GDP là viết tắt cụm từ tiếng Anh “Tổng giá trị sản lượng quốc nội”. Nó chỉ thành quả cuối cùng của hoạt động sản xuất trong một thời kì nhất định (thường là 1 năm) của một nước hay một vùng. Trong kinh tế học truyền thống, nó là chỉ tiêu tổng sản lượng cơ bản nhất để đo sự sản xuất của một quốc gia hay một khu vực.
Song thước đo này hình như chưa hợp lí, vì nó không tính đến sự trả giá về môi trường do sự phát triển kinh tế của một nước hay một khu vực phải gánh chịu. Ví dụ vì bệnh tật tăng lên làm cho chi phí y tế tăng lên, môi trường bị ô nhiễm làm cho chi phí xử lí tăng lên, tất cả những điều này đều làm cho GDP tăng trưởng.
Ngoài ra chỉ tiêu GDP hiện nay hoàn toàn chưa phản ánh được sự tiêu hao các nguồn năng lượng tự nhiên trong quá trình phát triển của nền kinh tế. Một quốc gia hoặc một khu vực có thể đã xuất hiện nguy cơ về nguồn tài nguyên sinh thái, nhưng nó vẫn không được phản ánh trong GDP. Lấy một ví dụ, hai nước có nguồn tài nguyên rừng phong phú như nhau. Một nước dựa vào chặt phá rừng để tăng giá trị, còn nước kia dựa vào du lịch rừng và những công nghệ phẩm mây tre để tạo ra của cải. Nước thứ nhất là phá hoại sinh thái, còn nước thứ hai là bảo vệ sinh thái. Nếu GDP của họ bằng nhau thì GDP đó không nói rõ được sự phát triển của mỗi nước. Vì nước thứ nhất dùng phương thức tiêu hao tài nguyên để trả giá, dẫn đến sinh thái xấu đi, chất lượng cuộc sống nhân dân giảm thấp, nên không thể tiếp tục phát triển. Còn nước thứ hai nhờ lợi dụng hợp lí tài nguyên nên đã duy trì được môi trường sinh thái tốt đẹp,là nước có thể tiếp tục phát triển. Vì vậy chỉ dùng GDP để đo sự phát triển là chưa đủ, mặt khác cũng dễ dẫn đến tình trạng vì đeo đuổi gia tăng GDP mà phá hoại môi trường.
Sự phát triển mà chúng ta cần đến là sự phát triển hài hòa tổng hợp giữa các mặt kinh tế, xã hội, sinh thái, đó là sự phát triển liên tục. Vì vậy dùng phương pháp đánh giá tổng hợp, kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên với khả năng có thể tiếp tục phát triển lại với nhau, tức là dùng phương pháp “đánh giá xanh” cho sự phát triển của kinh tế. “Hạch toán xanh” có thể thông qua GDP xanh hoặc dùng phần giá trị sản xuất vượt mức để biểu thị. Trong hạch toán xanh, giá trị GDP không những phải phản ánh lượng tăng của vốn dự trữ mà còn phải phản ánh sự biến đổi về chất lượng môi trường, như mức độ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và tình trạng đất đai bị xói mòn. Năm 1992, Đại hội môi trường và phát triển của Liên hợp quốc đã thông qua “Chương trình nghị sự thế kỉ XXI” thể hiện xã hội loài người đang tiến sang thời đại kĩ thuật xanh, lấy “bảo vệ thiên nhiên, thiên nhiên cao cả, thúc đẩy tiếp tục phát triển” làm hạt nhân.
Cùng với nhận thức của loài người đối với kĩ thuật xanh, sản phẩm xanh và phương thức sống xanh được nâng cao. GDP xanh, giá trị tăng ròng của sản xuất quốc dân cũng đang trở thành một thước đo mới về sự phát triển.
Hiện nay loài người đang tìm cách để xây dựng một hệ thống chỉ tiêu nhằm thể hiện tư tưởng có thể tiếp tục phát triển một cách hoàn chỉnh. Ví dụ năm 1995, Ngân hàng thế giới căn cứ theo ý tưởng có thể tiếp tục phát triển để đánh giá của cải của các nước mà đặt ra phương pháp tính toán mới. Họ tính toán tổng hợp theo ba mặt: nguồn vốn tài nguyên tự nhiên, nguồn vốn sản xuất, nguồn nhân lực. Theo cách thống kê này thì Trung Quốc là nước đứng thứ 31 kể từ dưới lên trong tổng số 192 nước trên thế giới. Sở dĩ sắp xếp như thế là vì nguồn tài nguyên tự nhiên của Trung Quốc thiếu hiếm (theo cách thống kê mới, tài nguyên tự nhiên của Trung Quốc chỉ chiếm 8% của cải của Trung Quốc), còn dân số lại rất lớn. Vì vậy con đường phát triển trong tương lai của Trung Quốc tất yếu phải dùng phương thức có hiệu quả nhất để lợi dụng tài nguyên thiên nhiên vốn rất có hạn, không thể tăng trưởng cao theo con đường tiêu phí tài nguyên nhiều, ô nhiễm môi trường cao để đạt được GDP tăng cao.
Từ khoá: GDP xanh; GDP có thể tiếp tục phát triển.
@by txiuqw4