sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần I: Đông Nam Á - Brunei, Malaysia Và Myanmar - Chương 13 - 14

13.Kẹt trong bão biển

Marsha rất quảng giao. Ở Kota Kinabalu mới có một tuần mà cô đã kịp thân với không ít người. Qua cô giới thiệu, tôi quen và chơi thân với một nhóm thanh niên bản địa trong đó có Lester, Esther, Poppy. Thành phố biển có khác, ở Kota Kinabalu ai cũng là thợ lặn. Lester và Esther là thầy hướng dẫn lặn. Những người còn lại đều có chứng chỉ Drive Master(*).

(*) Thợ lặn chuyên nghiệp

Nhóm bạnnày rủ tôi đi nhảy đảo và snorkeling (bơi ống thở ngắm san hô), tôi đồng ý liền. Kota Kinabalu không chỉ tự bản thân nó là một thành phố biển đầy lãng mạn, mà còn hấp dẫn du khách với những hòn đảo xinh đẹp nằm rải rác xung quanh. Nhiều công ty tổ chức tour như thế, nhưng giá lên tới cả trăm đô.

Chúng tôi tự thuê thuyền, tự thuê đồ snorkel, tự mua vé thăm đảo, giá cho mỗi người chỉ 100RM (khoảng $30).

Chúng tôi hẹn nhau lúc tám giờ sáng ở bến Jefferson - bến cảng giành riêng cho du lịch. Tôi rất thích đi dạo ở bến cảng này. Đường lát gạch rộng và sạch. Nước biển dập dềnh dưới chân. Những cột đèn cong và những trạm điện thoại màu đỏ tạo cho bến cảng một phong cách đậm chất Châu u. Hôm đấy là chủ nhật, bến tàu có hội chợ: hàng thủ công và đồ ăn địa phương. Mỗi gian hàng là một chiếc lều trắng nhọn, xinh xinh giống những chiếc lều ở chợ đêm phố cổ Hà Nội, nhưng kích cỡ thì to như những chiếc lều của người Mông Cổ. Chúng tôi tranh thủ ăn uống no nê rồi lên đường.

Gần Kota Kinabalu có sáu hòn đảo. Chúng tôi ghé qua Pulau Gaya đầu tiên bởi hòn đảo này gần Kota Kinabalu nhất. Đây là hòn đảo lớn nhất và cũng là đông khách du lịch nhất. Trên đảo có khoảng tám ngàn dân sinh sống, ngoài ra còn có một số resort đắt tiền. Mọi thứ ở đây đều rất đắt, đắt gấp năm,sáu lần trong đất liền. Không thích những gì bị du lịch hóa, chúng tôi ở đấy khoảng mười lăm phút rồi nhanh chóng chuyển đi hòn đảo khác.

Những hòn đảo còn lại hầu hết đều không có người sinh sống. Những hòn đảo này nghe tên cảm giác đọc giông giống nhau: PulauSapi, PulauManukan, Pulau Supug, Pulau Mamutik và Pulau Sepanggar; nhìn qua cũng thấy giông giống nhau và đều rất đẹp. Không ai hiểu những hòn đảo này như Esther và Lester. Theo hướng dẫn của hai chuyên gia bơi lặn này, chúng tôi đi snorkeling ở những nơi theo đánh giá của họ là có rặng san hô đẹp nhất. Tôi hồi nhỏ suýt chết đuối nên giờ sợ nước, nhưng mọi người dụ dỗ tôi xuống. Trời ạ, lúc đấy tôi mới thấy tôi đã sống uổng phí mười chín năm cuộc đời như thế nào. Có cả một thế giới dưới mặt nước xanh kia mà tôi chưa bao giờ thấy. Những rặng san hô uốn mình mềm mại cùng dòng nước. Những chú cả đủ màu sắc bơi lội tung tăng. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những chú dưa biển (sea cucumber) hết sức ngộ nghĩnh. Tôi tự thề với bản thân là phải học bơi bằng bất cứ giá nào.

Như người ta thường nói “Save the best for last”, điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là một hòn đảo nhỏ xíu, hoang vu không một bóng người nhưng đẹp thì ôi chao là đẹp. Biển xanh, cát trắng, những hàng phi lao rì rào trong gió. Thông thường, có hòn đảo nào đẹp mà không chật kín khách du lịch. Nhưng hòn đảo này vắng tanh vắng ngắt. Bãi cát trắng trải dài không một dấu chân người. Tôi thắc mắc tại sao một hòn đảo đẹp như thế mà lại không có ai đến thăm, Poppy là ra vẻ bí hiểm: “Hòn đảo này bị đồn là có ma”. Rồi anh chỉ cho tôi mấy đống đổ nát rải rác trong đảo. Lúc đấy tôi nghĩ anh đùa nên cười lớn.

Đảo hoang không có người nhưng rất nhiều khỉ. Lúc chúng tôi xuống tắm,một chú khỉ ở đâu mon men chạy đến ăn trộm đồ ăn. Sợ chú khỉ này bị bệnh dại, mấy người bạn tôi dọa anh chàng chạy té khói. Nghịch nước chán, trời vẫn còn sớm, chúng tôi tranh thủ đi dọn rác trên đảo. Nửa tiếng chúng tôi thu thập được năm bao rác to đùng, định mang về đất liền sẽ đổ. Chúng tôi đang chuẩn bị về thì tự nhiên gió bắt đầu thổi mạnh, sấm chớp đùng đùng, rồi trời mưa như trút nước. Bác lái thuyền sợ, kêu chúng tôi chờ trời ngớt mưa rồi về lại đất liền. Nhưng đến tận tối mà trời vẫn mưa. Câu chuyện ma vu vơ Poppy kể lúc chiều giờ nghĩ lại ai nấy đều sởn tóc gáy. Nghĩ đến viễn cảnh một đêm trên hòn đảo ma ám với một bầy khỉ hoang, chúng tôi đánh liều ra về. Bão biển có khác. Sóng cao hơn đầu người. Con thuyền nhỏ xíu ngả nghiêng. Mưa, ướt và lạnh. Nước vào đầy thuyền. Vừa đi chúng tôi vừa phải lấy tay tát nước. Bác chủ thuyền vừa chia sẻ thuyền máy mới đi được thế này, thì tự nhiên thuyền chết máy. Cả hội mặt tái mét. Poppy hô hào hát bài hát gì đó tiếng Malay, dạng bài hát “Dzô hò” của mình. Tất cả mọi người tham gia. Tôi chẳng hiểu gì cũng hát theo. Tiếng hò hét vang dội. Khí thế như ra trận. Mấy đồng chí nam thay nhau chèo thuyền. Bác chủ thuyền dùng hết kinh nghiệm mấy chục năm đi biển của mình để lèo lái. Một lúc sau tự nhiên động cơ hoạt động lại. Chúng tôi chạy một lèo vào bờ.

Tôi vào đến bờ mà tim vẫn đập, chân vẫn run. Chúng tôi ôm nhau thắm thiết, ai nấy nước mũi tèm lem. Tự nhiên ai cũng có cảm giác như đã thân nhau từ lâu lắm rồi. Dù sao thì cũng suýt chết cùng nhau còn gì. Hoàn hồn, chúng tôi mới hỏi đến mấy bao rác. Gió to thế chắc là rác bị cuốn về lại với biển hết rồi. Thôi, thế là công toi một buổi làm việc tốt.

14. Quê hương là chùm khế ngọt

Sau Kota Kinabalu, tôi về lại Tây Malaysia, Singapore rồi về lại Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, tôi cũng có ghé thăm bạn bè ở Campuchia, Lào nhưng những chuyến đi đó với tôi là “Đi du lịch” chứ không phải là “Đi ba lô” nên cũng không có nhiều chuyện để kể. Tôi cũng hay phải đi về giữa Hà Nội và Hải Hậu để làm một số giấy tờ: làm hộ chiếu mới, xin visa. Khi ở Hà Nội, tôi năn nỉ ông anh cho tôi host CouchSurfer. Ông anh tôi đồng ý. Làm chủ nhà cũng không khó như tôi tưởng. Host một vài CouchSurfer giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về CouchSurfing.

Tạm dừng chuyện ba lô qua một bên. Phần này cho tôi lan man về quê tôi một chút.

Chẳng hiểu sao mọi người thường đoán tôi ở Hà Nội. Dạ, tôi là gái quê chính hiệu đấy ạ. Quê tôi ở Hải Hậu, Nam Định. Nhà cách biển chừng mười cây số. Tôi học ở quê hết cấp hai. Lên cấp ba, tôi thi đỗ vào chuyên Toán Khoa học tự nhiên nên lên Hà Nội học. Ở quê tôi, mọi người hay nói ngọng chữ “L” thành chữ“N”. Hồi mới vào lớp mười, có lần thầy giáo lịch sử gọi tên tôi lên bảng trả bài. Tôi nói “Lễ hội” thành“Nễ hội”. Thầy bắt tôi lặp lại cho đến khi nói được thành “Lễ hội” thì thôi. Cả lớp cười nghiêng ngả. Tôi ngượng lắm, từ đấy mới quyết tâm sửa tật nói ngọng. Nhờ vậy mà bây giờ tôi không còn nói ngọng nữa.

Hồi học cấp ba, tôi hay thấy tủi thân vì tụi bạn dân thành phố, mình… nhà quê. Bọn nó có laptop, điện thoại xịn, tôi hồi đấy chẳng biết máy tính, Internet là gì. Ốm đau bọn nó có bố mẹ chăm sóc đến tận răng, tôi ốm đau toàn lủi thủi ở nhà một mình. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi thấy mình là đứa may mắn nhất. Nhà ở thành phố to đẹp hiện đại, nhưng có nhà nào vườn rộng mênh mông như nhà tôi ở quê.

Mà tuổi thơ không có vườn quả thật là một thiệt thòi lớn.

Vườn nhà tôi rộng lắm, có đủ các loại cây ăn trái, mùa nào quả nấy: nào xoài, nào nhãn, nào bưởi, nào na, nào mít, nào chuối, nào đu đủ, nào hồng xiêm… Cây hồng xiêm nhà tôi rất to. Cành lá mọc thành từng tán. Tôi rất thích ăn hồng xiêm. Hồi nhỏ, hay trốn ngủ trưa, leo lên hái quả chín, rồi tìm một chỗ êm êm ngay trên cây nằm vắt vẻo. Thỉnh thoảng cũng ngủ quên mất. Khi tỉnh dậy, thấy có cái gì đó nhột nhột ở cổ. Đưa tay lên sợ chợt chạm vào cái gì đó mềm mềm, lành lạnh. Biết là sâu, tôi hoảng hồn leo xuống, bụng bảo dạ không bao giờ trèo cây nữa. Nhưng rồi ngày mai thèm ăn, lại chứng nào tật nấy. Ông nội có khoảng năm mươi gốc na. Mùa đông, sáng sáng, tôi dậy sớm ra vườn giúp ông tìm quả chín, quả nứt, quả bị chim khoét. Ngày nào cũng phải được một rổ đầy. Tôi thích ăn quả bị chim khoét. Ông nội bảo giống chim rất khôn, nó biết quả nào ngon ngọt nhất. Ha, chim khôn chim chọn quả ngon, mình khôn mình giành quả chim chọn.

Lần ấy về chụp ảnh vườn nhà, gặp ai tôi cũng khoe. Khoe rồi mới thấy tội tụi trẻ con Tây thế. Những loại hoa quả mà mình có ở Việt Nam tụi Châu u, tụi Mỹ hầu hết đều chưa từng nhìn thấy. Tôi nhớ có lần một đứa Na Uy khi nhìn thấy ảnh cây chuối còn hỏi đây là cây gì. Sau này tôi gặp và chơi thân với Asher, một anh chàng Do Thái người Mỹ. Asher mới gân cổ lên bảo tụi trẻ con châu Á tội nghiệp thì có. Khi tôi đến thăm gia đình Asher ở Israel, Asher dẫn tôi ra vườn nhà dì của anh ta. Anh chàng vênh váo hỏi tôi biết đây là cây gì không, tôi ấm ức lắc đầu. Vườn nhà dì Asher có dây tây, có ô-liu, có vả (quả vả ở Israel rất to và ngọt), có chà là, rồi có cả quả gọi là “Loquat” (tôi tra từ điển họ dịch ra tiếng Việt là quả Sơn trà Nhật Bản, nhưng tôi cũng chưa từng nghe cái tên này bao giờ). Quả “Loquat” nhỏ như quả vải, cả da và thịt đều màu vàng tươi như quả trứng gà. Khi ăn thì bóc vỏ, nhả hạt. Mỗi quả có vài hạt to và đen. Thế giới thật là kỳ diệu. Đi rồi mới thấy có nhiều thứ mình chưa biết thế. Cách các loại cây quả phân bố cũng thật kỳ diệu. Thiên nhiên phân chia là một chuyện, có những loại hoa quả theo những đoàn người di cư vượt hàng ngàn hải lý để trở thành đặc sản của một châu lục hoàn toàn xa lạ. Tôi đi thế này thèm mít tưởng chết. Ở Trung Đông, Bắc Phi không ai biết quả mít là gì, sang đến Tanzania tự nhiên ở đường nào cũng có người chất đống mít rao bán. Ở Israel, dừa là một cây bị cấm, cả đất nước không bao giờ tìm được nước dừa tươi. Ở Nairobi, thủ đô Kenya, dừa là thứ vô cùng hiếm hoi, nhưng ở vùng ven biển, dừa lại là một đặc sản địa phương.

Tôi quyết định rồi, sau này lấy chồng không ở nhà chung cư đâu. Kiểu gì cũng phải kiếm được cái nhà có vườn, không thì tội cho con mình lắm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx