sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Yêu thương và tự do - Chương 22 - Phần 1

Chương 22

VẤN ĐỀ CỦA CON TRẺ TỪ ĐÂU?

Trong một số nhà trẻ truyền thống, trẻ không được tự do hoạt động trong phần lớn thời gian mà phải ngồi rất quy củ để nghe giáo viên giảng bài. Như vậy, trẻ mất tự do, mất đi cơ hội tự phát triển bản thân. Ví dụ một đứa trẻ đang muốn đi nghịch nước, nhưng cô giáo lại bắt trẻ vẽ tranh. Khi nguyện vọng và hành động của trẻ không thống nhất, trẻ không thể tập trung vẽ tranh, vậy trẻ làm thế nào? Trẻ bắt đầu tưởng tượng, dùng sự tưởng tượng để bù đắp những hoạt động mình không thể thực hiện. Trẻ tưởng tượng mình đi nghịch nước, hoặc nghĩ ra một câu chuyện để an ủi bản thân. Lâu dần, tâm sức và hoạt động của trẻ bị tách rời nhau. “Con người bị phân liệt”.

Montessori nói: “Kinh nghiệm cho thấy, sự phát triển bình thường của con trẻ sẽ làm biến mất những thói xấu, không chỉ đơn thuần là những gì vẫn bị cho là khiếm khuyết mà còn cả những phẩm chất chúng ta vẫn lầm tưởng là tốt đẹp”. “Những phẩm chất vẫn lầm tưởng là tốt đẹp” ở đây chỉ những “thay đổi bất thường” mà chúng tôi muốn nói đến. Montessori nói: “Trong những phẩm chất đã biến mất đó, không chỉ có sự luộm thuộm, không phục tùng, lười biếng, tham lam, tự cho mình là trung tâm, hay tranh cãi và không ổn định mà còn có cả những cái gọi là ‘tưởng tượng mang tính sáng tạo’, kể chuyện tưởng tượng, nhớ nhung người khác, trò chơi, thuận theo...”.

Trong mắt rất nhiều người, kể những câu chuyện trong trí tưởng tượng, vui vẻ, khóc lóc, đau khổ với câu chuyện của mình là những hoạt động giàu trí tưởng tượng và sức sáng tạo. Montessori cho rằng, đây chính là những thay đổi bất thường của con trẻ. Montessori nói: “Những con người của hôm nay chưa nhận thức đúng đắn bản chất của con trẻ”.

Montessori chỉ ra tám điểm trong những thay đổi bất thường của con trẻ. Bà nói: “Một khi con trẻ xuất hiện những thay đổi bất thường, trẻ sẽ thay đổi, có thể khiến trẻ toàn tâm toàn ý với một số hoạt động thể lực khi tiếp xúc với những hiện tượng của thế giới bên ngoài”.

Tất cả những nguyên nhân dẫn đến thay đổi bất thường này là vì trẻ không được thực hiện những hoạt động bình thường của mình. Trước đây tôi đã nói “thực thể hóa” là mục đích phát triển của mỗi trẻ. Nhưng khi phôi thai tinh thần của con trẻ cần phát triển và chuẩn bị phát triển, thì bị người lớn ngăn cản. Ra lệnh cho con trẻ ngồi trước bàn học, nghe cô giáo giảng bài, không cho trẻ làm những việc trẻ muốn làm, lâu dần sẽ tạo thành những thay đổi bất thường ở trẻ.

Montessori nói: “Tất cả những thay đổi bất thường ở trẻ đều có một căn nguyên - trẻ không thể thực hiện kế hoạch phát triển của bản thân, thời kỳ phát triển của trẻ gặp phải môi trường không thuận lợi. Lẽ ra năng lượng tiềm tàng của bản thân trẻ phải được thông qua quá trình thực thể hóa để thể hiện ra ngoài”.

Montessori nói: “Khái niệm thực thể hóa có thể coi như một chỉ dẫn để giải thích tính chất của việc thay đổi bất thường ở con trẻ: Năng lực tâm lý phải được thực thể hóa trong quá trình vận động…”. Bà đã giải thích trong cuốn “Bí ẩn trẻ thơ” (The Secret of Child hood) như thế này:

Nội tâm con trẻ có một mật mã tâm lý, mật mã tâm lý ấy chính là phôi thai tinh thần mà chúng ta đã nói ở trên. Chính con trẻ phải là người lý giải mật mã ấy trong quá trình phát triển từ 0 đến 6 tuổi của trẻ, người lớn không có khả năng và không thể lý giải mật mã này. Khi con trẻ sắp tiếp cận mục tiêu này, mật mã tâm lý nội tại của trẻ sẽ nói với trẻ: Hãy đi tiếp cận mục tiêu này, cố gắng hết sức vì việc này. Lúc này trẻ phải bước đi, nhưng người lớn lại ngăn trở. Có thể trẻ sẽ đấu tranh để thực hiện mục tiêu của mình, nhưng khả năng của trẻ yếu ớt, khi trẻ không thể làm được việc mình muốn làm, trẻ sẽ nghĩ trẻ sẽ làm những việc mình cần làm trong trí tưởng tượng, tâm sức và hoạt động của trẻ đã bị tách rời.

Trong trường mầm non truyền thống, con trẻ không được tự do hoạt động trong phần lớn thời gian của mình, trẻ phải ngồi rất quy củ để nghe cô giáo giảng bài. Đó hoàn toàn là một trạng thái đứng yên, nhân cách bị phân liệt. Lâu dần, con trẻ sẽ trở thành một người có nhân cách không thống nhất. Nhưng loài người rất kỳ lạ, cho dù trong một môi trường như vậy, con trẻ cũng nghĩ cách để bù đắp bằng những phương thức khác. Ví dụ một đứa trẻ đang muốn đi nghịch nước, nhưng cô giáo bắt trẻ vẽ tranh, khi nguyện vọng và hành động không thống nhất, trẻ không thể tập trung vào việc vẽ tranh. Vậy trẻ phải làm thế nào? Trẻ bắt đầu tượng tượng, dùng sự tưởng tượng để bù đắp những hoạt động trẻ không thể thực hiện, tưởng tượng trẻ đang đi nghịch nước.

Hiện tượng này không thể là tạm thời. Tại sao? Ví dụ khi đứa trẻ muốn đi làm một việc, bạn không cho trẻ làm, trạng thái của trẻ là: Tôi sẽ không làm gì cả mà chỉ ngồi đây đau khổ. Nhưng sự đau khổ ấy không thể kéo dài mãi, thế là con trẻ sẽ chuyển hướng sự chú ý, trẻ không đau khổ nữa, vì trẻ phát hiện ra điều đó là vô vọng, trẻ bắt đầu suy nghĩ lung tung. Tư tưởng là tự do, không ai có thể cấm cản nổi tư tưởng của một con người. Montessori nói, nếu con trẻ không đạt được sự “thống nhất”, cho dù người lớn chiếm giữ địa vị chi phối, hay là trẻ thiếu động lực, thì hai nhân tố cấu thành là năng lượng tâm lý và vận động sẽ phát triển theo hai đường riêng, “con người đã bị phân liệt”.

Khoảng 2 tuổi, con trẻ sẽ liên tục đi tìm kiếm những thứ động, có âm thanh để chơi. Người lớn cho rằng như vậy thật nguy hiểm, họ ngăn cản con trẻ mà không giúp trẻ nhận thức và học cách làm thế nào để tránh sự nguy hiểm. Họ luôn dùng một thứ khác để đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ, mà không tìm cách dạy trẻ sử dụng những động tác chính xác để đối diện với những điều trẻ cảm thấy hứng thú. Mỗi lần hoạt động, trẻ đều bị người lớn dùng một thứ khác để đánh lạc hướng. Hành động ấy của người lớn sẽ chỉ cho một kết quả, là dần dần che đậy đi phôi thai tinh thần nội tại của trẻ, trẻ không còn biết bản thân trẻ đang muốn làm gì. Trong quá trình ấy, trẻ sẽ nảy sinh một nhược điểm chết người: Hiếu động, không thể ngồi yên một phút nào! Bản thân đang chỉ dẫn trẻ đi làm một việc, nhưng một ngoại lực lại liên tục dẫn dụ trẻ đi làm một việc khác không phù hợp với mong muốn của trẻ. Montessori nói: Hiện tượng này gọi là năng lượng tâm lý và vận động không thể thống nhất.

Trong lòng trẻ biết rõ mình nên đi làm một việc, nhưng việc trẻ bị buộc phải làm lại hoàn toàn ngược lại. Hiện tượng này thường xuyên tồn tại trong thế giới người lớn của chúng ta. Ví dụ như một người thất nghiệp, việc đầu tiên mà người đó cần làm là gì? Làm mới mình, ra bên ngoài tìm kiếm công việc mới. Nhưng tình hình lại không như vậy, anh ta ở nhà xem ti vi và oán thán. Trong lòng anh ta muốn tìm việc, nhưng những việc anh ta đang làm hoàn toàn đi ngược lại mong muốn ấy. Lại ví dụ chúng ta thấy một học sinh thi trượt đại học, nguyện vọng hàng ngày của em là làm thế nào để ôn tập, để thi đỗ đại học. Nhưng em cứ cầm đến quyển sách là lại nghĩ ngợi lung tung, những suy nghĩ lung tung ấy đã ngăn trở em. Em không thể ôn tập, tâm và lực của em đã bị phân tách. Montessori gọi sự phân tách ấy là du ngoạn trong trí tưởng tượng.

Vậy tại sao ở con trẻ lại xuất hiện hiện tượng này? Montessori nói: “Nhìn từ bản chất thì không có thứ gì có thể bị sáng tạo hoặc mất đi, vì thế năng lượng tâm lý của con trẻ không phát triển theo phương thức nó nên có, mà hướng phát triển hoàn toàn sai lầm”. Hướng phát triển của con trẻ là như vậy, không được phát triển theo con đường đúng đắn thì sẽ phát triển theo con đường sai lầm, chứ không thể nằm ở vị trí trung gian. Trạng thái của con trẻ cũng như vậy, nếu trẻ không được hoạt động để thực thể hóa theo đúng quỹ đạo của mình (phôi thai tinh thần), thì trẻ sẽ bị kìm nén. Montessori nói: “Khi những năng lượng tâm lý này lớn đến nỗi đánh mất điểm cuối cùng, rồi dạo chơi không mục đích, nó sẽ trở thành thay đổi bất thường”.

Con người phải có một mục tiêu cuối cùng, từ đầu đến cuối phải phát triển theo mục tiêu đó, trẻ con càng như vậy. Mục tiêu này rất rõ ràng. Nhưng mục tiêu này luôn hoạt động. Nếu bạn không cho trẻ phát triển, cũng có nghĩa là bạn đã cản trở mục tiêu cuối cùng của trẻ. Người lớn nói với trẻ: “Hôm nay con đừng hòng làm trò đó!”. Còn con trẻ lại nói với bạn: “Mẹ ơi, con rất muốn, mẹ hãy để con làm đi!”. “Không được, mẹ cấm con đấy, đừng bao giờ nói với mẹ chuyện này nữa”. Một khi con trẻ phát hiện thấy chúng không thể thực hiện việc này, chúng sẽ du ngoạn trong trí tưởng tượng, trẻ lớn nhỏ đều như vậy cả. Montessori nói: “Bản thân tâm hồn phải được điêu khắc từ những hoạt động thể lực tự phát”. Nhất định bạn phải hiểu rõ câu nói này, tâm hồn phải được thể hiện bằng những hoạt động thể lực tự phát, chứ không phải là nghe theo người lớn nói nên làm như thế nào. Ví dụ trẻ con dưới 3 tuổi, con phải đi khắp mọi chỗ, sờ mó, thậm chí là đập phá đồ đạc. Lúc này, người lớn phải thuận theo tự nhiên, chỉ cần không nguy hiểm thì hãy cứ để trẻ sờ mó. Chỉ có như vậy, con trẻ mới thực sự phát triển, tiến đến sự thành thục. Nếu không, trẻ sẽ trốn trong trí tưởng tượng để tự thỏa mãn tâm lý của mình. Tôi thường nói, khi một người bị thương, nếu không có ai an ủi, người đó sẽ tự an ủi mình, lấy tay chấm lên lưỡi rồi chấm chấm vào vết thương, sau đó tự nói với mình: “Mày thật là đáng thương!”, “Mày thật là đau đớn!” vì không được người khác an ủi. Con trẻ cũng như vậy, khi mục tiêu cuối cùng của trẻ bị phá hoại, trẻ sẽ trốn trong thế giới hoang tưởng.

Một số người lớn chúng ta cũng vậy, chúng ta biết rõ là mình không thể thi đỗ đại học, mặc dù sự thực này đã rất chân thực, nhưng chúng ta vẫn cố tự nói với mình: Nếu mình đỗ đại học thì sẽ thế nào? Nghĩ rất nhiều, rất nhiều việc. Thậm chí, con người ta có thể chìm đắm trong sự hoang tưởng ấy đến hàng mấy tháng trời, để an ủi bản thân mình.

Sự tưởng tượng ấy đối với con trẻ vô cùng đáng sợ, đối với người lớn lại càng đáng sợ hơn. Rất nhiều người lớn chúng ta buổi sáng không chịu dậy mà nằm ì trên giường nghĩ ngợi lung tung. Trên thực tế những suy nghĩ ấy chẳng hề có ích gì cho họ. Có những người buổi tối đi ngủ rất sớm, nằm lên giường là nghĩ ngợi lung tung. Nguyên nhân là do đâu? Đó là vì thời thơ ấu của họ, năng lượng tâm lý và vận động bị phân tách nhau, lâu dần sự phân tách ấy hình thành một thói quen, đến khi họ trưởng thành, trở thành những người chỉ biết nghĩ mà không biết làm. Cũng giống như Montessori đã nói, người đó sẽ là một người rất đa cảm, rất lãng mạn nhưng không hề có ý chí. Có thể người đó sẽ nói: “Tôi thích tác phẩm văn học, tôi muốn làm một nhà văn”. Nhưng họ không có ý chí, vì muốn làm một nhà văn, không những cần năng khiếu, mà còn cần sự nỗ lực và quá trình lao động gian khổ. Họ không chịu lao động gian khổ và nỗ lực, tức là không có ý chí. Vì thế cả cuộc đời họ, có thể lúc này thì thích cái này, lúc khác lại thích cái kia nhưng không làm nên trò trống gì. Trạng thái này cũng chính do việc du ngoạn trong trí tưởng tượng của thời kỳ ấu thơ tạo thành.

Montessori nói: “Khi những tâm hồn phiêu dạt không tìm thấy đối tượng công việc của mình, nó sẽ bị hấp dẫn bởi những hình ảnh và ký hiệu”.

Chúng ta nên nhìn lại để kiểm điểm mình, tìm kiếm những sai lầm trong phương pháp giáo dục của chúng ta. Khi những tâm hồn phiêu dạt của con trẻ không tìm được đối tượng công việc của mình, có thể trẻ sẽ tìm đến hình ảnh và ký hiệu. Chúng ta hãy nghĩ về sự nghiệp giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi, không những không cho con trẻ có cơ hội hoạt động mà còn cố ý, nỗ lực mang hình ảnh, ký hiệu dạy cho con trẻ, để con trẻ du ngoạn trong trí tưởng tượng. Bởi vì khi phần lớn giáo viên của chúng ta giảng bài cho trẻ, không phải là cho trẻ tự do hoạt động để phát triển tâm lý và trí tuệ, mà là thông qua những lời giảng của cô giáo để trẻ du ngoạn trong trí tưởng tượng. Ví dụ đề tập làm văn của một học sinh lớp ba là trồng cây, cô giáo kể cho học sinh nghe một câu chuyện về trồng cây để học sinh tả việc trồng cây. Con trẻ chưa bao giờ trải qua việc trồng cây, chỉ có thể dựa vào sự dẫn dụ của giáo viên và trí tưởng tượng hư cấu của mình để làm bài tập làm văn trên.

Một người có ý chí từ thời thơ ấu, sau này sẽ có thể đối mặt với mọi khó khăn. Nếu không người đó chỉ có thể đứng bên và nghĩ. Thấy người khác làm được, họ sẽ nghĩ thế này: Có gì là hay ho chứ, tôi cũng làm được, chỉ là tôi không làm mà thôi. Ví dụ những người cùng thời với Columbo, họ nói rằng: “Phát hiện ra châu lục mới à? Chúng tôi cũng có thể làm được”. Cũng giống như việc thao tác đồ dùng dạy học, đứng ngoài nhìn cảm thấy rất đơn giản, phải bắt tay vào làm mới biết mình vụng về thế nào. Nhìn và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Giáo dục Montessori nói với chúng ta: Quá trình phát triển tâm lý và trí tuệ của trẻ là một quá trình hoạt động, con trẻ thông qua những hoạt động của mình để phát triển tâm lý và trí tuệ của bản thân. Nếu trẻ không làm được điểm này, tâm hồn trẻ sẽ du ngoạn khắp nơi, vì trẻ không tìm được thứ để học, trẻ sẽ cảm thấy đau khổ. Trong đau khổ, cũng giống như Montessori từng nói: “Chịu đựng sự giày vò lạc điệu này khiến con trẻ đứng ngồi không yên, trẻ đang tràn đầy sức sống và không thể kìm nén mình, nhưng không có mục đích”.

Vì thế mới xuất hiện tình cảnh khi bé Châu Châu vừa vào trường chúng tôi: Khi bé vừa đến, bé cầm lên một đồ vật, còn chưa làm xong, bé lại vứt nó xuống và cầm thứ khác, chưa làm xong lại vứt xuống. Cô giáo nói, khi bé nhìn thấy một mục tiêu, bé bước tới mục tiêu đó, thì có bảy, tám mục tiêu khác đang hấp dẫn bé. Những mục tiêu liên tục nảy sinh đó khiến tâm lý và trí tuệ của bé bị rối loạn. Một đứa trẻ bị kẹt trong những hỗn loạn sẽ đứng ngồi không yên, trẻ sẽ vô cùng hiếu động và lo lắng. Chúng ta biết rằng nỗi lo lắng của người lớn cũng là từ đây mà ra. Khi một người kiên định bước về phía mục tiêu của mình, người đó sẽ không lo lắng. Ngược lại, khi một người không biết mình nên làm gì, họ sẽ hoảng loạn, sẽ lo lắng. Vậy thì tất cả những điều này của người lớn đến từ đâu? Đến từ thời thơ ấu. Nếu một người trong cả quá trình ấu thơ của mình được thực thể hóa hết mọi hoạt động, trạng thái nhân cách của người đó sẽ được hình thành, họ sẽ được đứng lên như một con người. Nhưng rất nhiều người không như vậy, thời kỳ thơ ấu của họ không hoàn thành được quá trình thực thể hóa, nên chỉ có thể chìm trong trạng thái du ngoạn trong trí tưởng tượng, chờ đợi người lớn sáng tạo ra mình.

Montessori nói: “Cho dù người lớn trừng phạt hay nhẫn nại chịu đựng những hành vi không quy phạm và thiếu mục tiêu của những trẻ em bất thường này, trên thực tế họ đã tán thành và cổ vũ con trẻ hoang tưởng và giải thích thành khuynh hướng tính sáng tạo của tâm hồn con trẻ”. Về điểm này tôi có một cảm nhận rất sâu sắc. Bạn tôi có con 4 tuổi, cô ấy thường khen con mình: “Con tớ thông minh lắm!”. Tôi hỏi: “Thông minh như thế nào, cậu nói cho tớ nghe xem”. Cô ấy nói: “Con tớ rất sáng tạo. Cậu xem, con trai tớ thường ngồi đó, tưởng tượng ra những câu chuyện, vừa nghĩ vừa khóc, có khi nghĩ xong lại cười”. Tôi nói với cô ấy: “Con trẻ không nên như vậy, vì câu chuyện ấy không có thật, nên cháu không cần phải khóc”. Nhưng bé vẫn chìm đắm trong câu chuyện đó, lúc khóc, lúc cười. Một lát sau cô ấy nói: “Cậu xem, nếu con tớ không sáng tạo, thì tại sao lại nghĩ ra được nhiều câu chuyện như thế!”. Tôi nghe và nghĩ, thôi hỏng rồi, đứa trẻ này đã mắc chứng hoang tưởng, nhưng người mẹ lại không hiểu. Nếu bạn nói với cô ấy rằng: “Con cậu mắc chứng hoang tưởng rồi”, chắc chắn cô ấy không chấp nhận hiện thực này. Cô ấy bảo: “Tại sao cậu lại nói như vậy? Đây là sáng tạo”. Điều đáng sợ nhất là những người làm cha mẹ không biết con mình đang gặp phải vấn đề, mà lại coi vấn đề ấy là ưu điểm của con. Chúng ta thường nhìn thấy rất nhiều trẻ dùng đồ dùng dạy học để “làm bánh ga-tô”, “chơi đồ hàng”. Lúc đó rất nhiều người hỏi: “Có nên để các con làm như vậy không?”. Lúc đó tôi đã suy nghĩ hơn cả tháng trời, tôi cảm thấy đây chính là du ngoạn trong thế giới tưởng tượng. Bao nhiêu trẻ con đang “chơi đồ hàng”, chúng ngồi ở đó, đứa làm bố, đứa làm mẹ… Tôi biết là những trẻ ở trường khác thường xuyên có hoạt động này, giả vờ làm bác sĩ, giả vờ mua hàng, giả vờ làm gia đình, giả vờ làm… và gọi đó là tiết học hứng thú, trò chơi phân vai. Một lần tôi đến nhà bạn học chơi, cố ý mang theo một số thứ để làm trắc nghiệm tâm lý cho con nhà bạn. Bé hơn 2 tuổi, năng lực ngôn ngữ rất tốt. Tôi hỏi cháu: “Con nói cho dì nghe, hôm nay con đã làm những việc gì?”. Bé đứng ở đó suy nghĩ một lúc rồi nói: “Cỏ, chim, mọc lên, máy bay trên trời, chim bay đi rồi”. Là người lớn, bạn có thể tưởng tượng ra cỏ, chim mọc lên không? Cỏ và máy bay có liên hệ gì với nhau? Mẹ bé cười, nói: “Là thế này, hôm nay lúc tớ và con ra ngoài vườn cắt cỏ thì có một chiếc máy bay bay ngang qua trên bầu trời”. Trạng thái này là bình thường vì cháu đang miêu tả một cảnh tượng. Chúng ta lại nói về một bé khác mới vào trường, bé ngồi đờ đẫn nhìn ra cửa sổ, cô giáo đi ngang qua hỏi: “Con đang nhìn gì thế?”. Đứa trẻ đó trả lời: “Có một cánh tay đang bay”. Đây rõ ràng là hoang tưởng, là du ngoạn trong trí tưởng tượng.

Du ngoạn trong trí tưởng tượng cũng mượn đến cả đồ chơi, và các hoạt động chơi đồ chơi. Sau khi con trẻ cảm thấy tự do, có những trẻ không thao tác đồ dùng dạy học mà là chơi đồ dùng dạy học, cũng chính là những việc kiểu như “chơi đồ hàng”. Ở năm đầu tiên, hiện tượng này tương đối nghiêm trọng. Tôi có chút lo lắng, sau đó tôi nảy sinh ra hai cách nghĩ. Một là, con trẻ tiếp tục trạng thái du ngoạn trong trí tưởng tượng một thời gian nữa; một cách nghĩ khác là, liệu có phải vì thời kỳ nhạy cảm mô phỏng của trẻ chưa được thỏa mãn? Thời kỳ nhạy cảm mô phỏng xảy ra vào lúc trẻ khoảng 1 tuổi rưỡi. Khi con trẻ 2 tuổi, trẻ thích nhất là mô phỏng. Bạn đi mua rau, trẻ sẽ xách theo cái làn; bạn lau mũi, vứt giấy vào thùng giấy, trẻ cũng sẽ lau, cũng sẽ vứt giấy vào thùng, đến khi nào hết giấy thì thôi. Bạn làm gì trẻ cũng sẽ làm theo.

Lúc đó tôi nghĩ, liệu có phải vì trong thời kỳ nhạy cảm mô phỏng của mình, trẻ vẫn chưa cảm thấy thật thoải mái. Ở trường chúng tôi, lớp nào cũng có đầy đủ cả bộ nồi, bát, muôi, đĩa, đồ gia dụng… Đầu tiên, bọn trẻ tranh nhau sử dụng, nhưng chơi được hơn một tháng thì bỏ. Tất cả trẻ đều vậy, nhưng ba năm sau, tình trạng này đã không còn nghiêm trọng, trong đó phần lớn trẻ đã không còn coi đồ dùng dạy học là đồ chơi, cũng không còn thấy trẻ chơi đồ hàng, rõ ràng những điều này không hề liên quan gì đến mô phỏng.

Tự do, cho phép trẻ được làm những gì trẻ muốn là cách tốt nhất để trị liệu chứng du ngoạn trong trí tưởng tượng.

Montessori cho rằng tất cả mọi thứ đều phải chân thực. Phương pháp giáo dục Montessori bao gồm cả giờ học kịch. Rất nhiều người cho rằng, giờ học kịch của trường Montessori cũng là đóng vai, cậu đóng vai mẹ, tớ đóng vai gì? Không phải, tất cả giờ học kịch của trẻ đều đến những địa điểm có thực. Ví dụ cửa hàng, bệnh viện, bưu điện, ga xe lửa… Nếu tiết học kịch hôm nay trẻ là đến bệnh viện, vậy thì cô giáo sẽ dẫn trẻ đi đến bệnh viện lấy số, khám bệnh. Tất cả cảnh tượng đều phải chân thực. Ví dụ như ống nghe, trường chúng tôi phải mua loại ống nghe thật để trẻ nghe.

Dưới góc nhìn của người lớn, con trẻ là thật, nhưng những đối tượng hoạt động của con trẻ có thể là giả, thế là người lớn được thể giả vờ, và trẻ con phải tưởng tượng đó là thật. Montessori nói: “Người lớn dạy trẻ con quan sát họ lấy gỗ làm ngựa, tường thành hay xe lửa. Trí tưởng tượng của trẻ có thể gán cho mỗi loại vật thể một ý nghĩa tượng trưng, nhưng đây chính là một cảnh tượng được sinh ra từ trí tưởng tượng của tâm hồn con trẻ. Một trục xoay biến thành con ngựa, một cái ghế biến thành ngai vàng, một khối đá biến thành chiếc máy bay. Con trẻ có thể chơi những đồ chơi mà chúng có, nhưng những đồ chơi đó mang lại ảo giác mà không thể đem đến cho các con sự tiếp xúc với thực tại giàu tính xây dựng”. Khi con trẻ không có đủ tình yêu, những nguy cơ sẽ xuất hiện, đó chính là quá trình sinh ra sự thay đổi bất thường ở trẻ.

Montessori nói: “Người lớn cho rằng, đối với những hoạt động tùy ý của con trẻ, đồ chơi là con đường duy nhất để phát tiết tinh lực của trẻ”. Nhưng phần lớn những phụ huynh của trường Montessori chúng tôi đều nói rằng, mua đồ chơi cho trẻ, trẻ chơi được mấy ngày là thôi, thậm chí có những thứ chỉ cầm lên là vứt. Đương nhiên, một đồ chơi có tuổi thọ đến một giờ đồng hồ đã là có ý nghĩa rồi.

Nhưng con trẻ có một niềm yêu thích dài lâu với những đồ dùng dạy học Montessori. Có những trẻ ở trong trường ba năm, ngày nào cũng liên tục thao tác những đồ dùng dạy học này. Bởi vì đồ dùng dạy học Montessori có mục đích giáo dục, mục đích ấy khiến trẻ liên tục phát hiện ra những điều mới mẻ sau mỗi lần thao tác. Trẻ không ngừng thao tác, không ngừng phát hiện các bí mật, nên đây cũng là một công cụ giúp trẻ phát triển tâm lý và trí tuệ về lâu dài. Ví dụ như gậy dài, có trẻ thao tác gậy dài trong vòng ba tháng, có lúc trẻ xếp đứng những cây gậy, xếp xong thì bắt đầu sờ, sờ hết cây này đến cây khác. Cô giáo cũng không hiểu tại sao trẻ làm vậy? Nhưng con trẻ là vậy. Sờ xong, trẻ lại cầm cây gậy ngắn nhất, bắt đầu so sánh từng cây một, so sánh xong thì đẩy một cái, “ầm…”, những cây gậy đổ rạp xuống như trò chơi domino. Trong này, chắc chắn có những điều con trẻ đang cần, nếu không, sao trẻ có thể thao tác một đồ dùng dạy học trong ba tháng trời? Cũng có nghĩa là, bộ đồ dùng dạy học này có thể giúp cho trẻ thực thể hóa tinh thần phôi thai, trẻ đã đạt được mục đích của mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx