sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 81: Những Người Con Gái Mang Danh Hiệu Anh Hùng Rởm Và Đạo Quân Đầu Tóc Củ Chi Được Treo Bảng Vàng Danh Dự Trong Nhà

Cái việc làm bịp bợm của tên tướng đầu đỏ Nguyễn Chí Thanh "phong cho Nguyễn Thị Định là phó tư lệnh Quân Giải Phóng" và danh hiệu dũng sĩ (rởm) do ai bày đặt không rõ đã kéo theo được tử sĩ đàn bà con gái. Tội nghiệp thay cho những cô em ham làm tướng ếch, tướng nhái mà vỡ bụng nối đuôi nhau rửa chân lên bàn thờ. Sau đây là một số chị em ta tôi có biết hoặc có nghe "danh".

Đứng đầu bảng vàng rởm là nàng Tư Bé, huyện đội phó, 19 tuổi, một cô gái cộc kệch quê mùa ở Bàu Trân đánh xe bò, cha mẹ không cho đi theo du kích, nhưng bé ham danh hiệu dũng sĩ, nên một đêm trốn gia đình thoát ly. Trong lúc đám dũng sĩ rởm tan hàng, bọn huyện ủy không còn ai để làm "công tác chính trị" nên đã bơm cô bé chăn bò lên làm huyện đội phó. Tội nghiệp thay, nào biết gì chiến thuật quân sự, nên lớ ngớ đã bị Mỹ đuổi bắn chết ở Đồng Lớn năm 1968 ít lâu sau Mậu Thân.

Mang số hai, ngay sau cái ngày kỷ niệm đó, cô Bảy Nê, đội trường du kích Củ Chi được tên trưởng phòng chính trị Quân Khu Tám Quang, tay lẻo mép số một, phong cho danh hiệu "đội dũng sĩ" đã bị Nhân Dân Tự Vệ bắn chết trong trận đột nhập ấp chiến lược Cây Bài thuộc xã Phước Vĩnh Ninh năm 1969, sau khi lên thay cho cô Tư Bé trong chức vụ huyện đội phó. Cô có ý trả thù cho em trai là thằng Lợi trinh sát tiểu đoàn của tôi bị xe tăng bắn chết trên đường đi đánh trận Tân Quy, nhưng thù em không trả được mà lại gặp em ở tuyền đài.

Cầu thủ số ba là xã đội phó tên Là, người bạn gái thân mến của ông Thiên Lôi, sau khi Năm Thuận rút êm đi câu tôm bán lấy tiền nuôi vợ con ở ngoài ấp chiến lược Suối Cụt thì Là được ông bí thư Tư Thiên. phong chức xã đội trưởng. Nàng con gái mới hai mươi tuổi bị xe tăng ủi nhẹp hầm cùng với một số du kích xã nhà Phú Mỹ Hưng, không biết mồ mả ở đâu, cũng như chồng của chị ruột của nàng (Lụa) đi dân công Bình Long biệt tích không biết ngày giỗ quải. Với cái chết của nàng cùng ông bí thư Tư Thiên coi như xã Phú Mỹ Hưng không còn người lãnh đạo.

Kế theo là cô em Út Thành (số bốn), trẻ hơn Là một tuổi quê ở Trung Lập Thượng, được ở trên khen thưởng thành tích khiêng thương và cũng chết trong lúc tải thương trận Suối Cụt năm 1967.

Số năm thuộc về cô gái tên Năm, quê ở Bến Cỏ, thị xã Phú Hòa Đông không chết, nhưng bị thương tàn tật suốt đời bỏ Củ Chi về Sài Gòn (sau có gặp lại tôi ở Châu Đốc). Đây là một người con gái đẹp, nước da trắng, có đôi chân vũ nữ, nhưng tiếc thay...

Tiếp theo dòng nữ nhi lên bàn thờ là cô Thu (số sáu), y tá 20 tuổi bị pháo bắn chết.

Cô Hiền (số bảy) bị Mỹ khui hầm bắt sống.

Cô Lan (số tám) nhân viên điện đài phòng tham mưu bị Mỹ đánh chất nổ.

Cô Huê y tá (số chín) bị pháo bắn chết.

Cô Lan chị 18 tuổi (số mười) và cô Lan em 16 tuổi (số mười một) bị chôn sống cùng với mười hai nhân viên ban tham mưu quận trong xóm Bà Huệ trước cô Út Hương vài tuần. Út Hương là nhân viên văn phòng K30 hậu cần Quân Khu bị biệt kích bắn chết trên đường tải gạo Bến Chùa xã Thanh An, mười hai người chết chụm.

Út Mến chết chung với xã đội trường Là, nhưng mười ngày sau mới biết, trong lúc đó bé Hạnh, cứu thương quận Nam Chi (Củ Chi phía Nam) bị thương rồi bị bắt sống.

Duộc "dũng sĩ" này còn dài dằng dặc, nhưng đại khái cái chết cũng giống nhau, nên xin tạm ngưng... (pháo bắn chết, xe tăng, biệt kích, lựu đạn du kích...) để sang các bức tượng vọng phu bằng đất bùn của Củ Chi.

Cô Lụa, chị cô Là, con của má Hai ở Phú Mỹ Hưng, có chồng đi dân công Bình Long mất tích. Chị Tám Khỏe cũng đồng số phận nhưng chị có tới bốn đứa con. Mặc dầu con đông, nhưng chị còn đẹp gái. Thầy chú ngắm nghé cũng bộn, nhưng chỉ có chàng Ba Tố- D phó - à lọt mắt xanh của chị thôi. Ăn ở với nhau không chánh thức (vì giấy báo tử ông chồng đi dân công Bình Long chưa về, hoặc không bao giờ về), nhưng ai cũng coi đó là một cặp uyên ương. Lửa đang nồng, duyên đang đượm thì D phó Ba Tố cùng toàn bộ ban chỉ huy D8 lãnh một trái bom đìa tại An Phú. Chi Tám vừa khóc chồng chưa khô nước mắt lại phải khóc chồng. Phải chăng đàn bà con gái Củ Chi có nhiều nước mắt nhất thế giới?

Đau khổ nhất là chị Út Việt có chồng là đại đội trưởng cối 120 ly của D8. Vợ chồng mới cưới chưa hết tuần trăng mật thì anh Út lãnh một quả dưa hấu của cô hàng B52. Tội thay cô vợ trẻ ở xã An Nhơn Tây trở thành góa bụa mà không xây được mộ chồng.

Cô Mười có chồng là đại đội phó công trường 5 xác bón cây rừng ở Bình Long, trong lúc nàng là gái một con, còn hơ hớ thanh xuân, biết bao nhiêu ông cán tò vè... mà không ưng để về Sè Goòng lấy lính.

Chín The, chị ruột Mười, chồng chết hồi chín năm, sau lấy Sáu Phấn chính trị viên D H6 rồi cũng đến phiên theo ông theo bà năm 67, vì Mỹ đánh hầm ở Xóm Bưng. Đời bà hai lần làm vọng phu, lần trước chỉ tám năm, lần sau muôn năm!

Chín Kiểu cũng có chồng chết trong chín năm, nhưng gặp đại úy Hai Giả. Đau khổ thay, Hai Giả bị kỷ luật về chuyện tình ái lăng nhăng với bà, nên bị đày đi Thủ Đức rồi chết ở đây, trong hầm bí mật quốc tế, do lính Đại Hàn khui và ném tặng một cặp vú sữa made in USA banh xác.

Trong lúc chị Ba và chị Năm (chị ruột của Bảy Mô) đều chịu cảnh phòng không chiếc bóng, nhưng anh Ba chết trong chín năm, chịu cảnh góa bụa tới già, còn Năm Mai thì ôm con nhỏ lúc tuổi thanh xuân. Anh Năm lên bàn thờ không biết ngày nào.

Chị Hai Nguyện cùng quê với Năm Mai là Gót Chàng, chồng E trưởng Năm Tiều. Hai vợ chồng chê đất Củ Chi khó ở nên chỉ trong năm 70, kẻ trước người sau cách nhau vài tháng, rủ nhau xuống xin nơi xây tổ ấm đất Diêm Vương.

Hai Xót, Hai Tràng đều ca bài Hòn Vọng Phu chín năm. nhưng Hai Tràng thì yên phận thường dân, còn Hai Xót thì bị cách mạng phong cho chức khu ủy cặp bồ với Chín Lộc mắt toét, trướng quân báo khu.

Tám Mang có chồng chưa cưới là Năm Hoa, sắp cưới thì Hoa bị thương cụt cả hai chân. Cô nàng sợ cách mạng quy cho mất lập trường nên không dám từ hôn, nhưng không xáp vô nữa. Chàng ta buồn tình "dông" lên R. Hai năm sau cô em đẹp duyên cùng Hai Đồng, tham mưu trưởng 68 (to lắm), nhưng lại ở góa vì đức lang quân bị Mỹ bắt sống ở Sóc Lào.

Như vậy, kể ra cũng chưa bi thảm bằng nàng Hai Chạnh ở Ba Sòng. Chồng sắp cưới là thằng Chi, trung đội trưởng của D tôi, bị pháo Trung Hòa bắn chết trong trận pháo kích do tôi chỉ huy, tại Gò Nổi Trên. Sau đó lại tái giá với Tư Đồng ở F100 (công tác thành). Anh chàng này cũng văng dên trong Mậu Thân ngày Tết.

Hai chị em Ba Lội và Tư Thêm đều góa bụa. Chị Ba có chồng là Tôn Sứt, cán bộ của tôi, chết năm 67 lúc hai người đang sắp hát tình ca phối ngẫu. Còn anh Tư đã có một con với chị Tư nhưng anh không giận hờn vợ con gì hết mà lại đi Bình Long không về.

Ba Cấm, Bắc Kỳ di cư ở xã Trung Lập, rất đẹp, có chồng là Tư Bình, C phó của tôi, anh chàng chết ở trận Rừng Tre (tôi cũng suýt chết) trong lúc cô nàng mới 20 tuổi, chẳng bằng Bảy Lợi được một cục "để trên đầu trên cổ với người ta" rồi chồng mới thăng thiên.

Tuy vậy cũng còn biết ngày để giỗ quải còn hơn là chồng cô Hai Điển, 22 tuổi, có một con nhưng chồng công tác trên R, không rõ công tác gì (có lẽ đi săn thịt rừng phục vụ các tên đầu bò chăng?) mất tích luôn (hay bị voi dày chết?)

Cô Tám Lệ ở Đồng Lớn xã Trung Lập, có chồng là Bảy Phúc làm quân báo khu bị khui hầm năm 66. Xin độc giả nhớ tên người con gái xinh đẹp này để về sau còn tái ngộ.

Đặc biệt nhất là cô Út Xè, 22 tuổi mà đến ba đời chồng. Cứ ông này rơi càng tỏm, ông khác lại xung phong bịt lỗ châu mai, lại rụng luôn ống điếu, đến ông thứ ba là Út Hùng - B phó trinh sát D8-, quê ở Xóm Ràng xã Trung Lập cũng rớt giò heo luôn. Mỗi ông cách nhau trên dưới một năm.

Cô Hai Lớn, 23 tuổi nhà ở Xóm Ràng xã Trung Lập, chồng là Hai Huyền chết trong trận Bàu Dưng.

Cô Hai Chân, một con, xóm Trung Hưng, chồng là biệt động thành F100 chết trong trận Mậu Thân.

Đau đớn nhất là vợ ông Chín Câu - phó chính trị viên D -, cậu của Bảy Mô, tập kết về gặp vợ (đã ba con, thêm một thằng cu nữa) nhưng lại bị pháo bắn chết ngay sân nhà.

Cô Ba Lóng có chồng là Ba Hỹ bị biệt kích Lệnh bắn chết trong nhà năm 66.

Ba Bảnh, hai con, bán quán ở Sa Nhỏ chồng bị Mỹ bắt.

Út Siêng, hai con, ở Đồng Lớn chồng bị bắt, sau đụng ông chính trị viên D Đoàn Tâm trong lúc ở Xóm Thuốc.

Cái gáo Hai Hương đã sút cán từ lâu, bỏ trống nhưng không có "cán" mới tra vào.

Hai Cảnh có chồng ở công trường 9 chết mất tích.

Vợ Bảy Sơn và vợ Hai Khứ âm thầm chia buồn với nhau. Bảy Sơn xã đội trưởng Phước Hiệp chết trận ở Suối Cụt năm 68. Hai Khứ lên thay chết năm 69 vì lính E69 sư đoàn 5 khui hầm bắn chết trong lúc Hai Định, ấp đội trưởng Vườn Trầu bị Mỹ bắn chết năm 68 bỏ lại vợ và một bầy con

Thằng Ngọc, 20 tuổi, chết ở Tua Đồng Chùa bỏ vợ chưa cưới, là anh ruột của Lan đầu quăn. Ngọc có lần đèo xe đạp cho tôi đến Suối Cụt (ghé nhà ăn giỗ)

Cô Tư Lan, người yêu của "dũng sĩ" Năm Cội chết không rõ nguyên do năm 1966. Cội chết 67.

Hai Lắm - B phó C3 Dl - chết trận ở Suối Cụt năm 67 bỏ vợ hưởng tuần trăng mật một mình.

Năm Lê gốc ở Xóm Chùa xã Tân An Hợi, C trưởng C3 D7 chết ở Rừng Tre năm 68, bỏ lại một vợ một con. Tuy vậy cũng còn "vinh quang" hơn! Thà là chết ở chiến trường còn hơn chết ở trên giường thê nhi như câu hò lơ trong kháng chiến. Ông Mười Thương chính trị viên xã đội Tân Phú Trung đi về thăm vợ là Tư Nguyễn ở xóm Cỏ Ống xã Lộc Hưng dẫm phải lựu đạn gài của đồng chí ta mà phèo ruột.

Út Hùng B trưởng thông tin chết chồng. Bảy Kỉnh chết năm 68. Ba Xưa có chồng là B trưởng trinh sát chết tại Rừng Làng. Cùng hàng B trưởng của Dl tôi có Ba Quyết, anh của nàng út Quắn ở xóm Dân Hàn. Quyết ra trận rất gan dạ. Vào trận Tân Quy bị bắn vỡ sọ ngay phút đầu khai chiến bỏ vợ và con trai ba tuổi. Nàng tái giá với Sáu Cương, vui duyên với ông C phó này được ngót một năm thì ông lại chết trong một chuyến về thăm vợ.

Cô Mỹ Linh, 20 tuổi ở Bến Cỏ, có chồng đi công trường 9 biệt tích.

Đau đớn nhất là chị Út Lan, chồng là Bảy No, D trưởng D7. Chị mới 21 tuổi rất đẹp, chưa có con, bị cấp trên ghen ghét nên điều anh ra Rừng Sát bỏ vợ phòng không. Anh bị giang thuyền bắn chết trên sông Lòng Tào năm 67.

Nhưng chưa đau khổ bằng Tư Nhựt và Sáu Thưa D trưởng Dl (tôi là tham mưu trưởng). Hai anh em cột chèo chết hết để hai chị em ruột nhỏ lệ canh chầy khóc phu quân bất tái lai vào lúc nửa chừng xuân thắm. Tư Nhựt bị bọn đầu bò phong chức E trưởng và phóng vào Sài Gòn, còn Sáu Thưa bị biệt kích bắn chết ở Bến Chùa.

Vợ Năm Thơm C trưởng và vợ thằng Mẫm C phó cùng chịu tang một lúc vì hai đức lang quân chết cùng một loạt FM ở trận Vườn Trầu.

Độc giả chịu khó đọc thêm một giờ đồng hồ nữa. Trí nhớ của tôi còn khá, tôi cố gắng ghi lại giùm cho bọn vô ơn Việt Cộng, kẻo chúng cho đám tử sĩ này vô một "túi mất tích" không thèm gửi giấy báo tử cho gia đình vợ con họ.

Kẻ sợ pháo nhất thế giới là ông huyện đội trường Tám Giò, nhưng oái oăm thay ông lại chết vì một trái pháo lẻ (còn gọi là pháo mồ côi), nghĩa là chỉ bắn có một trái mà trúng ngay ông ta, ở Bố Heo xã Lộc Hưng. ông bỏ lại vợ và một bầy còn. Còn ông bí thư quận ủy là Một Sơn (tự là ông Thợ Thiến vì ông bí thư là cùng nghề với đồng chí tổng bí đao ngày nay), lại bị xe tăng đào hầm đánh chất nổ. Không nhớ anh đi trước hay em.

Trong các bà góa có một bà lớn... nhất. Đó là Út Lịa, chồng làm tới trung đoàn trưởng, nhưng mà bom đạn nào có nể ai. Ông quan năm đầu bò phơi xác ở trận Rừng Tre trong một cuộc ác chiến với Mỹ. Mỹ đâu có gà tồ phải không ông? Đến đại tướng kỳ lô nó còn chơi gục nữa là cỡ nhép như ông!

Sáu Uya (cái tên Huế kỳ quặc) chính trị viên D D8 chết năm 68. Ông quan năm chết ông quan tư cũng nối gót theo sau. Đó là Năm Thủ (người thay tôi chỉ huy H6), một anh chàng gan phủ mình, dám sô lô một mình một quả bom đìa ở An Phú.

Buồn tình nhất là Tám Lệ, một thằng bạn thân thiết của tôi ở Hà Nội. Về Nam, cưới vợ đẹp, giàu, có xe Peugeot cỡi nhong nhong khắp Phú Hòa Đông. Hắn đẹp trai như tài tử xi nê ma. Trước khi vào Mậu Thân ở trên phong chức hắn phó chánh ủy trung đoàn Mũi Nhọn do Tư Nhựt làm E trưởng. Cả hai cùng bị nướng ròn. Lệ bỏ vợ đẹp con ngoan: không biết có đồng chí cán nhớn nào "giúp đỡ" hay không?

Năm 68 là năm Lửa Thiêu đám giặc Đỏ. Quan năm, quan sáu chết lổm nhổm. Tư Quân- E trướng E268- chết ở Bàu Tre. Vợ Năm Re có đến nhưng mả nhiều quá mà không có mộ bia không biết mộ chồng, nên khóc giọt nước mắt quốc tế ca rồi trở về. Vậy cũng trọn nghĩa tào khương.

Quan lính chết nhiều đã đành, đám xã đội cũng góp phần không nhỏ. Ở trên độc giả thấy dăm bảy trự, sau đây một số khác, tôi suýt quên. Sau Tám Giò huyện đội, đến Hai Khứ, bây giờ đến Ba Coi xã đội trưởng Nhuận Đúc, Năm E thay Tám Giò, đến Bảy Đạo, Ba Cà, Ba Lá quận ủy viên, Hai Đời bí thư xã Trung Lập, Tư Mạnh trợ lý tham mưu quận (biết quái gì mà tham mưu). Đám quận đội và quận ủy chết sạch. Sau này phải chia Củ Chi làm hai: Nam Chi và Bắc Chi.

Chị út, vợ của út Đầu Đỏ (tên thật lạ) quản lý D7 Củ Chi bị Mỹ bắt ở Xóm Trại Giàn Bầu. Kế đó là nàng Út Hương (chúng tôi gọi là ốc Hương) vợ Hai Khởi tham mưu quận đội, sau lên D trưởng của D268. Khởi cấy rau muống ở ngã tư Quán Giắt, Thanh Hóa. Về trong này thím xực thêm nàng ốc nên bị khai trừ đảng nhưng chàng không nao núng, chỉ sợ Mỹ xơi tái thôi. Mà thật, sợ cũng không khỏi. Khởi bị khui hầm năm 69.

Vợ Năm Cao ở Ba Cụm. Cao là C phó C3 D1 của tôi. Cao chết năm 66 ở Cỏ Ống xã Lộc Hưng. Đến đây tôi đã kể được 64 sự tích "vọng phu Củ Chi", xin rán kể đến chẵn một trăm thì ngưng.

Vợ Út Sương ở ấp chiến lược Cây Bài, Sương là C trưởng, sau vì ban chỉ huy D khuyết được đề bạt là phó chính trị viên D, chết năm 68.

Vợ Năm Thơi ở Trảng Cỏ, Thơi là D trưởng D2 E Quyết Thắng chết năm 67 ở Bàu Lách.

Vợ Ba Nhẫn ở Trung Hưng, Nhẫn là D trưởng E Quyết Thắng chết năm 67 ở An Nhơn Tây. Nhẫn có vợ con ở Trung Hưng nhưng còn quơ con bé Trang (con gái Hai Tràng ở Gót Chàng). Sở dĩ hắn xơi tái được cô bé này là vì hai đứa thường trốn chung hầm bí mật ở Gò Đình. Hắn già rơ nên bỏ ngón hoài, con nhỏ chịu hết nổi đành xuôi tay cho chàng nuốt. Một bữa Mỹ ruồng, con nhỏ xuống hầm không được vì cái bụng to chừng đó má nó mới hay, thì sự đã rồi. Nhẫn chết lãng nhách. Lần đó hắn kéo tiểu đoàn về An Nhơn, Mỹ càn vừa rút, hắn cùng một C trưởng, một quản lý đi moi tìm đồ hộp. Chẳng ngờ bị lựu đạn nổ chết cả ba. Đó là cú phục hậu của du kích An Nhơn đối với hắn, kẻ đã cậy quyền ỷ thế quơ mất cây nhà lá vườn của bọn địa phương. Thời kỳ này tôi làm E phó kiêm tham mưu trưởng.

Vợ Tám Thôn. Thôn là phó chính trị viên D đặc công của Gia Định 4, chết năm 69 ở Gò Đình xã Nhuận Đức.

Vợ Út Xiềng ở bến Chùa xã Thành An. Xiềng là C phó chết ở Bàu Lách năm 67.

Vợ Sáu Ly ở Bàu Trâu xã Phước Thành, Ly là C phó chết năm 68.

Vợ thằng Quảng du kích Trung Hưng xã Trung Lập, chết năm 66.

Vợ Tư Linh (người Hà Nội), Linh bạn tôi, trưởng ban binh vận khu bị bắt 69.

Vợ Ba Thụy ở Thủ Đức, Thụy trưởng ban đặc công H11 phân khu 1, bị Mỹ khui hầm bắt năm 69 ở Gò Nổi.

Vợ Năm Thêm ở Sài Gòn. Thêm cấp bậc đại úy E Mũi Nhọn chết năm 68.

Vợ Sáu Nam ở Trảng Cỏ xã Đôn Thuận, Nam phó chính trị viên E368 bị pháo chết ở Sa Nhỏ.

Vợ Sáu Đồng ở An Phú, Đồng C trưởng C4 D7 chết năm 68 trận phá vây Vườn Trầu.

Vợ Năm Rỗ xã Phước Hiệp, Rỗ là xã đội trưởng (thay cho Hai Khứ) mới cưới vợ xong, ẵm vợ không ẵm lại ôm cà nông 155.

Vợ Bảy Điếc, Điếc bí thư xã Phước Hiệp bị Mỹ bắn chết năm 68.

Vợ Tám Thế, Thế vốn là C trưởng C3 D7 về làm quận đội phó Nam Chi bị bắn chết 68.

Vợ Út Thành, Thành quận trưởng Nam Chi, Thành theo gót Năm E, sau này tới tên Năm Ngó làm quận đội trưởng.

Chín Nữa, có vợ là cô giáo, là dượng của tôi. Ông là C trưởng C trinh sát Quân Khu bị xe tăng bắn chết dưới hầm cùng năm đội viên trinh sát ở Bàu Lách, bỏ vợ và hai con, trai 10 tuổi, gái 7 tuổi.

Mười Long, trợ lý D Quyết Thắng, mới cưới vợ là cô Nguyệt cứu thương, chết năm 68 ở Hóc Môn. Nguyệt là con nuôi của "hạm" Năm Lê (sẽ kể tiếp).

Sáu Lễ phó ban Quân Khu chết ở Bàu Nổ xã Thành An năm 68.

Cô Sáu Niêm (chị của Bảy Lội) có chồng là đặc công F100 chết 68.

Ba Xây xã đội trường An Nhơn Tây bị bắt sống năm 66 bỏ vợ và một bầy con.

Huỳnh Thành Đồng, tham mưu phó Quân Khu chết lãng nhách ở Trung An vì thằng Châu Mèo Đái, có vợ ở Bến Tre, chưa có con.

Cô Hai Việt, nhà ở xóm Cỏ Ống, chồng đi công trường 9 chết ở Bình Long.

Vợ Bảy Theo ở Phú Hòa Đông, Theo là C phó chết ở Rừng Tre năm 68.

Cô Thu và Ba Quản Lý (hai vợ chồng đã cứu tôi dưới địa ở H6) chết vì một trái pháo Đồng Dù lúc cô Thu đang có thai năm 66.

Vợ chồng thằng Út và con gái nhân viên sản xuất của H6 chết dưới hầm năm 66.

Độc giả thân mến! Tôi xin kể tiếp mười trường hợp nữa cho chẵn một trăm.

Vợ Sáu Gấm, Gấm là cán bộ phòng chính trị Quân Khu chết năm 66 ở Đồng Cà Tông, Dầu Tiếng vì B52.

Vợ Sáu Mành và Hai Bi, Mành và Bi bị cá rô rỉa năm 65 cùng một lúc.

Vợ chồng Bảy Phúc, quân y sĩ, bị Mỹ bắn chết năm 66 tại Rừng Làng.

Út Đức, trợ lý tham mưu quận về thăm vợ ở Tân Thành Đông bị lính bót bắn chết năm 66.

Vợ Năm Nhân ở xóm Cây Dương xã An Tịnh, Nhân là quận đội trướng quận Trảng Bàng bị bắn chết năm 67.

Trường, quận đội trường Trảng Bàng bị mìn nổ chết năm 69 (không rõ Trường quê quán ở đâu).

Sau đây là ba trường hợp đặc biệt: Hai tên to đầu nhất Quân Khu, nói rõ hơn là toàn Bộ Tư Lệnh Quân Khu chết chung một lỗ trên đường về nhậm chức gì đó chánh phủ ma của Huỳnh Tấn Phát.

Trần Đình Xu, tự Ba Xu, tự Ba Dính, tư lệnh Quân Khu IV Việt Cộng.

Nguyễn Xuân Trường tự Tư Trường, không biết tí nào quân sự, chính ủy Quân Khu. Cả hai đạp trúng bãi mìn. Cả đoàn tùy tùng gồm hai mươi người đều tan xác, không nhặt được một miếng thịt.

Nhưng trường hợp sau đây mới là đặc biệt nhất: Anh chàng Tám Lùn, đội trưởng đội liên lạc hỏa tốc của quận Nam Chi. Anh ta bị lính trong tua Cầu Rạch Láng The bắn văng mất "cây súng ngắn K54 và hai viên đạn". Anh ta không chết, vợ anh ta không góa chồng. Nhưng đối với vợ anh ta thì anh ta có khác gì đã chết. Còn chị Tám không góa chồng có khác gì góa chồng?

Trường hợp thứ một trăm này thật khó phân xử. Không biết có nên xếp chị Tám vào chung với đội Vọng Phu Củ Chi hay không? Xin độc giả cho biết tôn ý. Và còn rất nhiều, nhiều lắm, nếu kể ra phải nguyên một quyển.

Cán bộ chết sạch đến nỗi phải đưa một cô bé nấu bếp không biết bắn súng lên làm quận đội phó. Đó là cô Bảy Phán từng nấu cơm cho Tám Giò. Một cậu thanh niên mới vô đảng là Mười Nguyên, lên làm bí thư quận ủy. Cậu chiến sĩ bị trúng thương ở trận Gò Nổi, bị Năm Tiều hăm bắn bỏ (tên là Cao Hoài Nở) được đưa lên làm trưởng ban chính trị trung đoàn. Bộ Tư Lệnh Quân Khu chỉ còn có Hai Phón (tức Trần Hải Phụng) nhờ trốn ở Cao Miên nên mới sống sót.

Tôi viết chương này để mọi người thấy sự hy sinh dã man dân miền Nam của bọn Hà Nội, nhằm đạt kỳ được tham vọng của chúng. "Chúng mày chết bao nhiêu mặc kệ để đón bác Hồ dzô!" Và miễn trong những xác chết thê thảm đó không có cái nào là con cháu vợ chồng, ông nội ông ngoại của bọn thằng Duẩn, thằng Chinh, thằng Giáp... thì chúng mày tha hồ đi vô nghĩa địa Giải Phóng Miền Nam.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx