sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Việt Sử Giai Thoại (Tập 1) - Chương 33 - 34

33 - THƯƠNG HẠI THAY! TUỚNG QUÂN HẦU NHÂN BẢO

Năm 960, Triệu Khuông Dận lên ngôi Hoàng Đế, đó là Tống Thái Tổ, vị vua đầu tiên của nhà Tống (960 – 1278). Cũng như bao Hoàng Đế Trung Hoa khác, ngay sau khi lên ngôi, Tống Thái Tổ đã mưu tính kế sách bành trướng xuống phươngNam. Nhưng, kế sách chưa thực hiện được thì Tống Thái Tổ qua đời. Hoàng Đế kế vị là Triệu Khuông Nghĩa (tức Tống Thái Tông) quyết nối chí lớn của Tống Thái Tổ, ngày đêm lo nghĩ mưu đồ thôn tính nước ta. Đang khi Tống Thái Tông chưa tìm được cơ hội thuận tiện, thì ở nước ta, Đinh Tiên Hoàng qua đời và ngay sau đó là cuộc xung đột vũ trang giữa phái của Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp với phái của Lê Hoàn. Quan biên ải phíaNam của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dò biết được mọi sự, bèn xin được về triều để báo cáo tình hình. Nói cho ngay, Hầu Nhân Bảo cũng vì mâu thuẫn với đồng liêu cho nên bị bắt ra làm quan ở biên ải phía Nam, chín năm trời không được về thăm nhà, đến đây, muốn xin về triều để nhân đó mà xin về thăm nhà luôn thể. Nhưng, thương hại thay, Hầu Nhân Bảo tính kế lợi mình mà hại người, chưa thỏa ước nguyện riêng đã phải về nơi chín suối. SáchKhâm định Việt sử thông giám cương mục(chính biên, quyển 1) có hai đoạn chép chuyện Hầu Nhân Bảo, nay xin được giới thiệu như sau:

“Trước đây, viên quan giữ đất Ung Châu (Trung Quốc) của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dâng thư (về triều) nói rằng, ở Giao Châu (chỉ nước ta) đang có biến loạn, triều đình chỉ cần đem một ít quân sang là cũng đã có thể chiếm lấy được. Hầu Nhân Bảo cũng xin được về triều để trình bày việc này. Vua Tống được thư, mừng lắm, đã toan sai quân chạy ngựa trạm đi triệu Hầu Nhân Bảo về ngay, nhưng Lư Đa Tốn (kẻ có hiềm thù với Hầu Nhân Bảo và đặc biệt là với Triệu Phổ, anh vợ của Hầu Nhân Bảo) lại tâu rằng:

- Nước nhỏ kia đang có nội loạn, đó chính là cơ trời khiến chúng phải mất, thế thì ta nên xuất kì bất ý mà đánh úp, tức là làm theo lối sét đánh thình lình, che tai không kịp. Nay nếu có lệnh cho Hầu Nhân Bảo về trước thì mưu kia tất phải bị lộ, bọn họ biết mà đề phòng, ta không dễ gì lấy được đâu. Vậy, chi bằng hãy mật sai Hầu Nhân Bảo ngầm lo mọi việc, sau mới xuất quân đánh tràn sang, thắng lợi mười phần cầm chắc cả mười.

Vua Tống cho lời ấy là phải, bèn phong cho Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục Chuyển vận sứ, lại phong cho bọn Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng và Giả Thực được quyền nắm binh mã, hẹn ngày cùng kéo sang xâm lược nước ta” (Tờ 12).

“Bấy giờ (năm Tân Tị, 981), quân Tống tràn sang xâm lấn nước ta. Hầu Nhân Bảo kéo đến Lãng Sơn (tên một hòn đảo ở vịnh Hạ Long), Trần Khâm Tộ kéo đến Tây Kết, Lưu Trừng kéo đến Bạch Đằng. Nhà vua (chỉ Lê Hoàn) tự mình làm tướng để chống giặc, sai quân đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng để cản đối phương. Quân Tống quá đông nên quân ta đánh có phần bất lợi, hai trăm thuyền chiến bị giặc cướp. Hầu Nhân Bảo đem quân tiến lên trước nhưng Tôn Toàn Hưng thì đóng quân lại, tỏ ý dùng dằng, khiến cho Hầu Nhân Bảo phải mấy phen thúc giục.

Khi quân Hầu Nhân Bảo tới, Nhà vua sai người trá hàng rồi lập mưu, dụ bắt được Hầu Nhân Bảo đem chém. Bọn Lưu Trừng sợ mà rút lui, Trần Khâm Tộ nghe tin cũng tháo chạy trở về. Nhà vua sai tướng xuất quân truy kích. Trần Khâm Tộ thua to, quân lính chết hơn quá nửa. Bọn bộ tướng của giặc là Quách Quân Biện và Hứa Trọng Tuyên đều bị bắt giải về kinh đô. Quan giữ chức Chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên viết tờ tâu về triều, báo cáo việc thua trận. Vua Tống bèn hạ lệnh rút lui (Tờ 17).

Lời bàn:Đánh lén vào nước người khi nước người đang có biến loạn, kế ấy tuy chẳng mới mẻ gì, nhưng, như Hầu Nhân Bảo mà cũng biết được thì cũng cho là thông minh. Tiếc thay, Lê Hoàn lại thông minh hơn Hầu Nhân Bảo. Người sinh không phải thời, ấy là Hầu Nhân Bảo chăng?

Lư Đa Tốn quả là kẻ thâm hiểm. Một lời hắn nói ra, nghe cứ ngọt như đường, trên thì khiến vua phải ưng theo, dưới thì buộc đồng liêu (cũng là đối thủ) phải ngậm bồ hòn và cam phận bị chôn chân ở nơi biên ải.

Binh pháp cổ của Trung Quốc vẫn răn tướng lĩnh phải biết người biết ta. Hầu Nhân Bảo chẳng hề biết ta cũng chẳng hề biết người, không chết sớm mới là lạ, chớ chết sớm có gì là lạ đâu.

Với người, tức là với nước ta, Hầu Nhân Bảo chỉ mới thấy có sự biến loạn, chưa hề biết Lê Hoàn là người như thế nào. Với mình, tức là với nhà Tống và bạn đồng liêu, Hầu Nhân Bảo chỉ mới láu lỉnh, tính nhân việc này để làm việc kia, chưa hề biết rằng, phàm là việc bất nghĩa, sớm muộn thế nào cũng thảm bại, cũng chưa hề biết rằng, một đồng liêu ngầm nuôi mưu hãm hại thì nguy hại còn hơn cả binh hùng tướng mạnh của đối phương. Chẳng hay sinh thời, Hầu Nhân Bảo có bao giờ nghĩ đến những điều đại loại như thế này. Nhưng, nếu có nghe thì cũng chưa hề nghĩ thấu đáo, nếu không, sự thể đâu đến nỗi bi thảm như vậy. Thương hại thay!

34- ĐẠI LƯỢC VÊ LÍ LỊCH TRƯỚC KHI LÊN NGÔI CỦA LÊ HOÀN

SáchKhâm định Việt sử thông giámcương mục(bản kỉ, quyển 1, tờ 14 và 15) chép chuyện Lê Hoàn trước khi được tôn lên ngôi Hoàng Đế như sau:

“Thân mẫu của nhà vua, người họ Đặng, trước đó, khi đang mang thai, bỗng nằm mơ thấy bụng mình nở ra hoa sen và kết thành hạt sen ngay, bà bấy hạt sen ấy đem chia cho mọi người nhưng phần mình lại không ăn. Tỉnh dậy, bà lấy làm lạ lắm. Đến khi sinh Nhà vua, vừa thoáng thấy mặt mũi đến hình dáng đều khác thường, bà nói với mọi người:

- Thằng bé này về sau ắt sẽ được sang giàu hơn người, chỉ tiếc là tôi không kịp được hưởng lộc mà thôi.

Thế rồi được độ vài năm, bà mất và sau đó, thân sinh (của Nhà vua) cũng qua đời. Bấy giờ, có viên quan người họ Lê (hiện chưa rõ tên), người Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa) thấy (Nhà vua) có dung mạo khác thường, bèn nuôi làm con. Một hôm, mùa đông giá rét (Nhà vua) phải nằm phục xuống như hình cái cối úp cho đỡ buốt, chẳng dè đêm ấy, nhà sáng rực cả lên vì có con rồng vàng nằm che lên cho (Nhà vua). Viên quan người họ Lê càng lấy làm lạ.

Lớn lên (Nhà vua) từng giúp việc cho Nam Việt Vương (Đinh) Liễn, tỏ ra tài giỏi và có chí lớn hơn người. (Đinh) Tiên Hoàng khen là người giàu mưu trí và có sức mạnh, bèn giao cho quyền được cai quản hai ngàn quân, sau, thăng dần lên đến chức Thập đạo Tướng quân, Điện tiền chỉ huy sứ”.

Lời bàn:Người mẹ nào cũng đều có thể có những giấc mơ và những lời nói tương tự như thân mẫu của Lê Hoàn, bởi vì đó thực sự chỉ là khao khát tự nhiên của thế tục. Song, thời ấy chỉ có Lê Hoàn mới là người biến khát khao của thân mẫu thành hiện thực phi thường. Có bao nhiêu người mẹ là có bấy nhiêu người nuôi những ước vọng chân thành về con mình, chỉ tiếc là không phải bất cứ người con nào cũng đều có thể làm thỏa nguyện đấng sinh thành của mình mà thôi.

Rồng vàng che chở Lê Hoàn là chuyện có thật chăng? Trong trường hợp này, tin sách chẳng bằng không có sách vậy. Nhưng, với một người mà nhỏ thì cần cù và giàu nghị lực chịu đựng, lớn thì chí cả và mưu lược hơn người, thiên hạ thêm thắt rồi sử cứ thế mà chép chuyện rồng vàng che chở, chẳng qua cũng chỉ để tăng thêm sự kính trọng mà chữ nghĩa khó bề diễn đạt hết đó thôi.

Thêm điều phi thường cho các đấng phi thưởng vốn là sự thường của ngàn xưa, và không ít khi, chính sự thường này lại góp phần không nhỏ vào việc tạo ra những sự phi thường mới. Ngẫm mà xem!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx