sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

7. Chúc thư - Phần 3

Lại hai ngày nữa trôi qua. Giờ anh đã mắc kẹt được tổng cộng bốn ngày.

Anh không thể lưỡng lự thêm được nữa: phải quyết định bây giờ hoặc không bao giờ nữa. Tất cả những gì anh ăn trong suốt bốn ngày đó là một hộp bánh quy luôn mang theo trong ba lô để đề phòng. Đúng là tinh lực của anh đã vơi đi rất nhiều, nhưng anh vẫn còn đủ năng lượng để lặn, miễn là không chần chừ nữa. Tuy nhiên, sức lực của anh sẽ suy sụp nhanh chúng trong hai, ba ngày tới, và sau đó anh sẽ chẳng thể đưa ra quyết định nào nữa mà chỉ còn một lựa chọn mặc định: một cái chết từ từ nhưng không đau đớn. Mọi cơ hội được cứu sẽ trôi qua.

Nhìn lại ba mươi mốt năm qua, anh bắt đầu thắc mắc liệu mình đã sống hạnh phúc chưa, vì giờ đây sinh mệnh anh có thể dập tắt bất cứ lúc nào. Dù anh muốn cảm thấy hài lòng với những năm tháng được ban cho ấy, nhưng anh không khỏi giận dữ trước cách sống thiếu suy nghĩ của mình trước đây. Đời anh còn quá nhiều việc phải làm. Còn đó tất cả những cuộc phiêu lưu mà anh cùng con trai, Takehiko, đã lên sẵn kế hoạch, đợi khi nào nó lớn hơn một chút. Còn đó bao điều anh muốn dạy thằng bé. Sugiyama hi vọng sẽ dần truyền thụ cho nó bài học về cuộc sống rút ra từ những trải nghiệm của chính anh, để nó có thể vận dụng hiểu biết đó mà sống trọn vẹn hơn, bổ sung bằng những hiểu biết của chính nó, rồi truyền lại cho thế hệ sau. Điều ấy, với Sugiyama, là ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người. Anh cũng không thể không lo cho người vợ và đứa con đang mang trong bụng. Nhưng lúc này anh sẽ cố gắng không nghĩ đến những lo lắng như thế. Không có điểm kết nào cho những việc còn dang dở đang giăng kín đầu anh: thanh toán tiền bảo hiểm, giấy tờ thế chấp, ai sẽ chăm sóc cha mẹ già, vân vân. Nhưng anh vẫn muốn để lại di chúc cho con trai.

Trong ánh sáng yếu dần của ngọn đèn đeo trước trán, anh bắt đầu viết di chúc cho con trai trên khoảng trống đằng sau tấm bản đồ. Như thể để tự thuyết phục mình, anh thận trọng nắn nót từng chữ, từng cụm từ. Anh cuộn lá thư viết xong lại, bỏ nó vào hộp đựng phim rỗng. Anh bịt chặt cái hộp lại bằng băng dính nhựa, rồi cho nó vào túi chống nước, trên túi viết rõ tên và địa chỉ. Để kiểm tra lại lần cuối cho chắc, anh dán túi lại và thử nhúng xuống nước. Thí nghiệm cho thấy túi nhỏ này nổi được và hoàn toàn không cho nước lọt vào. Trong đầu Sugiyama đang nghĩ xem sẽ làm gì nếu lối ra quá hẹp không qua được. Nếu đúng thế, anh sẽ thả lá thư viết cho gia đình này theo dòng nước về hướng lối thoát đó. Anh cảm thấy có rất ít khả năng nó ra được khỏi hang, trừ khi anh ra đến cửa hang rồi lập tức thả nó ra. Ngay cả khi anh có cố đẩy được nó vào dòng nước dẫn ra ngoài, cái gói nổi vẫn có nguy cơ bị mắc vào vô số thạch nhũ từ trần bên đường hầm đâm xuống.

Việc viết lá thư ấy củng cố quyết tâm của Sugiyama. Anh phải tin rằng mình có cơ hội. Khi sung sức nhất, anh có thể bơi chừng năm mươi mét mà không cần trồi lên lấy hơi. Với sự trợ giúp của dòng chảy, có lẽ anh còn bơi được xa hơn. Để đề phòng đám thạch nhũ trồi ra, anh sẽ đội mũ bảo hiểm và không cởi bộ đồ bảo hộ ra.

Anh bật đèn rồi đặt nó lên một tảng đá gần đó để chiếu sáng phần mặt hồ bên trái. Ánh sáng nhấp nháy yếu ớt như thể sẽ vụt tắt bất cứ lúc nào. Anh dần chuồi người xuống nước, chờ quen dần với nước lạnh trước khi ngụp hẳn cả người xuống. Bơi qua hồ sang bờ trái, anh đặt tay lên một bờ đá và ngoi đầu lên để lấy hơi. Ngọn đèn trên tảng đá cơ hồ sắp tắt. Sugiyama lấy thêm vài hơi ngắn nữa cho đầy phổi khí. Chiếc hộp chứa lá thư được giắt vào thắt lưng anh để giảm thiểu mọi rủi ro anh có thể đánh mất nó. Anh vỗ vỗ thắt lưng để yên tâm là lá thư vẫn ở đó. Ngay khoảnh khắc anh làm thế, đèn vụt tắt.

Như thể đó là hiệu lệnh, Sugiyama bắt đầu lặn xuống dọc theo đường gờ đá. Xuống khoảng dần hai mét, dòng chảy bắt đầu xiết hơn, táp thẳng vào mặt anh và suýt hất tung mũ bảo hiểm khỏi đầu. Bàn tay anh đã dò dẫm sờ thấy cửa thoát. Nước quanh anh đang ào ào chảy vào đó ra dòng sông ngầm. Đúng như anh suy đoán. Với quyết tâm mạnh mẽ, anh phó thác số mình cho dòng nước.

Mùa hè năm 1995.

Một đoàn mười hai người dựng trại dã chiến trên sườn dốc thoai thoải đằng trước lối vào hang. Họ là những thành viên của câu lạc bộ Những nhà thám hiểm Đại học S. do Takehiko Sugiyama đứng đầu.

Dù họ đã cầu kì chọn một chỗ có bóng râm để dựng trại nhưng những cái trại vẫn phải phơi mình dưới nắng gắt đến tận quá ba giờ chiều. Mặt đầm đìa mồ hôi, các thành viên câu lạc bộ khoác thiết bị lên vai. Hành trang của họ không chỉ bao gồm bộ thiết bị thám hiểm hang, họ còn phải mang theo thiết bị lặn đầy đủ, những thứ không phải để đùa. Ô tô đỗ ở một chỗ trống gần chân núi, cách điểm dựng trại chừng một dặm rưỡi. Mỗi thành viên câu lạc bộ phải đi lên đi xuống hai lần để khuân bộ thiết bị lên.

Tiếng ve sầu inh ỏi lớn đến mức đừng tính đến việc nói chuyện bình thường. Các thành viên câu lạc bộ thà dành sức để dựng trại còn hơn nói chuyện. Quá trình chuẩn bị của họ hoàn thành trước tiến độ. Takehiko nở nụ cười hài lòng khi thấy các thành viên thực hiện công tác chuẩn bị khéo léo ra sao. Đặt đồ mang theo xuống, anh nghĩ một lát và duỗi thẳng lưng ra.

Miệng hang đen ngòm mở ngoác ra ngay trước mắt họ. Lối vào hang đã được mở rộng hơn so với hồi cha anh đặt chân đến đây hai thập niên trước. Dù vậy, bóng tối dày đặc nằm bên dưới lối vào thì vẫn y hệt như cha anh từng chứng kiến. Đối với Takehiko, hang này là nơi anh cảm thấy nhất định phải đến, dù sớm hay muộn.

Giờ đã mang một cái tên ấn tượng là Quần thể Hang Đá Trắng, những hang động đá vôi được cha anh phát hiện ra này từng đón hàng chục đoàn nghiên cứu đến thăm. Đến năm ngoái, người ta đã lên nhiều kế hoạch nhằm phát triển nơi đây thành điểm du lịch nằm dưới sự bảo trợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các kế hoạch đó đều bị bỏ dở. Không chỉ bởi chúng bị các nhóm môi trường địa phương phản đối mà còn vì dự toán chi phí xây dựng đường sá và các hạ tầng cơ sở du lịch khác đã lên đến con số choáng váng. Vì thế những hang động đá vôi này vẫn còn nguyên sơ. Công chúng bình thường không được phép vào. Kiểm lâm quận chỉ cấp phép cho các nhóm nghiên cứu chính thức.

Quần thể hang này chỉ cách nhà Takehiko ba giờ lái xe. Anh lẽ ra đã có thể đến đây bất cứ khi nào anh muốn. Anh cùng không thiếu bạn bè là những nhà chuyên môn; lẽ ra anh đã có thể lặn xuống cái hồ ngầm nơi cha anh đã chết đó bất cứ khi nào anh muốn.

Nhưng Takehiko đã cố ý trì hoãn chuyến đi. Trong suốt phần lớn đời mình, hầu như không ngày nào trôi qua mà anh không hình dung ra cái hồ ấy. Hình hài nó xuất hiện cả trong giấc mơ anh. Từ lâu anh đã không còn đếm nổi đã bao lần mình thức giấc giữa đêm, hổn hển trong hoảng loạn khi mơ thấy nước và bóng tối bủa vây mình.

Lần này, anh không gặp khó khăn nào đáng kể. Có vẻ như đã đến lúc. Khi kì nghỉ hè này kết thúc, anh sẽ phải giảm bớt các hoạt động với câu lạc bộ Những nhà thám hiểm để dành thời gian hoàn thành luận văn cử nhân và tìm việc làm. Sang năm anh sẽ trở thành một thành viên có việc làm bận rộn và có đóng góp cho xã hội. Anh cảm thấy phải đến thăm nơi này, bây giờ hoặc không bao giờ nữa.

Khi thi thể của cha anh được tìm thấy và mang về từ đáy hồ nước ngầm đó, Takehiko chỉ vừa mới bước sang tuổi thứ ba. Trẻ con tuổi đó thậm chí còn chưa hiểu ý nghĩa của cái chết. Cái thân thể lực lưỡng, sống động anh từng ôm lấy hàng ngày ấy xuất hiện ở đó một khoảnh khắc rồi biến mất ngay; cảm giác duy nhất anh có lúc đó là có gì đó thân thuộc vừa bất ngờ tan biến.

Sáu tháng sau khi hai người đàn ông gặp bi kịch trong hang, một đội thám hiểm địa phương tình cờ tìm thấy thi thể Sakakibara, người bạn cùng đi cha Takehiko. Ngay sau phát hiện gây choáng váng này, khi nghiên cứu cái hồ ngầm, đội thám hiểm còn tìm được thi thể của cha anh. Cuối cùng họ cũng đã làm sáng tỏ vụ việc liên quan đến hai người đàn ông mất tích hồi sáu tháng trước. Thậm chí ngay cả khi đội thám hiểm di chuyển được tảng đá lăn, thi thể mục rữa của Sakakibara vẫn đu đưa treo ở đó. Khi bật đèn chiếu vào xác của Sakakibara, họ thất kinh khi thấy phần sau hộp sọ vỡ bị vôi hóa của anh đã dính liền vào vách hang đá vôi.

Cảnh sát giải thích với mẹ Takehiko rằng cái chết của cha anh có lẽ là “do tình trạng loạn trí tạm thời vì mắc kẹt quá lâu trong bóng tối”.

Ý của viên cảnh sát là cha anh đã hoảng loạn tới độ nhảy xuống hồ tự trầm. Những trường hợp tự tử như vậy hiển nhiên không phải hiếm ở những người tuyệt vọng khi lạc trên hoang đảo hoặc trôi dạt giữa biển khơi một thời gian dài. Mẹ Takehiko không chấp nhận kết luận của cảnh sát, nhưng tranh cãi cũng chẳng ích gì; đó là vấn đề mang tính chất cá nhân hơn là hình sự. Tuy nhiên, bà đã khăng khăng khẳng định rằng chồng mình không phải loại người dễ hoảng loạn khi gặp khủng hoảng. Hơn ai hết, bà hiểu tính cách của chồng mình.

Câu lạc bộ đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho chuyến xuống hang vào mười một giờ sáng hôm sau. Takehiko và năm người khác sẽ là những người xuống đầu tiên, sáu người còn lại sẵn sàng chờ lệnh. Tất cả thành viên câu lạc bộ, kể cả hai thành viên nữ, đều là những thợ lặn bình khí nén có hạng và có nghiều kinh nghiệm lặn ở biển. Tuy vậy, chỉ có ba thành viên có kinh nghiệm lặn dưới hang ngầm. Là đội trưởng, vai trò của Takehiko là dẫn dắt chín người còn lại dấn bước vào môn lặn dưới hang ngầm bí hiểm này.

Sau khi kiểm tra tỉ mỉ để đảm bảo rằng mọi thiết bị đều hoạt động tốt, sáu thành viên đầu tiên xếp hàng trên bờ hồ ngầm. Takehiko điểm lại một lần nữa những điều cần ghi nhớ.

“Đạp chân nhái càng ít càng tốt. Nếu các bạn khuấy động trầm tích tầng nước đáy thì cuối cùng sẽ chẳng thấy gì cả. Nếu các bạn hoảng loạn thì cố nổi lên, xin hãy hiểu rằng không có chỗ nào không nổi lên được cả. Vấn đề duy nhất là tránh hoảng loạn. Các bạn đã rõ chưa? Không được hoảng loạn, bất kể làm gì cũng không được. Luôn giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Đối diện với mọi tình huống xấu một cách bình tĩnh. OK?”

Các thợ lặn gật đầu đáp rồi trật tự nhét miệng ống thở vào miệng. Ngoài đèn gắn trên mũ bảo hiểm, họ còn mang theo đèn pha công suất lớn. Mỗi người đều được buộc chặt vào một sợi dây an toàn và cách đều nhau. Bình dưỡng khí không đặt trên lưng họ. Họ sẽ cần phải chuyển chúng ra trước ngực nếu cần nổi lên. Khả năng di chuyển chúng theo cách đó sẽ khiến chúng không vướng víu trong một môi trường hạn hẹp đến vậy.

Sự hiện diện của họ mang lại ánh hào quang đặc biệt cho hang khi ánh sáng từ khoảng hai chục cái đèn hắt lên mặt hồ và thắp sáng vách hang. Họ trang bị quá nhiều thiết bị và đèn đến mức họ chính họ cũng bị lóa mắt. Theo nghĩa đen. Hồi cố vật lộn trong đường hầm ngập nước đó, cha của Takehiko hoàn toàn không mang theo nhiều thứ lỉnh kỉnh như vậy. Nếu giờ ông còn có thể trông thấy họ, có lẽ ông cũng sẽ mỉm cười trước đống trang thiết bị có phần quá mức ấy.

Mùa mưa kéo dài đã khiến cho mực nước ngầm dâng lên. Takehiko lặng lẽ lặn xuống mặt nước hồ ngầm đầy ăm ắp, dẫn đường cho những người bạn đồng hành của mình.

Ngay khi xuống nước, anh đã chú ý đến lối vào hình ô van của đường hầm, cách anh chừng một mét về phía bên trái. Anh để ý thấy vô số bóng nước li ti chuyển động về phía lối nước ấy rồi bị hút vào. Đó hẳn là một đường hầm dẫn tới lối ra. Ráng hình dung lại những gì cha mình đã trải qua, Takehiko nín thở, mặc cho dòng nước cuốn mình về phía đường hầm, trong đầu gợi liên tưởng về ruột một con quái vật khổng lồ.

Khi anh chiếu chiếc đèn dùng nước của mình về phía trước, anh thấy rõ đám thạch nhũ rủ xuống từ đường hầm khiến lối đi qua trở nên hẹp đến phi lí. Dù đúng là dòng nước chảy vẫn đủ mạnh để liên tục đẩy anh về phía trước, chẳng mấy chốc anh đã nhận ra rằng nếu phó mặc hết cho lực đẩy của dòng nước thì anh sẽ va vào đám đá vôi chĩa xuống ấy. Anh phát hiện ra phải khá lão luyện mới tránh được những vú đã đâm xuống ngay trên đầu và đám cọc đá nhô ra từ hai bên. Anh chỉ có thể tiến lên bằng cách dùng tay khoát nước như điên, đập chân nhái dữ dội. Ngay cả khi nhìn rõ phía trước, gần như cũng không thể nào tiến lên mà không va phải thạch nhũ.

Takehiko nhẹ nhàng nhắm mắt cố tái tạo lại những gì cha anh chắc hẳn đã trải qua. Nhưng cứ nhắm vào là lập tức phải mở ra. Ngay khi anh nhắm mắt lại, một nỗi sợ hãi mãnh liệt liền xâm chiếm anh, khi trí tưởng tưởng biến đám thạch nhũ thành những lưỡi dao găm khổng lồ. Dù anh có thử nhắm mắt lại bao nhiêu lần chăng nữa, cảm giác nguy hiểm sắp xảy tới cũng sẽ bắt chúng mở ra lần nữa.

Đúng lúc anh sắp từ bỏ niềm hi vọng có thể nín thở mà đi xa thêm nữa thì đường hầm chợt rộng ra, xòe như một cái phễu. Nhìn lên, anh thấy cái gì đó có vẻ giống như những gợn sóng trên mặt nước. Dường như một khoảng không mở ra giữa mặt nước và trần tường hầm. Takehiko nổi lên và lấy hơi qua ống thở. Anh chắc chắn cha mình cũng từng phải nổi lên ở đây để nạp lại không khí vào phổi.

Anh băn khoăn không biết có thể miêu tả cảnh hùng vĩ đang đón chào mắt mình ra sao. Trên trần đường hầm khum khum rủ xuống vô số thạch nhũ như hằng hà sa số cọng rơm. Chúng rủ xuống gần chạm đỉnh đầu anh, sắc nhọn như hàng ngàn mũi kim đâm xuống dưới. Đám thạch nhũ này dài phải đến vài mét. Vậy mà, buồn thay, cha của Takehiko đã không thể chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục này.

Xa thêm chút nữa, đường hầm bắt đầu thắt chặt trở lại gần như kích thước lúc trước. Khoảng không khí giữa trần đường hầm và mặt nước đã biến mất. Takehiko quyết định thử nín thở lần nữa. Dòng chảy bắt đầu hơi dốc xuống dưới, vậy nên nước bắt đầu xiết hơn. Nhưng anh không cảm thấy điều này đáng lo lắm. Mải mê bận tâm với việc tái hiện lại hoàn cảnh từng bủa vây cha mình, Takehiko đã quên đi nỗi lo đáng lẽ cần có cho sự an toàn của chính anh. Chợt tốc độ dòng chảy tăng lên đột ngột, và, kinh ngạc tột độ, anh nhận ra mình bị nuốt chửng vào một thác nước. Không cao hơn ba mét, đó chỉ là một thác nước nhỏ xíu. So với các thác nước thông thường, chỉ khiến anh lộn nhào hai vòng trong nước. Nhưng vì nước cuồn cuộn nên anh đã đánh rơi cái đèn vẫn cầm ở tay và va mạnh lưng vào một tảng đá. Bị nước cuốn đi, anh trượt theo đường hầm ấy, liên tục va đập. Anh không thể nín thở lâu hơn được nữa, và đang sắp sửa lấy một hơi nữa thì nhìn thấy một vệt dài thẳng đứng chừng ba mét phía trước. Dựa lưng vào vào vách đường hầm, anh bắt đầu tiền gần đến cái vệt dài kia. Khi đến gần, bản chất của nó hiện ra rõ nét. Đó là một vết nứt trong lòng đá, rộng chừng hai mươi phân. Nước đang phun ra qua đường nứt này chảy tràn ra ngoài. Đây là đầu ra! Qua lớp nước sục đầy bọt khí, anh vẫn có thể nhận rõ ánh mặt trời yếu ớt lấp ló. Bên trong vết nứt, nước trên đường chảy ra hòa lẫn ánh sáng chiếu vào. Lưng bị áp lực nước cuồn cuộn ép chặt vào đá. Takehiko vặn vẹo vung tay qua dải ảnh sáng đó. Chính ở nơi đây, cha anh đã quăng ra hộp di chúc của mình.

Một năm sau khi gia đình anh biết tin cha anh đã mất, hộp phim chứa tấm bản đồ mới được chuyển lại cho người nhà Sugiyama. Trên mặt sau tấm bản đồ là những lời chứng thực cho việc làm cuối cùng của cha Takehiko. Đó là một lá thư của cha anh, có vẻ như là ông đã viết nó ngay trước khi chết.

Rõ ràng là dòng nước đã nối cái hồ ngầm này với vịnh Tokyo. Trước tiên nước chảy vào một nhánh phụ rồi vào nhánh lớn hơn của sông Tama, sông Tama lại đổ nước ra vịnh Tokyo. Nhưng liệu có bao nhiêu cơ hội để một lá thư thả theo hướng đó đến được với người nhận? Chắc chắn chỉ có thể miêu tả chuyện này là một phép màu. Dù sao chăng nữa, dải sáng tuyệt vời xuyên vết nứt đó có sức mạnh khiến người ta tin vào những phép màu như thế.

Họ tìm thấy lá thư trong hòm thư. Nó vẫn ở trong hộp đựng phim, trên phong bì không ghi trên người gửi, nên không thể biết ai tìm thấy nó và tìm thấy khi nào. Họ có thể tưởng tượng ra rằng nó đã được một người dân vùng Okutama tìm ra; hoặc nó bị vướng vào lưới một ngư dân đánh cá trên vùng biển gần cửa sông Tama. Dù người tìm thấy nó có là ai, anh ấy, hay cô ấy cũng đã lấy lá thư trong hộp đựng phim ra đọc, rồi hiểu được tầm quan trọng của thông điệp ấy đối với gia đình mà nó được viết ra để gửi cho. Người đó cũng đã tốt bụng gửi lá thư cho họ.

Lá thư viết:

Takehiko, con yêu,

Ngay cả khi biết không còn lối thoát, đôi khi chúng ta vẫn phải gắng sức tiến lên tìm kiếm nó, bất chấp viễn cảnh mờ nhạt đến đâu…

Bố biết có thể tin tưởng rằng con sẽ chăm sóc mẹ và đứa em sắp tới.

Yêu con,

Bố của con.

Không nghi ngờ gì cả, đó chính là chữ viết tay của cha anh, từng con chữ một đều được ấn bút mạnh mẽ. Lá thư chứng minh rằng cha anh đã chuẩn bị tinh thần cho cái chết.

Giờ thì đã rõ tại sao thi thể của cha anh lại được tìm thấy ở gần lối ra dưới cái hồ ngầm. Biết rằng sẽ chẳng có đường ra, nhưng cha anh vẫn cố tìm một lối thoát và thử bơi xuống nhánh sông ngầm đó; có thể nỗ lực của ông đã kết thúc thất bại, nhưng ít nhất ông đã truyền cho anh một quyết tâm can trường rằng mình phải sống sót. Ông không gửi lá thư này cho vợ. Ông muốn gửi cho con trai mình – khi ấy còn quá nhỏ để đọc nó – một thông điệp: hãy mạnh mẽ.

Lá thư đã chứng tỏ rằng nó đúng là một nguồn sức mạnh vô giá đối với Takehiko. Anh đọc đi đọc lại nó. Khi cần đến can đảm trong cuộc đời, anh nhớ lại lời cha và những khó khăn mà ông từng nỗ lực hết sức để vượt qua. Takehiko chỉ có hai năm rưỡi được sống với cha, và thậm chí đến nay anh khó lòng nhớ được. Nhưng cái bóng tối cha anh từng đối mặt vẫn đeo đẳng Takehiko vào tận những cơn mơ, khiến anh hụt hơi ngạt thở. Mỗi lần thức giấc vì mơ ấy, anh chỉ cảm thấy quyết tâm phải trở nên mạnh mẽ tăng lên. Vì anh đã có lá thư ấy, trên đời này chẳng còn điều gì khiến anh sợ hãi nữa.

Anh thọc hết cánh tay qua kẽ hở, đến tận bả vai, rồi chầm chậm thu lại. Chỉ cần chỗ hở này rộng gấp đôi, ước muốn của cha anh đã thành hiện thực; ông hẳn đã nổi lên giữa ánh mặt trời chói rạng.

Takehiko cố gắng khắc ghi hình ảnh trước mắt, để anh không bao giờ quên. Và anh thì thầm tận trong đáy lòng, “Bố, con hiểu ước nguyện của bố rồi.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx