó là những "nét động" khe khẽ không đủ thức phố khỏi giấc mơ êm đềm... Nhưng đã có thời, những bức tranh phố cổ của ông bị nhìn nhận là vô bổ. Triển lãm Hà Nội hàng năm, tranh phố tham dự của ông đều bị loại. Ông vẫn biết tranh ông sẽ bị loại, nhưng là hội viên Hội Văn Nghệ thì bắt buộc phải có tranh. Tự tay ông cầm tranh về thì thấy khổ tâm và tủi, nên Bùi Thanh Phương thường thay bố làm công việc "cực chẳng đã" này. Ngay cả mảng tranh về Chèo, một gia tài vô giá của hội họa Việt Nam, cũng đã từng bị từ chối công nhận. Mặc dù vậy, ông vẫn điềm tĩnh vẽ, độc lập, kiên định với quan niệm nghệ thuật của mình. Họa sĩ Bùi Thanh Phương nói: "Tôi thương ông vì ông luôn là người cô độc trong tinh thần, ông không chia sẻ được tư tưởng với ai. Chắc chắn bố tôi ý thức được về tài năng của mình, nên ông cứ lặng lẽ can đảm trên con đường độc đạo.”

Cuộc sống của gia đình họa sĩ bắt đầu bớt vất vả từ những năm 1980, khi tranh của Bùi Xuân Phái được giới chơi tranh tầm mua. 1984 là năm đánh dấu mốc quan trọng của cuộc đời ông: ngày 22/12 mở triển lãm tác phẩm hội họa của Bùi Xuân Phái - đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của mỹ thuật của nước nhà sau khi thống nhất.

Chuẩn bị cho triển lãm, cả nhà nhộn nhịp căng toan, lồng khung... họa sĩ thì háo hức hơn bao giờ hết, có lẽ chưa bao giờ ông vui như thế. Năng lượng sáng tạo của ông quá mạnh, một trăm linh tám bức của triển lãm, ông vẽ chỉ trong sáu tháng, mà hầu hết là những tác phẩm tuyệt vời.

Cả đời họa sĩ có ao ước lớn nhất là được đi Pháp, đến thăm bảo tành Louvre và tận mắt ngắm những bức tranh của Picasso - bậc thầy hội họa mà ông ngưỡng mộ. Lúc Hội Mỹ Thuật thông báo ông được chính phủ Pháp mời qua thăm thì Bùi Xuân Phái đã không thể đi được - ông bị ung thư phổi đã sang giai đoạn di căn! Đó là những ngày không thể quên đối với gia đình ông. Bà Sính kể: "Hôm ông Phái đi triển lãm tranh Văn Dương Thành về, chợt bảo vợ: “Này, cánh tay tôi một bên bị béo ra.” Tôi lập tức đi mời bác sĩ, bác sĩ bảo anh bị viêm họng, nhưng lại gọi tôi ra nói: “Anh Phái bị ung thư mất rồi.” Mọi người giấu không cho ông biết, ông sợ vào bệnh viện nên cứ thấy ông hơi khoẻ ra tôi lại cho các con đón ông về, quạt bún chả cho ông ăn, ông rất thích..."

Những ngày còn lại của cuộc đời, Bùi Xuân Phái hối hả vẽ. Ông sai con trai hạ hàng loạt tranh xuống sửa sang, vẽ thêm, và một số bức bị ông xóa sạch. Ông vẽ lại tất cả những gì chợt hiện ra trong ký ức mình: phố, hoa, những đứa con ở xa, và người vợ hiền tần tảo... Mùa hạ, trước khi vào bệnh viện, ông còn cố vẽ phố Nhà Thờ, phố Nhà Hỏa, hai con phố nhỏ gần nhà ngập trong nắng, rất đẹp và sáng sủa. Bệnh dập ông chỉ trong hai tháng. Ông than mệt nhiều, trước khi đi mười ngày ông bị mất tiếng, không nói được, muốn diễn đạt gì phải viết ra giấy. Họa sĩ Bùi Thanh Phương kể: "Gia đình cố giấu ông về bệnh tật, nhưng tôi lại có cảm giác là bố tôi lại cố đóng vai vui vẻ, như thể ông không biết gì, để mẹ và chúng tôi không đau lòng thêm. Ông đã đón đợi cái chết một cách bình thản nhất."

Trên giường bệnh, ông vẽ bức tự họa cuối cùng: gương mặt gầy hốc hác, chỉ có đôi mắt ngùn ngụt sáng - "trong lúc ốm đau thời gian đi cực kỳ là chậm. Nhất là đêm gần về sáng" - đó là những dòng nhật ký cuối cùng ghi bằng nét bút máy run run dưới góc bức tranh. Ngày 24/6/1988, trái tim họa sĩ Bùi Xuân Phái đập những nhịp đập cuối cùng...

Cuộc đời Bùi Xuân Phái là một bức chân dung lớn về nhân cách người nghệ sĩ: ông thương yêu, tha thứ và làm việc... Sáu mươi tám mùa thu, ông đã đi trọn một vòng hào quang rực rỡ để trở thành một trong những danh họa bậc nhất của Việt Nam thế kỷ XX. Những người Việt Nam dù có lưu lạc ở phương trời nào, nếu may mắn được gặp ông, sẽ thấy lòng mình ấm áp và được an ủi. Bởi qua tranh của Bùi Xuân Phái, họ đã gặp được mùa xuân vĩnh cửu của nghệ thuật đích thực - thứ nghệ thuật dung dị và luôn cảm động, vì đã vinh danh con người và vẻ đẹp của đời sống này! Còn Hà Nội, với tình yêu và lòng biết ơn, đã ghi tên ông vào 1000 năm thiêng liêng của mình - Phố Phái!

Tranh Phái về lại phố.

Vẫn số nhà 87 như xưa, trên tường nhà treo đầy tranh Phái. Những bức ký họa chân dung bạn bè, người thân, những bức tranh chèo... và nhiều nhất vẫn là tranh phố cổ. Người đồng nghiệp đi cùng ngậm ngùi: "Nghĩ cũng lạ, mình là người Hà Nội hẳn hoi. Ngày nào cũng đi qua những dãy nhà này, phố này, vậy mà nhìn tranh phố Phái vẫn thấy có nét gì thật là đặc biệt."

Có lẽ, nếu không có tranh của Bùi Xuân Phái, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ không thể hình dung được diện mạo và cái hồn của phố cổ. Thế nhưng tranh của Bùi Xuân Phái nói chung, tranh phố của cụ nói riêng giờ còn lại ở Việt Nam không phải là nhiều.

Theo lời anh Bùi Thanh Phương, con trai thứ của cụ Phái và cũng là người đang ngày đêm cùng bạn bè và những người yêu tranh Phái đi tìm lại dấu vết và các bức tranh của cụ thì tranh Bùi Xuân Phái hiện ở nước ngoài nhiều hơn Việt Nam. Một số nằm trong các viện bản tàng còn hầu hết là thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tranh tư nhân cỡ bự. Tranh Phái ở châu Âu, chỉ tính riêng tại Pháp và Thụy Điển đã lên tới vài trăm bức. Giá của những bức tranh này ngày một lên cao.

Về việc tranh của Bùi Xuân Phái bị thất thoát nhiều, bà Nguyễn Thị Sính, vợ ông tâm sự: "Một phần cũng do nhà tôi là một người cực kỳ hào phóng. Cả cuộc đời tôi chưa thấy ông từ chối lời hỏi xin tranh của bất cứ người bạn, người yêu tranh nào. Hầu như không bao giờ có ý định giữ riêng cho mình một bức tranh nào cả."

Âu cũng đúng thôi, đó mới là con người thật của họa sĩ Phái. Ông đã chẳng viết "con người hiếu danh, hám lợi mà muốn thành một nghệ sĩ ư? Chao ôi!" là gì. Người nghệ sĩ chân chính không bao giờ nghĩ đến tiền hay tính thiệt hơn. Biết vậy, nhưng vẫn không khỏi buồn khi chung số phận với tranh Bùi Xuân Phái còn có nhiều bức họa nổi tiếng của các cây đa, cây đề khác trong làng mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là những thế hệ đầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Mới đây, có tin bức Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân được định giá lên tới hơn 70.000 USD. Nghe con số thấy giật mình, cứ đà này chả mấy chốc mà các họa phẩm được đánh giá là tuyệt tác của Việt Nam sẽ "chảy máu" ra nước ngoài hết cả. Mà lại thấy trớ trêu cho thân phận những người họa sĩ phải chịu bao khổ nhọc khó khăn như cụ Phái cả đời chỉ mong có sơn dầu tốt, có tấm toan lành để vẽ nên những bức tranh (có ai ngờ nay làm phương tiện kiếm lời lớn cho kẻ khác.)

Cũng may mà anh Bùi Thanh Phương, con của họa sĩ, cho biết một tin mừng. Thời gian vài năm trở lại đây anh và một số người bạn của mình đã tìm mua lại được nhiều bức tranh của Bùi Xuân Phái. Trong đó, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã thu về được hơn một trăm hai mươi bức. Nhân kỷ niệm mười lăm năm ngày mất của Bùi Xuân Phái vào 24/6 này, anh Tuấn sẽ trưng bày sáu mươi tác phẩm mới tìm được tại Triển lãm 14 Lý Chính Thắng, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong dịp này, anh Bùi Thanh Phương và Trần Hậu Tuấn cũng sẽ cho tái bản cuốn sách Viết dưới ánh đèn dầu với cái tên mới Tâm tư nghệ thuật. Đây là chút lòng thành của những thế hệ người yêu tranh Phái Việt Nam dành cho người họa sĩ tài ba suốt đời tâm niệm: "Thế kỷ qua đã vẽ. Thế kỷ ngày nay đang vẽ và những thế kỷ ngày mai sẽ vẽ. Và cái đáng kể là nghệ thuật cứ tiến lên mãi. Thời đại nào nghệ thuật nấy. Con người bao giờ cũng muốn vươn tới cái mới nhất, đẹp nhất."

(Theo Văn Hóa)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx