Cùng với sản xuất công, nông nghiệp phát triển và mức sống nhân dân được nâng cao thì nguồn nguyên liệu và năng lượng tiêu hao ngày càng nhiều. Nếu tốc độ khai thác và xây dựng nguồn năng lượng không đuổi kịp nhu cầu sẽ tạo nên nguy cơ về năng lượng. Nguy cơ năng lượng có thể xuất hiện ở một vùng, một quốc gia, thậm chí trong phạm vi toàn thế giới. Nguồn năng lượng dự trữ của một vùng hoặc của một quốc gia thiếu kĩ thuật năng lượng lại lạc hậu, hoặc do chính sách năng lượng có sai sót đều có thể dẫn đến nguy cơ về năng lượng. Vấn đề nguy cơ nguồn năng lượng có giải quyết được hay không liên quan đến sự phát triển của quốc gia hay cả khu vực, thậm chí quan hệ đến vận mệnh của toàn nhân loại.
Nguồn năng lượng thông thường mà chúng ta vẫn sử dụng như than đá, dầu mỏ, khí đốt, trữ lượng chỉ có hạn. Nó được hình thành dần dần qua hàng tỉ năm trước đây do xác của động, thực vật dưới tác dụng của nhiệt độ cao và áp suất cao mà chuyển hóa thành trong lòng Trái Đất. Nguồn năng lượng này không thể trong một thời gian ngắn có thể sản sinh trở lại, dùng bao nhiêu thì cạn đi bấy nhiêu, vì vậy mà gọi là nguồn năng lượng không thể tái sinh. Vì chúng là nguồn nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành công nghiệp (như ngành phân bón hóa học, chất dẻo, luyện dầu, v.v..) do đó phải được khai thác và sử dụng hợp lí. Để phát triển kinh tế, chúng ta bắt buộc phải dùng một phần trữ lượng của chúng, nhưng cũng cần phải nghĩ đến nhu cầu lâu dài của các thế hệ con cháu mai sau.
Một nguồn năng lượng khác như gió, thác nước, thủy triều, ánh nắng Mặt Trời, v.v.. sau khi sử dụng sau một thời gian ngắn sẽ hình thành trở lại, gọi là năng lượng có thể tái sinh. Loại năng lượng này nếu không kịp thời lợi dụng thì sẽ bỏ phí. Do đó loài người luôn tìm cách khai thác nó. Về mặt lợi dụng sức nước, chúng ta đã có được những thành tựu đáng kể. Đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Trường Giang của Trung Quốc là một trong những công trình thủy lợi khai thác tổng hợp lớn nhất trên thế giới. Nó đảm nhiệm ba nhiệm vụ: phòng lũ, phát điện và vận tải. Sau khi đưa vào sản xuất, tổng công suất điện sẽ đạt 17 triệu kW.
Ngoài ra, một loại năng lượng mới đã ra đời, đó là năng lượng hạt nhân, nó bao gồm năng lượng phân rã urani-235, thori-232 và năng lượng nhiệt hạch đơtri-2, triti-3. Nguồn năng lượng này cũng là loại không thể tái sinh, song trữ lượng của nó vô cùng dồi dào, đủ đảm bảo cho nhu cầu công nghiệp trong nhiều thế kỉ. Muốn khai thác nó phải dựa vào nhiều kĩ thuật mũi nhọn. Phương pháp này là lợi dụng phản ứng hạt nhân dây chuyền. Trong phản ứng hạt nhân dây chuyền, dựa vào nước làm lạnh để mang nhiệt được giải phóng ra khi hạt nhân urani phân rã ra ngoài phản ứng, dùng kĩ thuật thông thường để biến thành hơi nước chạy tuabin phát điện. Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn ở Chiết Giang, Trung Quốc và Nhà máy điện vịnh Đại Á, Quảng Đông đều là dạng dùng nước nặng urani-235, nó thể hiện một phương hướng mới về phát triển nguồn năng lượng của Trung Quốc.
Từ khoá: Nguồn năng lượng; Nguồn năng lượng có thể tái sinh; Nguồn năng lượng không thể tái sinh; Năng lượng hạt nhân.
@by txiuqw4