sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4: Người Lão Bộc Câm

Thủ đô Đài Bắc bắt đầu rộn rịp từ sáng sớm. Đường phố đã dập dìu dân chúng và xe cộ. Tuy vậy Yu-Tung vẫn không chịu nhả chân ga, để xuống tốc độ bình thường.

Phóng nhanh vốn là thói quen cố hữu của Yu-Tung. Trong cuộc sống hàng ngày, cái gì Yu-Tung cũng làm thật nhanh. Từ trên giường nhảy xuống đất, y vào buồng tắm sửa soạn trong vòng năm phút, kể cả rửa mặt, đành răng, chải tóc và cạo râu, một bộ râu quai nón mọc nhanh như nấm rừng dưới cơn mưa. Đến Sở, y giải quyết các hồ sơ thật nhanh. Y lái xe thật nhanh đã đành, ngay cả những víệc cần từ tốn y cũng hoàn thành một cách vội vã.

Gặp đàn bà mà y ưng ý, Yu-Tung liền tỏ tình sát sạt. Người đẹp chấp thuận, y không bao giờ rào đón, sửa soạn, mà đi thẳng vào mục đích. Dường như y thích tốc độ vì sợ đoản mệnh, không còn đủ thời giờ để tận hưởng khoái lạc trời cho.

Y sinh trưởng trong một gia đình chết non. Phụ thân y chầu Trời năm 40. Mẫu thân y còn chết sớm hơn nữa. Anh em y đã có tóc bạc từ năm 30, và đến tứ tuần thì mắt đã sâu hoắm, nếp răn cầy nát hai má và trán hói. Chắc hẳn vì Yu-Tung ham mê quyền thuật, và được tẩm bổ đúng phương pháp nên khuôn mặt và thân hình không bị già trước tuổi. Y đã 42, nghĩa là đến tuổi trở về với đất, mà vẫn trẻ. Cặp mắt trẻ luôn luôn loé sáng, như có thể nhìn xuyên qua xiêm áo đàn bà. Đôi môi trễ luôn luôn mỉm cười phóng đãng, đủ ma lực quật ngã phụ nữ khó tính... Cái bót-phơi của Yu-Tung mới là tiêu biểu cho tuổi trẻ căng phồng: khi nào cũng đầy ứ giấy bạc, hình như chủ nhân có phép quỷ thuật, tiêu hết thì lại hóa phép cồm cộm lại như cũ...

Về phục sức, Yu-Tung có những điểm rất khác người. Quanh năm, bất luận thời tiết nóng nực hay rét lạnh, y đều mặc một bộ áo, áo vét nhạt, quần sẫm, sơ mi trắng, cà-vạt trắng, giày da cá sấu vằn trắng. Riêng buổi tối, y mặc dạ phục, vét trắng, quần đen có sọc, giày đen mũi nhọn, sơ-mi hồ ngực cứng đét, nơ trắng nở hoa theo lối công tử bột tây phương thời xưa.

Ngọn gió buổi sáng mơn man mớ tóc phồng cao của Yu-Tung. Chiếc

Toyota xì-gà phóng qua vườn bách thú, qua cầu như tên bắn. Chạy thẳng là đến lữ quán Grand Hotel. Nhưng Yu-Tung lại quẹo bên phải vào một con đường vắng.

Tòa biệt thự của Yu-Tung ở cuối đường, xây cất trên một khu đất cao và rộng, tường trồng xương rồng xanh um, trong vườn nhiều dãy cây thông nằm ngang, che gần kín mặt tiền.

Ngoài cổng, một nhân viên mặc thường phục đứng gác, súng giấu kín trong bụng. Xe hơi phóng vào trong, chưa kịp dừng lại thì đàn chó bẹt-giê đã ùa ra, trông như beo. Yu-Tung ôm từng con lên nựng, vỗ đầu, nắm chân, rồi xô cửa phòng khách.

Toàn nhà được điều hòa khí hậu nên mát rợi. Yu-Tung cởi vét-tông, ném xuống ghế xa-lông thì chuông điện thoại reo.

Đầu giây là giọng đàn bà. Yu-Tung nói, giọng vui vẻ:

- Anita hả? Yu-Tung đây. Công việc vẫn chưa đâu vào đâu cả.

Giọng Anita dấm dẳn:

- Vì vậy, anh phải vắng nhà cả đêm có phải không?

- Khổ quá, cả đêm không được ngủ, đinh ninh sáng sớm có em an ủi..... em lại mắng vốn....

- Không phải mắng vốn mà là hăm dọa thật sự. Lần sau, anh còn ti toe với con bé ấy nữa, em sẽ cho anh một nhát.

- Lại ghen rồi.

- Dĩ nhiên, ớt nào ớt chẳng cay. Em biết mà... nó trẻ hơn em chục tuổi, còn hơ hớ như hoa hồng buổi sáng, nên anh mê như điếu đổ, còn em, em đã bắt đầu già rồi.....

- Nói bậy. Anita vẫn còn trẻ. Bọn con gái ngày nay còn đứt hơi vẫn chưa theo kịp.

- Em nghe mãi, chán tai rồi. Lần này là lần cuối, em sẽ không tha nữa.

- Vì công việc...yêu cầu em thông cảm.

- Hừ, anh ngủ với nó cũng vì công việc sao?

- Anh van em.

- Đừng kiểu cách nữa. Bao giờ anh lên em?

- Xế trưa.

- Không được. Anh hoãn đến xế trưa vì hiện giờ anh cần ngủ, hai mắt anh đã dính lại, tay chân anh bị mỏi rời, suốt đêm quần thảo với người đẹp thì mệt là đúng...

- Em đòi hỏi thì anh cũng xin vâng. Chờ anh một lát. Để anh dặn bà Hsiao đã nhé.

Thiếu phụ được gọi là Hsiao đã có mặt trong phòng, hai tay chắp vào nhau có vẻ hiền hậu và ngoan ngoãn. Nhìn mái tóc bạc, và làn da răn reo, người ta biết ngay thiếu phụ đã trên ngũ tuần.

Yu-Tung quay lại, bà Hsiao chào bằng cách cúi đầu. Ngoài mặt bà Hsiao là nữ quản gia của Yu-Tung. Nhưng bên trong, bà Hsiao đã giữ một vai trò khác.

Yu-Tung hỏi:

- Bà đã liên lạc được chưa?

Thiếu phụ rút trong bọc ra một cái bảng đen nhỏ. loại bảng dành cho học trò đồng ấu, và dùng bút chì cứng viết lên một nền bóng, có thể xóa bỏ trong chớp mắt. Thiếu phụ viết chữ "rồi", rồi giơ lên cho Yu-Tung đọc.

Thì ra Yu-Tung dùng nữ quản gia câm.

Y lại hỏi:

- Khi nào họ tới?

Thiếu phụ viết trả lời:

- Đêm mai.

- Mấy giờ?

- Từ 3 đến 4 giờ. Địa điểm sẽ thông báo sau.

Yu-Tung đặt bàn tay lên bờ vai gày ốm của người nữ lão bộc trung thành:

- Cám ơn bà Hsiao.

Thiếu phụ lại bút đàm:

- Ông nên thận trọng.

Yu-Tung bước ra sân vì có tiếng chó sủa hỗn loạn. Y hơi giựt mình khi thấy trước mặt y là một người đàn ông lạ....

Người đàn ông lạ đã ngang nhiên vào tòa nhà của Yu-Tung, nổi danh bất khả xâm phạm nhờ hàng rào chó bẹt giê vô cùng dữ dằn và kiên cố....

° ° °

Lệ thường, ai đã trúng đòn vào gáy là phải bất tỉnh. Trừ phi đối phưong hạ đòn nhẹ. Hoặc đương sự giỏi nội công.

Tuy ngã xuống vì miếng võ bất ngờ, Văn Bình vẫn không ngất đi vì đối phương chỉ phớt qua yếu huyệt, chàng lại vận nội công kịp thời khắp châu thân. Chàng còn tỉnh, nhưng cổ và vai bị đau ê ẩm, tưởng như xương sống bị đứt lìa.

Dồn toàn lực vào hai chân, chàng lồm cồm bò dậy. Thì một cái đá móc khác xô chàng vào giường...

Bị đánh lần thứ hai, tối tăm mày mặt, Văn Bình giận sôi sùng sục. Như được chích tiên dược chàng đứng vụt lên, bước tréo sang bên, kịp thời nhìn thấy đối phương tống ra phát atémi bằng ba ngón tay chập lại.

Chàng vung tay, gạt bắn thế chọc mù mắt của đối phương và rồi khoèo cái chân thật nhanh. Đối phương bị mất thăng bằng, ngã ngồi vào ghế xa - lông. Văn Bình bồi thêm trái đấm thôi sơn vào giữa mặt. Đối phương rú lên một tiếng rồi nằm thẳng cẳng.

Văn Bình cởi khuy áo cổ của nạn nhân, sửa soạn dùng thuật kuatsu cho đối phương hồi sinh, nhưng vội dừng tay vì nghe tiếng xíp-lê cảnh sát.

Chàng mở cửa, nhìn ra ngoài, có tiếng giày chạy cồm cộp trên cầu thang xi-măng. Văn Bình thản nhiên trèo lên lầu nhì rồi bước vào thang máy, xuống tầng dưới. Đặc điểm của Grand Hotet là khi nào cũng có tắc-xi chờ trước cửa.

Chàng nhoẻn miệng cười với gã bồi quen mặt. Xe hơi cảnh sát đậu lố nhố. Địch đã phân công nhanh như điện xẹt. Không hạ sát được chàng, họ liền căng bẫy bắt chàng.

Chàng buông người xuống nệm tắc-xi êm ái, và dặn tài xế lái xuống bưu điện ở đại lộ Chung Cheng. Nhưng xe hơi mới chạy khỏi tòa đại sứ Việt Nam, chàng đã ra lệnh dừng lại. Chàng đi bộ đến gần nhà thờ Tin Lành rồi gọi tắc xi khác.

Tắc xi lại đưa chàng ngược về đường cũ để tới nhà Yu-Tung, chỉ huy trưởng Phản gián, nhân viên bí mật của ông Hoàng, kẻ mà chàng có nhiệm vụ tiếp xúc.

Chàng không ngạc nhiên khi thấy Yu-Tung ngụ trong một biệt thự sang trọng, cửa toàn bằng nhôm tráng men trắng, một loại cửa mới được chế tạo, khá đắt tiền, và phải nhập cảng từ bên Mỹ sang.

Tên gác cửa đưa tay cản chàng lại, và hỏi tên. Có lẽ hắn vừa bị chủ nhân mắng mỏ nên cử chỉ cùa hẳn hơi đột ngột và khiếm nhã:

- Đi đâu? Muốn chết hả?

Bình sinh Văn Bình vẫn ghét bọn người bất lịch sự. Chẳng nói chẳng rằng, chàng tát cho hắn một cái. Hắn ngã chúi vào hàng rào dâm bụt.

Văn Bình xô cổng, bước vào.

Nếu chàng không nhanh mắt thì đã bị trọng thương ngay trong phút đầu tiên. Một con bẹt-giê lông dài lướt thướt che gần kín đôi mắt toé lửa từ bụi cây sau cổng nhảy xổ vào người chàng. Chàng ngồi xuống, xoè bàn tay, quạt nhẹ vào hàm con chó. Nó ngã rụp ngay dưới chân chàng.

Con thứ hai vụt tới. Văn Binh chờ nó há mõm toan ngoạm vào cổ chàng mới vung hai tay ra, kẹp chặt lấy, rồi phóng chân phải đá nó đổ chổng kềnh trên mặt đất.

Đàn chó gồm cả thảy 6 con, con nào cũng to lớn, và được huấn luyện thuần thục. Chính vì chúng được huấn luyện thuần thục nên sau khi thấy đồng loại bị đánh ngã trong chớp mắt chúng vội lùi lại, đứng tụm vào nhau, rồi gân cổ sủa, báo tin cho chủ nhân.

Yu-Tung quát lớn:

- Có im đi không? Sủa gì lắm thế?

Đàn chó lon ton chạy về phía Yu-Tung, và ngừng tiếng sủa. Yu-Tung hỏi Văn Bình:

- Ông là ai?

Văn Bình nghiêng đầu:

- Ông là Yu-Tung phải không?

- Phải, chính tôi. Nhưng ông là ai?

- Abdul.

Yu-Tung sững sờ một giây:

- Abdul, anh là Abdul từ Hồng kông tới?

- Đích thị.

- Mời anh vào đây. Đứng ngoài bất tiện.

Văn Bình theo Yu-Tung vào phòng khách trần thiết theo thời trang Mỹ, chỉ gồm hai màu đen và trắng. Xa-lông thuộc loại đồ sộ, lợp đen tuyền bằng watahyde, một thứ vi-nin giả da thuộc, mới được phát minh, bền hơn da, lại không nhàu nát, không bạc màu, không sờn rách, mùa lạnh thì âm ấm, mùa nóng thì man mát. Sát tường, kê một dẫy ghế dài, thấp bằng ghế bàn phấn phụ nữ, trên để nhiều bình hoa đen, cắm hoa huệ và hồng trắng. Ghế cũng bọc vải đen. Trần phòng sơn đen, tương phản với bốn bức tường trắng nõn, không chút gợn. Cửa bằng nhôm trắng, riềm cửa bằng ni-lông trắng.

Điều làm Văn Bình ngơ ngẩn phút chốc là thảm trải chân cũng màu trắng, một loại ni-lông pha len không bắt bụi, và không ngả màu vàng. Văn Bình tự nhủ "riêng cái thảm này cũng cả ngàn đô-la Mỹ, lại chỉ dùng được vài ba tháng là vứt bỏ, vậy Yu-Tung đào đâu ra tiền? "...

Chắc chắn hắn phải là phù thủy tham nhũng. Và cũng vì thèm tiền nên y phục vụ cho ông Hoàng...

Cái ghế rộng thênh thang và gắn lò-so, lợp mút dày cợm trong phòng ông Hoàng, dành riêng cho điệp viên khó tính và đau lưng Z.28, từng được coi là êm hạng nhất đã trở thành vô nghĩa trước cái ghế màu trắng mà Yu-Tung mời Văn Bình ngồi xuống. Nó êm đến nỗi chàng cảm thấy lâng lâng, như thể đang ôm cái eo mát rợi của cô gái thanh xuân vừa tắm.

Yu-Tung bấm nút, tường nứt ra, để lộ cái tủ lạnh hai cửa, trang bị đủ ly chén và các thứ rượu. Y hỏi Văn Bình bằng mắt.

Văn Bình đáp:

- Huýt-ky.

Yu-Tung cười rộ:

- Anh với tôi thật tâm đầu ý hiệp.

Rồi y đổi sắc mặt:

- Ai cho anh biết chỗ ở của tôi?

Văn Bình nhún vai:

- Anh là nhân vật nổi tiếng ở Đài-Bắc, cảnh sát viên quèn gác đường cũng biết địa chỉ, huống hồ là tôi, một nhân viên điệp báo chuyên nghiệp.

- Chỉ trừ bạn bè thân tín, không ai biết tôi ở đây. Vì tòa nhà này không phải là nơi tôi ngụ thường xuyên. Thỉnh thoảng có chuyện quan trọng tôi mới đến. Tôi cần biết ai đã cho anh địa chỉ này.

- Siu-Lou.

- Dặn mãi mà Siu vẫn bừa bãi như thường lệ. Theo ý tôi, anh không nên ở đây. Nên để Siu bố trí cuộc gặp gỡ tiện hơn.

- Anh sợ?

- Làm nghề này, không ai tự hào là không sợ. Tôi lại sợ hơn anh. Vì anh chỉ sợ địch, tôi còn sợ cả chánh phủ tôi nữa. Nếu ông Tổng trưởng Nội vụ biết tôi lãnh lương của tình báo ngoại quốc, thì sẽ ra lệnh bắt tôi ngay.

- Xin anh tha lỗi.

- Cảm ơn anh, tôi không dám mong anh xin lỗi mà chỉ xin anh thận trọng, bảo vệ an ninh cho tôi. Lần này là lần đầu và cũng là lần cuối chúng ta gặp nhau ở đây. Giờ tôi xin sẵn sàng giúp anh làm tròn nhiệm vụ. Anh uống hết ly rượu rồi chúng ta vào phòng đọc sách.

Văn Bình uống loáng một lát hết góc chai huýt-ky. Yu-Tung nhìn chàng chăm chú:

- Lạ thật, đàn chó bẹt-giê của tôi chưa hề sợ ai, kể cả những người có súng...Vậy mà chúng lại sợ anh. Nếu tôi không lầm, anh đã học được thuật đả cẩu của phái Võ đang...

Văn Bình nâng ly huýt ky, cặp mắt long lanh:

- Anh nói đúng. Một lão hòa thượng đã truyền lại cho tôi trong thời gian tôi lưu lạc tại miền rừng núi Hoa Nam. Kẻ làu thông phép đả cẩu chỉ dùng một vài thế võ tầm thường, đánh phủ đầu con chó đầu đàn là cả đàn cong đuôi bỏ chạy.

- Làm sao mà biết được con chó đầu đàn?

- Người thường không biết, nhưng con nhà võ phải biết. Chó là giống vật gần gũi nhất với người, nên tính tình cũng như người, nghĩa là con chỉ huy bao giờ cũng kênh kiệu, vây vo.

- Trong đàn chó của tôi con nào đứng đầu?

- Tôi nhận thấy anh nuôi toàn chó terrier. Giống chó này dễ dạy, trung thành với chủ, giữ nhà và săn khá giỏi. Như anh đã biết, có 4 loại, loại thanh, loại lông dài, loại tai thẳng và loại tai cụp. Trên thế giới, ít nhất có 30 loại terrier khác nhau, đàn chó của anh thuộc loại terrier - Airedale, nghĩa là loại lớn nhất. Chó to, nhiều khi chỉ to xác, chỉ ỷ thế hiếp cỡ chứ không dám đơn thương tấn công. Con ra mặt trước tiên cắn tôi là con cái, giống terrier thì cái dữ hơn đực. Cái xung phong thì đực không thể đứng yên. Nên tôi đánh con cái trước, rồi quay ra triệt hạ con đực. Bốn con còn lại không dám ngo ngoe vì chúng thấy hai con cừ khôi nhất đã bị đánh ngã.

- Trời ơi, tôi cũng không ngờ đánh chó cũng phải lý luận khoa học như vậy!

- Quần thảo với bọn chó săn điệp báo C.I.A. hoặc của Smerch Sô-viết còn khó khăn hơn nhiều. Đôi khi phải quan sát thật lâu rồi mới dám ra tay. Giống chó điệp báo rất nguy hiểm nó chỉ cắn một miếng là mất mạng.

- Nghe anh nói, tôi đoán chắc anh phải là đàn anh trong nghề. Vì vậy, tôi không tin rằng anh là người Mã lai với cái tên Abdul vô thưởng, vô phạt.

Theo đúng nguyên tắc tình báo, Văn Bình phải viện dẫn lý do an ninh để từ chối. Song chàng lại thản nhiên đáp:

- Anh muốn biết tên thật của tôi phải không? Ồ, giữa anh và tôi, cũng chẳng nên giấu diếm làm gì. Tên thật của tôi là Văn Bình, đại tá Văn Bình....

- Z.28!

- Đích thị.

- Vậy, anh mê huýt-ky là đúng. Chúng ta còn có một điểm tương đồng khác, đó là mê đàn bà.

Hai người đã vào đến phòng đọc sách. Với mục đích ngăn chặn tối đa tiếng động bên ngoài lọt vào, phòng đọc sách không có cửa sổ, và chỉ được trổ một cửa ra vào duy nhất. Tuy nhiên, ngồi bên trong, lại có thể nhìn thấy rõ ràng cảnh vật ở khu vườn sau nhà vì bức tường chạy theo bề dài, đối địch với cửa ra vào là một tấm kiếng dày, lớn, loại kiếng trong suốt như pha lê sản xuất tại Saint Gobain, nổi tiếng trên toàn thế giới.

Văn Bình ngẩn ngơ trong giây phút. Trước mắt chàng, toàn hoa là hoa. Và toàn hoa thủy tiên màu trắng. Trên một khoảng vườn khá rộng, hoa thủy tiên được trồng từng hàng đều đặn, màu trắng cổ kính, đoan trang của phương đông nổi bật giữa những lối đi trải đá cuội đen.....Yu-Tung là kẻ thích màu trắng đi với màu đen...

Chơi hoa thủy tiên ngày nay không còn là thú riêng của một số tao nhân mặc khách phương đông nữa. Người ta đã trồng hàng rừng thủy tiên ở Hoa kỳ. Trên đường từ trụ sở Quốc hội đến đài tưởng niệm Hoa thịnh Đốn, ai cũng thấy một vườn thủy tiên trắng nõn. Dọc nhiều xa lộ lớn, hoa thủy tiên rực rỡ đã mang lại thoải mái cho con người say sưa tốc độ...

Dường như đọc được ý nghĩ của chàng, Yu-Tung nói:

- Đây không phải thứ thủy tiên bán ở trên thị trường Âu-Mỹ, mà là thủy tiên thuần túy Trung hoa, tự tay tôi trồng trọt, tỉa gọt, vun bón, nên khi nào nó cũng có hoa. Tôi sắp xếp để mỗi luống trổ hoa trong một tháng.....

Văn Bình buột miệng:

- Thảo nào...thủy tiên Âu châu không thể có cái búp nõn nà như thế...

- Đúng. Anh quả có con mắt tinh đời.

Văn Bình nói, giọng nửa nạc nửa mỡ:

- Anh có con mắt tinh đời hơn tôi nhiều. Bằng chứng, hoa khôi của thủ đô Đài-Bắc dạ lạc hoàn toàn thuộc về anh.

- Hoa khôi của...Anh nói gì thế, thú thật tôi không hiểu...?

- Anh ráng hiểu đi.

- Thôi, tôi biết rồi. Anh định ám chỉ mối tình giữa Siu Lou và tôi. Vâng, nàng yêu tôi. Theo tôi, sự giao du thân mật này không làm phương hại đến công việc, và có lẽ còn gây ảnh hưởng thuận lợi nữa là khác.

- Nhưng còn Anita?

- Anh tò mò quá!

- Tò mò là đức tính trong nghề tình báo. Nhưng nếu anh phản đối thì tôi thành thật xin lỗi.

Yu-Tung vội xua tay:

- Không sao, không sao! Đàn ông thiếu đàn bà, đời sống sẽ mất hẳn lạc thú. Làm nghề này, tuổi thọ chẳng được bao nhiêu, ít ai chịu thỏa mãn với một người tình duy nhất. Tôi nghe nói anh có cả tới chục chính thức, và cả trăm bán chính thức, cho nên anh có thể thông cảm với tôi về trường hợp của Anita. Nội ngày nay, tôi sẽ đưa anh tới gặp nàng...

- Chắc Anita phải là giai nhân có sắc đẹp hoa nhường, nguyệt thẹn!

- Anh lầm rồi. Diện mạo nàng không có gì đặc sắc.

- A, có lẽ nàng là người chung thủy.

- Cóc khô...chung thủy là danh từ rỗng tuếch đối với đàn ông lăn lóc bụi đời như tôi. Tôi không còn trẻ nữa, chỉ bọn trẻ mặt bấm ra sữa mới thích cái đẹp phù phiếm, người đứng tuổi thường đi vào bề sâu, phải không anh? Anita không đẹp diện mạo, song lại đẹp thân hình...

Nàng có những đường cong kỳ diệu, ngay cả con gái dậy thì đoạt vương miện sắc đẹp cũng vị tất quyến rũ như nàng...Hơn nữa, trong phòng the, chao ôi... đến chết tôi cũng khó quên được Anita... Nhưng thôi, anh đừng nhắc đến Anita nữa. Nàng mắc bệnh ghen kinh khủng. Ghen với đàn bà đã dành, còn ghen cả với đàn ông nữa. Nàng chỉ muốn tôi là đồ chơi riêng của nàng....

Yu-Tung ngồi im, bâng khuâng với ly huýt-ky mới rót. Y có vẻ ngượng ngập vì đã lỡ miệng. Song Văn Bình chỉ gợi chuyện lấy lệ, chứ không cần nghe, vì chàng còn bận quan sát từng phân vuông một trong căn phòng rộng, sách chất cao đến trần nhà, cuốn nào cũng đóng gáy da, kẻ chữ trắng. Đặc biệt là da màu đen.... Yu-Tung phải là con mọt sách, vì số sách trong phòng lên tới hàng vạn, và toàn là sách quý thuộc đủ thứ tiếng.

Yu-Tung mở ngăn kéo bàn làm việc, lấy ra một hồ sơ bìa đen, rồi nói:

- Tất cả chi tiết về vụ tiến sĩ Braun đã được tôi cô đọng trong hồ sơ này. Đây là bản sao các cuộc điều tra của công an và phản gián. Nghĩa là toàn văn kiện tối mật.

Văn Bình chỉ giở qua loa chứ không đọc. Chàng hỏi Yu-Tung, vẻ lơ đãng:

- Ai là người sau cùng thấy Braun?

- Người công nhân mang hành lý của Braun từ phòng kiểm soát quan thuế ra bên ngoài phi cảng, và đưa vào xe tắc-xi.

- Còn sống hay chết?

- Vẫn còn sống. Hắn đã khai đi, khai lại, hàng chục trang giấy, song không cung cấp thêm được chi tiết nào mới mẻ. Đại để hắn nói rằng Braun giống như mọi hành khách khác xuống phi cơ hôm ấy, không có cử chỉ nào làm hắn nghi ngờ. Braun trình giấy tờ tại ghi-sê kiểm soát xong xuôi rồi ra kêu tắc-xi. Người công nhân này bèn chạy tới, xách va-li ra tắc-xi cho Braun.

- Tại sao một nhân vật khoa học quan trọng như vậy mà không được Quốc an Xã cử người tới đón?

- Điều này làm tôi rất thắc mắc. Có lẽ vì đại diện Quốc an Xã quá tin vào tình hình an ninh ở đây, cũng như vào hoạt động hữu hiệu của cơ quan R.9.

- Cơ quan R.9?

- Vâng, R.9 là một cơ quan bí mật, trực thuộc bộ Nội vụ, chuyên bảo vệ các nhân vật cao cấp. Cách đây hơn hai tháng, R.9 cả quyết tin rằng mạng lưới do thám của địch trên đảo đã bị phá vỡ ¬tan tành. Phần nào vì tin vào phúc trình của R.9, phần khác vì tự cao, tự đại, khinh địch, nên đại diện Quốc an Xã chỉ cử một nhân viên ra trường bay đón tiến sĩ Braun.

- Nhân viên ấy có gặp Braun không?

- Nếu gặp thì anh và tôi đã không có mặt ở đây trong hôm nay. Trước khi phi cơ tới phi trường một giờ đồng hồ, nhân viên Quốc an Xã rời trụ sở ở trung tâm thành phố. Hắn có đến phi cảng, bằng chứng là hắn dặn tài xế đậu xe chờ, nhưng từ phút này trở đi, người ta không biết hắn làm gì, và ở đâu nữa.

- Nghĩa là không biết hắn còn sống hay đã chết?

- Đúng vậy.

- Người phu khuân hành lý có nhớ số xe tắc-xi không?

- Không. Sau đó, công an đã hỏi toàn thể tài xế tắc-xi có mặt hôm ấy tại phi cảng. Điều đáng ngạc nhiên là không ai trông thấy tiến sĩ Braun lên xe tắc xi.

- Người phu khuân hành lý còn sống hay chết?

- Còn sống. Song hắn cũng chẳng giúp được gì. Theo tôi, hắn không nắm được đầu mối nào quan trọng, vì trong trường hợp đó, hắn đã bị địch cho ăn đạn, và đã nằm sâu trong lòng đất.

- Nhân viên quan thuế khám xét hành lý của Braun có tìm thấy chi tiết nào đáng kể không?

- Không, Braun mang thông hành ngoại giao nên được hưởng mọi sự dễ dãi. Cho dẫu Braun là du khách thường nữa thì quan thuế phi trường cũng không lục soát tỉ mỉ. Đài Loan là xứ kinh tế phồn thịnh, hối suất đồng NT chính thức suýt soát với hối xuất chợ đen nên giới buôn lậu khó có thể kiếm chác quan thuế chỉ khám xét lấy lệ. Vì vậy họ không mở va-li của tiến sĩ Braun.

- Tại sao trong hồ sơ không ghi tên người chỉ huy quan thuế phi trường?

- Ô, hắn là con số không to tướng. Không riêng gì hắn, toàn thể nhân viên quan thuế phi trường đều mít đặc. Hầu hết đều không nhớ mặt Braun, chứ đừng nói là giúp đỡ vào công cuộc điều tra nữa.

- Tên người trưởng ty là gì?

- Dường như.....à, tôi nhớ ra rồi, hẵn là Fue-Kuen. Thoạt đầu, tôi định gặp hắn nhưng đến khi thấy hắn say rượu tối ngày, tôi đành bỏ hắn ra ngoài danh sách.

- Vậy, tóm lại vụ Braun mất tích vẫn chưa nhích được bước nào cụ thể?

- Vì thế, người ta đã phái anh tới đây.

- Theo anh, ai đã bắt cóc Braun?

- Chịu. Có lúc tôi nghĩ là Smerch Sô-viết, hoặc Quốc tế tình báo Sở Trung cộng. Song cũng có thể là Shinbet Do thái, hoặc cơ quan gián điệp Ai-cập. Tóm được Braun, họ kiếm hàng triệu đô-la như chơi. Nếu có đủ phương tiện khoa học để cung cấp cho Braun tái nghiệm, thì họ còn lợi nhiều hơn nữa. Trên thế giới, con số khoa học gia nổi tiếng, chuyên về thái dương học như Braun là rất hiếm...

Văn Bình bâng khuâng đóng tập hồ sơ lại.

Yu-Tung cất tiếng:

- Anh nghĩ sao?

Văn Bình nhún vai:

- Thật khó mà kết luận được trong lúc này. Tuy nhiên, anh và tôi còn chán thời giờ điều tra và hành động.

Yu-Tung lấy thêm chai huýt-ky khác, rồi hỏi Văn Bình:

- Anh dùng nữa nhé?

Nghe y hỏi, Văn Bình mới sực nhớ là chưa ăn điểm tâm. Kể ra, buổi sáng chàng có thể mượn rượu mạnh thay thế cho bánh mì, và cà-phê sữa, nên chàng không đói. Đột nhiên, chàng lại nhớ thêm là cả tối qua cũng chưa ăn. Từ lúc xuống phi cơ, chàng đã bị lôi kéo vào cơn lốc bắt bớ, thoát hiểm, rình rập, tấn công liên tục...

Chàng cảm thấy cần phải nghỉ ngơi một lát, trước khi khoản đãi thần khẩu, Hiểu ý chàng, Yu-Tung mở cửa sang phòng bên:

- Nhà này rộng rãi, tôi giao cho một nữ quản gia thân tín trông coi. Nếu muốn, anh có thể ở lại...

Văn Bình giả bộ ngần ngừ.

Yu-Tung chắt lưỡi:

- Anh đừng ngại, không ai biết ngôi nhà này là của tôi đâu. Bây giờ, tôi có công việc phải đi. Anh cần gì, xin liên lạc với bà quản gia. À quên, bà ta tên là Hsiao. Bà Hsiao làm cho tôi đã lâu, rất dịu dàng và tháo vát. Chỉ phiền một điều là câm.

- Câm?

- Phải, bà Hsiao bị cấm khẩu sau khi chồng mất. Y sĩ nói là sự xúc động mãnh liệt đã làm các bộ phận phát âm trong miệng bà bị tê liệt hoàn toàn.

- Tội nghiệp..

Bà Hsiao đã đứng trên ngưỡng cửa, mái tóc bạc lòa xòa trên vầng trán rộng. Thiếu phụ khom lưng chào Văn Bình, cung kính theo kiểu Phù tang.

Văn Bình ngoan ngoãn theo thiếu phụ sang phòng bên, một căn phòng trang trí hợp thời trang, khá lộng lẫy. Song chàng không để ý tới họa phẩm đắt tiền bằng sơn dầu treo trên tường, hoặc hai cái tủ gương dựng súng trường, đủ các loại súng xưa và nay. Chàng chỉ để ý tới cái giường kê ở góc.

Chàng ngồi xuống, bà Hsiao từ từ cúi xuống cởi giày cho chàng. Chàng nằm dài trên nệm, các khớp xương kêu răng rắc. Bà Hsiao rón rén ra ngoài.

Năm phút sau, bà trở vào với bộ quần áo ngủ bằng sa-tanh, và phích cà-phê nóng bỏng thì ông khách quí đã nằm quay mặt vào tường.

Văn Bình đã ngủ say....

Bà Hsiao đứng một lát nghe ngóng rồi quay ra hành lang. Khi ấy, Yu-Tung đã lái chiếc xe đua Toyota 2000 rời biệt thự.....

° ° °

Như cậu bé vô tư lự, điệp viên Z.28 kéo luôn một giấc đến gần chiều.

Tỉnh dậy, chàng thấy bà quản gia đã ngồi bên. Bà Hsiao cười ra vẻ sung sướng, để lộ hàm răng dưới bịt vàng, rồi đưa tấm bảng trước mặt chàng, đã viết sẵn dòng chữ:

- Ông Yu-Tung vừa đi xong. Ông dùng cơm nhé?

Văn Bình xua tay:

- Cám ơn.

Thiếu phụ lại bút đàm:

- Ông muốn ra phố phải không?

Chàng đáp:

- Muốn.

- Ông Yu-Tung nói khi nào ông cần đi, xin ông tự tiện dùng xe trong ga-ra.

Văn Bình lại khách sáo:

- Cám ơn bà.

Bộ đồ nhàu nát và bẩn thỉu chàng thay vắt hồi mới đến trên ghế đã được giặt ủi sạch sẽ, phẳng nếp, còn thơm mùi xà-bông Tide của Mỹ. Bà Hsiao đã lo chu đáo. Thậm chí Văn Bình còn thấy cả áo lót mình, xì-líp, và khăn mặt trắng tinh mới mua được xếp sẵn trên bàn đệm cho chàng dùng nữa.

Chàng gật gù có vẻ bằng lòng khi thấy những khẩu súng săn được bầy ngay ngắn trong tủ.Yu-Tung phải là tay sành điệu súng săn, vì y sắm toàn súng tốt, khẩu rẻ nhất cũng trên 200 đô-la trong khi khẩu 50 cũng dư sức bắn hạ thú dữ.

Chính giữa là khẩu Browning S, báu vật trong làng súng săn, giá tiền trên 400 đô-la, hai bên là hai khẩu Winchester M - 101, và khẩu Savage M - 99 DE. Mê súng, và chịu bỏ tiền mua sắm, Văn Bình nhận thấy Yu-Tung đã có sở thích giống chàng. Mỗi lần đi săn chàng thường dùng khẩu Browning S và Savage M-99.

Bà Hsiao đợi chàng ngoài hành lang. Phía này hướng nam nên nắng chiều không chiếu tới tất cả đều mát rợi. Văn Bình huýt sáo miệng, biểu lộ thích thú trưóc chiếc Fairlady 2 lít của hãng Datsun đậu ngay ngắn trên con đường cỏ non xanh rì, chỉ cách ngưỡng cửa phòng chàng có hai sải tay.

Kiểu Fairlady này ra đời từ năm I960 nhưng động cơ vừa được đổi mới cho lớn thêm, khiến tốc độ tối đa cũng tăng thêm. Với 200 cây số 1 giờ, nó được liệt vào danh sách các xe đua đàn anh.

Yu-Tung quả là ông hoàng tiêu tiền của Đài Bắc. Văn Bình cần tìm ra nguyên nhân của sự giàu nổi ấy.

Chàng lái từ từ ra đường lớn để làm quen với thắng và hộp số. Trong khoảnh khắc, chàng đã nhập vào ngọn trào xe cộ đang cuồn cnộn trên đại lộ Chungsha, con đường dài nhất thủ đô Trung Hoa dân quốc. Xe hơi chạy qua tòa đại sứ Thổ nhĩ kỳ, đường rầy xe lửa, tòa nhà Quốc hội, rồi quẹo về phía Bưu điện. Chàng lái loanh quanh một hồi, mắt luôn luôn dán vào kiếng chiếu hậu. Đến khi biết chắc là không bị theo, Văn Bình mới phóng vào đại lộ Nanking trên đường đi phi trường Sungshan.

May mắn cho chàng, trưởng ty quan thuế Fue-Kuen đang có mặt tại văn phòng. Hành khách của chuyến phi cơ mới đáp xuống đã ra hết, chuyến phi cơ sắp tới còn những 50 phút nữa nên Fue-Kuen chưa bận. Và như Yu-Tung nói, dầu bận nữa, Fue cũng không thể rời bỏ được chai rượu.

Văn Bình không phải đợi lâu. Fue lè nhè nói qua cửa kính văn phòng:

- Mời vào.

Fue-Kuen cao lêu nghêu như cột cờ. Lê Diệp nổi tiếng cao nhưng chỉ đứng đến vai Fue là cùng. Hắn đã cao lại gầy nhom nên trông càng cao thêm. Thoạt nhìn hắn, Văn Bình đã đoán ra lý do hắn nghiện rượu. Có lẽ vì hạch cổ của hắn bị trục trặc nên thân thể hắn dài ra quá khổ, thần kinh bị đảo lộn, hắn cần tìm sự quân bình trong hơi men.

Văn Bình tỏ vẻ ái ngại trước cặp mắt lờ đờ như muốn nhắm tít lại, và cái miệng cá ngão, không thể ngậm lại vì các đường gân mép đã nhão nhoẹt vì sự tàn phá của con ma Lưu linh.

Bất giác, chàng đâm ra ái ngại cho bản thân. Chàng gặp hàng chục, hàng trăm người nghiện rượu, và thấy không người nào ra hồn. Mặt họ luôn luôn đỏ gay như mặt trời, hoặc tái mét như máu đỏ biến thành đen trong tim, họ đi lảo đảo, chân nam đá chân xiêu, quần áo tả tơi, hôi hám. Rượu vào, lời ra. càng uống càng say, họ mất hẳn tư cách và nhân tính.

Cũng may Tạo hóa đã ban đặc ân cho Văn Bình nên chàng uống rượu như nước lã, gương mặt, dáng dấp, ngôn ngữ không hề thay đổi. Đôi khi, chàng say thật, nhưng trong hầu mọi trường hợp chàng chỉ say giả.

Fue-Kuen đang ngồi trước mặt chàng quả là tiêu biểu cụ thể của thần rượu phá hoại. Cách xa ba thước, miệng hắn vẫn sặc sụa hơi men. Trên bàn hắn có một chai buốc-bông mới khui. Thấy chàng, hắn hơi ngạc nhiên. Sự thay đổi nét mặt này chứng tỏ hắn còn tỉnh, chưa say....

Văn Bình chìa tay, thân mật:

- Chào anh Fue.

Fue-Kuen nhổm đít:

- Chào ông. Ông là ai?

- Phản gián.

- Trời đất ơi, từ mấy tuần nay không ngày nào là tôi thoát khỏi tay các ông. Tôi đã nói hết, khai ra hết rồi, tôi chẳng còn gì trong bụng nữa. Hôm nay, ông cần hỏi tôi điều gì?

- Không. Tôi đến đây để uống rượu với anh...

- Uống rượu? Hừ, mọi người ở phi trường đều coi thằng Fue là đồ bỏ. Công chức, mà nghiện rượu thì bị đuổi. Tôi sắp bị đuổi, anh có biết không?

- Biết.

- Vậy anh còn gặp tôi làm gì nữa? Công văn bãi chức đã được ký, chỉ còn chờ chuyển xuống nữa là xong...Là xong cuộc đời công chức kéo dài gần 15 năm ở cái xó trường bay ồn ào này...

- Anh muốn tôi vận động với ông giám đốc cho anh ở lại không?

- Muốn thì vẫn muốn, như bây giờ thì chán rồi. Làm công chức quan thuế chỉ tìm bọn buôn lậu mà không được buôn lậu, chán bỏ mẹ. Mà buôn lậu thi vào tù...

- Về nhà, anh lấy gì mà sống?

- Tôi ấy à, chao ôi, trời sinh voi, sinh cỏ, hiện nay đang có tiền, khi nào hết sẽ tính....

Dường như Fue-Kuen buột miệng nói hớ nên mặt hắn hơi biến sắc.

Văn Bình đứng dậy, tiến sát Fue-Kuen, đặt bàn tay lên vai hắn, giọng dịu dàng:

- Anh muốn kiếm ít tiền tiêu không?

Mắt Fue-Kuen sáng rực:

- Trên đời, chẳng có ai chê tiền cả. Tôi sắp mất việc nên càng không thể chê tiền. Tuy nhiên, có đi tất có lại, anh không dại gì chi tiền để cứu tôi khỏi... đói rượu. Ngược lại tôi không phải là hạng người làm tiền còm...Dầu sao tôi cũng là trưởng ty trong nhiều năm, hàng trăm lần tôi đã nhận tiền của thiên hạ. Nếu là áp-phe lớn thì anh hãy đề nghị, tôi sẽ làm một cú chót, còn là chuyện muỗi tép thì thôi, tôi sẽ giới thiệu với bọn đàn em...

Văn Bình nâng cằm hắn lên, nựng nựng như đối với đàn bà:

-Tôi muốn biết thêm một vài chi tiết về vụ Tiến sĩ Braun bị mất tích.

- Đồng ý.

- Anh đòi bao nhiêu?

- Tùy theo câu hỏi đặt ra.

- Braun hiện ở đâu?

- Câu này thì anh trả một triệu đô-la tôi cũng chịu.

- Vậy anh có thể cung cấp những tin tức nào?

- Chẳng hạn, thuật lại một cách thành thật những việc xảy ra hôm tiến sĩ Braun đến đây.

- Braun đã vào văn phòng anh?

- Phiền anh đọc lại hồ sơ của công an.

- Vòi tiền hả? Bao nhiêu?

- Một ngàn đô-la Mỹ.

- Trời ơi, một ngàn đô-la đổi lấy mẩu tin xe cán chó.

- Nếu là tin xe cán chó thì thôi.

- Anh đừng song tàng. Tôi là nhân viên an ninh, có thể thộp cổ anh, tống vào tù về tội...

- Xin anh bớt giận. Anh không phải là nhân viên an ninh của chính phủ, vì lẽ cuộc điều tra chính thức đã kết thúc từ một tuần nay. Ông giám đốc công an ra lệnh cho tôi hễ có người nào lân la tìm hiểu về vụ Braun thì báo tin cho cảnh sát phi trường biết để bắt giữ...Tiểu đội cảnh sát đang ở đây, không thiếu người nào, tôi chỉ bấm nút chuông trên bàn là họ ào vào ngay... Anh đừng vớ vẩn, tôi không phải là tay mơ đâu...

- Anh đã biết thì tôi cũng chẳng cần giấu diếm nữa. Phải, tôi chỉ mạo nhận nhân viên Phản gián. Anh báo tin cho cảnh sát phi trường đi.

- Tôi chẳng dại gì. Tôi chỉ báo tin cho họ trong trường hợp bị anh hăm dọa. Họ tóm anh, tôi sẽ mất một món tiền lớn, lại mang thù chuốc oán vào thân.

- Khôn thật! Một ngàn đây (Văn Bình dốc bót- phơi lấy ra bốn tờ năm trăm đô-la, đưa cho Fue- Kuen hai tờ, sau khi búng từng tờ kêu lạch sạch), bạc thật chứ không phải là giả đâu... đếm cho kỹ, nhưng chưa được cất vội. Tin phải đúng, và đáng giá tôi mới chịu tốn một ngàn đô-la, bằng không tôi sẽ đòi lại..

Fue-Kuen tợp ngụm rượu rồi ngửa cổ nhìn trần nhà, khà một tiếng dài;

- Ồ, một ngàn đô-la còn rẻ. Lẽ ra, tôi phải đòi gấp đôi mới xứng.

Văn Bình trợn mắt:

- Tôi ghét nhất bọn người được voi, đòi tiên. Nào, chịu nói hay không?

Fue-Kuen méo miệng:

- Vâng, tôi xin nói. Gớm, anh nóng tính như Trương Dực Đức. Thế này nhé, sau khi xuống phi cơ, Tiến sĩ Braun vào văn phòng tôi để nhờ một việc riêng, một việc mà sau này tôi mới thấy vô cùng quan trọng.

- Việc gì?

- Braun xin tôi phong bì, giấy và tem thư. Rồi viết thư ngay trên bàn của tôi.

- Nội dung bức thư?

- Tôi không đọc nên không biết.

- Gửi cho ai?

- Gửi cho chính ông ta, theo thể thức lưu trữ.

- Nghĩa là Braun đề trên bì "Gửi tiến sĩ Braun, hộp thư lưu trữ ".

- Phải.

- Rồi phong thư được bỏ ở đâu?

- Ngay trong thùng bưu chính phi trường. Giờ này, nó đang nằm tại Sở Bưu điện Trung ương.

- Anh đã tới nhận chưa?

- Nhận ẩu để mà ngồi tù à!

- Ngoài anh ra, còn ai biết vụ này nữa không?

- Không. Khi Braun ngồi, trong phòng, trừ tôi ra không có ai thêm nữa. Tôi không hé răng thì cơ quan an ninh khó thể biết nổi. Anh là người đầu tiên...

- Tại sao Braun lại vào văn phòng anh mà không vào văn phòng người khác?

- Có lẽ là để yêu cầu tôi ra lệnh cho nhân viên tìm gấp một cái va-li bị lạc....

- Tìm được không?

- Được. Trong khi chờ đợi, Braun viết thư. Braun ngồi với tôi độ 10 phút thì thuộc viên của tôi tìm ra cái va-li. Braun cáo từ tôi. Từ đó, ông ta biệt tích. Tôi xứng đáng nhận một ngan đô-la Mỹ của anh chưa?

- Xứng đáng. Nhưng anh coi chừng, tôi sẽ đến bưu điện ngay bây giờ. Nếu anh nói láo, hoặc nếu công an đã lấy trước, thì tôi sẽ quay lên phi trường...

- Để tặng thằng trưởng ty say rượu một viên đạn chứ gì...Ồ, anh có thể để dành viên đạn của anh cho một dịp khác...Tôi hy vọng anh đừng quên thưởng công tôi một két huýt-ky thượng hạng.

Văn Bình uống cạn ly rượu mới rót, đoạn xô cửa ra ngoài. Viên trưởng ty quan thuế nghiện rượu gác chân lên bàn, nhìn theo chàng bằng cặp mắt lờ đờ cố hữu. Không ai ngờ được con người nhão nhoét, tưởng như sắp chết ấy lại có bộ óc tính toán thương mãi khôn ngoan đến như vậy....

Văn Bình xả hết tốc lực. Trong khoảnh khắc, chiếc Datsun đua đã về đến đại lộ Nanking.

Chàng đậu xe cách nhà giây-thép trung ương một quãng xa rồi đi bộ lại. Chàng tìm ra không lâu phòng thư lưu trữ và nhân viên phụ trách, một thiếu phụ trung niên, đeo kính trắng gọng đồi mồi đang ngồi sau ghi-sê dán mắt vào cuốn tạp chí hoạt họa dành cho trẻ em (có lẽ để khỏi nhớ con cháu ở nhà, hoặc nhớ lại thuở hoa niên đầy thơ và mộng thơm lành ).

Phòng thư lưu trữ vắng tanh. Người khách cuối cùng vừa ra cửa, với đống thư dưới nách, vẻ mặt hớn hở. Văn Bình ngồi xuống ghế dài ở góc, chậm rãi hút thuốc Salem. Mục đích của chàng là hỏi lấy bức thư của Tiến sĩ Braun. Khuôn mặt chàng phảng phất một vài nét tây phương, song vẫn là mũi tẹt da vàng (các bạn hằng yêu Z. 28 có thể bênh vực rằng mũi của Z.28 hơi cao, da hơi trắng, nên trông như lai) nên chàng khó thể thuyết phục thiếu phụ trên tứ tuần rằng chàng là tiến sĩ Braun, người Âu....Mụ già La sát này lại có thể kiếm chuyện, bắt chàng xuất trình giấy thông hành...Hiện giờ trong túi chàng chẳng có giấy tờ nào hết, ngay đến cả thông hành giả mang tên Abdul cũng đã bị đối phương tịch thu trên chuyến xe từ phi trường về trung tâm thành phố.

Ngồi xa hơn, sát tường phía trong, là một cô gái mặc sường sám bằng gấm lam gợi cảm. Khốn nỗi nàng cùng đang chúi mũi vào cuốn tiểu thuyết Tàu chữ nhỏ li ti. Tuy đứng xa, Văn Bình cũng đoán biết là người đẹp đang thưởng thức truyện kiếm hiệp chưởng phong của Kim Dung...

Văn Bình vốn hợp với con gái thanh xuân, hoặc nếu là thiếu phụ trên ba mươi thì phải thuộc giống đại đa tình, suốt đời mắc bệnh thèm khát mà lang quân hoặc tình nhân không có biệt tài thỏa mãn. Chàng vẫn là kẻ thù của xã hội gái già, hoặc mệnh phụ có trái im bê-tông cốt sắt, và cặp mắt Bắc băng dương...

Chàng cầu mong cho bà ký già vứt cuốn sách hình và ra ngoài một lát. Già thường hay bại thận nên Văn Bình tin tưởng là thiếu phụ không đủ sức ngồi lì một chỗ được mãi...

Chàng hút đến điếu Salem thứ nhì thì ước vọng của chàng thành công.

Thiếu phụ vươn vai nhè nhẹ, rồi xô ghế đứng dậy. Một phút sau, Văn Bình tiến đến trước Ghi-sê, giọng êm như cao su mút hạng nhất:

- Thưa cô.

Cô gái ngẩng đầu lên. Thoạt tiên, nàng hơi nhăn mặt. Nếu khách là đàn bà hoặc đàn ông xấu trai thì nàng đã gắt phủ đầu. Nhưng nụ cười, luồng mắt, khuôn mặt, và thân hình của điệp viên Z.28 đã làm nàng bàng hoàng trong phút chốc.

Nàng nhũn nhặn dáp:

- Chào ông. Ông cần gì ạ?

- Thưa cô, tôi là Braun. Tôi muốn đến xin cô một bức thư lưu trữ.

Nàng lúi húi tìm kiếm một lát, rồi hỏi:

- Thưa, thư này gửi cho ông được bao lâu rồi ạ?

Bất cứ câu nói nào cũng được nàng thêm vào hai tiếng "rồi ạ" ngọt lật như đường hóa học. Chắc nàng đã tốt nghiệp lớp chuẩn bị hôn nhân. Hoặc ít ra mẹ nàng cũng đã dạy nàng cách uốn lưỡi thưa bẩm với bà mẹ chồng tương lai...

Văn Bình đáp:

- Thưa cô, chừng hai tuần.

- Hai tuần à, thưa ông, Vậy thì có đây...

Cô gái đưa cho Văn Bình một phong thư dài, màu trắng. Chàng cúi đầu:

- Cảm ơn cô nhé.

Chàng vừa quay đi thì cô gái gọi giật lại:

- Ông ơi!

Văn Bình chột dạ trước tiếng gọi đột ngột của nàng. Chàng cố tạo ra một nụ cười thật tươi:

- Thưa cô, còn chuyện gì nữa không?

Nàng có vẻ bối rối và ngượng ngùng trong một phút. Rồi nàng nói:

- Thưa, theo thủ tục hành chính, quý vị lãnh thư lưu trữ phải xuất trình giấy tờ căn cước.

Văn Bình ung dung đáp:

- Bà đeo kiếng ngồi bên ngoài đã coi rồi..

Vừa khi ấy, thiếu phụ trung niên lệt xệt trở vào.

Văn Bình vội vàng chào cô gái lần nữa rồi bước rảo ra cửa. Nàng định kêu, song không hiểu tại sao mặt nàng lại đỏ ửng, rồi nàng quay vào, thần trí bâng khuâng. Nàng vừa nhớ lại lúc chàng thanh niên luồn tay qua cửa ghi-sê lấy thư. Hai bàn tay trai gái chạm nhau. Da thịt gã đàn ông khôi ngô và khoẻ mạnh kia âm ấm làm nàng đê mê như được uống rượu... Nàng thở dài nhè nhẹ rồi ngồi lại xuống bàn, vớì cuốn tiểu thuyết đang đọc dở.

Văn Bình đã ra xe. Chàng phóng xe vào đại lộ Posi, rẽ ra đường Aikuo để tới đường Roosevelt, một con đường lớn và dài chạy qua trường đại học quốc gia về phía nam thành phố.

Đến quãng đường vắng, chàng lái xe vào lề, rồi bóc bức thư ra đọc.

Thư được viết bằng bút máy, mực xanh đen, chữ ngòng ngoèo, khó đọc, lối chữ cố hữu của giới bác học trên thế giới.

Nội dung như sau:

" Gửi cho nhà chức trách.

Tôi có cảm tưởng là an ninh bản thân đang bị đe dọa trầm trọng..

Tôi tin tưởng là sẽ thoát khỏi. Nếu chẳng may tôi mất tích thì nhà chức trách hãy đến số nhà.....đường Cheng Tu.......Braun ".

Văn Bình vo tròn tờ giấy trong tay, đáng điệu suy nghĩ. Đoạn chàng chép miệng, trở đầu xe, lái lộn lại đường Aikuo. Một kếẽ hoạch hành động khôn ngoan nhưng táo bạo vừa được thành hình trong óc chàng.

Đường Cheng Tu đã hiện ra trước mặt sau khi chiếc Datsun đi ngược đường Yenping, vượt qua cổng xe lửa và ngã năm đông đúc....

Trong thư có thể gọi là chúc thư — của Tiến sĩ Braun, chỉ thấy ghi số nhà, chứ không nói rõ là nhà biệt lập hay chung cư, và chủ nhân là ai. Nếu là bin- đinh nhiều tầng với cả trăm người ở thì cuộc điều tra của Văn Bình khó hy vọng có thể được kết thúc một cách nhanh chóng.

May cho chàng đó tại là biệt thự trệt.

Chủ nhân phải là triệu phú hoặc yếu nhân chính quyền, không muốn người lạ tò mò nhìn vào trong vườn để nảy ra ý thèm muốn, so sánh xằng bậy, nên tường rào được xây cất cao, còn cao hơn đầu người một thước nữa. Như vậy còn chưa đủ: trên đỉnh tường, người ta còn cắm chông sắt nhọn hoắt, có thể đâm thủng những đế giày kiên cố nhất.

Lối ra vào là một cửa cổng bằng sắt dày, che kín bằng tôn uốn sơn đen, chỉ chừa ra một khoảng chữ nhựt, to bằng bàn tay cho người trong nhà nhìn ra ngoài.

Văn Bình lái xe đến trước cổng rồi đậu lại. Mở cửa xe, oặn mình ra khỏi ghế để khỏi đụng vô-lăng qua, bước xuống, tiến lại cửa biệt thự bấm chuông, chờ gia nhân ra, kèm theo đàn chó bẹt-giê sủa điếc tai, thường là cực hình đối với Văn Bình. Chàng chỉ thích húc đầu xe vào cửa, rồi phóng bừa vào vuờn. Đến nơi thì phải có người chực sẵn mở cửa xe (tốt nhất là một cô gái mặc bikini, và tệ nhất là bà chủ nhà sồn sồn, mặt quét phấn trắng sơn, cái ghen chật hai số không tài nào giam giữ được bụng và nẩy phiến loạn nhảy xổ bầy nhầy ra ngoài)...

Có lẽ ông Trời có biệt nhỡn đối với điệp viên... lười biếng Văn Bình nên cửa cổng đột nhiên mở hé, một đầu người ló ra. Cái đầu dễ thương của một nữ tỳ quý phái.

Văn Bình lên tiếng:

- Đây có phải số... đường Chengtu không?

Câu hỏi của chàng hoàn toàn vô ích, vì số nhà được vẽ trên tấm bảng khá lớn, treo trên cổng.

Ả gia nhân đáp:

- Thưa phải. Ông có hẹn với bà chủ phải không?

Văn Bình mừng quýnh. Nếu chủ nhân là vệ nữ thì chàng không đáng lo, cho dẫu là vệ nữ có móng tay tẩm độc dược Xi-a-nuya. Chàng không có hẹn vì lẽ giản dị chàng chưa biết tên nữ chủ nhân là ai. Song chàng nhận bừa cũng chẳng sao. Trong quá khứ, chàng đã nhận bừa hàng trăm lần như vậy rồi...

Ả nữ tỳ lách sang bên rồi mở rộng cửa cổng cho xe hơi của Văn Bình có thể vào lọt:

- Xin mời ông vào. Bà tôi đang đợi trong phòng khách.

"Đang đợi, đang đợi"! Chết rồi, bà chủ đang đợi bạn, và chắc là bạn danh giá....nhưng cũng có thể bà chủ đang đợi bạn lòng, thừa dịp ỏng chủ công xuất. Tớ gái làm chim xanh cho bà chủ là chuyện thường xảy ra dưới bóng mặt trời của thế kỷ hippy và yéyé...

Văn Bình quáng mắt trước vẻ đẹp lộng lẫy của khu vườn trồng đầy hoa. Không phải loại hoa thông thường mà là hoa đặc biệt. Thôi thì đủ thứ, đủ sắc, những bông hoa hình thù xinh xắn hoặc ngộ nghĩnh rung rinh trước gió, hương thơm ngào ngạt, xanh, đỏ, trắng, tím, vàng...chen nhau, tạo nên hàng trăm bức họa Picasso thiên nhiên...Cô hầu gái đã đẹp, rừng hoa lại đẹp hơn nên Văn Bình cảm thấy tâm hồn lâng lâng. Chắc chắn nữ chủ nhân còn đẹp hơn nữa. Giai nhân lại đang đỏ mắt đợi chàng trong phòng khách...

Mà giai nhân đẹp thật!

Nàng mặc toàn đồ hồng, ni-lông hồng, may theo thời trang tây phương. Và nàng còn trẻ, chỉ độ 23, 24 là cùng. Quả là nàng đang chờ chàng, vì chàng vừa bước xuống xe, chưa kịp trèo bậc tam cấp để lên hành lang thì nàng đã hấp tấp mở cửa...

Tuy nhiên, nàng không mỉm cười chào khách, Nàng cũng không tỏ vẻ sửng sốt như phụ nữ thường có trước người lạ. Dường như nàng đã biết trước người khách đến nhà là chàng.

Nàng mở rộng cửa:

- Mời ông. Tôi chờ ông suốt từ sáng đến giờ.

Trời ơi, nàng đã chờ chàng từ sáng....Nàng là ai? Tại sao tại chờ chàng? Và chờ như vậy để làm gì?

Thiếu phụ không đợi chàng yên vị đã nói tiếp:

- Nhận được điện thoại của ông, tôi đã sửa soạn đủ...Hẳn ông cũng hiểu rằng tôi mất ăn, mất ngủ luôn mấy ngày, đêm liên tiếp.

Văn Bình trợn tròn mắt kinh ngạc:

- Bà mất ăn, mất ngủ?

Thiếu phụ đáp, lạnh lùng:

- Vâng. Từ mấy ngày nay, tôi bỏ ăn, bỏ ngủ, để chờ điện thoại của ông. Tối qua, nhận được tin ông, tôi mới bắt đầu đỡ mệt....

- Thưa, bà chờ tôi?

- Vâng. Tôi hoàn toàn theo đúng lời ông dặn, không báo cho ai biết. Tôi đã cho gia nhân nghỉ phép hết, chỉ giữ lại một con nữ tỳ nhỏ, mở cửa mời ông vào. Thấy ông chậm đến, tôi lo quá, sợ ông thay đổi ý kiến thì nguy. Thưa ông....đồng tiền vốn quý song đối vói tôi thì đồng tiền chỉ là vật vô nghĩa.

- Thưa bà, bà nói gì, tôi....

- Tôi đã đếm kỹ lưỡng, và gói bằng giấy ni-lông, bỏ vào cặp da. Nếu cần, xin ông kiểm lại.

Giai nhân đẩy lại trước mặt Văn Bình một cái va-li nhỏ. Nàng mở ra....

Văn Bình giật mình.

Bên trong toàn là đô-la Mỹ. Toàn là bạc 20 đô-la. Tổng cộng có đến bạc vạn....

Thiếu phụ lại nói:

- Mời ông cứ tự nhiên. Tất cả là năm chục ngàn đô-la.

Chết rồi, người đẹp tưởng lầm Văn Bình là kẻ gọi dây nói đến hẹn lấy tiền. Lầm thì chẳng sao, nếu là lầm tình yêu, nhưng lầm tiền bạc thì chàng không thể nhận lãnh. Đầu óc chàng quay cuồng. Tại sao thiếu phụ mất ăn, mất ngủ, và phải trả năm chục ngàn mỹ kim, một món tiền kếch sù.

Thấy chàng rụt rè, thiếu phụ nài nỉ:

- Ông nói năm chục ngàn, tôi đã lo đủ, tại sao ông chưa chịu nhận?

Vì chàng ngồi yên không đáp nên thiếu phụ vội nói tiếp:

- Hay là ông chê ít? Xin ông cứ cho tôi biết. Điều tôi cần không phải là tiền bạc mà là cái hộp?

- Cái hộp?

- Phải, cái hộp bằng gỗ mun, khảm xà cừ do mẫu thân tôi để lại. Nữ trang đựng bên trong là của gia bảo, gồm một cái vòng nạm hạt soàn cả vạn đô-la cũng không mua được, nhưng tôi sẵn sàng để cho ông. Song còn các bức thư... các bức thư...

- Cái hộp nào? Các bức thư nào?

- Tròi ơi, ông mới hứa với tôi mà đã quên rồi ư?

- Tôi không quên vì lẽ dễ hiểu tôi chưa bao giờ hứa như vậy với bà...

- Ông giết tôi... ông cố tình giết tôi!

- Thưa bà..

- Hộp của tôi đâu...thư của tôi đâu, ông phải trả cho tôi...tôi van ông...tôi lạy ông...tôi bắt buộc ông...

Văn Bình nắm bàn tay thiếu phụ. Chàng cần biết nguời đàn bà đẹp tuyệt vời đứng trước mặt chàng là hư hay thật, là ma hay người. Làn da nàng mát rợi, nàng quả là người, không phải ma.

Song nàng đã hốt hoảng rụt tay lại:

- Ông... ông, ông không được...

Nàng rụt tay ra, lùi lại, vẻ mặt đầy sợ hãi. Văn Bình bước theo, giọng tha thiết:

- Bà ơi... tôi không hiểu gì hết.

Thiếu phụ quát to:

- Ông giả vờ...ông cố tình không hiểu...ông muốn bao nhiêu, tôi cũng xin đưa, miễn hồ ông trả lại cái hộp gia bảo cho tôi.

Văn Bình chưa kịp đáp thì một tiếng quát to hơn từ cuối phòng vẳng lại.

- Đứng yên, đồ lưu manh!

Máu nóng trào lên thái dương Văn Bình. Trong đời, không ai dám gọi chàng là đồ lưu manh. Kẻ nào mở miệng nhục mạ là bị chàng cho ngay bài học.

Chàng vụt quay lại.

Nhưng chàng không thể làm gì được trước miệng súng tiểu liên chĩa thẳng vào ngực chàng. Từ cửa hông, một miệng súng tiểu liên khác cũng vừa ló ra.

Giữa hai khẩu tôm-sơn đã nạp đạn sẵn, Văn Bình như con cá ở trong rọ. Chàng bèn đứng thẳng, nhìn hai người lạ đang từ từ bước tới. Cách chàng ba thước, họ dừng lại.

Một người ra lệnh:

- Kể anh cũng to gan, lớn mật mới dám đến đây, nhận năm chục ngàn đô-la, giữa ban ngày ban mặt... Nếu anh không quá tham lam thì có lẽ chúng tôi làm thinh cho anh tẩu thoát với số tiền trong cặp, như gia chủ yêu cầu. Thái độ hỗn xược của anh bắt buộc chính quyền phải hành động.

- Hai anh là nhân viên chính quyền?

- Phải. Chúng tôi là sĩ quan an ninh mặc thường phục. Chúng tôi chờ bên ngoài đã lâu.

Hết người đẹp chờ trong phòng khách, giờ đến hai sĩ quan an ninh chờ ngoài cửa...Văn Bình ngơ ngác nhìn từ họng súng tiểu liên đến thiếu phụ mặc ni-lông màu hồng đang khóc rấm rứt trên ghế xô pha. Trong đời điệp viên, chàng đã rơi nhiều lần vào mê hồn trận, nhưng chưa lần nào mê hồn trận lại quái gở cho bằng lần này...

Một người thứ ba xô cửa vào phòng. Khác với hai người trước, người này mặc sắc phục trung sĩ quân đội Trung hoa...

Văn Bình nghe khẩu lệnh " đưa nó ra xe ", óc vẫn rối beng. Chàng thở dài khi thấy ngoài sân một xe hơi bít bùng, loại xe thường dùng để chuyên chở phạm nhân.

Trung Hoa quốc gia là đồng minh của Nam Việt. Sự biệt tích của tiến sĩ Braun là một thiệt hại lớn cho cả Trung Hoa, Nam Việt, và toàn thể thế giới tự do.

Văn Bình đến Đài Bắc để tìm kiếm Braun thì bị bắt. Và đặc biệt là bị quân đội Trung Hoa bắt. Thế mới đau cho điệp viên Z.28....


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx