sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 1/12

Tiểu Muội còn đi học, điều đó là cái chắc. Tiểu Muội cũng có thể không đến trường, điều đó dám xảy ra. Tiểu Muội đang xin việc làm vì thất nghiệp, điều đó lại càng hợp tính thời sự. Nói chung Tiểu Muội cực kỳ biến hóa như Tề Thiên Ðại Thánh, cô muốn làm thứ dân cũng xong. Cô có đủ ba yếu tố vừa kể: đi học, không đến trường, và đang xin việc làm. Bởi vì bây giờ là nghỉ hè, mà Tiểu Muội thì chẳng muốn ở không. Mùa hè là mùa của vọng cổ và tân nhạc. Còn hỏi nữa, tiếng bầy ve buồn não ruột thì còn thấm hơn sáu câu của anh chàng kép mùi. Cô sợ điệu Nam Ai quen thuộc trên những cành phượng đỏ nên mắt cứ mở về một nơi xa xôi. Nơi chốn ấy xôn xao tiếng guốc mộc đến nỗi khua lên thành tân nhạc. Ai sẽ hát một bài ca về tuổi mới lớn? Ai sẽ làm dậy thì những thổn thức khó hiểu trong tim cô?

Chỉ cần biết hôm nay Tiểu Muội vừa mười bảy tuổi. Người ta phải làm gì khi vừa đúng mười bảy tuổi? Xin thưa, đầu tiên là phải soi gương, thi sĩ Nguyễn Nhựơc Pháp nói như vậy mà: Sớm mai đi Chùa Hương- hoa cỏ mờ hơi sương-cùng thầy mẹ, em dậy-em vấn đầu soi gương… Nhưng ở thành phố thì làm sao tìm ra Chùa Hương được, ở Sông Bé thì có Chùa Bà, ở Sài Gòn thì có Chùa Vĩnh Nghiêm, hai chùa này cô không thể nào tu dễ dàng, lại còn cái màn vấn đầu nữa Chúa ơi, Tiểu Muội chỉ có mái tóc thề, cô thích mặc áo dài chứ không thèm chơi áo tứ thân, khăn mỏ quạ, mái tóc của cô đẹp đến nỗi nhiều anh chàng chỉ muốn cướp về làm rèm cửa che chở cuộc đời mình. Vậy là xong chuyện thứ nhất: cô vừa tròn nhiệm vụ soi gương. Nào, người ta còn phải làm gì khác khi vừa đúng mười bảy tuổi? Hãy coi Tiểu Muội hành động công việc thứ hai:

- Má ơi!

- Gì đó Lụa?

A, té ra Tiểu Muội tên Lụa, Phan Thị Tơ Lụa, sư phát hiện này tuy muộn màng nhưng lại rất giá trị đối với ngưòi nào định viết tiểu thuyết về cô.

- Má cho phép con ra phố một chút.

- Mới bảnh mắt mà đi đâu đó Gái?

A, té ra Tiểu Muội còn có tên là “Gái”, cái tên này thì chẳng tượng hình được điều gì, cái tên có vẻ nguyên thủy quá.

- Con đi xin việc làm.

- Trời đất, con mới mười bảy tuổi mà.

Cô bé Lụa mân mê cái gương soi.

- Vì mười bảy tuổi, con mới đi xin việc làm, con tìm được chỗ rồi má ơi.

Bà mê hốt hoảng chạy từ dưới nhà bếp lên, có lẽ Thượng đế đang quan sát bà mẹ. Khuôn mặt trái xoan phúc hậu, nước da trắng, chiếc áo bà ba màu mỡ gà, chỉ có vầng trán mới nói lên được trái tim người mẹ, vầng trán nhăn và chịu đựng. Bà khổ tâm nhìn công trình sống động của mình, một cục thịt đỏ hỏn qua phép lạ thời gian đã bắt đầu trổ mã. Cô bé Lụa đã trở thành một thiếu nữ hoàn toàn.

- Con không tự tiện đi một mình được đâu!

- Con đi được.

Cô quàng lưng mẹ nũng nịu.

- Má phải nhớ có người gọi con là Tiểu Muội rồi nghe.

- Ai vậy Gái?

Mặc cho bà mẹ ngạc nhiên, cô bé líu lo như chim:

- Trong chuyện, trong phim đó, má biết không? Rất nhiều cô được gọi là Tiểu Muội lúc mười bảy tuổi như con vậy.

- Toàn là chuyện tầm phào!

Bà mẹ cười một cách yên lòng:

- Nhưng con định làm cái gì, má không nuôi nổi con sao?

Lụa tự nhiên không nói được, cô bé hay muốn khóc, lát sau cô ngập ngừng:

- Con không muốn má bán bún riêu cực khổ nuôi con ăn học, con muốn… giúp đỡ má… Má từng kể cho con nghe chuyện Nhi Thập tứ hiếu, ai cũng tìm cách giúp đỡ được cha mẹ, con phải bắt chước họ… Má biết không, báo chí đăng tin có một cơ quan du lịch đang cần người, mà con thì khá sinh ngữ, con định…

Lụa không còn hứng làm thuyết trình viên được nữa vì ngó cái miệng méo xệch của má kìa, má im lặng hôn lên mái tóc còn thuộc độc quyền của bà ít ra là bây giờ. Bà nói nhỏ nhẹ:

- Má chỉ có mình con, ránh mà giữ mình, đời này nhiều cạm bẫy lắm nghe Gái, phải chi còn ba con…

Bà ngước nhìn lên bàn thờ, nhà dù nghèo mấy cũng phải cho ra nề nếp. Hồi ba Lụa còn sống, có phải ông thường thì thầm vào tai bà như thế này không: “Con gái của mình dưới gốc mận bà Tư hàng giờ. Ðâu phải nó thèm ăn mận mà chờ sung rụng vậy mà. Nhưng đâu phải nó làm biếng mà nó tin vào mơ ước của nó mãnh liệt lắm. Có lần một trái mận xanh lè rớt xuống như ý nó, em biết con Lụa làm sao không? Em coi, con mắt nó mở ra thiệt lớn, và nước mắt từ đó chảy ra. Nó bị súc động mạnh.” Lúc ông nói, bà mẹ chưa để ý đến điều đó. Bà đang hưởng hạnh phúc qua những tiếng thì thầm cho đến khi ông kết luận: “ Con gái mình sẽ làm thơ hoặc mê thơ hoặc là một nàng thơ trong tiểu thuyết, chỉ có một trạng nguyên nào đó đế xỏ mũi nó dắt đi thì con Lụa mới hết mơ mộng. Nhưng mà thời buổi này có võng anh đi trước, võng nàng theo sau không em?” Ông nói đến đó và nắm tay bà âu yếm, đúng là hai ông bà đã gặp nhau gần như chuyện cổ tích, ông ở đầu non miền Bắc, bà ở cuối nẻo phương Nam, trời bắt họ dính liền làm một, với điều kiện khác hẳn bà Âu Cơ tổ tiên là họ chỉ được quyền sinh ra một đứa con gái.

2.

Lụa lặng lẽ dắt xe ra khỏi nhà, không quên liếc cây mận đang mùa trái chín. Gốc mận lớn vừa bằng một vòng tay ôm của Lụa, đỏ hồng lên bởi nhưng bã trầu bà Tư nhổ ra xung quanh. Bà Tư là hàng xóm của Lụa, nói đúng ra là hàng xóm của mê cô. Bà khó tính nhưng tốt bụng, nhà bà có một cái truyền hình màu, mỗi lần có chương trình Thơ của Ðài hay tiết mục Múa trên băng là bà kêu Lụa qua ngay, bởi một lẽ cô có thể giải thích cho hai ông bà hiểu về sở thích của tuổi trẻ, về ngay bản thân cô, vừa hiếu động vừa sâu lắng.

Ðó là chuyện của cây mận còn bây giờ là chuyện của Lụa. Cô giắt vạt áo dài trắng vào dây thun yên sau và đạp x3. Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là một con đường đẹp. hai hàng cây giao nhau hai bên đường thành một trần nhà màu xanh, cây lại ít khi bị đốn hoặc bị cưa làm củi nên các thiếu nữ như cô tha hồ mà mơ mộng với lá. Nghe má nói con đường này trước đây có tên là Công Lý, nhưng tại sự ưu đãi trên có vẻ bất công với các con đường khác nên phải đổi tên. Ðúng là má chẳng biết gì về lịch sử, má thích bún riêu cạn nhanh khi trời bắt đầu đứng bóng cơ, tội nghiệp má.

Cô bé quên mất má ngay khi đèn đỏ bật lên, cũng may xe đã kịp thắng lại. Có tiếng cười của hai thanh niên chở nhau trên chiếc Honda dừng bên cạnh:

- Ðổi nhân sự đi cô bé, qua đây anh chở cho, bạn anh đi xe đạp tài lắm.

Thêm một giọng nam cao khác:

- Anh biết cách bình tĩnh trước đèn đỏ mà.

Mặt Lụa lạnh như tiền, cô quen chuyện này như quen ăn cóc trong giờ tan học. Cô bé làm lơ đưa mắt qua hướng một người xích lô già bị phạt vì dám chạy qua đường cấm. Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là đường cấm sao, thảo nào thật nhiều xe hơi và biệt thự dành cho khách nước ngoài. Chắc mấy ông làm luật lệ sợ người ngoại quốc coi thường những phương tiện thô sơ bản xứ? Thật ra Lụa và bạn bè cô gặp họ vẫy xích lô thường xuyên, họ còn có vẻ khoan khoái là đằng khác. Tội ông già bị phạt lãng nhách. Lụa tội nghiệp hết má rồi đến người phu xích lô già. Cô chưa biết số phận của mình. Rồi cô sẽ được biết thế nào là tội nghiệp.

Cô dừng xe trước một cơ quan lớn, hàng chữ hình như viết trật văn phạm nếu Lụa cảm thấy mình không quá dốt tiếng Anh, cô gửi xe đạp và bước qua người gác cổng tự tin hơn bao giờ hết.

- Chắc là con gái ông giám đốc?

Gã thanh niên vừa lúc lắc chùm chìa khóa vừa nói bóng gió. Anh ta không biết con bé học trò có biệt danh là Tiểu Muội kia đã mười bảy tuổi. Cô đang bẻ gãy sừng trâu bằng tờ báo đăng mục tìm người làm cầm ở trong tay.

- Em đi đâu đây?

Lụa lí nhí trong cổ họng khi bị một người đứng tuổi mặc veston thắt nơ đỏ chặn lại.

- Dạ, cháu đọc báo thấy ở đây cần người làm.

Cô lục trong túi xách tìm tờ báo, nhưng anh ta búng tay

- Không cần thiết, tôi tên Tám, anh Tám chánh văn phòng, em lại đằng kia ngồi chờ đợi.

Chỉ chờ có thế Lụa bước về góc anh ta chỉ, cô không chịu nổi mùi nước hoa chỉ dành cho đàn bà đang toát ra từ tấm thân to bè bè bệ vệ đó. Người đàn ông tên Tám đến bên chiếc máy điện thoại kiểu mới, anh ta không gọi điện thoại, anh ta hôn cái chụt vào một bên má người phụ nữ mặt đầy phấn đang gác cằm lên máy.

- Tướng con nhỏ như đầm, cưng thấy thế nào là lưng ong chưa? Ðó. Vậy đó. Tại sao nó lại mặc áo dài? Mặc váy thì tuyệt. Con nhỏ như Claudia Cardinal. Cho làm việc trên Ðà Lậ là nhất. Sao, cưng nói gì? Ghen à? Cuộc đời này phải thay cảm giác như thay quần áo. Ðó. Vậy đó.

Cũng may Tiểu Muội không nghe được, mà cô cần quái gì phải quan tâm đến người đàn ông tên Tám kia. Cô đem mười bảy tuổi của mình quẳng xuống dãy ghế bọc nệm ngồi chờ đợi. Chờ cái gì? Không ai biết, việc làm cho khả năng thơ dại về sinh ngữ của mình ư, thì cứ việc ngó ra xung quanh: hơn bốn mươi thiếu nữ mơn mởn, họ bước vào trường giác đấu La Mã của nghề du lịch để cuối cùng chỉ được chọn hai người. Và chọn xong để làm gì? Chưa biết. Chỉ biết trước mắt hơn bốn mươi sinh vật được cưng chiều nhất đối với hơn bốn mươi người đàn ông sau này đang tỷ thí với nhau. Lụa tuyệt vọng, cô đưa mắt cầu cứu những kẻ đồng hành, vô ích, họ đang thích thú khen chê lẫn nhau, máu con gái mà.

- Ê, con nhỏ kia chơi đồ mô-đen quá. Phải biết vậy tao xài cái áo nhung hở lưng thì trên “cơ” rồi.

- Chưa chắc, mày thấy em bé áo dài trắng mới vô không, lạng quạng trúng tuyển nghe, mấy cha du lịch khoái cây nhà lá vườn lắm.

- Mày làm như thi hoa hậu áo dài không bằng…

- Thì vậy đó bồ tèo, bộ mày tưởng vô đây chỉ để làm hướng dẫn viên du lịch hả?

Lạy Chúa, Lụa lạnh toát cả người, cô không sợ họ đụng chạm gì về mình qua những lời khen chê kinh nghiệm va sành sõi, họ hơn tuổi cô mà, họ có quyền. Nhưng cô sợ mục đích của sự tuyển dụng. Nếu thế thì… Lụa chưa kịp đứng dậy thì đã bị một bàn tay ấn xuống. Bàn tay thon thả như tơ và biết trườn như rắn.

- Trời đất, mày hả Lụa?

Lụa ngước nhìn lên, cô vừa chán nản vừa ngạc nhiên.

- Ủa, Phù Thủy!

Một khuôn mặt búp bê đẹp sớm trước tuổi nhìn cô phân trần:

- Suỵt, đừng hét tên biệt danh của tao lớn như vậy, đây không phải là sân trường…tao cũng phiêu lưu như mày Lụa ơi.

Ðúng rồi, ở đây xuấy hiện Phù Thủy thì cơ quan này sẽ bị “ếm bùa” mất, họ sẽ đuổi cổ bạn của Lụa đi ngay, biết điều hai đứa nên tìm một chỗ nào đó kín đáo mà tán chuyện.

Hai cô lôi nhau xuống quán Cà phê Vidéo phía sau phòng chờ đợi.

- Cho hai ly ca cao sữa nóng.

Phù Thủy tỉnh bơ gọi người hầu bàn. Một thanh niên tiến lại theo điệu nhảy Slow, trên cổ anh ta cũng thắt một cái nơ đỏ, đáng lẽ cái nơ này phải nằm trên tóc các cô chứ.

- Chào hai công chúa.

- Tụi này không cần làm công chúa, mà cần ca cao thôi bạn ơi.

Nhìn hắn tiu nghỉu bỏ đi, Phù Thủy cười ngất:

- Mày biết tao thừa tiền mà Lụa, Tao chẳng những là con nhà giàu mà con là Phù Thủy nữa nghe. Ơ, sao ngồi chi buồn hiu vậy Muội?

Lụa buồn thật. Buổi sáng trở nên vô lý hết sức khi hai cô học trò cùng đi kiếm việc làm, cứ như một trò chơi nhảy dây, đánh đũa lúc còn bé bỏng. Cô thấy mình giận dữ:

- Tao thì đã đành, tao muốn giúp đỡ má tao, còn mày đâu đến nỗi túng thiếu, nhà mày còn nuôi người làm mà Len?

Té ra thì Phù Thủy tên cúng cơm là Len, Len đi cùng với Lụa, hai loại vải mịn màng khác nhau, cái dùng cho mùa lạnh, cái dùng cho mùa nóng. Mà thật vậy, hãy nhìn Len nóng rực: mắt biếc, môi hồng, cô đẹp man dại như một nàng Carmen lãng tử và liều lĩnh. Cô mím môi:

- Tao sẽ bỏ trường luôn.

- Lý do gì?

Lụa bồn chồn:

- Chán.

- Chỉ có chán thôi à?

- Ừ, ông bà già bắt tao nộp đơn y khoa nhưng đừng hòng, tao sợ xiềng xích lắm rồi.

- Ai trói mày mà xiềng xích?

- Cuộc đời trói, trường lớp trói, gia đình trói, phải xổ lồng Lụa à.

“Phải xổ lồng Lụa à”, câu nói đơn giản, dửng dưng, lạnh lùng. Lụa không ngờ Len đã có quyết định như thế. Trong lớp, ba đứa chơi rất thân với nhau. Nhung, Lụa, và Len. Trần Thị Như Nhung, Hoàng Thị Thanh Len, và Phan Thị Tơ Lụa. Không ai lạ gì tính tình Len, cô có biệt danh là Phù Thủy vì sự phá phách cô đơn của mình. Lụa nhớ không lầm Len đã từng dám hút thuốc dù sau đó ho sặc sụa, từng bôi kẹo cao su vào ghế thầy cô giáo dù sau đó vẫn còn tiếc rẻ là chưa thí nghiệm một cây kim đi kèm. Len sôi nổi hồn nhiên như con trai ngược với Nhung Công Chúa. Giữa Nhung và Len có một mối thù dễ thương như cổ tích. Hai đứa với hai biệt danh khác nhau đều thề là sẽ tìm cho ra Hoàng Tử và Chú Lùn, bởi vì hai cô đều mê truyện “Bạch Tuyết và bảy chú Lùn”.

Lý luận của Len về hoàng tử:

- Hắn là một tên cơ hội ái tình, hắn không thể nào yêu Công Chúa bằng Chú Lùn được.

Lý luận của Nhung về Chú Lùn:

- Kẻ càng thấp bé thì càng đáng thương, làm sao mà so sánh với Hoàng Tử được, chàng biết chọn thời điểm để đánh thức nàng dậy, chàng là người rành khoa tâm lý nhất trên đời.

Lý luận của Lụa về Nhung và Len:

- Từ đây, tao đặt tên cho con Nhung là Công Chúa, con Len là Phù Thủy, vì chính hai đứa bay sẽ sắm vai trò đó.

Vậy là chết tên. Nhung xinh như mộng, sang trọng kiểu cách khác gì Công Chúa. Len lả lơi, rực rỡ và dữ dằn thì đúng là Phù Thủy ba đời rồi. Chỉ còn mình Lụa, Cô bé bỏng và nghèo quá nên phải làm Tiểu Muội mà thôi. Len đến lớp bằng xe Cub, Nhung đi học bằng xe hơi, ba cô gái không hề biết rằng xã hội sẽ rào giậu tình bạn thơ ngây của họ lại. Chuyện đó có vẻ đời xưa quá, nhưng quả thật chuyện đời xưa đang xảy ra tại văng phòng của một Công ty du lịch bây giờ.

Lụa nói khi hai ly ca cao đã vơi đi phân nửa:

- Len ơi, mày phải nhớ mày mới có mười bảy tuổi.

Phù Thủy cười khây, cô búng tay gọi người hầu bàn thắt nơ đỏ:

- Cho tôi một điếu thuốc đầu lọc.

Anh ta trố mắt.

- Loại gì?

- Bất cứ loại gì, cám ơn trước.

Cô quay lại ngó vào mắt Lụa.

- Tao đoán buổi sáng trước khi đi đến đây, bà già mày có nói với mày câu đó, đúng không? Mười bảy tuổi à, dẹp đi Muội, ngừơi lớn bất công lắm, họ đàn áp mình bằng đạo đức, bằng lễ giáo, bằng cả pháp luật, trong khi họ sống ngược lại những điều ấy. Tại sao ba tao có quyền nói với má tao “Cho anh thảnh thơi một chút, anh thừa tiền đưa em, anh cần cái anh thiếu: bạn bè và một chút lãng mạn”, tại sao má tao có quyền nói với ba tao “cho em dung dăng dung dẻ một chút, nhà dư người làm mà anh, em cần cái em thiếu: chơi hụi và đánh tứ sắc”, tại sao tao không có quyền nói được gì? Muội à, hôm nay tao sẽ nói, và nói với riêng mày “Ông bà hãy để tôi yên, tôi tự lo cho mình được, tôi chỉ cần tự do”

Lụa muốn khóc, tại sao cô lại muốn khóc trong khi những điều Len nói xa lạ với đời sống cô hoàn tòan? Má cô không trẻ trung như cha mẹ Len chính bà mới có quyền phát biểu về sự chịu đựng. Cô còn nai tơ lắm. Về bàn bún riêu như má thôi. Tự nhiên cô nắm chặt tay Len.

- Tao thương mày ghê gớm Phù Thủy ạ, vì nhà tao theo đạo, nên tao sẽ cầu nguyện Chúa phù hộ cho mày.

Len cảm động, ít ra cô cũng giảm sút sự tự tin của mình.

- Tao cũng thươnt mày nhất, nhưng vì tao theo đạo Hồi nên Thánh Ala bắt tao phải tử đạo thôi.

Rồi rất dứt khoát, Len đứng dậy trả tiền và bước vào phòng Tổ chức, người ta đã gọi đến tên cô.

3.

Nếu có Chúa, thì lạy Chúa, Ngài đã cố tình sắp xếp một ngày không may mắn cho Tiểu Muội. Cô vừa đạp xe ra khỏi cửa thì trời mưa và luống cuống thế nào đó để cho xe đâm sầm vào gốc cây me đường Nguyễn Thị Minh Khai. Một chiếc xe xích lô trờ tới kịp thời.

- Ướt hết cô bé ạ, lên xe anh chở về nhà không thì cảm lạnh chết.

Trời đất Lụa tự nhiên khóc oà, cô hết muốn làm người lớn, cô hết muốn vấn đầu soi gương rồi, tuổi mười bảy trả giá đắt như Phù Thủy phải trả thì cuộc đời này ác quá chừng. Cô khóc cho hồn thơ ngây bị lấm lem, dù là mới chỉ bị dơ bẩn bởi sự suy nghĩ.

- Lại còn khóc nữa, trường hợp ngoại lệ thật.

Anh chàng đạp xích lô vừa xuống xe vừa đấm ngực, anh lặng lẽ khiêng xe đạp cô lên. Dáng anh đổ xuống Lụa cao và ấm áp như một vòm me giữa mưa. Cô không biết khi nào thì mình ngồi trong lòng chiếc xe và khi nào thì mưa tạnh. Chỉ nghe lời một bài hát nào đó văng vẳng “…ai về mua lấy miệng cười, để riêng tôi mua lại mảnh đời thơ ngây thơ…” Lụa bừng tỉnh hoàn toàn, cô tự nhủ thầm “Chúa ơi, mày yếu đuối quá nghe Gái”. Cô quay hết thân người nói lớn:

- Anh vừa hát đó phải không?

Mưa tạnh từ lúc nào, Sài Gòn mau mưa mau nắng, con người mau giận mau quên. Cũng như anh chàng đạp xích lô nghệ sĩ kia, anh ta không để ý tới lời hỏi thăm của một cô gái tuyệt vời là Tiểu Muội, anh ta vẫn nghêu ngao hát “Nàng về có nhớ nhớ ta chăng, ta về về ta nhớ hàm răng cô nàng cười”. Lụa hoảng hốt tự hỏi lại mình: “Mình đã cười với anh ta tự lúc nào, lúc khóc chăng, vậy thì trật lất, anh chàng chỉ giỏi tưởng tượng”. Nhưng mặc kệ anh ta và cái nghề khốn khổ hay bị thổi phạt của anh ta, vấn đề là bản nhạc, một bản nhạc mà Lụa chưa được nghe bao giờ. Cô nói thật to như gào lên khiến anh chàng im bặt:

- Anh hát nhạc của ông nào vậy?

Anh ta cười hì hì:

- Nhạc tiền chiến đó cô bé.

- Em không bao giờ nghe.

- Nhạc “nội bộ” mà cô. Buồn buồn hát cho đỡ nhớ.

Lụa thấy vui vui trước câu trả lời ngộ nghĩnh, cô gái tò mò:

- Lời dễ thương quá.

- Ừ.

Anh chàng rung đùi thú vị.

- Cô bé nhận xét khéo ghê, khi tâm hồn nhạc sĩ như một tờ giấy trắng thì bài hát tất nhiên sẽ có lời dễ thương. Ðể tôi hát lại cho cô bé nghe nhé.

Thế là sự lạ lùng đã xảy ra, một chiếc xe xích lô như mọi chiếc xích lô khác đang lăn trên đường phố, có khác là người tài xế kiêm thêm nghề ca sĩ và có khách ngồi xe là một tín đồ âm nhạc thực thụ. Không ai trong hai ngừơi muốn chấm dứt trò chơi trẻ con này, có điều sắp đến đường Hồ Biểu Chánh, có nghĩa là sắp đến nhà Lụa.

Ðã nói trước là Thượng Ðế cố tình sắp xếp một ngày không may mắn cho Tiểu Muội. Ngài tiếp tục một nước đi cắc cớ cuối cùng. Chiếc xích lô vứa quẹo qua con đường nhỏ thì một chiếc xe nhào đến ép chặt vào lề, vũng nước dơ nằm phục kích từ trước bắn ướt Lụa và anh chàng đạp xe. Trong sự bất hạnh của kẻ yếu, gã tài xế xe hơi cười thích thú.

- Áo dài người đẹp nhiều màu ghê, kỹ niệm gặp nhau lần đầu nghe.

Hắn chưa kịp rồ ga bẻ tay lái để biến mất thì nhanh như chớp, một bàn tay thép nguội đã nắm lấy cổ áo hắn, tay kia mở chốt cửa trước lôi hắn ra khỏi xe. Lụa không biết bằng cách nào, anh chàng xích lô đã hành động như một phù thủy chính hiệu, phù thuỷ thật chứ không phải biệt danh đặt cho Len đâu. Anh ta thực hiện cùng một lúc bốn động tác: ghì thắng xe cho cô khỏi té, nhảy xuống lao về chiếc xe hơi, nắm cổ áo kẻ khiêu khích, mở toang cửa. Chắc dân trinh sát đặt công gì đây mà-Giả dạng thường dân để biết tâm tình mọi người chắc. Thảo nào kiến thức rộng mà lại hát hay nữa. Cô mới suy nghĩ đến đó thì gã tài xế đã ăn liền hai cái tát.

- Mày không phải là Chúa, nên tao tát mày đủ cả hai bên.

Gã tài xế chỉ biết cúi gằm mặt, đưa tay lên đỡ, nhưng anh không đánh nữa, anh buông một câu chửi thề độc địa. Hãy coi tên công tử: hắn ăn mặc như đi nhảy đầm, hắn làm Lụa lợm giọng nhớ đến người đàn ông tên Tám, chắc cũng là một thứ văn phòng gì đây. Chợt có tiếng hét trong xe hơi như cầu cứu:

- Lụa ơi, mày quên tao rồi hả, Nhung đây, mày can giùm mấy ảnh, anh tao điên rồ lắm, ảnh không biết mặt mày.

Chúa ơi, hóa ra là xe hơi của Công Chúa, Công Chúa Nhung kẻ thù của Phù Thủy Len. Hóa ra gã tài xế đỏm dánh kia là anh trai của nó, đến nước này thì không còn gì để nói. Lụa kéo tay người hùng ca sĩ của mình về trước khi mọi người trong hẻm lục đục kéo ra.

- Thôi bỏ qua đi anh, xe xủa bạn em mà.

- Ừ, bỏ qua vì cô bé đó.

Giọng anh dịu dàng và trầm hẳn xuống, khác với lúc rít lên như con thú nhảy bổ vào đối phương. Anh chàng phủi tay như phủi một cái gì dơ bẩn. họ lại leo lên xe. Một số ngừơi hiếu kỳ bu quanh xe hơi, hình như họ giơ nắm đấm đe dọa gã tài xế anh trai của Nhung, toàn là dân đạp xích lô với nhau cả, họ đoàn kết như ruột thịt khi xảy ra biến cố với đồng nghiệp, chỉ trừ lúc giành khách. Ðời mà.

- Ðời mà!

Anh chành buông một câu cụt ngủn khi khiêng chiếc xe đạp cô xuống. Nhưng Lụa chưa xuống ngay, cô còn thắc mắc một điều không giải thích được.

- Anh là “công an” phải không?

- Bậy quá tôi bị mấy ông thanh tra Catani phạt hoài.

- Vậy sao anh có “võ”?

- Ðó đâu phải là võ, đó là ý chí, con người ta thiếu ý chí thì không thể hành động thành công được.

- Anh không sợ nhà giàu sao, họ đầy thế lực…

- Tôi chỉ sợ các cô gái nghèo, một đứa con gái đẹp mà dắt theo một chiếc xe Cub hoặc cười rú lên trên một chiếc xe hơi thì khác gì một con búp- bê vô hồn.

Lụa nghe anh nói một cách cay đắng, nếy những lời này đến tai Nhung? Còn Len ư? Nó có thể coi anh chành là thần tượng. Cô bỗng cảm thấy anh bí mật quá, cô không muốn chia tay sớm thế.

- Anh có tin sự thơ mộng tồn tại trên đời này không?

Cô tự trách mình đã hỏi một câu cực kỳ lãng xẹt, nhưng kìa, anh chành đột ngột lặng im, có thể một phút, có thể sáu mươi giây, có thể… cho đến khi anh đặt tay nhẹ nhành lên mái tóc cô, mái tóc bị lấm nước dơ của chiếc xe hơi người bạn học. Anh nói:

- Cô bé tên gì vậy?

- Em là… Tiểu Muội.

Trời đất, Lụa lại tự trách mình đã trả lòi một câu Hồ Quảng hết sức, nhưng kìa, sao anh nghiêm nghị đến thế.

- Tiểu Muội có nghĩa là gì vậy cô bé, có phải bà lão đang băng qua đường có một thời như cô bé hay không? Hãy nhìn ông cụ đang dìu bà lão đi, đừng thắc mắc về tuổi tác của hai chiếc gậy, lắng nghe ông cụ nói “bà nó ơi, dịu dàng lên chứ mụ”, dịu dàn lên chứ mụ, câu đó theo tôi chữ “mụ” ở đây đích thị là Tiểu Muội chứ còn gì phải bàn.

Anh ta tát nhẹ vào má Lụa.

- Ðồng ý không em? Mặc cho Lụa tròn xoe mắt, anh phóng người lên yên xe. Phải kêu anh chàng bằng tên nào đây? Lụa gọi vói theo, anh lại càng chẳng quan tâm đến tên thật cô nữa.

- Anh cho em biết tên chứ?

- Vương!

Câu trả lời gọn lỏn, cụt ngủn như một dấu chấm. Tên cực đẹp nhưng người thì cực... kỳ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx