sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

" Sông Nhỏ Thà Đau Phận Bể Khơi..."

cover

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

Thể loại: Tùy Bút

Tình trạng: Đã hoành thành

“sông nhỏ thà đau phận bể khơi…”*

Có lần, tòa soạn gọi cho tôi bảo có ông nào ở Sài Gòn bình về tôi ngộ lắm. Hỏi tên hóa ra là Lê, người đồng hương lưu lạc. Lê là bạn tôi, trong những lần chuyển trường xuôi ngược, may mắn, tôi học chung Lê một năm lớp mười. Rồi chia tay, rồi lâu lâu có thấy nhau, thảng thốt vì vẫn còn cảm giác bạn bè thân thiết. Rồi bặt đi. Bây giờ thì nói chuyện qua lại trên … trang báo.

Thật lòng, đọc bài trao đổi của Lê, tôi nghĩ ngay, văn mình không hay đến nỗi ông bạn tấm tắc, chắc lưỡi. Chẳng qua những gì tôi viết đều khơi dậy nỗi nhớ quê (không loại trừ cái tên tôi thôi là đã nhắc nhớ một phần của quê nhà rồi, chớ giỡn). Những dòng sông, con nước rong tràn bờ bãi, về những ngọn gió lay lắt, những con đường cũ kỹ và những gương mặt người… Mỗi hình ảnh là một lát cắt cứa lòng, mỗi hình ảnh là một tiếng trống dội tưng bừng trong tâm tưởng.

Tôi tin là quê nhà trong Lê vẫn còn đầy, dù Lê ra đi đến hai lần. Lần đầu, Lê học Đại học, rồi ở lại Sài Gòn làm việc. Được chừng hai năm, Lê hớn hở về. Năm sau, Lê lại đi xa. Ngày Lê đi là một ngày nhẹ nhỏm, chẳng thấy chào từ biệt. Nghĩ lại, Lê đã từ giã tôi rồi, trong những lần bất chợt gặp nhau, dù không nói bằng lời. Lúc nào gặp, Lê cũng đượm vẻ bồn chồn, buồn buồn, căng thẳng, cũng than thở chuyện nọ kia, những chuyện đó luôn xảy ra trong bối cảnh duy nhất: cơ quan mà Lê làm việc. Đại khái chỗ ấy chia làm năm ba tầng, lớp, tầng trên cùng là mấy chú lãnh đạo, tốt tuyệt vời. Nhưng bắt đầu từ tầng thứ hai thì tầm nhìn chen chúc. Người ta gạt tài năng ra rìa, sôi sùng sục, tính toán, vặt mắc, hãm hại nhau (cốt để được ngoi lên). Hai từ “cạnh tranh” mang ý nghĩa như “dìm cho nó chết”, “đạp đổ”. Lê đa cảm (thì dân viết lách ai chẳng vậy) mang một tâm hồn đẹp, trong vắt, chung đụng với cảnh đó hằng ngày thấy chật chội, hoang mang.

Buộc phải bỏ quê, tôi vẫn nghĩ đó là nỗi khổ lớn của đời người. Nên tôi mừng lắm khi thấy Lê viết nhiều, hay xuất hiện trên báo, giọng điệu bình an, thơ thới và chín chắn. Đồng nghiệp tôi ngồi với nhau, khen, Lê viết ngày càng lên tay.

Trong những người uống trà sớm ấy, vài người đã từng nằng nặc biểu Lê đi (tạm gọi là phe đi), vài người muốn giữ chân Lê lại (gọi là phe ở, trong đó có tôi, được thấy Lê trên đường mỗi sáng chiều, và cảm giác Lê vẫn còn gần xịt bên mình thì thích hơn). Phe đi mừng húm, nói Lê có môi trường sống tốt mới viết tốt như thế. Phe ở nẫu lòng, tại sao tại quê nhà, cái tổ của con chim, cái kén của con tằm…Lê không tìm được cảm giác an lành và vui vẻ đó? Tại sao? Tại sao? Câu trả lời dường như đã có trong lòng, chỉ là không buột miệng nói ra.

Buổi trà sáng ấy đắng hơn mọi ngày.

Rồi liên tiếp những buổi trà đắng. Liên tiếp những cuộc từ biệt, liên tiếp những dòng sông lênh đênh phận bể khơi. Chiều nay, lại thêm một người đi. Đứa bạn làm ở công ty tư vấn thiết kế xây dựng quyết định về Cần Thơ. Cũng nỗi khổ riêng, cứ đi nghiệm thu ở công trình nào đó là có người cười cười vỗ vai, con anh Tư hả, chú với ba con thân lắm nghen, hồi đó nhậu với ảnh hoài. Bạn chần chừ trước những mối quan hệ chằng chịt, có thấy sai phạm, gian dối cũng buộc phải qua quýt cho xong. Đất rộng, người thưa mà chật chội vô phương. Chịu không thấu, lời từ giã buồn bã bật thốt trên môi. Phe ở buồn thiu. Phe đi thoả mãn. Trong những người hể hả ấy, có người thui thủi sống một mình, trong căn nhà trống, đứa con trai duy nhất đang vật lộn làm việc ở Sài Gòn. “Nhưng được ở cùng nhau mà hệ luỵ tới tương lai cuộc đời con nó, thà tôi sống mình ên”, chị nói. Nghe nhói ran lòng.

Những ngày rảnh rỗi, tôi ngồi nhớ nhung này nọ, bỗng xốn xang thấy mình có quá nhiều bạn bè đi xa. Như Lê, Võ, Nguyễn ở Sài Gòn, như Hoàng, Diệp tuốt ngoài Hà Nội. Có người long đong ở tận trời Tây.

Đôi lúc, cảm giác như chỉ còn mình tôi ở lại, tựa vào quê nhà để kể chuyện quê nhà. Cho những người xa…

"Sông nhỏ thà đau phận bể khơi...": Ý thơ Nguyễn Tịnh Đông


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx