sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mã Đại Câu, Người Quét Chợ Mường Cang

cover

Tác giả: Ma Văn Kháng

Thể loại: Truyện Ngắn

Tình trạng: Đã hoành thành

Phố huyện biên giới Mường Cang nhỏ teo, người ở đầu phố ho, người cuối phố nghe thấy.

Phố huyện biên giới Mường Cang chỉ có mỗi một con phố và một nhúm người. Khách vãng lai qua đây nhìn phố huyện mỉm cười: thế mà cũng gọi là phố!

Phố huyện biên giới Mường Cang cách đường biên giới hai ki-lô-mét, trừ ngày chủ nhật phiên chợ, còn thì buồn tênh, lúc nào cũng như thiu thiu ngủ trong cái thung lũng một năm hai vụ đậu tương, bị vây bọc bằng một vòng cung núi đá hình răng lợn.

Phố huyện tẻ ngắt, rặt một kiểu nhà mái cỏ, tường xăm đá cũ kỹ, cổ quái. Nhưng thật ra phố huyện biên giới Mường Cang chẳng tẻ, chẳng buồn. Đây là nơi quần cư của dân tứ chiếng với đủ các giọng nói, các hạng người, các thói đời.

Phố huyện nhỏ mà chứa cả một kho chuyện dân gian, với những nhân vật có những trang tiểu sử ly kỳ, những chuyện cười ngộ nghĩnh nghe lạ như chẳng thể có ở đất ta.

Mảnh đất bé tí tẹo mà lắm chuyện lạ! Chẳng hạn như chuyện lão tướng cướp Lu Pin Khìn nổi danh một thời với những chuyện cướp của giết người táng đởm kinh hồn, giờ- sau khi ở trại cải tạo ra- lão xưng là “đã về hưu”, làm nghề đục cối đá lương thiện, vừa mới cưới một cô gái người Hoa non trẻ chỉ đáng tuổi cháu lão.

Chẳng hạn như chuyện mụ Nhục Chắn bán sữa đậu nành và làm đậu phụ nhự, có cái cục bướu to bằng nắm tay ở cổ mà ngay bây giờ, cùng một lúc có đến ba chồng; chồng nào cũng nem nép sợ mụ như nô lệ sợ quyền uy chúa đất, trái ý mụ, mụ phạt các ông chồng nhịn cơm, phạt quỳ cả ngày trong cái vòng tròn do mụ vẽ bằng phấn… là chuyện thường…

Nhưng, những chuyện có nhiều bí ẩn, kỳ quái đại loại như vậy đều thua chuyện lão Mã Đại Câu hết; thua về độ dài, tình tiết hấp dẫn và thua cả về nghĩa lý nữa!

Mã Đại Câu ở phố huyện biên giới này từ thời nảo thời nào và lai lịch của lão ra sao, quả thật cho đến nay chẳng một ai, kể cả ông phó chủ tịch phụ trách hộ khẩu, biết một cách thật đích xác, rõ ràng. Chao ôi! Điều ấy thật ra chẳng nên trách lão một tí nào. Đất này vốn là đất dữ. Phố huyện biên giới, trong cuộc sống ly loạn triền miên, nơi hoành hành của thói hung tàn, bạo ngược miền phiên trấn, vốn là nơi tụ lại rồi tan đi, tan đi rồi lại tụ lại của bao kiếp người lầm than, cơ cực, bị xô đẩy, như hạt cát nhỏ, như những cái rơm, cái rác, trong cơn gió lớn phũ phàng của cuộc đời bất ổn. Khối người đã là những hạt cát những cái rơm cái rác bất hạnh ấy.

Cho đến bây giờ, hơn một nửa số dân ở phố huyện là dân Hoa vẫn còn rất mù mờ về lai lịch gốc gác của mình. Và đặc biệt là có vô số lý do giải thích về việc họ chuyển cư tới đất này. Họ tìm đến đất này từ thời nào? Đã cư ngụ ở đây ba đời hay bốn đời? Quê ở Phúc Kiến hay Lưỡng Quảng? Phải ly quê từ triều Mãn Thanh hà khắc, bảy năm hạn hán mất mùa liên tiếp lại phu phen, thuế khóa nặng nề? Hay từ lúc quân Tầu Tưởng vét lính cả đến ông lão đầu râu tóc bạc? Hay mới chỉ là những ngày gần đây, tìm đến đất này để tránh khỏi một hiểm họa lúc nào cũng lơ lửng ở trên đầu; tranh giành quyền bá vốn đã thành một nhịp sống cuồng sôi, một cố tật liên miên ở đất quê? Nhưng thôi, hãy cứ biết họ cũng như Mã Đại Câu, đã đến đây, làm ăn sinh sống yên lành ở phố huyện này.

Mã Đại Câu không phải thổ dân ở trấn này. Tất nhiên. Nhưng, bảy người cao niên nhất ở trấn đều cam đoan rằng, từ thời Tây cai trị xứ này và vùng này còn là đất cát cứ của thổ ty họ Hoàng, Mã Đại Câu đã có mặt ở đấy. Và, ngay từ thời ấy lão cũng y hệt như bây giờ, mặt mũi cũng gớm guốc như thế, sống cũng lủi thủi như thế, tính nết cũng vừa dở người vừa ngu dại như thế. Chỉ có điều khác là dạo ấy lão khỏe hơn bây giờ.

“Hầy! Vác đá hả? Gọi lão Câu!”

“Dà dà… cái thằng ăn mày chết ở chợ kia, sao chưa chôn? Gọi lão Câu đi, ông bang trưởng ơi!”.

Dân phố, cho đến những ngày gần đây, theo một thói quen từ rất lâu rồi, hễ có những việc nặng nhọc như vác đá, ghê tởm như chôn người chết vô thừa nhận, đều nhớ tới Mã Đại Câu.

Và Mã Đại Câu chỉ xuất hiện ở phố những khi có những công việc như thế. Lâu dần cũng thành ra định kiến, hễ cứ thấy lão là trẻ con nghĩ lão vừa đi chôn người chết về, rồi là chúng hò nhau chạy, cứ như lão là người chết hiện hình sống lại vậy.

Thoạt đầu mọi người chẳng để ý tới nhận xét của lũ trẻ. Nhưng, về sau chính đám người lớn ở phố huyện cũng phải công nhận rằng, người Mã Đại Câu mỗi ngày một quắt lại, đứng cạnh lão, người lão toát ra hơi tử khí vừa lạnh lẽo vừa tanh tưởi thật; mỗi ngày lão càng giống một cái xác chết.

Vóc dạc, mặt mũi con người ta là sản phẩm di truyền của dòng giống và của đời sống người đó. Dòng giống Mã Đại Câu thì chẳng ai biết. Mà lai lịch của lão thì cũng còn mù mờ lắm. Vậy là chỉ còn căn cứ phần nào vào mặt mũi vóc dạc mà phỏng đoán thôi. Vậy thì hình dạng, diện mạo lão như thế này: Người cao chừng thước rưỡi, da đen sạm, quắt như cái roi trâu, cóc cáy đóng vẩy như xưa rày chưa hề biết tắm táp rửa ráy là gì. Đặc sắc nhất là cái đầu to quá khổ, do nặng quá nên cứ phải ngoẹo như là ngả trên vai. Các bộ phận trên mặt lão thì thế này: mắt trắng dã, mồm hõm, răng vẹo vọ, má trái bị một vết sẹo xẻ đôi, cái tai phải cụt, đôi môi trơn lì như hai vết sẹo và thâm đen.

Quả thật, với cái mặt dị hình dị dạng quái gở này, lão chẳng gây được thiện cảm với ai cả. Mặt mũi ấy, nhìn thấy nó đã muốn nghĩ ngay rằng đích thực xưa kia nó là kẻ đầu trộm đuôi cướp, thằng thổ phỉ hung tợn, hay chí ít cũng là một gã vệ sĩ liều mạng của hào trưởng, ấp trưởng bên Tầu, bị đồng bọn trừng phạt vì ghen ăn tức ở. Ho᦬t;br />??c nếu không thì đích hắn đã phạm một tội ác gì lớn lắm, nên đã bị ông trời đầy đọa, bị tạo hóa cho cái mặt như quỷ sứ, rồi đẩy ra giữa trần gian này.

Người không hay suy luận thì nhìn cái mặt ấy cũng thấy ghê ghê vì nó bẩn, nó xấu quá. Trên đời thiếu gì cái đẹp để ta ngắm nhìn. Hơi đâu!

Thành ra Mã Đại Câu sống ở trấn Mường Cang đã lâu mà thật sự chẳng có ai quen thân, gần gụi. Lão cứ thui thủi, vật vờ như cái bóng ma vậy. Người ta vừa quên lão và vừa nhớ tới lão. Còn lão thì hình như cũng bằng lòng với kiếp sống của mình, chẳng than vãn, phàn nàn, buồn bã bao giờ. Trái lại, có những lúc phởn là đằng khác nữa.

Ấy là những lúc lão rủng rẻng đồng tiền trong túi.

Lão xách cả một ống bương rượu ra ngồi ở quán chợ, uống tì tì rồi say, say đến nỗi đái cả ra quần. Rồi cái quần vắt lên cổ, cứ tồng ngồng như thế lão diễu qua phố, chân nam đá chân chiêu, thỉnh thoảng ngã đánh oạch, cái quần rơi xuống đất, lại thò tay ra nhặt, rồi cười ré lên: “Hí, tớ pắt tược cái quần của tằng nào”. Rồi lão quay về chợ hoa chân múa tay, hát lảm nhảm, khi điệu nữu ương ca, lúc điệu sán cố lộn xộn, chẳng ra bài nào điệu nào rõ rệt cả.

Lúc ấy, dân phố huyện hay vây lại xem, và cười đùa với lão. Những lúc như thế, lão cũng hiền lành và đáng thương; và người ta nhận thấy sự độc ác ở lão là những nét xưa kia đã qua rồi. Còn bây giờ lão chỉ là một lão già ngu xuẩn và đần độn mà thôi.

Cho đến ngày phố huyện Mường Cang vào cuộc cải cách dân chủ, lập hợp tác xã thì Mã Đại Câu đã già rồi, đoán chừng cũng phải xấp xỉ sáu mươi, và đã hoàn toàn trở thành một lão già bẩn thỉu, dở người, tăm tối. Dở người và tăm tối quá thể! Đang ở phố, dù nơi ở của lão chỉ là cái lều chợ thì cũng vẫn là cái nhà có mái che nắng che mưa, thì đùng một cái lão bỏ đi. Đi đâu? Đi lên hang đá! Nơi ăn ở của lão giờ là cái hang đá!

Vậy là, một hôm ông chủ tịch thị trấn người Giáy, ông Lục Vân Hài gọi Mã Đại Câu tới, ân cân hỏi:

– Ông Câu, tại sao đang ở phố, ông lại bỏ lên hang ở?

Nghe ông chủ tịch hỏi, Mã Đại Câu ngẩn mặt, rồi cười hị hị một cách rất ngớ ngẩn và đáp rằng:

– Ông bang trưởng ơi, ở trong hang có nhiều con dơi lắm, lại có cả nhiều con chuột nữa kia!

Trời, lại đến cái nông nỗi như thế nữa! Ngu ngốc đến mức nhầm ông chủ tịch ngày nay với thằng bang trưởng ngày xưa. Hóa rồ hóa dại hay đói khát tới mức nào mà phải đi ăn thịt con dơi muỗi, con chuột ở trong hang!

Chủ tịch Lục Vân Hài hỏi tiếp vài câu nữa, thì khẳng định rằng lão là kẻ mất trí và đang ở trong cảnh túng quẫn.

Chứng cớ rõ ràng nữa là lão chẳng còn biết lão là người thuộc dân tộc nào cả. Chẳng nhớ tuổi. Chẳng nhớ tên mẹ, tên cha, quê hương bản quán. Và lâu nay lão chẳng còn nguồn sống nào nữa, lão đã già yếu, không còn ai muốn thuê mướn và cũng chẳng còn xác chết vô thừa nhận để gọi lão đi chôn.

Thương hại lão già, chủ tịch Lục Vân Hài mới bảo lão:

– Thôi, ông Câu. Ở hang, thành người rừng, thành quỷ đấy! Về phố ở thôi. Về phố đi, tôi sẽ xếp việc cho ông làm.

Hai hôm sau, Mã Đại Câu dọn nhà từ trên hang đá về phố. Gia sản lão cũng chẳng có gì, ngoài cái chăn chiên đỏ bạc phếch và một cái nồi nhôm cũ méo mó. Dân phố làm cho lão một cái lều ở cuối chợ và giao cho lão việc quét chợ. Công việc không nặng nhọc, lại cố định. Thu nhập cũng khá, mỗi phiên chủ nhật xoàng cũng dăm sáu đồng.

Mã Đại Câu bắt đầu làm người quét chợ. Nhưng lão không ở trong cái lều dân phố dựng cho. Lão ôm cái chăn và cái nồi méo đến cái lô-cốt ở đầu phố, cái lô-cốt xây từ thời Nhật. Người ta hỏi, lão bảo ở lô-cốt mát hơn. Gàn đến thế thì thôi. Nhưng thôi, mặc. Kẻ xuẩn ngốc ở với người hiền lành, lương thiện, quá lắm thì cũng chỉ làm người ta bực mình, bực mình một lúc thôi!

Thôi thế cũng là xong việc. Mã Đại Câu sống, có cơm ăn áo mặc. Chợ có người quét dọn sạch sẽ. Thời gian lặng lẽ trôi trong sự yên dạ của mọi người. Mã Đại Câu, lão già vô gia cư, không nghề nghiệp, chẳng thân thích, con người chẳng có gốc rễ dân tộc, ốm o, xấu xí, lầm cẩm, gàn quải chắc là cứ thế mà sống yên ổn cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, hết đời người. Cứ yên lòng, lão Câu nhé. Lão ốm thì sẽ có thuốc thang và người trọ giúp. Lão không chết đói, chết rét đâu, nếu như chính lão không muốn. Bởi vì, xã hội này vốn ưu ái con người. Lão chẳng có công tích gì với xã hội này đâu. Có khi còn có tội là khác đấy. Người ta dị nghị quá khứ của lão lắm. Nhưng mà thôi, giờ lão đã già, ốm yếu, chỉ cần biết thế thôi, mọi người sẽ đối xử tử tế với lão. Tuổi già của lão vậy là đã mãn nguyện lắm rồi chứ, hỡi Mã Đại Câu?

Ngày tháng qua đi yên ả.

Tiếng quẹt quẹt của cái chổi quét chợ của Mã Đại Câu đã in vào tiềm thức mọi người.

Mọi sự an bài hợp lý thì chắc sẽ ổn định, vững bền.

Ai cũng nghĩ vậy.

Vậy mà không.

Đầu mùa hạ năm ấy, khi hoa lê nở, người ta vẫn thấy Mã Đại Câu cặm cụi quét chợ lặng lẽ như một cái bóng, chẳng nói chẳng cười. Cuối buổi chợ lại thấy lão say, lão hát; nghĩa là mọi sự còn rất thông lệ. Nhưng đến giữa mùa hạ, lê bán đầy chợ cùng móc coọc, mận hậu, đào Mèo, đào tây thì chẳng còn thấy Mã Đại Câu quét chợ nữa. Cái mặt dạo này đỏ gắt luôn, vênh lên. Lão vung tay, đi đi lại lại, ra dáng ta là ông chủ ở cái chợ biên giới này.

Một bữa, lão sà vào một hàng lê, nhặt một quả, cắn luôn một miếng to, miệng nhằn nhắn, mặt cau cau, rồi ném bịch quả lê xanh bóng bị cắn dở xuống đất, quệt mồm.

– Tỉu hà ma! Chát như sung non. Tắng như lá ngón! Téo pàng lê pên kia.

Người bán lê ngỡ ngàng:

– Bên kia là bên nào?

– Pên Vân Nam ấy. Pên Tầu ấy. Ai dà, táo của nó ngon ớ, to pằng cái vú con gái mà.

Người bán lê còn chưa hiểu chuyện gì, thì Mã Đại Câu đã phanh áo, sừng sộ:

– Mày không piết lớ. Pên Tầu sống sướng lắm lớ. Cái gì cũng có lớ! Về pên tó lược phát luôn bốn ngàn lồng rồi lược li chơi Hồng Kông, Thượng Hải, Quảng Châu lớ!

Rồi lão bỏ đi.

Lão đi khắp các quán chợ. Cuối cùng, rẽ vào quán thắng cố, ngồi lại ở đây lâu nhất. Và tất cả cái chợ cùng kinh ngạc, cứ há hốc miệng ra mà kinh ngạc. Mã Đại Câu mở miệng, xưng danh:

– Tỉu hà ma! Ngộ là người Hán tây.

Và đập tay đánh bịch vào ngực mình, ra dáng hảo hớn. Rồi lão lại đi, dáng đi hoạt bát hẳn lên. Cả con người lão thoát khỏi cái xác chết đầy tử khí hằng ngày, nhanh nhẹn đầy sinh khí. Tựa như lão được thay máu. Tựa như có một hồn ma trai trẻ nào đó vừa nhập vào lão. Giọng nói, ánh mắt, tiếng cười, cái vung tay, bước đi có cái gì là lạ, ngồ ngộ. Nhưng thực đấy mà vẫn có cái vẻ dài dại.

– Hà hà… các nị téo piết. Ngộ chính là người Hán tây. Ngộ theo quân Thiên Hoàng sang tây… Hé hé… Ti chăn ngựa cho Nhật mà. Ngộ phải lòng ả pán hàng. Hí, con mẹ có cái vú to á. Tế là ngộ bỏ quên Nhật, ngộ ở lại đây với con mẹ ấy á. Tế mà con mẹ lại ti lấy Tây đồn á.

– Há há… Ngộ phải về pên Tầu ớ! Ngộ là chiến sĩ vô sản kiên cường nghèo đói á. Ngộ là tuấn mã á. Tuấn mã phải tung vó trên thảo nguyên pao la á!

Ấy là những ngày thị trấn phố huyện xôn xao nhộn nhạo. Hàng chục gia đình người Hoa đang an cư lạc nghiệp bỗng như bị ngộ độc, nhao cả lên, vội vã thu xếp cửa nhà, bán xới đồ đạc, lo sợ hãi hùng, tìm cách vượt biên về bên kia biên giới, nơi họ đã phải bỏ ra đi vì trăm sự khốn cùng.

Bọn người xấu xa phao tin kích động bịa ra câu chuyện Việt Nam bài xích, khủng bố, xua đuổi người Hoa, đêm đêm biến thành những cái bóng đen bí hiểm tới vấy máu chó vào cánh cửa từng căn nhà người Hoa lương thiện, rồi gõ cửa, rồi thì thào to nhỏ, thúc giục họ ra đi với đủ lý lẽ từ cao xa hào nhoáng nhất tới thô bỉ, đê tiện nhất.

Cơn sốt của phố huyện lên tới đỉnh cao. Người Hoa kéo nhau đi, rùng rùng hàng đoàn xe bò, xe người kéo, chất ngất đổ đoàn; nầm nập từng đám vợ chồng con cái bồng bế dắt díu nhau, lôi thôi lếch thếch, mặt mày xám ngắt, hớt hơ hớt hải, ngác ngác ngơ ngơ trước sự vô định của cuộc đời tha phương. Rồi cuối cùng dồn cục lại ở cửa khẩu biên giới, trong cảnh màn trời chiếu đất.

Mã Đại Câu cũng đi trong đoàn người nọ, nhưng mặt mày lão hớn hở hơn mọi người nhiều.

– Hớ hớ… Ngộ là người Hán mà. Họ Mã là họ người Hán á. Người Hán không ở tược với bọn di, mọi ố-nàn. Người Hán về với vua Hán a!

Lão vừa đi vừa cười nói. Cái chăn chiên đỏ bạc phếch cuộn tròn khoác chéo qua vai. Cái nồi nhôm méo xách ở tay trái. Đứng lại ở cửa khẩu, vạch quần, hướng về mảnh đất đã cưu mang lão, đái một bãi, rồi lão nhổ bọt, chửi:

-Téo mẹ tằng ố-nàn!

Đoạn lão qua cửa khẩu với dáng đi trai trẻ, khỏe mạnh.

Thế mới biết sức mạnh của những tư tưởng, những ý niệm về tính ưu đẳng, sự đặc hữu của giống nòi!

Thôi thì nhân tâm tùy, Mã Đại Câu thích đi thì cứ để lão đi. Giữ làm gì. Mà giữ cũng chẳng được. Lão đi! Nói nhỏ với nhau nhé: phố huyện lại thêm sạch, thêm đẹp là khác. Nhẹ được cái tội nợ là khác nữa cơ.

Phố huyện Mường Cang quên dần Mã Đại Câu. Thật ra thì lọt đọt cũng có vài tin tức về lão. Chẳng hạn, có tin nói lão về bên kia liền xung ngay vào hồng vệ binh và tỏ ra rất hăng hái trong chính sự. Tin ấy chỉ gây cười. Sắp xuống lỗ rồi còn hồng vệ binh! Mà lão già xuẩn ngốc đến quê hương bản quán, tên cha tên mẹ tuổi tác mình chẳng nhớ thì lý lẽ ở đâu mà cũng đòi tạo phản, giành quyền? Vô lý! Nhưng người đưa tin cũng có lý của người ta: Mã Đại Câu tuổi tuy cao, nhưng tư tưởng tinh thần trẻ thì vẫn cứ vào vệ binh đỏ được. Tạo phản thì có cần gì lý sự cao xa, cứ như khẩu khí lão những ngày vừa rồi thì lão thừa sức làm cái công việc tầy đình đó.

Mọi người cười ồ. Nhưng thật ra lòng dạ vẫn thắc thỏm không yên: Sao Mã Đại Câu dại thế, già rồi, yên ổn không muốn, lại định đua đòi. Đánh đu với tinh liệu có nổi không.

Ngày qua đi. Không có tin tức gì về Mã Đại Câu nữa. Phố huyện quên hẳn lão. Lão đã chết hẳn trong tâm trí mọi người.

Vậy mà, đùng cái, trưa hôm ấy, từ đầu phố bỗng phát ra một luồng tin làm cả phố đang thiu thiu chập chờn trong nắng trưa mùa đông giật mình tỉnh giấc:

– Mã Đại Câu về kia kìa, bà con ơi!

Thật là quá cái tin ma quỷ hiện hình giữa ban ngày ban mặt. Khối người không tin. Nhưng tất cả mọi người đều dồn ra đường, hau háu con mắt nhìn về phía đầu phố: Đâu? Đâu nào?

Mọi người dụi mắt.

Mã Đại Câu thật!

Mã Đại Câu về thật! Mã Đại Câu bằng xương bằng thịt kia kìa!

Hỡi ôi, còn đâu cái bóng hình hăm hở ngày lão ra đi!

Lão bước chậm chạp, uể oải. Chân trái quấn băng ở gót. Tay phải chống gậy. Cái chăn chiên không thấy trên người. Cái nồi nhôm méo cũng chẳng còn ở tay. Lão dừng lại ở giữa phố, ngẩng lên lờ đờ cái mặt mất hẳn nhuệ khí hảo hớn hồi nọ; lại vẫn là cái mặt gớm guốc, bẩn thỉu ngày nào, nay gia thêm sự mệt mỏi quá độ.

Thế là thế nào nhỉ? Người ta đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn lão. Tuấn mã tung vó trên thảo nguyên chả lẽ lại hóa ngựa què. Tạo phản, giành quyền thì hùng khí phải xung thiên, chứ sao lại như cái xác không hồn thế?

Thất thế, thất sủng rồi chăng?

Chẳng đợi dân phố hỏi một câu, con người như cái xác trở về nọ, vung ngay cái gậy lên và chỉ về bên kia biên giới, đâm dứ về bên đó:

– Téo mẹ cái tằng người không tốt! Cái tằng vua Tầu cũng không tốt. Nó thu cái chăn, cái nồi của tôi. Không tấy cái ăn ngon đâu. Không tấy con gái đẹp đâu. Phố xá cũng không có. Nó gí cái cuốc vào tay. Húi! Địu phân leo dốc tới lưng chừng trời. Già cũng phải làm! Không có cái gì như nó nói á! Tiền không có! Không có cái gì sực à! Tói, tói chết cha à.

Mọi người cười, ái ngại. Nghe giọng nói biết là lão nói thật. Vả, sự tình phải như thế mới là thật. Khác đi, chẳng hạn sang đấy sống sung sướng như khanh tướng, đế vương thì chỉ có là bịa.

Nhìn cái thân hình thảm hại của lão già, người ta lại mủi lòng.

Khốn nạn! Mã Đại Câu ơi! Đường sáng không đi sao lại đâm quàng vào ngõ tối. Cạch đến xuống lỗ nhé.

Chủ tịch thị trấn Lục Vân Hài lại gọi Mã Đại Câu tới. Thoạt đầu ông rất giận:

– Đi, tự ý; về, tự ý. Đất nước này ông coi không bằng cái chợ của ông à, ông Câu?

Mã Đại Câu ngúc ngắc cái cổ, rồi nghệt mặt:

– Ngộ này ngu dại rồi… Nhờ quan trên rủ lòng thương cho.

– Ông đến cửa khẩu còn quay lại đái một bãi kia mà.

– Đâu có thế… Dà dà… chẳng qua là bị ma xui quỷ khiến.

– Ai?

– Cái tằng ấy. Nó không tốt. Nó đểu. Nó thâm lắm. Nó dùng mình làm con tốt. Đứa nào có nhiều tiền thì nó cho về thành phố! Nó thu cái chăn, cái nồi của tôi. Không thấy cái ăn ngon đâu. Không thấy gái đẹp đâu…

Nghe lão già lại bắt đầu cái điệp khúc ấy, chủ tịch Lục Vân Hài vừa bực vừa buồn cười. Nhưng ông không thể tiếp chuyện ông lão già ngớ ngẩn này lâu hơn nữa. Thị trấn biên giới đang ngổn ngang công việc. Bọn bên kia biên giới mấy hôm nay đã dồn lính về áp sát cửa khẩu rồi. Không chừng chiến tranh sắp nổ ra.

Chủ tịch đứng dậy, ánh mắt nhìn lão thật nghiêm nghị mà giọng thì đầy xót thương:

– Đã ngu dại thì phải ở với nguời tử tế chứ, ông Câu. Thôi được, chiếu cố cho ông lần nữa thôi. Ăn xong quệt mỏ là không tốt đâu! Nhớ nhé!

Mã Đại Câu cũng đứng dậy, hiểu ý ông chủ tịch là ông lại giao cho lão quét chợ. Thế thôi! Mặt lão vẫn ngơ ngơ, ngờ nghệch.

Cuối cùng mọi sự lại đây vào đấy.

Mã Đại Câu, cái hình dạng thảm hại, lại quẹt quẹt cái chổi quét chợ phố huyện mỗi chiều chủ nhật. Lão lại có tiền và lại uống rượu, lại say với những câu hát lảm nhảm, những câu chuyện ngô nghê, làm cho mọi người vừa buồn cười vừa thương hại. Thời gian băng bó các vết thương và xóa mờ tội lỗi. Lâu dần, người ta lại coi Mã Đại Câu như cái lão quét chợ hồi lão chưa nổi cơn cuồng ngộ. Lão lại ăn ở trong cái lô-cốt Nhật xây như hồi nào.

Nhưng một sự kiện đột biến đã xảy ra. Ngày mai chủ nhật, là ngày họp chợ phiên mỗi tuần thì hôm nay chiến tranh bùng nổ. Sau cái trò gây rối, giờ là lúc kẻ phản bội dùng súng đạn. Thị trấn biên giới Mường Cang bị tấn công ngay từ tơ mơ sáng. Cách cửa khẩu có vài cây số, nhưng quân xâm lược cũng phải mất hơn nửa ngày mới lọt vào thị trấn.

Thị trấn đã đổ nát. Dân quân tự vệ tạm trú ra ngoài. Dân phố tản cư. Trong trấn bây giờ chỉ còn lại có Mã Đại Câu. Lão già là gián điệp Tầu chắc? Thôi, đúng rồi! Lão vẫn nằm trong lô-cốt đợi quân Tầu. Chao ôi! Ta nuôi ong tay áo rồi. Ta ưu ái với kẻ rắp tâm phản bội ta rồi!

Nghe thấy tiếng xe tăng của quân xâm lược rít ầm ầm ở phố, Mã Đại Câu mới bò từ trong lô-cốt ra.

– Há! Ngộ là người Hán tây! Cài phang chin! (1) Ngộ là…

Lão hoa tay như múa, reo to.

Nhưng một thằng lính chân quấn xà cạp đã thộp ngực lão lôi về trước mặt tên sư trưởng. Tên sư trưởng đẫy đà, nục nịch, mông bè trên cái ghế gấp, nhìn lão già bằng đôi mắt ti hí thâm hiểm.

Thật tình là Mã Đại Câu có hoảng. Lão vội quỳ sập xuống, vái sư trưởng một cái rồi ngẩng lên:

– Nị hảo! Cài phang chin!

Mặt sư trưởng vẫn chẳng bớt lạnh.

Mã Đại Câu lòng lại thấp thỏm. Lão thoáng nhớ tới những lời lão nguyền rủa quan Tầu, vua Tầu hồi nọ, nhưng lại phủi ngay: ối dà, ta cũng đã đái cả vào nước ố-nàn mà người ta vẫn cho quét chợ kia mà! Ồ, ta ngu, ta hèn, ai chấp!

Tự trấn an mình xong, lão liền đứng dậy, tay chắp trước bụng, nhìn sư trưởng:

-Ngộ là người Hán tây. Ngộ gốc ở pên Tầu tấy. Ngộ đã về bên Tầu, vào công xã, đi trồng cao su ở trên quả đồi cao lắm.

Lão giơ cao tay để miêu tả độ cao của quả đồi trồng cao-su. Nhưng lão bỗng thõng tay. Mặt sư trưởng lạnh như băng, chứ đâu có niềm nở như lão mong. Và cái cằm nhẵn thín của sư trưởng hất ra phía trước:

– Này, nhà chủ tịch Lục Vân Hài đâu?

– Cái gì cơ ạ!- Mã Đại Câu ngớ người, không hiểu.

– Nhà-chủ-tịch-thị-trấn đâu? –Sư trưởng dằn từng tiếng. Ngài đang ức và đang muốn trả thù.

Mặt Mã Đại Câu ngẩn ra, dại nguếch. Nhưng lão đã hiểu, gật gật đầu, tươi cười:

– À à… nhà ông bang trưởng hả? Có đấy! Tôi biết nó. Nó tốt đấy. Tôi ở bên Tầu về, cái nồi không còn, cái chăn không còn. Nó thương tôi, lại cho tiền tôi mua. Tôi lại quét chợ. Này, mai là phiên chợ đấy…

– Lão già lảm nhảm cái gì vậy?- Sư trưởng trợn trừng. Và Mã Đại Câu bống há hốc mồm, ú ớ kêu, lưỡi líu lại, không thành lời.

Nòng súng ngắn của sư trưởng chĩa thẳng vào ngực Mã Đại Câu. Mã Đại Câu quay đầu định chạy. Nhưng lão đã quay tròn, y như người say thuốc, có điều là mệt lắm, mệt bã cả người. Tuy vậy, lão vẫn cố gào: “Ngộ là người Hán tây. Ngộ là người Hán tây. Ngộ gốc ở pên Tầu tây”…

Lão ngã rụi xuống, óc tăm tối vẫn chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Lão đã bị lừa mà vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn chưa hiểu nổi một điều giản dị: ngu đần mà sống với người hiền từ, lương thiện thì quá lắm chỉ làm cho người ta bực mình thôi, chứ ai giết lão làm gì.

*

Quân giặc bị đuổi ra khỏi phố huyện.

Xác Mã Đại Câu được dân phố chôn cất tử tế.

Người ta thương lão, chỉ thương lão thôi khi thấy lão chết. Trên mộ lão, tấm mộ chỉ khắc dòng chữ Việt: Mã Đại Câu, người quét chợ Mường Cang, bị quân xâm lược giết hại ngày 17-2-1979. Viết gì được hơn nữa!

4-1979.

(1) Giải phóng quân


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx