Chiếc xe du lịch lùn như con cóc ấy khi ra đường ai cũng biết. Nó nổ máy mà như nó cười. Tiếng còi của nó lảnh lót, chói tai. Lọ Lem không quay lại nhưng biết nó đã dừng ngay sát cô.
Trưởng phòng Lê Thắng thò đầu ra cửa xe:
-Lên đi! Anh chở ra chợ.
Lọ Lem ngồi ở ghế trước.
-Lọ Lem này, Thắng khều vai, người ta đồn tôi bồ với cô Thu, em có tin không?
-Ai đồn?
-Em không biết à?
-Không. Nhưng anh thích chị Thu hả?
-Anh thích em.
-Nhiều người nói thích em, nhưng em chẳng thích ai cả.
-Ví dụ như anh hôn em ngay bây giờ, em có thích không?
Lọ Lem cười, nhìn ra công viên. Xe đang chạy vòng qua đấy, dưới bóng những cây xanh mát, rải rác những ghế đá. Buổi trưa công viên vắng người. Ðường quanh công viên trải nhựa phẳng phiu. Thắng cho xe chạy nhanh, lả lướt, bay bướm. Lọ Lem chỉ ngồi cách có vài gang tay, anh ta đột ngột vít đầu Lọ Lem xuống mà hôn. Lọ Lem hoảng hốt vùng ra, xe lạc tay lái đâm vô lề, húc ngã chiếc ghế đá, gây tiếng động rất lớn.
Thắng thất sắc nhảy xuống xe. Ðầu xe bẹp dúm, kính vỡ nát. Nhưng Lọ Lem chỉ chú ý đến người đàn ông đang nằm bất tỉnh trên cỏ. Cô chạy đến bên nạn nhân, đặt tay lên chỗ trái tim, cô mơ hồ cảm thấy nó đang đập yếu ớt.
Ðó là một người đàn ông trung niên ăn mặc xoàng xĩnh. Ông ta nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền. Thắng luống cuống, dáo dác ngó chung quanh không biết phải làm gì, đến khi Lọ Lem nâng đầu nạn nhân dậy thì anh mới luồn tay vô hai chân ông ta và khiêng ra xe. Lọ Lem ngồi phiá sau, đặt đầu nạn nhân lên đùi mình còn Thắng thì lái.
Khi làm thủ tục nhập viện, người y tá hỏi:
-Nạn nhân tên gì?
Không ai biết. Thắng lục tìm trong túi nạn nhân thấy chỉ có vài trăm bạc, ngoài ra không có giấy tờ gì cả.
-Anh chị là gì của nạn nhân?
-Không quen biết. Thắng nói.
VN 02Cô y sĩ trẻ đứng kế bên, lấy một cọng chỉ nhỏ để sát mũi nạn nhân rồi cởi nút áo ông ta, đặt ống nghe lên ngực. Khi cô bỏ ống nghe ra thì thấy trên ngực trái của nạn nhân có xâm hai chữ nhỏ bằng đầu ngón tay: VUA MÈO.
Cái tên ấy làm mọi người mỉm cười, tuy vậy cô y tá vẫn ghi vào hồ sơ bệnh án và làm mọi thủ tục cần thiết.
Ðộ nửa tiếng đồng hồ sau mọi thủ tục nhập viện mới xong, hai người ra xe. Lọ Lem nói:
-E khó sống.
Thắng lắc đầu. Xe chạy được một lát Thắng dặn:
-Lát nữa đến đồn công an cô đừng nói gì cả, cứ để tôi khai.
Lọ Lem gật đầu. Tuy vậy khi đến công an thì chẳng ai hỏi han gì đến cô cả. Mọi chi tiết về tai nạn đều do Thắng bịa ra nhưng Lọ Lem cũng chẳng quan tâm đến những lời khai ấy. Cô ngồi nhìn lơ đãng ra sân và nghĩ đến vết xâm trên ngực nạn nhân. Vua Mèo, cái tên kỳ lạ, giống như trong chuyện cổ tích.
Thắng khai báo ngắn gọn và dường như người ta cũng không làm khó dễ gì anh. Họ trả giấy tờ cho Thắng và hẹn ngày làm việc tiếp. Vẫn chẳng ai nói năng gì về Lọ Lem.
Trưa hôm sau cô đến bệnh viện thăm Vua Mèo. Ông ta vẫn chưa tỉnh, tình hình xem ra có vẻ rất nghiêm trọng. Cô y tá vẫn tưởng Lọ Lem là người nhà của nạn nhân nên an ủi cô:
-Ðừng buồn, mọi người ở đây sẽ cố gắng hết sức, còn chuyện sống chết chưa thể nói trước được.
Lọ Lem ngồi lặng thinh. Qua cửa kính của phòng cấp cứu cô nhìn thấy ông ta đang thở bằng bình dưỡng khí, ngực phập phồng, hai mắt nhắm, mặt tái xanh. Một bàn tay mềm mại, ngón dài trắng xanh thò ra ngoài mép “ra” bất động. Cảnh ấy làm cô xót lòng.
Cô trở lại chiếc ghế nơi hành lang rộng và không muốn về nữa. Cô nhìn xuống khoảng sân phía sau và thấy nắng làm cho cỏ trong khuôn viên xanh rờn. Cô cứ nhìn đăm đăm cái vạt cỏ ấy và cảm thấy một nỗi trống rỗng lạ lùng mà cô chưa từng trải qua. Tai nạn ấy như một đám mây mờ bay lạc vào thế giới hồn nhiên của tâm hồn cô. Vua Mèo là ai, ngồi làm gì nơi ghế đá ấy? Ông đang sống cuộc đời của ông bỗng nhiên cô đem cái chết đến mà không báo trước, không một lời nói, ông ta từ cõi sống bước qua thế giới bên kia một cách lặng lẽ trơ trọi biết bao. Ông ta có những ai là người thân trên đời này? Sao không thấy xuất hiện? Không thấy ai khóc lóc? Lọ Lem hoàn toàn không sợ cái chết nhưng cô cảm thấy có một cái gì đó vừa tắt trong tâm hồn mình và lòng cứ hiu hắt như chút nắng nhạt còn sót lại đâu đó trên cây cỏ.
Một người đàn bà trẻ vừa bước lên khỏi cầu thang, ngơ ngác một chút rồi đi dọc theo hành lang vừa đi vừa ngước nhìn những bảng chỉ dẫn trên tường. Cuối cùng bà ta dừng lại ở phòng cấp cứu, nói chuyện với người y tá trực một lúc rồi sụt sịt khóc. Không biết cô y tá đã nói gì với bà ta mà khi quay lưng đi bà bước thẳng tới chỗ Lọ Lem đang ngồi.
Bà ta trạc ngoài ba mươi, đeo kính cận, nước da trắng và trang điểm kín đáo. Bà chào Lọ Lem và ngồi xuống một bên.
-Em là em gái của anh ấy?
Lọ Lem gật đầu. Người đàn bà nói:
-Trước đây anh ấy sống đơn độc. Anh chẳng bao giờ nói gì về những người thân.
Lọ Lem làm thinh. Người đàn bà lại nói tiếp:
-Suốt đời anh ấy tự làm khổ mình.
Lọ Lem vẫn làm thinh.
-Em thật giống tính anh ấy. Có cái gì làm cho em tuyệt vọng vậy?
-Không. Lọ Lem đáp rất nhỏ.
Người đàn bà lại nói.
-Chị thề với em là chị không bỏ anh ấy. Chính anh ấy đã làm chị phải xa. Chị không thể nào chịu nổi sự xa lạ của anh, dù chị rất yêu. Anh ấy có kể với em về chị không?
Lọ Lem vẫn im lặng.
-Trời ơi, tính tình của em y hệt như anh ấy. Chắc anh ấy chết mất thôi em ạ.
Bà lấy khăn tay thấm nước mắt.
-Chị đừng xúc động quá. Lọ Lem nói. Ði ra ngoài một lát đi.
Hai người chở nhau trên chiếc Honda mầu xanh đến một quán nước ngoài bờ biển. Họ gọi một đĩa cua rang muối và ngồi uống bia dưới bóng cây. Lọ Lem hỏi:
-Tại sao anh ấy lại có biệt hiệu là Vua Mèo?
-Có những lúc anh bỏ nhà ra đi, đánh bạc với bọn xì ke, bọn gái điếm. Chúng nó phục rượu anh đến say mèm và dùng kim thích lên ngực hai chữ đó. Anh đã nổi tiếng với danh hiệu đó và có lẽ sẽ chết với danh hiệu đó. Có người cho đó là một cái tên ô nhục nhưng chị vẫn thích tên đó được gán cho anh. Nó là một huyền thoại về anh. Có khá nhiều huyện thoại về anh ấy và chị cũng chỉ có thể biết một trong số những huyền thoại ấy. Thoạt tiên anh ấy xuất hiện trong một buổi họp mặt bạn văn nghệ. Trên chiếu rượu chừng mươi người gồm những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ nam có nữ có. Anh nằm khuất sau lưng những người khác, ẩn dật như một nhà hiền triết. Không ai biết đến anh. Người ta đọc thơ, hát những sáng tác mới, người ta bình phẩm cười cợt và uống rượu. Chai rượu ngã lăn lóc khắp nơi, ly cốc khua leng keng. Nhà thơ Lê Duy là người làm món nhậu xuất sắc như một đầu bếp lành nghề. Bọn đàn ông uống nghiêng ngửa, có hứng, thơ đọc cũng hay hơn. Chị chỉ uống bia nhưng mặt cũng nóng phừng phừng. Người ta yêu cầu, chị đọc:
Bạn bè hoan hô ồn ào. Chị đọc một lúc bốn năm bài, toàn thơ tình. Lúc ấy Vua Mèo ngồi thụt trong xó nhưng rượu thì vẫn được chuyền vào anh ta một cách đều đặn. Chị cũng chưa nói chuyện với anh lần nào, dường như anh không ở trong giới văn nghệ sĩ mà chỉ là bạn của Lê Duy. Bạn thân hay sơ chị cũng không rõ.
Người ngồi trước mặt Vua Mèo đã gục xuống nên anh hiện ra dưới ánh đèn vàng. Anh uống rượu hay nhăn mặt nhưng cứ uống tràn. Một người nữa lại gục xuống như cây đổ. Cứ lần lượt gục xuống. Còn lại năm người. Bọn đàn ông hát nghêu ngao như trẻ con. Vua Mèo thì vẫn ngồi im, lưng tựa vô vách, mặt ngước nhìn trần nhà, mái tóc dài phủ xuống mặt. Anh uống hết phần rượu còn lại trong chai và thả nó lăn đi từ từ ra cửa. Rồi như một người du mục, anh đưa hai tay lên trời, nói lảm nhảm:
(Thơ Emily Dickinson, Hoàng Thạch Thiết dịch – Xem nguyên tác tiếng Anh ở cuối sách)
Đó là bài thơ đầy ẩn ngữ của anh. Bài thơ ấy làm chị ngạc nhiên nhìn anh sững sờ. Bây giờ trông anh như một người hành khất, anh quỳ gối, tay ôm lấy hai vai như người đang rét run. Chị hỏi:
-Anh có làm nhiều thơ không?
-Em cho đó là thơ à? Tôi không phải là nghệ sĩ. Tôi chỉ nói những ý vừa hiện ra trong đầu tôi giống như tia chớp lóe. Một con vẹt già nua. Mang đến cho chàng những hạt hướng dương. Và mặt trời đi vào ngục tù của trẻ thơ. (thơ Jacques Prévert)
Nói xong anh mềm rũ như người vừa trút cạn tinh lực của mình vào trời đất. Tóc rối, áo quần xốc xếch, nhàu nát. Anh ngồi buồn như đứa trẻ con đang đói, hiền lành như con bê trong máng cỏ của Chúa Hài Ðồng. Chị lấy lược chải tóc cho anh, sửa lại cổ áo anh. Lúc ấy anh dễ thương lạ lùng, chị không ngăn được ý muốn ôm hôn anh ấy. Chị hôn lên trán anh và anh ngã xuống trước mặt chị. Rượu đã ngấm vào tận tim gan anh, rượu cũng bắt đầu ngấm vào da thịt chị. Chị cũng nằm xuống bên cạnh Vua Mèo. Anh ôm ghì lấy chị và chị rất thích được như thế. Chị không thể nào quên được cái cảm giác lúc ấy. Bay bổng, thần tiên và điên dại.
Chị với Vua Mèo sống chung với nhau trong một năm.
Lọ Lem hỏi:
-Tại sao lại chỉ có một năm?
03-Vì Vua Mèo không hề yêu chị. Anh ấy không yêu ai cả em ạ. Anh ấy cũng không yêu bản thân mình. Anh ấy là một biển khát vọng ngưng tụ lại. Anh yêu một cái gì xa vời, ở tận cõi nào đâu mù mịt. Hay là anh sợ hãi những điều đó chị cũng không biết. Chính cái nơi chị em mình đang ngồi đây, ngày trước anh và chị đã từng ngồi ăn uống, ngắm biển, lúc trời gió, lúc nắng hanh hay trời âm u, biển mênh mông sóng. Ðang vui có khi anh khóc như một đứa trẻ, đang đằm thắm âu yếm chợt xa lạ lạnh lùng buồn bã, có khi chợt như thiếu vắng, chợt như nhớ nhung cái gì đó. Chị hỏi: Trước đây anh có một mối tình lớn lắm phải không? Anh cười, anh không nói gì cả. Dường như chị đoán sai. Anh không có mối tình nào cả, không có chút dấu vết nào của một mối tình đầu. Mà sao dường như em không biết gì về anh ấy vậy? Những năm đó em đi đâu? Em ở đâu?
Lọ Lem cười. Hai người nhìn nhau, lặng im. Biển sóng gào thét. Gió lồng lộng tóc và trời âm u. Những ngày này thành phố bất thường như cô gái dậy thì, nắng mưa thay đổi nhau, sóng xô đẩy, gió cuốn lá chạy trên đường nhựa hối hả. Nhưng tâm hồn của hai người bạn thì trầm lặng. Lọ Lem im lặng không phải để suy nghĩ nhưng cô chờ cơn gió cuốn lá bàng khô đi qua, rồi cô mới nói, đó là một câu hỏi muộn màng:
-Chị tên gì vậy?
-Kim Anh. Này Lọ Lem, em trả lời chị đi. Trong những năm đó em ở đâu?
-Em cũng không muốn tạo huyền thoại quanh mình đâu chị Kim Anh ạ, em muốn sống, ăn nói, suy nghĩ như một thiếu nữ bình thường nhưng em không thể trả lời câu hỏi đó của chị đâu.
-Tại sao vậy?
-Em cũng đang chờ đợi xem tại sao vậy.
-Thế thì đích thị em là em ruột của Vua Mèo.
Lọ Lem lại hỏi:
-Sau chị có bao nhiêu người yêu anh ấy nữa?
-Có nhiều lắm. Người trí thức cũng có mà gái điếm cũng có. Chính cô ta đã dẫn dụ anh đến một cái ổ ma túy và xâm hai chữ Vua Mèo, lần đó anh nằm ngất ngư suốt một đêm say khướt, máu ra đầm đìa ngực. Nhưng thôi, sẽ có lúc em gặp lại cô gái điếm ấy, cô ta sẽ kể cho em nghe. Em sẽ thấy rằng Vua Mèo thường tự coi mình như một thằng hề giữa cuộc đời rộng lớn. Hy vọng rằng ý nghĩa đó gần đúng với anh. Em có hiểu không?
-Chị làm em rất tò mò, rất muốn hiểu về anh ấy. Chắc hai người đã có nhiều kỷ niệm với nhau lắm phải không?
Ðối với chị đó là những ngày đẹp đẽ nhưng buồn. Chị đã yêu anh ấy biết bao nhưng lúc nào cũng thấy anh ấy ở ngoài mình. Chị và anh ấy thường đi lang thang khắp những bờ biển vắng vẻ, những ghềnh đá, những vườn cây. Trưa nắng anh bơi ra biển vẫy tay gọi và reo cười như trẻ con. Chị đứng trên bờ ăn đậu phụng nấu, bỏ mặc anh với sóng nước mà đi loanh quanh những gốc cây bàng mọc ven bờ.
Trời không có nắng nhưng mặt biển và nền trời vẫn sáng. Cái vẻ dịu dàng ấy phản chiếu vào những vòm lá, những ngọn cỏ. Chiếc ghe nhỏ ở đâu chạy lại, anh bơi gần sát nó, có lúc tưởng như chìm mất dưới lớp sóng lao xao. Rồi chiếc ghe máy vượt qua anh. Vua Mèo ném một cái gì đó lên cao để cho chị chú ý, chị đưa tay vẫy và gọi anh vào bờ nhưng anh cứ bơi đi và hét lên những câu gì đó nghe không rõ.
Chị ngồi trên bờ đá ngâm chân xuống nước, rải những vỏ đậu xuống biển. Chúng rập rềnh trôi đi. Lũ cá nhỏ bu lại một lát rồi biến mất, những cái vỏ đậu bé con trôi xa rồi tan vào sóng.
Bọn trẻ con ở đâu kéo tới, đứng nhìn chị. Chúng ăn mặc rách rưới bẩn thỉu và có vẻ hiền lành.
-Cô đợi ai vậy? Chúng hỏi.
Chị lắc đầu, xong lại hỏi chúng:
-Ở đây có đá ngầm không?
-Không. Nhưng có cá mập.
-Cá mập hả? Chị rút hai chân khỏi nước và kêu lên.
Thằng bé cầm cái giỏ cá, nói:
-Nó xạo đó cô. Ở đây tụi em tắm hàng ngày. Chú đó vô kìa.
Chị lại gần chỗ anh đang bơi vào nhưng sóng cuốn anh đi lệch xuống phía dưới. Anh đu lên kè đá, không hề mắc cỡ về cái ngực lép của mình. Anh tặng cho chị một con sao biển và hỏi:
-Dép anh đâu?
Chị nhìn quanh nhưng không thấy.
Bọn trẻ con nhanh quá, chị không tài nào biết được chúng đã lấy lúc nào, còn anh thì cười thích thú để chế diễu chị. Anh nói:
-Tụi nhỏ này khá. Biết cách xoay xở.
-Anh lại khen chúng à? Phải trị chúng nó mới được.
Anh ngoắc gọi chúng đến. Chúng nhìn anh với vẻ dò xét nhưng rồi thấy anh hiền lành chúng mon men lại. Vua Mèo bảo chúng ngồi xuống cát quanh anh. Những khuôn mặt đen đủi, những mái tóc vàng cháy.
-Ðứa nào lấy? Anh hỏi.
-Tụi em có lấy đâu.
-Khai đi. Tao cho mỗi đứa cây kem.
Bọn nhỏ đều cười. Chẳng đứa nào nhận. Anh lại hỏi:
-Tụi bay làm gì ăn mặc rách rưới quá vậy?
-Móc rác, một đứa nói, thằng tóc vàng móc rác.
-Còn mày thì bán vé số.
-Còn thằng đen như lọ nồi này? Anh hỏi.
-Ði lưới.
-Thế đứa nào lấy dép?
-Có thằng kia, chú ơi, cháu thấy nó lấy giấu đàng kìa kìa. Ðể cháu đi kiếm cho.
Cả bọn kéo nhau đi về phía hàng rào quán nước. Một lát sau chúng trở lại với đôi dép trên tay. Anh hỏi thằng tóc vàng:
-Mày lấy phải không?
-Dạ. Nó gật đầu và cười.
Anh nói:
-Dám nhận là khá.
Rồi vốc một nắm bạc, đưa cho lũ nhỏ, anh nói:
-Ði đi. Nhớ đừng lấy dép của ai nữa nhé. Họ đánh chết đấy.
Bọn trẻ mừng rỡ bỏ đi. Không biết anh cho chúng bao nhiêu nhưng dường như trong túi anh không còn đồng nào cả và anh không hay biết chuyện ấy.
Vua Mèo đưa chị đi dọc theo mé nước, bãi cát đầy xác sứa, sao biển và cả rong nữa. Có những hôm rong và sứa nổi đầy trên mặt nước, anh vớt rong lên để cả đống trên bờ, trong đó đôi khi có lẩn những con cá nhỏ, anh bứt một lá rong nhai nát trong miệng.
-Sao em không tắm?
-Sóng lớn quá, em sợ. Có người đã chết trên vùng biển này.
-Nhưng mình không chết. Mình không bao giờ chết cả. Nhiều khi anh ngồi nhìn cái đồng hồ và tự bảo: Thời gian trôi, mặc kệ nó. Mình cứ sống cuộc đời của mình thì sao mà chết được.
-Như thế là anh đã sợ chết rồi.
-Sợ. Nhưng anh sẽ không bao giờ chết.
Rồi anh lấy thuốc lá ra hút. Khói bay tản mạn lùa cả trong tóc chị. Khi chị bỏ kính cận ra, anh quay nhìn và nói:
-Tôi đang đi cạnh ai vậy?
-Kim Anh.
-Nếu có người đàn ông nào đó hôn em trong lúc em không đeo kính làm sao em biết anh ta là ai?
Chiếc ghe máy lúc nãy đi sát bờ, nghiêng ngả trên sóng. Chị nói:
-Thôi, ta đi ăn một cái gì.
Quán nhỏ bán các món nhậu, nước giải khát và bia. Quán đã có lưa thưa bốn năm người khách ngồi quanh một chiếc bàn tròn trải khăn trắng, dưới chân họ chất mấy két bia. Họ uống nhiều nhưng không ồn ào. Chị chọn một cái bàn gần đó vì nó thoáng và sạch. Vua Mèo gọi năm chai bia và một dĩa bò lá lốt. Anh uống bia chậm rãi, quý trọng từng giọt nước vàng óng sủi bọt ấy. Mặt anh thanh thản, cái nhìn ấm áp không rời chị. Chị cũng lặng lẽ ngắm anh. Nhiều khi ngắm anh chị vẫn tự hỏi: tại sao chị lại gặp con người này? Hai người ở cách nhau quá xa, anh ở Tây Nguyên còn chị thì ở đây vậy mà bây giờ hai người ngồi uống bia với nhau. Chị ngắm nhìn anh, thân thiết như một bộ phận của cuộc đời mình.
Gió biển thổi mạnh hơn. Có một người già đến bên bàn xin tiền. Anh móc túi định cho và ngạc nhiên khi thấy mình không còn đồng nào cả. Chị tức cười quá, nói:
-Lúc nãy anh đã cho sạch bọn trẻ.
Anh hỏi:
-Em có tiền lẻ không?
Chị mở xách tay tìm trong mớ đồ đạc lỉnh kỉnh, bỗng lạnh toát người:
-Chết rồi. Mất ví tiền rồi!
Anh cười ha hả:
-Lại bọn trẻ con lúc nãy.
Chị sững sờ nhìn anh. Và nhìn năm chai bia, dĩa bò lá lốt trên bàn, lại có cả nửa gói Gitane nữa.
Chị hỏi:
-Làm thế nào bây giờ?
-Ăn xong mình chạy. Anh cười và nói tỉnh bơ.
Chị ngó anh, nghi hoặc:
-Anh còn tiền hả?
-Có còn đồng nào đâu.
-Ðưa ví xem.
Anh rút cái ví lép kẹp đưa cho chị, ví đã sờn rách, bên trong có mấy cái vé xi nê cũ, một thẻ xem phim chị cho anh tháng trước và một tờ giấy học trò gấp làm tư viết nhăng nhít gì đấy.
-Làm sao bây giờ?
Anh lặng lẽ uống một ngụm bia, nhìn chị hồi lâu, anh nói:
-Bình tĩnh. Ðể anh nghĩ xem có bạn bè gì ở gần đây không.
Hai người ngồi im trong một lúc khá lâu. Những thực khách ở bàn bên cạnh cụng ly lanh canh và nói cười rôm rả hơn. Người phục vụ lại đem bia đến và khui cho họ. Một anh chàng trai trẻ mặc áo ca-rô để ria mép nhìn chai bia rồi cầm lên lắc mấy cái:
-Bia này sao không có bọt?
-Bia tốt đó anh, cô phục vụ nói và rót bia vào ly nhưng chỉ thấy tăm nổi lăn tăn mà không có tí bọt nào.
Lại khui chai khác, vẫn không có bọt. Chai thứ ba cũng thế. Vua Mèo chăm chú theo dõi những người láng giềng của mình. Dường như chuyện bia bọt của họ đã thu hút anh làm anh quên mất tình thế dở khóc dở cười của mình. Chị lại hỏi:
-Anh đã nghĩ ra được điều gì hay chưa?
Vua Mèo không trả lời, anh có vẻ thích thú với những diễn biến đang xảy ra ở bàn bên cạnh. Thình lình anh đứng dậy, đi thẳng lại phía bọn họ, thản nhiên nói:
-Bia này bọt khá lắm đấy.
Mọi người quay nhìn. Anh mỉm cười với họ và trong lúc họ đang ngạc nhiên về sự xuất hiện đột ngột của anh, Vua Mèo cúi xuống xòe bàn tay giữ lấy chai bia và vuốt ngược lên. Lạ thay, bọt từ trong chai theo cái vuốt ấy tuôn ra cuồn cuộn. Anh cầm chai bia lên rót vào ly cho mọi người, ly nào cũng đầy tràn bọt bia trông rất đẹp mắt. Bọn thực khách thú vị quá vỗ tay tán thưởng.
-Làm tiếp đi! Họ giục.
Vua Mèo lập lại trò ảo thuật của mình và rót bia vào những cái ly còn lại. Người thanh niên mặc áo ca-rô lúc nãy tuyên bố:
-Anh số một. Mời sang đây cụng ly với anh em chúng tôi.
Vài người trong bọn họ đứng lên, dọn cả các thứ trên bàn chị sang bàn họ. Vua Mèo ra hiệu cho chị dời sang. Họ lại gọi bia nhưng lần này Vua Mèo không phải lập lại trò ảo thuật nữa vì bia xuất khẩu chất lượng tốt.
Chị ra hiệu cho anh uống ít nhưng những người bạn mới tỏ ra quá ưu ái anh. Tuy vậy anh không có vẻ gì là say. Một người trong bọn họ nói:
-Tôi phục anh lắm, nhưng rất có thể anh đã bỏ một chất gì đó trong bia.
Vua Mèo nói:
-Các anh cũng biết là tôi đâu có sửa soạn trước cho chuyện này.
-Thế thì hãy biểu diễn một trò khác. Cạn ly đi!
Họ lại uống. Vua Mèo xoay chai bia xuất khẩu trong tay rồi chỉ vào cái nhãn giấy:
-Hãy nhìn kỹ cái nhãn dán trong chai này nhé.
Anh xòe hai bàn tay ra, giữ chặt chai bia, chụm môi thổi phù một cái. Khi buông hai tay ra thì cái nhãn đã biến mất.
-Có khi anh tráo chai bia lùn vào.
-Anh ấy làm trước mặt các anh mà. Chị chống chế và hoàn toàn ngạc nhiên về trò ảo thuật của anh.
-Hay quá! Một người khác kêu lên.
-Nhưng cái nhãn đi đâu?
Vua Mèo chỉ vào người ngồi đối diện mình:
-Mở nút áo ra đi!
Anh ta mở nút áo và rõ ràng là cái nhãn bia xuất khẩu đã dán chặt vào ngực mình.
Tất cả lặng người đi vì ngạc nhiên thán phục.
Tàn buổi tiệc Vua Mèo ngồi im. Cái vẻ đau khổ của đêm đầu tiên chị gặp anh lại ám ảnh chị. Những người cùng bàn đã say mèm khoác vai nhau đứng lên, lè nhè rủ anh đi uống cà phê nhưng Vua Mèo không nói một lời và cũng không nhìn chị, hình như anh đang nhìn một cái gì đó trong khoảng không trước mặt. Cái vẻ ấy làm chị sợ hãi, chị nói:
-Em đưa anh về.
Anh lẳng lặng đứng lên nhưng không đi theo chị. Anh đi một mình ra kè đá ngồi xuống đó. Dường như anh cũng không cảm thấy chị đang lại gần, không nghe thấy chị đang nói.
-Có chuyện gì vậy? Chị hỏi.
-Không.
-Anh say rồi. Không nên ngồi ở đây.
Anh làm thinh. Chị vuốt tóc anh và hỏi:
-Sao bỗng nhiên anh lại thế?
Anh ngẩng lên nhìn chị. Cái nhìn ấy chị nhớ suốt đời. Nó dữ dội, man dại và tuyệt vọng, nó làm chị run lên và suýt ngã xuống kè đá.
-Kìa, anh! Chị gọi một cách thảng thốt.
-Tôi muốn ngồi một mình.
-Nhưng anh say rồi. Về nhà đi anh.
Anh hét lên:
-Tôi muốn ngồi một mình! Cô hiểu không!
Chị không hiểu gì cả, bật khóc. Gió biển như lùa chị ra khỏi kè đá. Chị bước hấp tấp, sóng tung bụi nước lên người chị, sóng đập dữ dội vào kè, vỡ tan thành sương thành gió. Chị run lên vì lạnh và sợ. Cái nhìn ấy của anh không bao giờ chị quên được. Cái gì đã làm anh tuyệt vọng đến thế?
11Ngày thứ hai Lọ Lem và Kim Anh lại đến bệnh viện. Vua Mèo vẫn chưa tỉnh và không có dấu hiệu gì là sẽ tỉnh lại. Người ta vẫn cho anh thở bằng bình dưỡng khí và chuyền sérum cho anh đều đặn. Các bác sĩ vẫn chưa có kết luận gì về anh nhưng họ nói: còn nước thì còn tát. Lọ Lem và Kim Anh ngồi chờ ở hành lang độ một tiếng đồng hồ thì có một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi ăn mặc rất sang trọng đến chỗ y tá trực. Kim Anh có vẻ muốn tránh mặt người đàn bà ấy. Lọ Lem hỏi:
-Bà đó là ai vậy?
-Có một thời Vua Mèo sống chung với bà ta. Một người rất giàu có, rất đa tình.
Lúc ấy có tiếng bước chân lên cầu thang và một nữ tu sĩ từ đầu đàng kia hành lang đi lại, theo sau là một người đàn bà nhan sắc đã tàn phai nhưng vẫn còn cố gắng vớt vát bằng những son phấn lòe loẹt.
Kim Anh nói nhỏ vào tai Lọ Lem:
-Hai người mới đến này chắc không biết nhau đâu nhưng họ đều có quan hệ với Vua Mèo.
Lọ Lem kín đáo quan sát ba người đàn bà vừa mới đến. Dường như người đàn bà giàu có và cô tu sĩ có biết nhau vì thấy họ nói chuyện với nhau một cách tự nhiên còn người đàn bà trang điểm lòe loẹt kia thì đứng riêng một mình bên giường bệnh. Bà khóc, ban đầu chỉ thấm những giọt nước mắt vào chiếc khăn tay, một lát thấy hai vai bà rung lên, khóc nấc…
Trưa nay Kim Anh không kể tiếp câu chuyện về Vua Mèo vì chị bận đi đâu đó còn Lọ Lem thì lại bận dự buổi góp ý đối tượng đảng của bà Mỹ ở cơ quan vì thế họ chia tay nhau. Kim Anh nói:
-Tối nay chắc chị phải đến trực ở đây. Dẫu sao chị vẫn tin rằng anh ấy có thể tỉnh lại. Em có đến chơi với chị không?
-Em sẽ đến.
Lọ Lem về đến cơ quan thì buổi họp đã bắt đầu được năm phút. Cô lẻn vô phòng họp như một kẻ trộm, tưởng rằng mọi người đang góp ý sôi nổi không ngờ phòng họp im lặng. Bí thư chi bộ đứng lên nói mấy câu, đại khái chị bảo rằng lần góp ý trước mọi người đã nhắc nhở bà Mỹ phải phấn đấu thêm, hôm nay sau ba tháng chi bộ nhận thấy bà Mỹ có những thay đổi đáng kể, vì thế mới có buổi góp ý lần thứ hai. Sau đó chị bí thư bảo bà Mỹ đứng lên đọc bản tự kiểm.
Thoạt đầu mọi người cũng có ý lắng nghe nhưng chỉ không đầy một phút sau bà Mỹ lại khóc, lại nói rằng bà tham gia cách mạng đã hai mươi mấy năm, đã từng bị tù tội, bị tra tấn hết sức dã man và bây giờ đời sống hết sức khó khăn nhưng lúc nào bà cũng tin tưởng…
Tóm lại bà vẫn mở cái cuộn băng cát-xét bữa trước hát lại tuồng cũ. Vì thế mọi người lại lấy sách ra đọc, lấy len ra đan áo hay xì xầm bàn chuyện thời trang.
Chàng trai ở đâu bỗng xông tới chỗ Lọ Lem.
-Trưa hôm qua cô đi đâu không về kho giấy?
-Tôi không muốn anh hỏi như thế.
Chàng trai mặt tái mét, van xin:
-Chiều nay tôi đưa cô về nhé. Chỉ xin đưa đến cồn cát.
Lọ Lem nói:
-Chiều nay tôi không về nhà.
-Cô đi đâu vậy?
Cô gái cười, vò đầu chàng trai:
-Im, nghe chị Mỹ phát biểu kìa.
Lúc này bà Mỹ lại quay sang chỉ trích giám đốc và tố ông đã nuôi gà trên lầu làm mất vệ sinh trong khu nhà tập thể.
Có lẽ vì thấy chương trình được phát lại y hệt như lần trước nên cô Thu, vốn bị mang tiếng là bồ của Thắng, vội vàng đứng lên bỏ phòng họp đi ra. Chẳng ngờ cô bị bà Mỹ gọi giật lại: Này cô Thu! Tôi đề nghị cô không nên bỏ cuộc họp mà đi ngang xương như vậy.
Mọi người cười quá trời. Không khí vui hẳn lên, chỉ có chàng trai là mặt cứ đăm đăm. Chàng thở dài chăm chú nhìn Lọ Lem, thẫn thờ như kẻ mất hồn.
Sau đó là phần góp ý của quần chúng. Cả phòng họp im lặng. Người ta chờ xem ai sẽ nói trước, người nọ ngó người kia, năm mười phút sau vẫn không ai nói. Chị bí thư chi bộ nhắc mọi người nói, vẫn không ai nói, chị phải gợi ý cho họ nói, họ cũng không nói, cuối cùng giám đốc phải nói, rồi đến bí thư chi đoàn, thư ký công đoàn nói, sau đó tiến hành bỏ phiếu. Hiện diện bốn mươi hai người, ba mươi bảy phiếu trắng, bốn phiếu thuận và một phiếu chống.
Buổi họp kết thúc trong bầu không khí buồn tẻ nhưng người buồn nhất vẫn là chàng trai. Chàng không nhìn Lọ Lem nữa, chàng bỏ đi lang thang một mình ngoài biển, chàng đến cái nơi mà đêm nào Lọ Lem đã nằm ngủ trần truồng ở đó, ngồi bó gối mà nhìn đăm đăm ra khơi.
Ðêm, trên chiếc ghế dài nơi hành lang của bệnh viện Kim Anh kể cho Lọ Lem nghe câu chuyện về người đàn bà giàu có, một thời sống chung với Vua Mèo. Người đàn bà giàu có đó tên là Bạch Liên, bà là bạn của Kim Anh và trước đó không hề quen biết Vua Mèo. Một buổi chiều Kim Anh gặp Vua Mèo đi phất phơ ngoài phố, chị hỏi:
-Anh đi với em không?
-Ði. Vua Mèo đáp mà không cần biết đi đâu. Khi đến trước một biệt thự sang trọng Vua Mèo hỏi:
-Nhà ai vậy?
-Nhà bạn em.
-Anh chỉ thích đi loanh quanh trong phố, không thích giam mình trong phòng.
-Anh cứ theo em, sẽ có nhiều chuyện vui lắm.
Hai người bước vào thang máy. Chỉ có hai người trong cái hộp sắt đó. Vua Mèo có vẻ khó chịu nhưng lúc cánh cửa thang máy mở ra thì anh reo lên khi thấy mình đang đứng trước một gian phòng rộng thoáng bốn mặt và đầy gió.
-Nếu như em định giết chết anh nơi này thì anh cũng sẽ bằng lòng. Có phải em định dụ anh lên đây để cho một tay nào đó lụi con dao vào bụng không?
Kim Anh mỉm cười gật đầu. Một gã đàn ông to lớn cầm con dao bằng inox tiến đến và mời hai người vào bàn. Phòng rực rỡ ánh đèn, nhiều khách mời đã ngồi sẵn nơi những chiếc bàn nhỏ trải khăn trắng. Họ đều sang trọng lộng lẫy và thơm tho. Tiếng nhạc réo rắt và ở một góc nào đó. Không khí ấm áp.
-Có chuyện gì ở đây vậy? Vua Mèo hỏi.
-Hôm nay là sinh nhật bạn em.
Một người đàn bà mập mạp bước tới chỗ hai người khách vừa đến. Ðó là bà Bạch Liên. Bà chào Vua Mèo dù không biết anh là ai nhưng Kim Anh cũng không giới thiệu. Vua Mèo mỉm cười với bà nhưng vẫn ngồi im trên ghế. Bà đẩy gói thuốc lá về phía anh và anh rút một điếu, ngón tay gõ lên nốt mi của cây đàn piano. Bà chủ nhà rút một điếu thuốc. Vua Mèo bật quẹt và đưa ngọn lửa gần sát khuôn mặt tròn trĩnh của bà. Kim Anh đứng nhìn hai người và có cảm giác như cả hai đều cũ kỹ, quen thuộc đến độ nhàm chán. Chị không nhìn họ nữa mà nhìn những bức tranh treo trên tường. Những người bạn ngồi ở những bàn quanh đấy nháy mắt với Kim Anh và gọi chị đến. Họ hỏi chị dẫn người nào đến vậy. Kim Anh bảo rằng đó là một tay nhà báo phất phơ chị mới nhặt ngoài đường phố. Xong chị lại đi vòng vòng đến bàn khác. Bàn đó có người đang hát, bàn khác một anh bạn đang làm ảo thuật với một đoạn dây và cái khăn tay. Kim Anh lại nhớ đến những trò ảo thuật của Vua Mèo với những chai bia và chị bị cuốn vào trò vui đó. Lúc chị trở về bàn mình thì thấy Vua Mèo đang cụng ly lia lịa với bà chủ nhà góa chồng. Cả hai đều ngà ngà say, nói năng tùy tiện và có vẻ tương đắc. Bà chủ thấy Kim Anh đến liền đứng dậy lại ngồi trước cây đàn piano. Bà nói:
-Nhân ngày sinh nhật xin tặng các bạn vài bản nhạc vui.
Tiếng vỗ tay rải rác. Lúc bà đàn, hai cái mông to lớn của bà lắc lư trên ghế ngồi. Mọi người đều thích thú khúc nhạc ngắn vui tươi đó và vỗ tay cuồng nhiệt tán thưởng. Bà chủ lại chơi tiếp một bản khác đến nửa chừng thì cất tiếng hát. Sau đó có mấy người lên hát, không khí rất sôi động. Bà đệm đàn thì quá giỏi mà những người hát thì quá tài tử. Họ hát tùy tiện, bất kể nhịp nhưng chính điều đó lại làm cho đám đông vui hơn. Tài năng của bà chủ đã cứu vãn họ và chương trình văn nghệ vẫn tiếp diễn một cách suôn sẻ. Vua Mèo cũng cất cái giọng khàn khàn rè rè của ông lên, ông hát những ca khúc lạ lùng không biết xuất xứ từ đâu, có khi lời ca vô nghĩa và giai điệu âm u kỳ quái, tiết tấu trắc trở khó nghe. Phải là một người đệm đàn tài hoa như bà chủ mới có thể theo kịp những ca khúc ngẫu hứng lạ thường ấy. Bà không có vẻ gì là luống cuống, trái lại bà rất thích thú, bà vượt qua ông mỗi khi ông dừng lại. Và trên cái chủ đề mà Vua Mèo vừa tạo ra, bà sáng tác ngay những biến tấu đầy chất ngẫu hứng đuổi theo miên man. Cứ như thế Vua Mèo lại tạo ra một chủ đề khác và lập tức có ngay những biến tấu khác vây lấy nó như sóng dồn dập.
Ðó là sự bắt nhịp kỳ lạ giữa hai con người. Sự bắt nhịp ấy mở đầu cho một giai đoạn sống chung đầy sóng gió. Bà Bạch Liên vẫn tưởng mình đã gặp một tâm hồn đồng điệu, một người tri âm tri kỷ nhưng thực sự không phải như thế. Ông hát hỏng như một ma lực, một sự bộc phát khác thường trong lúc hứng khởi, sau đó ông trở lại với con người xa lạ, lạc lõng của mình. Vua Mèo, sống với người đàn bà ấy vì bà yêu cầu và thực ra ông cũng thấy tiện nghi, dễ chịu và không có gì phiền phức. Ông không hề để ý đến chuyện tiền bạc, mỗi khi ông ra đường thì trong túi đã có sẵn tiền, ông không biết ai đã nhét vào đó và không biết rõ là bao nhiêu chỉ biết là rất nhiều. Ông tiêu vung vít, ném tiền cho những người ăn xin, những người ngủ vỉa hè, những trẻ con bán vé số, có khi uống một ly cà phê tưởng trong túi còn nhiều tiền lắm hóa ra đã cho hết phải khất nợ chủ quán. Có khi ông đi cả tuần lễ không về nhà, bà Bạch Liên đi tìm ông thấy ông đang đánh xập xám với bọn xì ke ở góc chợ, tóc tai bù xù, quần áo dơ dáy, chân trần lấm lem cát bụi. Lần khác bà đã phải miêu tả dài dòng về hình dạng Vua Mèo cho một đứa bé để được nó dẫn vào một căn phòng tồi tàn ở sâu trong hẻm. Vua Mèo nằm ở đó với một cô gái làng chơi. Bà Bạch Liên nghẹn ngào đứng trân trối nhìn ông và khóc. Vua Mèo ôm hôn bà rồi nói:
-Về!
Hai người trở về nhà. Vua Mèo ở nhà được gần một tháng. Bà Bạch Liên thấy ông có vẻ muốn ra đi nữa nên đưa ông đi du lịch ở Nha Trang, Huế, Ðà Lạt… Gần thiên nhiên ông sống những ngày vui, hồn nhiên, hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đối với ông chẳng khác nào chiếc bong bóng xà phòng, nó long lanh rực rỡ một vài giây, nó bay bổng trong không gian khoảnh khắc rồi vỡ tan. Sau đó một mình ông đối diện với khoảng trống mênh mông của thời gian sâu hun hút như cái đường hầm vô tận, có lúc ông tỏ ra sợ hãi nhưng thường là bướng bỉnh trước con đường hầm tối tăm ấy.
Sau chuyến du lịch trở về ông lại trốn nhà ra đi, trong túi không có một xu nhưng bọn xì ke vẫn tiếp tục đón ông như một ông hoàng của vỉa hè. Chúng gọi cà phê thuốc thơm cho ông hút, chúng tức tốc chạy đi gọi Phù Dung. Phù Dung, chính là cô gái điếm, tình nhân cũ của ông. Vua Mèo nói:
-Này các bạn, hôm nay tớ không có tiền đâu.
Nhưng một thằng đã chỉ vào cái đồng hồ Rolex ông đang đeo trên tay. Vua Mèo cả cười lột đồng hồ đưa cho nó. Cái đồng hồ ấy bà Bạch Liên mua với giá hai lượng vàng. Ðệ tử đem về một đống bạc đủ loại đựng trong cái bao lát tồi tàn gớm ghiếc. Vua Mèo cùng các môn đồ và gái điếm ngồi ngất ngưởng ở vỉa hè uống bia hộp và binh xập xám. Ông ngồi xếp bằng, tay chống cằm, vùi chỏ tựa lên bao bạc cười sang sảng. Bia uống xong bóp bẹp cái lon rỗng ném ra đường.
Ðến đêm, bọn giang hồ, bọn ngủ vỉa hè cũng ôm chiếu rách đến chầu rìa và cũng được nhà vua phân phát bia hộp và mồi nhậu. Từ vua cho tới kẻ hạ thần đến bọn cùng đinh khố rách áo ôm đầu đường xó chợ tất cả đều được phát mồi như nhau. Ðó là những miếng khô cá thiều, khô nai, khô bò rẻ tiền bán ở quán cóc.
Vua Mèo thua bạc liên tục và điều đó làm ông thích thú, ông moi tiền trong bao cát ra ném cho bọn môn đệ rồi uống với chúng trước khi vào ván khác.
Quá chín giờ có một chiếc xích lô ngừng lại ở cái góc phố tối om ấy và một người đàn bà bước xuống. Ðó là Kim Anh. Các môn đồ của Vua Mèo ngừng tay và gọi ông:
-Ðại ca, có bà tới.
Nhưng Vua Mèo không rời những lá bài, ông nói:
-Bảo đợi ta một tí.
Nhưng Kim Anh đã lên tiếng:
-Em không ngờ anh trụy lạc đến như thế này.
Vua Mèo đặt mười ba lá bài xuống chiếu, cười ha hả. Ván đó ông thắng, ông vui như trẻ con, níu lấy tay Kim Anh kéo ngồi xuống nhưng chị vùng tay ra. Tuy vậy Vua Mèo không giận. Ông hứng khởi ngâm rằng:
(thơ Bùi Giáng)
Kim Anh lặng đi một lát rồi bà quay lại, ngồi xuống bên Vua Mèo, bà vuốt tóc ông:
-Em đưa anh về nhé. Anh muốn về nhà em hay nhà bà Bạch Liên cũng được.
Vua Mèo khẳng khái nói, giọng ông như giọng phường chèo:
Rồi lại lảm nhảm:
(thơ Bùi Giáng)
Bọn môn đệ ngồi nghe không hiểu gì cả còn bà Kim Anh thì chỉ nghe những âm thanh lè nhè thoảng bên tai. Bà biết rằng không thể nào kéo ông về nhà được nên khi thấy ông quỳ xuống đưa hai tay lên trời thì bà biết ông sắp đọc thơ điên và bà quyết định đứng lên. Bà khóc và bỏ đi lẫn mất trong bóng tối. Lúc ấy cô Phù Dung mới xuất hiện, cô cầm cái đèn hột vịt nhỏ xíu đến và đặt giữa chiếu bạc thay cho ngọn đèn cầy đã tắt ngấm từ lâu. Cuộc vui lại tiếp diễn.
Vua Mèo thắng liên tiếp mấy ván và bọn môn đệ gần như cháy túi. Vua Mèo lót tiền dưới hai đùi, cười khoái trá. Ông bảo bọn môn đệ:
-Ði vác cho ta thêm mấy thùng bia. Và thịt dê. Thịt dê nhé.
Phù Dung đem một cái gối bẩn thỉu đặt xuống chiếu và đỡ lưng cho Vua Mèo nằm xuống. Ông nằm ngửa phạch ngực, tay chân dài lêu nghêu. Phù Dung moi trong túi xách ra một cái dĩa sứ men trắng đựng cây kim nhỏ sáng loáng và một cục bông gòn xong cô bắt đầu mài mực Tàu trong cái dĩa đá nhỏ xíu.
-Xâm ngay chỗ trái tim cho ta. Vua Mèo nói.
Mũi kim trong tay Phù Dung chạy vòng vòng trên vồng ngực ông như kiến bò. Dưới ánh sáng của ngọn đèn hột vịt những giọt máu ứa ra có mầu nâu sẫm và ánh ngời lên như giọt cà phê. Phù Dung thấm máu bằng cục bông gòn tẩm dầu khuynh diệp. Vua Mèo nhăn mặt nhìn bộ ngực to lớn của Phù Dung đang rung rinh theo những cử động đều đặn của bàn tay.
Lúc này bọn môn đệ tụm năm tụm ba dưới các gốc cây, chúng chích ven lành nghề gấp mười lần các cô y tá. Chẳng cần bông gòn tẩm cồn, chẳng cần tìm kiếm gì cả, cầm cổ tay lên lụi một phát trúng ngay ven, thuốc bơm vô như bắn súng nước, mũi kim rút ra lại đâm vô cánh tay người khác. Có đứa chẳng nhờ ai chích. Nó ngồi xổm kẹp cánh tay trái dưới đùi cho ven nổi lên, tay phải cầm ống chích, lụi một cái không trúng thì lụi hai cái, máu xịt ra, mũi kim nhì nhằng nơi cái ven dai như cao su. Nó nhấn một cái, mũi kim đi ngọt vô mạch, chất nước đen ngòm được bơm vô, sau đó nó đi phất phơ quanh quanh mấy gốc cây chờ cho thuốc ngấm rồi mới tìm chỗ nằm.
Nơi cái đóm sáng của ngọn đèn dầu Phù Dung đã làm xong công việc của mình và đắp một miếng gạc lên ngực Vua Mèo. Ông nằm lim dim lắng nghe những tiếng động chung quanh. Bọn môn đệ đang sát phạt nhau ngay trên hè phố. Bia đã được đem về và Vua Mèo ngồi dậy. Ông gọi bọn môn đệ đến để tiếp tục cuộc vui. Nhưng cuộc vui chỉ mới bắt đầu được vài phút thì những bóng đen lạ mặt từ đâu hiện ra chung quanh. Chúng chẳng nói chẳng rằng, xông vào đánh túi bụi. Bọn môn đệ của Vua Mèo chống đỡ luống cuống. Bọn mới đến chỉ chừng năm đứa nhưng chúng tỉnh táo, mạnh mẽ và đánh ra trò. Vua Mèo không tham gia cuộc chiến. Ông ngồi trên cái bao đựng tiền và quan sát chung quanh. Thằng cầm đầu băng cướp cạn nhảy tới đá ông giữa mặt. Chẳng ai thấy Vua Mèo động thủ ra sao nhưng tên cướp bị ném ra giữa lòng đường còn ông thì vẫn cứ ngồi im lẩm nhẩm đọc kinh Coran. Một thằng khác vác gậy đến đánh. Chỉ thấy cánh tay Vua Mèo nhích lên một cái, chiếc gậy đã bị kẹp vào nách ông chặt cứng đến nỗi tên cướp dùng hết sức binh sinh cũng không cách gì kéo ra được. Ðột nhiên cây gậy sút ra khỏi nách Vua Mèo và tên cướp ngã ngửa ra vỉa hè.
Tuy vậy lúc này bọn môn đệ của Vua Mèo đã bị đánh dạt ra, bỏ chạy tán loạn, chỉ còn mỗi mình ông ngồi đó chịu trận. Cả năm tên xúm lại vây Vua Mèo vào giữa. Chúng rút dao, xích xe đạp, gậy… xông vào tấn công tới tấp. Lúc ấy chỉ còn mỗi mình Phù Dung ở lại với Vua Mèo. Ông bảo cô đứng đâu lưng với ông, tay cầm con dao chặt củi. Sau đó Vua Mèo bảo cô chạy đi nhưng cô không chạy vì thế ông vừa đánh trả vừa phải đỡ đòn cho cô. Mặt ông bê bết máu, vai áo rách tả tơi vì sợi xích sắt. Cái quất ấy đau buốt xương. Ông cố sức vung chân đá bao bạc lên cao. Tiền giấy như bướm bướm bay lả tả khắp nơi. Bọn cướp lập tức ngừng tấn công để đuổi theo chộp tiền, thừa dịp ấy Vua Mèo ôm Phù Dung chạy qua đường.
Nhưng tên cầm đầu băng cướp vẫn còn thù hận vì lúc nãy bị Vua Mèo ném xuống đường nên hắn đuổi theo, lợi dụng lúc Vua Mèo sơ hở, hắn quất tiếp sợi dây xích vào đầu ông khiến ông gục xuống. Tên đầu đảng bay tới chộp lấy Phù Dung rồi ra lệnh cho đàn em rút chạy. Phù Dung la hét om sòm nhưng đã bị tọng giẻ rách vào miệng.
Vua Mèo nằm bất tỉnh, người co quắp, mặt úp trên hè phố.
Gần sáng, Vua Mèo tỉnh dậy, những thương tích trên người làm ông đau ê ẩm nhưng ông vẫn đứng dậy được, ông đi khập khiễng trên hè phố. Trời còn tối om ông đi như cái bóng lang thang trong công viên tìm một vòi nước. Ông rửa ráy tay chân mặt mày, uống mấy ngụm nước rồi ngồi nơi bãi cỏ.
Ông đã tỉnh rượu và đó là lúc buồn nhất của cuộc đời ông. Những lúc tỉnh rượu bao giờ lòng cũng nguội lạnh như bếp lửa đã tàn giữa chiều đông mênh mông, lòng ông đầy tiếc nhớ mà không biết tiếc và nhớ cái gì. Nó như cảm giác của một người bỏ quê hương đi rất xa, rất lâu, mười năm, hai mươi năm lang bạt rồi trở về thấy cỏ cây đổi khác, nhà cửa không còn, người thân mất hết, lòng hoang vu, nỗi cô đơn như cắt lòng khi ngồi một mình âm thầm nơi thềm nhà cũ bên giếng nước đầy cỏ mọc.
Vua Mèo ngồi im lặng trên bãi cỏ ướt đẫm sương, ông thấy mình như một con thú rừng sống âm thầm nơi hang của nó không bè bạn không bà con thân thích. Ông là kẻ từ cõi nào lạc tới đây hòa nhập một chút vào những xô bồ, vui thú một chút với một người đàn bà nào đó, với năm ba người bạn nào đó, quậy phá đôi lần rồi rốt cuộc vẫn là sự trống trải mênh mông đơn độc và nhớ. Nhớ cái gì vậy? Trời ơi, ta đang nhớ cái gì vậy? Ta đang khát khao điều gì vậy? Trời vẫn tối mịt, câu hỏi ấy vang trong cỏ cây, trong những chòm lá thấp, vang trong nỗi cô đơn mênh mông. Vua Mèo ngồi ôm gối, nước mắt chảy ràn rụa.
Sao Mai đã mọc mà ông không hay. Nó nhìn ông từ trên cao, nửa như chế diễu, nửa như thương hại.
Ðến ngày thứ ba thì Vua Mèo tỉnh lại. Bên giường có bốn người đàn bà. Và Lọ Lem. Lọ lem đứng sau lưng những người đàn bà kia, cô không muốn Vua Mèo nhìn thấy cô, cô chỉ muốn nhìn xem trên gương mặt của người vừa sống lại có mang dấu vết gì của cái thế giới bí ẩn đàng sau sự chết kia không.
Vua Mèo nhìn mọi người, đôi mắt đầy vẻ mệt mỏi. Kim Anh và Bạch Liên đều khóc nhưng họ khóc kín đáo, nữ tu sĩ thì đứng lặng thinh, chỉ có Phù Dung là ràn rụa nước mắt. Lọ Lem không muốn nhìn những người đàn bà ấy, cô lặng lẽ rút lui ra hành lang ngồi đợi nơi chiếc ghế dài quen thuộc.
Kim Anh cầm lấy bàn tay mềm mại của Vua Mèo và hỏi:
-Anh có biết ai đây không?
-Bà là mẹ ta phải không?
-Không. Em là Kim Anh đây. Anh không nhớ sao?
-Nhớ rồi. Bên này sông là Tagore bên kia sông là Tô Ðông Pha còn ta, ta đứng ở giữa sông.
Kim Anh òa khóc. Bà Bạch Liên lay nhẹ Vua Mèo:
-Trời ơi, anh đừng nói mê nữa. Anh thấy trong người như thế nào?
-Ta không mê. Rõ ràng là ta đang đứng ở giữa sông Hằng, đứng trên một sợi tóc.
Bác sĩ vừa đến, mọi người đều quay nhìn ông cầu cứu. Ông đứng nhìn bệnh nhân một lúc lâu rồi ra dấu bảo mọi người đi ra để ông thăm mạch. Ba người đàn bà và cô tu sĩ bước ra ngoài hành lang. Họ có vẻ ngượng nghịu với nhau, họ nói với nhau mấy câu xã giao rồi bỏ đi xuống dưới vườn hoa chờ đợi.
Có lẽ vì đang xúc động nên Kim Anh không để ý đến sự có mặt của Lọ Lem nơi chiếc ghế dài quen thuộc. Lọ Lem cũng không muốn gặp bà trong trạng thái như thế nên cô cứ ngồi im để mặc cho bà đi. Khi những bước chân đã khuất mất dưới cuối cầu thang Lọ Lem mới đứng lên, do dự bước tới chỗ khung cửa kính đóng kín nhìn vào trong, nhưng cô chỉ thấy có cái lưng mập mạp của người bác sĩ mặc blouse trắng.
Ngày hôm sau Lọ Lem báo cho Thắng hay tin Vua Mèo đã tỉnh dậy, anh ta rất mừng, rủ Lọ Lem đi mua quà cho Vua Mèo nhưng nhớ lại chuyện cũ, Lọ Lem từ chối. Hơn năm giờ chiều cô đi một mình đến bệnh viện. Khi cô bước lên cầu thang thì thấy bốn người đàn bà từ trên lầu đi xuống, theo sau là Thắng. Họ hỏi Lọ Lem:
-Sao em đến trễ vậy?
Lọ Lem trả lời bằng một câu hỏi:
-Ông còn nói mê không?
-Ðã bớt nhiều. Kim Anh nói. Em lên thăm đi, sắp hết giờ rồi đấy.
Rồi họ tiếp tục xuống lầu.
Lọ lem đứng tần ngần trước cửa phòng. Cô không có quà cáp gì cả vì cô không biết nên mua gì cho ông. Cô đến thăm chiều nay chỉ muốn được nói với ông lời xin lỗi bởi lòng cô lâu nay vẫn ray rứt vì nghĩ rằng mình cũng có lỗi trong tai nạn này. Nhưng cô cứ do dự hoài không dám bước vào phòng. Nhìn qua cửa sổ, cô thấy Vua Mèo đang cầm một trái cam sành, xoay nó trong tay rồi lại đặt nó xuống gối. Trên chiếc bàn nhỏ đặt ở đầu giường, chất đầy những trái cây, sữa, bánh ngọt, trong đó có một gói giấy thắt nơ khá lớn mà Lọ Lem đoán là của Thắng.
18Cuối cùng cô mạnh dạn bước vào. Vua Mèo đã nhìn thấy cô từ xa, ông không có vẻ gì ngạc nhiên mặc dù ông không hề biết cô là ai. Ông nhìn cô bằng đôi mắt dịu dàng và chờ đợi. Lọ Lem nói:
-Chào ông. Em đến đây để thăm ông.
-Em là ai vậy?
-Em là người gây ra tai nạn cho ông.
Vua Mèo mỉm cười:
-Lúc nãy có một người đàn ông đến đây, cũng nói như thế.
Lọ Lem:
-Khi xảy ra tai nạn, em cũng có mặt trên chiếc xe ấy. Mấy hôm nay em rất lo cho ông. Em vẫn đến đây mỗi ngày để canh chừng.
Ðôi mắt Vua Mèo đầy vẻ mệt mỏi, ông nói:
-Có một lần ta đã chết rồi, bỗng dưng sống lại. Còn bây giờ thì ta đã chết hẳn. Hồn ta đang đứng giữa sông Hằng, trên một sợi tóc. Bờ bên này là Tagore, bờ bên kia là Tô Ðông Pha.
Lọ Lem hỏi một cách hồn nhiên:
-Ông đã chết rồi sao? Thế ông đang nhìn thấy gì trong cõi bí ẩn ấy?
-Tự dưng mình tan biến đi như khói, tản mạn trong trời đất một thời gian, rồi ngưng lại. Giống như hơi nước ngưng tụ thành đám mây.
-Nhưng mây cũng sẽ biến thành mưa rồi rơi xuống.
Vua Mèo thở dài:
-Ðó là cái chu kỳ của tự nhiên. Sự sống cũng giống như thế. Trang Tử bảo rằng sự sống tức là lửa mà mỗi con người là những thanh củi. Lửa cháy trên thanh củi này cho đến khi nó biến thành tro bụi thì lửa lại cháy trên thanh củi khác. Cứ như thế lửa không bao giờ tắt cũng như sự sống sẽ còn mãi.
Lọ Lem ngồi xuống chiếc ghế gỗ cạnh giường, cô nói:
-Trước đây em không bao giờ nghĩ đến cái chết đâu. Em sống như em sẽ sống mãi với thời gian, nhưng từ khi tai nạn xảy ra, từ khi em thấy ông nằm úp mặt dưới cỏ thì cái chết cứ ám ảnh em mãi. Sau đó là hai ngày hai đêm nhìn thấy ông thiêm thiếp trên giường.
-Lúc đó ta chưa chết đâu. Còn bây giờ thì ta đã chết rồi.
-Nhưng ông đang nói chuyện với em mà?
-Vậy thì có khi em cũng đã chết rồi. Em có sợ chết không?
-Có.
-Ta cũng thế. Nhưng ta sợ cô đơn hơn nhiều vì nó tàn nhẫn hơn cái chết.
Người y tá trực đến, nói nhỏ vào tai Lọ Lem:
-Ông ta đang có dấu hiệu của bệnh điên. Em không nên tiếp xúc lâu như thế.
Ðó là điều Lọ Lem đã cảm thấy từ ngày hôm qua, nhưng không biết phải làm thế nào.
Thành phố lác đác lên đèn. Từ bệnh viện cô đi thẳng về cồn cát. Không còn một chút nắng nào trên những bụi cây thấp mọc hai bên lối đi. Gió biển thổi qua hàng dương rì rào rì rào át cả tiếng sóng ngoài xa. Rừng bạch đàn hiện ra như một vệt đen khổng lồ, bất động. Gió biển làm cô thấy dễ chịu, nó như người bạn hẹn hò với cô mỗi ngày ở đây và đùa giỡn với cô bằng cách chạy quanh, lùa vào tóc cô hương thơm của hoa dại, áp vào môi cô vị mặn của biển. Gió chạy theo cô trên những bước đi, có khi nó lẽo đẽo theo sau, xóa nhòa vết chân cô, vây cô bằng những cơn lốc xoáy, cô thoát ra khỏi cơn lốc và cười một mình trong đêm. Lần này thì gió ngoan ngoãn hơn, nó mơn man trên má cô và chạy quanh đồi cát.
Một cái bóng đen đột nhiên chặn ngang lối đi. Lọ Lem dừng lại. Cái bóng ấy nói:
-Sao những ngày qua cô không đến kho giấy?
-Vì tôi đang bận.
-Không phải. Cô muốn tránh mặt tôi.
-Anh hiểu lầm rồi.
Chàng trai đột ngột nắm lấy tay cô gái, nắm chặt đến nỗi làm cô đau điếng. Lọ Lem kêu lên:
-Anh làm gì vậy?
-Lọ Lem ơi, tôi yêu em.
-Nhưng anh buông ra đi. Tôi không thích như thế.
-Không buông. Em không được bỏ tôi.
Lọ Lem cố gỡ tay ra khỏi chàng trai nhưng anh đã ôm chầm lấy cô, ghì cô thật chặt. Khi ấy Lọ Lem không vùng vẫy nữa, cô hỏi chàng trai bằng giọng rất bình thản:
-Anh lấy tư cách gì để làm vậy?
Câu hỏi ấy làm chàng thấy mình lố bịch, chàng buông cô gái ra, ôm mặt. Chàng nói:
-Xin lỗi em. Tôi không muốn làm như thế. Nhưng vì tôi linh cảm sẽ mất em, tôi không biết làm cách gì để giữ em, không biết làm sao để lay chuyển em, để dành em cho riêng tôi. Tôi không biết làm cách nào để gọi dậy trong em tình yêu mà dường như em không hề có. Nên tôi phải làm như thế. Ðó chỉ là hành động tuyệt vọng.
-Tôi không muốn thuộc về ai cả.
Chàng trai lúng túng nói:
-Xin lỗi em. Tôi không có ý định như thế. Tôi không muốn em thuộc về tôi đâu. Tôi chỉ muốn tôi được thuộc về em.
-Tôi không mong điều ấy. Lọ Lem cắt ngang. Thôi, anh đừng nói nữa. Anh về đi.
-Nhưng em có tha lỗi cho tôi không?
-Có. Nhưng anh đừng gặp tôi nữa. Anh hiểu chưa? Anh đừng bao giờ gặp tôi nữa.
-Không được. Chàng trai quỳ xuống dưới cát. Không được đâu. Xin đừng bỏ tôi.
Nhưng cô gái đã bỏ đi. Lúc bóng cô sắp chìm khuất trong mênh mông, chàng trai bỗng như điên dại, chàng chạy bay tới như con ngựa chứng. Chàng đuổi kịp cô sát ngay sau lưng nhưng khi chàng đưa tay ra ôm lấy cô thì chỉ thấy hư không, như đó chỉ là một cái bóng.
Cô gái như vừa tan mất vào bóng đêm vô cùng.
@by txiuqw4