sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Quy Định Cho Những Người Bán Chả Rong

Nếu như có cuộc thăm dò dư luận xã hội trên phạm vi toàn thế giới về những tác phẩm hài hước xuất sắc nhất của mọi thời đại và mọi dân tộc, thì có lẽ cho đến hôm nay tổng cộng may chăng cũng chỉ được năm - mười cuốn là cùng. Thế nhưng kiệt tác mà tôi muốn giới thiệu với các bạn sau đây sẽ làm lu mờ tất cả những tác phẩm hài hước nổi tiếng nhất. Chắc bạn sẽ kinh ngạc mà nói rằng, sao lại có chuyện một sáng tác thực sự, vĩ đại im lìm không ai biết đến.

Tuy nhiên, có một điều hiển nhên là, dường như ở Thổ người ta không quen đọc các loại ấn phẩm chính thức trong đó có các chỉ thị, công văn của các cơ quan các cấp nhà nước. Chính vì vậy mà tác phẩm này vốn là một bản hướng dẫn không sao đến được với đông đảo quần chúng bạn đọc gần xa. Đúng vậy, thật đáng tiếc là kiệt tác hài hước châm biếm mà tôi sắp nói, chưa được ai ngó ngàng tới. Ôi, nếu như ta cho nó một cái tên thật kêu, bọc cho nó một cái bì bắt mắt, lại thêm phần minh hoạ xinh xắn thì tôi xin đánh cược rằng ngay ở một nước nghèo nàn như chúng ta cũng có thể bán được hàng vạn bản. Sau đó nó sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Lúc ấy tất cả những người Âu, người Mỹ, mặc dù cho đến nay họ chẳng quan tâm gì đến chúng ta, thậm chí còn chẳng hề muốn thừa nhận sự tồn tại của chúng ta, chỉ cần đọc tác phẩm kì diệu này là lập tức nói tới chúng ta ngay.

Đến đây, chắc hẳn các bạn muốn biết ai là tác giả của tác phẩm vĩ đại này. Có lẽ tự mình lại quảng cáo cho mình là điều bất tiện, nhưng cũng phải nói ra rằng, trong số mười một tác giả, nói đúng hơn, là mười một nhà sáng tạo, bởi vì kiệt tác này là công trình tập thể của mười một người - thì có một người chính là tôi đây. Vậy nên tôi cũng phải được chia sẻ một phần mười một niềm vinh quang chung ấy.

Không ai có thể tin rằng tôi, một nhà bác học - quang học, chẳng có quan hệ gì với nghề nghiệp văn chương lại có thể là tác giả của truyện cười. Ngay chính bản thân tôi cũng phải ngạc nhiên làm sao lại có thể như vậy được. Nhưng ở đây cũng cần phải nói thêm rằng ngay cả mười ông bạn còn lại của tôi cũng hoàn toàn không phải là nhà văn. Song sự việc xảy ra là chính chúng tôi, chứ không phải ai khác, lại trở thành nhà văn, mặc dù chúng tôi không nói nổi được vài câu cho gẫy gọn và viết nổi một bức thư cho ra hồn. Thế nhưng chúng tôi đã tập hợp nhau lại và đã tạo ra được một kiệt tác để đời. Chỉ nói thế là đủ rõ sức mạnh của trí tuệ tập thể cao đến mức nào, nó có thể làm nên tất cả, kể cả truyện hài!...

Tôi đã học ở Đức bốn năm, sau đó sang Mỹ và trở thành kỹ sư - quang học. Quang học là một môn khoa học hết sức đa năng, còn kỹ thuật quang học là thứ kỹ thuật đa ngành. Chuyên môn hẹp của tôi thuộc lĩnh vực tính toán tiêu cực thấu kính.

Trên toàn thế giới chỉ có tám người tất cả chuyên nghiên cứu lĩnh vực tính toán này. Thoạt tiên tôi cũng chẳng có khái niệm gì về lĩnh vực này trong ngành quang học.

Không ai có thể tin rằng tôi, một nhà bác học - quang học, chẳng có quan hệ gì với nghề nghiệp văn chương lại có thể là tác giả của truyện cười. Ngay chính bản thân tôi cũng phải ngạc nhiên làm sao lại có thể như vậy được. Nhưng ở đây cũng cần phải nói thêm rằng ngay cả mười ông bạn còn lại của tôi cũng hoàn toàn không phải là nhà văn. Song sự việc xảy ra là chính chúng tôi, chứ không phải ai khác, lại trở thành nhà văn, mặc dù chúng tôi không nói nổi được vài câu cho gẫy gọn và viết nổi một bức thư cho ra hồn. Thế nhưng chúng tôi đã tập hợp nhau lại và đã tạo ra được một kiệt tác để đời. Chỉ nói thế là đủ rõ sức mạnh của trí tuệ tập thể cao đến mức nào, nó có thể làm nên tất cả, kể cả truyện hài!...

Từ hồi còn nhỏ tôi cứ lẫn mãi từ "Ôptik" nghĩa là quang học với từ "topi"; là tên một món ăn Ac-mê-ni, làm cho mọi người cứ cười chế nhạo tôi. Nhưng sau đó các thầy giáo của tôi phát hiện ra rằng tôi là người có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực quang học. Và thế tôi trở hành một trong tám chuyên gia ngành này. Tôi là người trẻ nhất trong số đó. Người trẻ thứ hai sau tôi là ông bạn đồng nghiệp sáu mươi tám tuổi, tức là ông hơn tôi những bốn mươi chín tuổi! Trong thế giới khoa học người ta gọi tôi là "Nhà quang học", và tôi rất tự hào với cái tên gọi đó, bởi nó mang lại vinh quang cho cả dân tộc. Những công trình nghiên cứu khoa học của tôi đã hai lần được tặng huy chương vàng. Những tác phẩm khoa học của tôi được dùng làm sách giáo khoa trong các trường kỹ thuật. Tôi làm công tác giảng dạy và có thu nhập ba nghìn đô la mỗi tháng.

Nếu các bạn không rõ thế nào là tính toán tiêu cự thấu kính, thì tôi xin giải thích ngắn gọn thế này: chúng tôi tính toán tiêu cự thấu kính cho các kính viễn vọng dùng trong việc phát hiện các ngôi sao ở xa ta hàng triệu năm ánh sáng.

Sau khi học tập ở châu Âu và châu Mỹ, tôi đã tốt nghiệp kỳ thi tuyển quốc gia, nhưng chính phủ đã yêu cầu tôi trở về Thổ Nhĩ Kỳ với lý do là cần phải qua một thời kỳ "phục vụ bắt buộc".

Các đồng nghiệp khoa học mà tôi cùng công tác và trường đại học, nơi tôi giảng dạy không muốn cho tôi về. Thậm chí họ còn định nộp tiền cho chính phủ tôi để xin cho tôi khỏi phải "phục vụ bắt buộc".

Nhưng đúng lúc đó thì bố tôi can thiệp vào việc này. Sau khi tìm hiểu và biết mọi chuyện, ông đã viết cho tôi một bức thư, lời lẽ rất nghiêm.

"Con ơi, con là máu của máu cha, là thịt của thịt cha, nên ngay lập tức con phải trở về quê hương bản quán để phục vụ cho Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Nhân dân ta dù còn nghèo khổ, nhưng vẫn có cơm cho con ăn, có áo cho con mặc và sẽ dạy dỗ con nên người. Bố biết con giờ đây không muốn trở về để trả nợ giang sơn đất nước đang kêu gọi con, thế là con trốn tránh nghĩa vụ ái quốc của mình, không nên thế con ơi. Nếu con còn là con của cha thì con không được hành động một cách vô ơn như thế!..."

Bức thư sau ông viết: "Ôi cái đồng lương hưu chết tiệt của cha! Ôi cái tình phụ tử chết tiệt của cha...!" vân vân và vân vân.

Tôi đã ra sức viết một bức thư thật dài, cố giải thích cho bố tôi hiểu rằng tôi vẫn có thể có ích cho Tổ quốc dù ở phương xa, bởi vì tôi không thể sử dụng tri thức của mình trên mảnh đất ông cha được.

Đáp lại bức thư này, cha tôi đã viết hai trang thư dày đặc những lời mắng chửi và kết thúc bằng câu: "Mày là con của con lừa... - Một thằng bội bạc như mày không thể là con tao được".

Ngay lập tức tôi viết thư gửi cho người bạn ở Stambun hy vọng anh sẽ giúp tôi giải đáp những nỗi băn khăn, để chọn được cách giải quyết đúng đắn.

"Cậu cần cho Tổ quốc, chứ không cần cho nước Mỹ. Khi biết được những tình cảm yêu nước của cậu thì thật lòng mà nói mình hết sức ngạc nhiên về bức thư của cậu," - bạn tôi viết trong thư như thế.

Tôi hoàn toàn bối rối khi nhận được lá thư của mẹ tôi gửi tới:

"Con trai yêu quý, bệnh bại liệt đã quật ngã cha con rồi. Một nửa người bên phải cha con không cử động được nữa. Cha vẫn hằng mơ thấy con..."

Đến nước này thì chòm sao, thấu kính, quang học chả còn có ý nghĩa gì nữa, tôi bỏ lại hết rồi thu xếp về nước.

Tôi cảm thấy mình có sức mạnh phi thường, sẵn sàng gánh vác trên vai toàn thể vũ trụ như nhân vật thần thoại At-lát(1). Tôi thầm nghĩ: Tôi sẽ ôm trọn nước Thổ thân yêu trong vòng tay, nâng lên cao như nâng quả tạ và đưa Tổ quốc tôi hướng tới các vì sao!...

Suốt hai tháng liền quan chức các cấp tìm cách giải quyết việc sử dụng tôi như thế nào. Tôi làm họ chán ngấy vì những yêu cầu về công việc của mình, đến nỗi một vị đang rất bận bịu đành phải nói với tôi:

- Này con trai ơi, chúng ta cho rằng anh là một nhà khoa học tầm cỡ, nên thể nào ta cũng tìm được việc cho anh. Anh không cần đi lại quá nhiều gây phiền hà cho chúng ta như thế! Lúc anh ra đi anh có hỏi ý kiến ta xem nên học ngành gì đâu. Tự anh đi học, rồi tự anh học ngành kính thiên văn. Còn bây giờ anh muốn ta làm gì đây? Anh bảo chúng ta mở nhà máy sản xuất kính viễn vọng hay sao? Ôi đức thánh Ala cao cả ơi! Con điên đầu lên rồi đây. Hồi ấy sao anh không học bác sĩ, kỹ sư... thiếu gì nghề trên đời này! Ma xui quỷ khiến hay sao mà lại đi học cái nghề kính viễn vọng này!

Tôi điếng người, không biết nói thế nào, chỉ dám lầu bầu trong miệng:

- Thưa ông, đúng thế.

Tiễn tôi ra cửa ông nói:

- Khi nào tìm được việc thích hợp ta sẽ gửi thư báo.

Đúng lúc ấy thì bố tôi lại đưa ra ý kiến:

- Cha không sống được bao lâu nữa, cha muốn được vui vầy bên các cháu, vậy nên cha sẽ lấy vợ cho con, để rồi cha có thể nhắm mắt ra đi.

- Nhưng con vẫn đang thất nghiệp, một xu dính túi không có, - tôi trả lời.

Bố tôi nói tiếp:

- Con học ở Mỹ về, tụi con gái ối đứa xếp hàng chờ con duyệt, lo gì.

Thế là bố mẹ tôi chọn cho tôi một cô trong số các cô xếp hàng ấy và ép tôi phải cưới. Thế là cả nhà tôi sống nhờ vào đồng lương hưu còm của ông già tội nghiệp sống nay chết mai. Cô vợ tôi không nỡ để bố mẹ tôi phải mong đợi lâu, chỉ loáng một cái đã chửa từ lúc nào không hay!...

Cuối cùng tôi cũng được bổ nhiệm vào một xí nghiệp dệt quốc doanh. Tôi đã thử hé răng trình bày rằng tôi không hiểu biết gì về vải vóc kim chỉ, nhưng mọi người lại bảo:

- Dù sao anh cũng là chuyên gia, là kỹ sư, còn hơn chán vạn những người ở đây.

Tôi bắt tay vào việc và thấy rằng với tiền lương như thế thì không thể sống được. Tôi nghĩ thầm: Thôi được, đành đến gặp anh bạn mà hồi trước đã viết cho tôi "Cậu cần cho Tổ quốc, chứ không cần cho nước Mỹ" để xem sao. Lúc này anh đã là tham tán cho toà thị chính.

- Bạn ơi, nghe mình nói đây! Tớ đã trở về Tổ quốc theo lời khuyên của cậu. Thế mà bây giờ tiền nhà tớ cũng không có đủ mà trả, chủ nhà đâm đơn ra toà kiện. Tớ sẽ phải quay trở lại Mỹ...!

- Không được, - anh bạn tham tán toà thị chính của tôi đáp, - cậu phải ở lại phục vụ vì lợi ích của đất nước.

- Tớ có từ chối đâu, đất nước hãy cứ sử dụng tớ đi! Tớ đây, đất nước đâu, xin mời hãy sử dụng đi!

- Thôi được, cậu phải chịu khó chờ đợi ít ngày nữa, tớ sẽ tìm cho cậu một việc có thu nhập khá hậu.

Quả nhiên ba ngày sau anh bạn gọi điện cho tôi:

- Tớ đã tìm được chỗ làm cho cậu, đầu tháng tới cậu có thể bắt đầu làm việc.

- Việc gì vậy? - Tôi hỏi.

- Tất nhiên, việc không hợp với chuyên môn của cậu nhưng lại được trả nhiều tiền. Cậu biết không ở toà thị chính còn khuyết hai chỗ ở phòng quản lý nghĩa trang và phòng vệ sinh môi trường, cậu chọn phòng nào cũng được!

- Thôi, cậu đừng đùa nữa...

- Tớ không đùa đâu, - bạn tôi đáp. - Mình nói luôn rằng công việc bên phòng nghĩa trang nhàn hạ hơn.

Xí nghiệp dệt và phòng quản lý nghĩa trang đằng nào tôi cũng mù tịt cả, thì cứ làm thử phòng nghĩa trang xem sao. - Tôi nghĩ bụng thế.

Phòng làm việc của trưởng phòng quản lý nghĩa trang được toà thị chính trang bị khá chu đáo: một tủ đứng kiểu cổ, một bàn, hai giá để báo, và ba ghế sa lông. Sáng nào tôi cũng đến ngồi đó như ông phỗng, không đi đâu cả, thậm chí không nghỉ đi ăn trưa, mà ở đây làm gì có bữa ăn trưa.

Khi tôi được nhận kỳ lương đầu tiên, tôi sững sờ đến nỗi phải chạy ngay đến ông bạn tôi, nói:

- Này, bạn ơi, hồi ở xưởng dệt tớ được lĩnh một ngàn lia, mà vẫn còn phải giật gấu vá vai, bây giờ được có tám trăm lia thì biết sống thế nào?

- Cậu đừng nhìn vào cái bậc lương ấy làm gì. - anh bạn tôi trả lời, - nó chỉ có tính tượng trưng thôi. Khi nào người ta chỉ định cậu vào làm uỷ viên hội đồng, lúc đó mới có thu nhập cao.

- Cậu nói hội đồng gì vậy? - Tôi hỏi.

- Có thể chúng mình sẽ cần đến những ý kiến của cậu trong lĩnh vực mà cậu là chuyên gia.

"Cuối cùng thì tôi cũng là người có ích cho Tổ quốc!". Tôi vui sướng trong lòng không làm sao kể hết.

Một buổi sáng tôi thấy trên bàn làm việc có một tờ giấy đánh mấy cuộc sống chữ ký của thị trưởng. Có lẽ đó là bản lót dưới thứ tám hay thứ chín gì đó, vì tôi không thể nhìn ra các con chữ cái nữa, tôi phải đi hỏi mới biết rằng đó là quyết định bổ nhiệm tôi làm ủy viên hội đồng. Có tất cả mười một viên chức của toà thị chính tham gia vào hội đồng này để soạn ra bản: "Quy định đặc biệt cho những người bán chả rong".

Cứ thứ sáu hàng tuần tất cả uỷ viên hội đồng phải tập họp tại một phòng làm việc riêng trong toà thị chính. Hôm ấy đúng chín giờ kém năm, tôi đã có mặt ở phòng họp. Chín giờ, chín rưỡi, mười giờ... vẫn không một bóng người! Mười một giờ kém mười mới có một uỷ viên đến! Chúng tôi làm quen nhau, hoá ra về chuyên môn ông là thầy thuốc, nhưng lại làm ở phòng cung ứng của toà thị chính.

Tôi bảo ông ta:

- Thú thật việc soạn thảo quy định cho cánh bán chả rong trước hết thuốc về phạm vi chuyên môn của ông, còn tôi là kỹ sư - quang học, thậm chí tôi không thể hình dung nổi, nghề tôi có dính dáng gì đến cái việc ấy.

- Xin lỗi anh, vậy thì tôi có quan hệ gì với cánh bán chả rong? - Ông bác sĩ phật ý.

- Dù sao thì ông cũng là bác sĩ, dù thế nào đi nữa ông cũng có ích trong việc soạn thảo bản quy định này.

- Nhưng tôi là bác sĩ chỉnh hình! - Ông bác sĩ phản đối. Theo anh thì, một bác sĩ chuyên chữa gẫy xương, sai khớp có quan hệ gì với bán chả rong?

Giờ thì đến lượt tôi phật ý. Tuy nhiên đúng lúc này xuất hiện thêm ba uỷ viên hội đồng nữa. Chúng tôi làm quen với nhau. Thứ nhất là ông đại tá về hưu phụ trách nhân sự phòng cây xanh môi trường toà thị chính, thứ hai là hoạ sĩ trang trí trong phòng nhân sự toà thị chính và cuối cùng là một viên chức tư vấn kỹ thuật, vốn trước đây đã từng mười năm hành nghề chữa răng.

- Tôi không thể nào hiểu nổi, - tôi nói với anh chàng hoạ sĩ trang trí, - tôi sẽ đóng vai trò gì trong việc soạn thảo bản quy định cho những người nướng chả bán rong ngoài phố, trong khi tôi đang phụ trách phòng nghĩa trang, còn nghề chính của tôi lại là kỹ sư - quang học?

- Có lẽ đây là lần đầu anh tham gia vào hội đồng chứ gì? - Chàng hoạ sĩ mủm mỉm cười.

- Đúng thế, lần đầu tiên

- Tôi thì "trúng" lần thứ hai rồi. Thoạt đầu cứ nghĩ là làm nổi. Sau đó mới vỡ nhẽ ra rằng, rồi ai cũng làm được hết. Chẳng hạn trước kia tôi làm uỷ viên hội đồng soạn thảo quy định "Nội quy vận chuyển gia súc có đóng móng trong thành phố" rồi mọi chuyện cũng tốt đẹp cả. Chả có gì đáng ngại đâu ông ạ!

Gần mười một giờ thì tất cả các uỷ viên đã có mặt đầy đủ. Tôi ngồi giữa ông bác sĩ thú y và anh hoạ sĩ.

- Nhiệm vụ này hoàn toàn không phù hợp với chuyên môn của tôi, - tôi nói với ông bác sĩ thú y bên trái.

- Đối với những công việc như thế này đòi hỏi phải có sự hiểu biết rộng.

- Ông thú y đáp lại, - Chúng tôi đã soạn thảo nhiều bản quy định, tất cả đều được đưa vào áp dụng ngay, không cần sửa chữa bổ sung gì cả.

- Chả lẽ đúng như vậy? - Tôi thốt ra đầy vẻ ngạc nhiên, không có ý gì nghi ngờ ông bạn ngồi bên, nhưng ông ấy lại tỏ ra vô cùng bực tức.

- Anh hỏi "chả lẽ đúng như vậy?" nghĩa là thế nào? - Ông thú y nổi khùng - Tôi và các ông đồng nghiệp ngồi đây, tất cả chúng tôi là các chuyên gia trong nghề của mình. Chẳng lẽ anh cho rằng chúng tôi không soạn nổi bản quy định bán chả rong hay sao?

Tôi im lặng không muốn dây vào ông bác sĩ thú y nóng tính.

Đúng lúc này ông đại tá về hưu ngồi trước mặt tôi lên tiếng:

- Kính thưa các bạn đồng nghiệp! Tôi hy vọng rằng, theo truyền thống, các bạn sẽ không phản đối nếu như tôi đề nghị chúng ta bầu ngài A - tiếp kính mến làm chủ tịch hội đồng.

Theo chỗ tôi biết, ngài A - tiếp đã làm viên chức hai mươi mốt năm ở toà thị chính và bây giờ, theo lời ông, ông đang lãnh đạo một ban trong phòng môi trường và cảnh quan thành phố.

Ông giảng viên môn triết học cổ đại, hiện nay đang giữ một chức trong ban cấp thoát nước, không hiểu sao cứ nhè vào tôi mà hỏi, tựa hồ như ngoài tôi ra trong phòng họp không còn ai cả:

- Anh không có điều gì phản đối đấy chứ?

- Sao ông lại nói vậy, thưa ông! - Tôi kêu lên - Chả lẽ tôi là một anh kỹ sư - quang học, đang làm ở phòng quản lý nghĩa trang lại có thể quyết định điều gì ở đây hay sao?

- Dẫu sao thì anh cũng là người mới...

- Tôi rất ủng hộ là đằng khác! - Tôi hồ hởi nói tiếp - Ông A - tiếp hay là ai khác tôi cũng hoàn toàn ủng hộ.

- Thưa các ngài! - Ông A - tiếp hướng về phía mọi người. Như chúng ta đã biết (riêng tôi thì hoàn toàn chưa biết chuyện gì!), theo quyết định của toà thị chính thì từ lâu đã cấm bán chả rong trong phạm vi thành phố rồi. Tuy nhiên, vì thiếu cảnh sát, cũng như do địa giới thành phố mở rộng quá nhanh, kèm theo đó là việc kiểm tra thực hiện thiếu nghiêm túc, hơn nữa do nạn thất nghiệp ngày càng tăng lên... vì những lẽ đó mà số người bán chả rong trên các đường phố cũng tăng lên từng ngày, gây cản trở giao thông. Tình trạng này chúng ta chưa giải quyết được. Xuất phát từ tình hình này, ngài thị trưởng thành phố đã cho gọi kẻ nô lệ trung thành này đến và ban lệnh rằng: "Theo những số liệu đã được kiểm tra thì toà thị chính chúng ta không đủ sức đấu tranh với bọn bán chả rong vi phạm lệnh cấm của chúng ta. Vì thế bằng mọi giá, chúng ta phải ngăn chặn ngay những hành động không kiểm soát nổi đó, lập lại chế độ kiểm tra khác, quy định lại những nguyên tắc kinh doanh trên đường phố, vân vân và vân vân. Xuất phát từ tình hình thực tế này, tôi chỉ thị cho các ngài uỷ viên hội đồng soạn thảo bản quy định về những nội dung nói trên. Thưa các quý ngài đó là lí do chúng ta tập trung tại đây... Ngài A - tiếp nói, y như đọc thuộc lòng một văn kiện chính thức nào đó, ông nói giọng đều đều những câu dài mà ý nghĩa của chúng có những đoạn không tài nào hiểu nổi".

- Tôi thấy rằng vấn đề đã rõ rồi đấy! Tuy nhiên chúng ta cần phải "làm thông thoáng" nó ra, - ông kỹ sư lâm nghiệp, hiện là quan chức phòng thuế nói:

- Tôi không hiểu thế nào là "làm thông thoáng", nên quay sang ông hoạ sĩ ngồi cạnh, người đã chuyển sang làm ở phòng y tế, hỏi:

- Xin lỗi ông, chúng ta phải làm thông thoáng như thế nào?

- Có nghĩa là, - ông ta mỉm cười đáp, - chúng ta cần phải ra sức ba hoa chích choè về vấn đề bán chả rong ngoài phố.

Thấy vẻ ngơ ngác của tôi, hoạ sĩ giải thích:

- Nghĩa là việc của chúng ta là ngồi và tán phét với nhau về việc bán chả rong. Ai hiểu thế nào theo ý mình thì cứ việc nói ra, sau đó chúng ta cùng tổng hợp lại những điều đã nói thành một bản quy định.

- Thưa các ngài! - Ông hoạ sĩ nói với mọi người - tôi cho rằng vấn đề đã rõ rồi đấy.

Lúc bấy giờ chủ toạ A-tiếp nhìn đồng hồ và nói:

- Tôi cho rằng cần thiết phải tuyên bố nghỉ ăn trưa. Vào phiên họp chiều chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này.

Đại tá về hưu, đại diện cho phòng cây xanh môi trường, vui vẻ reo lên:

- Nhất trí! - Rồi ông chống tay lên ghế đứng dậy.

Ông A- tiếp nói với theo những người đang lục tục ra cửa:

- Thưa các ngài! Phiên họp chiều của chúng ta bắt đầu vào ba giờ, tức là mười lăm giờ không phút, không giây!

- Nếu tôi có chậm một phút thì cũng không có gì đáng ngại, - ông bác sĩ chỉnh hình làm ở phòng cung ứng đáp lại - Tôi xin nói trước là tôi tán thành mọi quyết định mà các bạn đồng nghiệp thông quan, tôi sẽ cố gắng đến họp đúng giờ.

Các uỷ viên hội đồng trao đổi vui vẻ với nhau một lát rồi giải tán. Tôi đi theo họ mà lòng trĩu nặng u buồn.

Buổi chiều, khoảng bốn giờ, hội đồng lại nhóm họp, thưa thớt có mấy người.

- Thưa các ngài! - Ông A-tiếp bắt đầu. - Cảnh tượng bán chả rong lộn xộn, mất mỹ quan ở thành phố chúng ta hết sức mất vệ sinh, phản y tế. Vì thế việc lập lại trật tự cần thiết cho những người bán chả rong thông qua bản quy định của toà thị chính là điều hết sức cấp bách hiện nay.

Hoạ sĩ trang trí, đại diện cho phòng nhân sự nhận xét:

- Lý ra, bản quy định này phải được ban hành từ lâu rồi bây giờ đã khí muộn...

- Thưa anh, anh nói chí phải, - đại tá về hưu không để ông ta nói hết. - Tuy nhiên tôi cho rằng, chúng ta đã bỏ qua, thưa quý vị, một chi tiết, một chi tiết vô cùng quan trọng.

Tôi thích cách mở đề thiết thực như vậy, thậm chí còn thấy có cảm tình với ông đại tá, nên rất chăm chú lắng nghe. Ông đại tá về hưu ho mấy tiếng thật to, làm đinh tai mọi người rồi tiếp tục.

- Có một điều hiển nhiên là, lẽ ra từ lâu chúng ta đã phải ban hành bản quy định này cũng như hàng loạt các bản quy định khác tương tự. Tuy nhiên, cho phép tôi được nhận xét rằng, để giải quyết được những vấn đề này theo cấp độ hiện đại, tức là ngang bằng với cấp độ của nền văn minh phương Tây đương đại, thì trước hết chúng ta phải đào tạo những cán bộ trí thức của chính mình ngay trong nước mình. Thưa các ngài! Đào tạo cán bộ không phải dễ. Xin được nêu thí dụ là, chính các vị đồng nghiệp của tôi ngồi đây, ai cũng đều đã từng học một ngành chuyên môn tại châu Âu, hoặc ở Mỹ. Hoặc giả, xin lỗi quí vị, ví như kẻ nô lệ trung thành này của quí vị cũng đã từng là trợ lý tuỳ viên quân sự ở Bát-đa. Xin các vị thứ lỗi cho, mười năm trước đây các vị có giỏi đến mấy cũng không tập họp nổi mười nhà trí thức có học vấn cao đến thế này để chuẩn bị một bản quy định nói trên. Thưa các vị, nếu so sánh với quá khứ thì đất nước ta đã đến một bước xa về phía trước.

- Hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa! - Ông bác sĩ thú y, đại diện phòng văn thư - ấn loát kêu lên, rồi ông quay sang tôi, thấy tôi định nói hoặc phản đối gì đó, ông nói giọng đe doạ:

- Anh cũng đồng ý kiến như thế chứ gì?

Đang lúc bối rối, hoặc do không hiểu ông ấy hỏi gì, nên tôi rụt rè hỏi lại:

- Ông định nói gì vậy?

- Tôi định hỏi, - ông bác sĩ thú y nói, - ý kiến anh. Liệu anh có cho rằng đất nước ta đã tiến một bước dài về phía trước so với quá khứ hay không?

- Ông hỏi gì lạ thế? Tất nhiên là tiến xa, rất xa nữa là đằng khác!

- Kính thưa các vị! Xe ngựa đã đi vào dĩ vàng, - ông đại tá tiếp tục. - Bây giờ ở Stambun, tàu điện bánh sắt đã được thay thế bằng ô tô điện bánh hơi hiện đại, chạy nhanh vun vút...

Vào lúc này nhà chỉnh hình xuất hiện, ông vội vã cởi áo khoác ngoài, rồi vừa ngồi xuống vừa hỏi:

- Xin lỗi, tôi đến muộn vì bận. Các vị đã bàn xong những vấn đề chính chưa?

- Bây giờ mới bắt đầu thảo luận. - Ông kỹ sư lâm nghiệp, viên chức ngành thuế đáp lại.

- Thưa các vị, như vậy là, - ông A - tiếp lại bắt đầu, - vấn đề đã rõ. Bây giờ...

- Xin chờ cho một phút! - Ông thú ý ngắt lời. - Được phép ông, tôi xin nêu một điều không kém phần quan trọng nữa... Tôi có cảm tưởng cho đến nay chúng ta vẫn chưa nghiên cứu kỹ vấn đề bán chả rong, và thật đáng tiếc, lần đầu tiên chúng ta mới đề cập tới vấn đề này ở đây trong phiên họp của chúng ta. Mọi người đang mong chờ chúng ta cho ra đời bản quy định cho những người bán chả rong. Thưa các vị đồng sự kính mến, tôi xin được mạo muội nhận xét rằng, công việc này không dễ một chút nào. Tôi sẽ không lầm khi nói rằng đề tài này chúng ta không quen về phần mình, tôi xin thú nhận rằng, tôi chưa hề nghiên cứu vấn đề bán chả rong theo góc độ khoa học. Nhưng tôi không giấu giếm là tôi cũng có vốn kiến thức rất rộng rãi về nghề nướng chả trong nhà hàng, khách sạn, nhưng ngược lại nghề kinh doanh chả rong lại là một loại hình hoạt động hoàn toàn khác...

Có lẽ ông ta không quan tâm đến ý kiến ai khác nữa ngoài tôi, nên ông bỗng hướng về tôi hỏi:

- Phải thế không, anh bạn đồng sự đáng kính?

- Chắc có lẽ, là thế... - Tôi nói lúng búng, vì bị hỏi bất ngờ.

- Xuất phát từ đó, - Ông thú ý tiếp tục, Mỗi người chúng ta phải chuẩn bị kỹ cho vấn đề này. Không thể có chuyện một chốc một lát lại có ngay được bản quy định. Vì thế tôi đề nghị các ngài hãy chấm dứt các cuộc thảo luận không mang tính chuyên môn cao này. Tất cả những ý nghĩ chợt đến với chúng ta lúc này chỉ là những ý kiến nông cạn, nhất thời.

- Chúng ta đã động chạm đến một vấn đề rất quan trọng, - ông kỹ sư lâm nghiệp tham gia - Lạy đức Ala chứng giám, thật lòng mà nói, tất cả chúng ta trong lĩnh vực này đều là những kẻ ngoại đạo.

- Ông hơn tôi nhiều tuổi, - ông bác sĩ chỉnh hình nói với ông bác sĩ thú y, - nghĩa là tôi muốn nói rằng, ông tham gia các hội đồng sớm hơn tôi nhiều. Nhưng xin phép được hỏi ông, thế nào là những ý kiến nông cạn, nhất thời? Thôi, xin thưa với các ngài, thế là đủ rồi nhé! Chính vì mọi người đang mong đợi sự ra đời của bản quy định, cho nên trước khi đến họp, chúng ta đã phải nghiên cứu trước vấn đề này rồi nhé!

- Tôi cho rằng, - ngài chủ toạ A-tiếp của chúng tôi lên tiếng, - vào thời điểm hiện tại, vấn đề này đã khá định hình và rõ ràng hơn nhiều rồi. Do vậy, trước khi đến họp lần sau, các vị phải có những chính kiến sẵn, được chuẩn bị kỹ hơn.

- Một ý tưởng rất chính xác, phải không các vị? Chúng ta cần phải tham khảo nhiều tài liệu.

- Vậy là, - ông A-tiếp tiếp tục, hôm nay là thứ sáu, mai thứ bảy. Thứ bảy thực tế chúng ta làm việc có nửa ngày, sau đó là nghỉ chủ nhật. Thưa các vị, đến thứ hai xin các vị chuẩn bị thật kỹ cho để có những chính kiến xác đáng về vấn đề này. Hôm đó vào buổi chiều, lúc bốn giờ. Vâng, tức là mười sáu giờ không phút, không giây chúng ta lại tập trung ở đây.

Sau đó ông A-tiếp viết mấy dòng chữ thật nắn nót, đẹp đẽ như viết trên bìa một tuyển tập văn học: "Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, gồm mười một chuyên viên trong hội đồng thị chính được thành lập để soạn thảo bản quy định đặc biệt cho những người bán chả rong, gồm có... họp ngày... tháng... năm, sau khi thảo luận chúng tôi nhất trí kết luận như sau..."

Chúng tôi cùng ký tên dưới biên bản và giải tán. Đêm ấy tôi ngủ không ngon. Giấc ngủ chập chờn đưa tôi vào cơn ác mộng tựa như tôi bị sa vào một cái bẫy, không tài nào thoát được. Tôi tỉnh dậy người toát mồ hôi lạnh và nghĩ ngay đến việc phải tự chuẩn bị, nghiên cứu vấn đề bán chả rong. Sáng hôm sau tôi đến thăm anh bạn tham tán toà thị chính.

- Bạn ơi, nghe mình nói đây này, - tôi bảo anh ta, - việc này không hợp với mình, có lẽ cậu cho mình nghỉ vì không kham nổi đâu...

- Sao thế? - Anh ta cười, hỏi tôi.

- Vì rằng, - tôi đáp, - cả đời mình chưa bao giờ nghiên cứu vấn đề bán chả rong, và tớ cũng chả có một tí kiến thức nào trong lĩnh vực này. Thậm chí mình cũng chưa bao giờ ăn chả nướng bán rong cả. Vậy làm sao mình soạn thảo nổi quy định cho họ? Tớ chỉ có thể soạn thảo những quy định về ống ngắm, kính mắt, kính viễn vọng... cho toà thị chính. Thú thật là tớ không tiêu hoá nổi cái món chả nướng bán rong này đâu!...

- Cậu cứ phức tạp hoá vấn đề ra thế chứ, - bạn tôi phản đối, - Dù thế nào đi nữa thì cơ quan thị chính chúng ta cũng phải thảo ra được bản quy định này. Đương nhiên chỉ có các chuyên viên mới đảm đương được việc này, hay là cậu cho rằng có thể giao nhiệm vụ ấy cho bất kỳ ai? Tất nhiên là không rồi! Chỉ có giao việc này cho các chuyên viên cao cấp thì mới có được những ý kiến chất lượng.

- Cậu đã nói thế thì thôi vậy, - tôi đáp, - nhưng cậu vẫn biết là ở châu Âu và châu Mỹ tớ chỉ nghiên cứu quang học.

- Cậu nghe này, tớ thừa biết là ở châu Âu không ai mang món chả nướng đi bán rong cả. Vậy thì, theo cậu chúng ta phải cử người sang châu Âu châu Mỹ để dạy cho họ cái nghề đó, hay là cậu bảo phải mời từ bên đó về những chuyên viên về nghề bán chả rong? Phải nói thẳng ra là chúng ta đã nhiễm phải một thói quen xấu: cứ động một tí là mời chuyên gia nước ngoài. Ngoại lệ thì không mời chuyên gia cũng đã thiếu triền miên, thế mà lại còn bày đặt chuyện ném tiền qua cửa cổ!... Vậy nên chúng ta đừng có cường điệu những khó khăn lên nữa!... Cậu là một công dân có văn hoá của đất nước mình, cậu phải nhớ cho kỹ điều đó! Cậu hiểu chứ?...

Không thể nói được rằng bạn tôi sai cả. Dù thế nào đi nữa, thì những người soạn thảo tốt nhất bản quy định này vẫn là chúng tôi, chứ không phải bất kỳ ai.

Về đến nhà tôi vùi đầu vào sách vở, tìm hiểu trong bách khoa toàn thư để bổ sung kiến thức của mình trong lĩnh vực chả nướng và người bán chả nướng.

Chiều tối chủ nhật tôi bị một trận đau bụng, bởi cả ngày hôm đó tôi bận bịu vào công việc nghiên cứu tìm hiểu vấn đề này: tôi đi lang thang khắp thành phố tìm những người bán chả rong trò chuyện với họ, mua và ăn những thứ họ đem đi bán rong. Những người này không chỉ bán chả nướng mà còn bán cả thịt băm viên, bánh nhân thịt. Họ đặt thịt lên trên lát bánh mì tròn hoặc trên đĩa nhôm, đôi khi họ lấy giấy báo gói lại đưa cho khách. Tôi không biết họ gói bằng thứ giấy báo gì, cũng không biết thứ họ rắc vào bánh là hành thái nhỏ hay rau mùi tây. Tóm lại hôm đó cái dạ dày khốn khổ của tôi được nếm thử tất cả các loại hình sản phẩm của những người bán chả rong và đến sáng hôm sau nó bị phen khốn đốn vì bội thực... thông tin.

Chiều nay thứ hai chúng tôi lại họp.

- Các vị đến đủ chưa nhỉ? - Ngài A- tiếp hỏi.

Chúng tôi điểm danh, chỉ thấy mười người có mặt trong khi đó theo hướng dẫn thì khi soạn thảo phải có đủ mười một uỷ viên. Ông A-tiếp điểm danh lại lần nữa.

- Có lẽ thiếu ngài đại diện phòng cung ứng năng lượng?...

Cựu giảng viên triết học cổ đại, nay là đại diện phòng cấp thoát nước, nhận xét:

- Ông bạn đồng sự mà ngài điểm danh đã vắng mặt từ phiên họp trước.

- Ông ấy không được khoẻ, - bác sĩ nha khoa nói. - có giấy chứng nhận của bệnh viện, vì thế ông ấy không đến họp.

- Nhưng phải tìm được ông ta để lấy chữ ký vào văn bản và biên bản cuộc họp, - Ông A-tiếp nhắc nhở.

- Điều ấy thì quan trọng gì, - bác sĩ nha khoa nói,- tôi sẽ ký thay ông ta.

- Không ổn, không ổn! Thưa các vị! Việc này không được phép sơ suất, bởi khi lập phiếu lĩnh tiền có thể sẽ bị nghi ngờ, - ngài A-tiếp phản đối và đưa tờ biên bản kỳ họp trước cho ngài bác sĩ nha khoa xem, trong đó chính ông bác sĩ đã ký thay người đồng sự vắng mặt.

Ông kỹ sư lâm nghiệp - đại diện phòng thuế - ngồi cạnh khẽ rỉ tai tôi:

- Bao giờ cũng thế! Ngay từ đầu ông ta đã lơ là công việc chung rồi.

- Thưa ông, ông định nói ai vậy? - Tôi hỏi.

Mọi người đang nói đến cái ông vắng mặt, không đi họp ấy mà, - nhà lâm nghiệp đáp. - Ông này trước đây là cầu thủ bóng đá. Vì là một danh thủ xuất sắc nên người ta đưa vào phòng cung ứng điện năng, chứ, anh cũng thừa biết đấy, cầu thủ bóng đá thì biết gì về điện đóm?...

- Cũng hoàn toàn giống như kẻ nô lệ trung thành này của ngài biết gì đâu trong lĩnh vực bán chả rong vậy, - Tôi đáp.

- Anh bạn đồng sự thân mến, nhưng dẫu sao anh cũng còn đi dự đầy đủ mọi phiên họp, - nhà lâm nghiệp phản đối. - Còn ông ta thì chẳng thấy mặt mũi đâu.

Ông A-tiếp rung chuông gọi người phục vụ mang cà-phê và trà cho chúng tôi. Cái dạ dày tôi lại lên tiếng như trước vì thế tôi xin một cốc nước ga.

Ông chủ tịch ghi một cái phiếu chi, bởi mọi khoản chi cho hội đồng đều do ông trực tiếp kiểm soát.

- Thưa quý vị, - Ông A-tiếp mở đầu phiên họp - xin mời các vị có mặt cho biết chính kiến của mình.

- Xin phép chủ toạ cho tôi được báo cáo, - ông đại tá về hưu, đại diện phòng cây xanh môi trường đề nghị.

- Xin mời ngài đại tá, - Ông A-tiếp nói.

- Vấn đề bán chả rong, - ông đại tá bắt đầu, - tôi đã nghiên cứu từ góc độ kinh nghiệm và nhận thức riêng. Thưa các quý vị, lần trước khi chúng ta soạn thảo "Quy định cho các xe ngựa kéo", hẳn quý vị còn nhớ, những đề nghị của tôi đã đẩy công việc vượt qua khỏi điểm chết, và lập tức chúng ta đã đạt được tiến bộ. Lần này cũng vậy, tôi xin có những đề xuất sau: Trước hết chúng ta phải thiết lập được một chế độ kỷ luật nghiêm khắc dành cho những người bán chả rong. Kỷ luật là nòng cốt để đảm bảo trật tự. Muốn thế phải yêu cầu toà thị chính trước khi cấp giấy phép hành nghề, bán chả nướng rong cho một ai đó, phải đòi họ xuất trình giấy chứng nhận đã qua phục vụ trong quân đội rồi và nay tham gia quân dự bị.

Căn cứ vào đó...

- Nhưng, xin phép cho tôi được hỏi, - anh chàng hoạ sĩ nay là quan chức ngành y tế cắt ngang. Tại ngũ chính thức - điều đó còn hiểu được, nhưng văn bản chứng nhận họ đang là quân dự bị thì có ý nghĩa gì với chúng ta? Xin thưa, một con số không tròn trịa. Bởi vì không thể nào biết được khi nào người ta gọi công dân đó đi huấn luyện lại, có người hơn bốn mươi tuổi còn bị gọi, có người thì lại không bao giờ gọi. Một người đồng bào của chúng ta biết làm gì khi anh ta muốn đi bán chả rong mà chưa được gọi đi huấn luyện lại, trong khi anh ta vẫn nằm trong biên chế quân dự bị? Anh ta phải chờ cho đến bốn mươi cái xuân xanh hay sao? Và nếu anh ta không bao giờ được gọi thì suốt đời không được kinh doanh à? Như vậy là không một ai trong đồng bào chúng ta có thể đi bán chả rong và như thế rõ ràng là đối lập với cả bản Tuyên ngôn nhân quyền lẫn Hiến pháp.

Tôi rất khoái lời phát biểu của anh hoạ sĩ, anh chàng thật tuyệt vời, nói cực hay!...

Nhưng ngay lập tức ông bác sĩ nha khoa, đại diện phòng tư vấn kỹ thuật nêu ý kiến tranh luận:

- Kẻ nô lệ trung thành này của các cụ trước đây cũng đã từng là bác sĩ răng hàm mặt quân y. Nhưng, đáng tiếc là, tôi không thể đồng tình với ý kiến của anh bạn đồng nghiệp vừa phát biểu trên. Tuyên ngôn nhân quyền và Hiến pháp là cái gì?... hoàn toàn chẳng có quan hệ gì ở đây cả! Giữa Hiến pháp và bán chả rong có cái gì chung đâu? Riêng kẻ nô lệ này của các vị thì không thấy trong Hiến pháp có chỉ dẫn gì về việc này cả.

- Các vị đồng nghiệp kính mến! - Anh hoạ sĩ đáp lại. - Chính tôi là sĩ quan dự bị đây. Nếu hôm nay tôi muốn đi bán chả rong thì không thể được, chỉ vì tôi không được gọi đi huấn luyện lại hay sao?

- Hẳn là không được rồi! - Ông đại tá về hưu nói to.

- Không, được chứ! - Anh hoạ sĩ không chịu thua.

- Anh cứ thử xem! - Đại tá nói giọng bực tức.

- Tôi không phải thử! - Anh hoạ sĩ không lùi bước.

- Tất nhiên, bây giờ thì có thể được, - ông nha sĩ chen vào, - nhưng khi chúng ta đã đưa ra bản quy định, thì sẽ đợi đấy!

- Thưa ông đại tá, - nhà lâm nghiệp tham gia tranh luận, - Xin được hỏi, ông đã phục vụ bao nhiêu năm trong quân đội?

- Cái đó can hệ gì đến ông? - Ông đại tá nổi cáu.

- À, không, tôi chỉ hỏi thế thôi...

- Hai mươi bảy năm...

- Thế ông có được gọi đi huấn luyện lại hay không?

- Không.

- Thưa ngài đại tá kính mến, thế thì ngài cũng không thể đi bán chả rong.

- Lúc này không phải bàn chuyện tôi.

- Hẳn là thế, nhưng....

- Ông nói kiểu gì thế, giáng chừng ông muốn bảo tôi rằng tôi cũng muốn đi bán chả rong chứ gì?

- Ông nói gì vậy, ông đại tá, thôi xin ông!

- Không được, tôi yêu cầu ông phải trả lời tôi.

- Ông cho phép...

- Ông không được xúc phạm tôi!

- Sao tôi lại nói thế, thưa ông đại tá...!

Đến đây thì ông A-tiếp chen vào, ông hiểu rằng tình hình đã căng thẳng quá mức.

- Thưa quý vị! Xin các vị chú ý, - ông bắt đầu nói. - Bây giờ xin các vị đồng nghiệp khác cho biết ý kiến về vấn đề này. - Ông nhìn sang tôi. - Thưa ông, ông nghĩ gì về nội dung đang được tranh luận?

- Theo tôi... - Tôi bắt đầu (khuôn mặt ông đại tá sa sầm, đôi lông mày cau lại, ông nhìn tôi xoi mói) quân dịch là vấn đề cực kỳ quan trọng... (ông đại tá vẫn nhìn tôi chằm chằm). Quân dịch là nghĩa vụ thiêng liêng... thiêng liêng nhất trước Tổ quốc và dân tộc...

- Thôi được rồi, - anh hoạ sĩ không thể chịu nổi - làm gì có ai chống lệnh quân dịch?

- Quân dịch..., - tôi lại nói tiếp. - Vì vậy... luôn luôn... Theo tôi, mọi ngưòi bán chả nướng rong nhất thiết phải trải qua quân dịch. Tuy nhiên... đồng thời cũng phải đưa vào văn bản mục tất cả những người bán chả rong phải chấp hành lệnh quân dịch ngay cả khi đang là quân dự bị.

- Rất đúng! - Ông đại tá hưởng ứng - Có thể chứ, giờ thì tôi không phản đối gì nữa.

- Nhưng vừa rồi chúng ta bàn về chuyện gì vậy - Chàng hoạ sĩ hỏi.

- Các ông... Các ông đưa ra đề nghị như thế tức là khuyến khích việc đào ngũ, như thế thì ai chả muốn làm nghề nướng chả.

- Thưa quí vị, - Ông A-tiếp hướng về mọi người nói. - The chỗ tôi hiểu thì tất cả các vị đều thống nhất với nhau rằng, những người bán chả rong phải thực hiện chế độ quân dịch, có phải thế không ạ?

Tất cả mọi người cùng nhất trí giơ cao tay đồng ý.

- Thưa quí vị, - ông A-tiếp tiếp tục, - bây giờ đã là năm giờ hai phút, ngày mai chúng ta lại tiếp tục thảo luận. Đến đây tôi xin tuyên bố kết thúc phiên họp.

Chúng tôi cùng nhau ký tên dưới biên bản cuộc họp hôm nay. Riêng ông nha sĩ còn ký thay cho cả ông cựu cầu thủ bóng đá, người đại diện cho phòng cung ứng năng lượng.

Hôm sau chúng tôi phải tập trung vào lúc mười giờ.

Nhà cựu cầu thủ bóng đá lại không có mặt.

Đề nghị của ông đại tá về hưu yêu cầu tất cả những người bán chả rong phải mặc đồng phục, khiến cuộc thảo luận rơi vào tình trạng bế tắc. Nhưng, mặc dù mọi người đã tán thành việc những người bán chả rong phải mặc đồng phục rồi, ông đại tá vẫn khăng khăng đòi họ phải mặc đồng phục cả lúc ngoài giờ làm việc. Ông A-tiếp phải lấy biểu quyết, nhưng các phiếu lại chia đều nhau: năm phiếu thuận, năm phiếu chống.

- Không phải ngẫu nhiên, - ông A-tiếp nói, - mà hội đồng chúng ta gồm mười một người chính là để tránh những tình huống như thế này. Tiếc thay, một đồng sự của chúng ta vắng mặt, đặt chúng ta vào tình thế khó xử. Kết quả bầu cử là năm trên năm! Giờ chúng ta làm thế nào đây?

Bác sĩ chỉnh hình nêu ý kiến:

- Ông ấy là bạn thân của tôi. Thời kỳ trước tôi vẫn chạy chữa chấn thương trong các trận đấu cho ông ấy. Bao giờ ông ấy cũng chia sẻ mọi điều suy nghĩ với tôi. Theo chỗ tôi biết thì ông ấy phản đối đồng phục. Nếu các vị cho phép, tôi xin biểu quyết thay ông ta.

- Tôi với ông ấy cũng là chỗ bạn bè, - ông nha sĩ chen vào. - Ông nhận định như thế là sai đấy. Làm sao một người cầu thủ bóng đá như ông ấy mà lại phản đối đồng phục. Xin được hỏi ông, tại sao trong một trận đấu bóng đá hai đội lại phải mặc quần áo khác màu nhau? Không có lẽ một tuyển thủ trong nhiều năm đã hai mươi hai lần khoác áo đội tuyển quốc gia lại là người chống lại mặc đồng phục!

- Tôi yêu cầu các vị không thảo luận vấn đề đồng phục nữa! Ông đại tá nói giọng đe nẹt.

- Nhưng đối với những người đi bán chả rong thì đồng... - Ông chỉnh hình định nói tiếp.

- Rong với chả dao!... Đồng phục là đồng phục, chẳng có gì phải nói nữa. Im cả đi! - Ông đại tá gào to.

- Xin quí vị cho để lại vấn đề này đến khi nào ông bạn đồng sự có mặt. - Ông A-tiếp nói giọng giảng hoà, hy vọng làm dịu tình hình căng thẳng.

Ông đại tá đưa ra thêm mấy đề nghị, trong đó có quy định các xe đẩy chả nướng phải có cùng một kiểu, sơn cùng một màu, ngoài ra, vào ban đêm các xe đẩy đó phải đưa về bãi xe riêng, để tập trung một nơi do toà thị chính quy định.

- Thưa ông đại tá kính mến, - Ông A-tiếp phát biểu. - Chúng tôi xin ghi nhận những đề nghị của ông. Nhưng chính ông là đại diện của phòng cây xanh môi trường, nên có thể còn có những đề nghị liên quan đến lĩnh vực nữa chẳng?

- Hẳn là thế rồi! - Ông đại tá sốt sắng đồng ý. Thí dụ: Nghiêm cấm bán chả rong trong công viên. Ngoài cổng các công viên cần treo biển: "Nghiêm cấm những người bán chả rong đi vào công viên".

- Thế các vườn riêng có cấm không? - Ông thú y đại diện phòng văn thư - in ấn hỏi - Họ có được vào đấy thoải mái không?

- Thưa ông, chúng ta đang nói về những vườn hoa công cộng.

Nhà lâm nghiệp đại diện phòng thuế nêu đề nghị: muốn ngăn chặn việc lấy cắp, gỗ và củi rừng cần phải cấp giấy phép chuyên chở gỗ củi cho những người hành nghề bán chả rong, đồng thời toà thị chính phải kiểm tra ngặt nghèo việc chuyên chở đó cũng như bắt họ phải nộp thuế đường xá, thuế đất, thuế tiêu thụ, thuế hải quan...

Giảng viên triết học cổ đại, nay làm tại phòng cấp thoát nước đưa ra đề nghị, những công dân muốn hành nghề bán chả rong phải có trình độ tiểu học.

Quy định này sẽ khuyến khích được giáo dục tiểu học trong nước. Riêng về việc cấp nước thì sẽ quy định trách nhiệm rõ là, mỗi xe nướng chả phải có ít nhất một xô nước trên đó.

- Về bằng tốt nghiệp tiểu học thì rõ rồi, - anh hoạ sĩ trang trí tham gia ý kiến, - còn xô nước thì để làm gì? Để dập tắt chả cháy à?

- Rửa đĩa, anh bạn thân mến ạ, - nhà cựu triết học đáp.

- Xin thưa rằng họ không dùng bát đĩa gì cả, mà kẹp chả nướng luôn vào bánh mì.

- Nếu không rửa bát đĩa thì để họ rửa tay...

- Thưa với các ông, mùa hè ở Stambun nước trong nhà không chảy, lấy đâu ra nước cho người bán chả ngoài đường?

- Vậy theo anh, họ không cần đến nước?

- Sản phẩm của họ ở dạng khô...

- Nhưng vẫn tồn tại hiểm hoạ bắt lửa...

- Xin các vị chú ý, nước...

- Đừng có ngắt lời tôi.

- Nhưng tôi, xin hãy nghe lời tôi...

Nhà chỉnh hình, quan chức phòng cung ứng đề nghị cho phép hành nghề đối với những công dân có giấy chứng nhận tình trạng sức khoẻ do ngành y tế cấp. Đặc biệt phải kèm theo những phim chụp X-quang bộ xương của họ.

- Vậy, có nghĩa là anh nào gù lưng thì không được bán chả rong chứ gì? - Ông thú y hỏi

- Không được.

- Tại sao?

- Vì lí do thẩm mĩ! Để giữ vẻ đẹp cho thành phố, để phát triển ngành du lịch, ta phải nghiêm cấm những người gù lưng, què chân, cụt tay kinh doanh chả nướng.

- Thế thì được!...

- Đúng thế, thưa ông, tôi là nhà chỉnh hình, vậy ai rành rõ hơn: tôi hay là ông? Xin các vị hãy biết tôn trọng ý kiến của chuyên gia. Nếu tôi nói với các vị rằng xét từ góc độ khoa học điều nào đó không đúng, thì các vị phải lắng nghe lời tôi. Hơn nữa là quan chức toà thị chính, mà nói cụ thể hơn là đang phụ trách phòng cung ứng, tôi đề nghị phải xây dựng định mức trọng lượng thịt cho các loại sản phẩm chế biến sẵn và các định mức cụ thể khác.

- Ông nói "các định mức khác" nghĩa là gì?

- Tôi xin đưa ra một dẫn chứng trong thực tế hoạt động kinh doanh chả nướng ở Stambun để ta thấy rõ hơn. Số là bọn láu cá này lấy bánh mì khô tẩm nước nhào thành bột rồi cứ thế nặn thành những viên chả không có một tí thịt nào. Chúng dùng dầu cũ rán lên thơm phức, thành một loại chả nướng tuyệt vời!

- Ông nói "dầu rán cũ" nghĩa là thế nào?

- Kẻ nô lệ trung thành này của các vị dùng từ này để chỉ loại dầu đã dùng đi dùng lại nhiều lần còn lại ở trong chảo rán, nó chính là một bộ phận hợp thành của cái chảo. Chảo càng cũ bao nhiêu thì chả càng ngon bấy nhiêu. Một số người hành nghề chả rán còn giữ được chảo có dầu rán cũ thừa kể từ đời cụ kỵ. Các vị thấy đấy, kẻ nô lệ trung thành này đã nghiên cứu khá sâu sắc lề lối của nghề này rồi đấy chứ?

- Được rồi, nhưng làm sao chỉ có ruột bánh mì, không trộn tí thịt nào mà lại biến thành chả nướng thơm phức như thế được? Làm gì có chuyện ấy?

- Vâng, thế mới tài, thế mà họ làm được, bán được.

- Tôi đã ăn thử rồi, mùi thịt thơm phưng phức.

- Đúng rồi, có mùi thịt! Bởi vì họ làm chả không phải bằng loại bánh mì thường, mà họ chỉ mua bánh ở những quầy sát cạnh hàng thịt, mùi thịt được bánh mì "hít" no "hít" chán, rồi họ lại để bánh mì qua đêm lẫn với đống xương bò, đầy mùi thịt là từ đấy mà ra! Vậy nên nhiệm vụ của chúng ta là phải đề ra mục bắt buộc họ phải trộn thịt theo đúng định mức nêu ra trong bản quy định.

- Đúng đấy phải có mục này, - ông bác sĩ thú y nói sôi nổi. - Đó là chuyện cực kỳ hệ trọng!... Tiếp theo ông đề nghị cấm không được làm chả bằng thịt ngựa, thịt lừa, thịt la do các lò mổ "chui" cung cấp, điều đó trái ngược với những truyền thống của đạo Hồi...

Tôi đã cố gắng kể lại vắn tắt để quý vị nghe về tính chất của các cuộc tranh luận kéo dài hàng giờ và đôi khi hàng ngày của các uỷ viên hội đồng chúng tôi. Trong khi mọi người phát biểu, lúc nào tôi cũng lo ngay ngáy sắp đến lượt mình phải nói lên chính kiến. Thoạt đầu tôi hy vọng rằng công việc soạn thảo bản quy định sẽ diễn ra nhanh chóng, bởi vì trong số các uỷ viên không có ai là chuyên gia ngành chả nướng, nên chỉ cần vài người phát biểu rồi hội nghị sẽ kết thúc. Ai ngờ hi vọng của tôi vỡ tan như bóng xà phòng.

Để mà kiếm được khoản "phong bì" mỗi ngày đúng một trăm lia, không hơn không kém, chúng tôi ra sức cãi lộn nhau liên miên về mọi chi tiết vụn vặt. Điều đó cũng dễ hiểu thôi: chẳng ai muốn nhận tiền "oan" cả. Vì thế mỗi một uỷ viên phải cố nặn ra càng nhiều khoản mục càng tốt dựa trên cơ sở chuyên môn của mình hoặc xuất phát từ quyền lợi của ngành, ban, phòng mà mình là đại diện. Đó quả là cuộc đấu tranh một mất, một còn. Ai củng cố bảo vệ lập trường quan điểm, đề nghị của mình và chỉ cần một vấn đề nhỏ nhặt nhất cũng trở thành nguyên cớ một trận tranh luận kéo dài hàng mấy giờ liền. Chẳng hạn anh hoạ sĩ đại diện phòng y tế và anh hoạ sĩ trang trí cãi nhau suốt ngày đến lạc cả giọng về vấn đề màu sắc của xe nướng chả và kích cỡ bánh xe của nó.

Chúng tôi nhận thức được rằng: đây là vấn đề cực kỳ nghiêm túc và vì thế chúng tôi cũng làm việc nghiêm túc cực kỳ.

Về phần tôi, một mặt là quan chức phòng nghĩa trang, mặt khác là kỹ sư - quang học, tôi không thể tìm được cách tiếp cận vấn đề mà hội đồng đang thảo luận. Ở cương vị quản lý nghĩa trang thì không thể nói gì về chả nướng rồi. Kiểu gì thì người ta cũng sẽ có những mối liên tưởng không hay. Thế là, nhổ toẹt vào chuyện nghĩa trang, tôi quyết định đi theo hướng quang học. Tôi liền đưa ra đề nghị là xe chả nướng phải trang bị kính phóng đại để người mua nhìn rõ mặt hàng hơn, đồng thời cũng là để kích thích khẩu vị của họ. Hơn nữa, có kính phóng đại, hàng sẽ được quảng cáo tốt hơn. Muốn thế, tôi đề nghị sử dụng loại thấu kính khuếch đại hai trăm phần trăm, mà phải lựa loại thấu kính trong suốt, không có bọt khí và tạp chất.

Đó là những đề nghị bước đầu của tôi. Tiếc rằng tôi không đưa được những đề nghị khác nữa vào trong bản quy định. Mãi cho đến tận hôm nay tôi vẫn cho rằng mình chưa xứng đáng với khoản thù lao được nhận.

Tất cả uỷ viên hội đồng đều hết sức nghiêm túc tiếp cận vấn đề và say sưa chứng minh cho giá trị mỗi ngày nhận một trăm lia, cho nên sau mười sáu ngày làm việc chúng tôi đã soạn thảo thành công mỹ mãn bản "Quy định đặc biệt cho những người bán chả rong" gồm một trăm mười bảy khoản mục.

Đó là một công trình đồ sộ, bởi vì các uỷ viên hội đồng đã đầu tư vào đó tất cả tri thức, kinh nghiệm, khả năng của mình, nghĩa là tất cả những gì mà họ không áp dụng được trong khi thừa hành công vụ. Vì vậy bản quy định là cuốn sách bách khoa thư độc nhất vô nhị chứa đầy những tri thức không ai cần đến.

Khi tôi kể chuyện này với anh bạn tham tán toà thị chính, anh ấy an ủi tôi:

- Tất cả những chuyện ấy chả có ý nghĩa gì đâu. Những người bán chả rong rồi họ vẫn sống và làm việc như cũ thôi mà. Tuy nhiên, có một bản quy định trong tay vẫn hay hơn, lúc nào cần thì áp dụng. Rồi cậu sẽ thấy, dù cho bản quy định có hay đến đâu chăng nữa thì cũng chỉ là vật trang trí thôi mà.

Thế là, mười một uỷ viên hội đồng làm việc mười sáu ngày liền đã thiết kế được bản "Quy định đặc biệt cho những người bán chả rong" gồm một trăm mười bảy điều khoản, và đã được lĩnh mười bảy ngàn sáu trăm lia thù lao. Ông bạn đồng nghiệp cựu cầu thủ bóng đá ở phòng cung ứng năng lượng đã hạ cố đến dự hai phiên họp cuối cùng. Ông đã làm cho chúng tôi được bữa cười vui sung sướng khi ông đưa ra một đề nghị hết sức "thâm thuý" là: có lẽ ban ngày thì không cần phải bố trí chiếu sáng cho xe chả rong nữa.

Xin được nói thêm rằng, khi nào bạn gặp chuyện buồn hoặc cơn chán chường, thất vọng vô cớ, ủ dột trong lòng xin bạn hãy nhớ đến bản "Quy định đặc biệt..." mà chúng tôi soạn thảo, bạn hãy đọc nó... Tôi tin tưởng rằng bạn sẽ bò ra mà cười và mọi nỗi ưu tư kia sẽ tan biến ngay lập tức.

Còn về phần tôi, tôi còn được tham gia năm sáu hội đồng nữa để soạn thảo các bản quy định khác. Sau đó tôi trở lại Mỹ, nhưng không tìm được việc làm theo chuyên môn cũ, bởi vì trong thời gian tôi ngồi soạn thảo các loại quy định thì ngành quang học đã có những bước tiến bộ rất xa, với kiến thức cũ, tôi không thể đảm đương được công việc. Lúc ấy tuổi tôi đã khá, thời gian, tiền bạc đều không đủ để học lại nữa, nên tôi đành trở về Tổ quốc. Tiếc thay, tham tán toà thị chính đã đổi người khác, nên tôi cũng không được vào làm trong toà thị chính nữa.

Tôi mở một quán hàng nhỏ nơi góc phố, chuyên sửa chữa các loại kính mắt, ống nhòm, bật lửa, bút máy, ô, để nuôi sống gia đình đông đảo của tôi.

Tôi sống cũng không đến nỗi nghèo. Nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ thì luôn có hiện tượng thế này: người nào có đầu óc hiểu biết, có nhiều kinh nghiệm, thậm chí có tài năng, mà như người ta vẫn nói, tài năng rực rỡ, thì người đó thường không được dùng vào đúng việc!...

Đố các bạn biết, tại sao ngươi ta thôi không mời tôi tham gia vào hội đồng biên soạn như cũ?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx