Một tiếng sau cuộc nói chuyện an toàn và hai chiếc cốc cà phê, Leo và tôi đang trên chuyến tàu N hầu như không có khách, đi về phía đầu Nam của Brooklyn. Chúng tôi vờ như đang trong hành trình công việc, nhưng những dư chấn ngầm ẩn, dù ở cấp độ nào đi nữa, đang bùng lên mạnh mẽ hơn khi chúng tôi không nói tới.
Khi tôi đếm số điểm dừng cho tới đại lộ Stillwell trên bản đồ tàu điện ngầm, ước lượng chúng tôi có khoảng một tiếng đồng hồ trên tàu, Leo cúi xuống thắt hai dây đôi giày thể thao màu đen của anh. Khi ngồi thẳng lại, anh nhìn tôi vẻ hoài nghi và nói, "Thật thế sao? Em chưa từng tới Coney Island?"
Tôi lắc đầu. "Chưa... Nhưng em có cảm giác như đến rồi vậy. Em nghĩ chắc từ phim và tranh ảnh."
Leo gật đầu nói, "Đó cũng chính là cảm giác của anh về rất nhiều địa điểm."
"Như chỗ nào?" tôi hỏi, bao giờ cũng tò mò về mọi suy nghĩ và cảm giác của Leo - bất kể nhỏ nhặt như thế nào, không chút liên quan tới chúng tôi ra sao.
"Như... công trình đá Stonehenge," anh nói. "Ý anh là, ai mà cần tới chỗ đó một khi ta đã xem vài ba tấm ảnh chứ. Những phiến đá lớn trong một cánh đồng bát ngát. Tôi rõ quá rồi."
Tôi bật cười với cái ví dụ ngẫu nhiên của anh rồi nói, "Nói em nghe về bài báo của anh đi. Anh viết chưa?"
"Rồi. Gần xong," anh nói. "Vẫn cần chỉnh sửa chút nữa."
"Chính xác thì bài báo viết về chuyện gì?"
"Ừm.. chắc có thể nói là về mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới ở Coney Island. Những đổi thay khôn cưỡng ắt sắp xảy ra."
Tôi nhìn anh dò hỏi, nhận ra rằng với ai đó từng cố thuyết phục mọi người, kể cả bản thân rằng chuyến đi này là vì công việc, tôi biết gần như chẳng có gì về bài báo mà tôi chụp hình minh họa được. Hay quan trọng hơn, về Coney Island.
"Cái gì thay đổi?" tôi hỏi.
Leo mở chiếc túi đeo vai và lôi một tờ bướm từ trong đó ra, chỉ vào một bức ảnh chụp bãi biển từ trên cao. "Nói ngắn gọn nhé, một nhà đầu tư chính đã mua bốn hecta đất thuộc khu vực kỳ thú này và đặt kế hoạch tái tạo nó với hai tỷ đô - phân khu lại, xây dựng những khách sạn chọc trời, các tòa biệt thự, cả thảy chín cái sân... Một số người nói đó chính xác là điều Coney Island cần. Em biết đấy, đem lại sức sống mới cho một khu đã quá sập xệ... phục hưng ánh huy hoàng của ngày xưa."
"Còn những người khác?"
"Những người khác có quan điểm hoài cổ hơn. Họ lo rằng việc xây mới sẽ động tới việc di dời người dân địa phương, làm lu mờ không gian cổ điển, phá hủy những cửa hàng và phương tiện truyền thống, và về căn bản là làm xói mòn nét hào hoa cổ kính của cái gọi là Vương quốc Năm xu."
"Vương quốc Năm xu?" tôi hỏi khi tàu chúng tôi chầm chậm dừng lại ở Queensboro Plaza. Cửa mở, đón chừng mươi hành khách vào trong, tất cả bọn họ đều liếc về phía chúng tôi nhưng rồi chọn hàng ghế khác.
"Ngày trước, tàu điện đi Coney Island giá vé năm xu. Mọi trò chơi ở đó đều thu phí năm xu. Bánh mì kẹp xúc xích hiệu Nathan cũng tốn năm xu... Coney Island thực chất ban đầu được xây dựng làm resort cho người có của, nhưng đã nhanh chóng biến thành sân chơi cho tầng lớp người lao động, nơi họ chỉ cần năm xu để được giải thoát, thư giãn, quên đi mọi ưu phiền," Leo giải thích, trong lúc tàu tiếp tục lao nhanh, lướt dưới sông Đông, về phía đường 59 và đại lộ Lexington. "Và anh nghĩ, trong rất nhiều phương diện, Coney Island giờ vẫn còn đem lại cảm giác như thế."
"Anh đã phỏng vấn nhiều người chứ?" tôi hỏi.
Anh gật đầu nói, "Ừ. Anh ở đó mấy ngày, lang thang trên bờ biển, dạo xung quanh Astroland, và đi khắp đại lộ Mermaid, nói chuyện với người địa phương... những tay 'lính thủy lão đời' như cách họ tự xưng. Nghe vô khối chuyện đổi thay về chiếc cầu cảng và tất cả các trò chơi cũ." Anh mỉm cười rồi tiếp, "Ai cũng có chuyện để kể về Lốc Xoáy cả."
Có phải đó là trò vòng quay trên không?"
"Phải."
"Anh đã chơi chưa?"
"Có... dạo còn nhỏ," anh nói. "Và để anh nói cho em nghe... thứ đó thật cực kỳ. Có lịch sử tới bảy mươi mấy năm, làm bằng gỗ và chẳng đùa tí nào đâu... Anh thực tình đã có cuộc nói chuyện rất thú vị với tay quản lý Lốc Xoáy - một lão xăm mình xăm mẩy khá luống tuổi đã điều khiển vòng quay đó hơn ba mươi năm mà chưa một lần chơi trò đó."
"Thôi nào," tôi nói. "Thật thế được sao?"
Leo gật đầu.
"Ông ta sợ độ cao?"
"Không. Vẫn bảo ông ta trèo lên đó rất nhiều lần mà... chỉ là ông ta không hứng thú với cảm giác lao xuống."
Tôi mỉm cười, nghĩ rằng đã biết bao nhiêu lần Leo đem lại cho tôi cảm giác thót người.
"Tóm lại dù sao thì... Coney Island nằm ở một giao lộ," Leo nói, trông rất nghiêm trang. "Nơi cái cũ đối đầu với cái mới."
"Và anh theo đội nào?" tôi hỏi. "Cũ hay mới?"
Leo cân nhắc câu hỏi của tôi trong chốc lát rồi nhìn tôi vẻ am hiểu. "Anh không biết nữa. Thay đổi có thể tốt... một đôi khi," anh nói mập mờ. "Nhưng luôn thật khó khăn khi xóa bỏ đi quá khứ."
Tôi không chắc chính xác ý anh là gì, nhưng tôi vẫn lí nhí vài lời đồng tình, trong khi đó đoàn tàu lắc lư suốt dọc đường, và chúng tôi lại rơi vào một khoảng thời gian thật dài lặng im với biết bao suy tư náo động.
Buổi chiều thật trống trải và chẳng hiểu sao không chút ấn tượng gì về xuân hạ thu đông khi tàu chúng tôi chui ra khỏi đường ngầm, lướt vào đại lộ Stillwell. Những đám mây xám như chì sầm sập trôi trên bầu trời báo hiệu cơn mưa sắp tới. Không thật sự lạnh, nhưng tôi vẫn cài dây thắt lưng áo gió và khoanh chặt hai tay trước ngực, đưa mắt nhìn quanh, ghi khắc trong trí nhớ lần đầu tiên được nhìn thấy khu vực trứ danh này của New York. Của nước Mỹ. Tất cả chính xác như tôi đã mường tượng về khung cảnh nơi đây trong suốt mùa trầm lặng nhất cả năm này - ảm đạm, úa tàn, hoang vắng - nhưng vẫn lôi cuốn, đặc biệt. Chất liệu cho những bức ảnh vĩ đại. Khung nền cho những kỷ niệm không bao giờ phai.
"Chúng ta đến rồi đây," Leo nói, trông có vẻ thản nhiên.
"Vâng," tôi nói.
"Ra biển trước nhé?" Leo hỏi.
Tôi gật đầu, rồi chúng tôi sải bước, sánh vai nhau, đi về phía cầu cảng. Khi tới nơi, chúng tôi kiếm ghế băng và ngồi xuống, nhìn đăm đắm vào bãi cát lặng tờ trải dài bát ngát và những cơn sóng vô sắc trong màn tối. Tôi rùng mình bởi cái se lạnh của gió, cái thê lương của cảnh trí, và trên hết cả, bởi Leo đang bên cạnh tôi.
"Đẹp quá," cuối cùng tôi lên tiếng, ghìm hơi thở.
Gương mặt Leo sáng bừng lên - như thể bản thân anh là một tay 'lính thủy lão đời' có biết bao chuyện của chính mình để kể. Bỗng nhiên tôi tưởng tượng ra hình ảnh anh hồi còn nhỏ trên đúng bãi biển này, vào giữa mùa hè, với xô xẻng trên tay, rồi sau đó lại tới hình ảnh anh thời niên thiếu, đang chia nhau chiếc kẹo bông xanh với một cô gái tết bím đuôi sam, rồi đang hết sức cẩn thận nhắm bắn trúng đích với hy vọng thắng được chú kỳ lân nhồi bông để tặng nàng.
Anh hếch đầu lên và nói, "Thật sao?"
Tôi gật đầu nói, "Vâng. Nơi đây... quá đặc sắc."
"Anh vui vì em nghĩ thế," anh nói, luồn tay qua mái tóc. "Anh thật sự vui vì em nghĩ thế."
Chúng tôi giữ nguyên trạng thái ấy một lúc lâu - khẽ dựa vào thành ghế, trò chuyện cùng nhau giữa không gian đó, quan sát mấy người lưa thưa ra đây chơi trong cái ngày kỳ lạ thế này - cho đến khi, tôi lẳng lặng lôi máy ảnh khỏi túi, đi ra giữa những thanh chắn ngăn các cầu cảng với bãi cát, và hướng về phía biển. Tôi chụp mươi bức ảnh vô mục đích, cảm thấy bản thân hoàn toàn thư giãn, đó là cách tôi luôn làm trước khi thực sự bắt đầu công việc. Tôi chụp trời, chụp cát, và chụp biển. Tôi chụp một bà trung niên có mái tóc dài mặc chiếc áo choàng vải tuýt màu nâu, thầm nghĩ rằng bà ấy không tiều tụy đến mức như kẻ lang thang, nhưng chắc chắn đang đau khổ với những chuyện không may xảy ra, buồn bã vì điều gì đó. Tôi quay người lại chụp dãy hàng mặt tiền chạy dọc cầu cảng, hầu hết đã đóng cửa, một số bỏ hoang hoàn toàn, và chụp một đàn hải âu đang quây tròn quanh một chiếc hộp sọc trắng đỏ đựng bắp rang bơ để tìm kiếm những hạt còn sót lại. Rồi, với ý tưởng chợt nảy ra sau chót, tôi chụp ảnh Leo, lúc này vẫn đang ngả lưng vào chiếc ghế dài, hai bàn tay gài lại sau đầu, khuỷu tay để lộ ra, quan sát và chờ đợi.
Anh khẽ vẫy tay và nháy mắt, nhếch môi cười khi tôi đi lại chỗ anh. "Bức ảnh cuối là về gã giữ chỗ đấy," anh nói, khi ấy tôi nhớ lại mấy tấm hình chụp anh trên băng ghế trong công viên Trung tâm, nhớ lại Margot đã nói về chúng với vẻ khinh khi, gọi anh là kẻ thiếu tự nhiên và bảnh chọe. Tôi nghĩ lại ngày hôm ấy, nhận ra rằng cô đã sai về khoảnh khắc đó, được lưu giữ lại trên tấm ảnh. Cô đã sai về rất nhiều điều.
Tôi quàng chiếc máy ảnh qua vai và ngồi xuống trở lại, thở một tiếng nghe buồn bã hơn tôi dự định.
Leo nhìn tôi với ánh mắt vờ nghiêm nghị trong khi thúc khuỷu tay sang tôi và bảo, "Nhớ điều anh đã nói chứ, Dempsey? Mọi người đến đây để quên đi muộn phiền."
Dempsey, tôi nghĩ, ngón tay cái bên trái với lên vuốt ve chiếc nhẫn cưới. Tôi cố nở nụ cười và nói, "Phải," trong khi ấy chúng tôi ngắm nhìn những con sóng tan ra, tan ra mãi. Sau một lúc, tôi hỏi Leo thủy triều đang lên hay xuống.
"Lên," anh trả lời ngay khiến tôi rất ấn tượng, đúng kiểu tôi vẫn thấy ấn tượng mỗi khi mọi người - đặc biệt đàn ông - biết từ trong bản năng họ đang huớng về đâu.
"Sao anh có thể chắc thế?" tôi hỏi, nghĩ rằng chúng tôi chưa quan sát đủ lâu để nhận ra hướng con nước.
"Không thấy cát ướt," Leo nói, trong lúc tiếng sấm ầm ầm lên phía xa. "Nếu nước xuống, chắc chắn phải có một dải cát ướt."
"Ồ, đúng vậy," tôi nói, gật đầu. Rồi nói tiếp, "Anh biết gì không?"
"Gì cơ?" Leo nói, gương mặt anh lóe lên đầy mong đợi - như thể anh đã sẵn sàng cho một lời tự thú lớn lao, hoặc có thể một điều gì đó sâu sắc.
Tôi mỉm cười và nói, "Em đang chết đói."
"Anh cũng thế," anh nói, cười tươi. "Bánh mì xúc xích nhé."
"Đây là quê hương của xúc xích, phải không?" tôi nói, nhớ lại một mẩu lịch sử của Coney Island mà tôi đã lượm lặt được đâu đó. Có thể từ chính Leo, rất nhiều năm trước.
"Chính xác," Leo mỉm cười.
Chúng tôi đứng lên và chậm rãi đi trở lại góc giao nhau của đại lộ Stillwell và đại lộ Sturf, nơi khởi nguồn của hiệu xúc xích Nathan, chỗ mà theo Leo là đã được xây dựng từ năm 1916. Chúng tôi bước vào trong, trông thấy một hàng người dài hơn ta tưởng vào lúc gần hai giờ chiều trong một ngày trái mùa du lịch thế này, cho dù có vì hãng xúc xích nổi tiếng bậc nhất thế giới chăng nữa. Tôi chụp mấy bức ảnh trong tiệm ăn, một số thực khách, và người đàn ông ướt đẫm mồ hôi đứng sau bếp nướng, khi ấy Leo hỏi tôi muốn ăn gì.
"Một bánh mì xúc xích," tôi nói, nhìn anh bằng ánh mắt hiển-nhiên-rồi.
"Có thể rõ hơn được không?" Leo hỏi, miệng cười thật rộng. "Một chiếc thập cẩm? Kẹp mỗi xúc xích? Có nước xốt? Khoai tây chiên?
"Bất kỳ loại gì mà anh ăn," tôi nói, xua tay từ chối lựa chọn.
"Bánh mì xúc xích pho mát, khoai tây chiên, root beer," Leo quyết định dứt khoát.
"Tuyệt vời," tôi nói, nhớ lại rằng anh luôn rất yêu thích loại nước ngọt đó.
Lát sau, khi Leo đã thanh toán xong và tôi đã lấy đủ khăn ăn, ống hút, các gói mù tạt và nước xốt cà chua nấm, chúng tôi chọn một bàn gần cửa sổ hướng ra ngoài đường, ngay lúc ấy trời đổ mưa.
"Lựa chọn thời điểm tuyệt vời đấy," Leo nói.
Tôi nhìn qua chiếc bàn sang anh, trong khi bỗng nhiên mường tượng ra hình ảnh Andy đang ngồi ở bàn làm việc, mặc vest và cà vạt. Tôi lấy làm ngạc nhiên trước sự đối lập giữa hai thế giới ấy - một quán bánh mì xúc xích ở Brooklyn và một văn phòng luật sư sáng bóng ở Buckhead. Tôi thậm chí còn ngạc nhiên hơn với sự đối lập giữa hai người đàn ông ấy - cái lối mà mỗi người gây rung động trong tôi.
"Không hẳn," tôi nói, níu giữ ánh mắt anh. "Lựa chọn thời gian cực kỳ chết tiệt thì có."
Leo ngước mắt nhìn lên từ món khoai tây chiên xắt khúc của anh, đầy ngạc nhiên. Rồi anh nhặt một miếng khoai, chỉ vào tôi, và nói, "Em."
"Không. Anh," tôi nói.
"Em," anh lại nói, cả quyết.
Đó chính xác là lối chúng tôi đã thường trò chuyện - thứ ngôn từ ẩn ý của chúng tôi, dường như vô nghĩa, nhưng lại thấm đầy ý nghiã. Đó là một lối mà tôi chưa bao giờ nói với Andy - người luôn quá rõ ràng, thẳng thắn. Tôi quyết định, ít nhất là lần thứ một trăm trong ngày hôm nay, rằng không có lối nào hay hơn lối nào; chỉ đơn giản là chúng khác nhau.
Leo và tôi đã kết thúc bữa trưa trong im lặng hoàn toàn. Rồi, không hề lưỡng lự, chúng tôi lại bước ra ngoài vào màn mưa lây rây nhè nhẹ, lang thang qua lại các đại lộ Surf, Neptune và Mermaid. Leo giương ô cho tôi trong khi tôi chụp vô số ảnh. Những tấm ảnh về các khu trò chơi đã đóng cửa. Về Lốc Xoáy trứ danh và Vòng quay Thần kỳ kinh điển, lớn đến phi tưởng. Về trò bóng rổ ba chọi ba. Về những chỗ đất trống bỏ hoang lác đác rác rưởi. Về con người - một ông bán thịt, một cô thợ may, một anh chàng làm bánh.
"Giống như vườn cổ tích ấy nhỉ," tôi nói.
"Ừ. Chỉ khi chúng ta có thể tìm thấy một tay thợ làm giá để nến," anh nói.
Tôi bật cười, để ý thấy hai cô gái đang xem bảng giá trên cửa sổ của một hiệu xăm mình.
"Ohh. Tớ thích hình hoa lan," một cô nói. "Nó trông cực tuyệt."
"Ừ... Nhưng tớ thích hình con bướm hơn," cô còn lại nói. "Mình xăm lên vai nhé? Màu tím thì sao?"
Tôi chụp hình họ, thầm nghĩ, Đừng làm thế. Rồi một ngày kia sẽ hối tiếc đấy.
Trời nhá nhem tối ở Coney Island, và cuối cùng tôi đã cảm thấy thỏa mãn, ít nhất là về những tấm hình. Mưa đã tạnh, mây cũng tan theo hết, hứa hẹn một đêm mùa thu hanh khô hiu gió. Leo và tôi trở lại chiếc ghế dài của chúng tôi, buồn, mệt và lạnh. Chúng tôi ngồi bên nhau thậm chí còn sát hơn trước, anh bất ngờ quàng tay qua vai tôi trong một cử chỉ mang lại cảm giác vừa thoải mái vừa lãng mạn. Tôi cố chống lại nỗi khao khát được ngả đầu lên vai anh, và nhắm mắt lại, nhận ra rằng khỏanh khắc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu tôi có thể phân loại cảm xúc của mình ngăn nắp hơn nữa. Nhưng nó không đơn giản hay rõ ràng như thế - và tôi tự hỏi đã có bao giờ mọi điều đơn giản rõ ràng hơn khi mà đó là chuyện của trái tim.
"Em đang nghĩ gì thế?" Leo nói, hơi thở ấm áp của anh phả trên tóc tôi.
Tôi đi sâu vào sự thật. "Em đang nghĩ về cái ngày tháng Mười hai năm ấy... khi anh trở lại," tôi nói nhẹ nhàng.
Leo lại thở, lần này sát cổ tôi, ký gửi một đợt sóng dại khờ cuộn lên khắp chân tay tôi.
"Em ước gì em đã biết," tôi nói.
"Anh cũng ước gì em đã biết," Leo nói. "Anh ước gì anh đã biết điều đó có thể tạo nên một sự khác biệt."
"Nó hẳn đã tạo nên một điều khác biệt," cuối cùng tôi xác minh, trong lòng dấy lên biết bao tiếc nuối và cay đắng, cảm giác tội lỗi và khát khao.
"Nó vẫn có thể khác đi mà," Leo nói, đặt tay lên cằm tôi, xoay lại để nhìn sâu vào mắt tôi.
"Leo... Em kết hôn rồi..." tôi nói, khẽ khàng quay mặt đi, nghĩ về Andy, những nguyện thề của chúng tôi. Tôi yêu anh biết bao nhiêu, dù cho tôi không yêu mọi thứ trong đời sống của chúng tôi. Dù cho tôi đang ở đây ngay lúc này.
Bàn tay Leo rơi xuống. "Anh biết điều đó, nhưng..."
"Nhưng sao?" tôi hỏi, kiệt sức với quá nhiều kiềm chế, suy xét miên man, băn khoăn, dò ý.
"Nhưng anh không cưỡng nổi... mong muốn lại được cùng em," anh nói.
"Bây giờ? Đêm nay?" tôi hỏi, đầy bối rối.
"Phải. Đêm nay," Leo nói. "Và ngày mai... Và ngày sau đó..."
Tôi hít thở mùi hương da thịt anh và gọi tên anh, không chắc mình đang kháng cự hay đồng thuận.
Anh lắc đầu, đặt ngón tay lên môi tôi, thì thầm, "Anh yêu em, Ellie."
Đó là một lời tuyên bố, nhưng nghe giống như một lời hứa hơn, và khi trái tim vỡ òa, tôi không cưỡng được mình nhắm mắt và nhắc lại điều tương tự.
@by txiuqw4