sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Yêu thương và tự do - Chương 12

Chương 12

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HIỂU CON TRẺ?

Làm xét nghiệm chức năng gan cho trẻ, nếu cố sức bắt ép trẻ lấy máu để xét nghiệm, đối với đứa trẻ vẫn chưa hiểu gì về thế giới này điều này đáng sợ biết bao! Chúng ta nên cho trẻ đứng ở bên cạnh quan sát, để trẻ dần dần hiểu và thích ứng với môi trường này. Để làm được điều này, chúng ta cần có sự nhẫn nại và thời gian, trong khi chúng ta lại thích những đứa trẻ luôn biết nghe lời, làm theo mọi sự sắp đặt của người lớn như một con rối gỗ, vì như vậy người lớn sẽ mất ít thời gian và công sức hơn.

Dành trọn tình yêu cho con, để con được sống trong một môi trường tràn đầy tình yêu, điều này có ảnh hưởng rất lớn đến cả cuộc đời của con. Nhưng, nói thì dễ, làm được thì rất khó. Đây là quan điểm chung của đại đa số loài người. Sự việc luôn như thế này, những nguyên tắc, những thứ trừu tượng thì dễ dàng; còn những việc trong cuộc sống, những sự việc cụ thể lúc làm thường rất khó khăn. Thậm chí có thể nói rằng, chúng ta đã dành quá ít thời gian cho các con. Càng là những gia đình ở các thành phố lớn, con trẻ càng có ít cơ hội gần gũi với cha mẹ. Bởi vì cha mẹ rất bận, luôn cảm thấy thiếu thời gian, bao nhiêu việc đang xếp hàng chờ. Cha mẹ không có thời gian đọc sách, giao lưu, không có thời gian làm việc cùng con, không có thời gian cùng con thưởng thức thứ con muốn thưởng thức, không có thời gian lắng nghe nỗi lòng và cảm nhận của con. Một phần thời gian ít ỏi khi ở bên con, cha mẹ lại để tâm trí ở tận đâu đâu, không tập trung toàn bộ tâm sức để tìm hiểu con mình.

Hiểu được con không phải một việc dễ dàng. Trước hết, phải hiểu được trạng thái tâm lý của con, đặc biệt là hiểu được trạng thái phát triển của con. Gà mẹ là một động vật rất yếu ớt, nhưng đứng trước kẻ thù dù lớn mạnh đến đâu, gà mẹ vẫn có thể dùng đôi cánh của mình để bảo vệ gà con; hổ là một loài vật dũng mãnh, nhưng khi vui đùa với con thì vẫn vô cùng kiên nhẫn. Lòng yêu con loài nào cũng có và cũng có thể làm được, thậm chí những người làm cha làm mẹ còn có thể làm rất tốt. Nhưng, khi con trẻ đã có ý thức về sự độc lập, cần cha mẹ hiểu về trạng thái trưởng thành của mình, cha mẹ lại không thể làm tốt sự “yêu thương” của mình. Chúng ta thường gặp tình trạng, khi đứa con bắt đầu có sự độc lập thì cha mẹ sẽ than rằng: “Đứa trẻ này quá bướng!”, “Sao con lại không nghe lời như vậy”. Thực tế là con cái chúng ta đang trưởng thành! Con cái trưởng thành theo ý chí của bản thân chúng, trong khi ý chí của con trẻ và ý chí của cha mẹ lại bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Chúng ta phải học cách tìm hiểu nhu cầu trưởng thành của trẻ.

Theo phương pháp Montessori, trường chúng tôi quy định, trẻ không được can thiệp thô bạo tới người khác, không được đánh mắng người, phải đưa đồ dùng dạy học trở về nơi quy định, không được làm phiền người khác. Ngoài những quy định này, trẻ được tự do hoàn toàn. Mấy ngày trước, bác sĩ của viện bảo vệ sức khỏe đến kiểm tra sức khỏe cho các bé ở trường Montessori chúng tôi. Bọn trẻ đều rất tự do. Chúng tôi cho trẻ được độc lập để đưa ra lựa chọn. Lúc đó, tất cả bọn trẻ đều vây quanh, chúng sờ áo bác sĩ (chúng tôi có một tiết học là sờ mó để phân biệt sự thô mịn của các chất liệu vải), rồi sờ vào các dụng cụ y tế. Bọn trẻ không phá hoại, chỉ mân mê mọi thứ rất nhẹ nhàng. Bởi vì chúng chưa bao giờ được nhìn thấy những thứ này và những việc như thế này. Đặc biệt là khâu làm xét nghiệm cực kỳ thu hút bọn trẻ, trong đó có một bé rất bẩn, bị lấy máu đi làm xét nghiệm. Sau đó cháu đã đứng ở đấy đúng một tiếng. Tôi xem đồng hồ, đúng một tiếng cháu cứ giơ tay đứng yên ở đó, trong khi cháu mới hơn 2 tuổi một chút.

Bác sĩ nói với tôi: “Trường chị nhốn nháo quá, sao lại để bọn trẻ thế này?”. Ý của ông ấy là, trường chúng tôi cũng nên giống với những trường mầm non khác, lũ trẻ ở đó (mặt mũi nghiêm trọng) xếp một hàng dài, từng cháu một vào phòng xét nghiệm, kiểm tra xong thì quay về lớp. Bọn trẻ phải yên tĩnh, nghe lời. Còn đám trẻ của chúng tôi đang chạy khắp hội trường, cô giáo chạy theo phía sau, có cháu thì đang khóc vì vừa bị lấy máu xong, những bé còn lại thì đang đứng xung quanh xem. Tôi rất kinh ngạc vì sự thiếu kiên nhẫn của vị bác sĩ này, tôi nói: “Anh là bác sĩ, càng phải hiểu tâm lý của trẻ con. Trong quá trình này, chúng ta phải cho các cháu một thời gian tương đối dài, để các cháu thích nghi với công việc của các anh, để các cháu tự do quan sát và giao lưu với các anh, và dần dần hóa giải được nỗi sợ hãi trong quá trình quan sát và tìm hiểu ấy”.

Trẻ em quan sát được điều gì sẽ học theo điều ấy, tôi cho rằng đây là một cơ hội cực tốt để các bé học tập. Mẹ một cháu của trường chúng tôi đã nói rằng, trước đó chị đã cho con đi học một trường khác, em bé đó khi về đến nhà đã xếp một loạt những em búp bê của mình ở trên giường, từ bé đến lớn, rồi nói: “Không được nói chuyện, ngủ đi! Không ngủ thì cô phải trông các con à?”. Mẹ cô bé vừa nghe đã hiểu ra ngay, con bé đang lặp lại tất cả những hành động và lời nói của cô giáo mình.

Trẻ em là tấm gương của người lớn. Cũng có người nói ngược lại, người lớn là tấm gương của trẻ em. Tôi thấy ý nghĩa của hai câu này là khác nhau. Người lớn làm thế nào, trẻ con sẽ làm theo thế ấy.

Trẻ em bị mất đi cơ hội phát triển sự tự do của bản thân và cũng tập theo người lớn thói quen hạn chế sự tự do của người khác. Đây là nguyên nhân căn bản nhất lý giải cho việc người lớn hay khống chế và áp bức người khác. Chúng ta chưa từng có cơ hội tự do phát triển tiềm năng của mình, với một quan niệm thâm căn cố đế: Tự do là có hại.

Thói quen của chúng ta không cho phép chấp nhận sự tự do của con trẻ, nhất là những khi con trẻ quá “ồn ã”. Nhưng, nếu bạn thực sự yêu con, bạn sẽ phát hiện ra rằng, khi con đang quan sát “việc làm xét nghiệm”, con thực sự rất đáng yêu, và không hề ồn ã. Có những bé không chịu làm xét nghiệm, bé sẽ đứng ở thật xa, kiên quyết từ chối. Chúng tôi muốn làm công tác tư tưởng với trẻ, để trẻ hiểu rõ “việc làm xét nghiệm” là như thế nào. Quá trình này là vô cùng chậm chạp, khi nào có được cảm giác an toàn, trẻ mới chịu tham gia, nếu không, việc này sẽ gây cho trẻ một sự kích động. Đặc biệt, khi xét nghiệm chức năng gan, phải lấy máu ở cổ, trong lúc trẻ còn chưa hiểu gì, người lớn đã ấn trẻ xuống bàn, quá trình ấy đâu có khác gì việc giết một con vật. Đối với một đứa trẻ còn chưa hiểu gì về thế giới này, điều đó thật đáng sợ biết bao! Vì thế, bạn nhất định phải kiên nhẫn giảng giải cho trẻ hiểu, để trẻ quan sát, thích ứng, ngoài ra không còn cách nào khác.

Đáng tiếc là rất nhiều người lớn không có được sự kiên nhẫn này. Chúng tôi ngày càng phát hiện ra, không chỉ có bác sĩ, mà cả cô giáo và những bậc phụ huynh đều không chấp nhận cho trẻ tự do, để trẻ được tự do điều chỉnh thời gian và không gian của mình, để trẻ được tự do, vui vẻ làm những việc mình muốn làm. Người lớn sợ phiền phức, đơn giản là vì một đứa trẻ biết nghe lời như một con rối gỗ sẽ đơn giản hơn, người lớn muốn làm gì cũng nhanh chóng hơn. Trong khi với một đứa trẻ được tự do, chúng ta sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công việc và sức lực hơn. Phần đông người lớn thường không muốn tốn thời gian với con trẻ vì kiếm tiền quan trọng hơn, xem ti vi quan trọng hơn, tán phét quan trọng hơn, ngủ quan trọng hơn… Đây chính là vấn đến về quan niệm giá trị.

Trong cuộc đời một con người, chúng ta bỏ ra thời gian sáu năm với các con và cùng với sự phát triển của các con mà phát triển bản thân mình, đó là điều giá trị nhất. Tôi đã biết có rất nhiều người mẹ đã hối hận vì chưa làm được điều này! Trong quá trình tập trung cho các con, chúng ta sẽ được trưởng thành từng phút từng giây, cả con chúng ta cũng thế. Chỉ có bỏ ra tâm huyết, tích cóp từng giây từng phút trưởng thành của con trẻ mới có thể nuôi dưỡng nên một đứa trẻ thành công và hạnh phúc.

Sai lầm của người lớn luôn phổ biến đến kinh ngạc. Hôm nay, tôi lại gặp một câu chuyện “xưa như trái đất”. Ở lối rẽ vào công viên, một người mẹ của một đứa trẻ hơn 2 tuổi đang mua bánh cho con. Đứa trẻ cầm lấy cái bánh dứt khoát không buông tay, cả người mẹ cũng vậy: “Con không ăn hết được nhiều thế này đâu, ăn không hết phí lắm”. Nhưng đứa trẻ vẫn không chịu buông cái bánh, nói: “Con ăn được mà, ăn được mà”. Người mẹ không đồng ý. Tôi đứng đó nhìn hai mẹ con giằng co nhau, thấy chẳng có cách giải quyết nào, nên lên xe đi tiếp. Tại sao vẫn có những chuyện “xưa như trái đất” thế này? Người mẹ cho rằng đứa trẻ thật tham lam, không thể ăn hết cả cái bánh to mà cứ đòi cho bằng được. Ở trường Montessori, chúng tôi đã phát hiện ra tình huống này với rất nhiều em: Con trẻ luôn thích cái hoàn chỉnh, không thích nửa cái. Chúng tôi từng mở cả một cuộc họp để các giáo viên thảo luận vấn đề này, khi các cô đưa ra tình huống ở lớp mình, chúng tôi phát hiện ra con trẻ có một quan niệm thẩm mỹ “kiên quyết theo đuổi sự hoàn mỹ”. Yêu cầu thẩm mỹ của trẻ vượt xa người lớn, ví dụ như trẻ không bao giờ chịu đi vệ sinh ở toa lét có dính nước, hay cặn nước tiểu màu vàng.

Khi người lớn không thể hiểu nổi một cách nghĩ nào đó của con trẻ, còn con trẻ đang gào khóc đòi làm theo ý mình, chẳng lẽ chúng ta lại không thể hỏi được một câu tại sao? Chẳng lẽ đó là vì con trẻ quá tham lam? Không, chúng ta không thể mang lối suy nghĩ đã vẩn đục sự đời mà áp đặt lên con trẻ. Khi bạn không biết nên làm thế nào, chẳng lẽ cho con trẻ tự do lại không phải là một cách hay? Nhất là khi trẻ còn nhỏ, cũng chính là lúc trẻ đang hình thành và xây dựng thẩm mỹ quan của mình, cả cha mẹ và thầy cô cần phải cung cấp cho trẻ điều kiện và cơ hội để trẻ hình thành thẩm mỹ quan của riêng mình.

Nói cách khác, thà rằng hãy để trẻ “lãng phí một chút”, chứ đừng phá hoại sự theo đuổi sự hoàn mỹ của trẻ. Bởi vì lúc này trẻ chưa thể hình thành nên quan niệm “tiết kiệm”, nhưng lại là thời cơ quyết định để hình thành quan niệm thẩm mỹ. Tiếng khóc của con trẻ luôn luôn có lý do. Theo các nhà tâm lý học, đây là giai đoạn trẻ hoàn thiện nhân cách và bắt đầu phát triển trí lực, cũng là giai đoạn nuôi dưỡng thẩm mỹ của trẻ. Quan niệm thẩm mỹ tốt hay xấu sẽ quyết định việc trẻ có tránh được cái xấu và tội ác hay không, hay nói cách khác, ở một trình độ nào đấy, thẩm mỹ cũng là đạo đức.

Tất cả những sự việc này về cơ bản đều là sự tự do trong quá trình phát triển của trẻ. Có những lúc chúng ta biết con mình cần phát triển cái gì, nhưng điều đó đòi hỏi một quá trình nghiên cứu khách quan cẩn trọng. Điều này cần đến một nền tảng tri thức chuyên nghiệp, đòi hỏi một tình yêu sâu sắc dành cho con. Nhưng, phần nhiều là chúng ta đã bỏ bê những điều này, cho dù rất khó để hiểu rõ trẻ em. Tôi xin đưa ra một ví dụ nữa. Có một thời gian các bé ở nhà trẻ chúng tôi rất thích ngồi bên trong hốc cây, ở đó vừa đủ chỗ cho một bé ngồi cuộn tròn. Các bé ngồi trong đó, lưng đeo một con thỏ, ngoài cửa hốc đậy bằng một tấm bìa giấy. Vì không gian bên trong quá chật nên các bé phải ngồi im không động đậy, nhưng các bé cứ ngồi như thế hàng nửa tiếng đồng hồ, bên ngoài còn có vài “bảo vệ” đứng gác, nóng lòng chờ đến lượt mình. Bạn thấy việc này có lạ không? Các bé đang phát triển điều gì? Chúng ta không biết, nhưng các bé lại rất thích trò chơi này.

Chỉ cần cho trẻ được tự do, có tự do trẻ sẽ tự động thực thi những phương thức phát triển “thần kỳ” mà người lớn không tài nào nghĩ ra và cũng không thể hiểu được. Montessori nói, khi một người đi dạo trong rừng cây, nếu đủ trầm tư sâu lắng, đủ liên tưởng lãng mạn, đúng vào lúc đó, từ xa vọng lại tiếng chuông ngân, thì cảm giác ấy còn sâu đậm hơn, như một bài thơ vậy. Montessori nói, điểm kiệt xuất của một người giáo viên Montessori ưu tú nằm ở chỗ, khi đứa trẻ đang dạo bộ trong rừng sâu, người giáo viên có thể là tiếng chuông tô đậm thêm cảm giác tốt đẹp của trẻ.

Tôi cũng phát hiện ra thời kỳ nhạy cảm “theo đuổi sự hoàn mỹ” của chính con trai mình. Có một lần tôi cho cháu một cái bánh đậu ngọt, sau đó tôi nói: “Con cho mẹ một miếng được không?”. Cháu nói: “Được ạ”. Tôi véo một miếng bánh, thế là con tôi vứt miếng bánh, lăn ra khóc. Đây là tâm lý gì vậy? Lúc đó tôi cảm thấy thật lạ, cháu đã đồng ý cho tôi ăn một miếng bánh, tại sao lại thế này? Tôi nói: “Con nín đi, nín đi mẹ đổi cho con cái khác”. Tôi đổi cho cháu một cái khác. Con tôi vội đứng dậy, nói: “Mẹ, mẹ ăn đi”. Tôi cắn một miếng vào góc cái bánh của cháu. Cháu cười nói: “Lần này mẹ đúng rồi”. Rồi cháu lấy tay ra hiệu ở viền bánh, ý rằng lần này là cắn một cái, chứ không phải véo như lần trước. Véo có nghĩa là phá hoại sự hoàn chỉnh của tổng thể cái bánh, nhưng cắn một miếng thì không phải. Đây chính là tâm tư của con trẻ.

Một đứa trẻ có thẩm mỹ tình cảm tao nhã, thì sau khi trưởng thành sẽ không phàm tục, tầm thường và càng không dung tục. Piaget(*) từng làm một thí nghiệm, ông muốn đo tình trạng trí lực của con trai mình. Ông đặt hai cái đệm lên hai cái ghế, sau đó giấu một vật vào dưới đệm. Ông mời con vào và nói: “Con hãy nói cho bố nghe xem, bố giấu một vật ở dưới cái đệm ghế nào?”. Con ông đi thẳng đến cái ghế không có gì, lật tấm đệm ghế lên, nói: “Không có gì”. Ông nói: “Thế thì con lại ra ngoài một chút nhé”. Sau khi con ông ra ngoài, ông lại giấu vật đó xuống cái đệm ghế khác, rồi lại mời con vào. Con ông đi vào lại đi thẳng đến cái ghế không giấu vật gì, lật đệm lên, nói: “Không có gì”. Piaget nói: “Thật là không thể hiểu nổi, sao lại có thể thế chứ?”. Montessori cười nói: “Ông không hề hiểu con trẻ, con ông đang muốn bố có cảm giác thành công”. Con trẻ đang chơi một trò chơi với bố mình, là để thỏa mãn một nhu cầu của bố. Trẻ cho rằng, chỉ cần mình không phát hiện ra, bố mình sẽ tự cảm thấy bố thật thông minh. Trẻ không biết bố đang muốn “đo” trí lực của mình. Vì thế Montessori nói rằng: “Người lớn chúng ta không có cách nào hiểu nổi trạng thái tâm lý thực sự của trẻ”.

(*) Jean Piaget (1896-1980) là một nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ. Ông nổi tiếng với những nghiên cứu nhận thức luận với trẻ em.

Thế giới nội tâm của con trẻ còn bao la hơn cả bầu trời! Chỉ cần chúng ta chú tâm để yêu con, con trẻ sẽ trở nên tốt đẹp. Chỉ có yêu trẻ, chúng ta mới có thể cho trẻ sự tự do. Có được tình yêu và tự do, con trẻ sẽ có đầy đủ điều kiện trưởng thành cơ bản. Khi tình yêu và sự tự do trải dài khắp tuổi thơ của trẻ, sẽ có một ngày, trẻ hình thành nên phẩm chất tốt đẹp nhất, cao quý nhất và đầy đủ sức hút nhân cách.

Bất cứ một giáo viên và một người làm cha mẹ nào cũng phải hiểu được con trẻ, đây là điều quan trọng nhất. Nhưng có những lúc, tình yêu sẽ là một tình yêu giả tạo và con trẻ sẽ nổi cơn thịnh nộ với thứ tình yêu không xuất phát từ sâu thẳm tấm lòng. Tôi phát hiện ra rằng, con trẻ nhận biết người lớn mà không cần đo lường và phán đoán bằng ngôn ngữ và biểu hiện của họ. Trẻ con dùng tâm hồn để cảm nhận bạn. Tôi nghĩ, rất nhiều những người làm cha mẹ đã thể nghiệm được điều này. Chẳng hạn, nhiều người lớn giả vờ hỏi trẻ con: “Con bao nhiêu tuổi rồi? Con tên là gì?”. Trẻ con nhìn qua sẽ nhận ra ngay, biết ngay người này chỉ hỏi giả vờ, không chịu trả lời, quay đi. Người lớn lại nói: “Thật mất lịch sự quá!”, mà không biết, ai mới là người mất lịch sự. Có một lần, một người lớn hỏi một cô bé 5 tuổi của chúng tôi: “Con bao nhiêu tuổi rồi?”. Đứa bé nhìn người này một lúc rồi nói: “2 tuổi”. Người lớn này vô cùng ngạc nhiên, sau đó có nói với tôi rằng: “Trí lực của cháu có vấn đề à?”. Khi tôi gặp lại đứa bé này, nhắc đến chuyện này, bé hỏi tôi lạ lùng: “Sao người lớn lại luôn hỏi về vấn đề đần độn này thế?”. Cũng giống như là khi bạn đang bực bội, trẻ con càng dễ làm ồn, bạn càng bực bội, trẻ con càng khóc. Cũng có thể sự bực bội của bạn không thể hiện trên khuôn mặt hay trong lời nói, nhưng trẻ em có thể cảm nhận được sự bực bội trong lòng bạn bằng chính tâm hồn mình. Con trẻ biết, đó không phải là tình yêu.

Không có tình yêu, thì sẽ thế nào? Phiền muộn! Hận! Ghét! Mệt mỏi! Tất cả đều có thể. Có một lần, một phụ huynh nói với tôi rằng, khi chị còn chưa thuyết giáo xong, con chị đã nói với chị rằng: “Mẹ hét lên, mẹ hét lên đi, mẹ hét cho đầu óc con loạn hết lên đi, mẹ có còn muốn cho con thi vào Havard nữa hay không?”. Một đứa trẻ bình thường, đáng lẽ cháu phải trầm tĩnh và bình thản. Trẻ sẽ đứng bên cạnh bạn hồi lâu và quan sát bạn. Rất nhiều người sau khi đến trường chúng tôi tham quan, đều phát hiện ra tình huống này, họ nói rằng: “Liệu đám trẻ ở trường này có chậm phát triển không mà cứ đứng đó nửa tiếng, thậm chí là hàng tiếng đồng hồ để nhìn chị”. Tôi nói: “Đây mới là những đứa trẻ bình thường, các cháu đang quan sát”. Trẻ cần rất nhiều thời gian để quan sát và suy nghĩ, trẻ càng nhỏ, cần càng nhiều thời gian hơn. Trẻ quan sát rồi suy nghĩ và hiểu rõ. Trẻ con sẽ nhìn thấu bạn. Sự quan sát lâu dài cũng là một sự tập trung. Montessori nói: “Quan sát là phẩm chất của một nhà khoa học”. Một con người nếu không có phẩm chất này thì sẽ không thể thành công.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx