sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 62 - 63 - 64

62. HẬU VẬN CỦA ĐỖ TỬ BÌNH

Năm Đinh Tị (1377), Đỗ Tử Bình vì tham mười mâm vàng mà tấu xàm về triều, gây cuộc binh đao Chiêm - Việt, khiến vua Duệ Tông cùng các đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa và quan hành khiển Phạm Huyền Linh đều phải chết trận. Năm ấy, Đỗ Tử Bình tuy may mắn được triều đình tha tội chết, nhưng phải đồ làm lính. Đường công danh của Đỗ Tử Bình đến đó tưởng đã dứt, dè đâu chỉ ít lâu sau, Đỗ Tử Bình lại được cất nhắc, leo dần lên bậc đại thần, quyền uy có phần còn lớn hơn trước nữa.

Đời Trần Phế Đế (1377 - 1388), Đỗ Tử Bình làm đến chức hành khiển, công trạng chẳng thấy, tội thì nhiều, vậy mà vẫn cứ điềm nhiên hưởng lộc:

- Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1378), quân Chiêm Thành tiến đánh Đại Việt, Đỗ Tử Bình thua trận, giặc vào thiêu trụi cả kinh thành Thăng Long.

- Tháng 7 năm đó, Đỗ Tử Bình xướng nghị việc thu thuế nhân đinh, vua chấp thuận nhưng dân tình khốn khổ, ai ai cũng căm ghét.

- Tháng 5 năm Canh Thân (1380), quân Chiêm Thành lại tấn công Đại Việt, Đỗ Tử Bình được lệnh cùng Hồ Quý Ly ra trận, nhưng rồi Đỗ Tử Bình cáo ốm, xin thôi mọi binh quyền.

Con người tham lam mà hèn nhát ấy mất vào khoảng năm 1382, và chẳng hiểu sao, vua Trần Phế Đế lại truy tặng hắn tước thái bảo và cho tòng tự ở Văn Miếu. Chuyện này khiến thiên hạ rất bất bình. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 4 a-b) có chép lại lời bàn của hai sử gia lỗi lạc là Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên như sau:

“Bậc danh nho các đời bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, cốt để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tứ Bình được dự vào đó, vì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật. (Chu Văn) An sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết không cầu hiển đạt, thì cũng cho là được. Đến như Đỗ Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được đưa vào chỗ này?” (Phan Phu Tiên.)

“Tử Bình lén đánh cắp vàng cống của Bồng Nga, tâu bậy lừa vua để đến nỗi Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về nữa, nước nhà từ đó liên tiếp mắc họa Chiêm Thành, tội ấy giết cũng chưa đáng, còn học nhảm chiều người thì chê trách làm gì.” (Ngô Sĩ Liên.)

Lời bàn: Đại đạo ngả nghiêng, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã là đây chăng?

63. THIẾU ÚY TRẦN NGÔ LANG

Tháng 6 năm Kỉ Dậu (1369), nhân thấy Hiến Từ Tuyên Thánh cả tin. Dương Nhật Lễ lập mưu cướp ngôi họ Trần. Trước hết, Nhật Lễ giết Hiến Từ Tuyên Thánh, sau lại giết cả thái tể Nguyên Trác và con của ông là Nguyên Tiết càng nhiều quan lại khác, tổng cộng đến hai chục người bị hại. Triều Trần điên đảo, ngay cả đến con của Trần Minh Tông là Trần Phủ (sau này là vua Trần Nghệ Tông), có con gái là hoàng hậu của Nhật Lễ cũng hoảng hốt mà bỏ chạy lên Đà Giang. Trong số những người nuôi chí trừ loạn Nhật Lễ, chỉ thiếu úy Ngô Lang là khôn khéo hơn cả.

Bấy giờ, Trần Ngô Lang được Nhật Lễ tin dùng nên ông ngầm kiếm kế để lấy dần lực lượng của Nhật Lễ. Vì Trần Phủ đã xuất bôn, Nhật Lễ ngày đêm lo lắng, liên tiếp cho quân đi đánh Trần Phủ. Ngô Lang bí mật nói với các tướng rằng, hãy ủng hộ phe Trần Phủ, đừng đem quân trở về kinh thành nữa. Các tướng nhờ đó mà có cớ để bỏ Nhật Lễ ra đi. Sau, Ngô Lang cũng vờ xin đi đánh, Nhật Lễ không cho.

Nhờ có quân đông, ngày 21 tháng 10 năm Canh Tuất (1370), Trần Phủ dẹp được loạn Nhật Lễ, bắt Nhật Lễ giam ở phường Giang Khẩu (Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay - ND). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 33b) kể chuyện Trần Ngô Lang bị Nhật Lễ giết hại ở phường Giang Khẩu như sau:

“Sai giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu. Nhật Lễ gọi Ngô Lang vào trong màn nói, ta có lọ vàng chôn ở trong cung, ngươi đi lấy về đây. Ngô Lang quỳ xuống vâng lệnh. Nhật Lễ thừa cơ bóp cổ Ngô Lang đến chết. Cháu Ngô Lang là Trần Thế Đổ đem việc ấy tâu lên, vua sai đánh chết Nhật Lễ và con hắn là Liễu, đem chôn ở núi Đại Mông. Truy tặng Ngô Lang làm nhập nội tư mã, ban tên thụy là Trung Mẫn Á Vương.”

Lời bàn: Nhật Lễ tiếm ngôi, giết hại tôn thất và trung thần, lại còn cho quân đi đánh nhạc phụ, tội ấy, trời không dung, đất không tha. Khi giang sơn nguy biến, Trần Ngô Lang tỏ ra khôn khéo hơn người bao nhiêu thì khi đại sự vừa xong, Ngô Lang lại tỏ ra dại dột bấy nhiêu. Trách Ngô Lang là lẽ không nên, nhưng hãy nhớ bài học Ngô Lang là điều rất nên vậy.

64. TRẦN NGHỆ TÔNG

Trần Nghệ Tông tên húy là Phủ, con của vua Trần Minh Tông, lên ngôi năm 1370, đến tháng 11 năm Nhâm Tí (1372) thì nhường ngôi cho em là Kính (tức vua Trần Duệ Tông) để làm thượng hoàng. Duệ Tông chết trận ở Chiêm Thành, Nghệ Tông cùng triều thần lập con trưởng của Duệ Tông là thái tử Hiện lên ngôi, ấy là vua Trần Phế Đế (1377 - 1388). Tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), chính Nghệ Tông đã bắt giam và sau đó ép Phế Đế phải thắt cổ tự tử để rồi lập con út của mình là Ngung lên ngôi vua, ấy là Trần Thuận Tông (1388 - 1398). Tháng 12 năm Giáp Tuất (1394) Trần Nghệ Tông mất, thọ bảy mươi ba tuổi, là vua thọ nhất trong tất cả các vua triều Trần.

Lời bàn: Khi trong triều có loạn Nhật Lễ, Nghệ Tông là người cao chạy xa bay trước nhất. Khi lên ngôi báu, Nghệ Tông không biết trọng người hiền, giao quyền cao cho Nguyễn Nhiên là kẻ mù chữ. Giặc ngoài tới, Nghệ Tông bỏ mặc kinh sư và triều thần, lo giữ thân, bất chấp cả lời khuyên của học trò Nguyễn Mộng Hoa. Sau, Nghệ Tông lại giết cháu ruột là vua Phế Đế để đưa con mình lên ngôi. Nghệ Tông thực đã tiếp loạn cho loạn vậy. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:

“Bọn loạn thần tặc tử mà thực hiện được mưu kế của chúng nguyên nhân nào phải một sớm một chiều. Việc ấy có ngọn nguồn và phải hình thành dần dần từ lâu trước đó. Cho nên thánh nhân phải nhận biết âm mưu từ sớm, và thận trọng phòng giữ ngay. Họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, chẳng những vì Nghệ Tông không thận trọng trước âm mưu của nó, mà còn vì (Nghệ Tông) cũng đã gây ra đầu mối nữa.”

Ngày tàn lụi của họ Trần trên chính trường đã bắt đầu từ đây rồi chăng?

Ôi, trong trường hợp này, thọ mà làm gì!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx