sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8 - Thư Quê Hương

Thư quê hương như tên hề ốm nặng

Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười.

(Thơ Cao Tần)

Con thân mến,

Từ lúc giá tem thư tăng lên mỗi cái mỏng nhất đến 160 đồng, mẹ ít viết thư cho con hơn trước. Mẹ biết con của mẹ trông thư nhà như thời nhỏ trông mẹ về chợ, nhưng biết làm sao hơn! Thư con từ Mỹ viết về thì đến chậm hằng bốn năm tháng, thư mẹ viết cho con hằng tuần thì không có tiền gửi. Biển rộng ngăn mẹ với con, nhưng nay thì mẹ thấy lòng người ngăn cách mẹ con ta còn hơn cả biển rộng nữa.

Mẹ cứ giữ những tờ thư không gửi được đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc là mỗi lần khóc. Lá thư tháng 4 con viết cho mẹ: "Giá con có cánh con sẽ bay về với mẹ liền", mẹ cũng nhiều lần thầm nghĩ: "Đừng dại dột con ạ, giá mẹ có đôi cánh khỏe, chính mẹ phải cố lấy hết sức mà bay qua gặp con, ôm hôn đứa con gái thân yêu của mẹ!"

Chao ơi! Mẹ khao khát được ôm con trong vòng tay biết bao nhiêu! Chắc lúc đó con khóc, mà mẹ cũng khóc. Chính lúc này, mẹ cũng rơm rớm nước mắt vì xúc động, phải dừng lại, không viết tiếp được nữa!"

Bà cụ dừng bút ngồi ngẩn ngơ giữa đêm khuya, bắt đầu thút thít khóc. Căn nhà âm u. Ngoài ngọn đèn dầu hỏa leo lét đặt trên cái bàn gỗ tạp, chỉ có một ngọn đèn thờ tim đèn nhỏ xíu, ánh sáng chỉ đủ soi lờ mờ tấm ảnh một người đàn ông mặc quân phục đeo lon cấp thiếu tá.

Bà cụ lấy ống tay áo chặm nước mắt, ngồi im lặng hồi lâu. Một tiếng muỗi vo ve chỗ góc tối. Phía sau bếp, chợt có tiếng kim khí rơi. Bà cụ lẩm bẩm:

- Lại lũ chuột. Có còn gì đâu mà lục lạo cái soong cơm!

Sau một lúc ngần ngừ, bà cụ bỏ bút đứng dậy, cầm đèn đi xuống bếp.

Một lúc sau, bà cụ trở lên căn nhà trên, ngồi xuống viết tiếp:

Mẹ dành dụm hai tháng nay được 300 đồng để quyết viết cho con lần này một lá thư thật dài. Vì mẹ có nhiều chuyện để kể cho con quá!

Con biết không? Dượng con đã mất rồi!

Và cụ lại ngừng bút, quay lại nhìn chiếc ảnh trên bàn thờ, thở dài. Bà cụ nói với người đã khuất, giọng run run:

- Tôi viết thư cho con Dung đây mình! Trước sau gì cũng phải cho biết tin, để con biết ngày giỗ mình.

Dường như những lời tâm sự với người quá cố đã làm vơi đôi chút nỗi khổ đau chất chứa lâu nay, nên bà cụ ngồi ngay ngắn trở lại, cầm bút viết tiếp:

Mất ngày 12-4-85, tính đến nay vừa đúng 3 tháng. Mẹ không dám chắc có phải dượng mất ngày đó không, ban quản giáo họ bảo sao thì nghe vậy thôi. Ông Bằng "học tập"chung trại với dượng con mới được thả về hôm qua, có đến thăm mẹ, bảo dượng chết ngày 10 chứ không phải ngày 12. Mẹ không biết tin ai. Lên phường làm giấy khai tử để xin công an phường chuyển hộ khẩu nhà mình từ loại B (có thân nhân đi học tập cải tạo) sang loại A cho dễ xin giấy tờ, mẹ đưa giấy chứng nhận của ban quản giáo, nên họ cũng theo giấy tờ mà ghi ngày 12-4. Điều đó làm cho mẹ khó nghĩ quá. Phải chọn ngày nào làm ngày giỗ dượng đây? Bên này thì mẹ chọn ngày 10-4. Mẹ nghe nói ngày tháng bên Mỹ chậm hơn bên mình một ngày. Vậy con nên làm giỗ cho dượng vào ngày 11.

Con biết không, dượng con mất mà mẹ có biết gì đâu! Mẹ cứ tưởng được giấy phép đi thăm nuôi dượng như mấy lần trước, nên chạy lên dì Sáu mượn tiền mua cho dượng một ít thuốc Vitamin, thuốc xức ghẻ, thuốc sốt rét, mì ăn liền, làm cho dượng hai lon Guigoz ruốt kho... Mẹ chạy đi lùng mua lon Guigoz muốn đứt hơi mới tìm được ba cái vừa ý. Hai lon dượng đem về hồi ở tù lần thứ nhất được thả về, hồi con còn ở nhà đó, bị thủng mấy lỗ bằng đầu cây tăm không dùng được nữa. Loại lon này đựng thứ gì cũng được, nhưng đựng đồ mặn là bị mục liền. Lâu nay mẹ đâu có biết chuyện đó. Vì vậy, lần này mẹ cẩn thận gói ruốt kho trong hai ba lớp bao ni lông rồi mới cho vào lon. Rồi chạy lên chú Tám nhờ mua vé chợ đen... Rồi lên ga Bình Triệu chầu chực để chen cho được lên tàu... để rồi, con ơi, ra tới nơi họ mới cho mẹ biết dượng mất từ hơn một tháng trước!

Mẹ khóc òa! Cái cậu ôm gối ngồi ở chòi tiếp tân quát mẹ, bảo không được khóc. Lúc đó mẹ không còn biết sợ là gì nữa. Mẹ bù lu bù loa phân bua với mọi người: "Chồng tôi chết mà còn cấm tôi khóc thì trời còn có mắt nữa hay không, bà con. "

Mẹ làm dữ quá, anh ta phải xuống giọng, dẫn riêng mẹ vào dãy láng sâu phía bên trong hàng rào. Anh ta bảo mẹ ngồi ở đó, bảo hiện thủ trưởng bận công tác, chờ khi nào thủ trưởng về sẽ cho mẹ vào gặp để cho biết rõ dượng mất như thế nào, chôn cất ở đâu. Trước khi bỏ đi, anh ta còn dọa:

"Muốn đi thăm mộ thì phải ăn nói sao cho có văn hóa". Mẹ lại tức tràn hông, nhưng phải nhịn con ạ! Mẹ chờ suốt buổi sáng, rồi buổi trưa qua, không ai ngó ngàng tới. Gần xế chiều mới có người tới hỏi ai là thân nhân của Trần văn Bản. Mẹ được dẫn vào gặp ông thủ trưởng. Ông này ăn nói nhã nhặn hơn, bảo dượng "học tập tốt" "lao động tốt" nên được ban quản giáo đặc biệt chú ý chuẩn bị đề nghị cho về với gia đình, nhưng vì sức yếu đã chết trước khi được "tạm tha". Ông ta còn hỏi mẹ có muốn nhận lại những đồ đạc dượng để lại không. Ban đầu mẹ định xin lại mấy cái lon Guigoz để còn đi thăm nuôi anh con, nhưng kịp nghĩ là nhìn lại những kỷ vật dượng con để lại chỉ thêm đau lòng. Mẹ chỉ xin được đi thăm mộ.

Ông ta gật đầu, gọi một cậu công an vào bảo dẫn mẹ ra thăm mộ can phạm Trần văn Bản. Con ơi, nghe đến hai chữ "can phạm", mẹ lại khóc òa! Dượng con có tội có lỗỉ gì đâu mà ở tù 6 năm ra, về nhà chưa được mấy tháng lại đi ở tù tiếp. Ông ta ngơ ngác không hiểu sao mẹ bật khóc, không biết thành thật hay chỉ giả vờ, vội vã đến gần mẹ an ủi:

- Thôi cụ ạ! chết thế mà yên thân! Sống chỉ khổ!

Mẹ chùi nước mắt ngước lên nhìn ông ta, nước mắt làm nhòe mọi vật, mẹ không thấy rõ ông la đang làm ra vẻ âu sầu để phân ưu hay đang cười nói tự nhiên.

Nhưng thôi! Việc đó đâu có cần phải dài dòng. Giá tem thư quá cao, mỗi chữ mẹ viết cho con cũng cao giá theo, chỉ nên thuật những điều đáng thuật lại.

Cậu công an dẫn mẹ đi khá xa, phía chân ngọn đồi trọc cách trại tù gần một cây số. Cậu ta cắm cúi đi trước, không nói với mẹ câu nào. Mẹ cũng không còn hồn đâu mà tìm lời gạ chuyện với cậu la nữa.

Đến bãi tha ma, cậu ta dừng lại chờ mẹ. Hình như cậu ta có điều gì khó nghĩ khó nói. Cậu ta ngập ngừng liếc nhìn mẹ. Mẹ ngạc nhiên quá, hỏi:

- Mộ chồng tôi ở chỗ nào, hở cậu?

Cậu ta lí nhí một lúc, mới đáp:

- Ở đây nhiều mộ quá, phải có bản đồ mới dễ tìm. Tôi lại bỏ quên bản đồ ở cơ quan. Nhưng thôi, được rồi! Mình đi thẳng vào lối giữa, đến cây cọc kia thì rẽ trái, gặp cái khe con tháo nước, tới lô C. Mộ nằm ở hàng thứ bảy, cái thứ sáu.

Mẹ vội đi trước. Cậu công an cũng vội theo mẹ. Đến chỗ cái khe tháo nước, mẹ dừng lại, hỏi:

- Lô C là lô nào?

Cậu công an bảo:

- Lô trước mặt, bên trái.

Mẹ bước thêm vài bước, phân vân, vì các ngôi mộ mới chưa xanh cỏ quanh đấy không nằm ngay hàng thẳng lối chút nào. Mẹ hỏi:

- Hàng thứ bảy ở đâu hở cậu?

Cậu công an tự nhiên ngập ngừng:

- Không biết có phải hàng thứ bảy không? Trần văn Bản... Trần văn Bản. Có lẽ đúng hàng thứ bảy.

Mẹ bực quá, gắt gỏng:

- Sao lại có lẽ.

Cậu ta nổi bướng, giọng xác quyết như đinh đóng cột:

- Chắc chắn hàng thứ bảy, mộ thứ sáu. Tôi nhớ mà. Hai ngày gần cuối tuần thứ Bảy thứ Sáu, quên sao được. Hàng thứ bảy là hàng bắt đầu bằng cái mộ có cắm cọc kia!

Mẹ chạy đến nơi có ngôi mộ cắm cọc. Lại chạy đến ngôi mộ thứ sáu, và, con biết không, tự dưng trời đất tối xầm trước mắt mẹ. Đôi chân mẹ bủn rủn, mẹ khuỵu xuống. Mẹ ôm nấm đất đỏ khóc như mưa như gió. Mẹ kể lể từ lúc mẹ ôm con vào Sài gòn ăn nhờ ở đậu nhà bà con bị hất hủi thế nào, gặp dượng ra sao, kể lúc chia tay mẹ con mình để đi "học tập" dượng dặn những gì, kể cảnh ngộ dượng được thả về ra sao! Mẹ đang khóc kể thì đột nhiên cậu công an đến gần bảo:

- Lầm rồi cụ ơi. Xin lỗi cụ nhá. Hàng thứ sáu ngôi mộ thứ bảy chứ không phải hàng thứ bảy ngôi mộ thứ sáu. Tôi nhớ lầm!

Phải một lúc thật lâu mẹ mới hiểu cậu ta nói gì! Trời đất! Hóa ra từ nãy tới giờ mẹ khóc một người dưng. Lòng mẹ tự nhiên chai đá lại. Mẹ xẳng giọng hỏi:

- Có chắc không?

Cậu công an có lẽ thấy mẹ dữ quả, đâm rụt rè. Cậu ta đưa tay sờ lên túi áo, rồi lại lục lọi hai túi quần, giọng phân bua:

- Cháu nhớ có cầm tấm bản đồ theo, không biết lúc đi rút bao thuốc lá ra hút rơi mất đằng nào rồi. Có lẽ đúng là hàng thứ sáu cái thứ bảy. Thứ sáu, thứ bảy, có lẽ thế!

Mẹ giận dữ bảo:

- Cậu dẫn tôi trở về trại đi!

Cậu ta biết lỗi, không nói gì, lẳng lặng đi trước. Về đến trại giam thì trời tối hẳn. Ông thủ trưởng bảo mẹ chờ sáng hôm sau sẽ đích thân dẫn mẹ đi thăm mộ dượng, nhưng con ơi, chẳng hiểu sao lúc đó mẹ lắc đầu. Mẹ bảo thôi khỏi cần, vì mẹ đã biết đích xác dượng được chôn ở nơi nào rồi. Ông ta không hiểu mẹ nói gì, có lẽ thấy mẹ hung dữ quá, vả lại chắc cũng thấy cấp dưới có lỗi, nên sau khi dặn cậu công an xếp đặt nơi mẹ ngủ qua đêm, vội vã bỏ đi. Bây giờ mẹ mới hối đã không kiên nhẫn tìm được cho đích xác nơi dượng gửi nắm xương tàn. Cũng như mẹ không biết được đích xác ngày dượng con mất.

Nhưng mẹ tự an ủi: Thì thôi! Cần gì phải tìm cho được đích xác. Dượng đã chết đi ngay từ hồi họ vào, và nơi dượng nằm xuống là cả một dải đất chữ S từ Nam Quan đến mũi Cà Mâu.

Ý nghĩ đó giúp mẹ thôi ân hận. Phải nghĩ thế cho đời bớt thấy khổ! Cho mẹ còn đủ sức đi thăm nuôi anh con, và nhớ thương con thân gái lưu lạc ở bên kia biển rộng. Thương con vô vàn, con biết không, Dung cưng của mẹ!

° ° °

Bà cụ úp mặt xuống mấy tờ thư, khóc vùi một hồi. Nước mắt làm hoen những dòng chữ ở trang thư cuối. Khi nhận được thư mẹ, Dung lại làm hoen thêm một số trang giấy hẩm gửi từ quê hương!

Nguyễn Mộng Giác

Cali 26.9.1985


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx