sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13 - Đêm Cuối Năm

Ðêm chờ giao thừa!

Gần như tất cả mọi người đều bỏ lều kéo nhau ra bờ biển. Tiếng sóng ì ầm không át được tiếng đám thanh niên đang tập lần chót các bài hát đón Xuân quen thuộc: “Ly rượu mừng, Xuân này con không về, Xuân và Tuổi trẻ”.... Ðêm mênh mông làm nền cho những vì sao rạo rực. Sao Hôm thao thức chờ sao Mai.

Chỉ còn đám già ngồi với nhau trong cái lều cạnh bờ suối, âm thầm gặm nhấm nỗi buồn xa xứ. Từ thật lâu, không ai nói với ai lời nào. Họ gồm có bốn người tuổi xấp xỉ bốn mươi. “Tứ thập nhị bất hoặc”, sách xưa nói thế. Nhưng đêm nay, cả bốn đều hoang mang không hiểu hiện mình đang buồn hay đang vui. Bốn người vượt biển trên bốn chiếc thuyền khác nhau, vượt qua nỗi chết theo bốn kiểu, và vào lúc này, họ cùng cảm thấy gần gũi với sự lặng lẽ cô quạnh của những nấm mồ, hơn là hòa nhập vào niềm rạo rực phục sinh. Không thể chịu đựng được sự im lặng kéo dài, vị linh mục đề nghị nên kể chuyện gì vui vui. Rồi không cần chờ ai tán thành, Cha kể ngay chuyện gọi là ngộ nghĩnh xảy ra trong giáo xứ. Chuyện vui của nhà tu nồng mùi hoa huệ ở thánh đường và có không khí của kinh Cựu ước, nghe xong chỉ thấy sợ hãi vu vơ; cho nên kể xong, chỉ có linh mục cười một tiếng ngắn rồi chấm dứt bất chợt, như Cha kịp nhớ ra rằng cười như thế là phạm thánh. Anh kỹ sư kể chuyện viết chúc thư bỏ vào chai bọc trong bao ni lông, nhờ người hảo tâm xa lạ nào đó nhắn giùm với gia đình ở Việt Nam rằng sau 18 ngày lênh đênh đói khát trên biển cả, hai vợ chồng và con gái anh đã kiệt sức và chết giữa sóng dữ. Chuyện chỉ cảm động chứ không vui. Vợ chồng anh chỉ cười được sau khi đã qua cơn hiểm nghèo, lúc sắp chết khát thì gặp mưa và còn thoi thóp thở cho đến lúc thuyền trôi dạt vào một đảo nhỏ thuộc Nam Dương nhờ đã nằm vắt qua be thuyền vớt cá lên nhai sống. Tiếng anh cười nhỏ, hơi e dè. Như một người thợ săn bắn vụng suýt nữa bị hổ vồ, kịp lúc bạn cứu được thoát chết, lấy chân đạp lên xác hổ đứng chống nạnh cố mỉm cười chụp hình để lưu niệm. Máy hình tốt có thể ghi lên giấy ảnh cả những giọt mồ hôi sợ hãi còn đọng trên trán anh, và cả nụ cười cay đắng. Ông thiếu tá không quân vừa đi học tập cải tạo ở một tỉnh trung du miền Bắc về thì kể những điều ngộ nghĩnh trong trại cải tạo. Ông phóng đại những dớ dẩn của cán bộ quản giáo và sau một mẫu chuyện, thiếu tá cười hả hê. Chàng cảm thấy có điều gì không được sòng phẳng. Trả hận hả hê không phải là chuyện vui vui như gợi ý của nhà tu hành lúc đầu. Thiếu tá vẫn tiếp tục kể chuyện. Chàng nghe một cách ơ hờ. Chỉ đến lúc thiếu tá đọc cho nghe bài thơ làm trong tù của một người bạn, thì chàng chăm chú lắng nghe từng tiếng. Chàng cảm động thực sự. Chàng xin ông đọc lại lần nữa. Bài thơ như sau:

Tết ở trong tù bố nhớ con

Ðêm mơ ôm bé ngủ trong lòng

Bé còn nhỏng nhẻo đòi ăn bánh

Như những ngày xưa có bố không?

Tết ở trong tù bố nhớ con

Ngoài kia Xuân đến có gì không?

Có tia lửa lạ nào không bé

Ðốt hộ cho chim những chiếc lồng.

Bé bé ơi! Tết này không bố

Nhìn qua hàng xóm bé buồn không?

Bố ở trong tù nghe pháo nổ

Nhớ bé ghê lệ ứa trong lòng.

Tiếng trẻ nào len qua kẽm gai

Dường như trăn trở ở bên ngoài

Bố thèm một chút men ngày cũ

Có bé yêu bên chén rượu đầy.

Tội bố to ghê đáng tử hình

Người ta bảo vậy bố làm thinh

Ngày mai xuôi gió con cùng bố

Ra tận ngoài kia hỏi tội mình.

Bố nhớ con nhiều lắm bé ơi!

Con mang dép ngược bố la hoài

Bên này chân phải thành chân trái

Chân lý, trời ơi, cũng thế thôi (1)

Vì bài thơ này được truyền khẩu rộng rãi tại Việt Nam nên tác giả không dám chắc đã đúng như nguyên bản.

Nhiều tiếng vỗ tay và tiếng cười thích thú. Như ba người kia, chàng thích nhất mấy câu cuối. Lời bàn tán lúc ấy mới mới “vui vui” thực sự. Nhưng đến một lúc nào đó, người ta chợt nhớ đến phiên chàng. Chàng đâm lo. Không phải sau gần bảy năm chìm nổi, chàng không có lấy một chuyện vui vui để kể. Chàng tự thấy mình quá cay nghiệt trong cách xét đoán chuyện người khác. Ðến lượt mình, chàng lo sẽ phải đương đầu với sự cay nghiệt của ba người vừa làm xong phận sự. Cho nên chàng phải giáo đầu dài dòng. Rằng mình kể chuyện dở. Rằng chuyện không vui. Rằng chuyện lại không được thơm tho. Ông thiếu tá còn dư sự hả hê thỏa mãn, vỗ đánh đét một cái lên đùi, giục:

- Chuyện không thơm ư? Ông khéo khôi hài lắm. Tiếu lâm chứ gì? Như vậy nhất định là chuyện vui rồi! Kể đi!

Chàng đành phải kể chuyện không thơm của mình vậy!

° ° °

Sau Tết năm Ngọ, tôi lại được vào tù. Tội gì ư? Xin Cha yên tâm! Lần nầy nhẹ thôi. Mấy ông Tàu khác bang phái trong tổ hợp mì sợi tung tiền ra nhờ tay công an hại nhau, tôi ở giữa mang vạ. Giống các lần trước, lần nầy tôi cũng được đón bằng xe du lịch Toyota trắng đưa đến cửa nhà giam. Vâng vâng, tôi hiểu ý thiếu tá! Không xa xôi cách trở như thiếu tá đâu. Gần thôi. Tôi được đưa đến trại tạm giam một quận thuộc đô thành Sàigòn. Ðiều may mắn đầu tiên phải vui mừng, là nhà thôi khỏi phải lặn lội xa xôi mỗi lần đi thăm nuôi. Lần này tôi gặp may ghê! Cửa ngục vừa khép phía sau lưng tôi lại gặp điều may mắn khác. Nhờ cặp kính cận, tôi được trưởng phòng xem như thuộc thành phần có thể tin cậy được. Nhờ thế sau thủ tục cởi hết quần áo để khám xét, trưởng phòng quăng trả mớ áo quần bèo nhèo hôi hám cho tôi ôm vào lòng, dõng dạc ra lệnh:

- Về tổ 1. Bỏ cặp kính cận và dây nịt lại đây! San Mỹ Ðình đâu? Ra nhận lính mới! Từ trong bóng tối, một bàn tay đưa ra chộp lấy vai tôi. Trưởng phòng mở cửa sắt đi ra ngoài. Tôi đứng dậy dợm đi theo người tổ trưởng mới, thì có nhiều tiếng lao xao hốt hoảng. Ai đó la lớn: “Ngồi xuống”. Bàn tay lạ ấn mạnh lên vai tôi. Cửa đóng. Tôi té ngửa trên nền xi măng nhớp nháp, hoang mang không biết phải làm gì. Một bóng đen lết lại gần tôi, giọng thì thào nhưng hằn học:

- Cửa mở mà dám đứng tồng ngồng ra đó, muốn chết hả?

Rồi như chợt nhớ tôi là lính mới, anh ta dịu giọng lại:

- Chú mới vào phải học nhiều chuyện lắm. Ôm quần áo về tổ đã! Tội gì vậy? Tôi không biết mình mắc tội gì, ấp úng đáp:

- Làm thư ký ở tổ hợp mì sợi... Những bóng đen đang bu quanh tôi cùng nói:

- Lại xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa chứ gì. Giống như chú thư ký phòng đấy. Lâu đó nghe! Tôi cự nự:

- Nhưng...

Người dắt tôi cắt ngang:

- Không nhưng nhụy gì hết. Vào đây phải thành thực khai báo. Ðiều hai của nội qui trại giam đấy. Chú phải học thuộc như cháo đủ 9 điều. Chú có học, chỉ cần hai ngày là thuộc nhão! À, chú tên gì? Tôi xưng tên. Bấy giờ người dắt tôi mới ôn tồn bảo:

- Chú mới vào mà được về tổ 1 là hên lắm đó. Xa cầu tiêu. Gần cửa ra vào nên cửa mở là thở được. Nhưng hễ cửa mở là phải ngồi xuống liền, không được đứng như lúc nãy.

Tôi thấy cần phải hỏi điều gì đó để chứng tỏ mình không sợ hãi, tôi hỏi:

- Ðó là điều mấy của nội qui vậy anh? Một người nào đó đáp thay tổ trưởng, nói giọng khao khao:

- Không phải nội qui trại giam. Ðó là điều lệ của phòng.

Tổ trưởng gạt đi:

- Ðừng gấp, chú ấy hãi! Từ từ! Nội qui trại giam, điều luật của giám thị, điều lệ phòng. Thong thả rồi anh em ở đây dạy lại cho chú biết. Ủa, chú mặc quần lại đi chứ!

Cả phòng cười ồ vì mãi đến lúc đó, mọi người mới nhớ từ đầu đến giờ, tôi cứ đứng lom khom và ôm quần áo vào lòng che hạ bộ chứ chưa có thì giờ mặc vào. Tôi đến sát tường định xỏ chân vào ống quần dài, thì một bạn trong tổ bảo:

- Mặc quần đùi đi! Ở đây nóng tháo mồ hôi, muốn chết hay sao mà mặc quần dài. Tôi lúng túng làm theo lời khuyên. Hóa ra những kinh nghiệm ở tù lần trước không giúp cho tôi được chút gì trong lần này. Tôi quên hết, và lúng ta lúng túng như một cậu học trò vỡ lòng. Cuối cùng tôi làm quen được với cả bóng tối. Tôi nhìn được rõ hơn. Anh tổ trưởng tên San Mỹ Ðình mà tôi đoán là người Hoa có khuôn mặt choắt như một trái dưa héo, da ngăm, mũi khoằm, nụ cười “rộng rãi” nhờ gãy mất hai cái răng cửa. Người có giọng nói khao khao là tổ phó, đầu cạo trọc, mắt lộ, da... nhưng trời ơi, tôi lẩm cẩm mất rồi! Việc gì phải tả chi tiết đến như vậy. Quanh tôi có năm người trẻ tuổi và ngồi xa tận xó tối có thêm ba người đã đứng tuổi. Tất cả đều mặc độc một chiếc quần đùi. San Mỹ Ðình bảo tôi ngồi dựa vào vách cho bớt hãi. Tôi cảm động vì sự ân cần tế nhị thật bất ngờ ấy, lí nhí cảm ơn. Anh tổ trưởng giễu cợt:

- Ở đây mà nói cảm ơn là không hợp cảnh. Tắm truồng tồng ngồng một lũ như nhau, khỏi cần khách sáo. Trước hết, tôi biết chú muốn biết lũ này mắc tội gì phải không? Toàn thứ dữ cả. Thằng này Võ Kẹo, tổ phó, tội hiếp dâm người quá cố. Thằng này tên Lang, chuyên bán đứng mộ bia. Ông này công an thứ thiệt bảy mươi hai phần đầu, thủ trưởng cơ quan xổ số kiến thiết đường 30-4.

Cả tổ cười ồn ào. Có tiếng chìa khóa lách cách ở cửa phòng. Tất cả vội giữ im lặng, hồi hộp chờ đợi. Nhưng chờ mãi không thấy cửa mở, rồi tiếng dép kéo lê trên cát nhỏ dần, nhỏ dần. Anh tổ phó bảo tôi:

- Nó xạo, chú đừng có tin.

Dần dà tôi cũng biết lý lịch của từng người, dựa vào nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu cứ theo lời tự thuật của từng người thì ai cũng bị hàm oan cả. Tướng cướp San Mỹ Ðình chỉ mua một khẩu súng nhựa cho đứa con thôi nôi bị bắt oan khi ngồi trên yên sau xe Honda 90 của người bạn thân anh mời đến dự tiệc. Các nguồn tin khác xác nhận anh là tên cướp có súng chuyên nghiệp, và lúc bị bắt, trong người anh còn giữ hai băng đạn Colt 12. Anh được tin nghiệm làm tổ trưởng vì bị tạm giam ở đây lâu nhất, 27 tháng. Nhờ thế anh thuộc vào hạng trưởng lão, chẳng những thuộc làu mà còn biết rõ xuất xứ của mấy trăm điều lệ của tất các phòng A, B và khu biệt giam. Gặp các trường hợp phức tạp không biết phải xử phạt thế nào, đại diện trại, phó đại diện, trưởng phòng, phó phòng, phải thân hành xuống tổ 1 xin ý kiến của anh. Mỗi lần như vậy, không bao giờ anh không vòi cho được một thứ biệt đãi nào đó: lon nước sôi pha trà, cái khăn thấm nước để lau mặt, nửa điếu thuốc rê, một bi thuốc lào...

Tổ phó Võ Kẹo không hiếp dâm người quá cố, nhưng làm một cái nghề lạ: anh a tòng với người gác dan nghĩa địa Chí Hòa, đêm đêm đào mồ những người giàu mới chôn cất để lấy quần áo liệm và quan tài gỗ tốt đem bán. Mới nghe đến cái cách mưu sinh quái dị, tôi nhìn Võ Kẹo sững sờ. Trước đây tôi nghe đồn ngôi mộ của cô đào cải lương Thanh Nga cũng bị kẻ gian quật lên, để lấy chiếc quan tài đáng giá 5.000 đồng tiền mới, nhưng tôi không tin. Làm gì có chuyện ghê rợn như vậy! Bây giờ thì chính kẻ đào mồ đang ngồi chồm hổm trước mặt tôi đây, đôi mắt lộ chăm chăm nhìn tôi một cách hồn nhiên trẻ con. Lúc đó, tôi ngửi thoang thoáng thấy mùi hăng hắc chua chua của xác chết bắt đầu thối rữa hãm bằng thứ rượu cồn rẻ tiền. Dĩ nhiên tôi chỉ tưởng tượng thế thôi, vì Võ Kẹo nổi tiếp khắp trại vì cái tính sạch sẽ thái quá. Anh có thể nhịn khát, để dành nước để lâu lâu đem ra rửa sạch hai bàn tay và lau kỹ mặt mũi. Méo mó nghề nghiệp chăng? Hay sự trớ trêu của số phận? Tôi thắc mắc không hiểu vì sao Kẹo lại được xếp vào một tổ ưu tiên như tổ 1, chẳng những thế, còn được làm đến tổ phó. Phải chờ cả nửa tháng sau tôi mới hiểu. Anh chàng phu huyệt tự nguyện không đúng giờ ấy được vợ mê như điếu đổ. Chiều nào vợ anh cũng thơ thẩn bên ngoài vòng rào trại giam, hy vọng anh được cắt cử đi lao động để nhìn cho được cặp mắt lộ và nước da tai tái của người chồng thân yêu. Không gặp được chồng, chị lân la đến gần khu nhà bếp, quăng vào một bao Samit để nhờ chuyển cho anh. Từ bốn tháng nay, việc đó đã thành thông lệ. Gói Samit đến tay anh chỉ còn 4, 5 điếu. Nhưng những tên vô lại lớn nhỏ lấy bớt thuốc thơm của anh đã âm thầm áy náy và tìm cho anh một thứ ưu đãi. Anh được chuyển từ tổ 8, tổ kỷ luật gần sát nhà cầu, về tổ 1. Cái tội hiếp dâm (con xin lỗi Cha nhé, chuyện tù thì thánh khiết làm sao được), cái tội hiếp dâm phải dành cho cậu nhỏ tuổi nhất tổ tên Lâm Quảng. Cậu con trai 19 tuổi mặt còn đầy mụn ấy một mực kêu oan, tuy cái thú trong tù của cậu là phóng đại những thành tích chơi bời còn non nớt của mình để tự biến thành một thứ Don Juan lão luyện. Cậu được San Mỹ Ðình bắt chẹt trưởng phòng để lôi cậu từ tổ 5 về tổ 1, theo ý tôi, chỉ vì anh cướp có súng xa vợ lâu quá, những 27 tháng 12 ngày ròng. Nghe kể chuyện chơi bời, đối với tổ trưởng cũng tối cần thiết như là được uống, được ăn, được thở, được gãi. Quả tình Lâm Quảng bị oan đến một nửa, vì cô gái xấu số nạn nhân của cậu là một gái điếm chuyên nghiệp, hàng đêm đứng dựa gốc cây dọc đường Xô Viết Nghệ Tỉnh (trước kia là đường Hồng Thập Tự) để đón khách. Công nhân hạng bét của Công ty xây lắp lương 45 đồng, cậu đã từng bị những gái điếm đứng đường lừa nhiều lần. Cậu đâm hận. Vồ được một gái điếm xấu xí ế khách, Quảng cùng hùn với một người bạn làm bảo vệ cơ quan dẫn cô Nga về ngay nhà kho của xí nghiệp. Sau khi thỏa mãn, hai người móc súng ra, chẳng những không trả tiền mà còn lột của cô điếm một sợi dây chuyền vàng giả. Cô điếm tên Nga mạo xưng là gái nhà lành đi tố cáo chuyện động trời với công an khu vực, để rồi chính cô cũng bị bắt vì tội hành nghề mãi dâm. Trong các câu chuyện hấp dẫn Quảng thường kể hằng đêm cho cả tổ há hốc miệng mà nghe. Nga trở thành một cô gái có đôi mắt bồ câu, tóc dài chảy xuống quá lưng thon, ngực nở như ngực tài tử Brigitte Bardot, đùi dài như của Cyd Charisse. Rủi cho Quảng là hai tuần sau ngày tôi vào, San Mỹ Ðình nhìn mặt được cô Nga lúc đó được phân công ra nhà bếp nhận cơm cho phòng nữ. Tướng cướp sắt đá thất vọng ê chề. Lâm Quảng bị liên luỵ, và liền buổi chiều cùng ngày, bị chuyển về tổ kỷ luật. Ủa, tôi lại sa đà vào chuyện tẹp nhẹp rồi! Sao ạ? Cứ kể như thế ư? Sợ không bao lâu nữa đã đến giờ giao thừa nhất! Tôi xin kể gọn lại vậy. Hai cậu thanh niên còn lại, một tên Lang, một tên Hùng Bà Chiểu. Lang là người lúc nãy tổ trưởng gán cho cái tội “bán đứng mộ bia” ấy. Dĩ nhiên là tội bịa. Làm gì có thứ tội lỗi kỳ cục thế! Thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, bị gạch tên khỏi sổ hộ khẩu, trở thành gánh nặng của gia đình đang hồi cùng quẫn, cậu “bán đứng” tình cậu cháu bằng cách dẫn bạn đến cướp vàng ở nhà ông cậu mới giàu nỗi nhớ buôn hàng chợ trời. Lang có hai cái tật đem về cho cậu thật nhiều cái lợi. Cái tật mỗi lần ngủ ưa gác hai cái chân mập lên người bên cạnh khiến ai cũng né tránh, nhờ thế cậu luôn luôn được chỗ rộng. Cái tật hay soi mói và lý sự, buổi kiểm thảo và phê bình nào cũng giơ tay đầu tiên và nói nhiều nhất. Chức sắc nào trong phòng cũng có tì vết, nên Lang được chuyển về tổ ưu tiên cho cậu bớt bạo mồm bạo miệng. Hùng Bà Chiểu là học viên của trường cải tạo công nghiệp Duyên Hải, nơi tập trung các thanh niên do nhiều lý do sống vất vưởng ngoài vòng pháp luật. Bốn lần trốn khỏi trường, bốn lần bị bắt lại. Hùng chỉ là “hàng gửi tạm” vì trường cải tạo Duyên Hải thuộc về Thành đoàn chứ không thuộc quyền công an. Còn chỗ nào gửi tạm tiện cho bằng tổ 1?

Ba người đứng tuổi kín đáo ngồi tách xa đám trẻ ồn ào, mãi về sau tôi mới bắt chuyện được. Cụ Ruật mắc tội vượt biển, bị bắt lúc thuyền vừa rời khỏi bến Bình đông. Bác Phước người hay mở đầu câu chuyện bằng câu “ở đời không có gì ở được ngoài lẽ phải” bị giam 8 tháng không xét hỏi vì tội say rượu đem tổ trưởng dân phố ra chửi đổng. Cuối cùng là Ðông y sĩ Lê Hồng Thăng, cán bộ y tế dân tộc từng tập kết và học thuốc ở ngoài Bắc, lúc nào cũng kè kè bên mình cái hộp đựng kim châm cứu và rất ít thích góp chuyện. Ông bị bắt vì tội cho bạn mượn căn nhà do nhà nước cấp làm chỗ hội họp của đám bạn bè đang tính kế trốn khỏi nước, và có cái tật lâu lâu (nhất là về khuya) giữa lúc cả phòng yên lặng, ông thở dài rồi đọc chậm câu thơ Kiều:

Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay. Ðấy, tám người vào trước tôi, cộng với tôi nữa làm thành con số chín may mắn. Tổ 1 chịu đựng sự ghen tị của bảy tổ khác không oan uổng tí nào. Trong khi các tổ khác nhân số từ 15 trở lên, tổ 1 chỉ có 9 người. Tổ kỷ luật số 8 gồm những người ghẻ lở, sốt rét, ho lao, cùi, và phạm kỷ luật, nhờ nằm sát nhà cầu được giữ nhân số 14, do sự khoan dung của trưởng phòng. Sự bất công lộ liễu quá, nên vào những ngày lễ trọng như Lao động quốc tế 1-5, sinh nhật “bác Hồ”, số người bị bắt tăng vọt quá nhanh, tổ tôi bắt buộc phải nhận thêm một số người nữa. Nhưng không lúc nào toàn tổ vượt quá con số 13 xui xẻo.

Sau khi tôi đem 4 điếu Ðà Lạt còn sót lại trong túi áo ra mời 8 người hút chung, tổ trưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn học nội qui cho anh phu huyệt. Võ Kẹo lấy tấm nội qui bọc trong bao ni lông đã ám khói ra đưa cho tôi, căn dặn:

- Chú rán học thuộc đi. Càng sớm càng hay, ở đây có nhiều người Hoa không nói được tiếng Việt, nhưng học mãi, cuối cùng có thể đọc ngược được đấy. Học bản nội qui chín điều này trước đã. Vị linh mục chen vào nói:

- Chắc ở đâu cũng giống nhau chứ gì. Có phải bắt đầu bằng câu: “Ðể bảo đảm yêu cầu giam giữ can phạm đúng chính sách của chính quyền cách mạng, nay qui định”.

Anh kỹ sư cũng hỏi:

- Có phải điều 1 là: “Can phạm khi vào trại phải chấp hành nghiêm chỉnh các điều qui định của trại giam và tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh của cán bộ phụ trách?”.

Ông thiếu tá đọc tiếp, giọng ê a như trẻ con trả bài:

- Ðiều 2: “Phải thật thà khai báo các tội lỗi và hành động sai trái của bản thân và đồng bọn, không được giấu diếm bất cứ điều gì”. Ðiều 3: “Không được tự ý liên lạc với người bên ngoài và người khác khi chưa được phép của cán bộ phụ trch”.

Cả bốn người đều cười thông cảm. Chàng kể tiếp:

- Chúng ta đều là những người tù gương mẫu. Trí nhớ chúng ta còn khá lắm. Chín điều nội qui, các bạn đều biết cả rồi. Nói cho đúng hơn, hầu hết đàn ông ở miền Nam Việt Nam đều thuộc nằm lòng tôi khỏi cần dài dòng nữa. Nhưng đáng sợ hơn là phải nhớ thêm 45 điều qui định của ban giám thị, và hơn hai trăm điều lệ của phòng. Nội qui chỉ nêu lên những nét chung. Chẳng hạn điều 4 bảo phải giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh chung trong trại giam. Giữ gìn thế nào? Làm sao? Cần phải có những chi tiết cụ thể chứ! Khi nãy tôi vừa kể lúc mới bước vào cửa ngục, cả phòng đã hốt hoảng bảo tôi ngồi xuống khi trưởng phòng mở cửa đi ra ngoài. Tôi luống cuống hoang mang vì không hiểu gì cả. Hai lần trước có gặp cảnh ngộ lạ lùng ấy đâu. Ðiều lệ riêng của phòng A trại giam Cầu tre đấy. Vì muốn “bảo đảm yêu cầu giam giữ can phạm” và “giữ gìn an ninh trật tự chung”, không biết vị trưởng phòng tiền nhiệm nào đã đặt ra điều lệ: “Mỗi lần cửa sắt mở, tất cả phạm nhân đều phải ngồi xuống và giữ im lặng tuyệt đối, đang ăn cũng phải ngừng nhai để vừa đề phòng những người nhân cửa mở mà đào thoát, vừa chuẩn bị sẵn sàng để nhận lệnh của giám thị”. Vì phải “giữ gìn vệ sinh chung” mà điều lệ phòng định rõ “đi đái phải ngồi xuống như đàn bà để nước tiểu khỏi văng tung tóe, và vòi nước tiểu phải nhắm đúng vào lòng bàn cầu. Ai đi tiểu mà không nghe thấy tiếng nước rót kêu ùng ục tức là phạm kỷ luật, phải bị cách ly ngồi quay lưng nhìn vào tường suốt 3 ngày”.

Bất cứ mọi hành động nào dù nhỏ nhặt tối cần như ăn, ngủ, ỉa, đái, ngồi, đứng, gãi, tắm... đều có ít nhất là 4 hay 5 điều lệ qui định rõ. Chín điều nội qui như cái sườn của một nhân sinh quan. Bốn lăm điều của giám thị là rui mè của tòa nhà triết lý ấy. Còn mấy trăm điều lệ phòng là thiên hình vạn trạng biểu lộ của sự sống theo kiến trúc của triết lý vĩ đại. Vì vậy không có giấy bút nào ghi đủ các điều lệ, cũng không có ai nhớ hết. San Mỹ Ðình, vị trưởng lão cao niên đến thế mà còn chưa nhớ hết, huống chi lính mới như tôi. Và vì không biết thế nào là phạm hay chưa phạm vào nội qui, nên mọi người đều nơm nớp lo âu.

Nghe nói xưa kia các đồ đệ chân truyền của Ðức Khổng phu tử vì giữ lễ nên không dám bước lên chỗ đất chưa sạch, sẵn sàng rẽ cỏ trước khi đặt chân xuống đất mà đi. Tình cảnh chúng tôi còn nghiêm ngặt hơn họ nhiều lắm! Không cẩn thận thì thế nào buổi họp kiểm điểm mỗi tối mình cũng bị người ta nêu tên lên chất vấn, hạch hỏi, cân nhắc công khai tội lỗi rồi biểu quyết chọn một hình phạt. Cho nên hễ ăn cơm tối xong là tôi ngay ngáy lo lắng, không hiểu suốt một ngày qua mình đã vô ý phạm vào điều thứ một trăm chín mươi mấy trong hơn hai trăm điều. Tôi đã đứng tuổi, không muốn làm cái đích cho các cuộc thị phi! Các bạn cũng tưởng tượng dễ dàng được không khí trang nghiêm của các buổi tối kiểm điểm ấy. Và riêng nhu cầu bảo đảm cho sự nghiêm trang cần thiết trong các buổi xưng tội, cũng có gần 20 điều lệ: Cách báo cáo, cách giơ tay, cách đếm số, cách ngồi, cách nhận khuyết điểm, cách cám ơn sau khi được phê bình. Và xin lỗi Cha trước, có cả điều lệ qui định cách đánh rắm trong các buổi kiểm điểm nữa. Tôi không nói ngoa đâu! Ðiều 183 qui định rằng: Nếu đang ngồi họp kiểm điểm mà mắc trung-tiện, phạm nhân phải khép 5 ngón tay lại và giơ thẳng cả bàn tay phải lên (khác với cách xin phát biểu ý kiến chỉ giơ ngón trỏ). Sau khi trưởng phòng gật đầu chấp thuận, phạm nhân mới được bỏ hàng đi ra phía sau, đứng đó chờ đánh rắm xong mới được trở lại vị trí. Nhịn không được, đánh rắm ngay trong cuộc họp sẽ bị xem như vi phạm điều 4 nội qui (không giữ gìn vệ sinh chung, làm mất trật tự công cộng). Và bị phạt 4 ngày cách ly toàn diện. Bộ máy tiêu hóa của tôi tốt nên suốt tuần lễ đầu chưa phải học đến điều lệ phức tạp ấy. Tôi chỉ biết đến điều số 183 khi Tạ A Sáng nhập trại vào cuối tháng 3.

Phải, Tạ A Sáng là người Hoa. Tôi vào tù được một tuần thì tổ 1 có thêm hai lính mới. Lê Ðặng, người được San Mỹ Ðình gắn cho chức thủ trưởng cơ quan xổ số kiến thiết đường 30-4 (xưa là đại lộ Thống Nhất) được đặc ân của giám thị cho chuyển từ tổ 8 sang tổ 1. Ðúng Lê Ðặng là công an bảy mươi hai phần đầu. Người Hà Nam Ninh, nhập ngũ đi B từ 1966. Chiến đấu ròng rã chín năm ở chiến trường khu 9. Ðược cho đi học khóa sĩ quan và năm 1975 đang mang quân hàm thiếu úy. Chuyển ngành làm phó công an phường 20 quận 5. Theo Ðặng thuật lại thì chỉ vì tự ý lấy một cô gái Long An làm vợ tuy đã vợ con đùm đề ngoài Bắc nên bị sa thải ra khỏi ngành. Không về Hà Nam Ninh, xuống Long An làm ruộng với người vợ trẻ. Dĩ nhiên vì không còn làm công an nữa nên túng bấn lắm. Một hôm nhớ quê quá, Ðặng mò lên Sàigòn, tìm bạn cũ hiện tại chức để xin lộ phí về Hà Nam Ninh. Bạn bè tránh Ðặng như tránh hủi. Không còn cả tiền mua cơm dĩa đầu đường chứ đừng nói đến tiền lộ phí về Bắc. Lang thang đến đường 30-4 xem “dinh Tổng Thống ngụy”, xem “ngũ giác đài của Mỹ ở Sàigòn”, rồi số mệnh đưa chân lang thang đến hội trường xổ số kiến thiết. Ðột nhiên Lê Ðặng nẩy ra sáng kiến. Anh nhặt một tờ vé số vừa xổ đem về cạo sửa nắn nót cho ra vé số trúng 50 đồng. Kể ra anh cũng nhát gan và có ít cao vọng. Anh ra chợ Bến Thành bán được cho một chị chuyên mua vé số trúng lấy 45 đồng. Mừng khấp khởi, anh định rẽ phía cửa Tây ăn một tô phở Bắc đặc biệt. Ngay lúc đó, sau lưng anh có người la lớn: “Cướp, cướp. Bắt lấy nó!” Theo thói quen nghề nghiệp, anh lận lưng lấy súng. Không có súng nữa! Anh vừa đảo mắt nhìn quanh để sẵn sàng khóa tay tên cướp thì chị mua vé số kiến thiết chạy tới chụp lấy cổ áo anh. Chuyện anh chỉ có vậy. Anh bị trưởng phòng (cũng là cướp có súng như San Mỹ Ðình) đày đến tổ ghẻ lở vì là công an. Và anh được đặc ân chuyển về tổ 1 vì mãi bốn ngày sau, giám thị trại giam mới nhận ra anh là bạn chiến đấu ở khu 9.

Người lính mới cuối cùng là Tạ A Sáng, bị bắt vì tội móc nối vượt biên và lường gạt. Theo tôi, Tạ A Sáng được về ngay tổ 1 là nhờ cái mẽ ngoài tốt tướng của ông. Cao lớn, trắng trẻo, đầu húi cua, ông tạo cho người mới gặp cái cảm giác kính nể đối với một xì thẩu hạng bự. Cái mẽ đó phải có nhiều tiền, thật nhiều. Ðồ thăm nuôi phải hai giỏ lớn với đầy đủ các món ăn chơi lẫn lương khô, thuốc Samit, cà phê, sữa... Còn tổ viên nào đáng giá hơn đối với tổ trưởng San Mỹ Ðình và trưởng phòng Trần Bá Ngọc, hai tên cướp có súng bị giam trên hai năm và gia đình đã kiệt quê vì thăm nuôi. Nhưng cũng chính cái mẽ ngoài đó hại Tạ A Sáng. Vì gia đình ông nghèo đến độ kỳ thăm nuôi đầu tiên, vợ con chỉ bới cho ông một chai xì dầu, một gói dưa cải chua và một nải chuối xanh. Hỏi kỹ ra thì Tạ A Sáng sống bằng nghề vấn thuốc lá lẻ. Chuyện móc nối vượt biên và vụ lường gạt có vẻ như oan uổng thật. Vì lòng tốt, ông giới thiệu cho người bạn chỗ tổ chức vượt biên quen biết. Chưa đến đâu thì thuyền bị tịch thu. Người tổ chức vỡ nợ lánh mặt không trả vàng ứng trước của khách. Tạ A Sáng bị ngờ a tòng với chủ thuyền để lường gạt. Ông khổ sở thành khẩn như Khổng tử bị các đồ đệ nghi ngờ vì đi chung xe với một người đẹp lăng loàn. Vì lòng tốt mà ông gặp hoạn nạn, vào tù lại vì cái mẽ ngoài mà ông gặp liên tiếp các tai ương.

Thầy đồ thăm nuôi của Tạ A Sáng chẳng ra gì, trưởng phòng và tổ trưởng ghét ông ra mặt. Họ muốn tống ngay ông qua tổ 8, họ còn chờ là vì làm như vậy lộ liễu trắng trợn quá. Phải có dịp thuận tiện. Và dịp ấy đến ngay thôi! Tối hôm ấy trưởng phòng Trần Bá Ngọc đang chủ trì họp kiểm điểm thì ở phía nửa phòng bên phải có tiếng đánh rắm khá lớn. Da mặt Trần Bá Ngọc ngăm ngăm đen trở nên thâm tím vì giận. Thế này là thế nào? Mất vệ sinh, điều ấy đã rõ. Nhưng dám ngạo mạn đánh rắm giữa cuộc họp xưng tội long trọng, tội ấy không thể tha thứ được! Ai? Ðứa nào? Ngọc cho ngừng ngày phần phê bình để tìm cho ra thủ phạm. Một nửa phòng bên trái được phép đi ngủ sớm nhưng phải tuyệt đối giữ im lặng cho ban lãnh đạo hỏi cung. Nửa còn lại, tức là tổ 1, tổ 2, tổ 7 và tổ 8 phải ngồi lại họp tiếp để tìm cho ra thủ phạm. Ngọc yêu cầu người nào lỡ phạm điều 4 nội qui phải tự giác đứng dậy nhận tội. Không ai đứng lên cả! Quá lắm rồi! Xoa vuốt hứa hẹn đủ điều vẫn không có ai lên tiếng. Ngọc kêu gọi những người ở bốn tổ nên mạnh dạn tố cáo kẻ vi phạm để “xây dựng cho hắn thành con người tốt”. Ðiều nhỏ nhặt như vậy còn không dám nhận làm sao chấp hành nghiêm chỉnh được điều 2 của nội qui. Như vậy kẻ vi phạm không chỉ vi phạm điều 4, mà còn vi phạm điều 2. Ngọc tuy cũng là tù, nhưng là trưởng phòng. Giám thị trại giam giao nhiều quyền cho Ngọc. Ðương nhiên Ngọc cũng là “cán bộ phụ trách”. Ngọc kêu gọi tự giác, không nghe, tức là vi phạm luôn điều 1. Mỗi lúc tội lỗi của người lỡ đánh rắm mỗi chồng chất, khiến ai nấy nín thở không dám ho, không dám ngước mặt nhìn lên.

Ngọc tức giận quát lớn:

- Tôi làm trưởng phòng hơn một năm rồi. Không ai qua mặt được tôi đâu. Ðã không tự khai thì tôi có cách. Chẳng lẽ trên năm chục con người, trên một trăm lỗ tai mà không có lỗ tai nào nghe được tiếng đánh rắm hay sao? Ở đây có ai khai bị điếc đâu? Lần lượt bốn tổ trưởng đứng dậy cho tôi biết đã nghe đánh rắm ở phía nào. San Mỹ Ðình khôn ngoan nói:

- Lúc đó bác Phước ở sau lưng tôi nổi ho nên tôi không nghe được rõ. Nhưng vì tôi ngồi hàng đầu, nên chắc chắn người vi phạm điều 1, điều 2, điều 4 phải ngồi ở phía sau.

Trưởng phòng mím môi giận dữ nhìn San Mỹ Ðình, nhưng nhớ đến những lúc phải hạ mình vấn kế trưởng lão, Ngọc đành nuốt giận bỏ qua, hỏi tiếp tổ 2.

Tổ trưởng tổ 2 đáp:

- Anh em nên tự giác, vì theo tôi, anh trưởng phòng đã biết đích xác ai là thủ phạm nhưng anh không muốn làm to chuyện đấy thôi. Lúc nội vụ xẩy ra, tôi thấy anh Ngọc nhìn về phía bên phải của tôi. Như vậy thủ phạm phải thuộc về tổ 1 và tổ 8.

Tổ trưởng tổ 8 vội lên tiếng.

- Chính tôi nghe rõ tiếng đánh rắm. Nhiều người trong tổ tôi, từ nãy đến giờ cũng nghe rõ tiếng đánh rắm ở phía bên trái. Nếu có người nào trong tổ 8 làm xấu, anh em đã tự giác rồi. Ðến lượt tổ trưởng tổ 7:

- Theo tôi thì người lỡ dại phải ngồi phía bên kia đường vào nhà cầu.

Ghép bốn ý kiến lại, kết quả chập lộn xộn lên nhau không định được gì hết. Cả phòng thấy khôi hài mà không ai dám cười. Lang tổ 1 mau miệng như thường lệ:

- Theo tôi, phải rà lại những người đến hôm nay vẫn còn đồ thăm nuôi. Nay đã sang ngày thứ chín, cá thịt dù có muối mặn bao nhiêu, đến nay cũng phải lên mốc. Ăn vào đau bụng làm mất vệ sinh chung.

Nhiều tiếng xì xào phản đối, bất chấp đôi mắt hung dữ của tướng cướp trưởng phòng. Những người nhiều đồ thăm nuôi đều có thế lực, họ bạn là phải. Vả lại trong ý kiến của Lang, rõ ràng có nhiều ganh tị nhỏ nhen. Bây giờ San Mỹ Ðình giơ tay xin góp ý:

- Ðiều 183 qui định cách thức xin phép đánh rắm trong cuộc họp, không phải ai ai cũng biết. Những người cũ đã dự nhiều đêm kiểm điểm tất phải biết điều số 183. Ðã biết thì dù có đau bụng họ cũng biết giơ bàn tay phải lên xin phép. Thủ phạm phải thuộc vào số người mới vào. Ý kiến có vẻ hợp lý quá, nên được hầu như cả phòng đồng ý, những người giữ im lặng đều là dân mới vào, chưa đủ tự tin để mạnh dạn nêu lên các trường hợp ngoại lệ hoặc ngẫu nhiên không kiểm soát nỗi. Cho nên ý kiến của San Mỹ Ðình được dùng làm căn bản cho cuộc tra xét. Vấn đề căn bản bây giờ là giới hạn phân biệt tù cũ rành nội qui (hoặc ít ra là rành điều 183) và tù mới chưa thuộc luật. Bàn cãi hồi lâu, mới tạm chấp thuận tiêu chuẩn để được công nhận tù cũ là mười ngày. Hú vía cho tôi! Tôi vừa đủ mười ngày tù cần thiết để làm người không liên quan. Ðược đứng vững vòng ngoài. Số còn lại thu gọn trong vòng 9 người. Họ phải đến chỗ trưởng phòng “làm việc”, số vô can được phép ngủ. Nhưng có ai ngủ được đâu. Ðèn trong phòng đã tắt vì quá 9 giờ tối. Ngọn nê-ông ngoài hành lang chiếu hắt thứ ánh sáng ma trơi, khiến cuộc luận tội rì rầm càng thêm vẻ ma quái ở địa ngục. Dù lắng tai, tôi cũng không nghe được gì nhiều. Lâu lâu tôi phân biệt được giọng nói tiếng Việt ngọng nghịu của Tạ A Sáng. Càng khuya, Tạ A Sáng nói càng nhiều. Cách nói vừa có vẻ phẫn nộ, lại vừa chới với cầu khẩn. Ðến lúc kẻng bên ngoài trại giam đổi gác thì Tạ A Sáng được phép về ngủ bên cạnh tôi. Tôi hỏi nhỏ:

- Thế nào? Ðã tìm ra ai chưa?

Tạ A Sáng nói hơi lớn:

- Ngộ làm thì ngộ nhận liền. Ngộ thề là ngộ không địt, bắt ngộ nhận sao được. Tổ trưởng San Mỹ Ðình cảnh cáo;

- Quá giờ giới nghiêm không được nói chuyện. Coi chừng điều 4.

Từ đó không ai dám nói nữa. Sáng hôm sau đến giờ tập thể dục tại phòng, tôi thấy Tạ A Sáng được miễn. Ông được miễn dự tất cả mọi sinh hoạt kể cả họp phòng buổi tối để ngồi một mình suy nghĩ về hành động của mình. Trưởng phòng, tổ trưởng và 8 người tù mới sau một hồi lập luận đã đi đến kết quả xác quyết người đánh rắm phải là, nhất định là, đương nhiên là Tạ A Sáng. Tạ A Sáng thì cũng quả quyết mình không hề đánh rắm. Nhận một việc mình không làm, theo đúng lời Tạ A Sáng tối hôm ấy, dù lấy dao kê cổ ông cũng không nhận. Trần Bá Ngọc phải dùng biện pháp cách ly để Tạ A Sáng có điều kiện suy nghĩ chín chắn hơn. Từ đó về sau, hình ảnh Tạ A Sáng buồn rầu ngồi xếp bằng ở góc phòng làm cho cả tổ chúng tôi cảm thấy vướng víu với nỗi áy náy bất nhẫn. Ai cũng biết Tạ A Sáng không hề lỡ đánh rắm. Kể cả San Mỹ Ðình. Nhưng không phải Tạ A Sáng thì ai? Hơn một năm lão luyện trong nghề trưởng phòng của Trần Bá Ngọc chẳng lẽ chỉ thu được cái kinh nghiệm hão? Rồi còn nào là nhu cầu an ninh trật tự, nhu cầu giữ vệ sinh chung, nhu cầu bảo vệ uy tín cho các chức sắc! Phải có một thủ phạm! Phải có một thủ phạm nào đó!

Ngày đầu Tạ A Sáng ngồi thẳng lưng, bệ vệ vững chãi quá, nên chúng tôi yên tâm. Ngày thứ hai, mồ hôi ướt đẫm lưng áo mai-dô của ông. Tạ A Sáng cởi áo xếp lại cẩn thận, rồi đặt lên bắp vế bên phải để lau mặt. Mồ hôi làm mưng đỏ khắp lưng. Ông ngoặc tay ra sau lưng để gãi. Trên chiếc lưng trắng, bắt đầu có nhiều vết móng tay cào trầy trụa. Ông kiên nhẫn, im lặng chịu đựng. Ðến ngày thứ ba thì ông gãi liên hồi, ở lưng, ở háng. Mồ hôi nhỏ giọt trên mặt. Lớp true vô tình vẫn cười giỡn như không thấy Tạ A Sáng. Bọn già chúng tôi thì như đứng ngồi trên lửa đỏ. Lương tâm chúng tôi không yên.

Bác Phước thì thào với tôi:

- Ở đời không có gì ở được ngoài lẽ phải. Ðể rồi chú coi. Phải có một đứa thấy Tạ A Sáng hàm oan, tự đứng ra nhận lỗi. Chẳng lẽ trời cao không có mắt!

Trời cao mù từ lâu rồi nên không có ai nhận tội thay cho Tạ A Sáng như mong ước của bác Phước. Ông thầy châm cứu thì nói:

- Ngoài Bắc chúng tôi không lạ gì với những vụ thế này. Con trâu trắng tế lễ, đâu có tội tình gì. Xét một cách bao quát thì những điều oan uổng cũng cần thiết lắm. Luật vận động âm dương trong vũ trụ vạn vật đôi khi cũng tạo những chỗ khuyết hoặc tính hư huyễn...

Viện dẫn đủ thứ triết lý đạo học, nhưng tôi thấy rõ Lê Hồng Thăng cứ ray rứt, đứng ngồi không yên.

Bác Ruật đề nghị:

- Bảo ông ấy nhận quách cho nó yên thân. Tội gì làm khổ xác.

Tôi chống đối:

- Nhưng Tạ A Sáng có đánh rắm đâu. Bác Ruật bảo:

- Tôi bảo ông ấy đánh rắm hồi nào?

- Thế sao cụ lại khuyên ông ta nhận?

- Nhận thì đã sao?

- Trường hợp cụ bị chụp, cụ làm gì?

- Tôi nhận ngay!

- Nhận từ đầu hay về sau mới nhận?

- Ơ kìa, tôi có đánh rắm đâu mà nhận từ đầu!

- Thế sao về sau cụ đứng ra nhận chịu? Cụ Ruật nhìn tôi, đáp mơ hồ:

- Chú thêm vài chục tuổi nữa chắc khỏi hỏi tôi câu đó.

- Càng già càng buông xuôi phó mặc ư?

- Không! Càng già càng thấy có hay không cũng thế thôi!

Tôi bị cách nói của cụ Ruật mê hoặc. Phải, ta đang có hay đang không? Bên trong và bên ngoài tấm cửa ngục, ai mới thực là kẻ ở tù? Ðôi co nhau, hành hạ nhau trong cái khám chật này vì danh dự hão, nhân cớ một cái đánh rắm? Ôi thôi! Sao mà thối hoăng thế này! Sao mà ngu si quá lắm! Lúc đó tôi nghĩ như vậy, nên không chờ ai xúi, chính tôi đến khuyên Tạ A Sáng nên nhận lỗi. Tạ A Sáng đang gãi, vội ngửng phắt lên, giận dữ nói:

- Ngộ có địt đâu mà bảo ngộ nhận. Tôi nói:

- Nhưng tôi có bảo nị địt đâu. Tôi bảo nị nhận cho khỏi phải khổ thân.

- Không thì nhận là không. Sao lại nhận có?

- Không nhận thì phải ngồi hoài. Tạ A Sáng im lặng suy nghĩ. Tôi chờ. Một lúc sau, ông hỏi:

- Có phải thằng Ngọc bảo chú nói ngộ nhận không? Hay là thằng Ðình.

Tự ái bị va chạm, tôi giận dỗi nói:

- Nị xem thường tôi quá. Thấy nị khổ thân, tôi không yên tâm.

Tạ A Sáng cảm động, hỏi nhỏ:

- Mà chú có nghĩ là ngộ có không? Tôi đáp:

- Không bao giờ tôi nghĩ vậy.

- Bác Phước, già Ruật, ông Thăng có nghi cho ngộ không?

- Không ai nghi cho nị cả. Cả phòng đều biết nị oan.

Tạ A Sáng mếu máo:

- Cả phòng đều nghĩ ngộ oan, sao còn bắt ngộ ngồi?

Tôi không biết trả lời thế nào nữa. Tâm hồn tôi nặng trĩu. Sáng hôm đó lại đến kỳ thăm nuôi. Nhà tôi gửi cho tôi một lon Guigoz cháo đậu xanh nấu với lòng gà. Cháo nấu ngon, nhưng tôi nuốt không vô. Một phần vì tôi biết số tiền nấu lon cháo này là tiền chợ hai ngày của toàn gia đình tôi. Một phần vì tấm lưng đầy mục của Tạ A Sáng. Tôi sớt cho Tạ A Sáng một nửa lon cháo lòng. Nhờ vào giờ nhận đồ thăm nuôi khỏi phải ngồi cách ly nên A Sáng được tự do bưng húp nửa lon cháo. Ăn xong, ông liếm mép ra vẻ thèm thuồng, rồi chia bao thuốc vấn cây nhà lá vườn ra mời. Hôm ấy chúng tôi không nói gì đến chuyện đánh rắm nữa, tuy đôi lúc, vô tình bắt gặp ánh nhìn của nhau, chúng tôi cùng nhớ đến cuộc đối đáp hôm trước. Ðến ngày thứ năm thì Tạ A Sáng tự động xin gặp trưởng phòng, và thú nhận đêm đó đã lỡ đánh rắm vì chưa hiểu luật 183, về sau nghe đe dọa dữ quá bèn chối luôn cho thoát nợ.

Trần Bá Ngọc mừng rỡ như nghe được lệnh phóng thích. Có thế chứ! Chẳng lẽ uy tín xây dựng hơn một năm nay phải sụp đổ như một cái lầu cát gặp sóng lớn! Ngọc hí hửng ra mặt, dành cả buổi tối sinh hoạt hôm ấy để ba hoa huênh hoang về tài xét người trị người của mình, rồi cao hứng tuyên phạt Tạ A Sáng ở mức độ nhẹ nhất: Năm ngày cách ly (đúng số ngày A Sáng đã ngồi xong) và bị chuyển sang tổ 8.

Ðấy, câu chuyện vui vui mà không thơm tho của tôi chỉ có vậy. Tôi kể chuyện kém, nhưng đêm nay dài dòng lê thê được như vậy là nhờ bài thơ thiếu tá đọc cho nghe đó, thiếu tá ạ!

° ° °

Chàng kể xong, ba người nghe không ai cười được một tiếng vui. Ông thiếu tá hay cười nói hả hê cũng không đáp lại lời chàng. Ngoài bờ biển một giọng nữ cao đang hát bài Con Thuyền Không Bến điêu luyện chẳng kém giọng hát của Thái Thanh. Bốn người yên lặng lắng nghe: Xong bài hát mà dư âm còn vang mãi ra xa thật xa, xa đến mút ngoài khơi đêm và đến tận dốc núi. Ban hợp ca ở sân khấu lộ thiên hát bài Ly Rượu Mừng. Chàng hỏi anh kỹ sư, người có mang đồng hồ:

- Còn bao lâu nữa thì đến giao thừa?

- Còn mười lăm phút nữa.

Vị linh mục vội đứng dậy:

- Tôi phải lên nhà thờ để dâng Thánh lễ. Chàng bắt tay vị Cha xứ, rồi quay lại nói với thiếu tá:

- Mười lăm phút! Vừa đủ để chú bé mang dép ngược của Thiếu tá đổi chân đấy. Cầu chúc năm mới rành rẽ phân minh hơn, phải ra phải trái ra trái. Cầu cho chân lý phục sinh. Phải không thiếu tá?

Chờ thật lâu, chàng vẫn không nghe trả lời. Suốt mười ba phút năm còn lại, dưới biển, chỉ có tiếng sóng vỗ đáp lời chàng. Bên kia bờ suối, thêm một tiếng vượn hú lạc lõng, chới với.

Nguyễn Mộng Giác

Ðảo Kuku, Nam Dương

Tháng 12-1981


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx