sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Yêu thương và tự do - Chương 09 - Phần 2

Tâm lý học có một ví dụ: Một người mẹ có người em trai nát rượu, người mẹ này vô cùng sợ đứa con trai của mình sau này cũng giống như cậu nó. Vì thế, người mẹ này thường nói với con mình rằng: “Con không được giống cậu, con không được theo cậu học uống rượu”. Người mẹ này nhắc nhở con mình mọi lúc mọi nơi khiến chính cậu con trai cũng cảm thấy ức chế. Rồi một hôm cậu con trai cũng uống rượu, cậu nghĩ: “Mình uống rượu thế này chắc mẹ mình sẽ hết nói mình”. Trong thực tế cuộc sống, sự lo lắng quá đà của bố mẹ đến cuộc sống của con (mà thực tế là những lo lắng của chính bản thân người lớn), không những sẽ trở nên vô ích với con trẻ, mà còn có hại đối với sự trưởng thành của trẻ. Con trẻ cần được chăm sóc và thấu hiểu, cũng chính là việc quan tâm đến sự trưởng thành của trẻ. Đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề yêu con như thế nào.

Một người Mỹ là Harrow và các đồng nghiệp của mình đã có một thực nghiệm kinh điển: Nuôi khỉ con trong một cái lồng có hai con “khỉ mẹ”. Một “mẹ” được làm bằng kim loại, khỉ con có thể uống được sữa từ núm vú cao su gồ lên trên ngực khỉ mẹ. Một “mẹ” khác được bọc từ những cuộn vải nhung mềm mượt, nhưng không có gì cho khỉ con ăn. Khỉ con ôm lấy khỉ mẹ làm bằng vải, rồi mới sang ăn sữa trên người khỉ mẹ làm bằng kim loại. Khi những người trong phòng thực nghiệm thả thêm vào trong lồng một con khỉ con đã biết di chuyển đồ đạc, con khỉ này cũng không do dự mà ôm lấy con khỉ mẹ làm từ vải. Thực nghiệm này đã chỉ rõ ràng, khỉ con không quan tâm đến việc ăn, mà quan tâm đến cảm giác an toàn về tinh thần. Tinh thần vui vẻ chiếm vị trí số một, chứ không phải nhu cầu ăn. Trong quá trình trưởng thành sau này, khi thả khỉ con về đàn, nó không chịu hòa nhập với những con khỉ khác, lúc nào cũng thui thủi một mình. Con khỉ đó sau này đã chết. Nhưng khỉ con trong những thực nghiệm sau này, cho dù là lớn lên, có con của mình, nhưng nó cũng thường xuyên bạc đãi con mình.

Quan sát xung quanh chúng ta, rất nhiều hành vi của loài người cũng không hơn loài khỉ là bao nhiêu. Tỉ lệ trẻ em bị chết trong các cô nhi viện là rất cao, trong đó một phần nguyên nhân chính là vì các bé được hưởng quá ít sự yêu thương. Cô nhi viện ở những nước phát triển, nhu cầu vật chất của trẻ được đáp ứng đầy đủ, nhưng một số cháu 2 tuổi mới biết ngồi, 4 tuổi mới biết đi, nguyên nhân chủ yếu là vì các bé không được sống trong môi trường yêu thương của gia đình.

Một người làm cha mẹ ưu tú, năng lực yêu con của họ đầu tiên được thể hiện ở việc hiểu con. Tôi có một người bạn, là biên tập của một tòa báo, phụ trách nội dung chuyên mục cuộc sống gia đình. Anh ấy nói rằng, rất nhiều những cặp vợ chồng gặp trục trặc trong vấn đề tình cảm hoặc là gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ, họ có cách xử lý rất kỳ cục, họ hỏi cha mẹ, hỏi bạn bè mà không chịu đọc sách. (Điều này là vì thói quen xem sách từ nhỏ không phải là do tự nguyện mà là do ép buộc, nên sau khi trưởng thành đã đánh mất thói quen này. Tại sao chúng ta lại phải đọc những loại sách mà chúng ta không muốn xem?) Trước khi một đứa trẻ ra đời, những người làm cha mẹ thông minh sẽ tìm đọc những tài liệu tham khảo để tìm hiểu quá trình phát triển của con, từ đó chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con. Quan niệm đời cha ông của chúng ta đã quá cũ kỹ, chúng ta không thể biết đời con chúng ta sẽ sống trong một xã hội như thế nào, con chúng ta phải làm thế nào để thích ứng và chiến thắng tất cả mọi thứ trong cuộc sống, chứ không phải là để con lớn lên rồi bối rối và lúng túng với thực tế. Nếu chúng ta không thể thay đổi quá trình trưởng thành của chính bản thân mình, thì chúng ta hãy học để biết được cách yêu con. Rất nhiều chuyên gia đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu trẻ em, đồng thời tìm ra phương pháp làm thế nào để quá trình trưởng thành của các em ngày càng hoàn thiện. Họ viết sách để nói với chúng ta về đặc điểm và quy luật trưởng thành của trẻ em, thế nào là những trẻ em có tâm trí trưởng thành khỏe mạnh. Những loại sách như thế này rất nhiều, nếu chịu đọc, sẽ rất có ích cho những người làm cha mẹ. Bạn sẽ cùng trưởng thành với con, đó thật là một việc cực kỳ tuyệt vời. Thế nên, tập trung thời gian và tâm sức cho các con là một việc làm rất vui, kết quả cực kỳ bổ ích.

Trường Montessori chúng tôi có một con chó nhỏ, để trẻ em được chơi với các con vật nhỏ. Có ba trạng thái đối đãi của các bé với con vật nhỏ này được ghi lại: Một là rất thích chú chó nhỏ này, vừa đến đã ôm lấy hoặc là đùa giỡn với chó; thứ hai là vừa nhìn thấy con chó từ xa đã khóc; thứ ba là bạc đãi chó. Chúng ta sẽ cùng phân tích ba tình huống này. Theo tôi mặt đối lập của yêu chó chính là sợ chó, vì thế hai tình huống đầu là hoàn toàn bình thường. Vậy tại sao có những trẻ lại bạc đãi chó? Bản thân các bé cũng không biết là mình đang bạc đãi chó. Tôi có nhờ các cô giáo làm thống kê, để xem những cháu nào hay bạc đãi chó. Sau quá trình điều tra đã phát hiện ra, tất cả những trẻ này đều là những trẻ không ở trạng thái bình thường. Bình thường các bé rất nhát gan, hay quan sát sắc mặt của giáo viên, làm việc thiếu tự tin, nhưng khi các bé đánh con chó thì vô cùng mạnh dạn, tự tin và bằng nhiều cách. Đó đều là những đứa trẻ có vấn đề về tâm lý, nói sâu hơn một chút là những đứa trẻ có vấn đề về phương diện “tình yêu thương”. Khi chúng tôi nhìn thấy những trẻ yêu chó, ôm chó, nói chuyện với chó, chơi với chó như bạn của mình, đó là một cảnh tượng cảm động khi con người giao hòa với thiên nhiên. Nhưng khi bạn nhìn thấy cảnh tượng đứa trẻ bạc đãi con chó nhỏ, bạn sẽ cảm thấy đau thương và nuối tiếc biết chừng nào.

Yêu con quan trọng như thế đó! Khi một người lớn yêu một người lớn khác, người lớn kia sẽ hiểu rằng mình đang được yêu. Nhưng khi cha mẹ yêu con, con trẻ sẽ học được cách yêu tất cả. Yêu thương chính là loại lương thực hảo hạng nhất cho quá trình trưởng thành của trẻ. Có được khả năng yêu là có được phẩm chất tốt đẹp nhất. Tình yêu là thời cơ quan trọng nhất nâng cao sinh mệnh.

Các nhà tâm lý học nói: “Khối óc là bộ máy của tình yêu”. Chúng ta biết rằng dù các cô có yêu các bé đến mức nào cũng không thể thay thế được tình yêu của cha mẹ, bởi vì “tình yêu” không thể thay thế bằng bất cứ kinh nghiệm nào khác, chỉ riêng bố mẹ các em mới có thể làm tốt được. Giáo viên trong trường chúng tôi, từ tư thế, thái độ, giọng nói, ngữ điệu đến cả cách dùng từ đều theo quy chuẩn, ví dụ khi trẻ ăn xong cơm thì rời khỏi nhà ăn, cô cũng không được nói: “Mời con ra ngoài”, mà phải nói là “Mời con về lớp”. Ngôn ngữ của các cô cũng phải được trình tự hóa, có như vậy con trẻ mới được đối xử thật bình đẳng. Nhưng dù chúng tôi có làm thế nào, cũng chỉ bố mẹ của trẻ mới đem đến được cho trẻ cảm giác an toàn. Rất nhiều bé, khi muốn cô giáo ôm mình đều nói: “Cô ơi con bị đau bụng”. Cô cười nói: “Có phải con muốn cô ôm con không?”. Có những trẻ phá phách, ném gối xuống đất, ném sách xuống đất. Cô giáo không biết làm thế nào, một cô khác thì nói: “Cô thơm con một cái”. Cô giáo ôm chặt bé lại, thơm bé một cái, thế là bé cười váng lên rồi nằm ra giường. Lúc sau cháu bé lại ném đồ đạc xuống đất, lại muốn cô giáo thơm mình. Trong trường của chúng tôi cũng có mấy cháu như vậy, sự chú ý mỗi ngày của các cháu đều tập trung vào việc tìm kiếm tình yêu và phá phách giận dữ. Những đứa trẻ như vậy, thường là do ở nhà các cháu thiếu vắng tình yêu. Rõ ràng là những đứa trẻ ấy chưa được thỏa mãn về tình yêu. Chúng ta đã biết, một khi đứa trẻ được thỏa mãn về tình yêu, trong trạng thái thoải mái và tự do, trẻ sẽ thể hiện bản tính của mình. Tố chất tâm lý, tố chất nhân cách, tố chất đạo đức và tố chất trí lực của trẻ sẽ thỏa sức phát triển. Thực ra, người lớn cũng giống như vậy. Nếu môi trường xã hội của một người đầy ắp tình yêu thương, cảm giác an toàn, công bằng, khoan dung thì người đó cũng trở nên tốt đẹp, phát triển rất nhanh, có sức sáng tạo, yêu cuộc sống. Nếu con trẻ không nhận được đầy đủ tình yêu, cháu sẽ thể hiện ra là một đứa trẻ không tự tin, không hòa đồng với các bạn nhỏ khác, cháu phải nghĩ cách để giành được tình cảm yêu thương của người khác, hoặc là nghĩ mọi cách để phá phách, moi móc tâm tư của bố mẹ để tìm kiếm chút ít tình yêu. Tôi đã gặp một bé gái 3 tuổi, cô bé đang chơi thì bị đứt tay, chảy một ít máu. Tôi nói với cô bé: “Cháu đi tìm mẹ băng tay cho, nếu không sẽ nhiễm trùng đấy”. Cô bé cười nói: “Không sao đâu”. Hôm đó là một buổi chiều mùa đông, cô bé đang chơi đất ở ngoài, tôi khuyên cô bé phải về nhà băng tay lại, rồi hãy ra chơi tiếp. Cô bé do dự một lát, nói: “Vâng!”, rồi vui vẻ quay trở về nhà, nhưng vừa vào cửa đã khóc òa lên, nói quá về vết thương của mình. Mẹ an ủi cô bé. Khi cô bé vẫn ngân ngấn nước mắt chạy ra cửa, thấy tôi vẫn đang đứng đó, cô bé giơ ngón tay cười nói: “Anh hùng!”.

Một đứa trẻ đang ở tuổi lớn lên mà lại dùng thủ đoạn để có được tình yêu như thế thì thật là đáng buồn.

Trạng thái của rất nhiều đứa trẻ là: Trẻ biết nên khóc lúc nào để được mẹ yêu. Chúng ta cũng biết là khi một người yêu đứa trẻ, đứa trẻ mới yêu người đó. Đứa trẻ nhìn vào hành vi của người lớn, chứ không nghe những lời thuyết giáo, đó cũng là đặc điểm “tâm trí mang tính tiếp thu” của Montessori. Trung Quốc có một câu tục ngữ: “Thà cho con trẻ một tấm lòng, còn hơn cho con một khuôn mặt tốt”. Tôi lại muốn nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng: Cho dù bạn không cho con một tấm lòng thì cũng phải cho con một khuôn mặt tốt để con trưởng thành. Điều này khiến tôi nghĩ đến một câu thơ của Pushkin: “Ôi lừa dối tôi nào khó. Tôi vẫn đang muốn tự dối mình”(*). Bởi vì một “khuôn mặt tốt” của bố mẹ có thể mang đến cho các con một nền tảng an toàn, mà kết quả của nó là cùng với sự lớn lên về lứa tuổi, các con dễ dàng thu nạp các giá trị quan tương đồng với bố mẹ và cả một số hành vi khác. Vì thế, một “khuôn mặt tốt” phải được duy trì ổn định. Ví dụ như một giáo viên ở trường chúng tôi bị đau chân, một cháu nhỏ đang thao tác đồ dùng dạy học nhìn thấy vội ôm lấy hộp đồ dùng chạy ra ngoài. Có một cô giáo nhìn thấy cháu, hỏi: “Sao con lại mang hộp đồ dùng ra ngoài thế này? Để cô dẫn con về lớp”, rồi dẫn cháu về lớp. Cháu bé về lớp nhìn thấy cô giáo bị đau chân thì nước mắt lại hai hàng. Cô giáo nói: “Tại sao con lại mang hộp đồ dùng ra ngoài?”. Cháu bé nói: “Chân cô bị đau, con đi tìm bác sĩ”. Cô giáo vô cùng cảm động, quỳ xuống nói: “Cô xin lỗi, tại cô không biết”. Cô giáo cứ tưởng mọi việc đến đây là kết thúc, đứa trẻ cũng vào lớp. Nhưng đến giờ ăn trưa, cháu bé đang ăn cơm thì lại chạy ra ngoài, vì nhìn thấy bóng bác sĩ thoáng qua ngoài cửa sổ. Cháu bé chạy ra ngoài nói: “Bác sĩ ơi, cô giáo cháu bị đau chân”. Bác sĩ bảo: “Được rồi, để bác qua xem”. Nghe xong, cậu bé thở phào nhẹ nhõm, chạy trở về chỗ ăn cơm. Cô giáo nói: “Con trẻ hoàn toàn bình tĩnh, nhưng tôi không còn giữ được bình tĩnh, tôi biết rằng tình yêu tôi vẫn dành cho các con đã được hồi đáp”. Con trẻ học được cách yêu thương, giúp con trẻ có được phẩm chất này chính là sự hồi đáp tốt nhất đối với các cô và xã hội.

(*) Trích bài thơ “Lời tự thú” Pushkin, Tạ Phương dịch.

Bậc cha mẹ học được cách yêu con như thế nào? Các bạn nên tìm đọc những loại sách kinh điển, tìm hiểu quy luật trưởng thành của trẻ và quá trình hình thành tinh thần của con, hiểu rõ thực tế trưởng thành của nhân loại là quá trình trưởng thành về tinh thần. Có như vậy mới có thể hiểu được con mình, hiểu được tại sao con lại nắm đồ vật, rồi cầm gì cũng cho vào miệng; tại sao trẻ con thích nghịch nước, ăn bốc cơm. Montessori có một câu: “Có hai kiểu trừng phạt đối với con người, đó là cướp đoạt của con người hai thứ, một là sức mạnh nội tâm và hai là sự tôn nghiêm của nhân cách”. Chúng ta tạm thời đặt “sức mạnh nội tâm” sang một bên, bởi vì vấn đề đó quá phức tạp. Tôi chỉ xin đề cập đến sự tôn nghiêm của nhân cách, tôi nghĩ khi việc trách mắng con trẻ, hoặc là con trẻ phải thăm dò sắc mặt người lớn đã trở thành chuyện cơm bữa hàng ngày. Những người làm cha mẹ cho rằng, con trẻ không có cái gọi là tôn nghiêm, và quả thật là trẻ đã bị lấy mất sự tôn nghiêm của mình. Lâu dần, cha mẹ mắng con, đánh con cũng là chuyện bình thường. Có người đã vì những nguyên nhân của tuổi ấu thơ mà phải dùng sức lực cả cuộc đời để bảo vệ sự tự tôn của mình và giãy giụa trong mâu thuẫn, một mặt ra sức duy trì sự tự tôn, mặt khác không muốn làm tổn thương đến người khác. Vì thế, tôi muốn nói với một số người làm cha mẹ rằng, nếu con bạn không có tính tự tôn, tốt nhất bạn nên hỏi bản thân mình đã làm gì để ảnh hưởng đến con?

Cuộc sống vẫn luôn tàn khốc như vậy, có cho thì mới có nhận. Bạn sẽ nói: “Cha mẹ nào mà chẳng yêu con? Tôi cho nó ăn, mặc, tôi nuôi nó, trong lòng tôi lúc nào chẳng nghĩ đến nó”. Nhưng ngày nào bạn cũng mắng mỏ, oán trách, dạy dỗ con, bảy mươi phần trăm ngôn ngữ của bạn là những câu phủ định. Bạn trách mắng con trước mặt người khác, thậm chí còn đánh con ở chốn đông người. Nhà có khách, bạn nói luôn với khách về khuyết điểm của con, bạn đã luôn đứng ở góc độ của một người lớn mà hiểu lầm con… Tất cả những điều đó đều không phải là tình yêu.

Yêu là gì? “Yêu là nhẫn nại, yêu là nhân hậu, yêu là không đố kỵ, không khoe khoang, không sợ hãi, không làm những việc vô lý, không mưu cầu lợi ích cho riêng bản thân mình, không nóng giận… chỉ thích tìm chân lý. Bao dung, tin tưởng, hy vọng, nhẫn nại, yêu là chờ đợi không bao giờ ngơi nghỉ”.

Tôi thường nghĩ, nếu một người trưởng thành có thể đối đãi và hiểu con bằng tình yêu của mình, con trẻ nhất định sẽ vui vẻ, tự tin, dũng cảm và tràn đầy tình yêu. Điều quan trọng hơn cả là con trẻ có thể dựa trên tình yêu của mình để sáng tạo một thế giới và cuộc sống mới. Chúng ta từng mơ ước một cuộc sống hoàn mỹ, người với người bình đẳng, người với người hiểu nhau, không còn gián và rác, người lớn và trẻ em vui đùa trên thảm cỏ ngoài cửa nhà, các cụ già đọc sách dưới bóng mát của những tán cây, những triết gia đang đàm đạo trên ghế sofa bên cửa sổ, bên những bụi hoa thiếu nữ đang cầm tập thơ ngồi trên ghế gỗ, đám trẻ con nô đùa trên quảng trường, trong quán trà gần đấy những thi nhân đang ngồi nói chuyện… Tất cả những điều đó không hề xa vời. Nếu bạn yêu con, hãy cho con được vui vẻ. Bạn cho con một môi trường tốt đẹp, con trẻ sẽ đem đến cho bạn một tương lai xán lạn. Chúng ta gửi gắm hy vọng này vào các con là hoàn toàn đúng đắn, bởi vì “Trẻ em là cha của người lớn, trẻ em là cha của nhân loại, trẻ em là cha của văn minh”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx