Có ai không cảm thấy cảm giác kinh hãi khi ngắm nhìn bầu trời đêm trong vắt thăm thẳm thắp sáng bởi vô vàn các tinh tú? Có ai lại không thản thốt ngạc nhiên về việc có hay không môt nền văn minh tìm ẩn trong vũ trụ? Ai không tự hỏi phải chăng đây là hành tinh duy nhất của mình hỗ trợ cho các sinh thể? Với tôi, đây là những câu hỏi tò mò tự nhiên trong tâm thức con người. Xuyên suốt lịch sử văn minh nhân loại, có một niềm thôi thúc thật sự để tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề trên. Hơn bao giờ hết, một trong những thành tựu to tát của khoa học hiện đại là dường như nó đem ta tới gần hơn với sự hiểu biết về những điều kiện và tiến trình phức tạp ẩn chứa nguồn gốc vũ trụ của ta.
Như nhiều nền văn hoá cổ đại, Tây Tạng có một hệ thống chiêm tinh học phức hợp mà nó bao gồm nhiều thành tố, mà dựa vào đó, nền văn minh hiện đại sẽ gọi là thiên văn học; như thế, hầu hết các vì sao thấy được bằng mắt trần đều có tên bằng tiếng Tây Tạng. Thật ra, người Tây Tạng và người Ấn Độ từ lâu đã có thể dự đoán các hiện tượng nhật thực và nguyệt thực với một độ chính xác cao dựa trên các quan sát thiên văn của họ. Khi còn là đứa trẻ ở Tây Tạng, tôi đã tiêu tốn nhiều đêm vào việc quan sát bầu trời bằng kính viễn vọng của mình, vào việc học hỏi các hình dạng và tên của các chòm sao.
Tôi nhớ đến cái ngày tôi cảm thấy vui sướng khi có thể thăm viếng một đài quan sát thiên văn thực sự tại Delhi ở Planetarium Birla[1]. Năm 1973, trong thời gian công du lần tiên đến Tây Phương. Tôi đã được đại học Cambridge Anh Quốc mời thuyết giảng ở Senate House và khoa Thần học. Khi ngài hiệu phó hỏi xem tôi có muốn làm điều chi đặc biệt tại Cambridge, tôi đã trả lời không ngần ngại mong muốn được thăm kính viễn vọng vô tuyến[2] nổi tiếng ở phân khoa Thiên văn học.
Một lần tại các Hội Nghị Tâm thức và Đời sống ở Dharamsala, nhà thiên văn vật lý Piet Hut[3], từ Học viện Nghiên cứu Cấp Cao tại Princeton, đã trình diễn một mô phỏng bằng máy tính về cách thức mà các nhà thiên văn hình dung các sự kiện vũ trụ sẽ dàn trải ra khi các thiên hà va chạm nhau. Đó là một cảnh tượng tuyệt vời, một quang cảnh sống thực. Những hoạt cảnh bằng máy tính như vậy giúp người ta hình dung được cách thức mà vũ trụ bung nở ra trong suốt thời gian nó diễn tiến theo các định luật cơ bản của vũ trụ học. Sau phần trình bày của Piet Hut, chúng tôi đã có một buổi thảo luận mở. Hai người tham dự khác ở buổi gặp gỡ là David Finkelstein và George Greenstein[4], đã thử biểu diễn hiện tượng vũ trụ giản nở bằng các băng đàn hồi với các vành khuyên trên đó. Tôi nhớ rõ điều này vì cả hai người thông dịch và tôi gặp một số khó khăn trong việc hình dung vũ trụ giản nở của biểu diễn này. Sau đó, tất cả các nhà khoa học trong buổi gặp gỡ đã cộng tác nhau cố gắng để đơn giản hóa sự giải thích, mà dĩ nhiên có hiệu quả giảm bối rối của chúng tôi hơn.
Vũ trụ học hiện đại - như những ngành khác trong các khoa học vật lý - được sáng lập bởi lý thuyết tương đối của Einstein. Trong vũ trụ học các dữ liệu quan trắc thiên văn được sử dụng cùng với lý thuyết tương đối tổng quát, mà nó tái hệ thống hóa trọng trường như là một dạng uốn cong của không-thời gian, đã cho thấy rằng vũ trụ của chúng ta chẳng những không vĩnh hằng mà cũng không tĩnh yên trong dạng hiện tại của nó. Nó tiến hoá và giản nở liên lục. Phát hiện này tương hợp với hiểu biết trực giác cơ bản của các nhà thiên văn Phật giáo cổ đại, là những người đã nhận thức được rằng mọi hệ thống vũ trụ đặc trưng bất kỳ đều trải qua các giai đoạn hình thành, phát triển và sau cùng là hủy diệt[5]. Trong vũ trụ học hiện đại, vào thập niên 1920, cả dự đoán trong lý thuyết (của Alexander Friedmann[6]) lẫn quan sát thực nghiệm chi tiết (bởi Edwin Hubble), như là quan sát về hiệu ứng dịch chuyển đỏ[7] thì giá trị đo được từ nguồn ánh sáng phát ra từ các thiên hà ở xa lại lớn hơn giá trị đo được từ các thiên hà ở gần - đã biểu biểu thị một cách thuyết phục là vũ trụ thì cong và đang giản nở.
[[Image:]]Ảnh Minh Họa: Vũ Trụ Giản Nở theo trục thời gian
Sự giản nở này hình thành từ sự bùng nổ vũ trụ vỹ đại - Vụ nổ lớn nổi tiếng, mà được cho rằng đã xảy ra từ khoảng 12 đến 15 tỉ năm trước. Hầu hết các nhà thiên văn học ngày nay đều tin rằng vài giây sau vụ nổ, thì nhiệt độ giảm xuống đến một điểm mà ở đó các phản ứng đã xảy ra bắt đầu tạo nên hạt nhân của các nguyên tố nhẹ mà từ đây một thời gian rất lâu hơn sau vật chất trong vũ trụ được hình thành. Như vậy mọi thứ không gian, thời gian, vật chất và năng lượng mà ta biết và kinh nghiệm đến, được hình thành từ quả cầu lửa vật chất và phóng xạ này. Trong thập niên 1960 thì bức xạ nền vi sóng[8] đã được đã được phát hiện khắp nơi trong vũ trụ; nó được nhận biết như là một âm vang hay một sự hậu phát quang của các hậu quả của vụ nổ lớn[9]. Các đo đạc chính xác về quang phổ, phân cực và phân bố không gian của bức xạ nền đã được xác nhận rộng rãi, ít nhất là về nguyên tắc chung, trong các mô hình lý thuyết hiện tại về nguồn gốc vũ trụ.
Cho đến khi tình cờ phát hiện được các nhiễu loạn vi sóng nền này thì đã có các tranh luận đang diễn ra giữa hai trường phái lớn trong vũ trụ học hiện đại. Một số đã đưa ra hiểu biết về sự giản nở của vũ trụ theo như lý thuyết trạng thái ổn định, nghĩa là vũ trụ đang giản nở ở một tỉ lệ đều đặn với việc áp dụng các định luật thường hằng của vật lý tại mọi thời điểm. Ngược lại, số khác đã nhìn nhận sự tiến hóa trong các khuôn khổ của một vụ bùng nổ vũ trụ. Tôi đã được cho biết trong số những người chống lại mô hình trạng thái ổn định bao gồm một số tư tưởng lớn của vũ trụ học hiện đại như là Fred Hoyle[10]. Thật ra ở một điểm trong trí nhớ hiện tiền thì lý thuyết này đã một thời là quan điểm khoa học của dòng chính về nguồn gốc vũ trụ. Ngày nay, dường như hầu hết các nhà vũ trụ học đều tin rằng nhiễu loạn nền vi sóng biểu thị một cách dứt khoát giá trị của lý thuyết vụ nổ lớn. Đây là một thí dụ tuyệt vời về cách thức trong khoa học, qua sự phân tích sau cùng, mà các bằng chứng thực nghiệm thể hiện cho phán quyết đúng đắn tối hậu. Ít nhất về nguyên lý thì điều này cũng đúng trong tư tưởng Phật giáo, khi mà nó phát biểu rằng việc không tuân thủ theo quyền năng của bằng chứng chứng nghiệm tức là tự loại bỏ chính mình như là một điều có giá trị về luận chứng trong một cuộc đối thoại.
Tại Tây Tạng đã có những huyền thoại phức tạp về sự sáng thế phát nguồn từ tôn giáo trước thời Phật giáo là đạo Bön[11]. Chủ đề trung tâm trong các huyền thoại này là việc mang lại một trật tự từ sự hỗn độn, đem ánh sáng đến nơi tối tăm, đem ngày đến cho đêm, đem sự tồn tại cho trống rỗng. Những hành vi này là hậu quả của một đấng siêu nhiên, là người tạo ra vạn vật từ tiềm năng thuần khiết. Một tập hợp các huyền thoại khác miêu tả vũ trụ như là một cơ thể sống được sinh ra từ một trứng vũ trụ. Trong các truyền thống phong phú về tinh thần và triết lý cổ Ấn Độ, nhiều quan điểm mâu thuẫn về vũ trụ đã được phát triển. Các quan điểm này bao gồm những hệ thống trình bày phân hóa: như là lý thuyết của phái Số luận cổ về vật chất ban sơ vốn mô tả nguồn gốc của vũ trụ và sự sống trong đó như một sự thể hiện của tầng cơ sở tuyệt đối ẩn bên dưới; như là chủ trương nguyên tử của phái Thắng luận, vốn thay thế một số nhiều các "nguyên tử" bất khả phân như những đơn vị cơ bản của thực tại cho một tầng bên dưới đơn nhất; như là nhiều lý thuyết khác về các thánh thần Đại ngã hay Thượng đế[12] như một cội nguồn về sự sáng tạo thánh linh; và như là lý thuyết duy vật trọng căn của trường phái Charvaka[13] về tiến hóa của vũ trụ qua một sự phát triển ngẫu nhiên không mục đích của vật chất. Quan điểm Charvaka không khác nhiều với niềm tin của chủ nghĩa duy vật khoa học rằng tâm thức có thể sản sinh từ thực chất sinh hóa và thần kinh và những thứ này đến lượt lại có thực tế của vật lý. Phật giáo, ngược lại, giải thích tiến hóa của vũ trụ trong khuôn khổ nguyên lý về nguồn gốc phụ thuộc (lý duyên khởi), trong đó nguồn gốc và sự tồn tại của vạn vật phải được hiểu trong nội dung về một mạng lưới phức tạp của các nguyên nhân (nhân) và các điều kiện (duyên) nối kết lẫn nhau. Điều này áp dụng cho cả ý thức lẫn vật chất.
Theo các kinh điển sơ khai, đức Phật tự thân chưa bao giờ trực tiếp trả lời các câu hỏi đặt ra cho Ngài về nguồn gốc của vũ trụ. Trong một ẩn dụ nổi tiếng, Đức Phật nêu cho người hỏi về những vấn đề như thế tựa như một người bị thương bởi một mũi tên độc[14]. Thay vì để cho người chữa thương lấy mũi tên ra, thì người bị thương lại nhất nhất trước tiên đòi tìm ra địa vị, tên, và tộc của người đàn ông đã bắn mũi tên đó; để xem người bắn tên đen, ngâm hay vừa; xem ông ta trong làng, thị tứ hay thành phố; xem vũ khí được dùng là cung hay nỏ; xem dây căng cánh cung là sợi bông, cỏ tranh, dây gai, dây gân, hay vỏ cây; để xem mũi tên được làm từ gỗ rừng hay từ cây trồng; và vân vân. Các diễn dịch về ý nghĩa của sự từ chối trả lời của đức Phật cho những câu hỏi này thì khác nhau rõ rệt. Một quan điểm về sự từ chối của đức Phật là vì những câu hỏi siêu hình học này không trực tiếp liên quan đến sự giải thoát. Một quan điểm khác, chủ yếu luận giải bởi Long Thụ, là ở mức mà các câu hỏi đã bị đóng khung trong quan điểm thực tại tự tính[15] của sự vật và không theo quan điểm duyên khởi, thì việc trả lời sẽ dẫn tới làm sâu chắc thêm lòng tin vào sự tồn tại tự tính, vững chắc.
Những câu hỏi được phân nhóm một cách hơi khác nhau tùy theo các truyền thống Phật giáo riêng rẽ. Kinh điển Pali[16] liệt kê 10 câu hỏi "không giải đáp" như vậy, trong khi truyền thống cổ điển Ấn Độ được tiếp thụ bởi người Tây Tạng liệt kê 14 câu hỏi sau:
Phải chăng ngã và vũ trụ là vĩnh hằng?
Phải chăng ngã và vũ trụ đoạn diệt?
Phải chăng ngã và vũ trụ vừa vĩnh hằng vừa đoạn diệt?
Phải chăng ngã và vũ trụ vừa không vĩnh hằng vừa không đoạn diệt?
Phải chăng ngã và vũ trụ có khởi đầu?
Phải chăng ngã và vũ trụ không có khởi đầu?
Phải chăng ngã và vũ trụ vừa có khởi đầu vừa không có khởi đầu?
Phải chăng ngã và vũ trụ vừa không có khởi đầu vừa không có không khởi đầu?
Phải chăng Đấng Hỉ Lạc tồn tại sau khi viên tịch?
Phải chăng Đấng Hỉ Lạc không tồn tại sau khi viên tịch?
Phải chăng Đấng Hỉ Lạc vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi viên tịch?
Phải chăng Đấng Hỉ Lạc vừa không tồn tại vừa không không tồn tại sau khi viên tịch?
Phải chăng tâm chính là thân?
Phải chăng tâm và thân là hai thực thể tách biệt?
Mặc dù với truyền thống kinh điển về sự từ khước tiến hành diễn thuyết siêu hình ở mức này, Phật giáo như là một hệ thống triết học trong thời cổ Ấn Độ, đã phát triển một lịch sử lâu dài của việc nghiên cứu sâu vào những câu hỏi lâu đời và nền tảng về sự tồn tại và về thế giới mà chúng ta sống trong đó. Truyền thống Tây Tạng của riêng tôi cũng đã thừa hưởng di sản triết học này.
Có hai truyền thống về vũ trụ quan trong Phật giáo. Một là hệ thống Vi Diệu Pháp[17], được chia sẽ bởi nhiều trường phái Phật giáo như là Phật giáo Nguyên Thuỷ, mà là tuyền thống chủ đạo ngày nay ở các nước như là Thái Lan, Tích Lan, Burma, Campuchia, và Lào. Mặc dù truyền thống của Phật giáo đến Tây Tạng là Phật giáo Đại thừa, một cách đặc biệt, đó là phiên bản của Phật giáo Ấn Độ được biết như là truyền thống Nalanda, tâm lý học và vũ trụ học Vi Diệu Pháp trở thành bộ phận quan trọng của cảnh quang tri thức Tây Tạng. Tập luận Vi Diệu Pháp Báu Luận[18] của ngài Thế Thân đã đem lại cho Tây Tạng một hệ thống Vi Diệu Pháp về thiên văn học. Truyền thống thứ nhì về vũ trụ học ở Tây Tạng được tìm thấy trong một tập hợp tài liệu Phật giáo Kim Cương Thừa quan trọng thuộc loại kinh điển lý thuyết và thực hành Kalachakra[19], nghĩa là "bánh xe thời gian". Mặc dù truyền thống [Tây Tạng] quy các giáo pháp cốt lõi của thời kỳ Kalachakra là từ đức Phật, nhưng thật khó để xác minh chính xác niên đại thời gian khởi nguồn của các hoạt động đã biết trong hệ thống này. Theo các dịch thuật của các kinh điển chính yếu về Kalachakra từ Phạn ngữ sang Tạng ngữ trong thế kỉ 11, thì Thời Luân giữ một vị trí quan trọng trong di sản Phật giáo Tây Tạng.
Vào lứa tuổi 20, tôi bắt đầu học hệ thống các kinh điển bàn về vũ trụ quan Vi Diệu Pháp, lúc đó tôi đã biết thế giới tròn, đã quan sác các ảnh chụp các miệng núi lửa trên bề mặt của mặt trăng trong các tạp chí, và một bản in nào đó về qũy đạo quay của trái đất và mặt trăng quanh mặt trời. Nên phải thừa nhận rằng tôi đã nghiên cứu sự trình bày cổ điển của Ngài Thế Thân về hệ thống vũ trụ Vi Diệu Pháp mà không bị lôi cuốn nhiều.
Vũ trụ quan Vi Diệu Pháp mô tả mặt đất phẳng, xung quanh là các thiên thể thuộc cõi khác như mặt trời và mặt trăng quay quanh. Theo thuyết này thì trái đất là một trong bốn "châu lục" - thật ra là châu lục phía nam (Nam Thiệm Bộ Châu) - các châu lục nằm theo các phương hướng chính của một ngọn núi cao lớn vượt trội là núi Tu Di[20] ở trung tâm của vũ trụ. Bên sườn mỗi châu lục như thế là hai châu lục nhỏ hơn, mà khoảng cách giữa chúng được phủ đầy bởi các đại dương lớn. Toàn bộ hệ thống thế giới này được hỗ trợ bởi một "nền", mà đến lượt nó, được treo lại trong không gian trống rỗng. Năng lực của "khí" giữ cho nền móng được trôi trong không gian trống rỗng. Thế Thân cung cấp một mô tả chi tiết về đường quỹ đạo của mặt trời và mặt trăng, kích thước và khoảng cách của chúng tới mặt đất.
Các kích thước và khoảng cách này hoàn toàn mâu thuẫn với các bằng chứng thực nghiệm của khoa học thiên văn hiện đại. Có một châm ngôn trong triết học Phật giáo là việc duy trì một giáo thuyết với lý lẽ mâu thuẫn là hủy hoại tín nhiệm của chính mình; còn duy trì giáo thuyết mâu thuẫn với bằng chứng thực nghiệm thì lại là sự sai lầm lớn hơn. Vậy thì thật là khó để mà chấp nhận vũ trụ quan Vi Diệu Pháp theo nghĩa đen. Thật thế, ngay cả khi không nhờ vào khoa học hiện đại, thì cũng có đủ một dãy các mô hình mâu thuẫn về vũ trụ quan nội trong tư tưởng Phật giáo để đặt câu hỏi về sự thật đúng đắn của bất kỳ phiên bản đặc biệt nào. Quan điểm riêng tôi là Phật giáo phải từ bỏ nhiều khía cạnh của vũ trụ quan Vi Diệu Pháp.
Điều gì khiến cho chính ngài Thế Thân tìn vào thế giới quan Vi Diệu Pháp thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngõ. Ngài trình bày một cách có hệ thống nhiều giả định khác nhau đã có thời đó tại Ấn Độ. Nói một cách nghiêm túc, sự mô tả vũ trụ và những nguồn gốc của nó - tức là điều mà kinh điển Phật giáo định nghĩa như là một "chỗ chứa" [tạng giới] - là thứ yếu so với bản chất và nguồn gốc của chúng sinh hữu tình, những sinh thể "được chứa". Học giả người Tạng là Gedün Chöphel, là người đã châu du xuyên suốt lục địa Ấn-độ trong thập niên 1930, đã cho rằng Vi Diệu Pháp mô tả trái đất như là lục địa phương nam biểu thị một bản đồ cổ của trung tâm Ấn-độ. Cho dù trực cảm này đúng hay cho dù các nơi đó thật sự được đặt tên "các lục địa" được nghĩ là bao bọc núi Tu Di thì đây vẫn là câu hỏi chưa khép...
Trong vài kinh điển cổ xưa, các hành tinh được mô tả như là các thiên thể hình cầu treo lơ lững trong không gian trống rỗng, không mấy khác biệt với khái niệm về các hệ hành tinh trong vũ trụ học hiện đại. Trong Vũ trụ học Thời Luân, một chuỗi xác định được biết về sự tiến hoá của các thiên thể trong thiên hà hiện tại của chúng ta. Trước tiên các ngôi sao được tạo nên, sau đó hệ mặt trời hình thành, và vân vân. Điều đáng chú ý trong cả hai vũ trụ quan Kalachakra và Vi Diệu Pháp là bức tranh hùng vỹ chúng cung cấp về nguồn gốc của vũ trụ. Có một sự công nhận là thế giới của chúng ta chỉ là một trong vô số các hệ thống thế giới. Cả Vi Diệu Pháp và Kalachakra đều cung ứng một thuật ngữ chuyên môn là Tam Thiên Đại Thiên Thế giới (mà tôi tin là vào khoảng một tỉ hệ thống thế giới) để chuyển đạt ý kiến về các hệ thống vũ trụ khổng lồ, và cả hai đều cho là có vô số các hệ thống như thế. Vậy về nguyên lý, dù không có điểm "khởi đầu" hay "kết thúc" vũ trụ như một toàn thể, thì vẫn có tiến trình thời gian xác định của một điểm khởi đầu (thành), ở giữa (trụ), và kết thúc (diệt) trong quan hệ đến bất kỳ hệ thống thế giới riêng lẽ nào.
Sự tiến hoá của một vũ trụ đặc thù thì được hiểu trong khuôn khổ của bốn đại kiếp, được biết như là các giai đoạn của (1) trống rỗng [Không], hình thành [Thành], ổn định [Trụ], và sau cùng là hủy hoại [Hoại Diệt]. Mỗi giai đoạn được cho là tồn tại trong một thời gian rất lâu, hai "trung kiếp"[21], và chỉ có trong trung kiếp sau cùng của giai đoạn Thành thì chúng sinh hữu tình [sinh giới] mới phát triển. Sự hủy diệt của hệ thống vũ trụ có thể gây ra bởi bất kỳ một trong 3 thành tố khác hơn đất và không gian - đúng hơn đó là nước, lửa, và gió. Thành tố nào dẫn dắt đến sự hủy hoại của hệ thống thế giới trước sẽ tác động như là cơ sở cho sự tạo thành của một vũ trụ mới.
Do đó, trọng tâm của vũ trụ quan Phật giáo không chỉ là ý kiến về việc có nhiều hệ thống thế giới - theo một số kinh văn thì số này nhiều vô lượng hơn cả cát ở sông Hằng[22] - mà cả ý kiến về trạng thái không ngừng của các thế giới được hình thành và các thế giới chết đi. Điều này có nghĩa là vũ trụ không có khởi đầu tuyệt đối. Ý kiến này cũng là những câu hỏi nền tảng cho khoa học. Phải chăng chỉ có một vụ nổ lớn hay có nhiều? Phải chăng có một vũ trụ hay có nhiều, hay ngay cả có vô số? Vũ trụ có giới hạn hay không có giới hạn như đức Phật đã khẳng định? Liệu vũ trụ của chúng ta sẽ giản nở vô cùng tận hay sự giản nở của nó sẽ chậm lại và ngay cả có rút, như vậy cuối cùng sẽ kết thúc bởi một vụ sập đổ lớn[23]? Có phải vũ trụ của chúng ta là một phần của việc tái sinh vũ trụ thường xuyên? Các nhà khoa học đang bàn cải những vấn đề này rất kịch liệt. Từ một quan điểm Phật giáo, có thêm câu hỏi xa hơn. Ngay cả khi cho rằng chỉ có một vụ nổ vũ trụ, ta vẫn có thể đặt câu hỏi, phải chăng đây là nguồn gốc của toàn bộ vũ trụ hay hay điều này chỉ đánh dấu nguồn gốc của một hệ thống vũ trụ riêng biệt? Vậy nên câu hỏi chià khóa là phải chăng Vụ Nổ Lớn - mà theo vũ trụ học hiện đại, là điểm bắt đầu hệ thống vũ trụ của chúng ta - là một bắt đầu thật sự của mọi thứ.
Theo nhãn quan Phật giáo, thì ý tưởng cho rằng chỉ có một khởi đầu xác định có vấn đề lớn. Nếu có một khởi đầu tuyệt đối như vậy, nói một cách hợp lý, thì điều này đem lại hai lựa chọn. Một là chủ trương hữu thần, đề xuất rằng vũ trụ được tạo ra bởi một đấng thông tuệ tuyệt đối siêu việt, và do đó đứng ngoài các quy luật nhân quả. Lựa chọn thứ hai là vũ trụ được hình thành từ không có nguyên nhân nào cả. Phật giáo bác bỏ cả hai lựa chọn trên. Nếu vũ trụ được tạo bởi một đấng thông tưệ trước đó, thì các câu hỏi về trạng thái bản thể của một đấng thông tuệ như thế và loại thực tại nào mà đấng đó lưu giữ.
Nhà lập luận và suy lý vỹ đại Pháp Xứng (thế kỉ thứ 7) đã trình bày một cách thuyết phục về một phê phán có tính Phật giáo mẫu mực lên chủ trương vô thần. Trong tác phẩm "Lượng quyết Định Luận"[24] đã phê phán dữ dội một số trong các "chứng minh" có tầm ảnh hưởng lớn nhất về sự tồn tại của Đấng sáng tạo, được hệ thống hóa bởi các trường phái triết học hữu thần Ấn Độ. Một cách yếu lược, các luận điểm bên vực hữu thần là như sau: các thế giới của kinh nghiệm nội tâm và của vật chất bên ngoài được tạo ra bởi một đấng thông tuệ, bởi vì (a) như các công cụ của người thợ mộc, chúng vận hành theo một dãy liền nhau theo một trật tự; (b) như những đồ vật nhân tạo chẳng hạn các chiếc bình, chúng có các hình dáng; và (c) như các vật dụng hàng ngày, chúng có hệu lực nhân quả.
Những lý lẽ này, tôi nghĩ, có sự giống nhau với một luận điểm hữu thần trong truyền thống triết học Tây phương được biết đến như là Thiết kế luận[25]. Luận điểm này coi trọng trật tự mà ta lãnh hội từ tự nhiên như là bằng chứng cho một sự thông tuệ đã phải đem lại cho sự vật. Cũng giống như là người ta không thể nhận thức về một chiếc đồng hồ nếu như không có người thợ làm đồng hồ, Vậy nên thật khó để nhận thức về một vũ trụ trật tự mà thiếu một đấng thông tuệ đứng đàng sau nó.
Các trường phái triết học cổ Ấn Độ có dàn trải một hiểu biết hữu thần về nguồn gốc vũ trụ thì cũng phân hóa như là các bộ phận tương ứng ở Tây Phương. Phân nhánh của một trong những trường phái cổ nhất là Shamkhya, duy trì quan điểm cho rằng vũ trụ hình thành thông qua sự tác động có tính sáng tạo lẫn nhau của điều mà họ gọi là "vật chất nguyên thủy", là prakit và Ishava, là Thượng đế. Đây là một lý thuyết siêu hình tinh tế dựa trên luật tự nhiên về nhân quả, giải thích vai trò của Thần Thánh cho nội dung của những chức năng bí ẩn hơn của thực tại, như là sự sáng thế, mục đích của sự tồn tại, và những vấn đề khác.
Điểm then chốt trong phê phán của ngài Pháp Xứng bao gồm việc biểu thị một mâu thuẫn nền tảng mà ngài nhận thấy trong trong lập trường hữu thần. Ngài chỉ ra rằng chính nổ lực để giải thích nguồn gốc của vũ trụ trong các nội dung hữu thần được tác ý từ nguyên lý nhân quả, nhưng - trong phân tích tối hậu - chủ trương hữu thần lại buộc phải loại bỏ nguyên lý này. Bằng việc đặt ra một sự bắt đầu tuyệt đối cho một chuỗi nhân quả, những nhà thần học đang ngầm công nhận rằng khả dĩ có một sự việc nào đó, ít nhất đó là một nguyên nhân, mà tự nó nằm ngoài luật nhân quả, và tự chính nó không có nguyên do [tạo ra chính nó]. Nguyên nhân đầu tiên này sẽ phải là một nguyên lý vĩnh hằng và tuyệt đối. Nếu vậy thì làm thế thế nào người ta có thể biện giải cho khả năng để tạo ra các sự vật và hiện tượng mà chúng là vô thường? Pháp Xứng luận rằng không một hiệu lực có tính nguyên nhân nào có thể phù hợp với nguyên lý vĩnh hằng như thế. Một cách cốt lõi, Ngài tuyên thuyết rằng sự mặc nhận của một nguyên nhân đầu tiên sẽ phải là giả thuyết siêu hình chủ quan. Nó không chứng minh được.
Sư Vô Trước, viết trong thế kỉ thứ tư, rằng đã hiểu rõ nguồn gốc của vũ trụ trong khuôn khổ của lý thuyết duyên khởi. Thuyết này khẳng định tất cả mọi sự vật khởi lên và đi đến kết thúc trong sự phụ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện. Ngài Vô Trước nhận diện 3 diều kiện cốt lõi bao trùm duyên khởi. Thứ nhất là điều kiện không có mặt của một đấng thông tuệ đứng trên nó. Ngài bác bỏ khả năng một vũ trụ có từ sự sáng tạo của một đấng thông tuệ đứng trên, luận rằng nếu có một đấng có một sự thông tuệ như thế, thì đấng đó phải hoàn toàn siêu việt khỏi nhân quả. Đấng tuyệt đối thường hằng, siêu việt, và qua khỏi nội hàm của luật nhân quả sẽ không thể có khả năng tương tác với nguyên nhân và hậu quả, và do đó, không thể khởi động hay làm ngừng một việc gì đó. Thứ nhì là điều kiện về vô thường, xác định rằng chính các nhân và duyên tạo ra sự hình thành thế giới duyên khởi tự chính chúng là vô thường và tạo ra sự thay đổi. Thứ ba là điều kiện về tiềm năng: Nguyên lý này đề cập đến sự kiện rằng một sự vật nào đó không thể được tạo sinh chỉ bởi vật bất kỳ. Mà đúng hơn, với một tập hợp của các nhân duyên đặc thù tạo khởi lên các hậu quả hay các dãy sự kiện đặc thù, thì phải có một kiểu quan hệ nào đó giữa chúng. Ngài Vô Trước khẳng định rằng nguồn gốc của vũ trụ phải được hiểu trong khuôn khổ của nguyên lý về một chuỗi vô hạn của nhân quả không có đấng thông tuệ siêu việt hay đứng trên nó.
Khoa học và Phật giáo cùng chia sẽ sự không hài lòng cơ bản về sự mặc định của một đấng siêu việt như là nguồn gốc của vạn vật. Thật là một điều ngạc nhiên khó tin rằng cả hai truyền thống nghiên cứu này đều chủ yếu có tính vô thần trong các ý hướng triết học của chúng. Dù sao thì, nếu một mặt vụ nổ lớn được xem là sự khởi đầu tuyệt đối, tức là hàm ý rằng vũ trụ có một thời điểm gốc tuyệt đối, ngoại trừ việc từ chối truy cứu xa hơn vụ nổ vũ trụ này, thì các nhà vũ trụ học dù muốn hay không phải chấp nhận một loại nguyên lý siêu việt nào đó như là nguyên do của vũ trụ. Đấng này có thể không phải cùng một Thượng đế mà các nhà thần học mặc nhiên thừa nhận; dù vậy, trong vai trò cơ bản của nó như là một đấng sáng tạo, thì nguyên lý siêu việt này sẽ là một loại thánh thần.
Mặt khác, nếu (như một số nhà khoa học đã lên tiếng) vụ nổ lớn ít có ý nghiã như là thời điểm khởi đầu hơn, mà là thời điểm của sự mất cân bằng nhiệt động học, thì sẽ có thêm chỗ cho việc hiểu biết với nhiều sắc thái và phức tạp hơn về sự kiện vũ trụ này. Tôi đã được cho biết là nhiều nhà khoa học cảm thấy nhiệm vụ thẩm định thì vẫn còn để xem liệu Vụ nổ lớn có phải là sự khởi đầu tuyệt đối của vạn vật hay không. Cho đến nay, tôi cũng được biết thêm, là bằng chứng thực nghiệm có tính thuyết phục duy nhất là môi trường vũ trụ của chúng ta dường như đã tiến hoá từ một trạng thái cực kỳ nóng và đậm đặc. Cho đến khi có thêm bằng chứng có tính thuyết phục được tìm ra trong nhiều khía cạnh khác nhau của lý thuyết vụ nổ lớn, và những tri kiến quan trọng của vật lý lượng tử và lý thuyết tương đối được tích hợp nhau hoàn toàn, thì nhiều vấn đề vũ trụ học đã nảy sinh ở đây sẽ vẫn còn trong vòng siêu hình, chưa phải khoa học thực nghiệm.
Theo vũ trụ quan Phật giáo, thế giới được cấu trúc bởi năm thành tố: thành tố hỗ trợ không gian và 4 thành tố cơ bản [Tứ Đại] là đất, nước, lửa, và gió. Không gian cho phép sự tồn tại và việc vận hành của tất cả thành tố khác. Hệ thống Thời Luân trình bày không gian không như là một sự trống rỗng hoàn toàn, nhưng là một loại chất liệu "những hạt trống rỗng" hay "những hạt không gian", chúng được cho là các hạt "vật chất" cực kỳ vi tế. Thành tố không gian này là cơ sở cho sự tiến hoá và tan rã của bốn thành tố vốn được tạo thành từ thành tố không gian và trở lại cuốn hút vào trong nó. Tiến trình phân hủy xảy ra theo thứ tự: đất, nước, lửa, và gió. Tiến trình thành lập xảy ra theo thứ tự: gió, lửa, nước, và đất.
Ngài Vô Trước khẳng định rằng các thành tố cơ bản này, vốn được ngài mô tả như là "tứ đại", sẽ không được hiểu trong khuôn khổ ý nghĩa nghiêm ngặt về vật chất. Ngài miêu tả sự khác nhau giữa "tứ đại", mà phần nhiều giống như là các tiềm năng, và bốn thành tố cấu thành của các sắc uẩn. Có lẽ bốn thành tố trong một đối tượng vật chất có thể hiểu tốt hơn như là thể rắn (đất), thể lỏng (nước), nhiệt (lửa) và động năng (gió). Bốn thành tố này được tạo ra từ mức vi tế cho thế mức thô, từ nguyên nhân bên dưới của các hạt trống rỗng, và chúng phân hủy từ mức thô thiển đến vi tế trở về các hạt trống rỗng của không gian. Không gian, với những hạt trống rỗng là cơ sở cho toàn bộ tiến trình. Thuật ngữ hạt có lẽ không được chính xác khi dùng tới trong những hiện tượng này, bởi vì nó bao hàm các thực tại vật chất có hình thái. Thật không may, có rất ít miêu tả trong các kinh luận giúp cho việc định nghĩa những hạt không gian rõ hơn.
Vũ trụ quan Phật giáo xác lập chu kỳ của vũ trụ theo cách sau đây: truớc tiên là thời kỳ hình thành [thành], kế đến là giai đoạn tồn tại [trụ], sau đến là thời kỳ mà nó bị tiêu hủy [hoại diệt], tiếp theo đó là giai đoạn không trước khi thành lập một vũ trụ mới. Trong suốt thời kí thứ tư của tính Không, thì các hạt tử không gian vẫn tồn tại và chính từ những hạt không gian này mà tất cả vật chất trong một vũ trụ mới được thành hình. Các hạt không gian mà chúng ta tìm thấy này chính là nguyên nhân nền tảng của toàn bộ thế giới vật lý. Nếu mong muốn mô tả sự hình thành của vũ trụ và các thể vật lý của chúng sinh, ta cần phân tích cách thức các thành tố khác nhau cấu trúc sao cho vũ trụ đã có thể tạo lập từ các hạt không gian này.
Dựa trên cơ sở về tiềm năng đặc biệt của các hạt đó mà các cấu trúc của vũ trụ và vạn vật bên trong nó có mặt - bao gồm các hành tinh, các vì sao, chúng sinh hữu tình như là con người và cầm thú. Nếu truy ngược đến nguyên do tối hậu của các vật thể vật chất của thế giới, cuối cùng ta sẽ tìm đến các hạt không gian. Chúng có trước vụ nổ lớn (mà ta nói là đối với bất kỳ sự bắt đầu nào) và thật sự vẫn lưu lại từ vũ trụ đã bị phân rã trước đó. Tôi có được nghe một số nhà vũ trụ học ủng hộ ý kiến cho rằng vũ trụ của chúng ta hởi lên như là sự giao động từ điều được gọi là chân không lượng tử[26]. Đối với tôi, ý tưởng này âm vang lại lý thuyết Thời Luân về các hạt tử không gian.
Từ quan điểm vũ trụ học hiện đại, thì việc tìm hiểu về nguồn gốc của vũ trụ trong thời gian vài giây đầu đặt ra một thử thách hầu như không vượt qua nổi. Một phần của nan đề nằm trong việc bốn lực cơ bản - bao gồm trọng lực, lực điện từ trường, lực yếu và lực mạnh - không hoạt dụng tại thời điểm này. Chúng chỉ khởi tác sau đó, khi mà mật độ và nhiệt độ của giai đoạn phát khởi đã giảm một cách đáng kể khiến cho các hạt cơ bản của vật chất, [và sau đó] như là [các hạt nhân] Hydro và Helium bắt đầu được tạo thành. Sự khởi đầu chính xác của vụ nổ lớn là điều được gọi là một "kỳ dị"[27]. Tại đây, tất cả các phương trình toán học và các định luật vật lý đều bị gãy đổ. Các đại lượng thông thường có thể đo đạc được như là mật độ và nhiệt độ, trở nên không xác định tại thời điểm như thế.
Vì nghiên cứu khoa học về nguồn gốc vũ trụ đòi hỏi ứng dụng của các phương trình toán và giả thiết về tính hiệu lực của các định luật vật lý, nên có vẻ rằng, nếu các phương trình và các định luật này bị gãy đổ, thì ta phải tự hỏi phải chăng chúng ta có thể một lúc nào đó đạt tới một hiểu biết hoàn thiện về vài giây khởi đầu của vụ nổ lớn. Những bằng hữu khoa học gia đã cho tôi hay rằng một số trong những ý tưởng kiệt suất nhất đã khởi động trong việc tìm tòi về câu chuyện của các giai đoạn đầu thành lập vũ trụ của chúng ta. Tôi nghe rằng một số tin tưởng vào lời giải đáp cho điều đang thể hiện như là các nan đề phải nằm trong viêc tìm ra một lý thuyết thống nhất mới, giúp tổng hợp tất cả các luật vật lý đã biết. Có vẻ như nó khả dĩ phối hợp được hai mẫu hình về vật lý hiện đại mà dường như là mâu thuẫn lẫn nhau - đó là, lý thuyết tương đối và cơ học lượng tử. Tôi được cho biết rằng các giả thiết tiên đề của hai lý thuyết này đến nay chứng tỏ không thể hoà hợp được. Lý thuyết tương đối thừa nhận rằng sự tính toán đúng về điều kiện chuẩn xác của vũ trụ ở một thời điểm trước bất kỳ thì có thể đạt được nếu người ta có đủ dữ kiện. Cơ học lượng tử, ngược lại, khẳng định rằng thế giới các hạt vi mô có thể được hiểu chỉ trong các khái niệm xác suất, bởi vì ở mức nền tảng, thế giới bao gồm những khối hay lượng vật chất (do vậy có tên vật lý lượng tử), mà lại là chủ thể của nguyên lý bất định. Các lý thuyết với tên lạ lẫm như là thuyết siêu dây[28] hay thuyết M[29] đang được đề xuất như là các ứng viên cho lý thuyết thống nhất mới.
Một thách đố xa hơn nữa vào chính tầm ngắm của việc thâu nhận tri thức đầy đủ về sự khởi mào nguồn cội vũ trụ của chúng ta. Ở mức nền tảng, cơ học lượng tử nói cho ta biết tính bất khả tiên đoán chính xác về cách thức mà một hạt có thể ứng hoạt trong một tình trạng biết trước. Do đó, người ta chỉ có thể đưa ra các dự đoán về ứng hoạt đó của các hạt trên cơ sở xác suất. Nếu vậy, bất kể các công cụ toán học có mạnh đến thế nào, thì vì tri thức của chúng ta về các điều kiện khởi đầu của một hiện tượng hay một sự kiện cho trước sẽ luôn luôn không hoàn bị, nên chúng ta không thể hiểu biết hoàn toàn cách mà phần còn lại của câu chuyện mở ra. Một cách tối hảo là ta có thể đưa ra các giả định gần đúng, nhưng sẽ không bao giờ đạt tới một mô tả hoàn bị ngay cả của chỉ một nguyên tử chứ chưa nói đến toàn bộ vũ trụ.
Trong thế giới Phật giáo, có một thừa nhận về sự bất khả thực thi về việc đạt tới tri kiến toàn bộ về nguồn gốc của vũ trụ. Trong một bản kinh Đại thừa tựa đề "Kinh Hoa Nghiêm"[30] có một phần bàn luận dài về các hệ thống vũ trụ không biên giới và các giới hạn của kiến thức nhân loại. Một phẩm có tên gọi là "A Tăng Kỳ" cung cấp một dãy các tính toán về một con số cực lớn, lên đến tột độ trong các thuật ngữ như là "không thể tính được", "không thể suy lường", "không giới hạn" và "không so sánh được". Con số lớn nhất là "bình phương không kể xiết", được giảng là một hàm số của "bất khả thuyết" nhân cho chính nó! Một người bạn bảo cho tôi biết là số này có thể viết vào khoảng 1059. Kinh Hoa Nghiêm áp những con số bất khả tư nghì [không thể nghĩ bàn] này lên các hệ thống vũ trụ, cho rằng nếu thế số thế giới không kể xiết được giảm nhỏ thành các nguyên tử và mỗi nguyên tử chứa không kể xiết các thế giới, thì số các thế giới sẽ không bị đếm hết.
Tương tự, trong một bài kệ hay, kinh này so sánh thực tại của thế giới nối kết lẫn nhau một mạng lưới vô hạn các châu báu một cách phức tạp và sâu sắc gọi là "lưới ngọc Đế Thích[31]" mà đạt tới được vô hạn không gian. Tại mỗi mắt lưới là một tinh thể ngọc nối kết với tất cả các viên ngọc khác và phản chiếu trong chính nó tất cả các viên ngọc khác. Trên lưới như thế, không có viên châu báu nào ở trung tâm hay ở ngoài cạnh. Chính mỗi viên ngọc là ở trung tâm trong ý nghĩa là nó phản chiếu tất cả các viên ngọc khác trên lưới. Đồng thời, nó là ở cạnh ngoài trong ý nghĩa tự nó được phản chiếu trong tất cả những viên ngọc khác[32]. Cho trước một sự nối kết lẫn nhau sâu sắc của mọi thứ trong vũ trụ, thì không thể có một hiểu biết toàn bộ của ngay cả chỉ một nguyên tử ngoại trừ đó là nhất thiết trí. Để hiểu biết ngay chỉ một nguyên tử hoàn toàn sẽ bao hàm tri thức về các quan hệ của nó với tất cả hiện tượng trong vũ trụ vô hạn.
Kinh văn Thời Luân cho là, trước lúc hình thành, mỗi vũ trụ đặc thù bất kỳ lưu lại trong trạng thái Không, ở đó tất cả các thành tố vật chất của nó tồn tại trong dạng tiềm năng như là "các hạt không gian". Tại một thời điểm nào đó, khi các xu hướng nghiệp của các chúng sinh hữu tình - là những sinh thể thích hợp để tiến hóa trong vũ trụ đặc thù này - được chín mùi, thì "các hạt gió" bắt đầu tụ lại nhau, tạo nên gió vũ trụ. Sau đó "các hạt lửa" kết cấu theo cùng một cách thức tạo nên các thu nạp "nhiệt" mạnh mẽ du hành xuyên suốt khoảng không. Tiếp theo sau đó, các "hạt nước" tích tụ và tạo thành "mưa" như thác đi kèm với sấm chớp. Cuối cùng, "các hạt đất" tích tụ và kết hợp với những thành tố khác, bắt đầu tiếp tục sự tạo thành của sự rắn đặc. Thành tố thứ năm, "không gian" được cho là ngập khắp tất cả các thành tố khác và như là một lực nội tại và do đó không chiếm giữ một sự tồn tại riêng biệt. Qua một tiến trình thời gian dài, các thành tố này giản nở để hình thành vũ trụ vật lý như là chúng ta biết và trải nghiệm nó.
Cho đến giờ chúng ta đã nói về nguồn gốc vũ trụ với ý tưởng như là nó chỉ bao gồm một trộn lẫn của vật liệu không sống động và năng lượng - tức là sự ra đời của các thiên hà, các ngôi sao, các hành tình, và đủ loại các hạt hạ nguyên tử. Tuy nhiên, từ quan điểm Phật giáo, có một vấn đề kịch tính về vai trò của ý thức. Chẳng hạn, vốn có trong cả vũ trụ quan Thời Luân lẫn Vi Diệu Pháp là ý kiến về sự hình thành một hệ thống vũ trụ đặc thù được nối kết một cách mật thiết với các xu hướng nghiệp của các chúng sinh hữu tình. Trong ngôn ngữ hiện đại, các vũ trụ quan Phật giáo này có thể được xem như là việc đề xuất rằng hành tinh của chúng ta tiến hoá trong một cách thức mà nó có thể hỗ trợ sự tiến hoá của chúng sinh hữu tình trong các dạng vô số các chủng loại tồn tại ngày nay trên trái đất.
Nhắc đến nghiệp ở đây, tôi không cho rằng theo Phật giáo thì mọi thứ đều là chức năng của nghiệp. Chúng ta phải phân định khác nhau giữa sự vận hành của luật tự nhiên về nhân quả mà bởi đó, một khi một tập hợp của các điều kiện nào đó áp đặt lên trong sự vận hành thì chúng sẽ có một tập hợp các hậu quả tương ứng nào đó, và luật về nghiệp, bởi đó hành động chủ tâm sẽ gặt hái về những thành quả. Vậy nên chẳng hạn nếu một đám lửa trại đã bị bỏ lại trong một khu rừng và bén vào những cành khô, dẫn tới một trận cháy rừng, sự thật là một khi các cây rừng bắt lửa chúng cháy, trở thành than và khói thì đơn giản là sự vận hành của luật nhân quả, được tạo ra bởi bản chất của lửa và các vật liệu bị cháy. Không có nghiệp dính líu vào trong dãy các sự kiện này. Nhưng có một người lựa chọn đốt lửa trại và quên không dập tắt nó - và khởi đầu cho chuỗi các sự kiện - thì ở đây nhân quả có tính nghiệp đã dính líu vào.
Theo quan điểm riêng của tôi thì toàn bộ tiến trình dàn trải của một hệ thống vũ trụ là vấn đề của luật tự nhiên về nhân quả. Tôi hình dung nghiệp tham gia vào tiến trình này ở hai điểm. Khi vũ trụ đã tiến hóa đến một giai đoạn mà nó có thể hỗ trợ sự sống của các chúng sinh hữu tình, thì số phận của vũ trụ đã trở nên dính mắc cùng với nghiệp của các chúng sinh sẽ sống trong đó. Điểm khó khăn hơn có lẽ là sự can gián lần đầu tiên của nghiệp vốn là một sự chín mùi một cách có hiệu quả của tiềm năng nghiệp của các chúng sinh hữu tình là giới sẽ chiếm hữu vũ trụ; nghiệp đó cũng xếp đặt trong sự vận hành của việc hình thành của vũ trụ.
Thấy được chính xác ở chỗ nào nghiệp giao thoa với luật tự nhiên về nhân quả thì theo truyền thống được cho là chỉ nằm trong khả năng tâm thức nhất thiết trí của đức Phật. Câu hỏi là làm sao để hoà hợp hai bộ phận của lời giải thích - thứ nhất, một hệ thống vũ trụ bất kỳ và các chúng sinh bên trong sẽ khởi lên từ nghiệp, và thứ nhì, là có một tiến trình tự nhiên của nhân và quả, mà nó chỉ dàn trải ra. Các kinh điển Phật giáo cổ xưa cho rằng vật chất một phía và ý thức phiá bên kia quan hệ theo tiến trình nhân quả riêng của chúng, mà các tiến trình đó giúp khởi lên những tập hợp chức năng và đặt tính mới cho cả hai phía. Trên cơ sở hiểu biết về bản chất, các quan hệ nhân quả, và các chức năng của chúng người ta có thể đạt tới sư suy luận - cho cả cật chất lẫn ý thức - đem lại sự tăng trưởng cho ý tri thức. Các giai đoạn này đã được hệ thống hoá thành "bốn nguyên lý"[33] - bao gồm nguyên lý về bản chất, nguyên lý về sự phụ thuộc, nguyên lý về công năng, và nguyên lý về chứng cớ.
Như vậy thì câu hỏi là, có phải bốn nguyên lý này (mà được cấu trúc một cách hiệu quả thành luật của tự nhiên theo triết học Phật giáo) tự chúng độc lập với nghiệp, hay ngay cả sự tồn tại của chúng ràng buộc vào với nghiệp của các chúng sinh sống trong vũ trụ mà trong đó chúng vận hành? Vấn đề này tương tự với các câu hỏi nảy sinh trong mối quan hệ đến trạng thái của các định luật vật lý. Có thể có hay không một tập hợp các định luật vật lý hoàn toàn khác trong một vũ trụ khác, hay là các luật vật lý mà chúng đang hiểu biết vẫn giữ giá trị chân lý trong tất cả các vũ trụ có thể có? Nếu câu trả lời là một tập hợp các luật khác có thể vận hành trong một hệ thống vũ trụ nào đó, thì điều này nói lên rằng (theo quan điểm Phật giáo) ngay cả các luật của vật lý cũng dính mắc với nghiệp của các chúng sinh hữu tình mà sẽ hình thành trong vũ trụ đó.
Bằng cách nào các lý thuyết vũ trụ học Phật giáo nhìn thấy sự dàn trải của mối quan hệ giữa các thiên hướng nghiệp của các chúng sinh hữu tình và sự tiến hóa của một vũ trụ vật lý? Cơ chế nào mà bởi đó nghiệp kết nối với sự tiến hóa của một hệ thống vật lý? Nhìn chung, các văn kiện Vi Diệu Pháp không đề cập nhiều đến các câu hỏi này, riêng từ quan điểm tổng quát rằng môi trường, nơi mà chúng sinh hữu tình tồn tại là một "hệ quả môi trường" của nghiệp tích lũy của các chúng sinh đuợc chia sẻ chung với vô số chúng sinh khác. Dù vậy, trong các kinh điển Thời Luân, có những mối tương quan gần gũi được miêu tả giữa vũ trụ và các thân thể của các chúng sinh hữu tình sống trong đó, giữa các thành tố tự nhiên trong vũ trụ vật lý bên ngoài và những thành tố nội trong thân thể của các chúng sinh hữu tình, và giữa những sự chuyển pha của các thiên thể và các thay đổi nội trong thân thể của những chúng sinh hữu tình. Kalachakra trình bày một bức tranh chi tiết về các mối tương quan và những biểu hiện của chúng trong sự trải nghiệm của mỗi sinh vật hữu tình. Chẳng hạn, các kinh điển nói về cách thức nhật thực hay nguyệt thực có thể ảnh hưởng lên thân thể của một chúng sinh hữu tình thông qua việc thay đổi của các kiểu thức trong hệ hô hấp. Thật là lý thú để đưa một số vấn đề trong các lời được nhận là thực nghiệm này ra trước sự điều nghiên của khoa học.
Ngay cả với tất cả các lý thuyết khoa học sâu sắc về nguồn gốc của vũ trụ, tôi rẽ ngang với những câu hỏi nghiêm túc: Điều gì tồn tại trước vụ nổ lớn? Vụ nổ lớn từ đâu đến? Nguyên nhân của nó là gì? Tại sao hành tinh của chúng ta tiến hóa hỗ trợ sự sống? Có mối quan hệ gì giữa vũ trụ và và các thực thể đã đang tiến hoá bên trong nó? Các nhà khoa học có thể gạt bỏ những câu hỏi này như là những điều vô nghĩa, hay họ có thể công nhận tầm quan trọng của chúng nhưng không cho rằng rằng chúng thuộc về nội hàm của sự truy cứu khoa học. Dù sao, cả hai sự tiếp cận đều lãnh hậu quả về việc công nhận những giới hạn hữu hạn của tri kiến khoa học về nguồn gốc vũ trụ của chúng ta. Tôi không truy vấn những gượng ép lý tưởng hay chuyên nghiệp của một quan điểm vất chất cực đoan. Và trong Phật giáo vũ trụ được xem như là vô biên và không có khởi đầu, nên tôi thật hoan hỉ để mạo hiểm xa khỏi vụ nổ lớn và suy đoán về các trạng thái khả dĩ của các sự việc trước đó.
Chú thích
↑ Birla Planetarium tại Kolkata là một cung mô hình thiên văn (planetarium) gần văn phòng du lịch của chính phủ Ấn Độ cung cấp các cuộc tham quan ảo của các tinh tú và hệ mặt trời. thật sự tại Ấn Độ còn có hai cung mô hình thiên văn cùng tên nữa. Một đặt tại thành phố công nghệ Hyderabad. Tuy nhiên, cung này chỉ mới được khánh thành vào 1985 và cung còn lại đặt tại Chennai. Dữ liệu trong sách đã có thỗ không được rõ. Tuy vậy, trong tất cả các cung mô hình thiên văn này, riêng chỉ có cung Birla tại Kolkata (Calcuta) là có thêm đài quan sát thiên văn. Ngoài ra, tại Delhhi cũng không có cung mô hình thiên văn nào đáng kể hay có cùng tên. Do đó, theo suy đoán có thể chỗ mà đức Dalai Lama thuật lại chính là Birla Planetarium tại Kolkata. M.P. Birla Planetarium. Truy cập 15/01/2010. .
↑ Kính viễn vọng vô tuyến là một dạng ăng-ten vô tuyến định hướng sử dụng trong ngành thiên văn vô tuyến và trong việc theo dõi thu thập dữ liệu từ các vệ tinh nhân tạo và các phi hành thám hiểm không gian. Nó khác với kính viễn vọng quang học ở chỗ vận hành ở phần tần số vô tuyến của phổ điện từ trường. "Radio Telescope". Wikipedia. Truy cập 14/02/2009. .
↑ Xem thêm chi tiết về nhà khoa học này tại trang nhà của ông: . Ông chuyên nghiên cứu về lịch sử và cấu trúc của vũ trụ, địa học và cổ sinh vật học, cũng như khoa học sử dụng máy tính điện tử (Computational Science).
↑ David Finkelstein (1929 - ) hiện là GS danh dư của đại học Georgia Institute of Technology. Trươc đó ông là Gs tại đại học YeshivaUniversity. Công việc của ông tập trung vào nghiên cứu quan hệ giữa logic và vật lý cũng như là các cấu trúc toán học cổ điển với lượng tử. Georgia Institute of Technology. Personal data. Truy cập 15/01/2010. George Greenstein là giáo sư phân khoa thiên văn trường Cao đẳng Amherst. Xem trang nhà của ông tại:
↑ Có nhiều diễn giải về các giai đoạn thành trụ hoại diệt này tùy theo tường phái Phật giáo. Nhưng tất cả đều quy về nguyên do chính là kết quả của luật vô thường và duyên khởi.
↑ Alexander Alexandrovich Friedmann (Russian: Александр Александрович Фридман) (1888, 1925) nhà toán và vũ trụ học người Nga là người tìm ra lời giải về vũ trụ giản nở cho các phương trình trường tương đối tổng quát. "Alexander Friedmann". Wikipedia. Truy cập 14/02/2009 .
↑ Dịch chuyển đỏ là một hiện tượng vật lý, trong đó ánh sáng phát ra từ các vật thể đang chuyển động ra xa khỏi người quan sát đo đạt sẽ trở nên đỏ hơn. Hiện tượng này là hệ quả của hiệu ứng Doppler, khi các vạch phổ trong phần ánh sáng biểu kiến chuyển dịch về phía phổ đỏ do tần số sóng điện từ (của ánh sáng, sóng vô tuyến...) của các thiên hà, quasar hay các thiên thể xa khác bị giảm xuống. Từ đó mà xuất hiện tên "chuyển dịch đỏ". Chuyển dịch đỏ càng lớn thì vật thể quang sát chuyển động ra xa khỏi người quan sát càng nhanh. "Red Shift". Wikipedia. Truy cập 14/02/2009.
↑ Bức xạ nền vi sóng (còn được viết là CMB, CMBR -- cosmic radio wave background hay relic radiation) là một dạng bức xạ điện từ lấp đầy trong vũ trụ. Đối với một kính thiên văn quang học thì không gian ở giữa các vì sao và thiên hà là màu cực đen nhưng với kính thiên văn vô tuyến có một lớp phát sáng yếu hầu như đồng nhất theo mọi hướng mà không liên hệ gì tới ngôi sao, thiên hà, hay các thiên thể khác. Lớp phát sáng này mạnh nhất ở vùng sóng vi ba (microwave) của phổ sóng bức xạ. CMB được phát hiện năm 1964 bởi hai nhà thiên văn Arno Penzias và Robert Wilson. Việc này đem lại cho họ giải Nobel 1978. "Cosmic microwave background radiation". Wikipedia. Truy cập 14/02/2009. .
↑ Hậu phát quang (afterglow) hay còn gọi là chớp Gamma (Gamma-ray bursts (GRBs) là những hiện tượng chớp sáng điện từ trường trong vũ trụ từ khi có Vụ Nổ Lớn. chúng là các chớp sáng của các tia gamma dường như xảy ra ở những nơi ngẫu nhiên trong không gian sâu thẳm và tại các thời điểm ngẫu nhiên. khoảng thời gian cho vụ hậu phát quang thường vài giây, sự khởi động thường đi theo bởi một phát xạ chớp Gamma lâu hơn ở các bước sóng dài hơn. Các vụ hậu phát quang được phát hiện bởi các vệ tinh nhân tạo khoảng 2 đến 3 lần trong một tuần lễ. "Afterglow (gamma ray burst)". Wikipedia. Truy cập 14/02/2009 .
↑ Sir Fred Hoyle FRS (1915 - 2001) là nhà thiên văn Anh. Đóng góp chính của ông là trong lý thuyết về tổng hợp hạt nhân tinh tú (stellar nucleosynthesis). Ông có nhiều tranh luận về vũ trụ và các đề tài khoa học đặc biệt là do ông bài bác thuyết Vụ Nổ Lớn. "Fred Hoyle". Wikipdia. Truy cập 14/02/2009 .
↑ Bön là truyền thống tinh thần cổ nhất ở TâyTạng. Đức Dalai Lama đã công nhận đạo này như là trường phái tinhthần thứ 5 ở Tây Tạng sau 4 trường phái Phật giáo lớn. Đạo này thường được mô tả như là truyền thống tin vào linh hồn và vào khả năng liên lạc với các thần linh tại vùng Hymalaya trước khi Phật giáo trở nên thịnh hành vào thế kỉ thứ 7. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy truyền thống này phong phú và nhiều màu sắc văn hóa hơn không như sự đánh giá ban đầu của các học giả Tây Phương. "Bön". Wikipedia. Truy cập 14/02/2009. http://en.wikipedia.org/wiki/B%C3%B6n.
↑ Dịch từ chữ Brahman và Ishvara. Xem thêm "Bản Chất Triết Học Bà-la-môn dưới cái nhìn của đạo phật". Thư Viện Hoa Sen. Thích Quảng Nguyên. Truy cập 15/01/2010 .
↑ Cārvāka là hệ thống triết học Ấn Độ tin theo các dạng khác nhau của chủ nghĩa hoài nghi triết học và tính bất dị biệt về tôn giáo. Nó còn được biết bởi tên gọi Lokāyata. hệ thống này mang tên của người sáng lập ra nó, tức là Cārvāka, là rác giả của các bộ kinh Bārhaspatya. Nó được phân loại như là trường phái tư tưởng của chủ nghĩa vô thần và vật chất. "Charvaka". Wikipedia. Truy cập 14/02/2009 .
↑ Đức Dalai Lama đã trích dẫn từ "Kinh Dụ Mũi Tên". Xem thêm "Phật Nói Kinh Dụ Mũi Tên. Thích Chánh Lạc dịch. Truy cập 15/01/2010 .
↑ Từ chữ intrinsic tứa là đặc tính bản chất thường hằng không thay đổi.
↑ Ở đây đức Dalai Lama chỉ chung các bộ phái có trong thời gian còn sử dụng tiếng Pali có trước so với các trường phái đại thừa sau này.
↑ A-tì-đạt-ma hay còn gọi là Vi Diệu Pháp, A-tì-đàm, hay Thắng Pháp (zsa. abhidharma, pi. abhidhamma, bo. chos mngon pa) hoặc Tì-đàm giải thích Trí huệ. Vi Diệu Pháp là tạng thứ ba trong Tam tạng. Tạng này chứa đựng các bài giảng của đức Phật và các đệ tử với các bài phân tích về Tâm và hiện tượng của tâm. Xem như được thành hình giữa thế kỉ thứ 3 trước và thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên. Lần kết tập cuối cùng của Vi Diệu Pháp là khoảng giữa năm 400 và 450 sau Công nguyên. Có nhiều dạng Vi Diệu Pháp như dạng của Thượng toạ bộ (pi. theravāda), của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivāda)... Người ta dùng nó để luận giảng các bài Kinh (sa. sūtra, pi. sutta). "A-tì-đạt-ma". Wilipedia. Truy cập 14/02/2009 .
↑ Tường gọi là A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (sa. abhidharmakośa-śāstra),thường được gọi tắt là Câu-xá luận, nghĩa là "Báu vật của Vi Diệu Pháp", tên khác là Thông minh luận, là bộ luận quan trọng nhất của Thuyết nhất thiết hữu bộ, được Thế Thân (sa. vasubandhu) soạn vào thế kỉ thứ 5 sau Công nguyên tại Kashmir. Luận gồm có hai phần: sưu tập khoảng 600 kệ Vi Diệu Pháp Báu Luận luận bản tụng (sa. abhidharmakośakārikā) và Vi Diệu Pháp câu-xá luận thích (sa. abhidharmakośa-bhāṣya), bình giải về những câu kệ đó. Ngày nay người ta còn giữ bản tiếng Hán và tiếng Tây Tạng của luận này, đó là những tác phẩm đầy đủ nhất để trả lời các câu hỏi về kinh điển. "Vi Diệu Pháp-câu-xá-luận". Wikipedia. Truy cập 15/01/2010 .
↑ Kālachakra: Đây là chữ gốc Phạn, trong Phật giáo Mật tông có nghĩa là "bánh xe thời gian" ("thời luân") hay "các chu trình thời gian". Nó vừa là các Giác Thể (deity) của Kim cang thừa và vừa là các thực hành y khoa và triết học bao gồm trong Mật điển Thời Luân và các chú giải của nó. Tên gọi đúng hơn của Mật điển Thời luân là Kalachakra Laghutantra, và là một dạng tóm lược của kinh điển nguyên thủy tên là Kalachakra Mulatantra đã bị thất truyền. Một số đại sư Phật giáo khẳng định Thời Luân là dạng phát triển nhất của thực hành Kim cang thừa; nó là một trong những hệ thống phức tạp nhất trong Phật giáo Mật tông. Truyền thống Thời Luân đề cập quanh khái niệm về thời gian (kāla) và chu kỳ (chakra): từ các chu kỳ của các tinh tú, đến các chu kỳ thở của người, và nó đạt tới sự thực hành tác động lên việc vận hành các năng lực vi tế nhất trong cơ thể người trên con đường giác ngộ. Giác thể Kalachakra đại diện cho một vị Phật và do đó là nhất thiết trí (trí thấy biết tất cả cùng lúc -- còn gọi là toàn giác). Vì Kalachakra là thời gian mà mọi thứ đều chịu ảnh hưởng của thời gian nên Kalachakra biết tất cả. Bánh xe Thời Luân không có khởi đầu và không có kết thúc. "Introduction to Kalachakra". International Kalachakra Network. Truy cập 15/01/1020 .
↑ Núi Tu-di được xem là trung tâm của mỗi thế giới. Các châu lục bao quanh gồm: 1. Phất-bà-đề tại phương đông (Pūrvavideha, cũng dịch là Đông Thắng Thần châu) -, 2. Cù-da-ni tại phương tây (Aparagodāniya - cũng dịch là Tây Ngưu Hóa châu -, 3. Diêm-phù-đề tại phương nam (Jambudvipa - cũng dịch là Nam Thiệm Bộ châu). 4. Uất-đan-việt tại phương bắc. (Uttarakuru - cũng dịch là Bắc Cù Lô châu). Bốn châu này trong kinh điển thường được gọi chung là Tứ thiên hạ.
↑ Chữ aeon đôi khi còn được dịch là "A-tăng-kỳ kiếp". Có một số tài liệu Việt ngữ (nguồn gốc Hán) thì dịch là mỗi giai đoạn là trung kiếp gồm 20 tiểu kiếp. "Đại Cương về Luận Câu Xá". Phẩm Phân Biệt Thế Gian. BuddhaSasana. Thích Thiện Siêu. Truy cập 1999. .
↑ Sông Hằng (hay Hằng Hà -- Devanāgarī: गंगा) là một trong các sông chính của tiểu lục địa Ấn Độ dài 2510 Km bắt nguồn từ miền Bắc Ấn chảy đến tận Bangladesh. Nó có các phụ lưu từ trên dãy Hymalaya. "Ganges". Wikipedia. Truy cập 2009. .
↑ Trong vũ trụ học, Vụ Sập Đổ Lớn (Big Crunch") là một khả năng cho số phận của vũ trụ trong đó độ đo về tính giản nở của vũ trụ cuối cùng đảo ngược và vũ trụ bị sập -- kết thúc như là một lỗ đen. Điều này có thể xảy ra nếu như vũ trụ ở một trạng thái không còn tăng trưởng và chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn co lại rồi cuối cùng tất cả đều bị hút vào một hố đen hay một thể kỳ dị (singularity). "Big Crunch". Wikipdia. Truy cập 2009. .
↑ Lượng quyết định luận (sa. pramāṇaviniścaya), chỉ còn bản Tạng ngữ. Bộ luận này được chia làm 3 phần với chủ đề thụ tưởng, kết luận, và trình bày phương pháp suy diễn tam đoạn luận (en. syllogism). Luận này được xem là bản nhỏ của Lượng thích luận vì hơn nửa phần được trích ra từ đây.
↑ Luận cứ thiết kế hay một Luận cứ mục đích là một luận cứ bênh vực cho sự tồn tại của một đấng sáng tạo, dựa trên các bằng chứng tri giác được về trật tự, mục đích, thiết kế và/hoặc hướng trong thiên nhiên. Thiết kế luận (teleology) là thuyết cho rằng có một nguyên lý có mục đích hoặc có định hướng trong hoạt động và các tiến trình của tự nhiên. Xem http://en.wikipedia.org/wiki/Teleological_argument.
↑ Theo lý thuyết trường lượng tử thì "chân không lượng tử" là trạng thái của một hệ thống lượng tử theo tính toán đạt mức năng lượng nhỏ nhất. Nói chung ở trạng thái này không có các hạt vật lý. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là một trạng thái hoàn toàn không có gì cả mà trạng thái chân không này bao gồm các sóng điện từ trường chóng vánh và các hạt (sơ cấp) biến mất và thành hình. Như vậy rõ ràng có sự tương tự trong các giải thích Phật học và lượng tử. "Quantum State". Wikipedia. Truy cập 2009. .
↑ Kỳ dị trọng lực, một cách tiếp cận, là nơi mà các đại lượng để đo đạc trọng trường trở thành vô hạn. Các đại lượng này bao gồm các đáp tuyến không-thời gian hay là mật độ của vật chất. "Gravitational_singularity". Wikipedia. Truy cập 2009 .
↑ Thuyết siêu dây là một nổ lực để giải thích một cách thống nhất về các hạt vật lý và các lực nền tảng của vũ trụ thông qua mô hình về các giao động của các "dây" siêu đối xứng. Các Thuyết này được xem như là một trong những ứng viên hứa hẹn nhất của vật lý hiện đại. "Superstring_theory". Wikipedia. Cập nhật 15/01/2010 .
↑ Theo vật lý lý thuyết, thuyết M là một mở rộng mới cho thuyết Dây với 11 chiều không thời gian mà có thể nhận diện được. Vì nó bao gồm được nhiều thuyết siêu dây nên đươc tin là một thuyết cơ bản hơn và thống nhất được tất cả các thuyết dây. Việc mô tả hoàn bị về thuyết này chưa hoàn tất. "M Theory". Wikipedia. Truy cập 15/01/2010 .
↑ Tên đầy đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (sa. buddhāvataṃsaka-mahāvaipulyasūtra, ja. daihō kōbutsu kegonkyō), thường được gọi tắt là Hoa nghiêm kinh (sa. avataṃsakasūtra hoặc gaṇḍavyūha) là một bộ kinh Đại thừa, lập giáo lí căn bản của Hoa Nghiêm tông. Kinh nhấn mạnh đến tính "vô ngại" của mọi hiện tượng và chủ trương rằng tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật. Quan điểm này của Đại thừa hay được Thiền tông nhấn mạnh và vì thế, kinh này cũng thường được tông này nhắc đến. Xem "Kinh Hoa Nghiêm". Hán Dịch: Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà. Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh. Phật Học Viện quốc Tế Xuất Bản PL 2527 - 1983. "Kinh Hoa Nghiêm". Quảng Đức. Truy cập 2009 . Phẩm A Tăng Kỳ thuộc quyển 40 (Tập 5) . Chữ "A Tăng Kỳ" có nghĩa là số vô cùng lớn không đếm được.
↑ Lưới ngọc Đế Thích (skt: indrāṇī) đôi khi còn được phiên âm thành "Nhân Đà La", hay lưới châu báu Đế thích có khi được dịch thành "Nhân Đà La Võng". "Yếu chỉ Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh". Du Tắc Thiền sư giảng lược. Thư Viện Hoa Sen. Truy cập 2009 .
↑ Điều mô tả này có thể ít nhiều so sánh với trường hợp ý tưởng về nguyên lý "Vị Nhân" (anthropic principle) trong vũ trụ học. Nguyên lý này khẳng định về sự cần thiết tính đến cuộc sống của con người, vì nó được tạo thành từ vũ trụ (và do đó phản ánh các luật vật lý). Nguyên lý này có thể trình bày dưới các quan điểm mạnh yếu khác nhau. "Anthropic principle". Wikipedia. Truy cập 15/01/2010
↑ Xin xem thêm chi tiết về các nguyên lý của lập luận trong dịch phẩm "Tứ Diệu Đế" phần Nghiệp và Thế Giới Tự Nhiênn và Phụ Lục 2 Các Quán Chiếu Phật Giáo. Tải về tại http://rongmotamhon.net/.
@by txiuqw4