sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6 - Sự Ra Đời Của Một Nội Các

Cái gì phải xảy ra đã xảy ra. Ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954, quân đội viễn chinh Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Như một tiếng nổ lớn có sức chấn động dây chuyền vang dội cả về mặt không gian lẫn thời gian, cả về mặt xã hội lẫn tâm lí con người, chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam anh bùng đã làm lịch sử Việt Nam, cũng như lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới chuyển sang một trang mới, đến một bước ngoặt vĩ đại. Ở hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương, bọn thực dân Pháp chuẩn bị chấp nhận một sự thất bại hoàn toàn. Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ chuẩn bị chấp nhận sự cáo chung của vai trò ăn cướp giết người dã man, đẫm máu đã quá kéo dài của mình trên sân khấu chính trị thế giới. Nhưng chủ nghĩa thực dân mới giấu bên trong bộ áo cờ hoa sặc sỡ của mình bom nguyên tử và máy bay phản lực, kế hoạch thống trị và huỷ diệt nhân loại, lồng lộn ra trò, ở châu Á thì đeo chiếc mặt nạ da vàng, ở châu Phi thì đeo chiếc mặt nạ da đen…

Giữa lúc bọn thực dân Pháp và lũ nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai tuyệt vọng, bối rối, hoang mang, gục xuống tưởng không thể nào đứng dậy được nữa thì bọn quan chức và nhân viên Mỹ thi nhau bay đến Sài Gòn, Hà Nội. Có người của CIA, người của DIA (19), người của G2, của A… Trong đó, có đại tá Lên-sđên, có “giáo sư” Phi-sin, thiếu tá Tô-ma, “nhà báo” Xôm-xăng-đơ (20)…

Trong khi Phô-stơ Đa-lét, Bộ trưởng Bộ ngoại giao bỏ hội nghị Giơ-ne-vơ đi gặp hết thủ tướng Anh I-đơn, lại thủ tướng Pháp La-ni-en và sau này Măng-đét Phơ-răng để vận động chống lại việc công nhận chủ quyền của ba nước Đông Dương và kéo dài chiến tranh, để Mỹ đổ quân vào Việt Nam, thì ở Việt Nam, máy bay do phi công Mỹ lái tiếp tục ném bom dữ dội xuống các làng mạc, hạm đội 7 Mỹ tiến vào vịnh Bắc Bộ. Bọn quan chức nhân viên Mỹ tới tấp sang “nghiên cứu về vấn đề Việt Nam”, hết gặp tướng Na-va lại gặp Bảo Đại, hết gặp công khai những nhân vật công khai lại gặp bí mật những nhân vật bí mật. Những nhân vật bí mật này làm đủ nghề, từ công chức trong bộ máy nguỵ quyền, sĩ quan nguỵ quân đến bọn lí lịch bất hảo vẫn vỗ ngực là “lãnh tụ đảng phái quốc gia”, từ bọn đội lốt thầy tu khoác áo chùng đen lẫn áo nâu đến bọn thầy bói, thầy tướng, từ một nhà buôn xuất nhập khẩu giàu có đến bọn du thủ, du thực đứng ở các bến ô tô.

Chưa bao giờ Toà đại sứ Mỹ và các phòng thông tin Mỹ, cơ quan viện trợ Mỹ ở Hà Nội, ở Huế, ở Sài Gòn bận tíu tít đến thế.

Rồi những tin đồn úp úp mở mở, hư hư thực thực. Rồi những lời dụ dỗ, thăm dò, hứa hẹn, mặc cả. Cuối cùng, như các báo chí nước ngoài đưa tin, từ trong tay áo chú Sam thò ra một con nộm…

Ngày 18 tháng 6 năm 1954, ở sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra một cuộc đón tiếp kì lạ, nửa công khai, nửa bí mật, nửa chính thức, nửa không chính thức, nửa bình thường, nửa nghi thức như đón tiếp một nhân vật quan trọng. Bí mật, không chính thức, bình thường vì cuộc đón tiếp này chỉ có riêng một số người biết, sân bay không có cờ quạt, khẩu hiệu, dàn nhạc, đội quân danh dự. Công khai, chính thức, nghi lễ vì không khí sân bay nghiêm trang, chờ đợi, nhiều cảnh sát, hiến binh canh gác, nhiều mật thám bí mật lởn vởn đi lại, một số nhà báo mang máy ảnh đến đưa tin. Người đi đón đều là những nhân vật quan trọng, tuy không phải là những kẻ cầm đầu bộ máy xâm lược của đế quốc thực dân và lũ nguỵ quyền, nguỵ quân nhưng đều là đại diện chính thức của những kẻ ấy. Người ta thấy đại diện của cao uỷ Pháp ở Đông Dương đứng cạnh đại tá Mỹ Lên-sđên, đại diện cho Bảo Đại ở Sài Gòn (Bảo Đại có hai văn phòng đại diện ở Hà Nội và Sài Gòn) đứng cạnh đại diện của đại sứ Mỹ tại Việt Nam, “nhà báo” Xôm-xăng-đơ đứng cạnh giám mục Ngô Đình Thục, thủ lĩnh Đại Việt đứng cạnh Tô-ma… Thái độ đám đi đón hoàn toàn khác nhau, người thì vênh vang đắc chí như “cờ đã đến tay”, kẻ thì buồn rầu miễn cưỡng như bị cướp mất miếng ăn; người thì hớn hở tràn trề hi vọng như nắm chắc ghế “bộ trưởng” trong tay, kẻ thì vẫn dè dặt, lấm lét mắt trước mắt sau như phân vân không biết đã nên theo ông chủ mới hay chưa và liệu ông chủ cũ đối với mình thế nào.

Một chiếc máy bay bốn động cơ của hãng hàng không “Freedom Air Lines” (21) lừ từ hạ cánh xuống sân bay. Mọi người im lặng, chăm chú nhìn lên khung cửa máy bay. Cửa máy bay mở rộng. Cầu thang máy bay đẩy tới. Một người ngoài năm mươi tuổi mập lùn, mặt bừ bự, lông mày rậm, mắt trắng dã, mặc bộ âu phục vải trắng, thắt cà vạt đen, tay áo che đến nửa bàn tay, đôi chân ngắn trong ống quần rộng, bước xuống: Ngô Đình Diệm.

Hắn hấp háy mắt trước ánh nắng chói chang của sân bay, cười nhăn nhó cả mặt, giơ một bàn tay lên chào những người ra đón. Đằng sau hắn, một tên Mỹ chắc nịch như một võ sĩ, mắt cau có lầm lì: “giáo sư” Phi-sin. Rồi lần lượt đến Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến, Phan Thúc Định xuống thang…

Máy ảnh của mấy nhà báo giơ lên bấm.

Ngô Đình Diệm bước nhanh đến chỗ đám người ra đón. Hắn bắt tay mọi người, vừa bắt tay vừa nghe giới thiệu về tên và chức vụ, nghề nghiệp từng người. Hắn dè dặt khi bắt tay mấy tên Pháp, vồ vập khi gặp lại bọn Mỹ mà hắn đã từng quen biết, hân hoan khi gặp những người trong gia đình hắn, nhìn ban ơn và hứa hẹn với bọn nguỵ quyền, nguỵ quân chạy theo chủ mới. Giám mục Ngô Đình Thục làm dấu ban phước lành cho hắn.

Mấy nhà báo xô đến định phỏng vấn. Hắn mỉm cười bí mật:

- Tôi tuyên bố gì bây giờ cũng còn hơi sớm. Các ông đợi cho 10 ngày nữa.

Cả đám kéo nhau ra xe hơi đủ kiểu đậu ở cửa sân bay.

Còn lại đám cảnh sát, mật thám ngơ ngác nhìn theo không hiểu ra sao cả. Vì chúng được lệnh theo dõi thái độ những người đi đón thì những người đi đón lại đều là cấp to có thể sai phái được các “sếp” của chúng; chúng được lệnh theo dõi người được đón, thì người được đón lại là người mà các “sếp” của chúng phải chạy rạt thật xa, không dám đến gần. Thực là khó hiểu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx