sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Yêu thương và tự do - Chương 18 - Phần 2

Giai đoạn trước 3 tuổi là giai đoạn quan trọng để phát triển cá tính của con trẻ. Montessori nói, sau 3 tuổi, trước khi con trẻ có thể thuận theo, chắc chắn trẻ đang phát triển phẩm chất nào đó. Trẻ không thể ngay lập tức làm theo ý chí của người khác, cũng không thể chỉ trong một đêm đã hiểu được những điều người lớn yêu cầu. Trong 3 năm này, con trẻ hoạt động để dần dần hình thành phẩm chất nội tại của mình. Chỉ sau khi phẩm chất của trẻ được xây dựng một cách chắc chắn mới có thể phục vụ ý chí. Chúng ta biết rằng, rất nhiều trẻ trong một số trường hợp nào đó đã không chịu tuân theo trật tự công cộng. Trẻ con trèo lên trèo xuống ghế, phần vì lạ lẫm, phần vì muốn luyện tập trèo cao trèo thấp, phần vì còn quá nhỏ bé nên muốn đứng trên đó để quan sát. Lúc này bạn không được và cũng không thể yêu cầu trẻ không làm thế. Nhưng cùng với sự lớn lên của trẻ, sự quan sát sẽ giúp cho trẻ xây dựng được một trật tự: Ở những nơi trang nghiêm, thì mình không được làm vậy. Nếu bạn không mắng mỏ mà chỉ nhắc nhở, khoan dung trẻ, cho trẻ thời gian quan sát và tự điều chỉnh, trẻ sẽ phát hiện được quy tắc này, và thử làm theo. Tuy rằng sẽ có lúc trẻ thành công, có lúc trẻ thất bại, nhưng đều không hề gì vì trẻ đang dần hiểu những khái niệm này. Montessori gọi đó là “học tập và nắm bắt”. Khi thói quen này được củng cố, nó sẽ có ích cho con trẻ, cũng có nghĩa là thói quen này sẽ có ích cho ý chí của trẻ.

Vì thế ở trường Montessori, chúng tôi không mắng mà chỉ nhắc nhở trẻ. Nhờ đó, con trẻ có thể giữ được chừng mực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Còn nhớ một lần, con trai đến cơ quan tôi làm việc, lúc đó cháu mới hơn 2 tuổi, vẫn còn rất bé. Một đồng nghiệp mua cho cháu chiếc bánh, bảo cháu ngồi ở ghế ăn. Cháu ăn xong, muốn trả ghế về chỗ cũ. Cháu đứng sau ghế, chiếc ghế quá to so với cháu, cháu chỉ cao bằng một nửa cái ghế. Con tôi lấy tay đẩy không nổi, thì dùng vai đẩy, cố sức đẩy ghế về chỗ. Lúc đó tôi đứng ở cửa quan sát, xung quanh không có một ai. Cháu làm thế vì cháu thấy rằng mình nên làm, chứ không vì muốn ai nhìn thấy. Lúc này, cháu đã có đầy đủ sức mạnh ý chí, cháu biết mình phải làm gì ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Một lần khác, tôi đưa con đi ăn ở nhà hàng. Tôi nói, con ngồi ở đây, mẹ đi lấy đồ ăn. Sau đó cháu không nhìn thấy tôi, liền đứng luôn lên trên ghế gọi ầm lên: “Mẹ, mẹ!”. Tôi vội quay lại nói: “Đang ở chỗ công cộng, con không được làm ồn”. Nghe vậy, con tôi vội ngồi xuống ghế, không gọi to nữa. Lúc này biểu hiện của cháu là thuận theo, cháu đã có được đầy đủ khả năng tự kiềm chế bản thân mình.

Hiểu được điều này vô cùng quan trọng: Ở giai đoạn này, đầu tiên con trẻ phát triển khả năng của mình để thuận theo. Trong một lần chấp hành mệnh lệnh, có thể trẻ thành công, nhưng không chắc chắn là trẻ sẽ thành công ở những lần tiếp theo. Con trẻ đều như vậy. Ví dụ con muốn rót nước vào bình, lần thứ nhất có thể trẻ thành công, vừa rót đã vào bình ngay. Nhưng lần thứ hai có thể trẻ sẽ không thành công. Lúc này, người lớn chúng ta cứ nên mặc kệ trẻ, để cho trẻ luyện tập đôi tay của mình. Tất cả sự thành công của giai đoạn trước đã bị chìm khuất bởi lần thất bại lần này, lần thất bại này thúc giục trẻ làm lại, quá trình lặp đi lặp lại ấy tôi luyện khả năng của trẻ. Giống như bé Lập Lập ở trường chúng tôi, bé muốn móc dây vào đinh, mỗi lần móc không tới nơi đều thúc giục bé làm lại, đến khi nào làm bằng được. Thông qua quá trình lặp đi lặp lại sự luyện tập, con trẻ đã đóng đinh được khả năng này. Cứ như thế, trẻ sẽ cố định và nắm bắt được tất cả. Nhưng, chúng ta thường thấy người lớn nói: “Con ngốc thật đấy!”. Hoặc là: “Để đấy, bố (mẹ) làm cho con!”. Người lớn không cho phép con trẻ phạm sai lầm. không cho con trẻ cơ hội phạm sai lầm.

Sai lầm không có ý nghĩa gì với con trẻ, con trẻ không biết thế nào là sai lầm, con chỉ cảm thấy, lần này chưa làm được thì làm thêm lần nữa. Trẻ liên tục làm việc, liên tục lặp đi lặp lại, cuối cùng trẻ đã làm được. Trẻ đã có được cảm giác thành tựu. Quá trình này đã hình thành khả năng của trẻ. Nhưng người lớn lại hay oán trách, nếu con trẻ không làm theo ý mình, bố mẹ sẽ trách mắng con: “Ngốc thật đấy, sao lại có đứa trẻ ngốc thế không biết, con nhìn bố (mẹ) làm thế này này…”.

Lâu dần, người lớn có một tiềm thức: để cho con trẻ thấy người lớn thật tuyệt vời. Nhà giáo dục vĩ đại của Thụy Sĩ Johann Heinrich Pestalozzi (1746-1827) cũng cho rằng không thể dung túng cho thói tùy tiện, lúc thuận theo, lúc không của con trẻ. Montessori nói, ngay cả Johann cũng nghĩ vậy thì sai lầm của các giáo viên cũng là chuyện lâu dần thành quen.

Vì thế, rào cản lớn nhất của trường Montessori chúng tôi chính là các ông bố bà mẹ. Thường là khi con trẻ vào trường khoảng từ hai đến ba tháng, mọi sự của trẻ bỗng hoàn toàn thay đổi. Trẻ trở nên cực kỳ tùy tiện, hoàn toàn khác với trước đây. Ví dụ như bé Thanh, trước đây bé là cục cưng của bố, bố bảo làm gì cũng làm. Khi vào trường mầm non Montessori khoảng một tháng, bé đã bắt đầu thao tác đồ dùng dạy học, được các cô khen là: “Em bé này có trạng thái tốt”. Nhưng sang tháng thứ hai, tình hình đã khác, bé về nhà đã bắt đầu biết “gây chuyện”. Lúc đi xuống cầu thang còn yêu cầu: “Mẹ bế!”. Mẹ không bế: “Con lớn thế này rồi, sao còn bắt mẹ bế nữa chứ?”. Bé Thanh nghe thế thì nằm lăn ra khóc! Bố bé nói: “Phương pháp giáo dục Montessori đã biến một đứa bé ngoan ngoãn trở nên tùy tiện thế này!”. Trong quá khứ bé Thanh lúc nào cũng nghe lời bố là bởi vì bé bị răn dạy phải làm thế này thế kia. Trạng thái bình thường của bé là: bé muốn được người khác bế, cũng giống như những người đang yêu muốn được ôm nhau. Có những lúc tôi bế bé đi xuống cầu thang, bé cười khanh khách… rồi giấu khuôn mặt bé nhỏ vào trong cổ tôi, cười mãi không thôi. Cảm giác ấy thật là ngây ngất. Khi con trẻ muốn chúng ta bế, đó hoàn toàn là một nhu cầu tâm lý, kết quả là nhu cầu tâm lý mãnh liệt ấy lại bị người lớn cho là “tùy tiện”.

Tôi còn nhớ một lần khác, một vị phụ huynh mua kẹo cho con mình. Mua xong xé toạc giấy bọc kẹo ra, rồi đưa viên kẹo cho con. Ngay lập tức, đứa con vứt viên kẹo đi, lăn ra khóc. Mẹ bé thấy thế nói: “Chị xem, nó có bướng không? Lũ trẻ của trường này đứa nào cũng vậy!”. Tôi nói: “Trẻ con đều muốn tự bóc kẹo cho vào miệng. Chị đã làm hỏng kẹo của con, nên con mới nổi giận như thế”.

Lúc này, con trẻ có thuận theo bạn không? Chắc chắn là không, vì thông qua động tác bóc kẹo, con trẻ hoàn thành sự phát triển năng lực và trí tuệ của mình. Thông qua việc “bóc”, trẻ nhận được nhiều điều khác. Cũng giống như em bé đòi mua khoai trong phần trước, bé đòi mua khoai vì muốn bóc khoai, nhưng mẹ không cho bé bóc mà bóc hộ cho bé một cách cẩn thận, sạch sẽ. Kết quả là bé tức điên lên, cũng không thèm ăn khoai nữa. Mẹ không thể hiểu tường tận những suy nghĩ của bé. Chúng ta biết rằng, bọn trẻ tức giận, ăn vạ đều có nguyên nhân, đều do nhu cầu hoặc nguyện vọng phát triển nào đó không được đáp ứng.

Trong tình huống này, chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu con trẻ có ý chí kiên cường, trẻ cứ “liều chết để đấu tranh”, làm ầm ĩ lên thì kết quả sẽ thế nào? Một cuộc “chiến tranh” có thể sẽ nổ ra. Rất có thể, người lớn sẽ dùng bạo lực để “trấn áp” sự “nổi loạn vô lý” của trẻ.

Tôi tin rằng chỉ cần tình yêu thương thì sẽ không có những câu chuyện hoang đường như trên. Có được sự yêu thương, sẽ không có cách nhìn và cách nói “nghe qua có lý mà sự thực là vô lý” đối với sự tùy tiện ở trẻ. Nhưng đối với phần đông người lớn chúng ta, rất khó để có được một tình yêu thực sự.

Thực ra có những bậc cha mẹ đã cho con một môi trường thoải mái, cha mẹ không mắng mỏ con, nhưng ở bên cạnh thuyết giáo cũng khiến con trẻ đánh mất lòng tin. Montessori nói không gì có hại hơn việc đánh mất lòng tin ở trẻ. Sự tự tin đã bị mất đi như thế nào? Ví dụ bạn đang làm việc và làm không tốt, một người lớn khác nói: “Làm sai rồi, cậu xem phải làm thế này này…”. Rồi người kia làm mẫu một lần. Bạn cảm thấy lo lắng, lâu dần chỉ cần bên cạnh có người đứng chỉ chỗ nọ, chỗ kia là bạn đã đánh mất sự tự tin. Trẻ con cũng như vậy, Montessori nói, khi trẻ còn chưa thể thuận theo ý chí của mình thì không thể nói đến việc trẻ thuận theo ý chí của người khác.

Khi con trẻ có những hành vi tự phát, liệu có phải trẻ đang thuận theo ý chí của bản thân mình? Câu trả lời đã chắc chắn. Khi con trẻ xây dựng được khả năng này, trẻ mới có thể thuận theo ý chí của người khác.

Vì thế, giai đoạn đầu tiên của thuận theo là: Con trẻ có thể thuận theo, nhưng không nhất thiết phải lúc nào cũng vậy. Ở giai đoạn này, thuận theo và không thuận theo là đan xen.

Giai đoạn thứ hai, con trẻ không còn cảm thấy trở ngại vì không khống chế được bản thân mình. Ví dụ di chuyển khi bê nước, nước sẽ sánh ra ngoài. Lúc này, mẹ nói: “Con để ý đi chứ, đừng để nước sánh ra ngoài”. Liên tục lặp lại những câu này liệu có khiến con trẻ không làm sánh nước ra ngoài nữa không? Điều này là không thể, chắc chắn nước vẫn sánh ra ngoài, vì khả năng của trẻ vẫn chưa thật tốt. Ở trường chúng tôi có bé Nghênh Nghênh, mẹ bé nói: “Thật là, tôi chán lắm ấy, con gái tôi bê nước, chỉ cần sánh ra ngoài một tí là nó khóc ầm lên, lại còn đổ cốc nước đó đi, lấy một cốc khác. Chỉ đến khi nào bưng cốc nước đến nơi mà không bị sánh ra ngoài một giọt nào, nó mới vừa ý”. Rõ ràng là lúc này trẻ đang rèn luyện khả năng thăng bằng của mình, trẻ đang cố gắng làm việc một cách hoàn mỹ nhất. Theo đuổi sự hoàn mỹ trong từng công việc là bản tính tự nhiên của con người, tất cả các trẻ em bình thường khác cũng đều làm như vậy: Cẩn thận, chậm rãi, run lẩy bẩy bê một cốc đầy nước từ nơi này sang nơi khác. Con trẻ cũng sẽ vận chuyển những đồ đạc khác, cái hộp, cái chậu, cái cốc… Khi trẻ thực hiện được thời kỳ nhạy cảm này, phát hiện được quy luật nội tại của sự vật, đến khi trưởng thành trẻ sẽ hình thành được gout thẩm mỹ của những nhà nghệ thuật.

Ở giai đoạn hai, nếu con trẻ đã có được khả năng này, trẻ sẽ không gặp phải trở ngại trong công việc. Ví dụ như khi bê nước trẻ đã có thể kiểm soát được đôi tay và cơ thể mình để nước trong cốc không sánh ra ngoài. Trẻ không cảm thấy một trở ngại nào. Khi khả năng này đã được hình thành, nếu thầy cô và bố mẹ nhờ trẻ giúp đỡ, trẻ sẽ vui vẻ và hào hứng đi làm. Lúc này trẻ có thể thuận theo và kiểm nghiệm khả năng của mình trong cuộc sống thực tế. Có như thế, trẻ mới có thể củng cố khả năng này và bước một bước dài về phía con đường thuận theo. Cũng giống như một người có khả năng tiếng Anh rất tốt, nếu nhờ anh ấy phiên dịch, đó sẽ là một việc vô cùng thoải mái với anh ấy. Nhưng với một người không có khả năng ngoại ngữ, nếu nhờ anh ấy phiên dịch, anh ấy sẽ cảm thấy trở ngại, bởi anh ấy biết năng lực của mình không đủ. Tôi nghĩ đến Lucy, cô giáo ngoại ngữ của trường chúng tôi, vì tôi không biết lượng từ vựng tiếng Hán của cô ấy khoảng bao nhiêu, nên khi nói chuyện với cô ấy, tôi đã hỏi: “Em ở Mỹ bao lâu rồi?”, cô ấy không hiểu, nhưng khi tôi hỏi: “Em đã ở Mỹ bao nhiêu thời gian rồi?”, cô ấy mới hiểu. Tôi hỏi: “Trường học có tốt không?” thì cô ấy hiểu, nhưng nếu tôi hỏi: “Em thấy trường chị và trường của em có gì khác nhau không?” thì cô ấy không hiểu. Không đợi tôi kịp nói gì thêm, Lucy đã chạy mất.

Còn có một lần, con trai tôi muốn ăn ngô, Lucy hỏi: “Ngô là cái gì?”. Tôi nói: “Ngô là một loại bắp của thực vật dài bây nhiêu, từng hạt từng hạt một”. Rõ ràng cô ấy không hiểu khái niệm “thực vật”, cô ấy lại hỏi: “Thực vật là gì?”. Kết quả là, tôi không thể giải thích rõ ràng cho cô ấy “ngô” là gì. Cô ấy đi hỏi một người bạn: “Ngô là gì?”. Bạn cô ấy nói: “Ngô, gần giống như quả cà, là một thứ ăn được”. Cô ấy hiểu ra ngay, nói: “À, tớ hiểu rồi”.

Bạn cô ấy đã dùng cách so sánh để giúp cô ấy nắm bắt từ ngữ này. Từ câu chuyện này, tôi cũng nghĩ đến tình hình học từ vựng, học ngôn ngữ của con trẻ. Rất nhiều người lớn nói chuyện này chuyện kia với trẻ, nói vừa nhiều vừa phức tạp, nhưng trẻ càng nghe càng thấy rối rắm. Hiển nhiên là con trẻ nắm bắt lượng tự vựng cơ bản bằng cách vận dụng vào những sự vật thực trong cuộc sống hiện thực, cho đến khi lượng từ vựng của trẻ đạt đến một mức nào đó mới có thể dùng từ để giải thích từ, dùng tranh vẽ, dùng phép so sánh và những thứ khác để giải thích từ, giống như trong từ điển.

Quá trình phát triển nhận thức của con người cũng rất lạ lùng. Có người hỏi: “Có phải trường chị không thích cô giáo nước ngoài này không?”. Tôi hỏi: “Sao vậy?”. Cô ấy nói: “Đám trẻ 3 tuổi thấy cô ấy là đã khóc ầm lên”. Tôi nói: “Không phải là không thích, mà là các con chưa đạt đến trạng thái tâm lý ấy. Con trẻ đột nhiên phát hiện ra giữa những khuôn mặt da vàng mũi tẹt của chúng ta là khuôn mặt khác lạ của cô ấy. Điều này không phù hợp với những trật tự và khái niệm con đã có”. Vì thế khi cô ấy tiếp cận trẻ, trẻ cảm thấy sợ, và đứng quan sát từ xa. Nhưng, những trẻ lớn hơn thì không thế, trạng thái tâm lí của trẻ đã phát triển đến mức có thể tiếp cận với cô. Trẻ đã biết trên thế giới này có người da trắng, người da đen… Vì thế, khi cô giáo nước ngoài xuất hiện, các con nhìn cô, rất thích cô và còn gọi cô là “mẹ”.

Để giáo viên nước ngoài dạy lớp của trẻ 3 tuổi có vẻ như không đạt được mục đích học ngoại ngữ. Lúc này, đối tượng nhận thức của bọn trẻ là khuôn mặt của cô giáo. Chẳng lẽ những đứa trẻ này chưa có sức mạnh ý chí? Không phải, mà là khả năng của trẻ chưa đạt đến mức có thể kiểm soát bản thân mình, trẻ vẫn đang nhận thức thế giới này. Bỗng nhiên trẻ phát hiện ra, thế giới này còn tồn tại một kiểu người khác, có mắt khác, mũi khác với những người xung quanh. Ở giai đoạn hiện tại, nhận thức này vô cùng quan trọng đối với con. Lúc này, ép trẻ thuận theo việc học tiếng Anh là không thể, vì trong cả tiết học, trẻ chỉ quan sát cô giáo để phát triển khả năng phân biệt trong tương lai, trẻ không thể học thêm điều gì về tiếng Anh. Chỉ khi nào quá trình nhận thức này hoàn thành, trẻ mới có thể học kiến thức.

Giai đoạn thứ ba, con trẻ sẽ có khát vọng được thuận theo. Lúc này sự thuận theo chỉ hướng về người mà trẻ cho là ưu tú. Trẻ phát hiện ra có thể nhận được sự dẫn dắt, sự giúp đỡ của con người ưu tú này, rồi từ đó sinh ra sự nhiệt tình, để trở thành khát vọng thuận theo. Khi con người đạt đến một trạng thái nào đó, họ có khát vọng thuận theo. Con trẻ đã ý thức được cô giáo có thể làm được những việc mà mình không làm được, trẻ tự nói với bản thân: “Cô giáo thông minh là thế, chắc cô cũng có thể khiến mình thông minh được như cô”. Rồi một ngày con trẻ nhận thức ra khả năng của một người lớn vượt xa trẻ, trẻ sẽ tình nguyện thuận theo. Đó chính là cuộc sống. Montessori nói, sự thuận theo đem lại lợi ích cho cuộc sống xã hội của loài người. Nếu không có sự thuận theo, cuộc sống xã hội sẽ trở nên lộn xộn và không có quy tắc.

Montessori đã đưa ra một ví dụ về việc luyện tập ngồi yên lặng. Bà nói: “Chỉ khi nào tất cả những người có mặt đều cảm thấy vui vẻ, mới có thể đạt được sự yên tĩnh hoàn toàn, vì cho dù chỉ một người cũng có thể làm hỏng sự yên tĩnh ấy”. Rất nhiều người nói có một điểm mà trẻ trong trường Montessori không bằng được trẻ trong trường mầm non truyền thống, đó là cảm giác vinh dự tập thể. Ví dụ mỗi lần chạy tiếp sức, đám trẻ của chúng tôi chạy đến nửa đường, bỗng nhìn thấy chú cảnh sát đang đứng nói chuyện với ai đó, rất có thể trẻ sẽ dừng lại, cầm cây gậy tiếp sức quan sát chú cảnh sát nói chuyện, cho đến khi chú ấy nói chuyện xong và đi ra chỗ khác, đứa trẻ đó mới chạy tiếp, đưa cây gậy tiếp sức cho bạn khác. Lúc này, các cô cũng cuống lên: “Chạy nhanh lên, nhanh lên!”. Nhưng đám trẻ đâu có vội, chúng vẫn đứng yên ở đó. Cô giáo mới đến nói trẻ không có cảm giác vinh dự tập thể. Montessori cho rằng, đó là vì trẻ không tập trung sự chú ý của mình vào việc thi chạy. Cho dù chú cảnh sát đó không xuất hiện, trẻ cũng không đạt được đến trạng thái đó. Đến khi con trẻ có thể thuận theo trạng thái này, trẻ sẽ phát hiện ra, nếu có một người phá hỏng trạng thái, sẽ phá hỏng luôn cả không khí, cả môi trường chung.

Hôm đó tôi vào lớp “Thiên Thần Nhỏ”, cô giáo đang chơi trò yên tĩnh với các con, tôi nhớ lúc đó có bé Kỳ đang cầm đế cắm trụ tròn, đưa cho cô, cô giáo nói: “Được rồi, mời con trả về vị trí”. Bé Kỳ rất vui vẻ nhận lấy, đế cắm trụ tròn tương đối nặng, bé Kỳ lại còn nhỏ, vì thế khi bé đặt một phần đế cắm trụ tròn lên trên giá làm phát ra tiếng động rất mạnh. Bé luống cuống, đầu còn lại của đế cắm trụ tròn cũng phát ra tiếng động mạnh như thế. Bé Kỳ vội ngồi xuống. Một bé khác nói: “Ầm quá”. Sau đó, một bé khác cầm cây gậy dài, cây gậy quá dài nên khi đi qua tủ, gậy quệt vào tủ ầm một tiếng, tất cả đám trẻ đều rụt cổ lại, một bé còn nói: “Khó nghe quá”. Lúc này, phải chăng đám trẻ của chúng tôi đã có cảm giác vinh dự tập thể? Các bé biết khi một người phát ra tiếng động, làm hỏng không khí yên tĩnh của lớp học. Đây mới gọi là cảm giác vinh dự tập thể đích thực.

Con trẻ đã cảm nhận được rằng, không được làm hỏng cảm giác vinh dự tập thể, vì như vậy sẽ đánh mất mỹ cảm. Khi con trẻ biết không được làm hỏng cảm giác này, trẻ sẽ có khả năng tự kiềm chế bản thân, thì bạn còn phải lo lắng điều gì? Khi chúng tôi học trung học, phải xếp hàng đi đâu đó, chỉ cần cô giáo vắng mặt một chút, ngoài mấy hàng đầu tiên còn ra hàng lối, phía sau đã loạn hết lên. Đám trẻ mầm non của chúng tôi thì không như thế. Khi chúng tôi dẫn các bé đi xem triển lãm khủng long, hướng dẫn viên đã nói liền bốn mươi phút. Sau cùng, cô ấy cũng phải ngạc nhiên kêu lên: “Em đã hướng dẫn cho người lớn, học sinh trung học, học sinh tiểu học nhưng chưa có đoàn nào lại trật tự như những bé mầm non này!”. Lúc này, trẻ đã có được khả năng kiểm soát ở nơi công cộng, trẻ đã đạt được trạng thái thuận theo. Những trẻ lớn thuận theo, kéo theo cả các trẻ bé hơn cũng thuận theo.

Trong sáu năm đầu đời, trẻ không ngừng phát triển tâm lý và trí lực. Sau khi trẻ đã xây dựng được một khả năng tương đối, trẻ sẽ bắt đầu nắm bắt bản chất và quy luật của sự vật, bắt đầu thuận theo quy luật ấy. Giai đoạn thứ ba của sự thuận theo đã được hình thành: Thuận theo chân lý. Đó cũng là những gì mà đám trẻ trường chúng tôi đã thể hiện: “Con yêu cô giáo, con càng yêu chân lý!”. Kết quả cuối cùng, trẻ không phải tuân theo người lớn, mà là tuân theo phép tắc phát triển của sự vật.

Montessori nói, thuận theo là giai đoạn sau cùng của phát triển ý chí, trình độ thuận theo của con trẻ cao như vậy, cuối cùng lại trở thành tấm gương của người lớn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx