sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cho Một Cốc Chè Đặc Nhé!

Những người cùng thế hệ tôi, tức là những người sinh ra vào những năm Đại chiến thế giới lần thứ nhất và trưởng thành vào đúng vào lúc Đại chiến thế giới lần thứ hai, thì trừ những trường hợp cá biệt, còn anh nào cũng có một thói lập dị nào đó. Thậm chí đối với nhiều người, thói lập dị ấy hình như trở thành niềm si mê của họ. Phần lớn những người vừa đi trên đường vừa nói lẩm bẩm, hay mỉm cười một mình, hay vừa đi vừa nháy mắt, hay nhún vai, thì đều là vào trạc tuổi tôi cả.

Riêng về phần tôi, niềm si mê ấy là nước chè. Ngày nào mà chưa uống đủ vài ba chục chén trà là tôi không thể chịu được. Sở dĩ tôi chịu nói ra cái thói hư này bởi tôi tự độ lượng với mình nên chỉ chọn cái lập dị dễ chịu nhất trong số nhiều thói hư của tôi. Thế còn những thói lập dị khác chẳng gì tôi đã dám tự thú nhận với chính lòng mình.

Tôi nghiện nước chè trong hoàn cảnh sau. Vào những năm Đại chiến thế giới lần thứ nhất, tìm được chiếc bánh mì làm từ bột nghiền cả trấu đã là hiếm lắm rồi. Một lần khi tôi mới được chín tháng, không biết bố tôi đào đâu ra một ống bơ to nước chè. Ông thả vào đấy những mẩu bánh mì khô rồi cho tôi ăn. Thế là máu nghiện ngấm vào tôi ngay từ khi thơ dại đó.

Thói nghiện chè ấy, kỳ cục thay, gây cho tôi nhiền phen khốn đốn, nhất là trong các chuyến đi xa. Nhưng tai hại hơn cả là cái lần tôi phải đến một tỉnh nọ, mà tôi không muốn nói tên ra đây.

Sáng hôm ấy, vì còn phải đi tiếp xe hơn nữa bằng ô tô buýt nên tôi dậy sớm. Nhân viên khách sạn ai cũng biết tôi là người nghiện chè, nên sáng nào họ cũng mang lên một lúc mấy tách. Thế là sáng hôm ấy trước khi ra khỏi buồng, tôi đã kịp uống hết cả bốn cốc chè. Chắc các bạn đã biết, nước chè có công dụng, xin các bạn thứ lỗi, lợi tiểu rất tốt. Cứ đầu vào là bốn thì thế nào đầu ra cũng có một cốc.

Sợ nhỡ ô tô nên tôi cứ để cả bốn cốc chè ở trong bụng, lao nhanh xuống dưới nhà. Thực ra mà nói, bốn cốc chè đối với tôi chỉ là chuyện vặt, vì bố tôi đã quen uống nhiều rồi.

Chủ khách sạn là một người vui tính và tốt bụng mà tôi mới quen khi đến đây. Thấy tôi xuống dưới nhà vẻ vội vàng, ông ta liền bảo:

- Xe chưa chạy đâu. Mời ông dùng tách trà đã.

Thế là tôi uống cốc thứ năm cùng với ông.

- Tôi biết ông nghiện chè - ông ta nói. - Nào xin mời ông dùng cốc nữa!

Chè của ông ta rất ngon, nên không nói chắc các bạn cũng hiểu, tôi không nỡ từ chối. Thế là đã thành sáu cốc tất cả. Kể ra sáu cốc với tôi vẫn chưa là gì cả, nhưng dù sao vẫn phải cần ra ngoài một lát. Tôi đã nhấp nhổm định đi, nhưng ông chủ khách sạn cứ nói dẻo như kẹo nên không thể ngắt lời để đứng dậy. Đúng lúc đó có một bà trạc tuổi trung niên bước vào.

- Xin phép được tự giới thiệu, tôi là người hôm qua đã nói chuyện trên điện thoại với ngài.

- Ôi, rất hân hạnh được gặp bà.

Hoá ra người phụ nữ đó vừa là nhà thơ, nhà viết truyện ngắn, nhà viết tiểu thuyết và cả nhà viết kịch nữa. Bà ta đưa tặng tôi bốn tác phẩm của mình.

- Xin lỗi, bà dùng trà hay cà phê ạ?

- Xin ông cốc nước trà.

Tự nhiên tôi cảm thấy nếu chỉ gọi một cốc trà cho mình bà khách thì thật là vô duyên. Vậy nên tôi lại phải uống với bà ta một cốc nữa, vị chi là thành bảy.

Sau cốc thứ bảy, tôi đã bắt đầu thấy hơi khó chịu, tuy chưa đến mức căng thẳng lắm. Nhưng mới làm quen với một người phụ nữ, đã vội đứng dậy xin phép đi ra, e bất tiện. Mấy lần tôi định nói: "Xin lỗi bà, tôi bỏ quên một thứ ở buồng", hay "xin phép bà, tôi chạy ra gọi điện một phút". Thế nhưng mà bà khách đang lúc hào hứng bàn luận về thơ ca, nên tôi không thể xen vào được lời nào.

- Sống ở đây mới buồn làm sao, - cuối cùng bà ta thở dài nói.

- Vâng nhất là lúc này tôi lại càng cảm thấy buồn... tôi đáp lại.

- Nhưng ngài còn có thể trút bỏ nỗi buồn của mình.

- Đấy là bà tưởng thế thôi, chứ giá mà tôi có thể trút bỏ nỗi buồn này...

- Thế điều gì làm ngài buồn bực ạ?

- Đó là ước muốn không thể thực hiện được... Tôi khó nói bằng lời quá.

- Vâng, kể ra thì cũng diễn đạt được, nhưng tôi thấy nó hơi bất tiện.

Bà khách tỏ ra hơi ngạc nhiên.

- Ồ, vậy ra ngài...

Bà ta chưa kịp nói hết câu thì vừa lúc có ba người đàn ông tiến lại phía chúng tôi. Một đã có tuổi, còn hai người trạc trung niên. Đó là ông bác sĩ người địa phương và hai ông luật sư. Họ vừa mới tin tôi đang ở đây.

- Rất hân hạnh được làm quen với các ông.

Các vị khách mới này cũng cần phải tiếp đãi, nhưng ngoài trà và cà phê, ở đây không còn gì khác nữa. Vì thế tôi sẽ phải cùng uống với họ.

- Ồ, không có chuyện ấy! - Ông bác sĩ tuyên bố. - Ngài là khách của chúng tôi, chúng tôi phải mời ngài chứ! Nói rồi ông quay sang bảo người hầu bàn:

- Cho năm cốc chè nhá!

Tôi uống cạn cốc thứ tám mà vẫn chưa tìm được cớ gì để biến ra ngoài một phút. Lúc này tôi đã cảm thấy vấn đề ấy nghiêm trọng rồi, chứ không còn đùa được nữa. Nhưng vừa mới làm quen với nhau chả nhẽ lại đứng lên, bỏ đi... Hơn nữa cả ba vị khách này đều những nhân vật có tư tưởng tiến bộ cả.

- Thưa ngài, liệu có cách gì để giảm nhẹ gánh nặng của dân chúng? - Viên luật sư lên tiếng hỏi.

Ôi chao! Làm sao tôi có thể nghĩ đến cách giảm nhẹ gánh nặng cho người khác, trong khi chính tôi đang cần phải trút bỏ gánh nặng trong người!

- Giá như tôi đi ra ngoài được...

- Ngài định nói gì ạ? - Ông bác sĩ hỏi lại.

- Chắc là ngài muốn nói chúng ta phải đi ra ngoài phạm vi biên giới nước ta. - Ông luật sư trả lời thay tôi. - Đúng, chúng ta cần gửi thanh niên đi du học nước ngoài, có nhiều điều bổ ích cho chúng ta lắm.

Xin các bạn thứ lỗi, lúc này tôi đã... buồn... cứng đơ cả người, không thể chịu hơn được nữa. Thôi mặc! Ra sao thì ra! Tôi nghĩ thầm như vậy rồi bảo họ:

- Xin lỗi các ngài một chút...

Nhưng tôi chưa kịp đứng lên thì lại có một người bạn mới xuất hiện. Đó là một thương gia trẻ mà tôi mới quen cách đây hai hôm và có rất nhiều cảm tình thân thiện đối với tôi.

- Ô tô buýt sẽ khởi hành từ bên sở chúng tôi - Ông ta bảo cho chúng tôi biết.

Tôi vọt đứng dạy tìm cách biến khỏi họ lấy một phút. Nhưng không kịp, ông thương gia trẻ đã kẹp chặt một bên nách tôi, còn nách bên kia là ông luật sư. Tôi không nỡ làm tổn hại đến tình cảm thân thiện của họ, nên đành chịu trận bước theo họ. Tôi miễn cưỡng bước ra khỏi khách sạn có hai người xốc nách hai bên, y như tên tội phạm. Tám cốc nước chè thi nhau ũng oẵng trong bụng thật khó đi. May mà có hai người đỡ hai bên, nếu không thì chắc gì tôi đã đi nổi.

- Ngài khó chịu à?

- Vâng, hơi khó chịu.

- Ngài làm sao thế?

- Tôi thực cũng không biết nữa. Nhưng tôi thấy trong người hơi khó chịu, như có khối gì nó...

- Đè nặng trong người phải không?

- Vâng, tựa như thế.

- Tình cảnh đất nước thế này ai mà không cảm thấy nặng nề đau buồn?

Chúng tôi đi qua một quảng trường rồi lại vượt qua hai con phố. Tôi chỉ mong sao đến sở cho nhanh. Đến đó rồi thì mặc kệ hết, không phải ngượng ngùng gì cả, mau mau chạy đi tìm cái nơi cần thiết.

Nhưng thật không ngờ, sở to như thế mà cái chỗ tôi cần tìm thì lại không thấy.

- Ngài uống trà hay cà phê ạ?

- Không, cám ơn! Tôi không uống gì đâu!

- Sao lại thế ạ! Muốn gì thì muốn nhưng ngài phải uống với chúng tôi một cốc trà đã.

Họ mang trà đến. Tôi uống thong thả từng ngụm nhỏ một để kéo dài thời gian. Mỗi một ngụm nuốt vào là bụng lại đau nhói lên. Uống xong cốc thứ chín này, người tôi bỗng vã mồ hôi hột. Nhưng ra được mồ hôi có khi lại hoá hay, biết đâu tôi sẽ thấy dễ chịu hơn. Thấy mặt tôi lấm tấm mồ hôi ông luật sư hỏi:

- Ngài khó chịu à?

- Vâng, tôi thấy bức bối quá!

- Ông uống thuốc đi, tôi có đây. Uống xong sẽ khỏi vã mồ hôi ngay.

- Thôi, thôi, tôi không uống thuốc đâu.

Nhưng viên thư ký vẫn mang đến cho tôi mấy viên thuốc và một cốc nước. Mọi người đồng thanh bảo:

- Nào, ngài hãy uống đi!

Giá như lúc này tôi được lựa chọn, thì có lẽ tôi xin nuốt ngay tấm bọt biển hay một tờ giấy thấm còn hơn! Mọi người gần như phải dùng áp lực ép tôi uống mấy viên thuốc và cả cốc nước nữa.

- Tôi không chịu nổi được nữa đâu! - Uống nốt cốc nước tôi bảo họ. - Tôi phải đi ra ngoài đấy!...

- Ngài vẫn thấy khó chịu à?

- Tôi khó chịu lắm. Tôi loạng choạng đứng dậy, định đi ra, thì có một người bước vào, nói:

- Ô tô sắp chạy. Xin mời các vị ra xe.

Tình hình mỗi lúc một nguy khốn hơn: gần hai chục vị trí thức địa phương mà tôi mới quen biết ra tiễn tôi. Tôi không làm sao lẩn thoát khỏi họ được, vì người nào cũng tranh nhau nói, tranh nhau kể. Chúng tôi đã đến nơi xuất phát, nhưng chưa đi ngay được vì người ta còn chưa bơm lốp xe. Viên thư ký của sở hoá ra cũng là một anh chàng yêu thích văn chương. Anh ta nói:

- Tất nhiên là ngài không biết chúng tôi, nhưng chúng tôi thì biết ngài rất rõ. Trong khi chờ bơm xe, xin mời ngài uống với chúng tôi cốc nước chè đã!

- Cảm ơn anh, tôi vừa uống xong!

- Sao thế ạ? Xin ngài đừng từ chối!

Trời ơi, liệu trên đời này còn có cực hình nào hơn thế nữa không? Uống hết cốc thứ mười tình trạng tôi đã hoàn toàn nguy ngập: hai tai ù lên, tim đập thình thịch. Tôi không còn nghĩ đến chuyện xấu hổ nữa. Tôi phải hỏi họ ngay xem nhà vệ sinh ở đâu để còn chạy đi giải quyết.

- Nhà vệ sinh ở đâu nhỉ? - Tôi nhăn nhó hỏi.

- Nhà vệ sinh ấy ạ?

- Phải.

- Ở sân nhà thờ lớn kia ạ! Cách đây khá xa.

Đúng lúc ấy người tài xế đã bơm xong lốp xe, bước vào nói.

- Xin mời các vị lên xe cho!

Mặt mày tôi lúc ấy đã thảm thương lắm, thế mà vẫn phải cố nhếch mép cười với những người đi tiễn, thế thì không biết nó sẽ ra cái hình thù gì?

Ô tô chuyển bánh. Chúng tôi vẫy tay chào nhau.

Đi được một lát thì tôi cảm thấy dễ chịu hơn.

Có lẽ nhờ các cú xóc ô tô mà bụng tôi xẹp nước đi chăng?

- Bao giờ thì đến nơi nhỉ?

- Khoảng hai tiếng rưỡi nữa.

Kể ra, cứ ngồi yên trên xe thì còn chịu được. Nhưng đi được độ tiếng rưỡi đồng hồ, thì xe tiến vào một thị trấn và dừng lại trước một quán cà phê.

Tôi vội nhảy ngay xuống, hai tay ôm lấy bụng. Tôi đảo mắt xung quanh, hy vọng tìm được một chỗ khuất kín nào đó. Nhưng trông kìa, lại có bốn người nào đó vừa đi lại phía tôi mỉm cười!

- Xin chào ông, chúng tôi là những giáo viên địa phương. Chúng tôi được người ta gọi điện báo cho biết là ông sẽ đến đây.

- Rất hân hạnh!

- Xe còn đỗ ở đây năm - mười phút. Xin phép được mời ông vào đây uống nước đã.

Mới nghe nói đến "nước" người tôi lập tức rã rời ra. Người ta kéo tôi vào quán cà phê.

- Tôi không muốn uống trà đâu!

- Nếu vậy mời ông uống cà phê.

- Cà phê tôi cũng không muốn.

- Vậy thì ông phải uống một chút gì đó, chứ không thì chúng tôi sẽ giận đấy!

Thế là họ cứ mang trà đến, nhưng nào có ra trà!

Uống xong cốc thứ mười một, bụng tôi đau quằn quại!

- Nhà vệ sinh ở đâu? - Tôi hỏi.

Bỗng tiếng người tài xế kêu to.

- Xin mời hành khách lên xe.

- Nhà vệ sinh ấy ạ. Ở mãi đằng kia cơ! Một vị giáo viên chỉ tay về phía ngọn đồi xa xa, nói.

Thế nhưng tôi còn sức đâu mà leo lên đến tận đấy được.

- Xin mời hành khách lên xe! - Người tài xế lại giục lần nữa.

- Không có ai hỏi han gì đến những khó khăn của chúng tôi - Một vị giáo viên nói.

- Vâng, tôi đáp - chẳng ai muốn hoà nhập vào hoàn cảnh của người khác cả. Ai cũng có nỗi khổ riêng của rmình.

- Không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ nữa?

Lúc này hai đầu gối tôi như muốn khuỵu xuống.

- Tôi chỉ ao ước chóng đến khách sạn thôi. Đến được đó tôi sẽ dễ chịu ngay!...

Mọi người không hiểu tôi muốn nói gì, nhưng vẫn cười ầm lên, vì tưởng tôi khôi hài.

Tôi lên ô tô ngồi.

- Chúc ông lên đường may mắn!

Thế là lần này chúng tôi không kịp chuyện trò gì với nhau cả. Đành để đến lúc về vậy.

Nhờ những cú xóc của ô tô nên tôi lại thấy dễ chịu hơn. Hay là nói với tài xế cho xe dừng lại? Sau đó thì... Trong xe có độ năm, sáu chục khách cả đàn bà lẫn trẻ con. Chắc cả trăm con mắt sẽ đổ dồn vào nhìn tôi mà cười ngất! Có mà chui xuống lỗ nẻ! "Thôi tốt nhất là quên đi, đừng nghĩ đến nữa thì sẽ thấy dễ chịu thôi!" - Tôi nghĩ thầm như vậy.

Đúng lúc ấy có một cháu bé nào đó kêu lên:

- Mẹ ơi! Con muốn tè.

- Cố nhịn một tý con!

- Bác tài ơi! Cho xe dừng một lát! Có người muốn đi tiểu.

- Phải nghĩ trước từ khi ở nhà chứ! - Người tài xế lẩm bẩm. Cứ dừng lại luôn mãi thì bao giờ mới đến nơi được. Niềm hy vọng mới loé lên đã tắt ngấm. Lại phải cố mà bóp bụng nhịn vậy.

Ba tiếng rưỡi sau chúng tôi mới đến nơi. Chúng tôi xuống xe. Khách sạn ở ngay phía đối diện. Tôi vội lao ngay về phía đó. Nhưng có ba thanh niên bỗng chặn tôi lại. Cùng đi với họ có hai đại biểu của phe đối lập.

- Trong này chúng tôi đang tiến hành hội nghị.

Hoá ra cả hai vị đại biểu này vì quá tha thiết muốn gặp tôi, nên đáng lẽ đã đi từ sáng sớm nhưng đã cố chờ đến chiều để gặp tôi. Biết làm sao bây giờ?

- Xin lỗi các vị một phút đã...

- Xin ngài để sau, chúng tôi đang chờ ngài.

Chúng tôi bước vào gian phòng chật ních người ngồi. Hội nghị chưa khai mạc.

- Mang trà lại đây nhé!

Tôi uống cốc thứ mười hai. Ai đó hỏi.

- Không biết bao giờ mới xong cái việc này?

- Xin lỗi, nhà vệ sinh ở đâu?

- Sao ngài lại hỏi thế ạ?

- À, tôi hỏi thế thôi!...

- Mang thêm trà nhé!

- Cảm ơn, tôi không muốn uống.

- Sao lại thế nhỉ? Chúng tôi được biết là ngài nghiện nặng chè cơ mà.

Tôi uống cốc thứ mười ba.

- Ngài bảo, bao giờ thì chấm dứt cái trò này?

- Riêng về phần tôi, thì tôi cho rằng thật là xấu hổ!

- Pha trà kiểu gì mà loãng loẹt thế này? Cho chè đặc vào nhé!

Tôi uống cốc thứ mười bốn.

- Tôi muốn vỡ bụng mất! Không thể chịu đựng hơn được nữa.

- Vâng, quả vậy! Chúng tôi đã đem hết sức mình mà vẫn không đạt được nguyện vọng. Thử hỏi ai còn đủ kiên nhẫn để chịu đựng nữa?

- Xin phép các vị tôi chạy lại khách sạn một lát, rồi sẽ quay lại ngay!

Tôi muốn chạy, nhưng không chạy nổi nữa, mà phải khom khom người đi ra ngoài.

- Xin được chào mừng ngài. Tôi là Chánh văn phòng toà thị chính. Ngài tỉnh trưởng của chúng tôi hỏi thăm ngài từ sáng.

- Chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi về phía khách sạn.

- Xin mời ngài vào ạ! Đây là toà thị chính.

- Xin mời ngài xơi nước!

- Cảm ơn ông, tôi kiêng nước chè.

- Ồ, thưa ngài, một cốc con thì có hề gì đâu ạ!

Thế là lại thêm cốc thứ mười lăm.

- Ngài dùng thêm cốc nữa ạ!

- Thôi đủ rồi, xin cám ơn.

- Có tiếng chuông điện thoại. Viên Chánh văn phòng cầm lấy ống nghe.

- Bẩm ngài, vâng. Đang ở đây. Vừa mới đến thôi ạ!

Đoạn ông ta quay sang bảo tôi:

- Ngài tỉnh trưởng đang chờ ngài.

- Nếu như có thể, cho phép tôi dịp khác.

- Không, không được. Ngài là khách của chúng tôi, chúng tôi không cho ngài đi đâu cả!

Chúng tôi bước vào phòng làm việc của ông tỉnh trưởng.

- Xin mời ngài dùng nước chè.

- Thú thực với ngài tôi không uống được nước chè. Cứ uống vào là bị sặc ngay.

- Dù sao ngài vẫn phải uống một cộc. Chả lẽ khách đến nhà, cốc nước chè cũng không có à?

- Cảm ơn ngài nhưng tôi không thể uống được!

- Không thế được. Kiểu gì ngài cũng phải uống một cốc.

Uống hết cốc thứ mười sáu, tôi bỗng cười sặc sụa như điên. Ngài tỉnh trưởng và viên Chánh văn phòng toà thị chính thì vẫn đang mải mê bàn luận về nội tình đất nước.

- Thưa ngài, quả thực với kết quả công việc như hiện nay thì đáng cười thật.

- Tôi cảm thấy bức bối lắm.

- Vâng quả là khó chịu, tức tối với lề lối làm ăn mòn cũ. Nhưng giờ vẫn còn dễ chịu hơn trước kia.

- Ôi trời đất ơi, tôi không biết... Tôi chỉ thấy mỗi lúc một tức!...

Về đến khách sạn, tôi quẳng vội chiếc cặp vào góc phòng, và hỏi người gác cửa.

- Chỗ đi tiểu ở đâu?

- Thưa, ngài cần thuê buồng một người chứ ạ?

- Một trăm người cũng được? Nhưng chỗ đi tiểu ở đâu?

Anh ta chìa cho tôi ba tờ khai.

- Trước hết ông hãy điền vào tờ khai đã.

- Anh muốn viết gì vào đấy thì cứ viết, nhưng đi tiểu ở đâu?

- Thưa ngài, có lệnh của cảnh sát, ai không có đủ giấy tờ tuỳ thân thì không cho thuê phòng ạ!

Tôi đặt trước mặt anh ta tờ giấy khai sinh rồi bảo:

- Đây, anh có thể giữ lại làm kỷ niệm. Nhưng nhà đi tiểu ở đâu?

- Thưa, ngài từ đâu đến ạ?

- Tôi xin anh!

- Ngài sẽ lưu lại mấy ngày và sau đó đi đâu ạ?

Phải cố gắng lắm tôi mới mở bật được cánh cửa và leo lên cầu thang.

Đến cuối hành lang tôi thấy một cánh cửa có biển số: 00. Tôi đẩy cửa, nhưng hoá ra cửa bị khoá trong.

Tôi mở cánh cửa bên cạnh. Đó là phòng ngủ. Nhưng tôi cũng đành liều, vì không thể nào nhịn hơn được nữa.

Ôi, sao mà nhẹ nhõm đến vậy. Ai chưa từng phải chịu đựng như tôi, thì không thể hiểu thế nào là hạnh phúc. Xong việc, tôi thanh thản bước xuống cầu thang. Quán cà phê ở tầng dưới. Tôi khoan khoái ngả người lên một chiếc ghế và vẫy tay gọi người hầu bàn.

Này con, mang cho ta một cốc trà! Thật đặc vào!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx