sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 07 - 08

7 – CUỘC SONG HÀNH GIỮA QUYỀN LỰC VÀ HỌC THUẬT CỦA HỒ QUÝ LY

Sách Đại Việt Sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 22 a - b và tờ 23 - a) có chép lại một mẩu chuyện khá độc đáo về nhân vật Hồ Quý Ly như sau:

"Quý Ly soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên rồi dâng lên (Thượng hoàng). Sách ấy đại lược cho rằng Chu Công (tức Chu Công Đán, con của Chu Văn Vương, người định ra quan chế, lễ nhạc cho Trung Quốc xưa - ND) là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư. (Bởi vậy), trong Văn Miếu, tượng của Chu Công phải được đặt ở chính giữa, mặt nhìn về hướng Nam (hướng nhìn tượng trưng cho thiên tử - ND), còn tượng của Khổng Tử thì chỉ đặt ở một bên, mặt nhìn hướng Tây. (Quý Ly) cũng cho sách Luận ngữ (một trong Tứ thư - ND) có bốn chỗ đáng ngờ. Đó là:

- Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử (vợ của Vệ Linh Công, rất đẹp nhưng cũng rất dâm dật - ND).

- Khổng Tử bị hết lương ở nước Trần.

- Công Sơn (tức Công Sơn Phất Nhiễu) và Phật Hất cho gọi, Khổng Tử muốn tới giúp cả hai.

- (Chỗ đáng ngờ thứ tư, không thấy chép, chắc bỏ sót - ND).

Quý Ly cũng cho Hàn Dũ (danh Nho đời Đường - ND) là kẻ "đạo Nho" (nghĩa là kẻ ngoài miệng thì nói đạo nghĩa thánh hiền mà việc làm thì chẳng khác - kẻ trộm cắp - ND), cho bọn Chu Mậu Thúc (tức Chu Đôn Di, ông tổ của phái Lý học ở Trung Quốc, người đời Tống - ND), Trình Di, Trình Hạo (hai anh em, cũng là hai bậc danh Nho Trung Quốc đời Tống - ND), Dương Thì, La Trọng Tố, Lý Diên Bình, Chu Tử (Chu Tử tức Chu Hy, Chu Hy là học trò của Lý Diên Bình, Lý Diên Bình là học trò của La Trọng Tố, La Trọng Tố là học trò của Dương Thì, Dương Thì là học trò của Trình Di và Trình Hạo, còn Trình Di và Trình Hạo cũng đều là học trò của Chu Đôn Di,... tất cả đều là những danh Nho Trung Quốc đời Tống - ND) tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo cóp nhặt (văn ý của người xưa). Thượng hoàng (xem xong) ban chiếu dụ khen.

Quốc tử trợ giáo là Đoàn Xuân Lôi dâng thư nói rằng, như thế là không phải, bị đày đi châu gần. Xuân Lôi người Ba Lỗ, huyện Tân Phúc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội - ND), là người thông minh, nhanh trí, hiểu biết nhiều, có kinh nghiệm, sau làm quan đến chức Trung thư hoàng môn thị lang kiêm tri Ái Châu thông phán, chết trong khi tại chức. (Khi bị đi đày), Xuân Lôi khai là Đào Sư Tích có xem thư ấy, nên Sư Tích (người đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Dần, 1374 - ND) bị giáng làm Trung thị lang đồng tri thẩm hình viện sự.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo của tiên thánh, nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được. Hậu thánh sinh ra, nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ thuở có sinh dân đến nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Quý Ly lại dám khinh suất bàn về ngài thì thực là không biết tự lượng sức mình vậy.”

Lời bàn: Vị trí của Khổng Tử trong Nho học ra sao, Ngô Sĩ Liên và các bậc đại khoa túc Nho đã nói, kẻ hậu sinh không dám lạm bàn nữa, chỉ xin có đôi lời về cuộc song hành giữa quyền lực và học thuật của Hồ Quý Ly.

Ở đời phàm kẻ có thực tài bao giờ cũng thuyết phục thiên hạ một cách rất tự nhiên bằng chính cái thực tài của mình, chẳng cần sự phụ giúp của bất cứ một phương tiện nào, kể cả quyền lực. Cũng có những bậc chân tài xuất chúng, thông minh mẫn tuệ đến tột bậc, người đồng thời chưa dễ hiểu được cao kiến của họ, nhưng thường thì họ thà cam chịu sự cô đơn bất hạnh chớ quyết không bao giờ tìm cách thuyết phục mọi người bằng bất cứ thứ gì ngoài sở học của mình. Và, họ luôn được đền bù thỏa đáng bởi sự kính trọng và ngưỡng mộ của hậu thế.

Ai đó còn muốn dùng uy quyền để áp đặt tư duy thiên hạ, có lẽ cũng nên đọc chuyện này

8 – LỜI THỀ CỦA HỒ QUÝ LY

Phải đến phút chót của cuộc đời, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mới bắt đầu có chút thoáng nghĩ về sự thâm hiểm khó lường của Hồ Quý Ly. Song, chút thoáng nghĩ ấy cũng chỉ chợt đến rồi chợt đi, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cũng chẳng còn sống thêm để mà nghĩ tiếp. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8,tờ 23 - b và tờ 24 - a) chép rằng:

“Tháng ba (năm Giáp Tuất, 1394 - ND) Thượng hoàng chiêm bao thấy Duệ Tông đem quân đến và đọc bài thơ (phiên âm) như sau:

Trung gian duy hữu xích chủy hầu,

Ân cần tiếm thướng Bạch Kê lâu,

Khẩu vương dĩ định hưng vong sự,

Bất tại tiền đầu, tại hậu đầu.

(Nghĩa là: ở giữa chỉ có kẻ đỏ mõm; lăm le tiếm lấn lầu Bạch Kê; Khẩu vương đã định sự hưng vong; không phải là ở trước mà là ở sau).

Thượng hoàng tự mình chiết tự mà đoán trúng, xích chủy (kẻ đỏ mõm) là Quý Ly, lầu Bạch Kê là Thượng hoàng, vì Thượng hoàng tuổi Dậu (Trần Nghệ Tông sinh năm Tân Dậu, 1321 - ND), khẩu vương là chữ quốc (nghĩa là nước, ở ngoài có chữ khẩu, trong chữ khẩu là chữ vương - ND), (câu cuối cùng) ý nói việc nước còn mất thế nào, đến sau mới rõ được.

Thượng hoàng suy nghĩ về giấc chiêm bao này nhiều lắm, nhưng thế không thể làm gì hơn được nữa.

Mùa hạ, tháng 4, sau hội thề (chỉ hội thề đền thờ thần núi Đồng Cổ vào ngày 4 - 4 hàng năm - ND), Thượng hoàng gọi Quý Ly vào cung rồi ung dung bảo rằng:

- Bình chương (chỉ Hồ Quý Ly vì Hồ Quý Ly lúc ấy là Đồng bình chương sự - ND) là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, nếu giúp được quan gia thì giúp, còn nếu như quan gia hèn kém ngu muội quá thì khanh cứ nhận lấy ngôi vua.

Quý Ly bỏ mũ, rập đầu khóc lóc từ tạ, chỉ trời vạch đất thề rằng:

- Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần.

Quý Ly lại nói:

- Lúc Linh Đức Vương (chỉ vua Trần Phế Đế, vì Trần Phế Đế bị giáng làm Linh Đức Vương trước khi bị giết - ND) làm điều thất đức, nếu không nhờ oai linh bệ hạ thì thần đã ngậm cười dưới đất rồi, còn đâu được tới ngày nay! Thần dù tan xương nát thịt vẫn chưa thể báo đáp được một trong muôn phần ân đức đó, dám đâu lại có lòng khác?”

Đến ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất (1394), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất, hưởng thọ 73 tuổi. Cũng sách trên (tờ 24 - b) có ghi lại lời bàn của sử gia Ngô Sĩ Liên như sau:

“Nghệ Tông tính trời hòa nhã, giữ lòng kính cẩn, lo sợ. Nhưng, uy vũ không đủ để đánh lui giặc ngoài (chỉ việc đánh quân Chiêm Thành - ND), sáng suốt không đủ để phân biệt lời gièm pha, có một (Trần) Nguyên Đán mà không biết dùng, lại giao việc nước cho kẻ họ ngoại (chỉ Hồ Quý Ly - ND), khiến xã tắc nhà Trần đi đến sụp đổ, thực là "tiền hữu sàm như bất kiến, hậu hữu tặc nhi bất tri" (nghĩa là: phía trước có kẻ siểm nịnh mà không thấy, đằng sau có bọn giặc mà không hay - lời của Đổng Trọng Thư trong sách Hán thư - ND).”

Lời bàn: Mấy câu cuối đời của Thượng hoàng Nghệ Tông là sấm ngôn chứ không phải thơ, câu nói lòng vòng chứ không phải là câu nói thẳng. Bình sinh, cũng đã có lần Nghệ Tông xuống chiếu cầu lời nói thẳng, nhưng, hễ có kẻ nào cả tin mà dâng lời nói thẳng thì đều bị ông bạn thông gia là Hồ Quý Ly bức hại. Nghệ Tông khôn hồn mượn màu sấm ngôn để úp mở cõi lòng chăng? Nếu đúng vậy thì có lẽ đó là sự thông thái đột xuất đáng kể nhất trong cuộc đời của Nghệ Tông.

Hồ Quý Ly thề thốt là chuyện của Hồ Quý Ly, ai tin vào lời thề thốt đó là lỗi của họ. Đã mấy khi Hồ Quý Ly công khai nhúng tay trực tiếp vào tội ác đâu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx