sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3/12

Công chúa tỉnh giấc lúc đồng hồ điểm sáu giờ chiều. Nàng đã ngủ như chết. Ðúng một tuần từ hôm ở Vũng Tàu về nàng luôn luôn thèm ngủ. Có phải khi ngủ nhiều con người ta thường dễ nằm mơ hay không? Người đánh thức cơn mê ngủ của Bạch Tuyết lại chính là Chú Lùn, nói đúng ra là cái hẹn của chú, chứ Hoàng Tử thì chẳng hề làm nàng bận tâm, anh ta chưa lộ mặt. Bữa nay thứ bảy ở Nhà Văn Hoá thành phố có một đêm thơ của thi sĩ Vũ Vương nào đó, mặc kệ anh ta, điều Công Chúa cần thiết là gặp lại Chú Lùn. Nhạc sĩ Ðế đã hứa là sẽ đón nàng ở cửa trước giờ khai mạc nửa tiếng kia mà, nàng vốn quen với sự được hộ tống ngay từ trong gia đình. Cuộc đời nàng sinh ra vốn không phải được ưu thế như vậy sao?

Nhung chọn một bộ y phục quen thuộc với mắt nàng, nhưng ít khi trình diễn trước mọi người, bộ đồ đầm của công chúa Bạch Tuyết gồm hai màu trắng và đỏ. Nàng kiêu hãnh soi gương để nhận ra mình tuyệt đẹp. “Rủ Lụa đi cho biết”, một ý nghĩ bất chợt xuất hiện, mà biết ai vậy hỡi cô nương: Chú Lùn hay Thi Sĩ? Lụa ơi, hồn ai nấy giữ nghe cưng.

Con đường đến nhà Lụa phải đi qua ít nhất một trăm cây me, Lụa tắm mát trong biết bao là thiên nhiên thơ mộng, sao cô vẫn cứ không chịu hài lòng về mình. Cô khó hiểu như một sơn nữ.

Nhung dừng chiếc Cub: ở đầu hẻm, nàng dắt xe giữa những tiếng reo trầm trồ của bọn trẻ con. Trẻ con ga lăng và thông minh hơn người lớn.

- Giống công chúa Bạch Tuyết quá Tèo ơi!

- Ờ, phim “Người đẹp ngủ trong rừng” đó Tí

- Cô ơi, cô tìm ai vậy?

- Ở xóm mình cũng có công chúa Lọ Lem nghe, chị Lụa đó.

Nhung thấy thương đám trẻ con này quá chừng, nàng không sợ sự lam lũ của chúng, đã lâu nàng không ghé vào nhà Lụa, còn nhà Len thì không bao giờ, địa chỉ họ là trường lớp, công thức của gia đình Nhung toán học như thế nếu như bữa nay không phải do lời mời của nhạc sĩ phú ông Nguyễn Hoàng Ðế, người chinh phục tâm hồn thực dụng của cha mẹ Nhung. Thì dễ gì nàng được ra khỏi nhà.

- Các em chỉ dùm chị nhà chị Lụa đi?

Những cái răng sún reo lên:

- Biết ngay mà!

- Chị đi theo em.

Trí nhớ của Nhung khôi phục dần dần khi bắt gặp cây mận. Khỏi chờ hỏi thăm ai, Lụa xông ra ôm Nhung như một trái mận hường từ trên cây rớt xuống.

- Trời đất, gió nào thổi Công Chúa đến đây?

- Rồng đến thăm Rồng được không?

Nhung cong môi thay cho nụ cười răng khểnh. Hai cô gái kéo nhau vào nhà. Ðám trẻ con bu quanh chiếc Cub. Mấy đứa lên mặt đàn anh.

- Ðố mày đời thứ mấy?

- Ối, mô-đen “thất kinh” mà Tèo.

- Ê, coi chừng nắp xăng biến mất nghe.

Một đứa trưởng thành nhất trong bọn nói:

- Lát nữa tụi bay coi chị Lụa với cô áo đầm cô nào đẹp hơn…

Ðám trẻ con tản đi nhanh như khi chúng bu lại. Chúng như đàn kiến bị vỡ tổ vì một cây nhang chọc vào. Cây nhang có khuôn mặt một người đàn bà đứng tuổi, tóc muối tiêu, má chị Lụa của chúng. Bà cũng vừa mới gánh nồi bún riêu về, nồi bún riêu đã tiêu thụ đến nỗi không còn gì để bàn cãi nữa.

- Ủa, con đến chơi hả Nhung, tiếc quá, hết gì cho các con ăn rồi.

Nhung cúi đầu chào bà, trong chớp nhoáng nàng thấy nếu mẹ mình chỉ bằng phân nửa trái tim người phụ nữ này thì nàng đỡ quạnh hiu biết mấy.

- Dạ, con đến rủ Lụa đi nghe thơ.

- Lạy Chúa, thơ còn được người ta nghe ư?

Bà vừa xếp quang gánh vừa lắc đầu:

- Bác tưởng chỉ thời bác sống người ta mới mê thơ chứ!

Nhung có cảm giác như mình nói dối, nàng đỏ mặt.

- Dạ, tụi con cũng thích.

Không rào trước đón sau, bà nói ngay:

- Lụa à, con sửa soạn đi chơi với Nhung đi, má thu xếp nhà cửa được rồi.

- Kìa má, đợi con uống trà với bạn đã.

N Nhung cầm ly nước trà thơm ngát mà uống không đành, bạn nàng đang loay hoay bên những chồng chén bát, nhìn sự dằng co công việc giữa má và Lụa, nàng tự nhiên tủi thân. Nàng liếc nhìn đồng hồ đeo tay: đã sáu giờ rưỡi. Lúc này Chú Lùn đang đứng ở đâu?

Lụa bước xuống gác trong chiếc áo dài trắng tinh khiết, không còn vết tích gì về kỷ niệm chuyến xích lô hôm đó, cô độ lượng và tha thứ cho anh Hai của Nhung như số tuổi mười bảy của mình. Kéo vạt áo dài khép nép ôm Nhung sau yên xe. Lụa Á Ðông thuần khiết như sen bên cạnh Nhung Tây Phương thùy mị như huệ trong bình cắm.

2.

Xe vừa dừng lại thì đã có người đứng ra nghinh đón, không phải một người mà cả bầy, còn Nguyễn Hoàng Ðế, chàng ở đâu?

- Chào hai người đẹp.

- Tụi anh chờ các em đã lâu.

- Trước lạ sau quen đừng sợ gì cả, tụi anh cũng đi nghe đọc thơ đây.

- Nhập với bạn gái anh cho vui các em.

- Ðêm nay các em là bà hoàng, không có tên thi sĩ nào dám tán tỉnh đâu…

N Nói chung, hai người đẹp của chúng ta bị bao vây bởi ngôn ngữ, cũng là chuyện thường tình, những người trẻ tuổi không biết giới hạn sự sàm sỡ của họ, mỹ nhân tự cổ như danh tướng bao giờ lại chẳng thế. Lúc ấy mới thấy mặt mũi Ðế, anh chàng nhạc sĩ xông xáo chạy lại, anh chứng tỏ ngay sự độc quyền của mình.

- Em trễ mười lăm phút.

Hình như cảm thấy câu đó còn thiếu, chàng bồi tiếp:

- Em và bạn em trễ mười lăm phút, anh đứng dựa gốc me đúng chín trăm giây.

Nhung bật cười vì cái láu lỉnh của Ðế, nàng giới thiệu:

- Lụa, bạn gái em học cùng lớp, cô ấy rất mê thơ.

Ðế đưa tay ra bắt, chàng chưa bao giờ thấy một đôi mắt búp- bê nào hoàn thiện như Lụa.

- Cô dễ vỡ lắm.

Như đã quen từ lâu, chàng thì thầm:

- Nụ cười của cô cũng làm cho người ta dễ vỡ theo.

Ðột nhiên có một bàn tay nắm vai chàng kéo lại, khuôn mặt gã thanh niên đỏ gay, hắn được trang bị một bộ râu quai nón khá cô hồn.

- Này, đừng ba hoa trước người đẹp, tụi tao đợi nàng trước mày.

Ðế chẳng lộ vẻ gì quan tâm, chàng hất tay hắn ra.

- Ðừng giỡn ông bạn, thôi, mình đi vào hội trường hai cô bé…

Nhung hoảng sợ thực sự, nàng nắm tay Lụa kéo đi trước, gã thanh niên say rượu tấn công ngay, nhưng đã bị Ðế thúc chỏ vào bụng, chàng dùng một thế Judo liệng hắn chúi nhủi, hai tên bạn của hắn không bỏ lỡ thời cơ cặp hai bên hông chàng. Lụa bất giác nhớ ngay đến Vương, chàng trai kỳ diệu như trong truyện thần thoại, giá mà lúc này có mặt anh, cô kêu lên trong vòng ngực “Vương ơi!”.

Chỉ chờ có thế, Thượng Ðế gõ ngay chiếc đũa thần xuống ngay tim Lụa. Lâp tức một chiếc xích lô thắng lại ghê rợn, người đàn ông lái xe và người đàn ông ngồi trên nệm xe nhảy xuống, họ xuất hiện như hai Gô-li-at khổng lồ. Ðám thanh niên hung hãn lùi lại, Ðế rảnh tay cười xòa.

- Ái chà, giờ mới chịu đến hả hai bạn?

Té ra họ quen nhau trước, Lụa và Nhung cùng reo lên:

- Hoan hô phép lạ!

Chưa quan tâm đến hai cô vội, Vương chụp ngay cổ áo tên cầm đầu, gã có râu quai nón. Bạn anh cũng lẹ làng bẻ tay thằng thanh niên mặt lưỡi cày định uy hiếp Ðế lúc nãy. Vương hét lớn:

- Các bạn nể mặt tôi chút chớ. Muốn gì tìm thằng Vương mà chơi.

Gã râu quai nón tỉnh hẳn rượu.

- Tha cho em đi anh Vương, đêm nay là đêm của anh mà, em biết chứ, nhưng tại bạn anh muốn lấy le người đẹp trước mặt tụi em…

Vương không nén được cười, nhưng anh không được phép cười, anh bắt buộc phải nghiêm nghị, đó là luật giang hồ.

- Chú có muốn coi tôi “múa” không?

Mấy gã thanh niên run lập cập.

- Không muốn hả, vậy thì dẹp hết. Nói tụi nó tươm tất lại, bạn tôi là ai các chú biết? Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Ðế, đai đen nhu đạo đó!

- Trời đất, thiệt sao anh Vương?

Người thanh niên mặt lưỡi cày líu lưỡi, hắn lạ gì tên tuổi Nguyễn Hoàng Ðế, những buổi biểu diễn của chàng, hắn còn phải mua vé chợ đen.

Phần kết thúc buổi lộn xộn thuộc về kẻ khổng lồ có khuôn mặt như Alain Delone trên xích lô hồi nãy, anh tuyên bố:

- Thôi huề hết.

Ba hiệp sĩ thế kỷ 20 kéo nhau vào hội trường, nhưng không, họ ghé vào quán lộ thiên trước hội trường, tất nhiên Lụa và Nhung cũng đi luôn. Có điều trái tim hai cô vẫn chưa hết hồi hộp. Mọi chuyện diễn ra chớp nhoáng và cũng dàn xếp chớp nhoáng như xinê. Suốt một thời lãng mạn. Nhung chưa bao giờ chứng kiến những người mà tố chất đàn ông có từ đầu đến chân như vậy, Ðế nho nhã và tỉnh táo, anh Vương thì chững chạc như một kẻ đại ca, còn bạn anh ta thì xem tất cả giống trò hề, họ có thể khuất phục bất cứ chướng ngại nào họ gặp, cùng với ý chí, lòng can đảm, niềm tự tin của họ, tự nhiên nàng cảm thấy mình lớn lên hẳn, giá trị hẳn, còn gì hãnh diện và mang ơn cho bằng nàng Kiều Nguyệt Nga lúc chứng kiến Lục Vân Tiên dẹp tan thảo khấu.

Riêng Lụa lại có suy nghĩ khác, cô linh tính biết rằng có một sự ràng buộc thiêng liêng nào đó giữa cô và chàng trai đạp xích lô bí ẩn này. Bằng chứng là lúc nào cô nguy hiểm đều có mặt anh bên cạnh, thần giao cách cảm phải không, phản xạ tiềm thức phải không, sao mà cay nghiệt quá, lúc em trùm mền nằm ngon giấc trên giường thì anh vẫn lầm lũi trong cơn mua, giữa cuộc đời phức tạp này, anh còn phải khổ sở vì chiếc xe xích lô của mình đến bao giờ nữa. Cô đã từng đặt một câu hỏi cho anh về sự thơ mộng có hay không có thật. Lúc nào anh sẽ trả lời?

- Hai ly nước cam, ba cà phê đá.

Tiếng người bạn trai của Vương vang lên, trong khi Ðế nhanh chóng giới thiệu bàn tròn.

- Ðây là Nhung, em gái một người bạn học cũ tôi mới làm quen ở Vũng Tàu. Lụa, bạn gái Nhung. Còn tôi tên Ðế, hai bạn trai tôi tên Vương và tên Bá

Chỉ cụt ngủn như vậy mà như cả một trăm năm. Lụa cúi đầu cắn môi, cô không dám ngước nhìn Vương, cô biết anh đang quan sát mình, anh nhình rất sắc và thẳng không chớp mắt, cô không chịu nổi ánh mắt đó, dù khoé môi anh có thể hóm hỉnh vài giây. Lụa thấy nó toát lên mùi khinh bạc. Vương gõ một điếu thuốc xuống bàn.

- Không ngờ tái ngộ cô bé.

- Dạ.

- Have you ever seen the rain?

- Dạ.

- Tiểu Muội, có bao giờ nhớ nước mưa không?

Chúa ơi, sao anh nói điều đó trước mặt Nhung, bạn em, nhưng em làm sao cản anh nói được.

- Tôi luôn luôn nhớ tới em, tôi nói thật, tôi nhớ tới chiếc áo dài trắng như sen trong bùn, bùn nhà giàu nào mà bám được.

Anh vỗ vào vai Ðế.

- Xin lỗi túi tiền không đáy của mày nghe, tao đang tâm sự với Tiểu Muội.

Anh tiếp:

- Tôi không nghĩ rằng em còn nhớ tôi, sao em biết tôi là nhà thơ Vũ Vương, sự ngẫu nhiên phải không cô bé?

- Ủa.

Chính Nhung thốt ra chớ không phải Lụa, nàng ngạc nhiên đến hai lần.

- Vậy ra anh là người đạp xích lô hôm đó, thảo nào… thảo nào em ngờ ngợ, anh cũng sẽ là người đọc thơ đêm nay nữa sao, vậy ra...

Nàng nghẹn lời. Không có gì nhục nhã bằng mình là em ruột của gã đàn ông bị ăn hai cái tát xứng đáng, chưa kể đến chuyện người bạn trai hôm nay ngồi cùng xích lô với Vũ Vương, nếu đúng như lời kể của Ðế thì hắn phải là… Hoàng Tử, có thể như thế không? Nhung hỏi thảng thốt:

- Còn anh, có phải anh mang biệt danh là Hoàng Tử phải không?

Anh chàng cao lớn trố mắt, anh đang muốn huýt sáo ngay tức thì.

- Sao cô bé biết được, anh chẳng những là Hoàng Tử mà còn là họa sĩ nữa, anh là họa sĩ dân gian đấy, Robert Bá mà.

Nhung sững sờ chết điếng. Anh chàng trả lời như Tây và kiểu cách cũng Tây cực kỳ. Hôm nay Vương và Bá đều mặc áo thun, quần Jean bạc phếch, Bá đẹp trai như thiên thần, còn Vương thi ngổ ngáo. Họ đều phong trần hơn so với cách phục sức lịch sự của Ðế. Cả ba xuất sắc theo kiểu của họ.

Vũ Vương bất chợt lên tiếng:

- Xin lỗi Lụa, để anh hỏi thăm Nhung một chút, có phải cô Nhung là cô gái ngồi trên chiếc xe hơi?

Nhung bối rối:

- Dạ, hôm đó…

- Vậy thì tôi xin lỗi đã lỡ nặng tay với anh trai cô, nhưng giả dụ bây giờ gặp lại, cô có cho phép tôi nặng tay tiếp tục?

- Anh ác quá.

Lụa níu tay Vương ra dấu, nhưng anh phớt lờ.

- Vì tôi đã có ấn tượng với những kẻ nhiều của cải qua kinh nghiệm riêng, tuy nhiên chuyện đó không nói ở đây, tôi có thể quỳ dưới chân cô mà nâng từng sợi tóc rụng nhưng đừng hòng tôi đầu lụy vì sự uy hiếp của quyền thế. Nói vậy Nhung chớ nên giận. Bởi vì trước sau gì tôi cũng là người thân của cô.

Anh quàng vai Ðế.

- Bạn tôi sẽ không phản đối ý kiến vừa rồi đâu.

Nhung như bị tạt một gáo nước đã bốc hơi hết. Nàng bắt đầu thấy mình đủ sức gia nhập cuộc chơi của ba người đàn ông kỳ lạ này. Không dại dột trả lời, cứ đoan trang như Công Chúa, cứ đài các một đôi khi, bởi vì đối với một kẻ ngông cuồng dám đạp xích lô lên ngay chỗ mà hắn sẽ biểu diễn đọc thơ trước đám đông thì không còn gì để nói nữa. Hắn còn sợ ai kìa? Hắn là một ông trời mini. Này Nhung ơi, hoặc hiền lành như Tiểu Muội, hoặc bí ẩn như Phù Thủy may ra hắn mới biết sợ. Chỗ yếu nhất của con trai là chỗ hắn làm bộ dũng cảm nhất. Không có gì phải ngán. Nghĩ thế nên nàng chỉ mỉm cười.

Quả thật Vương chột dạ, trên đời này sao nhiều thiếu nữ giống Ðức Mẹ Maria đến thế. Anh uống cạn ly cà phê đá.

- Vào được rồi, đông nghẹt người, tụi mình lên hàng ghế trước.

Ðế lại quầy trả tiền, Vũ Vương có nhiệm vụ hướng dẫn cả nhóm. Theo sự thỏa thuận trước với ban giám đốc nhà văn hóa. Vương có quyền chọn mười khách ngồi có số ghế. Ðây là một trường hợp đặc biệt vì thơ không phải là món ăn ưa thích với khán giả nhỏ tuổi bây giờ, họ đã bị đầu độc bởi quá nhiều thơ xoàng xĩnh, giả hiệu nên đâm ra chán ngấy, họ chỉ chờ đợi ở Vũ Vương, cả ban tổ chức và cả khán giả. Giai thoại về đời sống giang hồ của anh có thể chép thành một cuốn sách, tiếp xúc với một con quái vật là một điều thú vị cho hệ thần kinh nhạy cảm chứ sao, huống hồ lại là một con quái vật làm thơ ngon lành nữa.

3.

Số lượng người đến tham dự một đêm thơ như thế này phải nói là chuyện hiếm khi xảy ra ở một nhà văn hóa quen lối bán vé quốc doanh không ít người phải đứng nhưng họ vẫn vui vẻ, khói thuốc lá bay mù mịt, đêm thơ bắt đầu chậm đúng nửa tiếng.

Lúc đi ngang qua hàng ghế cuối, Vương bắt gặp đám thanh niên gây gỗ lúc nãy, anh nheo nheo mắt. Ðúng là “tứ hải giai huynh đệ”. Xích mích nhau vì chuyện phụ nữ càng phải nên bỏ qua. Gã râu quai nón la lớn:

- Lát đọc thơ xích lô anh Vương? Giới xích lô tụi em chịu bài đó lắm.

Những gã khác hò hét:

- Nhớ đọc thơ ve chai nghe, tôi nghe anh đọc hồi đi thanh niên xung phong lận, ở huyện Xuyên Mộc đó, nhớ không anh Vương?

- Này cha nội, bài thơ nào phổ nhạc hát rầm trời ở Duyên Hải, đừng quên nghe.

“Nghe. Nghe. Nghe…” Những câu nói kết thúc bằng chữ “nghe” lùng bùng lỗ tai Vương, anh đâu phải là ông Hứa Do kiêu ngạo đến mức đi rửa lỗ tai, trái lại anh vểnh hết tai nghe thêm tiếng “nghe” từ một giọng con gái trong ghế ngồi nhỏ nhẹ.

- Thơ tình về ngón út nữa nghe anh?

Vương quay đầu lại, cô gái ở hàng ghế vừa bước qua không hề quen biết, sao mà ngọt ngào như Tiểu Muội của anh. Tất cả những bài thơ truyền khẩu của anh đã có đất sống, chưa cần đọc mà tự thân nó đã tồn tại, anh muốn gì nữa bây giờ?

Vũ Vương muốn gì à? Anh muốn năm cái ghế cách ly đám đông, anh nói với Robert Bá:

- Mày hộ tống Tiểu Muội, thằng Ðế ngồi cạnh Nhung, tao gặp ban tổ chức chút xíu.

Trong chớp mắt cái dáng cao lớn của Vương đã khuất sau sân khấu. Tên khổng lồ thứ hai bắt đầu lộ diện, hắn bắt chuyện với Lụa.

- Em quen với thi sĩ trong trường hợp nào?

Lụa cắn môi:

- Em không biết anh ấy là thi sĩ, anh ấy gặp em lúc đang đạp xích lô.

- Trời ạ, nó là thi sĩ giả dạng đấy, em có coi phim “Người hầu bán giả danh chạy trốn” chưa? Cũng là nó đấy, nó từng làm hầu bàn nữa em ơi.

Ngừng một chút, Bá tiếp:

- Còn anh hơn gì nó, anh đi bán ve chai, em có nghe dân ve chai rao hàng chưa, này nhé “răng vàng, bạc vụn, tiền cũ, tiền xưa, ghế, bàn, giường, tủ, sắt vụn… bán không”. Ðó, tụi anh bụi đời lắm, tụi anh là Donquichotte mà.

Lụa ngây thơ:

- Bán ve chai giống mấy người Tàu vô xóm em mua giấy báo phải không anh?

- Bậy.

Robert Bá nghiêm túc hẳn:

- Dân ve chai có vương quốc riêng của nó. Ðứng đầu là một gã trọc đầu có biệt danh Ðại Ðế, Ðại Ðế chứ không phải thằng nhạc sĩ bạn anh đâu. Phía dưới Ðại Ðế là Tả Thừa Tướng và Hữu Thừa Tứơng, tức là một gã chột mắt trái và một gã chột mắt phải. Chúng nó là vua của Sài Gon. Chợ Lớn đấy em ạ. Chúng thu gom hết những gì mua được mà lính tráng đem đến. Ba ông xếp mà.

- Còn anh làm chức gì?

Bá cười ha hả:

- Anh cũng có uy lắm. Anh là một trong Tứ Ðại Thiên Vương, tức là một trong bốn đầu lĩnh ve chai. Tiếng trong “nghề” gọi là “lái chính”, cô bé hiểu chưa? Hoạ sĩ Khổng Thành Bá tự Robert Bá có uy như thế đó.

- Chúa ơi, anh và anh Vương giống như hiệp sĩ.

Bá khoái chí.

- Tuyệt, em thấy các hiệp sĩ đẹp trai không?

Lụa đỏ bừng hai má, cô không ngờ anh chàng táo bạo cỡ vậy, nhưng cô đã quen lối nói chuyện của họ, mà chẳng phải vậy sao, thử quan sát Khổng Thành Bá coi: Anh giống một hoàng tử trong truyện cổ tích, mắt nâu, mũi cao, miệng rộng, vai ngang, tướng thẳng, mặc võ phục dám thành hoàng tử thật đấy, có điều lúc này thì hợp với một anh chàng lãng tử hơn.

- Em thấy các anh là những con người đứng đắn.

Bá cười ngất, anh thì thầm vào tai Lụa:

- Này, tại sao Thi Sĩ kêu em bằng Tiểu Muội?

- Chuyện đó do em. Em tự đặt ra

- Em có đọc truyện Kim Dung chưa?

- Chưa, lần đầu tiên, anh Vương chỉ nói cho em về ông Phạm Duy, nhưng em cũng không nhớ…

- Vậy là được, chớ để ý lão đó, mà phải để ý lão Kim Dung. Bởi vì lão này sáng tác ra chữ Tiểu Muội.

- Thật vậy hả anh Bá?

- Ừ, hồi xưa anh mê truyện kiếm hiệp của lão lắm, anh chỉ muốn là Trương Vô Kỵ mà thôi.

Lụa nhớ ra rồi, đây là nhân vật trong một cuốn phim vidéo có tên là Cô Gái Ðồ Long, hôm đó bà Tư hàng xóm mướn về rồi bắt Lụa và má thức cả đêm để coi.

- Tại sao anh muốn làm Trương Vô Kỵ

- Ðể cướp của nhà giàu cho nhà nghèo, để thế thiên hành đạo, để có một số Tiểu Muội ghẹo chơi. Nhưng bây giờ anh hết thích hắn rồi.

- Anh định thần tượng ai nữa?

- Triệu Minh Quận Chúa, anh thích nàng nhất, bởi vì bạn bè gọi anh là hoàng tử mà. Hoàng tử thì phải đi đôi với Quận Chúa hoặc công chúa mới hợp.

- Vậy thì ước mơ anh thành sự thật rồi. Bạn em là Nhung Công Chúa đó.

Vừa lúc ấy, Vương quay lại hàng ghế của mình, giọng anh hơi bực bội.

- Ðêm nay có thể cúp điện, lịch cắt thường kỳ ở đây.

Ðế thoáng vẻ lo âu:

- Coi chừng thiên hạ sẽ bỏ về mất.

Bá cười trấn an:

- Càng hay chứ sao, mày sẽ đọc thơ theo kiểu của mày, không cần micro gì hết. Phải chấp nhận nhất chín nhì bù, tao tin mày chín nút.

- Mày nói như đánh bài.

Ðế trách Bá

- Thơ là một sinh hoạt không thể thiếu ánh sáng.

- Nhưng ánh sáng nó có biết Vũ Vương là thằng nào đâu?

Vương ngắt lời hai bạn anh:

- Tại sao tụi bây có thể quên nhiệm vụ của mình kìa, hãy chứng tỏ mình là đàn ông thêm nữa trước hai cô bé đi, phần tao, phải tự đọc thơ làm gì, đạp xích lô kiếm tiền phải hơn không, còn háo danh thì còn nhận hậu quả…

Không có thời gian để ba người tranh luận, tiếng cô xướng ngôn viên vang lên “ Chúng tôi xin lỗi khán giả vì đã làm mất hơn nửa tiếng chờ đợi, do số người tham dự vượt sức chứa của hội trường, do trục trặc kỹ thuật nên xin quý vị thông cảm. Chúng tôi xin mạn phép giới thiệu vài lời về nhà thơ: Thi sĩ Vũ Vương sau 1975 đã đoạt một số giải thưởng văn học, nhưng do cá tính và do cách đánh giá khác nhau, nên đến giờ này anh vẫn thất nghiệp, không hộ khẩu và hiện đạp xích lô để kiếm sống. Chúng tôi được biết chiếc xích lô anh đang dựng ngoài bãi xe Nhà Văn Hoá…”

Các con mắt gần như mọc lên từ sau gáy, khán giả đồng loạt ngó về cửa ra vào, ở đó không có chiếc xích lô nào khác, chỉ là một hàng rào người đứng bít bùng lối đi. Họ không thể ngờ Vương liều mạng như vậy, thơ chưa biết ra sao nhưng đời thì hết biết. Chỉ trừ một số người hâm mộ từ trước, trong đó có gã râu quai nón. Kẻ gây gổ hồi nãy đang phát biểu hùng hồn với những cô gái hàng ghế trước.

- Anh biết Vũ Vương rành sáu câu, bạn cùng nghề xích lô với nhau đấy, hai đứa cùng đi bộ đội về, cùng làm thơ sinh tử với nhau, hồi nãy…

Tiếng cô xướng ngôn viên tiếp tục vang lên “… hồi nãy chúng tôi được biết anh và hai bạn anh đang có mặt tại đây: Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Ðế và họa sĩ Khổng Thành Bá mới dẹp một gây sự đánh nhau ngoài cổng. Kính thưa các bạn, qua những lời chúng tôi giới thiệu, có lẽ các bạn cũng hình dung ra tính cách thi sĩ Vũ Vương. Xin mời nhà thơ Vũ Vương lên cho mọi người biết mặt”.

Tiếng cô sướng ngôn viên im bặt và đài bán dẫn của gã râu quai nón cũng tắt theo.

4.

Vũ Vương bước ra khỏi hàng ghế đầu, anh bóp khẽ những ngón tay của Lụa, anh đem trái tim của Tiểu Muội đi lên. Nhưng anh không đi lên sân khấu bằng những nấc thang hai bên cánh gà, anh phóng từ dưới đất lên bục ngay chính diện sân khấu. Một tràng vỗ tay thích thú hưởng ứng, sau đó hội trường tràn ngập trong tiếng vỗ tay. Chàng trai đạp xích lô hát nghêu ngao dọc đường của Lụa phát biểu ngay:

- Ða số các bạn ở đây là những người trẻ tuổi, tuổi trẻ thì không thích khách sáo nên tôi xin phép nói, đáng lẽ tôi không bao giờ đọc thơ trước đám đông, điều đó chỉ gây nên thiệt hại cho chính tôi và chuốc thêm sự ác cảm của một số người. Nhưng sau một cuốc xích lô nằm vắt tay suy nghĩ, tôi cảm thấy đôi lúc cũng phải tự cởi trói tay chân và gỡ băng keo ở miệng mình nữa, bởi vì rõ ràng tôi, không riêng tôi, cả các bạn, chúng ta đều không có gì để mất. Chiến tranh đã làm mất một số người thân. Hòa bình đã làm mất một số thần tượng. Còn tôi nếu có mất, tôi chỉ mất cảm hứng để sáng tác mà thôi. Chúng ta mất quá nhiều nên bây giờ chỉ có được, cùng lắm là lại đi đạp xích lô tiếp. Tại cuộc đời là một cuộc chơi quá tốn kém nên tôi xin tiết kiệm ngôn ngữ đọc một số bài thơ ít tốn tiền nhất, nếu tôi mệt bạn tôi sẽ tiếp tay. Tôi thấy trên sân khấu có một cây guitare và một chiếc piano, phần này sẽ dành cho nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Ðế. Các bạn thấy thế nào?

- Ðồng ý!

Tiếng la hét vang động hội trường, ít khi có một buổi diễn nào mà không khí thân mật chiếm lĩnh nhanh như vậy. Trong sựu phấn khích cao độ đó, Vương đọc thơ, phải nói đúng ra là anh khạc thơ, anh phun ra hết những giằng xé, dày vò, khao khát, căm hờn, kiêu hãnh của bản thân mình.

Thiên hạ đẩy ta về một phía

Phía ngàn năm không có mái nhà

Lạy mẹ đất trời đâu có chật

Lẽ nào thiếu thốn chổ dung ta…

Vương bắt đầu chơi trò ngôn ngữ của mình.

Tưởng mình ta đạp xích lô

Nào hay phố xá ngựa thồ như nêm

Buộc cho ta miếng băng đen

Ðể cho cặp mắt làm quen mù lòa

Xỏ giàm vào mõm nữa cha

Ðể nghe số tuổi ta già theo răng

Giựt cương đi, hỡi mấy thằng

Ê, sao nước mắt chợt lăng xuống cằm…

Tâm trạng Nhung xốn xang một cách không kềm chế được. Nàng kháng cự kịch liệt với sự xác tín tàn nhẫn của Thi Sĩ.

- Mày nghe không Lụa? Ảnh như một con ngựa thiếu dây cương.

Lụa không trả lời Nhung được, cô tê liệt tri giác qua bốn câu thơ cuối cùng, hình ảnnh má còng lưng gánh bún riêu, hình ảnh cô đứng ở cổng trường thèm một khúc bánh mì thịt…

Ta thồ ngang động hoa đào

thấy dăm kỹ nữ thách nhau làm hề

Thồ ngang đống rác thúi ghê

Thấy bầy tiểu tử chửi thề giành moi

Thồ ngang khách sạn em ơi

Ngợm ngồi ăn nhậu, còn người ăn xin

Bài thơ chấm dứt đột ngột như khi nó cất lên, không một tiếng vỗ tay, không một lời thì thầm.

Vương không chần chờ đến mười giây, anh đem sức khoẻ cường tráng của mình lao vào cuộc gầm thét mới.

Sinh nghi ta viết một bài hành

Vợ nghi chồng, em út nghi anh

Cha nghi con cái, bè nghi bạn

Thủ trưởng thì nghi hết ban nghành

Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm

Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh

Ngay ta khi viết bài in báo

Cũng nghi mình kiếm chác công danh

Trời ơi mọi chuyện thường sinh nghi thật

Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành…

“Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành”, sao anh ác quá vậy anh Vương, anh định nguyềnh rủa sự giàu có vô lý của em sao, Nhung tái mặt chịu đựng, đáng lẽ nàng phải bịt hai tai từ đầu kia, nhưng nàng muốn biết anh còn hành hạ mình cỡ nào nữa. Dù cho đây là một sự thông đồng éo le nào đó của linh cảm ngôn ngữ, thì anh vẫn phạm một tội ác lớn, anh giết chết chàng thi sĩ thần thánh trong em rồi.

Vũ Vương ngừng một phút. Anh nói trong không gian mà người ta có thể nghe được tiếng vo ve của một con muỗi, đúng ra là tiếng sè sè của những cái quạt trần.

- Thưa các bạn, “đứng trước tình thế mới của cuộc sống, ta không nên trông đợi ở con người và con bò những gì khác hơn là những phản ứng hợp với bản chất của chúng”, tôi nói dùm câu đó cho Joãn Guimãres Rosa, một nhà văn Braxin. Tôi cũng sẽ rất bứt rứt nếu các bạn đến nghe thơ bị rơi vào một khí hậu cố định, vì thế bên cạnh một bài thơ có tiếng khóc, sẽ có một bài thơ có tiếng cười. Tiếng khóc của đời sống. Tiếng cười của lứa đôi. Tôi xin phép giới thiệu về tiếng cười.

Anh yên lặng sáu mươi giây, mở một nút áo ngực trên cùng ra, tháo micro cầm tay, vận dụng môn yoga cho khuôn mặt đang từ buồn bã chuyển sang rạng rỡ, cười thật tươi như một tên hề xiếc. Và bắt đầu đọc thơ.

Hãy đổ ra đường đi các em

Ðêm nay may phước nghỉ giới nghiêm

Ðêm tôi sẽ làm du đãng

Hộ tống các em chẳng lấy tiền…

Ðó là một đêm Vương ngơ ngác giữa công trường Con Rùa, con gái ở đâu ra đầy phố, anh rình mò chỉ chụp được một con dế… mái, đó là một đêm Tất Niên thái bình tuyệt đẹp.

Em chỉ tốn tiền mua bông giấy

Vui vui thì thảy đại lên trời

Buồn buồn thì rắc đầu tôi vậy

Tôi phủi làm ơn chớ cắn môi

Làm ơn vén tóc khi xem lễ

Chúa đã sinh ra được sáu ngày

Sáu ngày chúa sống trên trần thế

Biết rõ mình thuộc giống con trai

Biết rõ mình sẽ thành pho tượng

Nhìn các em quỳ gối nhà thờ

Và biết trước có tên du đãng

Nhìn các em nũng nịu làm thơ…

Trời ơi, đêm đó, chính đêm đó Vương lang thang suốt đến sáng, anh làm thơ mà nước mắt chảy chan hòa, đêm thánh vô cùng và các em cũng xác thịt vô cùng đã hòa làm một trong thanh khiết.

Làm thơ cũng tựa như cuốn lịch

Năm trút ra tờ cuối cùng rồi

Tôi mới trút lòng tôi một ít

Chờ các em thắt cổ thơ tôi

Các em ơi cho tôi giựt tóc

Thứ dây leo hạnh phúc loài người

Cho dù không cứng bằng dây cước

Ngàn năm chẳng đứt được lứa đôi

Các em ơi cho tôi nắm tay

Tôi chàng tuổi trẻ thích đu bay

Chia nhau đời sống không trọng lượng

Thân thể nhiều khi thiếu dạ dày

Các em ơi cho tôi khều chân

Bàn chân đánh móng nhớ chia phần

Tôi thèm son đỏ trên mười ngón

Giấu mãi thanh xuân dưới gấu quần

Các em đi Thượng Ðế giật mình

Mỗi người là một nữ minh tinh

Chân dài ngực nở môi hé

Ðỏng đảnh mà ban phát ái tình

Tôi sẽ vũ trang bằng sức khỏe<

Cõng các em qua những vũng lầy

Bế các em đặt vào ghế đá

Xong rồi tôi mọc rễ như cây…

Vương đang đứng mọc rễ như cây, trên tay anh là những vần thơ mời mọc, ai sẽ đặt tay lên chiếc nệm đời loang lổ đó. Bài thơ còn một số câu, nhưng Nhung đã cảm thấy quá đủ. Nàng không ngờ Vũ Vương lại có thể phân thân nhanh đến như thế, anh đang múa may như hiệp sĩ bất lực qua những phát biểu vần điệu đầy cay đắng thì lại biến thành trẻ con trước sức cám dỗ ái tình. Anh gần gũi và xa cách với em biết bao hỡi Vũ Vương.

Bất giác Nhung liếc nhìn Ðế, chàng đang bị khuất phục một cách cam chịu. Nhung nghĩ thầm, đúng như chàng nói, chàng chỉ là chú Lùn, Chàng thiếu một tấc nữa để trở thành Thi Sĩ và Hoàng Tử, nhưng chàng lại cực kỳ giống ta, tại sao chàng không mang khuôn mặt của Bá và cái đầu của Vương? Anh chỉ có trái tim độ lượng thôi Ðế ạ!

Tiếng vỗ tay, huýt sáo vang trời đã cắt ngang ý nghĩ điên rồ của Công Chúa. Hòa theo làng sóng người rạo rực cuồng nhiệt, Nhung mấp máy đôi môi, thực ra nàng kêu lên rất thầm: “Bis, Bis”. Ừ, thì Bis. Cái Bis chấm dứt màn đầu của Vương là một cái Bis mà Lụa phải bàng hoàng. Anh lại sửa soạn nhảy một vũ điệu Samba, vũ điệu bắt đầu bằng những ngón tay gãi đầu lục lọi trí nhớ. A, anh nhớ ra rồi, anh nói:

- Xin lỗi một người trong các bạn ở đây, nói đúng ra là một thiếu nữ, lúc mới bước vào hội trường có một cô gái đề nghị tôi đọc thơ tình. Tuy nhiên bài thơ mà cô yêu cầu thì tôi đã in báo, tất nhiên là cô đã có dịp đọc rồi. Bây giờ để đáp ứng lời yêu cầu của cô, tôi xin đọc một bài thơ nhẹ nhàng khác dành cho tuổi mới lớn. Bài thơ có tựa đề là Tiểu Muội.

Và anh đọc liền:

Tiểu Muội có tên là em nhỏ

Bị sư huynh liên tục kí đầu

Tiểu Muội rùng mình thành cô bé

Huynh sững người lẽo đẽo đằng sau

Tiểu Muội còn vũ trang xí muội

Ðể huynh thèm ngơ ngẩn gì đâu

Ở đời có một vài chữ Muội

Ám muội là không được rõ ràng

Mê muội là mất tiêu khí phách

Tiểu Muội là…

Vương đưa mắt nhìn xuống hàng ghế đầu. Ô kìa Tiểu Muội biến đâu mất. Anh hoảng hồn:

- Tiểu Muội là một cái chấm than! Xin cám ơn tất cả các bạn, mời nhạc sĩ nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Ðế lên chơi một tác phẩm của anh để thay đổi không khí.

Vũ Vương phóng vụt xuống sân khấu, anh lao ra cửa hông, rõ ràng anh mới thấy thấp thoáng một tà áo dài trắng. Mặc kệ Ðế đang so dây Guitare, mặc kệ hắn đang nắn nót lại những phím dương cầm, hắn dư sức chinh phục khán giả bằnh trình độ nhà nghề, Vũ Vương lao thẳng ra ngoài, hành lang, anh bắt gặp cô bé Lụa đứng quạnh hiu trong một góc tối. Anh tự nhiên thốt lên một câu ngoài ý muốn, một câu cực kỳ cải lương, một câu sặc mùi Trương Vô Kỵ:

- Kìa Tiểu Muội!

Cánh tay thô kệch to bè của anh muốn quàng qua vai cô nhưng nó lại rớt xuống. Nó như một thanh cây gãy.

- Tại sao em khóc?

Anh vò đầu bứt ra một trăm sợi tóc.

- Anh quý trọng em mà nín đi nín đi em

Sợi tóc thứ một trăm lẻ một đáng lẽ cũng bỏ cái đầu anh mà bay theo gió nếu Lụa không cười ngay, đúng ra cô vừa khóc vừa cười!

- Em là món đồ chơi của anh phải không?

- Trời ạ, trật lất.

- Sao anh làm em bị vỡ…

- Trên đời người ta sợ nhất là vỡ mộng, còn ở đây em chỉ bị vỡ ra trong thơ thôi mà.

- Nhưng thiên hạ đã biết em là… Một cái chấm than!

- Trời ạ, chấm than ngon lành hơn chấm hỏi. Em là dấu chấm. Anh ngồi thở than. Chấm than ý nghĩa vậy đó.

- Thiệt hả anh?

- Ừa, anh là sư huynh thì ăn nói đâu ra đó chứ!

Thấy cô đã nín khóc, gã sư huynh bất đắc dĩ vỗ về:

- Lau nước mắt đi, vào ngồi với anh, bạn bè đợi.

Thế là Lụa lẽo đẽo theo sau chang trai vừa tra tấn cô một cách dịu dàng. Họ ngồi xuống ghế lúc Ðế chơi bài hát cuối cùng trong ba bài, hai bài trước với guitare và bài bây giờ do piano đệm.

Vương thấy tới hai cái ghế trống, anh ngạc nhiên:

- Ủa, cô bé Nhung đâu rồi Bá?

Robert Bá cười hì hì.

- Bắt chước nàng Lụa của nhà ngươi, y thị đang đệm piano cho thằng Ðế.

Những bất ngờ thường dẫn con người đến chỗ đau tim, Vương ngó lên sân khấu, Nhung trở thành một nàng thơ trong mộng khi nàng ngã người trên những phím đàn. Nàng đã có vũ khí trong tay. Anh tự nói với mình nàng sẽ vô cùng lợi hại, Tiểu Muội của anh có một cô bạn xứng đáng với mình đấy, đáng tiếc là các cô còn mê truyện thần thoại quá. Nhung được cha mẹ nuôi bằng sữa tươi và trái cây, còn tiểu muội của anh: chắc xì dầu, nước tương, cơm nguội. Anh phì cười với ý nghĩ đó, lát nữa nhận thù lao đêm thơ kiếm một cái gì cả đám xực chớ, đói bụng quá.

Ðiện đột ngột tắt ngấm, bài hát của Chú Lùn bị treo cổ giữa chừng, chàng mấp máy đôi môi buồn bã, chỉ còn lại tiếng đàn dương cầm của Công Chúa thách thức nỗi hờ hững của ánh sáng. Phải chăng đây là một điềm xấu?

Chú Lùn đứng yên như tượng đá, chàng chờ Công Chúa buông tay để cùng chào khán giả. Nhưng không, nàng đã chìm vào hôn mê. Nàng quên mất những bài hát của Ðế rồi. Nhung nhắn dạo một khúc “Sầu Chopping” đứt ruột, nàng định nhắn với ai mơ ước thầm kín này, hỡi chàng Hoàng Tử mặc áo thun quần Jean đang ngồi rung động chân thành không, hãy khao khát hét lên như Chú Lùn đi, tại sao em chỉ thấy chàng nhởn nhơ một cách phàm tục?

Nhung thả phím. Nàng cùng Ðế cúi chào trong sự cuồng nhiệt của khán giả. Sân khấu mờ như một hoài niệm cổ dưới ánh đèn măng sông. Sau đó Vương tiếp tục chương trình của anh, anh đọc ngay bài thơ về mất điện, anh khiêu khích khán giả đặt đề tài cho anh sáng tác tại chỗ, anh muốn gây chiến với bóng tối, anh không muốn một ai ra về, tất cả phải cùng quên thời gian và cùng hào hứng tham dự. Ít ra là Vương đã thành công.

Bóng tối chỉ có thể tước đoạt ánh sáng nhưng không thể tước đoạt sự sống. Thơ là sự sống. Thơ là lửa.

5.

Ðêm thơ cuối cùng cũng kết thúc. Ba hiệp sĩ và hai thuyền quyên ở lại sau cùng.

- Mười giờ tối.

Nhung ngó qua đồng hồ.

- Em phải về, Lụa cùng về với em.

- Dẹp!

Hoàng Tử đáng ghét của Nhung gạt phăng, hắn tuyên bố:

- Kiếm một cái quán.

Hắn cười với Ðế.

- Rồi mày sẽ đưa nàng về, mày đầy uy tín mà.

Nguyễn Hoàng Ðế cười méo xệch. Ðêm nay không phải là một đêm của chàng, điện tắt phụp khi chàng biểu diễn, tại sao điều đó không xảy ra với thi sĩ, tại sao ánh mắt của Nhung lại nhình chàng khác đi, nguyên nhân nào khiến Nhung chơi bản “Sầu Chopping”?

- Ðược rồi, đồng ý, tao cũng cảm thấy cần chút rượu.

Ðế quay lại nói với Nhung:

- Cho đến bây giờ tôi vẫn là người duy nhất che chở cho em, Hãy tin tôi.

Họ ghé vào một cái quán cóc dọc lề đường, ban đêm lập lòe ma quái bên ngọn dầu phộng lù mù. Chủ quán là một cặp vợ chồng hoặc tình nhân trẻ đon đả, nụ cười có vẻ Liêu Trai như cặp vợ chồng bán thịt người trong truyện Thuỷ Hử. “Ta là Lỗ Trí Thâm hỡi Thượng Ðế, Tôi là một thằng thừa tiền lắm bạc đến mức độ vô lý trước quá nhiều người không có gì ăn để no trưa mai, tôi đáng bị ăn thịt. Âm nhạc của tôi cũng giàu có đến mức đánh mất tri âm, nó tồn tại nhờ những tiếng vỗ tay thị hiếu lãng nhách. Nó cũng đáng bị ăn thịt. Nhưng đừng xực trái tim tôi, nó chỉ đập để chờ ngưng vì một người. Trái tim Chú Lùn tất nhiên phải thuộc về Thím Lùn. Thím ở đâu hỡi thím?.

Chàng cụng ly với Vương và Bá, tiếng va chạm khô khan khiến hai cô gái giật mình.

- Mày làm gì mà đờ đẫn vậy?

Vương nhìn Ðế lo ngại.

- Kệ tao.

Ðế uống cạn ly rượu trên tay.

- Tao rất mừng đêm nay người ta không nhìn mày như một con quái vật, mày làm tao hài lòng lắm Vương ơi.

Chàng rót cho mình ly thứ hai.

- Ly này chia vui với thằng Bá. Bá ơi uống với tao, tao chúc mừng mày đêm nay không phải múa cọ trước một giai nhân nào.

Chàng lại cụng ly với Robert Bá và uống cạn.

Trên tay Ðế bây giờ đã là ly thứ ba, chàng bắt đầu chếch choáng, không hiểu vì sao mà ban đêm không thể có mặt trời, chàng đưa mắt nhình Nhung chờ đợi. Ly thứ ba cũng cạn nốt.

Ðúng lúc đó Bá nhập cuộc:

- Sao mày biết tao không vẽ hả Chú Lùn? Tao chỉ vẽ một mình Công Chúa thôi, bởi vì tao là Hoàng Tử mà, hợp lý phải không?

Ðế đã thấm rượu, nhưng chàng còn đủ sức phản ứng câu nói không đâu vào đâu kia.

- Nhưng ở đây làm gì có Công Chúa, mày phải tìm trong tiểu thuyết thì họa may…

Bá cười ha hả, anh đập tay xuống bàn.

- Vậy mà có mới chết, tất cả như định mệnh. Này nhé, bên trái tao lá Công Chúa, kế Công Chúa lá Chú Lùn, kế Chú Lún là Thi Sĩ, kế Thi Sĩ là Tiểu Muội, đúng không hỡi cô bé Nhung?

Nhung cũng không ngờ nàng lại gật đầu như một cái máy.

- Dạ.

Bá đắc chí, anh vô tình buông một câu sai lầm trong bàn rượu:

- Có lẽ mày nên tìm an ủi nơi một ả Phù Thủy thôi, Chú Lùn ạ.

Không ai tin Nguyễn Hoàng Ðế có thái độ như vậy, chàng hất ly rượu thứ tư vào mặt Robert Bá, rượu thuốc chảy loang lổ chiếc áo thun của anh. Không ai tin Robert Bá lại tỉnh queo như vậy, anh xin lỗi Nhung và Lụa rồi thản nhiên cởi áo, anh vo tròn chiếc áo đang mặc giắt vào lưng quần Xong, tiếp tục ngồi uống rượu.

Vũ Vương đã quen với những tình huống này, anh vẫy tay kêu chủ quán:

- Tính tiền tụi náy rút.

- Chờ chút anh Hai.

Một cái phiếu đưa ra. Ba cái đầu ngẩng lên. Hai cái đầu gục xuống. Sự thảm hại của đàn ông yếu đuối đến chừng nào.

Vương quyết định:

- Tao chở xích lô đưa thằng Ðế về. Thằng Bá lấy xe Vespa của nó áp tải hai cô gái về tận nhà. Mai ba thằng gặp nhau giải quyết.

Nước mắt Ðế ràn rụa ướt như sương đêm.

Chàng khóc nấc trên xe người bạn giang hồ thân thiết. Hay là thằng Hoàng Tử nói đúng, theo định mệnh chàng bắt buộc phải chịu thiệt thòi như Bảy Chú Lùn ngày trước mà thôi.

Cũng lúc ấy, Robert Bá khoác chiếc áo gió do Vũ Vương đưa, anh làm tròn nhiệm vụ của mình một cách chu đáo. Khi từ giã Nhung, anh nhét vào tay nàng một tờ giấy không nằm trong sự chuẩn bị nào hết, nó xảy ra thiêng liêng như một nút thắt trong vở bi hài kịch.

- Cái gì vậy anh Bá?

- Cái của em cần có.

Bá buông thõng một câu tỉnh bơ, anh rồ ga chạy hết tốc lực về hướng ngược lại.

Nhung mở tờ giấy trắng của gã đàn ông ăn nói và hành động như một tên du đãng bạt mạng ra đọc. Không có một chữ nào hết. Chỉ lá những nét quậy phá của một tay thợ cọ bụi đời. Gã vẽ gì vậy? Trời ơi, gã vẽ một bình huệ nở hoa trắng muốt. Tại sao gã biết được sở thích thầm kín của nàng? Giữa tiếng đàn và nét vẽ của hai người đàn ông, ai sẽ đích thực là kẻ gõ cửa giấc mộng mười bảy tuổi của Nhung đây?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx