sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Vui Chơi Để Kiếm Sống - Chương 03: EM SẼ THUA - Phần 01

PHẦN 3: EM SẼ THUA

VỊ TRÍ QUAN TRỌNG NHẤT CHÍNH LÀ: VỊ TRÍ TRONG LÒNG NGƯỜI KHÁC

Chuyện xảy ra vào ngay đêm chung kết Bước Nhảy Hoàn Vũ 2014.

Cũng vì là đêm chung kết nên số lượng khách mời đến xem trực tiếp tại trường quay Nhà thi đấu Nguyễn Du rất đông. Tôi cũng có mặt trong đêm này cùng Nguyên Khang cũng là MC của chương trình. Vì là “người nhà” nên tôi được ưu ái ngồi khu vực khách VIP thay vì hàng ghế khán đài, nhưng tôi không lên hàng ghế đầu, mà chọn cho mình hàng ghế thứ hai.

Vừa đặt vòng ba xuống không lâu thì xuất hiện một cô gái, ăn vận sang trọng, vòng một đẫy đà, tay lăm le túi xách hàng hiệu. Cô tiến thẳng vào khu vực VIP rồi thả “xe trái cây” xuống hàng ghế đầu, ngay trước mặt tôi.

Khoảng năm phút sau, một số khách mời là người nổi tiếng được ban tổ chức mời vào hàng ghế đầu nhưng do không đủ chỗ nên đành nhỏ nhẹ mời cô gái hàng hiệu ấy xuống vị trí hàng ghế thứ hai. Nhưng mắc cười là, cô ấy rất kiên quyết, cô không chịu nhường ghế. Không thuyết phục được cô gái hàng hiệu, nhân viên Cát Tiên Sa phải lần lượt nhờ các vị trí cao cấp hơn đến “đàm phán” với cô nhưng đều vô vọng. Cô vẫn khẳng định, cô phải ngồi vị trí này, phải là vị trí hàng đầu, cô đã bắt đầu to tiếng hơn.

Đến giờ tôi quan sát kỹ mới nhận ra, cô gái hàng hiệu này từng là trưởng phòng marketing của một nhãn hàng thời trang, nhưng đã thôi việc. Chắc đó là lý do cô buộc người ta phải tôn trọng cô và dành cho cô một vị trí... xứng tầm.

Sau bao “nỗ lực” gìn giữ, những tưởng chiếc ghế kia sẽ thuộc về cô vậy mà chẳng lâu sau đó, phó tổng giám đốc của nhà sản xuất chương trình bước đến cùng một số bảo vệ chính thức yêu cầu:

- Mời chị di chuyển lên hàng ghế khán đài.

Đến lúc này thì cô buộc phải đứng lên và bước đi với vẻ sân hận lộ rõ trên gương mặt. Thấy thế, tôi đứng dậy và mời cô ngồi vào chiếc ghế của mình, sau đó tôi ra cánh gà xem hết đêm chung kết mà trong lòng vẫn vui phơi phới. Mà cũng nhờ vậy, tôi được tự do ra vào hậu trường, được chứng kiến cảnh Angela Phương Trinh cầm bó nhang lầm rầm khấn vái đến cả nửa tiếng trước khi bước ra sàn diễn. Và còn nhiều chuyện vui nữa mà những người ngồi hàng đầu chẳng bao giờ có cơ hội biết được.

Các bạn thân mến, trong cuộc sống hàng ngày, chắc các bạn đã từng gặp những mẫu người như cô gái trong câu chuyện trên. Đó là những người luôn cố gắng giành giật cho được cái vị trí không thuộc về mình. Họ luôn nghĩ, mình phải được mọi người tôn trọng, mình phải ăn trên ngồi trước nhiều người khác. Không đâu, cái vị trí đó chỉ là một vị trí sai lầm. Đừng bao giờ bắt người khác phải tôn trọng mình khi họ thấy bạn chẳng đáng để tôn trọng.

Bản thân tôi, tôi cũng sẽ theo đuổi những vị trí, nhưng đó là:

VỊ TRÍ TRONG LÒNG NGƯỜI KHÁC.

Tôi cũng khuyên bạn, hãy cố gắng giành lấy một VỊ TRÍ thật đẹp TRONG LÒNG NGƯỜI KHÁC, vì đó mới là vị trí bền vững nhất, hạnh phúc nhất các bạn nhé!

HÃY CHỨNG THỰC

Trò: Em chào thầy, thầy siêu nhơn.

Thầy: À, em đang tưởng tượng tui mặc bộ bikini đỏ, mang đôi cánh thiên thần phải không?

Trò: Hì hì, đúng đúng. Mà em đang có chuyện này muốn khoe với thầy.

Thầy: Chuyện gì?

Trò: Số là em chuẩn bị đăng ký thi đại học. Nhưng em phải đăng ký theo ý của mẹ, mẹ chỉ muốn em ổn định nên bắt phải thi vào trường Đại học Kinh tế, ngành kế toán. Mà em thì không thích. Em chỉ thích hát nên em muốn thi vô nhạc viện. Em ghét mấy con số kinh khủng khiếp. Mà mẹ em thì nhất quyết không cho. Mẹ bảo hát hò chơi thôi chứ khó kiếm ra tiền lắm, con gái phải học cái gì có nghề nghiệp ổn định.

Thầy: Thì em giải thích cho mẹ hiểu, học là học cho em, nên em phải là người quyết định chứ.

Trò: Thì em cũng giải thích, nhưng giải thích mãi mẹ cũng không nghe. Nhưng mà rất may thầy ạ, hôm bữa em nghe thầy giảng về năm chiến lược nói để chinh phục, em áp dụng liền. Ghê chưa...

Thầy: Áp dụng sao, kể tui nghe?

Trò: Em không thèm thuyết phục giải thích gì nữa mà áp dụng chiến lược số năm của thầy chỉ, đó là: kể chuyện. Mà em không giỏi kể chuyện nên em đã copy mấy câu chuyện của thầy đăng trên facebook, rồi mỗi câu chuyện em in trên một tờ giấy A4. Cứ hễ khi nào thấy mẹ em vui vui thì em lôi ra một tờ đưa cho mẹ rồi bảo mẹ ơi, con vừa đọc được cái này hay quá, mẹ xem thử đi.

Thầy: Sáng tạo quá hen, rồi mẹ có đọc không?

Trò: Hì, lúc đầu mẹ nhìn em nghi ngờ lắm. Nhưng sau đó thì cũng tò mò xem thử, rồi mẹ đọc một hơi xong lăn ra cười khanh khách. Đó là lần đầu, đến lần thứ ba, vừa đọc xong câu chuyện Hãy sống theo cách của bạn, mẹ em có vẻ thay đổi hẳn. Mẹ nhìn em mặt hơi căng bảo: “Con nè, đến giờ thì mẹ hiểu tại sao con cho mẹ đọc những câu chuyện này rồi. Thôi con cứ làm gì con thích nhé! Thầy Thuận nói đúng đó, ai cũng chỉ sống một lần, chỉ có một đời, hãy làm gì mình thích.” Thầy không biết em vui mừng như thế nào đâu. Cả đêm qua em không ngủ được chỉ mong trời sáng để kể thầy nghe đó.

Thầy: Hì, thầy chúc mừng em, hy vọng em sẽ hạnh phúc khi được sống với niềm đam mê của mình.

Trò: Nhưng em muốn làm gì đó để cảm ơn thầy, mà không biết làm gì?

Thầy: À, không cần đâu, em kể thầy nghe câu chuyện của em là thầy vui rồi.

Trò: Nhưng em muốn gặp thầy để cảm ơn được không?

Thầy: Không cần, thật sự không cần đâu. À, có một cách này, em chỉ cần chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook, hoặc viết vài dòng cảm ơn thầy vậy là ok rồi. Cách này người ta gọi là “Lời Chứng Thực”. Ở nước ngoài lời chứng thực rất được coi trọng. Khi một người học trò học được điều gì hay từ một người thầy và áp dụng hiệu quả cho cuộc sống của mình, người học trò ấy thường sẽ viết vài dòng cảm ơn, hoặc kể lại câu chuyện mình trên blog, Facebook, hay twitter, có thể kèm hình ảnh người thầy đó. Một người thầy, một diễn giả có uy tín sẽ nhận được rất nhiều những lời chứng thực như vậy. Nó không chỉ là tình cảm, là lời động viên của học trò dành cho người thầy mà còn giúp tăng uy tín của thầy để những gì thầy chia sẻ đến được với nhiều người hơn, giúp ích cho nhiều người hơn.

Trò: Dạ, vậy thầy chứng thực trước cho em, em sẽ chứng thực cho thầy nha.

Bó tay con nhỏ.

NGHÈO LÀ BẠN THÂN CỦA KHỔ

Thời gian còn đi học phổ thông, tôi kiếm sống bằng nghề đánh trống thuê cho một ban nhạc ở tỉnh Bình Dương quê tôi. Ban nhạc này chơi cho các sự kiện và nhất là đánh cho các đám cưới.

Điều đặc biệt mà tôi quan sát được tại khá nhiều các đám cưới là rất nhiều lần bắt gặp một người đàn ông. Lạ ở đây là, ông ta xuất hiện ở nhiều đám cưới khác nhau mặc dù chẳng ai mời. Nếu người bên nhà trai có hỏi, ông nói: Tôi bên nhà gái. Nếu người nhà gái hỏi thì ông bảo: Tôi ở bên nhà trai. Nếu cô dâu chú rể hỏi thì ông lại bảo: Tôi bên nhà hàng. Cứ như thế, ông đến dự hết đám cưới này đến đám cưới khác không cần thiệp mời nên cũng chẳng tốn đồng nào.

Nhờ quan sát nên tôi biết tỏng cái chiêu trò này của ông. Một lần nọ, thấy ông xuất hiện, tôi cầm ly rượu lại cụng cái cốp rồi đợi ông nốc một hơi xong tôi hỏi:

- Ông làm nghề gì?

- Nghề ăn chực.

Đó lần đầu tiên tôi biết ông trả lời thật lòng. Phải, vì cái nghèo mà nhiều người dân quê tôi phải dẹp bỏ sĩ diện của mình để kiếm ăn. Nhưng thỉnh thoảng họ cũng gặp... tai nạn nghề nghiệp khi bị chủ nhà phát hiện. Họ bị xua đuổi hoặc tệ hơn nữa là bị đánh đập.

- Ông mang theo cái bọc nilon này để làm gì?

- Để bỏ thức ăn?

- Cho ai?

- Cho vợ con tôi ở nhà?

Nói xong ông tranh thủ gom những đĩa thức ăn còn thừa thãi trên bàn tiệc vào bọc rồi lặng lẽ bước đi. Tôi nhìn theo ông mà khóe mắt cay cay. Chứng kiến những chuyện như vậy nên ngay từ nhỏ tôi đã ghét cái nghèo. Vì NGHÈO và KHỔ là hai thằng bạn thân, vừa thấy thằng này là thằng kia lại xuất hiện.

Vì vậy sau này có con, tôi sẽ không quan trọng nó học trường công hay trường tư, giỏi toán hay giỏi văn, tốt nghiệp đại học hay không đại học.

Tôi chỉ yêu cầu nó phải học giỏi hai môn:

HỌC LÀM NGƯỜI và HỌC LÀM GIÀU!

BẰNG ĐẠI HỌC CÓ

QUAN TRỌNG KHÔNG?

Hỏi:

Chào thầy Thuận và các độc giả! Em là một sinh viên trường đại học Kinh Tế TP.HCM, thật vinh hạnh khi được thầy dạy mặc dù là vài buổi, thầy có cách dạy rất thú vị, vui tính, từng trải và đẹp trai.

Em có một vài khúc mắc từ lúc bước chân vào giảng đường đại học, vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng và em nghĩ thầy có thể giúp em.

Bằng đại học có thật sự quan trọng không và nếu có thì nó quan trọng bao lâu khi chúng ta ra trường?

Nếu được chọn học theo đam mê và những kiến thức mới mẻ dễ vào đầu, gần với thực tế đang biến động nhưng bằng cấp của chúng ta không bằng người khác hay học chăm chỉ, đưa vào đầu hàng loạt kiến thức nhưng thực tế vận dụng và dùng đến chẳng là bao, minh chứng cụ thể có mấy ai còn nhớ lại sơ đồ hoocne (toán), chức năng của ti thể (sinh) hay gần hơn nữa là phương pháp Gauss trong đại số tuyến tính mà chúng ta mới học đây và nó để làm gì?

Có những tiết học nặng nề và không ít bạn cảm thấy rất mệt mỏi xem nó như là một nghĩa vụ qua cho nhanh! Có những môi trường học bên phương tây thật sự không gò bó nhiều ở sinh viên và có lẽ chương trình học cũng không nặng nề như thế, có một đánh giá mà em đã đọc qua là số lượng học sinh giỏi của các nước phương đông cao hơn các nước phương tây, nhưng thiên tài, những người giàu, những người danh tiếng bậc nhất thế giới phần lớn lại ở phương tây! Giáo dục của họ có gì khác biệt? Và chúng ta cần học như thế nào?

Mong thầy có thể giải đáp khúc mắc không chỉ của riêng em! Cảm ơn thầy ạ!

Đáp:

Chào em, trước tiên cảm ơn em vì đã tin tưởng mà đặt câu hỏi này với thầy. Về câu hỏi của em, đó không còn là của riêng em mà là của đông đảo rất nhiều sinh viên, và cũng là vấn đề đau đầu của xã hội. Nhưng mỗi người sẽ tìm ra cách giải quyết của riêng mình, thầy chia sẻ ở đây với em vài điều hy vọng sẽ giúp em sẽ có được một quyết định đúng.

1. Vào cửa chính hay vượt rào?

Hãy tưởng tượng em đang muốn đến một rạp hát để xem hát. Sẽ có hai cách để vào rạp, một là mua vé và đi thẳng vào cửa soát vé, hai là tìm một cách khác như: Nhờ người quen trong ban tổ chức đưa vào, xem hàng rào có chỗ nào thủng một lỗ thì chui vào, hoặc một cách nào khác... Vậy vào bằng vé hay bằng một cách không dùng vé đều không quan trọng bằng em thật sự muốn vào xem hát. Tuy nhiên, nếu đã có vé trong tay thì hãy đường đường chính chính mà bước vào.

Xã hội chúng ta trọng bằng cấp, cái bằng chính là tấm vé để em dễ dàng tiến thân trên con đường sự nghiệp. Tuy nhiên, nếu một người nào đó không có điều kiện có được tấm vé như em, nhưng họ vẫn khao khát thành công (họ muốn xem hát) thì họ vẫn có thể thành công. Vậy, em nên quý trọng tấm vé đó.

Em hỏi, kiến thức đại học có còn đúng nữa không khi ra trường? Không may là còn đúng nhưng rất ít và phụ thuộc vào ngành học nữa. Nếu là marketing thì nó thay đổi rất nhiều, trong khi giảng đường đại học chỉ dừng lại ở những lý thuyết của Philip Kotler thì ngoài xã hội marketing đã chạy ào ào với các công cụ như: Story Marketing, Social Media, SEO, Facebook Marketing, Viral Marketing,…

Ngược lại, nếu học ra để làm kế toán thì chuyên ngành kế toán ở trường đại học trang bị khá tốt và kế toán cũng không thay đổi nhiều ở thực tế khi em ra trường.

2. Trường Đời hay Trường Học?

Chúng ta lớn lên phần lớn sẽ được đi học, ở trường học và được các thầy cô dạy bảo. Nhưng những người không có điều kiện thì họ vẫn học, họ học ở trường đời, người thầy của họ chính là cuộc sống. Để đánh giá trường nào tốt hơn thì rất khó, nhưng an toàn hơn thì là Trường Học. Còn nếu muốn tự do hơn, nhiều thử thách hơn, trải nghiệm thực tế nhiều hơn, rủi ro hơn thì Trường Đời sẽ là lựa chọn tốt. Quan trọng hơn nữa, khi ta học ở Trường Học thì ta chỉ học được lý thuyết, sau thời gian đi làm thì mớ lý thuyết đó nếu được dùng thường xuyên thì mới trở thành kinh nghiệm. Còn Trường Đời lại không dạy lý thuyết, mà đi thẳng vào kinh nghiệm, đó là cách đi ngắn hơn. Mà lý thuyết và kinh nghiệm, cái nào quan trọng hơn thì em cứ hỏi bất kỳ nhà tuyển dụng nào sẽ rõ.

Tuy nhiên, xã hội không quy định người ta chỉ được học ở một trường. Vậy hãy chọn cả hai, học tốt ở Trường Đời và hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Học.

Riêng với con thầy sau này, thầy cũng sẽ không ép nó vào đại học mà chỉ khuyến khích nó học thật giỏi hai môn: HỌC LÀM NGƯỜI và HỌC LÀM GIÀU!

3. Thực trạng ở các trường đại học.

Mười năm trước thầy cũng từng có những suy nghĩ như em. Thầy cảm thấy quá chán ngán với các ông thầy ru ngủ, mà hầu như các giảng viên đại học thời của thầy rất giỏi ru ngủ, giờ thì thầy không rõ.

Chán thầy chưa đủ, thầy chán luôn các môn học máy móc, khô khan, không tác dụng, lý thuyết hàn lâm. Thầy còn nhớ rất rõ, giờ học Triết học Mac thì thầy lôi sách Think And Grow Rich ra đọc. Có lúc thầy nghĩ, tại sao trường đại học không đưa Triết học Bill (Bill Gate) hiện đại và thực tế để thay triết học Mac lạc hậu, khô nhàm.

Lúc đó thầy cũng có một ước mơ là sẽ trở thành một giảng viên, nhưng thầy không thích chỉ nói lý thuyết, thầy không muốn hành hạ sinh viên chỉ vì đam mê của mình. Vậy là thầy quyết định sẽ không ở lại làm giảng viên mà lao vào thực tiễn với các công việc PR - Marketing từ thấp đến cao tại các công ty, rồi quay về trường đại học, mạng lại những kiến thức thực tiễn cho sinh viên. Một lần nữa, thầy đã có chiến lược lựa chọn CẢ HAI. Thầy mang TRƯỜNG ĐỜI vào TRƯỜNG HỌC.

Hiện tại, để thay đổi môi trường giáo dục là rất khó, nhưng may là một số trường đại học đã dần cải thiện. Ví dụ Đại học Mở họ có khóa đào tạo đặc biệt, họ bắt buộc phải đưa các Diễn giả đến từ các doanh nghiệp về chia sẻ, huấn luyện. Một số trường khác cũng vừa khởi động mô hình này. Nhưng nếu ngành học em đang học chưa có sự thay đổi, thì em cứ thay đổi.

4. Tại sao trường đại học lại dạy nhiều môn vô bổ, và sau này không dùng được?

Lý do là trường đại học không thể biết được môn nào là vô bổ hay rất tốt với mỗi người. Vì mỗi người khi ra trường sẽ có định hướng khác nhau nên sẽ sử dụng những kiến thức cũng khác nhau.

Ví dụ: Các sinh viên như những người thợ săn, nhà trường sẽ trang bị cho các em các vật dụng đi săn tốt nhất như: cung tên, dao, súng, bẫy, dây thừng… Nhưng khi ra trường, em chỉ đi săn chuột, nên em chỉ sử dụng cái bẫy chuột là đủ rồi, các thứ kia không dùng nữa.

Tóm lại, em đang có một tấm vé quan trọng, đừng vội ném nó đi. Hãy thực hiện chiến lược CẢ HAI, tức là vẫn cố gắng học ở trường và tìm thêm những cách khác để tiếp cận được thực tế ví dụ làm thêm, học hỏi từ những người có kinh nghiệm thực tế, tham gia khóa học ngoài trường học… Và chắc chắn, em gặp tình trạng là nhiều môn em thấy quá chán và không muốn học. Nếu vậy, thì cũng đừng ép mình, chỉ cần đủ điểm qua là được. Khi em đi làm, các doanh nghiệp cũng không muốn kiểm tra xem triết học em được mấy điểm đâu.

LÀM SAO ĐỂ GIAO TIẾP VỚI NGƯỜI LẠ

- Chào anh, em rất thích chị Trang Cherry, nhưng em không biết làm sao để được như chị ấy?

- Em cũng muốn trở thành một nhà thiết kế nổi tiếng à?

- Dạ, em biết chị Cherry qua báo chí, chị ấy trẻ, đẹp lại là một nhà thiết kế giỏi. Em muốn được như vậy mà không biết nên bắt đầu từ đâu?

- Muốn được như ai đó thì cách hay nhất là em nên hỏi chính người đó. Sao em không vô pm[2] chị Cherry đi, chị ấy dễ thương cực kỳ.

- Nhưng em không quen chị ấy, sợ chị ấy không trả lời ạ.

- Ok, được rồi, để anh truyền cho em một tuyệt chiêu nhé.

[2] Chức năng gửi private message (tin nhắn riêng) trên Facebook.

Thường thì chúng ta đều gặp khó khăn giống nhau khi tiếp xúc với một người lạ. Nhất là những người ở đẳng cấp cao hơn mình. Và khó nhất chính là lần tiếp xúc đầu tiên. Có thể thành hay bại phụ thuộc vào những câu chữ đầu tiên mà bạn nói với họ.

Vì vậy, có một cách để đảm bảo thành công cao nhất đó là: Bạn hãy tìm ngay một người có tầm ảnh hưởng với họ và ngay câu đầu tiên khi bạn mở lời phải lập tức đưa cái tên đó vào. Cụ thể cú pháp như sau:

“Chào chị Cherry, em là đệ tử của Bầu Thuận, em rất mến chị và cũng nghe Bầu Thuận kể nhiều về chị rồi. Hôm nay em muốn nghe chị chia sẻ vài điều. Em cũng đam mê thiết kế, và để được như chị thì chị có thể cho em biết em nên bắt đầu từ đâu không? Và cần chuẩn bị những gì ạ?”

Về mặt tâm lý mà phân tích thì khi người ta nghe nhắc đến một cái tên quen thuộc, một người có vị trí nhất định trong lòng họ thì họ tự dưng sẽ cảm thấy có trách nhiệm với cuộc trò chuyện này.

- Dạ ok anh, để em thử.

(2 phút trôi qua)

- Kết quả thế nào?

- Chị ấy đã xem (seen) nhưng không trả lời anh ạ.

- Đợi tý đi, chắc chị ấy đang tắm, sao mà trả lời ngay được.

- Dạ.

( 1 phút sau )

- Chị ấy trả lời rồi ạ. Chị ấy chia sẻ chân tình lắm. Cám ơn anh, bí quyết của anh thật hiệu quả.

Các bạn thân mến, đây là một bí quyết nhỏ nhưng vô cùng hiệu quả. Những nhà đàm phán chuyên nghiệp chắc chắn rất thông thạo nó. Bí quyết này cũng từng được đề cập trong cuốn sách Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình của tác giả Keith Ferrazzi mà tôi được đọc cách đây 3 năm trước và từng dùng nó để chinh phục nhiều nhân vật tiếng tăm trong giới showbiz.

Nhưng nếu bạn không quen biết ai có tầm ảnh hưởng với người bạn muốn tiếp xúc thì sao? Câu trả lời là: Bạn cũng chẳng cần quen người nào luôn. Miễn bạn phải biết chắc ai là người có tầm ảnh hưởng với họ. Bạn chỉ cần nói như thể bạn rất thân với họ. Thời gian rất ngắn, họ cũng không đủ để kiểm chứng thông tin đâu.

Nhưng nhớ là, sau khi đã xây dựng được mối quan hệ rồi thì bạn nên khai thật “thủ đoạn” này với họ nha.

Vậy bây giờ, thử đi:

Gọi cho anh Thanh Bạch, bảo em quen với anh Hoài Linh... Thân lắm... Thân lắm...

KHI TIẾNG ANH CỦA BẠN HƠI BỊ Ẹ?

Rất nhiều người tài hoa nhưng vẫn đứng bên ngoài cổng các công ty quốc tế, không lọt được vào trong.

Vì ngoại ngữ.

Nhiều bạn sinh viên Kiến trúc, Mỹ thuật, Marketing,... lẫn các bạn làm lâu năm, tay nghề rất cứng ở các công ty Việt Nam đều mang một nỗi mặc cảm do tiếng Anh hơi bị ẹ. Thế là ráng phấn đấu lết từ trung tâm Anh ngữ này đến trung tâm Anh ngữ khác và chờ thời...

Nỗi sợ đó đúng, và cũng không đúng.

ĐÚNG:

Đa số các sếp to, sếp vừa, sếp nhỏ và đồng nghiệp là người nước ngoài. Cùng một đội nhóm, bạn phải tương tác với họ rất nhiều, nhất là những khi họp hành, tranh luận tìm ý tưởng. Nếu sinh ngữ không tốt thì sẽ… nản! Mạnh ai nói, mạnh ai hiểu, năng suất sáng tạo không tốt.

Công ty lớn thì sẽ có khách hàng lớn và hầu hết các giám đốc, giám đốc truyền thông lẫn các bạn điều phối đều là người nước ngoài, Việt Kiều… Trong các văn bản qua lại và các buổi đàm phán 100% đều sử dụng tiếng Anh, dẫu bàn họp 9 nước mình, 1 nước bạn, hiếu khách mà! Bạn sẽ lúng túng khi hai phe bắn giết qua lại, muốn phản công lắm mà khi tìm được đúng từ, ráp đúng câu vô thì bà con... xách mông lên và đi hết rồi!

KHÔNG ĐÚNG:

Đa số các sếp to, sếp vừa, sếp nhỏ và đồng nghiệp là người nước ngoài. Cùng một đội nhóm, bạn phải tương tác với họ rất nhiều, nhất là những khi tìm ý tưởng. Nhưng nếu ý của bạn hay, trình bày rõ ràng và logic thì mọi người vẫn có thể hiểu được. Chưa rõ thì có thể tìm hình, dùng ngôn ngữ hình thể và trăm phương ngàn cách khác. Dùng thì hiện tại pha quá khứ trộn tương lai gì cũng ổn, miễn sao nói có lớp lang là phe địch vẫn hiểu. Nhúng mình vào môi trường tiếng Anh là cách học tiếng Anh tốt nhất. Nghe sếp nói chuyện, chửi, tán gái, kể chuyện tiếu lâm mặn, lè nhè khi say xỉn… đều là cách học tiếng Anh dễ dàng và tự nhiên nhất. Chưa kể vốn từ bạn xây dựng ở các trung tâm sẽ không ăn nhập gì với các thuật ngữ dùng trong công việc, ráng học mỗi ngày năm từ mới thì cũng vô dụng!

Công ty lớn thì sẽ có khách hàng lớn và hầu hết các giám đốc Marketing, giám đốc truyền thông lẫn các bạn chuyên viên Marketing đều là người nước ngoài, Việt Kiều… Tương tự như trên, đi họp vài lần rồi sẽ quen, có gan cất tiếng thì sẽ có cơ hội được lắng nghe. Chỉ cần bạn nói đúng. Ngoại ngữ là thói quen, ngày mười hai tiếng dùng nó thì sẽ lên trình, nhanh thấy rõ luôn!

Vì vậy, lời khuyên cho các bạn đang không tự tin với tiếng Anh của mình là:

Cứ tiếp tục học thêm tiếng Anh nhưng đừng đến khi bạn giỏi. Từ từ môi trường sẽ mài sắc Inh Lích cho bạn, có thể không nói vèo vèo như người bản địa nhưng đủ xài trong công việc. Xà quần trong văn phòng, tiếp xúc nhiều với các bạn người nước ngoài, thấy họ dễ chịu thoải mái, cũng là con người như mình thì khi giao tiếp sẽ bớt căng thẳng, chữ tự nhiên sẽ bật ra. Cách nhanh nhất để học một kỹ năng đó chính là dùng nó mỗi ngày, đó là chân lý!

Túm lại là đừng chờ giỏi tiếng Anh rồi mới đâm đầu vào, muộn lắm!

Cứ nói đi, dù bạn nói có chọt choẹt thì người nước ngoài cũng lấy làm thích thú lắm, thích như kiểu ta nghe người người nước ngoài nói tiếng Việt thế thôi[3].

[3] Bài viết có sử dụng các tư liệu từ cuốn sách “Ý tưởng này là của chúng mình”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx