sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 82: Mất Đất, Mất Dân, Mất Mạng Và Mất Tinh Thần

Sau khi duyệt qua đạo quân đầu tóc Củ Chi, xin mời các bạn trở lại chiến trường Củ Chi. Từ khi ông tư lệnh Ba Xu chết hụt dưới hầm của cô xã đội phó, D1 Quyết Thắng của tôi càng ngày càng tổn thất. Nhưng sự tổn thất nặng nề nhất là mất đất. Nói rõ ra là không còn chỗ đóng quân. Dù giữ bí mật đến đâu cũng không dám ơ lại ba ngày. Bom, pháo, xe tăng, B52 đến liền liền. Trước đây ba ngày một tiệc nhỏ, bảy ngày một tiệc lớn, bây giờ ngày nào cũng có tiệc... máu. Nếu dân đi hết ra ấp chiến lược mà vườn ruộng còn nguyên thì chúng tôi vẫn sống khoẻ ru, đằng này dân đi mà đất đai cũng mất. Cuối cùng là mất tinh thần và mất tin tưởng.

Qua hai cuộc càn vĩ đại Cedar Falls và Manhattan, sư đoàn 25 Mỹ (Chớp Nhiệt Đới) chỉ mới khai quang từ rạch Thai Thai (tức Bến Được) thuộc xã Phú Mỹ Hưng tới xã Nhuận Dức (quê hương của Năm Cội) và xã Phú Hòa Đông biến khu vực này thành vùng tử địa không còn dân cư. Thời gian đó tình hình của Củ Chi hãy còn kha khá, nhưng bây giờ, cuối năm 67 (sắp vào Mậu Thân), thì tình hình rất tồi tệ. Mỹ đã đánh lên tới bắc Lộ 6 tức vùng Trảng Cỏ, Bời Lời.

Còn bên kia sông Sài Gòn thì sư đoàn 1 (Anh Cả Đỏ) kẹp Bộ Tư Lệnh Quân Khu 1 trong hai quận Bến Cát, Dầu Tiếng. Mỹ từ Dầu tiếng đánh xuống, từ Bưng Còng đánh lên và từ sông Thị Tính đổ qua bằng mọi thứ chiến thuật, xe tăng càn ủi, thả biệt kích, cụm quân ở Rạch Kiến hoặc Bưng Còng, có khi một cuộc càn quét kéo liên miên hàng tháng liền trên vùng đất Thanh Tuyền làm cho Bộ Tư Lệnh Quân Khu IV như một bầy chuột bị cháy đồng.

Trước kia Quân Khu gồm bảy tỉnh, đất đai quá rộng lớn, một Bộ Tư Lệnh không chỉ huy nổi. Liên lạc chậm trễ còn hơn thời vua Minh Mạng. Ngày xưa chạy ngựa nhưng không bị bom pháo chọn đường, còn bây giờ "ra ngõ đụng bom", cho nên Quân Khu phải chia thành năm Phân Khu. Phân Khu 1 gồm các quận Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng, Gò Vấp, Hóc Môn và phần đất nội thành Sài Gòn gồm cả từ quốc lộ 1 đi xuống. Phân Khu 5 nằm phía bên kia sông Sài Gòn dọc theo quốc lộ 13 bao gồm Thủ Đức, Dĩ An, Lái Thiêu, Nhơn Trạch. Phân Khu 4 là địa phận Rừng Sát, do tên lẻo mép Tám Quang về làm chánh ủy.

Chúng tôi vẫn còn ở nguyên đất cũ dưới quyền ông Năm Lê, nay được đề bạt phó tư lệnh kiêm tham mưu trướng. Trước kia ông thụt trong hầm Đờ Cát Tri ở trại Bà Huệ (nhà của xã đội trướng Ba Xây bị bắt trong cuộc càn Cedar Falls), bây giờ ông phải vọt qua sông cùng với đám bầu cua của ông với các cô con cháu nuôi, trừ Tám Nghi và cô Hiền bị moi hầm bắt sống.

Bây giờ tình hình cấp bách và "chết như nháy mắt" không còn có thể nhởn nhơ nhậu nhẹt thành lập hội ve chai chống Mỹ như năm ngoái. Làm việc gì cũng như giật chạy, kể cả làm tình. Chỉ dăm ba câu nhiệt đới, hôn nhanh hít chớp chứ không có ở đó tình ca liên khúc mùi mẫn được.

Nếu ngày xưa trong Cải Cách Ruộng Đất, đảng ta hô to khẩu hiệu tiếu: "Tựa hẳn vào giai cấp bần cô nông, đoàn kết với trung nông lớp dưới, lôi kéo trung nông lớp trên, cô lập phú nông và tiêu diệt địa chủ" (một đảng do những thằng ngu đứng đầu, ngày nay còn sót lại một thằng thợ thiến heo làm tổng bí thư) thì ngày nay ở cái đất Củ Chi này, chúng tôi cũng phỏng theo đường lối của đảng mà nêu lên khẩu hiệu "Tựa hẳn vào gạo để nấu cháo húp, đoàn kết cá mòi hộp, lôi kéo đậu phộng kho, cô lập thịt heo thịt bò, ra sức tìm thịt rừng và triệt để khai thác đồ hộp Mỹ vứt lại sau các cuộc ruồng".

Ban đêm các cơ quan phải đi tìm gạo mà mua lấy của dân vì ông Bảy Hốt, tổng cuộc lúa gạo Quân Khu đã bị Mỹ hốt, con đường vận tải gạo qua sông Sài Gòn bị giang thuyền chặt đứt, may lắm một tháng mới có một chuyến, nhưng gạo chỉ để các ông lớn xơi chớ đâu tới đám cò con. Cơ quan nào cũng tự tổ chức lấy những chuyến vượt sông qua Củ Chi đến các vùng quen cũ như Sa Nhỏ, Trung Hòa, Cỏ Ống v.v... để làm những cú vét và lén lút tha về ổ giữa đêm. Nhiều cô gái không biết bơi cũng phải buộc phao ni lông thả xuống sông, đeo chắc rồi nhờ các chàng trai lôi qua. Để đền ơn đáp nghĩa, các cô phải bù lại bằng nọ kia...

Nhiều khi không may, bơi qua mới nửa sông lại đụng giang thuyền. Thế là làm ma đói. Nếu thoát khỏi giang thuyền thì trên đường cõng gạo về lại gặp biệt kích, bộ binh, Mỹ cụm, hoặc pháo, hơn nữa, lãnh dưa hấu bầy. Thời buổi này B52 như cơm bữa. Ban ngày ban đêm gì đất đai cũng gồng mình hứng dưa hấu, đất rung khe khẽ xa xa hoặc đất sàng như sấp sụp dưới chân là chuyện không phải khó tìm chung quanh đồn điền Michelin dài xuống đồng Cà Tông, qua Long Nguyên, Bà Tứ v.v... Vì lẽ đó mà ở Hà Nội có cái đám ma lén lút của ông đại tướng và một cái hòm chôn không có xác và có một ông đại tướng khác thay vì khóc lại cười vì nhờ ai mà địch thủ của ông ta vắng mặt trên cõi đời này, nhất là trong các hội nghị của Bộ Chính Trị.

Hẳn ta từ Hà Nội đi máy bay vô Nam Vang. Ngồi trực thăng xuống Mi Nốt, đi theo con đường đạo chích vô đất R. Và từ R xuống Long Nguyên kiểm tra công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân. Cái hầm của hắn trú ẩn còn kiên cố hơn cả hầm của Đờ Cát mà trước kia hắn chỉ huy cuộc tấn công ở Điện Biên. Cái hầm Đờ Cát do máy móc đào và xây cất. Còn cái hầm của hắn do một trung đoàn công binh (do Tư Cường chỉ huy) kiến thiết, có thể chống cả bom B52. Thật vậy, B52 rắc bom gần đó, hầm không hề hấn gì. Chờ khi ngài đại tướng (cướp) ló đâu ra khỏi miệng hầm thì búa sấm sét của Thiên Lôi mới giáng xuống ngay sọ. Hắn chết không kịp nói một tiếng. Quả thật hoàng thiên đoản mạng tên gian hùng.

Ở ngoài Hà Nội, trước khi Hồ chủ tiệm á khẩu vì nghe tin thảm bại Mậu Thân, "người" đã kêu vợ "chú nó" tới ăn cơm tối với bác gọi là đền đáp cho sự hy sinh đức lang quân mẹ đĩ trong lúc báo Nhân Dân báo tin rằng tên cướp chết ở viện 108 (tức bệnh viện Đồn Thủy cũ) vì đứt mạch máu.

Trong tình hình sôi bỏng này, Sáu Đoàn Tâm- chính trị viên quê D đi Quân Khu mang chỉ thị về. Hắn trình bày cho tôi và Tư Nhựt nghe. Hắn nói lòng vòng làm cho tôi sốt ruột, quát:

- Đồng chí nói thẳng cho chúng tôi biết ý đồ ở trên là gì?

Hắn cười nhăn răng như khỉ ăn bần:

- Thì cứ xốc tới! Nắm thất lưng Mỹ mà đánh!

- Xì! Chuyện đó xưa rồi! - Tư Nhút ngoách ra nói với giọng bất mãn.

Sáu Đoàn Tâm tiếp ngay:

- Nhưng qua các trận Cây Trắc, Bàu Trâu, Lộ 6 v.v.. mình đều thấy đâu dễ gì nắm thắt lưng "Anh Cả Đỏ"! Nếu cứ tập trung D mà đánh thì thất bại.

Tư Nhựt nói như than thở:

- Quân số của mình hao hụt nặng quá. Sau các trận Dầu Bà, Rừng Tre, Cầu Xe, Trảng Cỏ ở trên chỉ thị bổ sung cho mình có chục rưỡi lính cò mửa thì làm sao? Lính bị thương hơn hai phần ba không phải vì chiến đấu mà vì bom pháo trực thăng. Hằng ngày các đại đội báo cáo quân số, đều ở trong tình trạng súng thừa lính thiếu. Năm ngoái CKC không đủ cho lính cầm. Còn năm nay đến AK mà cũng dư, không có người cầm. Tệ hơn nữa loại trung liên dĩa của Liên Xô mà phải chôn, vì loại này cần đến hai người tiếp đạn. Nay mình chỉ còn xài có RPD vì nó chỉ cần có một xạ thủ chính và một xạ thủ phụ kiêm tiếp đạn thôi. Tôi đành phải chấp thuận cho họ chôn bớt chớ làm cách nào khác được.

Những điều Tư Nhựt than thở tôi đều biết cả. Làm tham mưu trưởng mà không biết cái tình trạng đó thì còn biết cái gì nữa. Tôi đau lòng lắm. Mỗi khi cho chôn một khẩu súng thì chẳng khác nào chôn một chiến thương. Chôn sống! Đúng vậy. Chôn súng là chôn sống chứ còn gì nữa. Chỉ có bọn Hà Nội mới không biết nên cứ hò hét: thừa thắng xông lên. Có thắng đâu mà thừa!

Càng ngày càng phải chôn thêm súng phóng lựu (trom blom), mìn, chỉ trừ B40 là còn giữ lại. Nếu chôn cả loại này nữa thì lính chỉ còn trên răng dưới dế gặp xe tăng chỉ còn cắn nó thôi.

Tôi nói đỡ vớt:

- Mình còn D7 của Bảy Nô cũng có bạn!

Tư Nhựt chửi thề rùm trời và bảo:

- Thằng cha đó mắc con vợ bà chằng không dám ra trận. Thầy không nhớ lần mình rủ nó đánh trận Bàu Đúng, nó đồng ý rồi sau chạy rót sao? Còn D2 của Ba Thụy thì ém lút ở Gò Môn (Gò Vấp - Hóc Môn) phân tán ra thành du kích. Lính tráng trở thành lại cái hết rồi đánh đá gì! Nay chỉ còn có D1 mình với Q16 thôi, nhưng Q16 là lính Bắc vô đây không xoay trở như mình được. Thầy không nhớ trận Bàu Trâu họ phối hợp với mình mà rút chạy trước, đến chừng kiểm thảo toàn trận, thằng Ba Đức của mình nổi nóng đập lộn với họ hay sao? Đó là đơn vị anh hùng Điện Biên mà còn vậy, huống gì ba thằng du kích mình lôi đầu lên cho cầm súng AK trong đơn.vị.

Sáu Đoàn Tâm sợ Tư Nhựt nổi khùng bới móc thêm mà lở lói cái danh hiệu anh hùng Điện Biên nên móc túi lấy ra một tờ giấy quyết định của khu cho tôi về làm trưởng ban chính trị quận đội Củ Chi và đồng chí Tư Nhựt đi dự đại hội thi đua R, và các đồng chí Út Đức, Hai Mạnh cũng có quyết định thuyên chuyển.

Tôi ngồi chết trân.

Tình hình này mà mất một số cán bộ như vậy thì còn làm ăn gì được nữa!

Đoàn Tâm mỉa mai tôi:

- Tôi nghe cấp trên chuẩn bị thành lập trung đoàn và giao cho "thầy" chỉ huy đó!

Tôi suýt xài nho "con cặc" nhưng tốp kịp. Đụ mẹ, tiểu đoàn chỉ cỏn hơn 150 lính mà nói chuyện thành lập trung đoàn, chắc bắt mấy gốc cao su cầm súng?

Tôi biết trong ruột Đoàn Tâm. Từ ngày nguập với bà Út Siêng thì tìm cách xin ra khỏi ban chỉ huy D. Út Siêng là bí thư xã Trung Lập, lại là em út của các bà Năm Đang, Hai Xót, đang có chân trong khu ủy lại cho các anh vái lỗ tai thì xin gì mà chả gật. Thế nên cuối cùng một thằng chính trị viên D của quận đội lại ra làm trưởng ban chính trị quận đội với lý do là"đau dạ dày"!

Tôi biết cả, nhưng không thèm nói ra. Hắn ra khỏi D, tôi và Tư Nhựt càng dễ làm việc và lính càng khoái. Hắn chế tôi, tôi cũng đâu cớ chịu im. Tôi nói:

- Nay mai, đội dũng sĩ diệt Mỹ toàn miền thành lập, sẽ mời đồng chí về làm chánh ủy đó đồng chí à!

Tư Nhựt nói công khai:

- Nếu chọn chiến sĩ thi đua thì thầy Hai xứng đáng hơn tôi. Vậy tôi đề nghị ở trên xét lại.

Tôi đã ớn ba cái danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua này từ ngoài Bắc kia, cây kim bỏ vô hộp quẹt cũng báo công chấm điểm.

Tôi cũng đã từng đeo bông hồng to tổ bố cấp sư đoàn, rồi về R làm anh hùng phá sân bay Biên Hòa, nay không ham nữa nên nói:

- Anh nên đi đi anh Tư à. Ở trên sáng suốt chỉ định anh là đúng đó. Anh đã chiến đấu bảy năm qua trên đất Củ Chi này rồi, còn tôi chân ướt chân ráo mới có ba năm.

Tư Nhựt ngắt lời:

- Ba thì ba, nhưng công lao huấn luyện, tác chiến, tham mưu, tổ chức của thầy ở D1 này là số một, tôi không bì kịp đâu. Tôi là D trưởng nhưng có biết mẹ gì công tác quân sự, chỉ đánh càn ăn may thôi. Thằng lơ xe đò này nay có khả năng ít nhiều chỉ huy D1 là nhờ thầy nhiều lắm. Tôi mà đại diện Quân Khu đi R thì tôi mắc cở với anh em cán bộ A, B, C và lính lắm.

Tôi nhất quyết gạt ngang:

- Anh làm anh hùng thì đó là danh dự cho D1, mỗi đứa góp cho anh một chút và anh là tiêu biểu cho D mình. Anh đừng từ chối nữa.

Tư Nhựt không có học trường nào nhưng rất thông minh và gan dạ, lại gương mẫu không lem nhem bất cứ thứ gì. Nhiều lần giữa đêm thanh vắng y tâm sự với tôi và gọi tôi bằng thầy. Tôi bảo đừng xưng hô như thế anh em cán bộ không đồng ý. Y bảo:"Thử hỏi thầy không đáng tôi gọi bằng thầy hay sao? Thằng nào dám thắc mắc?"

Một con người như vậy mà bị cấp trên đút vô lò lửa Mậu Thân đành đoạn. Đi dự đại hội về, Tư Nhựt được phong làm trung đoàn trưởng trung đoàn mũi nhọn của Quân Khu (cũng là của R) đánh vào Sàigòn. Thử hỏi sống sao nổi? (sẽ kể sau). Chính tôi làm báo công (tôi biết cách) cho Tư Nhựt mang đi R. Làm xong, tôi đọc cho y nghe. Y ôm tôi khóc ròng. Nhựt là lơ xe đò, học ít, càng không biết khoa học quân sự. Không biết ai đưa Nhựt lên làm tiểu đoàn trưởng ngang xương nắm sinh mạng cả mấy trăm chiến sĩ. Khi tôi về làm D phó kiêm tham mưu trưởng, Nhựt hơi gờm tôi, sợ tôi vượt hơn y. Nhưng công tác một thời gian, y mếntôi và thú thật, tôn tôi lên làm thầy. Tôi thật tình không dám nhận. Khi ở trên kêu bầu chiến sĩ thi đua, y đề cử tôi, nhưng tôi từ chối và đề cử ngược lại và làm báo công cho y. Y nói:

- Tôi chưa từng thấy ai cao thượng như thầy đó, thầy Hai. Ở cái xứ này người ta toàn tranh công và dẫm lên đầu nhau để lên chức, chứ không ai như thầy tự hạ mình xuống để nâng bạn mình lên.

Y biết những trận nào do ý kiến của ai mà thắng, nay trong báo công đều bồi cho y. Tôi hiểu con người thành thật của Tư Nhựt nên không nói nhiều:

- Anh cứ yên tâm! Chúng ta là một! Thành tích của tôi là của anh, anh Tư à!

Tư Nhựt đi xong, tôi dắt tiểu đoàn sang đất Trảng Bàng để mong tìm thấy một vài ngày an bình mà chấn chỉnh tổ chức. Một mặt tôi cho người về kiến trúc căn cứ ở Rừng Tre, Lộc Thuận. Cái việc bị xe tăng Đồng Dù đẩy lên tận Trảng Cỏ, Sóc Lào, Bà Nhã chỉ còn là thời gian. Xe tăng hằng ngày thọc lên tận Hố Bò, rề xuống An Nhơn coi như chỗ không người. Chúng đã ủi láng hết rừng rú từ Cổng Bông Giấy vô tận Bàu Đưng, quân y của Tư Chuyền đã bỏ Hố Bò vọt lên Lộc Thuận hay Rừng Tre gì đói tôi không còn liên lạc. Mạnh ai nấy tìm đường sống.

Chạy qua đất Tây Ninh để tựa lưng hai thằng Năm Sơn và Chín Hung D14, nhưng sang đây lại gặp Ba Tới kêu giọng ve sầu:

- Cho ở đậu đất nhưng không phát gạo đâu nhé. Tụi này cũng đang lâm nguy. Tụi Mỹ đánh liên miên. Ban ngày chưa đủ, nó còn tranh thủ ban đêm.

Hắn cười nhe bộ răng xếu xáo trông càng bi quan:

- D14 của tao (ông ta lớn hơn tôi chừng một con giáp dân kháng chiến chín năm) bị sát nhập vô E268 rồi, đâu còn phối hợp với mày. Riêng tao bị thiến nửa cái bao tử, ngày ăn có một chén cơm!

- E268 ở chỗ nào?

- Ở ngoải vô. E này cũng anh hùng Đê Bê (Điện Biên) thuộc nòi 308.

- Thôi đi ông nội, Q16 cũng anh hùng Đê Bê nhưng chán lắm. Ở trên cho tôi một cán bộ làm D phó là Năm Triêm. Ông này cũng là dân kháng chiến hai mùa hết xí quách rồi, lại vừa vượt Trường Sơn vô tới, mặt mày vàng lườm như nghệ. Nếu đụng một trận với Mỹ là bành tô ngay.

Tôi hiểu tâm lý nên cho anh đi móc vợ vô sum họp để rửa chân leo bàn thờ nay mai không gặp mặt. Thật vậy, mười năm, bà chỉ đã ăn trầu, trở thành mẹ chiến sĩ. Còn Năm Triêm chỉ đánh có vài trận là vô nhị tỳ.

Tôi cho D bố trí thành thế phòng ngự vòng tròn. C1 giữ mặt đồng ruộng Lộc Thuận, ngó qua Sa Nhỏ và Cỏ Ống; C2 giữ mặt Cầu Xe và Lộ 6; C3 ngó qua Ba Cụm; C4 giữ phía sau đường 15 và Bùng Binh, còn quân y, trinh sát, liên lạc văn phòng ở giữa rún.

Phân Khu bổ xuống 80 tân binh miền Bắc, cho D khác nào đó húp cháo loãng. Nghỉ dường quân nhưng nào có nghỉ dưỡng được ngày nào. Mỹ đuổi theo, chúng tôi phải nghinh chiến, bắn cháy ba xe tăng, trực thăng tới đánh luôn tại Trảng Dầu. Chúng bắn hỏa tiễn. Chợ Suối Sâu gồm phố xá sầm uất, nhà máy xay lúa, tất cả cháy rực trời. Đồng bào chửi cha giải phóng báo đời.

Kéo về Bà Nhả, bị dân đuổi đi không cho đóng quân, không bán gạo. Không kể tình cá nước mẹ gì ráo trọi. Chúng tôi ở ngoài rừng không có nước nhưng không dám vô xóm xin sợ lộ bí mật, gặp Phượng Hoàng kêu Mỹ tới là chết cháy, nên đi tìm đầm hoặc suối trong rừng thời may gặp một cái giếng lạng, thò đầu xuống thấy lấp loáng trắng nhưng sâu lắm. Tôi cho trinh sát tuột xuống xem xét. Trời ơi! Đó là xương người. Xương của Cao Đài, hồi 45 các ông nội Tô Ký và Hai Bứa giết họ ném xác xuống đây. Quả báo! Bây giờ lính các ngài tới, có nước mà không dám uống.

Nhờ có thằng Đức, C trưởng C2, là dân Trảng Bàng thuộc xóm làng nên dắt đi tìm dân gặp Tám Bụng, làm xã đội trưởng không nhớ là xã nào. Bụng là em ruột của Năm No, E phó thuộc công trường 9 của Năm Sài Gòn. No mất tinh thần sau các trận Bình Long, Bình Giả bỏ về nhà làm vườn, bị khu đòi lên hạ chức còn C phó hụ hợ ở trường huấn luyện tân binh, ăn nói trật đường rầy không kể gì Đảng Bác.

Tôi hứa cho Bụng một cây AK còn CKC có sức vác bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Nhưng Bụng chỉ lấy AK chớ du kích đâu có ngoe nào mà đòi CKC?

Ở đâu cũng không yên vì không còn nhân tâm. Dân ghét giải phóng ra mặt. Tây Ninh chỉ còn rừng có dân mà cũng như không, bộ đội của dân mà dân bỏ đói, giải phóng đi tới đâu dân chạy tuột quần đến đó. Dân không che chở quân nên quân cứ ăn dưa hấu liên miên.

Một lần trôi dạt luôn năm địa điểm liền trong ba ngày. Rừng Tre, Trảng Cỏ, Trảng Sa, Sóc Lào. Vừa đến Sóc Lào thì phải đi ngay vì có đầm già tới liếc. Phải cấp tốc hành quân. Từ chạy đến chạy.

Đến đóng ở Xóm Suối ngang Trảng Dầu Bà. Xe tăng không đến mà phản lực rắc bưởi ngọt, C2 của thằng Đức bị trúng giữa đội hình. Lính chết chung một hầm. Một hầm khác không trúng nhưng bị sức ép, đạn B40 nổ dưới hầm. Thật là họa vô đơn chí. Phải dùng hơn một B để tải thương, một B đào hầm... chôn tử sĩ. Còn lính đâu mà đánh giặc. Trời ơi, bom napalm nó cháy không có nước nào tưới tắt được.

Xác chiến sĩ đen thui "tay coi đồng hồ". Có những chiến sĩ tay chân cong queo, mặt mày cháy đen, tóc tai trụi lủi, mà cặp mắt còn nháy lia, miệng mấp máy: "Thủ trưởng ơi! Xin bắn em một phát cho sướng cái thân!"

Hai dòng lệ lăn tròn. Mùi da thịt khét nghẹt.

Củ Chi có hơn 200 miles địa đạo và bác sĩ Tám Lê giải phẫu dưới hầm hiện ở đâu. Đụ mẹ thằng Duẩn, thằng Giáp nói láo. Chúng giết dân Nam Kỳ tươi tốt như thế đó. Dân Nam Kỳ hãy nhớ những hình ảnh này.

Có 200 miles địa đạo mà Củ Chi không liên lạc nhau được, phải chia thành hai quận Nam Chi, Bắc Chi, ngay cả xã cũng không còn nguyên.

Trung Lập đẻ ra Thượng và Hạ, An Nhơn nứt ra Đông và Tây, Phú Hòa Đông thêm Phú Hòa Tây. Hố Bò, An Phú, Phú Hòa, Bến Mương, Rừng Làng, Bàu Lách, Bàu Đúng xưa là tổ ấm của các hội ve chai chống Mỹ, là nệm êm của các cặp dũng sĩ nam nữ mùi mẫn, nay là bãi ỉa của lính Mỹ.

Mỗi lần vặn đài lên nghe: "Củ Chi đất thép thành đồng", lính làu bàu chửi lại. Một hôm thằng Đồng Đen đá luôn cái radio bay lên ngọn cây. Lính dọa kỳ này gặp cô nhà báo Nhã Nam sẽ bắt trói, nấu chì đổ vô miệng cô ta. Đám lính khác đòi thọc ma trắc vô suối bà Cả... Bảy. Nhưng có đứa bảo cô ta lại... đực, có suối đâu mà thọc.

Tình hình đã bi đát lại càng bi đát thêm. Con ngựa chiến Thiên Lôi này chỉ được chủ ném cho vài cọng cỏ cháy mà cứ ủi chạy không ngừng. Một buổi sáng tôi nằm mê man vì đêm qua đào hầm quá mệt, thì thằng Thuận đập võng tôi:

- Anh Hai! Anh Hai. Dậy có khách.

- Khách nào? Kốt ta pít I hay II?

- Em không quen.

Tôi nghĩ thầm chắc là Ba Châm hoặc Năm Tiều mà trẻ nhỏ thường gọi là ông già Kốt ta pít là tên nhân vật bảo thủ trong phim Liên Xô.

Tôi uể oải ngồi dậy. Thằng Thuận giục:

- Anh cho ổng vô không? Cảnh vệ đang giữ ở ngoài.

Tôi gật. Một chập sau, quả thật nó dắt một ông già đầu trọc lóc lún phún xám tro vô tới. Tôi vọt xuống võng, chạy lại nắm tay:

- Anh Tám! (Tám Hà chớ không phải Tám Quang).

- Thầy Hai khỏe chớ? Lâu nay không gặp nhau.

- Anh xuống đây chắc có chuyện gì quan trọng lắm.

- Cần tới chú mày đây!

Tám Hà mặc quần tiều, mình mẩy lấm mem. Tôi kêu trẻ xách nước cho ông rửa chân rửa mặt. Dù hèn gì cũng thể, dù bể cũng còn kêu cạch cạch, tôi kêu trẻ pha trà và chạy đi kiếm đồ nhậu. Anh Tám cười với cái miệng móm sọm và cặp mắt hom hem:

- Chú em được tôi đãi mấy mắt me chua trước khi lên đường ra bộ binh, bây giờ cứ lấy me chua mà đáp lễ, chớ làm to chuyện.

- Me cũng không còn, để tôi bảo chúng đi bắt con dọc về nấu với măng le.

- Chà! Sắp Tết Mậu Thân nên chú đãi tôi thịt khi hả? Ăn thịt khi xui lấm đó chú em! (mà xui thật chớ chẳng đùa)

Uống trà được vài tuần, anh móc trong cái sắc vải lấm mem một tờ giấy xếp nhỏ:

- Còn đây, tưởng mất rồi chớ! -Anh nheo nheo cặp mắt rồi lấy kiếng đeo lên cười hóm hỉnh- Thời buổi này cái gì cũng có thể đánh rơi được hết, kể cả bản thân mình chú em à!

Tôi mời anh điếu Capstan thứ hai. Anh xua tay, đùa:

- Xa xí phẩm! Hì hì... Để chút nữa tôi sẽ lấy nguyên bao bỏ túi về dọc đường. Thuốc này hút cho sang chớ không ăn nhập gì hết. Thuốc Cẩm Lệ xứ tôi kìa mới đã, kéo một hơi là tê cả mình.

Nói là xa xí phẩm là anh chế giễu tụi thượng cấp thôi, chớ anh cũng rút một điếu.

Tôi bật Zippo cho anh đốt. Anh vừa phì phà vừa bảo:

- Cậu đọc cái quyết định này rồi thi hành ngay.

Đọc xong, tôi kính cẩn:

- Thưa đồng chí phó phòng...

Anh xua tay:

- Lên chức rồi! Lên chức rồi, chú không hay sao? Tám Quang đi làm chánh ủy, tôi "bị" đôn lên làm trưởng thay cho y.

Anh Tám lại mỉa mai. Tám Quang hồi kháng chiến chống Pháp cấp dưới của anh, ra Bắc được đi Trung Quốc về nước thăng trung tá, trong lúc anh đã là trung tá từ lâu (1956), nhưng khi về Nam, Tám quang lại được phong trưởng phòng, anh là phó. Lúc nào anh cũng có giọng châm biếm rất tế nhị. Anh nói:

- Tôi đang làm sĩ quan liên lạc đó ông thầy pháo à!

- Ban chỉ huy D như vậy là chỉ còn có Hai Mạnh và Năm Triêm thôi sao anh? Hai Mạnh già yếu, còn Năm Triêm mới về còn đeo con ma sốt rét Trường Sơn.

- Cậu cứ lo cho thân cậu đi. Mấy vụ khác ở trên đã tính toán xong cả rồi. Ngoài Bắc đưa vô một lô úy, tá, có cả vầy... vầy nữa mà. Bộ Tư Lệnh Quân Khu đã được tăng cường. Phó tư lệnh có đến hai, ba ông mới. Tham mưu phó cũng bốn, năm. Phó phòng cũng sáu, bảy ông. Phó nhiều lắm. Toàn là thứ dữ học bên Tây bên Tàu mới về.

Bỗng anh hỏi bất ngờ:

- Sao chú không lập gia đình đi. Hừ! Chú giấu tôi hoài. Nữ dũng sĩ cáp với anh hùng pháo binh đẻ ra dũng sĩ anh hùng con phục vụ quân đội. Sao! Chừng nào tôi được uống "chung rượu đào" của chú?

- Chắc chưa đâu anh Tám à!

- Băm bốn, băm lăm rồi còn chưa thì chừng nào, không sợ cha già con muộn sao?

- Già rồi, còn sợ già gì nữa anh Tám. Lấy vợ thời buổi này...

Tôi thuật lại việc Tư Nhựt về nhà sau trận hạ đồn Thầy Mười... Anh Tám cười hắc hắc.

- Thì Mỹ chơi phản lực mình cũng phải chớp nhoáng chứ chú em!

Sau bữa nhậu đạm bạc, anh Tám bắt tay tôi từ giã. Anh bảo:

- Tình hình sắp tới vô cùng ác liệt. Anh em mình thử xem thời vận thế nào. Cậu đi sớm nhé!

Rồi chia tay. Tưởng đó là lần cuối cùng của hai anh em tôi.

Anh em nghe tôi được quyết định đi nhận nhiệm vụ khác thảy đều buồn. Chúng nó đến than thở, rầu rĩ, hứa hẹn, đủ thứ tình cảm buồn vui.

Thằng Đức, C trưởng, ôm tôi khóc ròng. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Nó nói:

- Thầy đi thì Quyết Thắng sập tiệm luôn đó thầy ơi!

Quả thật trong Tết Mậu Thân, cả tiểu đoàn chết sạch, cả ban chỉ huy lẫn liên lạc cần vụ cận vệ quản lý nuôi quân.

Dù tôi còn ở lại cũng chẳng cứu nổi mà cũng chết luôn. Vì cái chiến thuật đui mù của tụi Hà Nội. Thằng Võ Nguyên Giáp may mà không vô đây, chớ nếu vô tì nó sẽ không còn manh giáp.

Từ pháo binh ra bộ binh, bây giờ lại trở về pháo binh. Sau ba năm dẫm nát đất Củ Chi "Anh Cả Đỏ" và "Tia Chớp Nhiệt Đới" đã bủa lưới phóng lao cả trăm lần nhưng phóng hụt tên Thiên Lôi, đã cho Phượng Hoàng vồ cả ngàn lần nhưng tên Thiên Lôi vẫn còn sống sót.

Tên Thiên Lôi đã quất ngược lại thủng lưới Anh Cả Đỏ và đập con Phương Hoàng Nhiệt Đới quẹo cổ bao nhiêu lần từ Cây Trôm dài lên Suối Cụt, Suối Trâu, Trảng Dầu, từ quốc lộ 1 vào các ấp chiến lược Cây Trâm, Cây Bài, xe tăng cháy khắp Củ Chi. Ở Cây Trắc, Phú Hoà Đông, Lộ 6, Sa Nhỏ, Cỏ Ống, Ràng, Bàu Trâu, Rừng Làng, Trảng Cỏ máu tên Thiên Lôi đổ ở Tân Quy, ở Cây Trắc, Cây Trâm v.v... Khắp người Thiên Lôi đều mang "huân chương" của Bác Đảng, kể cả trong háng, trừ chỗ "quý nhất" của con người. Đôi lần chết hụt, một lần hết thở dưới địa....

Cả trăm địa danh có bom nổ, đạn cháy, dấu chân Thiên Lôi, Đôn Thuận, An Phú, Lách Bàu Đưng, Bình Mỹ, Thạnh Lộc, Trung An, An Phú Đông, cầu Bà Bắp sát thị xã. Từ Hậu Nghĩa sang Bình Dương, Tây Ninh đến biên giới Miên Việt... Từ B52, pháo 105, 155, 175, rốc-kết, cà nông 37, lựu đạn, mìn...thứ nào Thiên Lôi cũng có nếm qua ít nhiều hoặc đội chính diện.

Cây cỏ cháy khôn không còn cái lá, đất tun hút hố bom đìa, xóm làng bào láng, đi đứng toàn ban đêm, không còn địa hình địa vật, chỉ xem hương với sao trời.

Kể không hết gian lao chết chótc của đơn vị, của quê hương và của bản thân, nhưng tên Thiên Lôi này không màng "thành tích". Một đêm vứt súng bỏ đi...(1970).

Xin trở lại thực địa tang tóc bi thương của Quân Khu IV trước thềm Mậu Thân 68. Tôi được đưa trở lại chỉ huy H6 kiêm luôn D89 của Quân Khu.

Tôi nhớ mãi lời động viên của anh Tám Hà:

- Cậu về đó (H6 và D89) bây giờ vui lắm. Nhưng nhớ đừng có "nhởn phố" Bến Chùa nghe. Tụi Mỹ nuôi cho mập rồi giết thịt đó chẳng phải nó đui đâu. Không khéo lại bị hốt một cú như ở chợ Long Hoa năm 64 đó.

Tôi thấy lính còn thưa quá thưa nên không đem thằng Thuận làm cận vệ nữa, chỉ lấy một AK hộ thân rồi một mình một ngựa đáo lai Củ Chi đất bùn. Tôi gặp Năm Tiều đốc chiến và ban bộ ở gần nhà Tư Thêu, má con Tiền. Bé Tiền bất ngờ gặp tôi kêu la bài hãi:"Má ơi! Cậu Hai về!".

Tư Thêu ra cửa thẹn thùng. Năm Tiều bảo:

- Kìa, trông nó về! Nay nó về sao đứng đó không chạy ra hun nó một cái!

Tôi được đàn bà goá yêu cũng đông như con gái. Trời ơi! Vợ con đồng chí bất hạnh bỏ lại cho mình, thì làm sao mình từ chối?

Sau này, trước khi lao vào lò lửa Mậu Thân, Tư Nhựt cũng trối trăn giao vợ con lại cho tôi. Thảm não vô cùng.

Đêm đó Tư Thêu than thở với tôi:

- Anh qua bên đó, chắc em phải dắt con qua ấp chiến lược, chớ ở đây còn ai? Mẹ con em làm sao sống nổi (với bom đạn)?

Tôi lấy đi một ít quần áo, còn để lại mấy bộ, ý cho nàng hiểu rằng tôi còn trở về. Bụng tôi không đành để nàng đi, tuy rằng tôi chẳng dám hứa chắc điều gì, bởi vi không có cái gì chắc chắn trong cao điểm chiến tranh này.

Nước mắt, cái đó tôi đã quen nhìn, quen nếm rồi, nhưng lần này hơn cả lần mẹ con nàng Mười và bé Hoàn, mẹ con Tư Mai và bé Liên, tôi vô cùng bịn rịn, vì linh cảm ra đi là không có dịp trở về gặp mẹ con nàng nữa.

Nấn ná rồi cũng phải chia lìa.

Mất một đêm, hai cần vụ của Năm Tiều mới đưa tôi băng qua Rừng Tre, ra đường 15 ra Bùng Binh. Thời may gặp đuôi tôm của hậu cần. Nghe tiếng léo nhéo, tôi nhận ra Tư Thê, anh thiếu uý chăn bò, đến nay sau năm năm tải gạo cũng chưa lên được trung úy, mà có lên thì cũng chỉ huy cái đuôi tôm mà vẫn không xoá được danh hiệu thiếu úy chăn bò.

- Ê, cho thầy Hai đeo đuôi tôm được không? - Thằng Gàu cận vệ hỏi Tư Thê.

- Gạo bị cháy khét ngú, ăn không vô, lính chửi tắt bếp.

Nghe Tư Thê trả lời ăn trét, Gàu lại quát:

- Thầy Hai có công lệnh gấp, cho đi ké được không ông thiếu uý?

- Tụi nó bỏ bom napalm cháy cả kho.

Cả bọn cùng cười. Một anh lính trong ban vận tải giải thích:

- Ổng ăn bom đìa ở An Phú chết hụt nhưng bể màng nhĩ đó các ông ơi! Có đi thì nhào xuống đi, gấp cũng như huỡn thôi.

Hai cậu cận vệ dưa tôi sang sông và hỏi:

- Thầy biết chỗ Sáu Phấn ở không?

- Ở Đường Long chớ đâu. Tao rành hồi chín năm lận mà.

- Nhưng bây giờ B52 phá hết rừng, thầy không tìm ra đường đâu. Phải qua Bến Súc lên Phú Bình qua sông Thị Tính rồi lên Long Nguyên chưa qua suối Xuy Nô phải không? Tụi H7 (thông tin) mới ăn B52 trên đó. Củ Chi minh bây giờ Mỹ chê rồi nên nó qua bên này sông.

Thằng Gàu nói:

- Nhưng ông Sáu Phấn vừa dời tuốt lên Thanh Điền. Phải qua suối Xuy Nô, qua lộ 7. Đám ông Tám Lê bị B52 trong trận càn Manhattan đã vọt lên Bàu Nổ tới nay không biết có đi nữa không? Chú Năm dặn tôi đừng có dắt thầy đi ngã Bến Chùa mà thầy ghé lại là nguy lắm!

- Sao vậy? - Tôi hỏi chơi chứ dư biết tại sao.

Vì đi ngang đó tôi sẽ ghé vào quán nước đá ba con thỏ bạch Mai, Khánh, Ngọc và quán thịt nướng má con Rớt. B52 nó rắc mầm sống mới không biết giờ nào mà né.

Hai cậu đưa tôi đến hang cọp Năm Lê rồi trở về. Cái hang này còn mới toanh không được hoàn chỉnh như cái hầm nhà Ba Xây ở Trại Bà Huệ. Tới đây mà không gặp Tám Nghi để tâm sự thì thật buồn. Cô Hiền cũng bị moi hầm bắt chung với nó.

Năm Lê lên chức tư lệnh phó Quân Khu kiêm tham mưu trưởng nhưng cái mặt càng xanh lướt và càng dài ra. Tay chân nghều ngoào như tay vượn sở thú. Cái hầm của ông ta ở ắt phải sâu tới âm phủ và nắp phải cao tới ngọn cây.

Ông có vẻ không vui. Đãi cơm và rượu tôi, ông nói:

- Vừa ăn vừa làm việc. Bây giờ không có rảnh rang như hổi ở bển được. Mày về làm lại cái H6 và chỉ huy luôn cái D89 giùm tao chút. Tụi nó phá nát hết công lào của mày ở H6. Mày ra bộ binh, tao biết là thằng Năm Thủ về thay không được nhưng phải bắt mày đi. Bắt đi rồi trả về. Tao chỉ huy cũng chẳng ra thằng chỉ huy máu đẻ gì hết - ông thần giận dữ- Thằng Hai Giả không làm gì được trong ba năm trời nhưng còn khá hơn thằng Năm Thủ. Thôi bỏ chuyện đó đi, bây giờ tao cho mày biết là trung đoàn 15 của Anh Cả Đỏ đang xẻ Bến Cát như xẻ khô. Dọc hai bên Suối Cát nói ủi hai con đường rộng cỡ một cây số y như đường ủi dọc đường 9 sông Bến Hải vậy đó. Tụi liên lạc hoả tốc của mình bị cá rô rỉa lúc cắm đầu băng qua khoảng trống đó. Mười lăm phút thôi, nhưng là mười lăm phút cảm tử. Ban đêm trực thăng vừa soi trên mặt sông Sàigòn vừa soi trên hai con đường đó để kiểm soát những cuộc hành quân của mình từ Dầu Tiếng xuống. Xẻ ngang xong nó đang cắt dọc như vẽ bàn cờ theo kiểu Nhuận Đức bên Củ Chi. Nó bỏ Củ Chi vì bên đó nó coi như đã làm cỏ xong rồi, thỉnh thoảng có ngọn cỏ nào lú lên, nó phát qua là xong. Bây giờ nó sang bên này!

Anh thở dài:

- Ở trên đưa xuống một lô úy tá nhưng họ lớ quớ không quen chiến trường, chỉ tổ làm mồi cho B52 thôi. Đám này vô tới đây mới thấy chiến tranh không phải giơ cái lập trường ra mà chọi được. Nhiều cậu đã mất tinh thần ngay. Đấy như cái anh Mười Thứ cũng đi học Liên Xô về vô đây chỉ D1 bộ binh không xong, cho về làm quận đội trưởng càng nát bét. Mấy cậu bên Củ Chi vừa qua đây báo cáo, cậu ta về nhậm chức bèn gửi công văn triệu tập tất cả xã đội trưởng đến để y huấn thị như kiểu chánh quy. Cả tháng sau không có ma nào tới cả. Tới sao được với tình hình này. Cậu ta nổi xung gửi công văn thúc giục rồi quở trách nhưng chẳng ông xã nào tới. Liên lạc cho cậu ta biết là đường giao thông giữa các xã, và giữa các xã với quận đã bị chặt đứt hết. Cậu ta đổ quạu:"Sao không ‘nuồn’ dưới tầng ba địa đạo xuyên qua đít Đồng Dù?"(tôi bịt miệng quay ra cười). Cậu thấy tai hại chưa? Chính Trung Ương cũng hiểu như anh Mười Thứ hiểu (và toàn thể thế giới cũng như vậy), chớ đâu biết rằng địa đạo chỉlà một thứ bịa đặt. Còn địa đạo thiệt thì bỏ ngập nước, sụp lỡ từ bốn, năm năm nay rồi. Cậu đã từng hiểu địa đạo trong vườn nhà ông Hai Lễ và Năm Giáo ở Bến Mương một lần rồi và chính ông Tư Lệnh cũng đã nếm mùi địa rồi phải không? Nếu cậu cứu trễ vài tiếng đồng hồ thì ổng sẽ ra sao?

Có lẽ cảm thấy đi hơi xa đề, nhưng Năm Lê vẫn nói tiếp:

- Cả ban chỉ huy pháo binh (H6) vừa rồi lãnh nguyên trái bom đìa ở An Phú là vì không chịu di dân qua sông. Mày thấy địa đạo hầm hố đào sâu mấy thươcmà bám trụ? Là cán bộ quân sự không lẽ tụi nó không chịu hiểu bom đìa khoan chín thước, bom 250 bốn thước? Đánh địch phải hiểu thằng địch nó có nanh, có càng ra sao, chớ không phải giơ cái lập trường cải cách ruộng đất ra mà được. Anh B (tư lệnh) bảo hiện giờ chỉ có mày là xây dựng lại được H6 để ứng dụng cho chiến trường sắp tới thôi. Pháo binh sẽ đóng một vai trò quyết định. Mày có xem phim "Đánh chiếm Bá Linh" của Liên Xô chắc mày thấy vai trò của pháo binh Liên Xô?

- Dạ, em hiểu.

- Nay R cho thêm hai CH12 tức là hoả tiễn dàn mướp của Nga, Sáu Phấn không sử dụng được. Thằng Đặng Quanh Long (tức Tám Quang) ít có khen vậy mà nó khen mày. Tao biết D1 mến phục mày và mày cũng thích ở đo, nhưng tình hình này trong hàng cán bộ huấn luyện tác chiến không có ai bằng may. Thôi, nói vậy là mày rõ rồi. Lo về chỉnh đốn lại cái H6 và D89.

Tôi nói vài câu quyết tâm rồi rút lui. Ra ngoài gặp đám bầu của ông tham mưu trưởng, trong đó có Sáu Thân cấp thượng úy tới thay điếu đóm cho Tám Nghi. Sáu Thân mặt vàng lườm, bụng bin rỉn như chói nước.

Y kêu vài ba cậu lại giới thiệu:

- Đây là thằng Hai Lôi. Tôi biết nó hồi 53. Lúc đó nó mới ra trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn, về tiểu đoàn 307 của tôi - Sáu Thân hỏi tôi- Còn cây cạc-bin của con trai Bảy Viễn tặng cho cậu đâu rồi?

- Ra Bắc người ta tịch thâu.

- Nhớ lại hồi 52, trận đánh Hoà Hảo mình chết như rạ, mà nó cũng trắng đồng, ghê quá. Nhưng so với bây giờ là... chẳng nghĩa lý gì!

- Sao anh bịnh mà không nghỉ trị bịnh lại về đây, anh Sáu?

- Về đây dưỡng bịnh đó chú em. Chứ ở trên đó bịnh gì cũng có một thứ thuốc thôi.

- Rễ bồ hòn hả?

- Không, vitamin "B"! há há...!

- "B12" gửi mua thiếu gì. Để tôi tìm mối mua cho anh.

- Không, B52 khỏi phải mua!

Một cậu liên lạc bảo tôi:

- Chú Năm (Lê) bảo anh vô chú dặn gì thêm.

Tôi trởi lại, Năm Lê đưa cho tôi cái bản đồ Sàigòng tỷ lệ 1/2500, dặn ba điều bốn chuyện và bảo:

- Mày không được nói với ai một câu nghe chưa! Tuyệt đối, tuyệt đối và tuyệt đối.

- Dạ.

Tôi xếp nhỏ tấm bản đồ lại nhét vào xắc-cốt rồi quay ra.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx