Trong quá trình đàm phán lương, nói hay không nói hai từ có thể làm bạn mất hay được hàng trăm/nghìn USD. Vì vậy ngay khi nhà tuyển dụng đưa ra mức lương đầu tiên trong đàm phán, đừng vội đưa ra hai từ "OK". Ngoài việc cân nhắc, tính toán giá trị đích thực của mình, bạn phải biết nghệ thuật “lưỡng lự” để hướng tới mức lương cao hơn từ ông chủ.
Ngập ngừng - chiến lược căn bản trong đàm phán
Đàm phán lương là một kỹ năng quan trọng mà không phải ai cũng có được. Chính vì vậy, Jack Chapman, tác giả quyển: "Đàm phán lương: Làm thế nào có được 1.000 USD trong một phút", đã đưa ra rất nhiều lời khuyên cho các ứng viên. Theo đó, các ứng viên cần phải tính toán mức độ công việc có tương ứng với tiền lương hay không trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong giao tiếp, ngập ngừng thường không được đánh giá tốt. Tuy nhiên trong đàm phán lương, ngập ngừng lại là một chiến lược “phát huy tác dụng”. Vì vậy, nếu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương 10.000USD/tháng, một ứng viên thông minh sẽ biết cân nhắc con số này và tỏ vẻ lưỡng lự như đang cân nhắc kỹ lưỡng. Trong tình huống này, nhà tuyển dụng rất có thể chờ đợi câu trả lời của bạn hoặc hỏi bạn nghĩ gì về mức lương này. Trước thái độ ngập ngừng của bạn, họ có thể đưa ra một mức lương cao hơn nữa, tất nhiên với điều kiện họ phải thấy bạn xứng đáng với mức lương cao này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự ngập ngừng trong tình huống này cho nhà tuyển dụng thấy bạn không hề bị ngợp trước mức lương mà ông ta đưa ra. Đây cũng là khoảng thời gian bạn nên tận dụng để cân nhắc sự tương quan giữa năng lực và mức lương mà họ đưa ra cho bạn. Nếu bạn đang làm rất tốt công việc của mình, bạn nên biết chính xác bạn xứng đáng được trả bao nhiêu. Hãy nói với nhà tuyển dụng, bạn đã nghiên cứu và biết đúng giá trị của bạn.
Trong trường hợp tiền lương mà nhà tuyển dụng đưa ra đúng với mong muốn của mình, đừng chần chừ, hãy chấp thuận nó một cách vui vẻ. Hầu hết các ông chủ đều rất hài lòng với cử chỉ này. Điều đó thể hiện cho ông chủ tương lai thấy bạn rất tin tưởng, nhiệt tình và hết lòng đối với công việc và công ty.
Ngược lại, trong trường hợp bạn chưa sẵn sàng, bạn có thể xin phép nhà tuyển dụng lùi lại thời điểm trả lời vào ngày hôm sau kèm theo lời hứa, sẽ gọi lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Nguyên tắc khi đàm phán lương
Để đối phó với tất cả các "cái bẫy" của nhà tuyển dụng, Chapman cũng đã đưa ra 3 nguyên tắc khi đàm phán lương.
Nguyên tắc đầu tiên
Đừng vội vàng "ra giá" trước khi nhà tuyển dụng biết rõ về bạn. Thông thường, ai cũng sẵn sàng trả giá cao hơn mức thông thường cho những thứ mà họ thực sự muốn. Nếu công ty nhận thấy bạn đáp ứng đủ yêu cầu và họ cảm thấy thích bạn, họ sẵn sàng đưa ra mức lương cao.
Nguyên tắc thứ hai
Nếu nhà tuyển dụng bắt đầu quá trình phỏng vấn bằng câu hỏi: "Bạn muốn nhận bao nhiêu tiền lương một tháng?", bạn đừng vội đưa ra ngay mức bạn muốn. Hãy lưỡng lự và chần chừ với câu trả lời: "Chúng ta có thể nói về vấn đề này sau khi tôi biết cụ thể công việc của mình được không?"
Nguyên tắc thứ ba
Trong trường hợp nhà tuyển dụng nói trước công việc và trách nhiệm của bạn, sau đó tìm hiểu bạn muốn mức lương bao nhiêu. Bạn có thể im lặng một lúc và nói: "Tôi muốn biết cụ thể hơn nữa về công việc này". Hoặc: "Theo anh (chị) ở vị trí đó mức lương của tôi là bao nhiêu thì phù hợp?"
Theo VTV
@by txiuqw4