sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2: Cia Và Ông Sì Mít

Chiếc xe chạy vào sở cảnh sát và đậu trong sân, bên cạnh một văn phòng đã mở sẵn cửa đợi. Hai công an viên đưa Văn Bình vào rồi ra ngay để chàng ngồi xuống ghế một mình. Trước mắt chàng, sau một bàn làm việc bằng sắt sơn xanh hình bán nguyệt, một người bận thường phục trạc gần 50, đang hút thuốc lá trong yên lặng.

Thấy Văn Bình vào, người đó đứng lên, đợi cho hai công an viên đóng cửa lại, mới nói giọng nhã nhặn:

- Hân hạnh chào ông.

Văn Bình đáp sẵng lại:

- Vâng, chào ông. Các ông dựa vào đạo luật nào để bắt người ngoại quốc có đủ giấy tờ nhập cảnh hẳn hoi?

Thản nhiên như không nghe giọng nói bực tức của Văn Bình, người kia tiếp:

- Xin giới thiệu với ông, tôi là Hôn nờ, đại diện cho cơ quan CIA ở Nữu Ước.

Không chịu được nữa, Văn Bình đứng phắt dậy:

- Ông là đại diện cho CIA Nữu Ước hay đại diện cho ông trời con ở đây nữa cũng không có quyền bắt người một cách độc đoán như vậy. Rồi ông coi chừng, tôi sẽ phản kháng với chính phủ Mỹ.

Người kia vẫn cười:

- Ông giận dữ cũng phải. Vạn bất đắc dĩ chúng tôi mới phải bầy ra kế đó.

- À, ra các ông lập mưu để đưa tôi đến đây phải không?

- Ông nói đúng đấy. Gấp quá chúng tôi thiết nghĩ chỉ còn cách phái công an đến xét giấy tờ và bắt ông mang về đây vì tội nhập cảnh lậu mà thôi.

Văn Bình thở phào một cái. Công việc là công việc, hễ tiện là họ làm, không cần quan tâm đến tự do của người khác.

Người kia nói, điểm thêm nụ cười có duyên:

- Thay mặt anh em CIA tôi thành thật xin ông tha lỗi cho sự lạm dụng hồi nãy. Để tiện nói chuyện, tôi xin đưa ông bức điện văn của ông Hoàng từ Sàigòn gửi sang cho ông.

Người này mở ngăn kéo đưa cho chàng một tấm phong bì nhỏ có dấu si màu đỏ.

Ông Hoàng! Ông Hoàng! Cái ông già lù khù ấy ở đâu cũng có, khi nào cũng có. Mà ông ta chỉ xuất hiện vào những lúc mà chàng cần được yên tĩnh nhất. Tại sao ông ta không đợi đến sáng mai, đợi chàng hẹn hò suốt một đêm ở Acton với người đẹp đã rồi hẵng đánh điện có được không?

Người đại diện CIA rót một ly huýt ky đầy ắp cho chàng. Chàng cạn một hơi hết sạch. Bóc thư ra, chàng thấy bên trong một bức điện bằng mật mã do ông Hoàng đánh cho trung ương CIA ở Hoa Thịnh Đốn, nhờ chuyển hỏa tốc cho Tống Văn Bình.

Chàng dịch nhẩm bức điện tín ra như sau:

“HH gởi Z.28,

Yêu cầu cắt đứt nghỉ hè và tạm đặt dưới quyền chỉ huy của CIA trung ương. Stop. Đó là sự khẩn cầu của chính phủ Mỹ để thực hiện một công tác mà kết quả có lợi chung cho toàn khối tự do. Stop. Công tác mà anh sẽ nhận đã được sự tán thành của tôi. Stop hết.”

Văn Bình bật lửa đốt bức điện tín và bỏ tàn vào cái gạt tàn thuốc lá. Hôn nờ nói:

- Giờ đây ông đã hiểu lý do vì sao chúng tôi phải sai nhân viên đánh cắp giấy tờ của ông và bắt ông rồi. Và tôi tin rằng ông đã hết giận từ phút này.

Không hết giận cũng không được vì cái nghề phải gió của chàng là như vậy. Chẳng có giờ giấc nhất định nào cả. Khi người ta ngồi với cô nhân tình bé bỏng trên chiếc xe hơi ấm áp thì mình phải lội bùn dẫm tuyết đi tìm một mảnh giấy li ti, một tài liệu kỳ quặc bên cạnh cái chết luôn luôn rình mò và gớm ghiếc.

Văn Bình buột miệng:

- Có phải cô thiếu nữ có cặp mắt nâu nâu ấy được ông cử tới khách sạn Acton móc cái bóp phơi của tôi không?

Hôn nờ nhoẻn miệng cười:

- Hê Len đấy. Đừng tưởng có cặp mắt nâu đa tình mà không sành nghề móc túi? Tôi đứng ở cuối hành lang thấy rõ Hê Len ôm chầm lấy ông. Kể ra Hê Len cũng dễ thương đấy nhỉ?

Nói xong Hôn nờ ấn một cái nút gọi. Cửa hông xịch mở. Cô gái ngây thơ lúc nãy, có bộ ngực nở nang và cặp đùi quyến rũ, ưỡn ẹo đi vào. Hôn nờ chỉ Văn Bình nói:

- Hê Len, xin lỗi ông đi.

Cô gái nhìn Văn Bình một phút, đoạn thản nhiên như vợ với chồng, ôm choàng lấy chàng hôm một cái lên môi thật lâu, thật tình tứ. Hôn xong, nàng còn ban thêm một cái nữa vào má. Bàng hoàng, Văn Bình buông cô gái ra. Túi sau của chàng phồng chiếc ví đựng đầy giấy tờ đánh mất lúc nãy.

Đóng xong màn kịch, Hê Len từ từ bước ra cửa hông. Cứ ngắm cái trái ban lông đú đởn dưới làn vải mỏng, Văn Bình cũng đủ quên được câu chuyện mất giấy thông hành. Chợt nhớ tới Lily, chàng hỏi Hôn nờ:

- À, còn cô bạn Đức của tôi nữa?

Hôn nờ mỉm cười:

- Đã lo liệu xong rồi. Cô ta không biết ông đi đâu, về việc gì cả. Người chủ khách sạn đã nói với cô ta rằng ông bận việc gấp phải về Ba Lê ngay.

- Thế tại sao các ông không đón tôi ở trường bay có đỡ mất thời giờ không?

- Đúng ra tiếp xúc với ông ở Ba Lê kia, nhưng lại không dè ông đi Nữu Ước. Mãi đến khi ông xuống phi trường, tôi mới biết nên không ra kịp chỉ còn cách đi theo tắc xi của ông mà thôi. Vả lại, có đến kịp nữa cũng khó làm được gì ở trường bay chỉ vì có vụ giấu bom nổ chậm mà lại?

- À, còn vụ đặt bom nữa. Có thật không hay là chuyện nghịch tinh, thưa ông?

- Có thật trăm phần trăm. Vì một nhà ngoại giao Nga trốn sang Mỹ mà gây ra cả. Tuần lễ trước, một tùy viên quân sự Nga ở Thụy Sĩ trốn sang Ba Lê rồi đi máy bay PAA qua Mỹ tị nạn. Bọn gián điệp Nga liền báo thù bằng cách giấu bom trong các chuyến phản lực cơ sang Nữu Ước. Tuy nhiên họ mới có dự định thôi chứ chưa thục hiện được vì phi trường Orly canh phòng ngặt lắm. Chuyến bay này cũng được kiểm soát kỹ lưỡng trước khi cất cánh nhưng vì công an Pháp soát lại thấy thiếu một hành khách không đi chuyến này nên đâm nghi và điện gấp cho hoa tiêu lục lọi trên tàu làm cho hành khách một mẻ hú vía!

Hôn nờ vỗ vai Văn Bình:

- Thôi ta đi đi. Đi Hoa thịnh đốn gặp ông Sì Mít (1).

Hai người ra chiếc xe lúc nãy và đi ra trường bay. Thấy Hôn nờ lái xe sát vào một chiếc phi cơ trực thăng, Văn Bình tỏ dấu ngạc nhiên:

- Sao ông không đi máy bay có nhanh không?

Hôn nờ lắc đầu:

- Đi trực thăng có thể đậu ngay trên nóc Tòa Ngũ Giác vừa tiện vừa bảo vệ được bí mật hơn (2).

Từ Nữu Ước đến Hoa Thịnh Đốn, thủ phủ của liên bang Hoa Kỳ, đường bộ dài 300 cây số. Bay trực thăng ngắn đường hơn nên mới ba giờ rưỡi sáng Hôn nờ và Văn Bình đã tới. Trên cao ngó xuống, Văn Bình đã thấy ánh đèn điện pha cho trực thăng đáp xuống sáng rực. Sân trực thăng dài rộng như một sân bay thường, trên đó đã có hơn chục trực thăng đậu. Hôn nờ bớt ga cho máy từ từ hạ xuống một chỗ trống. Bánh xe đặt nhẹ trên sân thượng bê tông cốt sắt. Cái chong chóng khổng lồ trên nóc trực thăng quay nốt mấy vòng nữa rồi đứng im.

Hôn nờ nhảy xuống trước, cả hai người tiến tới một cánh cửa sắt cách đó một trăm thước, có một quân nhân bồng tiểu liên đứng gác, bên một cây đèn pha to tướng, chiếu sáng một góc sân thưọng.

Hôn nờ nói mật khẩu và trình giấy căn cước. Người gác gọi điện thoại xuống phía dưới. Ba phút sau thang máy từ tầng dưới chạy lên. Cánh cửa sơn xanh dạt mở sang bên. Bên trong thang máy lại có một người lính khác, võ trang cẩn thận. Thang máy chạy từ từ xuống tầng dưới, cửa mở. Lại trình căn cước, trình thông hành ra vào Tòa Ngũ Giác.

Cứ ra vào thang máy, cứ xuất trình giấy tờ như vậy đến năm lần, hai người mới tới văn phòng thường trực của sở CIA.

Đến khi thang máy dừng lại thì ông Sì Mít ngồi trong văn phòng có ấn nút mới mở ra được. Cửa thang máy làm bằng một thứ kính dầy đặc biệt, đứng trong không nhìn thấy người ngoài, nhưng đứng ngoài nhìn vào lại rõ mồn một. Thành ra ngồi sau bàn buya rô, ông Sì Mít có thể thấy khách tới mà khỏi sợ lầm lẫn.

Ra khỏi thang máy, Hôn nờ và Văn Bình còn phải mở một cửa kính thứ hai nữa, và mới bước vào khu vực bí mật nhất của nước Mỹ, và có thể nói là bí mật nhất thế giới nữa. Ông Sì Mít ngồi sau cái bàn bằng gỗ mun đen rộng như một tấm phản lớn, phía trên có một dãy tê lê phôn và máy móc thâu phát thanh kỳ lạ. Ông còn già hơn ông Hoàng nhiều với một thân hình gầy gầy, dáng điệu rụt rè, nhút nhát y như là tiểu chức về hưu. Tuy vậy, Văn Bình không kinh ngạc. Chàng biết rằng những bộ óc kỳ khôi nhất trên quả đất này bao giờ cũng núp sau bề ngoài tầm thường, nhũn nhặn. Nhưng chàng lại kinh ngạc ở chỗ không biết vì là tiền định hay ngẫu nhiên (một sự ngẫu nhiên thú vị và dí dỏm) mà ông Sì Mít cũng đeo kính cận thị dày cộm, cũng lau da trừu suốt buổi và cũng mặc bộ âu phục may sát người như người không tiền sắm bộ khác như ông Hoàng.

Ông Sì Mít không đứng lên, chỉ đưa tay ra phía trước mời Văn Bình ngồi bằng giọng nhỏ nhẹ, hiền từ. Hôn nờ cúi mở cửa kính thang máy. Ông Sì Mít ấn nút, thang máy lại từ từ tụt xuống.

- Rất hân hạnh được gặp anh. Tôi nghe nhiều anh em ở đây khen ngợi anh hết lời khi anh còn hoạt động trong tổ chức OSS và cũng vì thế nên hôm nay tôi mới cho vời anh đến. Nhân tiện tôi mong anh đừng phật lòng về sự đối xử miễn cưỡng ở Nữu Ước.

Cơn giận nguôi từ lúc nãy lại bừng lên, Văn Bình nói dằn từng tiếng một:

- Tôi không phật lòng nhưng lại ngạc nhiên tại sao ông lại phải dùng một phương pháp bất thường như vậy? Trước mặt ông, tôi phản đối việc đó.

Ông Sì Mít cười:

- Hồi tôi còn là nhân viên hành động cùng tuổi như anh, tôi cũng hay tức khí như vậy. Thượng cấp của tôi có cái kỳ quặc đáng ghét là cứ mỗi khi tôi sắp vào khách sạn vui thú với một cô gái tuyệt diệu thì họ lại lò dò tới, bắt tôi đi đùa rỡn với cái chết. Hồi đó tôi thường không tuân lệnh vì tôi nghĩ tại sao họ không đợi đến khi tôi thỏa mãn hẵng tới. Có phải lúc nãy anh cũng nghĩ như vậy không?

Văn Bình không đáp. Ông Sì Mít tiếp:

- Hồi đó, tôi thường oán trách thưọng cấp như vậy nhưng đến khi ngồi vào chỗ này lại sa vào cái kỳ quặc đáng ghét đó. Anh bỏ một đêm vui thú với người đẹp thì được chứ hàng triệu con người bị lỡ một giây đồng hồ, đi chậm một nước cờ là chết hết. Giữa thời đại hỏa tiễn này, cuộc vật lộn trong bóng tối mỗi ngày một thêm quan trọng. Anh đã chọn cái nghề không tên không tuổi ấy. Thắng thì anh cũng không được ai khen mà bại thì một mình anh chết. Đến cái phần thưởng cao quý nhất của con người mà anh còn tự ý chối bỏ thì cái cuộc vui một đêm nào có nghĩa gì? Phải không Henry?

Henry là bí danh của chàng trong thời gian ăn lương OSS. Bất giác chàng nhớ lại những năm tung hoành ở Đông Âu, ở Nga Xô, dưới lệnh ông Sì Mít của OSS. Ông Sì Mít đó ngày nay đã mất, nhưng người kế vị ông ở CIA vẫn là ông Sì Mít. Và ông Sì Mít đã có cái nhã ý gợi lại bí danh Henry bách chiến bách thắng của chàng.

Ông Sì Mít không đợi chàng trả lời, nói tiếp:

- Tôi cần nói thật với anh rằng không phải tôi không có người dành sẵn cho công tác này. Đây là một chương trình mà tôi đã sửa soạn từ lâu, sửa soạn từ nhân vật đến chi tiết hành động. Đùng một cái, đến khi tình hình chín mùi thì nhân viên này bị thiệt mạng vì một chuyện vô nghĩa. Tôi đành đi kiếm một người thay thế. Người đó phải là người châu Á. Hiện nay cộng sự viên châu Á của tôi rất nhiều nhưng không ai khả dĩ làm tròn công tác đó được. Tôi đành mở lại xấp hồ sơ OSS và gặp tên anh. May thay anh còn sống, và lại gia nhập tổ chức của nước anh, nước đồng minh của Mỹ. Tôi liền thương lượng với ông Hoàng. Chắc anh không lạ gì việc mượn nhân viên như vậy là thường, và tôi mong anh cũng sẵn lòng cộng tác với tôi cũng như cộng tác với ông Hoàng và OSS khi trước.

Văn Bình đáp:

- Tôi xin sẵn lòng.

Ông Sì Mít liền nhấc ống điện thoại, và trước khi nói còn thêm một câu nữa:

- Như tôi đã bàn trước với ông Hoàng, trước khi vào chuyện, tôi sẽ gọi điện thoại vô tuyến cho ông Hoàng ở Sàigòn để anh nói chuyện.

Đoạn ông Sì Mít ra lệnh vào điện thoại:

- Yêu cầu gọi ngay, ưu tiên tuyệt đối.

Văn Bình không dè tổ chức điện đàm vô tuyến lại chu đáo và nhanh chóng đến mực ấy. Chưa đầy hai phút, tiếng chuông đã reo lên. Ông Sì Mít ra hiệu cho chàng cầm ống nghe. Văn Bình nhận ra giọng nói quen thuộc của ông Hoàng ở tận đầu giây Sàigòn, nghe rõ như tại Hoa Thịnh Đốn.

Văn Bình nói:

- Ông Hoàng đấy phải không? Vâng, chào ông. Tôi đây. Văn Bình đây. Vâng không hề gì… Tôi bằng lòng… Vâng, tôi xin cố gắng hết sức… Vâng, tôi xin đưa ống nói cho ông Sì Mít.

Hai thủ lãnh do thám nói chuyện với nhau một hồi. Buông ống nghe xuống, ông Sì Mít mỉm cười:

- Bây giờ chắc anh đã bằng lòng. Nào, chúng ta vào việc. Anh đã công cán ở Tây Tạng lần nào chưa?

- Thưa đã. Năm 1949 khi quân Mao Trạch Đông đến miền sông Dương Tử, tôi được cử đến thủ đô Lát Xa. Năm 1951, khi đức Đạt Lai Lạt Ma trốn khỏi lâu đài, phản đối Trung cộng, tôi lại vào Tây Tạng và nhận nhiệm vụ liên lạc với dân tộc thiểu số Khăm ba.

Châm xong điếu thuốc xì gà Havan kếch xù, ông Sì Mít hỏi tiếp:

- Thế anh biết giải núi Út Tun Tắc không?

Hít một hơi Salem thơm mùi bạc hà, Văn Bình đáp:

- Thưa có, tuy chưa đến đấy. Có phải rặng núi khá cao ở về phía Bắc Tây Tạng không, thưa ông?

- Phải đấy.

- Trung cộng đặt nhà máy hỏa tiễn ở đấy ư, thưa ông?

- Không, không phải đi đánh cắp một tài liệu về hỏa tiễn mà là một việc khác. Anh còn lạ gì, tuy Nga Xô có vệ tinh nhân tạo Sì pút ních nhưng ta có ưu thế không trung. Cuộc so tài về hỏa tiễn ngày nay còn quy vào hai điểm: tìm ra một thứ kim khí không chảy để chế tạo vỏ hỏa tiễn, và tìm ra nhiên liệu. Và chúng ta đã tìm ra. Tuy nhiên nói như vậy không phải là không cần sang phía đối phương.Vì vậy tôi mới cử anh sang Tây Tạng. Nhưng trước hết phải nói tới rặng núi Út Tun Tắc một chút nữa. Giải núi này có một đặc tính có một không hai trên thế giới. Đứng trước núi, bất cứ kêu lên một tiếng gì, không cần to hay nhỏ, gần hay xa, và bất cứ ngôn ngữ nào trên trái đất, thì vách đá sẽ vang lại một cách dị kỳ.

- À, ra thế?

- Anh có thấy dị kỳ không? Chẳng hạn như đứng trước một quả núi thường thì hễ anh kêu a a, vách núi sẽ dội là a a. Nhưng ở núi này, nếu anh kêu a a thì núi lại dội lại khác. Khi người ta kêu lên thì tiếng vang dội của vách núi lại ngân nga, ề à như tiếng Tây Tạng vậy. Kêu tiếng Nga, hay tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Mã Lai thì tiếng ngân cũng hao hao như tiếng Tây Tạng.

- Đứng vào chỗ nào cũng kêu cũng vậy à, thưa ông?

- Không. Muốn nghe tiếng dội kỳ dị này phải đứng cách núi một khoảng xa bằng một trăm lần bề cao một người, nghĩa là anh cao hơn 1th7 thì đứng xa 170 thước, mặt bao giờ cũng phải hướng về thánh địa Lát Xa.

- Đó là chuyện thật?

- Sao lại không là chuyện thật? Từ bao năm nay, các nhà sư theo môn phái Lạt ma hành đạo ở vùng Diên Si và Chi Tân (4) đều cho vùng núi Út Tun Tắc này là một chốn thiêng liêng, và họ thường đến hành hương để nghe Thần núi tiên đoán những việc xảy ra.

- Tiếng vang của núi đá là tiếng của Sơn thần tiên đoán vị lai à, thưa ông?

- Theo các nhà sư lạt ma và dân Tây Tạng là như vậy. Mà không riêng gì nhân dân Tây Tạng, ngay cả các nhà bác học vật cổ trên thế giới đều cho điều đó là đúng. Từ bao năm nay, nhiều người đã tìm cách dịch nghĩa những tiếng dội của núi đá. Có người thành công, nhưng hầu hết đều chịu thua. Trên thế giới hiện chỉ có hai nhà ngữ học nổi tiếng biết cách dịch thứ tiếng vang kỳ dị đó. Nhưng cả hai đều không còn ở Tây Tạng nữa (5).

- Họ trốn sang cộng sản Trung Hoa chứ gì?

- Không, người thứ nhất là một nhà ngữ học Đức tên là Vôn Liệt. Ông này sang Tây Tạng nghiên cứu trong một thời gian khá dài và hình như biết được đại chiến sẽ bùng nổ do Sơn thần Út Tun Tắc tiên đoán nên bỏ Tây Tạng trốn sang Nam Mỹ. Chiến tranh thứ hai xảy ra, toàn thế giới đều bị tàn phá, riêng có Nam Mỹ vững như bàn thạch. Thế rồi một hôm kia, cách đây ba tháng, Vôn Liệt bị bắt cóc một cách bí mật ở kinh đô Á Căn Đình.

- Nếu tôi đoán không sai thì là R.U. mang đi?

- Đúng. Mãi đến một tháng sau ngày Vôn Liệt biến dạng, tôi mới được biết R.U. dúng tay vào nội vụ. Một cộng tác viên của tôi trên đất Nga tình cờ chụp được tấm ảnh một nhân vật bí mật do một máy bay quân sự chở đến Hắc Hải cho Cút Xếp gặp. Nhân vật bí mật đó là Vôn Liệt.

- Thế nghĩa là Vôn Liệt tự ý theo cộng sản?

- Không đúng. Vôn Liệt là người chống cộng sản dữ dội. Không phải chống hời hợt, chống qua quít mà là chống thật. Tôi có nhiều bằng cớ trong dĩ vãng chứng tỏ Vôn Liệt không phải là đảng viên hoặc cảm tình viên cộng sản. Sở dĩ Vôn Liệt được Cút Xếp tiếp có lẽ vì Cút Xếp cũng cho chuyện núi đá tiên tri là kỳ dị nên muốn gặp tận mắt con người bác học đã biết phiên dịch tiếng nói của Sơn thần.

- Còn nhà bác học thứ hai?

- Để tôi nói hết đã. Sau khi biết đích xác Vôn Liệt bị R.U. bắt và mang sang Nga (6), tôi liền huy động bộ máy lượm tin của tôi và được biết rõ rằng Vôn Liệt được đưa qua Tây Tạng đến núi Út Tun Tắc.

Cùng đi với Vôn Liệt là một phái đoàn bác học Xô Viết với đủ dụng cụ tối tân. Họ không dịch tiếng thần núi mà chỉ phát ra tiếng động, đủ mọi tiếng động, bằng đủ thứ tiếng trên cõi đất, rồi thu vào băng nhựa mang đi. Thu xong rồi, cả đoàn đi đâu không biết, điệp viên của tôi chịu không thể khám phá ra. Nhưng nếu họ chỉ thu thanh và bỏ đi thì cũng chưa trầm trọng, cái trầm trọng là trước khi đi, họ cho đặt mìn phá nổ nơi mà tiếng núi có giọng kỳ dị nhất.

- Tức là họ muốn chiếm độc quyền những tiên đoán mai hậu?

- Chính thế.

- Nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì cộng sản không tin có định mệnh, tại sao họ lại tin tiếng núi đá Tây Tạng?

- Tuyên truyền bao giờ chả vậy, nhưng bề trong ai mà không tin ở định mệnh. Trở lại Vôn Liệt, tôi đã mất tung tích ông ta từ sau cuộc thâu tiếng ở Tây Tạng. Tuy nhiên Vôn Liệt một mình chưa thể dịch hết tiếng của núi đá tiên tri và bạn đồng nghiệp của ông ta còn thông thạo hơn.

- Đồng nghiệp này là nhà bác học thứ hai phải không, thưa ông?

- Phải, tên người này là Lý Dĩ, người Cao Ly. Lý Dĩ sinh quán ở Tây Tạng, du học về ngữ học ở ngoại quốc và hồi hương với mục đích khám phá ra tiếng núi đá tiên tri. Công việc của Lý Dĩ sắp hoàn thành thì Trung cộng xâm chiếm Tây Tạng. Ông ta phải bỏ trốn qua Ấn Độ rồi sau đó sang Mỹ. Nhưng khi tới Mỹ, ông ta bỏ ngành ngữ học và trở hành chuyên viên về hỏa tiễn. Tôi tính trước, nếu cộng sản đã hao công tốn của bắt Vôn Liệt thì họ sẽ không ngần ngại bắt luôn Lý Dĩ. Tôi cho rằng núi đá tiên tri phải có một cái gì phi thường.

- Bây giờ ông muốn tôi sang Nga tìm chỗ Vôn Liệt làm việc ư?

- Cũng gần như thế. Tuy nhiên tôi không thể nói chắc với anh được rằng nơi đó ở đâu. Cũng có thể ở Tân Cương, ở Tây Bá Lợi Á hoặc ở Đông Âu.

Văn Bình tỏ dấu ngạc nhiên:

- Thế thì đi đâu?

Ông Sì Mít mỉm cười:

- Đợi R.U. đưa anh đi đâu thì đi.

Văn Bình phá lên cười:

- À ra thế, tôi sẽ đóng vai nhà ngữ học Lý Dĩ!

- Đúng. Về dáng người và khổ mặt, không sao, chỉ cần qua một buổi giải phẩu thẩm mỹ (7) là giống như tạc ngay. Anh sẽ thay chân Lý Dĩ ở địa điểm thử bom nguyên tử Lát Vê Gát và đợi cho R.U. tới bắt.

- Lúc nãy ông nói rằng núi đá tiên tri phải có một cái gì phi thường, tuy vậy đã biết mang máng cái gì đó chưa?

Ông Sì Mít cười để lộ hàm răng nhỏ, có hai cái bịt vàng óng ánh:

- Núi này đã tiên tri một vài điều rất đúng. Theo Lý Dĩ thì ông ta đã khám phá ra những tiên đoán về đại chiến, về sự thất trận của phe Trục, về Xít Ta Lin chết vì bị căng máu, cả về sự kế chức của Cút Xếp nữa. Lý Dĩ cho biết núi đá linh nhất mỗi năm có một ngày thôi, đó là ngày Phật Đản. Ngày Phật Đản cuối cùng của Lý Dĩ ở Tây Tạng, ông ta nghe được một lời tiên tri vô cùng hệ trọng. Tuy nhiên, Lý Dĩ chưa biết nội dung của bài tiên tri ấy ra sao vì thần đá hẹn đến năm ấy, ngày ấy, giờ ấy mới nói. Nhưng Lý Dĩ phải ra nước ngoài, và đổi nghề. Cái năm, cái ngày mà thần đá hẹn, Vôn Liệt đã được Nga đưa về thâu tiếng. Công tác của anh đại để như vậy. Dầu sao tôi cần nói thêm với anh rằng, anh có thể từ chối thẳng thắn. Còn như…

Văn Bình ngắt lời:

- Tôi ưng thuận.

Trước khi vời chàng tới, ông Sì Mít dư hiểu chàng sẽ ưng thuận. Văn Bình là người thích phiêu lưu, ham chạy theo cái khác thường, cái rối óc và nguy hiểm. Cuộc giả trang làm nhà bác học Lý Dĩ và sang núi đá tiên tri này thật là một chuyến đổi gió nhiều hương vị đối với chàng.

Ông Sì Mít bấm một nút chuông trên bàn giấy. Một thanh niên trạc 40 tuổi bận quân phục đại tá không quân Mỹ mở cửa bước vào, chào Văn Bình. Ông Sì Mít giới thiệu:

- Đây là Pít, phụ trách về kế hoạch hành động. Anh sẽ nói chuyện với Pít.

Và ra lệnh cho viên đại tá:

- Xong xuôi, anh đưa Văn Bình sang bàn giải phẩu thẩm mỹ nghe.

Văn Bình bắt tay đại tá Pít. Hai người từ giã ông Sì Mít ra thang máy đến một khu vực khác cũng thuộc sở CIA bên trong Ngũ Giác Đài.

Ngoài trời, vừng đông vừa bắt đầu hừng sáng. Một đêm Văn Bình thức trắng. Con sông Pôtômắc nước trong veo, uốn khúc dưới chân xa xa. Một chiếc máy bay phản lực cánh tam giác sắc như dao vút bay trên đầu, tiếng kêu như xé nhĩ tai.

Chú thích:

(1) Viên tổng giám đốc Mật Vụ Mỹ bao giờ cũng được gọi là Sì Mít, bất cứ tên thật là gì. Cũng như ông tổng giám đốc Phòng Nhì Pháp được giới do thám gọi là cậu Duyn (Oncle Jules).

(2) Tức là bộ Quốc Phòng Mỹ. Đó là một khu rộng mênh mông trong đó là một tiểu thế giới. Khu nhà này năm mặt nên được gọi là Ngũ Giác Đài.

(3) Oustoun Tagh.

(4) Gyantsé, Tchétang.

(5) Câu chuyện núi đá tiên tri này hoàn toàn có thật và từng được tạp chí Pháp Khoa học và Đời sống (Science et Vie) tường thuật. Sven Hedin, nhà thám hiểm nổi tiếng người Thụy Điển, từng viếng thăm Tây Tạng 5 lần khác nhau, trong một thời gian từ năm 1894 đến năm 1935, cho biết rằng tiếng nói đá tiên đoán những biến cố lớn trên hoàn vũ.

(6) R.U. tức là cơ quan tình báo Xô Viết.

(7) Giải phẫu thẩm mỹ là Chirurgie esthétique.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx